Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

27/11/21

[Thắp nến Mùa Vọng] 28/11/2021 – Hy vọng về tình huynh đệ mới

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật tuần I Mùa Vọng)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.


Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhớ chúng ta về một Năm phụng vụ nữa lại bắt đầu trong hành trình đời mỗi người. Chúng ta lớn thêm một tuổi thiêng liêng trong hành trình tương quan với Thiên Chúa.

Mùa Vọng là mùa ngưỡng vọng về Chúa, mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)


HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Giêrêmia – Gr 33, 14-16

14Này, sẽ đến những ngày –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA– Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về nhà Giu-đa.

15Trong những ngày ấy, vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít;
Người sẽ trị nước theo lẽ công bằng chính trực.

16Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp.
Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành:
“ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta!”

Đó là Lời Chúa.

Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.  


HD 1: Suy niệm (đọc chậm rãi)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), tuần thứ nhất mùa vọng gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bài đọc trích sách ngôn sứ Giêrêmia cho thấy niềm hy vọng mà ngôn sứ loan báo cho dân tộc ông -những người đang cùng bị lưu đày như ông- thật lớn lao. Niềm hy vọng về một vị lãnh đạo Công Chính, về một đất nước được hướng dẫn trong lẽ công bằng chính trực. Đất nước được giải phóng. Dân cư được an lạc và đầy lòng tôn thờ Thiên Chúa. Niềm hy vọng đó cũng đang được ươm trồng trong thế giới hôm nay về một tình trạng bình thường mới hậu Covid-19, dù con người vẫn đang lo sợ trước sự đe dọa của biến chủng mới.

Như chúng ta biết, lịch sử trưởng thành của Giáo Hội trải qua nhiều giai đoạn. Khởi đi từ một Nhóm những người tin vào Đức Kitô; các tín hữu này chịu nhiều sự bách hại. Sau khi được xã hội trần thế công nhận, Giáo Hội đã vươn lên ở vị thế thâu tóm mọi quyền lực. Cuộc khủng hoảng quyền bính sau đó đã đẩy Giáo Hội rút về vị thế “lãnh đạo tinh thần”, nên chỉ chú tâm đến những việc đạo đức và thiêng liêng. Từ cuối thế kỷ XIX, một lần nữa Giáo Hội được mời gọi đặt chân mình vào xã hội trần thế, dù không nắm quyền điều hành. Khởi đi từ khi Ðức Lêô XIII ban hành thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) ngày 15 tháng 5 năm 1891 cho đến nay, cùng với tinh thần của công đồng Vatican II, Giáo Hội ngày càng đóng góp phần mình bằng tiếng nói chính thức và các hoạt động vì thiện ích chung cho cả vũ trụ này, dựa trên cái nhìn của thần học sáng tạo và cứu độ.

Mùa vọng năm nay, chúng ta cùng nhau sống tâm tình dấn thân vào xã hội với tầm nhìn của thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em), được đức Phanxicô ban hành ngày 3 tháng 10 năm 2020. Thông điệp xã hội này mở ra một tầm nhìn mang tính vũ trụ nhằm nối kết tất cả các mảnh vỡ giữa người với người, người với muôn vật muôn loài, và người với Thiên Chúa. Hãy cùng mơ về một gia đình nhân loại hợp nhất, nơi đó bạn cùng bước đi với những người khác và muôn vật muôn loài, cùng là con cái chung sống trong ngôi nhà chung là mẹ đất, cùng chung tay đóng góp cho nhau như những anh chị em. (FT 6-7)

Niềm hy vọng này được xây dựng dựa trên lòng tin vào sự tốt lành nơi trái tim con người, nơi ước muốn sâu thẳm muốn nên hoàn thiện. Đây là niềm hy vọng chắc chắn. Nó giúp mỗi người vượt qua nhu cầu tiện nghi và an toàn cá nhân để vươn đến lý tưởng cao vời, làm cho cuộc sống nên xinh đẹp và đáng sống. Hãy bước đi trên con đường hy vọng này. (FT 55)

Niềm hy vọng giúp bạn chủ động hành động, mà không cần chờ người trên phát động phong trào. Trong điều kiện của mình, từ dưới lên, bạn tạo ra một không gian nối kết và một tiến trình thay đổi, giúp cải thiện những xã hội đang gặp khủng hoảng. (FT 77-78)

Niềm hy vọng ấy không bao giờ tắt, ngay cả khi bạn gặp phải những người chai lì đến cùng. Giáo Hội đang mạnh mẽ phản đối và vận động các nước chấm dứt án tử hình là lời chứng về niềm hy vọng đến cùng này. (FT. 269)

(Thinh lặng một chút)


HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên.

Chúng ta cùng thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng.

Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân nuôi hy vọng, sống hy vọng và gieo hy vọng trong mọi môi trường mình hiện diện, nhất là trong thời đại Covid-19 như hiện nay. Cùng xin cho chúng ta biết chủ động xây dựng một lối sống lành mạnh hướng đến sự bình thường mới/ phù hợp hơn với nhân phẩm và cùng đích đời người hơn.


Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Tìm lại màu xanh của nhạc sĩ Thành Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=iV1i_-UHuqo; https://www.youtube.com/watch?v=yPIIZhls7Sc

Hoặc bài Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A


HD 1: Lạy ‘Đấng Công Chính nối nghiệp Đa-vít’, xin Ngài ngự đến. Xin nhập thể vào vũ trụ đã được tạo dựng trong Ngài. Xin quản trị vũ trụ này theo lẽ công bằng chính trực. Xin giải thoát chúng con khỏi những chán nản, trầm cảm và tuyệt vọng. Xin ban cho chúng con niềm an lạc vì có Chúa là thành bảo vệ chúng con. Ước gì chúng con không bao giờ tự đánh mất niềm hy vọng nơi bản thân, nơi người khác, và trong mọi môi trường đang bao bọc chúng con, từ tiểu vũ trụ cho đến đại vũ trụ. Chúng con cầu xin trong danh Đấng Công Chính nối nghiệp Đa-vít’, là Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.  

24/11/21

[Chuyên mục Tâm Điểm Giêsu] Mở thêm bài hướng dẫn cầu nguyện cho thứ bảy

Bạn thân mến, 

Hai năm qua, chuyên mục Tâm điểm Giêsu đã có bài Hướng dẫn cầu nguyện cho ngày thứ tư. Giờ đây, khi năm Phụng vụ 2022 bắt đầu, chúng tôi bắt tay vào viết thêm bài hướng dẫn cho ngày thứ bảy. Như thế, bạn sẽ có hai bài hướng dẫn để cầu nguyện trong một tuần. Từng bước một, chúng tôi ước mong có thể viết đủ hết các ngày trong tuần, và của các Chúa Nhật năm A-B-C, để những tâm hồn tìm kiếm Chúa có thêm chút chất liệu định hướng trong cầu nguyện. Xin các bạn hiệp ý cầu nguyện cho dự định tốt lành này.

Bài Hướng dẫn cầu nguyện đơn thuần là một bản đồ đơn giản giúp bạn bám theo để thực hiện giờ cầu nguyện của mình theo lối cầu nguyện Linh thao.[1]

Ngoài cách dùng nó để thực hiện giờ cầu nguyện theo đúng ngày, bạn tự do sử dụng bất kể bài nào để cầu nguyện theo nhu cầu riêng của mình. Chỉ cần bạn nhớ khái niệm bài Hướng dẫn cầu nguyện được trình bày trong đoạn viết trên là đủ; để bạn đừng đọc nó cách lướt qua cho biết thêm ý tưởng. Ý tưởng và trải nghiệm trong cầu nguyện là hai điều hoàn toàn khác nhau. Ý tưởng giúp mở mang kiến thức và đánh giá so sánh. Trải nghiệm trong cầu nguyện gắn kết chính bạn với Thiên Chúa của mình; tạo nên mối tương giao thân tình và ân nghĩa giữa một thụ tạo và Đấng Tạo Hóa.

Vậy nên, mời bạn cầm bản đồ lên và tự bước đi. Nó cần lắm sự quảng đại, trung tín, nỗ lực và sáng tạo của bạn trong từng giờ cầu nguyện. Nguyện chúc bạn đi đến được điểm hẹn với Giêsu, và luôn có Giêsu trong trái tim mình. 

Kính dâng chuyên mục Tâm điểm Giêsu dưới sự bảo trợ của các Thánh Tử đạo Việt Nam.

AMDG

24/11/2021

Ảnh: Internet


[1] Để tìm các bài Phương pháp cầu nguyện theo lối Linh thao, bạn gõ vào ô tìm kiếm của Blog này từng cụm từ sau: Phương pháp suy niệm, Phương pháp chiêm niệm, Phương pháp suy xét, Phương pháp áp dụng ngũ quan, Phương pháp phục niệm, Ba Phương pháp khác.

23/11/21

Thứ tư 24/11/2021– Lễ Thánh Tử đạo Việt Nam: Nghịch lý (Lc 9, 23-26)

23Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau khi tiên báo lần đầu về cuộc thương khó, đức Giêsu nói với các môn đệ về điều kiện phải có để đi theo Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm sâu xa những đòi hỏi đầy nghịch lý để đi theo Chúa Giêsu, để tôi biết sống theo các giá trị đó và bước đi theo Ngài cách cụ thể mỗi ngày.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện khác]

Gợi ý cầu nguyện

Bản văn được chọn cho ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Mời bạn suy gẫm từng chữ, từng câu. Áp dụng vào các vị tử đạo để có gương sống cụ thể. Cuối cùng áp dụng vào bản thân để xin ơn sống theo sát Lời Chúa.


Lời Chúa

Vài gợi ý suy niệm

23Rồi Đức Giê-su nói với mọi người:

Lời mời dành cho tất cả mọi người.

“Ai muốn theo tôi,

Ý muốn thể hiện tự do và lòng khao khát của con người.

phải từ bỏ chính mình,

Không phải “mất mình”, hay trở về với hư vô, “tiểu ngã hòa vào đại ngã”, mà là từ bỏ sự quy kỷ, khoái lạc và đam mê tội lỗi.

vác thập giá mình hằng ngày mà theo.

“thập giá” là những bóng mờ (shadows), mảng tối, mảng yếu, những giới hạn bản thân và phận người. Học cách chấp nhận chúng và sống khiêm tốn.

24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;

Nghịch lý nắm giữ và tan biến. Nó giống như việc cố nắm chặt nắm cát trong tay.

Ý muốn quy kỷ là quy về mình, về sự sống thể lý tạm bợ này bằng cách hy sinh tất cả những thứ khác và người khác.

còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 

Nghịch lý mất thì được. Yếu tố quan trọng là “mất mạng vì Tôi” – vì Chúa.

Liều: đòi một sự can đảm buông bỏ, vì biết rằng bạn không thể giữ mãi sự sống đời tạm này.

Chính Chúa sẽ “trả lại” sự sống ấy cho tôi. (x. 2Mcb 7, 29)

25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 

Nghịch lý được và mất. Được cái đời tạm, kể cả thế giới; Mất bản thân mình là không thành toàn, không thành thánh.

26Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi,

Cảm xúc, cảm nhận về Lời Chúa và về chính Chúa. Đánh giá thấp hoặc coi làm đáng xấu hổ.

thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Cảm xúc, cảm nhận, chân nhận của Thiên Chúa đối ứng lại. Đây là một lối nói nhấn mạnh để so sánh mức độ khác biệt giữa con người và Thiên Chúa, cảm nhận của con người và Thiên Chúa. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì không ai được hưởng kiến tôn nhan Chúa. “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được” (Tv 130, 3).

Kết nguyện

Nài xin cùng các Thánh Tử đạo Việt Nam để các Ngài chuyển cầu cho bạn biết sống sát Lời Chúa như các Ngài, thậm chí đến cả hy sinh tính mạng.

Dâng 1 Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.

16/11/21

Thứ tư TN.XXXIII: Ân huệ hay món nợ (Lc 19,11-28)

11Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. 12Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ 14Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’

15“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ 17Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ 18Người thứ hai đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ 19Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’

20Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ 22Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. 23Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ 24Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ 25Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!’ 26– ‘Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.

27“Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’”

28Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu trên đường đến gần thành Giêrusalem. Dụ ngôn nén bạc được lồng thêm yếu tố cuộc chống đối việc phong vương cho thấy Luca muốn ám chỉ việc xét xử trong ngày phán xét.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm sâu xa ân huệ Chúa dành cho tôi, để tôi biết sống lòng biết ơn và biết sinh hoa trái trong từng ngày sống.

Lối cầu nguyện: suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giao nhiệm vụ (cc. 11-14)

Mời bạn dành thời gian suy ngẫm về những điều sau:

- Đức Giêsu đến gần thành Giêrusalem và dân chúng lầm tưởng triều đại Nước Thiên Chúa sắp đến, nghĩa là người ta tưởng Ngài sắp lên làm vua. Ngẫm nghĩ xem bạn đang tìm kiếm một Đấng cứu độ như thế nào cho đời mình?

- Ngài nói về cuộc trẩy đi phương xa của một người quý tộc để lãnh vương quyền. Họ đang mong đợi một vị vua chính trị; và đức Giêsu kể chuyện về một vị vua. Hãy nghĩ xem vị vua mà đức Giêsu nói đến là vị vua theo kiểu nào?

- Rồi nối kết giữa việc “trẩy đi phương xa” với việc ông gọi các gia nhân đến, giao cho mỗi người một nén bạc, tương đương 100 quan tiền – một số tiền khá nhỏ. Mười người đều nhận một món tiền nhỏ như nhau, với lời dặn “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” Người quý tộc/Thiên Chúa giao nhiệm vụ cho bạn rồi “đi vắng” để cho bạn tự do xoay xở làm ăn sinh lợi. Hãy suy nghĩ về nén bạc tài năng, thời gian, sức khỏe, trí lực, tự do, tình yêu... của chính mình; rồi hãy nghĩ về cách thức bạn đã xoay xở để “làm ăn sinh lợi”.

2/ Ân huệ hay món nợ? (cc.15-26)

Đặt mình vào khung cảnh ngày vị vua trở về và gọi các đầy tớ đến trình diện. Nó không là gì khác ngày bạn được gọi ra trình diện Thiên Chúa và báo cáo về chính đời mình.

Hãy xem cách thức những đầy tớ này phát hiện ra hành trình đời mình. Có ba kiểu người:

- Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ (cc. 16-17)

- Người thứ hai đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’ (cc. 18-19)

Hai kiểu người này phát hiện ra vị vua ấy đã tặng vốn và tạo điều kiện cho mình sinh hoa lợi. Đó là bài test để ông giao cho họ điều lớn hơn, tùy vào khả năng quản trị của họ: “cai trị mười thành, năm thành”. Họ không phải trả nợ mà còn được tặng thêm. Họ nhận ra ân huệ nhưng không, tất cả vì chính họ.

- Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ (cc. 20-23)

Kiểu người này sợ “ông phú hộ” và “đức vua” của mình vì nghĩ rằng ông này khắc nghiệt, hẹp hòi, đòi hỏi, trục lợi... nên cố gắng bảo toàn nén bạc, bo bo cất giữ, canh chừng vì sợ mất, sợ bị trừng phạt. Anh ta nhận được bản án như điều anh nghĩ. Nén bạc có phải là món nợ đời bạn? Có phải Thiên Chúa bắt bạn chào đời, giao cho bạn một quỹ thời gian, sức khỏe, tài năng... để bạn phải làm việc, phải khổ cách này cách khác? Bạn có sống trong nỗi sợ hình phạt hỏa ngục? Bạn có nhìn Thiên Chúa là một Đấng hà khắc và trục lợi trên đời bạn? Thánh Têrêsa Hài Đồng nói: Tìm một Thiên Chúa công thẳng sẽ gặp một Thiên Chúa công thẳng, tìm một Thiên Chúa xót thương sẽ gặp một Thiên Chúa xót thương.

3/ Mặc khải (cc. 11.14.15.27.28)

Hãy suy ngẫm về những mặc khải chứa đựng trong câu chuyện dụ ngôn và trong bối cảnh của bài Tin Mừng.

- Đức Giêsu đã đi đến gần Giêrusalem (c. 11), sau đó Ngài dẫn đầu đi lên Giêrusalem (c. 28). Đoạn cuối của cuộc đời Ngài, không huy hoàng như người ta mường tượng về kiểu vua chính trị. Đó là mặc khải về đoạn kết đời Ngài.

- Câu chuyện lồng ghép thái độ khước từ kiểu vua mà đức Giêsu muốn. Những người này chống đối, gởi người đi phản đối. Cuối cùng họ bị xét xử vì thái độ chống đối này. Ai thù nghịch lại Tình Yêu thì sẽ bị xét xử, hay nói cách khác, họ bị chính sự thù ghét xét xử và giết chết. Đây là mặc khải về sự toàn thắng hiển nhiên của Tình Yêu.

- Sự phán xét là điều chắc chắn diễn ra. Nó đơn thuần là một sự “bày ra” trước mặt Thiên Chúa tất cả sự thật về đời mình. Khi đó, trong ánh sáng của Chúa, bạn tự biết mình giống Ngài đến mức nào. Với lương tri ngay thẳng, bạn tự biết mình sẽ chọn chốn nào làm chỗ ở kế tiếp của mình. Đây là mặc khải về đoạn kết đời ta.

Kết nguyện

Soi chiếu đời mình trong ánh sáng sự thật của Lời Chúa để biết cách chọn lựa và thân thưa với Chúa thế nào.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

9/11/21

Thứ tư 10/11/2021: Điều hướng (Lc 17, 11-19)

 11Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người mắc bệnh phong đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi!” 14Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đi ngang qua Samari hướng về Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm sâu xa những ơn lành Chúa ban, để tôi biết sống lòng biết ơn đó trong mỗi ngày sống.

Lối cầu nguyện: chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đức Giêsu hướng lên Giêrusalem (cc. 11-12)

Dân vùng Samari không thân thiện với người Do Thái sống ở miền Bắc Israel là Galilê và miền Nam là Giuđê, do lịch sử kỳ thị nhau. Dân vùng Samari bị khinh thường vì nguồn gốc lai căng cả về chủng tộc lẫn tôn giáo của mình.

Mời bạn nhìn ngắm đôi chân của đức Giêsu đang hướng về Giêrusalem và bước tới. Đôi chân ấy đi đến vùng Samari (miền Trung Israel). Đôi chân ấy đang tiến vào một ngôi làng ở vùng Samari. Ngài bước vào vùng đất mà nhiều người Do Thái không muốn, hoặc không thích đi ngang qua. Ngược lại, dân Samari cũng không muốn nhìn thấy hoặc đón tiếp người Do Thái đi vào trong vùng đất của họ (x. Lc 9, 52-54).

Hãy nhìn ngắm bước chân Ngài và thưa chuyện với Ngài.

2/ Những người bệnh phong hướng về Đức Giêsu (cc. 12-14)

Mời bạn nhìn ngắm bước chân của 10 người mắc bệnh phong. Líu ríu sát vào nhau. Họ cùng nhau tiến về hướng đức Giêsu đang đi tới. Họ đón gặp Ngài. Họ đứng cách xa vì luật không có phép họ tiếp cận gần với người mạnh khỏe. Hãy nhìn ngắm đôi chân hướng về của họ.

Lắng nghe tiếng kêu cứu của họ: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi!” – Bạn hãy cảm nghiệm sự chuyển động trong lòng đức Giêsu khi nghe tiếng kêu cứu tập thể của họ. Họ xin Ngài “rủ lòng thương”, và Ngài đã “động lòng thương”.

Lắng nghe mệnh lệnh đức Giêsu truyền cho họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Và họ vâng nghe.

3/ Điều hướng (cc. 15-19)

Cuộc gặp gỡ của những bước chân, dù chưa chạm vào nhau cũng đủ để tạo nên sự điều hướng cho những bước chân kế tiếp của họ.

Mời bạn chiêm ngắm bước chân hăng hái của 10 người bệnh phong đang hướng về Giêrusalem để thực hiện điều được yêu cầu với ước mong lành bệnh. Những bước chân “vâng nghe” đó đã mang đến cho họ một phép lạ lớn lao ngay trên đường: được sạch bệnh.

Chín người trong số họ tiếp tục bước theo hướng về Giêrusalem để xin “giấy chứng nhận”. Mường tượng xem sau đó họ bước đi theo hướng nào?

Có một bước chân quay ngược lại, hướng về làng ở vùng Samari. Hãy nhìn ngắm bước chân trở ngược lại của anh này. Vừa bước trở về, miệng anh vừa “lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa”. Nhìn ngắm giây phút anh này tìm gặp lại được đức Giêsu. Anh này tiến sát lại, phủ phục xuống để được gần đôi chân đức Giêsu. Miệng không ngớt nói lời cám ơn.

Hãy chiêm ngắm giây phút xúc động ấy. Đức Giêsu cảm kích và rung động vì lòng biết ơn mãnh liệt này; đến nỗi Ngài thốt lên sự tiếc nuối khi thấy chín người kia đã bước theo niềm vui của mình mà quên Thiên Chúa.

Đức Giêsu điều hướng bước chân của anh Samari này: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Đôi chân của đức Giêsu và của anh giao nhau, ngược hướng nhau, nhưng cả hai đều đang “vinh danh Chúa”.

Sau cùng, bạn hãy nhớ lại những cuộc gặp gỡ (với biểu tượng là đôi chân hướng về nhau) mà bạn biết ơn và trân quý đã giúp điều hướng cuộc đời bạn thế nào.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về kinh nghiệm thiêng liêng này và những ơn soi sáng bạn nhận được qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh lạy Cha.

Ảnh: Internet

2/11/21

Thứ tư 3/11/2021: Dứt bỏ và Giữ lại (Lc 14, 24-33)

25Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đám đông đi theo đức Giêsu trên đường lên Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi được biết mở lòng lắng nghe lời mời gọi của đức Giêsu, để tôi biết chọn lựa cách thức đi theo Ngài như người môn đệ đích thực.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

Phân chia bản văn: cấu trúc đồng tâm đối ngẫu

A: Mời gọi dứt bỏ (cc. 24-25)

B: Mời gọi giữ lại (c. 26)

A’: Mời gọi tính toán để dứt bỏ (cc. 27-33)

A/ Mời gọi dứt bỏ (cc. 22-24)

Để suy ngẫm tốt tôi nhớ gợi lại lòng khao khát bước theo đức Kitô của tôi trên hành trình sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Không chỉ có tôi khao khát và bước đi, bên cạnh tôi còn có nhiều người khác.

Đức Giêsu quay lại, đối diện với tôi và những người đang bước đi theo Ngài. Ngài ngỏ lời mời gọi tôi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Hãy suy gẫm về vài điểm sau:

- Dứt bỏ các mối tương quan ruột thịt, thân thiết. Gia đình là Hội Thánh tại gia. Một kết cấu tốt lành do Thiên Chúa thiết định. Chẳng phải là Giêsu đã chọn vào đời bằng việc được sinh ra trong một gia đình, và đã từng gắn bó khoảng 30 năm, tức 90% thời gian cuộc đời Ngài! Vậy khi nào cần từ bỏ? Khi Ngài nhận ra lời mời gọi lên đường thi hành sứ mạng Cha trao. Tương tự, khi tôi nhận ra sứ mạng đời mình ở ngoài gia đình, thì đừng để những mối dây ràng buộc máu mủ giữ chân mình. Hoặc khi phải chọn giữa Chúa hoặc giá trị của Chúa, mà đi ngược lại với ý muốn của gia đình thì tôi được phép dứt bỏ.

- Dứt bỏ sự sống mình. Lạ chăng? Chẳng phải “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống” sao? (thánh Irênê). Thực tế, không ai giữ lại được mãi sự sống thể lý (sinh học). Mọi người đều sẽ chết. Chắc chắn cũng không phải là dứt bỏ sự sống đời đời – điều mà Thiên Chúa hằng mơ ước cho từng người khi tạo sinh mỗi người từ hư vô. Nghịch lý ở đây là: chớ có yêu sự sống thể lý đến độ từ chối bước đi theo thầy Giêsu và những đòi hỏi của Ngài vì sợ khổ, sợ hy sinh, sợ mất mình, sợ sẽ bị bệnh và chết.

Thánh Inhã nhắc chúng ta một nguyên tắc: 2“Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình; 3và mọi loài khác dưới đất cùng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cứu cánh Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. 4Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thụ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải loại bỏ khi chúng làm cản trở mình đến cứu cánh đó.” (LT 23)

Mời tôi suy xét và chọn lựa cho bản thân về thái độ của mình với các mối tương quan và cả mạng sống mình. Nhìn kỹ xem trong trường hợp phải chọn lựa giữa Chúa và giá trị của Ngài, và những điều này, tôi chọn gì?

A’/ Mời gọi tính toán để dứt bỏ (cc. 27-33)

Để đi đến được kết luận “ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”, đức Giêsu mời gọi người môn đệ làm một cuộc phân định. Hãy dành thời gian để suy gẫm qua hai câu chuyện Ngài kể:

- Chuyện tính toán xây nhà. Lập bản vẽ theo nhu cầu và ước muốn của mình. Tính toán sự tiện ích, thẩm mỹ, và tài chánh. Có khi còn tính luôn nhà thầu và cách thức giám sát công trình... Tôi có đủ sức thực hiện bản vẽ mơ ước đó không? Hay phải từ bỏ bản vẽ mơ ước, hoặc thích nghi bản vẽ vào trong khả năng thực tế của mình; để không rơi vào tình trạng “đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Đây là chọn lựa dứt bỏ trong “thời bình” khi tôi cảm thấy an ổn. Hãy duyệt xét xem lúc an ổn tôi có từng hoặc cần chọn lựa dứt bỏ điều gì để theo Chúa sát hơn?

- Chuyện tính toán giao chiến. Như một người cầm quân đi giao chiến, tôi phải tính toán về số lượng binh sĩ, nội lực và kỹ năng tác chiến của quân ta và quân địch, lợi thế về địa hình, vũ khí... Đây là chọn lựa dứt bỏ trong thời “thời chiến” khi tôi bị khủng hoảng hoặc phải làm những chọn lựa khó khăn. Hãy duyệt xét xem lúc gặp khủng hoảng hoặc căng thẳng tôi có từng hoặc cần chọn lựa dứt bỏ điều gì để theo Chúa sát hơn? Tôi có “cầu viện” từ nguồn nào khác để đủ sức mạnh mà dứt bỏ, hoặc làm quyết định chiến đấu; hoặc đi “cầu hòa”?

Đây là cách thức giúp tôi chủ động đọc các dấu hiệu trong đời mình để nhận ra mình đang ở đâu trong tương quan với Chúa, và sẵn sàng dứt bỏ bất cứ điều gì ngăn cản tôi bước theo Ngài sát hơn: một sự dứt bỏ được chọn lựa có chủ tâm.

B/ Mời gọi giữ lại (c. 26)

Điểm B trong cấu trúc đồng tâm đối ngẫu là trọng tâm, là đích đến của những lớp bao quanh. Đây là lời mời gọi giữ lại: “vác thập giá mình mà đi theo tôi”

Kitô giáo mời gọi con người tu luyện để đạt đến đỉnh cao của nhân vị mình trong đức Kitô, chứ không phải là mất mình, hay hòa tan vào trong Thiên Chúa. Càng gần Chúa, tôi càng là chính tôi.

Cái tôi được mời gọi giữ lại là chính mình, và thập giá của mình. Thập giá ấy là tất cả những gì nằm trong giới hạn của phận người: sinh-lão-bệnh-tử, bị giới hạn trong không gian và thời gian... Nghịch lý là khi tôi "vác" trọn vẹn phận người như đức Kitô đã vác, thì tôi lại được viên mãn và hạnh phúc đời đời với Ngài.

Đó có phải là đích nhắm của đời tôi, để tôi dám dứt bỏ tất cả một cách có tính toán?

Kết nguyện

Thân thưa với thầy Giêsu về những gì bạn nghiệm được qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. Ảnh: Internet