- Có gì không bé? Người đàn ông đội chiếc mũ nâu, tóc hoa
râm ngước mắt hỏi tôi.
- Dạ, không ạ. Chỉ là gần tới Giáng sinh, tụi cháu có tổ chức
một bữa tiệc nhỏ và cháu muốn mời chú đến dự tiệc. Mẹ chú đấy ạ?
- Ai cũng hỏi chú như vậy hết. Vợ chú đấy!
Tôi đã nhầm vì tưởng người phụ nữ tóc bạc phơ, gương mặt
nhăn nheo và bàn tay gầy guộc đó là bà cụ. Có ai ngờ “bà cụ” chỉ mới…47 tuổi.
Sau vài câu thăm hỏi, chú bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện đời
hai vợ chồng chú. Thật ra, hai vợ chồng chú là người Sài Gòn, có nhà cửa đàng
hoàng, nhưng chẳng may vợ chú bị tai biến mạch máu não. Chú đã bán hết mọi tài
sản, kể cả chiếc xe ôm là cần câu cơm cuối cùng mà vẫn không sao chữa khỏi bệnh
cho vợ. Cuối cùng, hai vợ chồng dọn ra vỉa hè ở. Từ đó, chú chuyển qua làm phụ hồ.
Ban đầu người ta còn hay gọi nhưng sau đó thấy chú lúc nào cũng kè kè bà vợ tật
nguyền bên cạnh, kể cả khi ra công trường, người ta sợ phải gánh thêm trách nhiệm
nên không dám thuê chú nhiều nữa. Nhưng chú biết gửi vợ ở đâu bây giờ? Bà con,
bạn bè giúp hoài cũng đâm ra chán nản, nói bóng nói gió đủ điều. Chú biết thế
nên không bao giờ tìm đến làm phiền nữa. Hai vợ chồng lại không có con, cho nên
để vợ ở vỉa hè một mình chú không yên tâm. Chuyện thuốc men, ăn uống, vệ sinh
ai lo? Thôi thì làm ít một chút mà vợ chồng vẫn bên cạnh nhau, đó là quan điểm
của chú. Tôi hỏi chú có cần giúp đỡ gì không. Chú cười, im lặng một lát rồi
nói:
- Chú chỉ muốn gửi
vợ vào một nơi nào đó có mái che đàng hoàng để vợ chú không còn phải ngủ ngoài
đường như chú nữa.
Một tuần sau tôi trở lại gặp chú để nhắc ngày giờ của bữa tiệc
Giáng sinh. Tôi hy vọng chú sẽ tìm được sự giúp đỡ nào đó trong số những vị ân
nhân tôi đã mời. Số 279, địa chỉ hai vợ chồng chú thường ngủ đây rồi. Nhưng sao
không thấy võng, không thấy xe lăn. Chỉ có một mình chú nằm sõng soài trên mặt
đất. Hay là chú đã tìm được chỗ để gửi vợ rồi, tôi thầm nghĩ.
Tấp xe vào vỉa hè, tôi đến gần để xem thì thấy chú đã ngủ,
gương mặt rúm ró, hơi thở nặng nhọc. Bên cạnh chú không có gì ngoài một cái
chai. Tôi không biết đó là chai nước hay chai rượu nhưng đã gặp chú rồi, tôi
đánh bạo gọi. Tôi phải lay tới lần thứ tư chú mới hé mắt, mãi một hồi mới nhận
ra tôi. Chú thều thào:
- Bé hả? Vợ chú mất hai ngày rồi bé ơi. Giờ chú chẳng còn gì
cả. Nói xong, chú kéo sụp mũ xuống che mặt như để giấu nỗi đau.
Tôi choáng váng nhận ra mình đã đến muộn nhưng trong cái cảm
giác tiếc nuối cay đắng đó, lòng tôi lại trào dâng một niềm kính trọng sâu xa
dành cho chú. Vợ chú không còn xinh đẹp và bệnh tật liên miên, nhưng với chú,
người vợ ấy là tất cả niềm vui nỗi buồn của chú. Nay chú mất đi người thân duy
nhất, chẳng còn ai để chăm sóc, sẻ chia thì dù có nhàn hơn thật đấy, nhưng cuộc
sống chắc chắn sẽ trống vắng và cô đơn hơn. Tôi muốn mời chú đi dự tiệc Giáng
sinh nhưng chú đã cho tôi nếm một bữa tiệc khác, bữa tiệc của tình người.
Không muốn chạm vào nỗi đau của chú thêm nữa, tôi ra về,
lòng ngổn ngang, tự nhủ mấy bữa sau sẽ quay lại tìm chú. Chỉ có điều, những lần
sau ghé lại, tôi không còn thấy chú ở đó nữa. Chú đi đâu không ai biết nhưng
góc phố ấy mãi nhắc nhớ tôi về một tình yêu chung thủy và cao thượng mà con người
hằng khát khao.
TT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét