Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

26/5/20

Thứ Tư 27/5/2020: Khi tôi trở nên đề tài (Ga 17, 11b-19)

11b “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ Ngài trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn.
Ơn xin: Xin cho những điều Đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi được thành sự nơi đời tôi.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy niệm trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và ơn an ủi. Dừng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây. Bạn cũng có thể chọn một hoặc một vài câu muốn chiêm niệm sâu.

Là những môn đệ của thời Phục Sinh, bạn hãy chiêm niệm lại những điều thốt ra từ đáy lòng Thầy Giêsu, để cảm nếm tình yêu cá vị Ngài dành cho bạn.
11b “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.
Cha chí thánh có nghĩa là gì? Chúa Cha trong tương quan với Đức Giêsu thế nào?
Trong danh Cha: Xin Cha hành động vì chính danh Cha, không phải vì công trạng các môn đệ.
Điều Đức Giêsu cầu xin cho bạn: Xin Cha gìn giữ bạn an toàn.
Tại sao an toàn trong Cha thì lại được “nên một như chúng ta” (ý nói về sự nên một giữa Ba Ngôi Thiên Chúa)?

12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 
Đức Giê su đã canh giữ bạn. Bạn có kinh nghiệm gì về điều này?
“Trừ đứa con hư hỏng”/Except the one who chose to be lost (Jerusalem Bible): người này có tự do để chọn lựa điều xấu, làm tổn hại đến mình.
“Ứng nghiệm lời Kinh Thánh”: Có những điều đã được viết ra tiên lượng các trường hợp xấu có thể xảy ra. “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Edekien 18, 23). Không có một tiền định xấu nơi Thiên Chúa dành cho bất cứ người nào. Nơi Ngài chỉ có một tiền định tốt và tổng quát đó là con người được sinh ra để được hạnh phúc đời đời với Ngài.
13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 
Bây giờ: lúc này, hôm nay
Con đến cùng Cha: là đi đâu? Có nghĩa là gì?
Lý do Ngài nói với các môn đệ bây giờ là “để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con”: niềm vui nào?

14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 
Truyền lại lời của Cha là truyền lại điều gì?
Thế gian ở đây nói đến điều gì? Thế gian yêu thích điều gì và thù ghét điều gì?
Bạn thấy mình đang được thế gian yêu mến hay thù ghét?

15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 
Đức Giêsu không muốn tách bạn ra khỏi môi trường xấu, Ngài muốn bạn làm điều Ngài đã làm: ở giữa và thánh hóa môi trường.
“Thế gian” ở đây còn cộng thêm “ác thần”. Bạn không đủ sức để chiến đấu với thế lực thần thiêng (Ep 6, 12). Vậy hãy niệm nguyên câu 15 để cùng với Đức Giêsu nài xin Chúa Cha che chở bạn.
16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Bạn có thấy câu này đúng với bản thân mình không?
17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 
Lời Cha = Lời Chúa = Sự thật. Ở trong Lời Ngài bạn được thánh hiến: làm cho nên thánh.

18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.
Cùng một sứ mạng, cùng một ơn gọi. Bạn cảm nhận thế nào về điều này?

19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Đến lượt mình, Đức Giêsu cũng thánh hiến bản thân để rồi thánh hiến bạn. Thiên Chúa là Đấng “ba lần” Thánh. Bạn được mời gọi tham dự vào sự thánh thiện ấy. Bạn có muốn và sẵn sàng không?

Kết nguyện
Hãy dành thời gian chiêm ngắm Đức Giêsu trong tư thế ngửa mặt lên trời, cầu nguyện cùng Chúa Cha cho bạn và cảm nếm tình yêu mà Ngài dành cho bạn.
Hãy tạ ơn Chúa Cha vì Ngài hằng nghe lời khẩn nguyện của Con Chí Ái và thực hiện điều đó cho bạn.
Đọc một Kinh Lạy Cha.

19/5/20

Thứ Tư PS.VI: Mặc khải tiệm tiến (Ga 16,12-15)

12“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ Ngài đón nhận và sống với Thánh Thần.
Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu thâm sâu về sự mật thiết giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, và cho tôi biết đón nhận và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy niệm trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi. Dừng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây. Bạn cũng có thể chọn một hoặc một vài câu muốn chiêm niệm sâu.

12“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.
Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nên con người hằng tìm kiếm cách thức để nhận biết Thiên Chúa hầu có thể họa lại chính mình theo hình ảnh đó. Dù được ban cho khả năng tiếp nhận Thiên Chúa, nhưng tự sức con người không thể vươn lên và biết rõ Ngài được; trừ phi chính Ngài mặc khải cho.
Kinh Thánh và lịch sử cứu độ là một chuỗi những mặc khải cách tiệm tiến của Thiên Chúa về chính mình dành cho con người. Bạn hãy dành thời gian để nhớ lại những nét chính mà Thiên Chúa đã mặc khải về chính mình cho con người từ Cựu ước và đạt đến đỉnh điểm nơi Đức Giêsu trong Tân ước. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13) – Ngài là Đấng mặc khải hoàn hảo nhất về Thiên Chúa cho con người.

Trước giờ phải ra đi, Đức Giêsu thấy còn quá nhiều điều phải nói với các môn đệ. Sự thật về chính Thiên Chúa quá mênh mông, đến nỗi ngay cả khi được “chiêm ngưỡng tôn nhan” Ngài, con người vẫn không thể khám phá hết được, nên vẫn thú vị đời đời.
Tìm hiểu về Thiên Chúa thì không thể học khóa cấp tốc, vì sẽ không chịu nổi! Bạn có kế hoạch nào để tiếp nhận Thiên Chúa trong đời mình? Hãy xin cho mình được “biết” Thiên Chúa theo nghĩa của Kinh Thánh, tức là “có kinh nghiệm” về Ngài.
Cho đến nay, bạn thấy mình đã mở lòng ra cho sự mặc khải của Thiên Chúa thế nào? Bạn đã “biết” gì về Thiên Chúa?

13aKhi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.
Thần Khí Sự Thật: Thiên Chúa là sự thật. Ngài không bao giờ lừa gạt con người. Ngài sẽ dẫn bạn đến sự thật toàn vẹn/trọn vẹn – khác với sự thật một nửa, hoặc các thông tin bị truyền thông lèo lái theo ý định riêng.
Sự thật nơi Thiên Chúa chỉ có một và toàn vẹn. Bạn cảm nếm thế nào về điều này? Bạn có khao khát đón lấy Thánh Thần để được dẫn đến sự thật đó không?

13bNgười sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.
Đức Giêsu nói: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14, 24b, tương tự Ga 14, 10); hoặc kiểu nói khác: “Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14, 31).
Ở đây, Đức Giêsu nói về Chúa Thánh Thần cũng theo một trật như thế. Vậy Chúa Thánh Thần nghe từ Ai? Nghe điều gì? Ngài mặc khải cho bạn điều gì? Khi nào?

14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.
Chúa Thánh Thần trong câu này mặc khải cho bạn về chính Chúa Giêsu. Nhờ Thánh Thần mà bạn nhận biết và tương quan với một Giêsu sống động, hiện tại.
Đó là cách mà Chúa Thánh Thần tôn vinh Đức Giêsu.

15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.
Chỉ có một Thiên Chúa, nên chỉ có một kho tàng mặc khải. Nhưng các Ngài lại là Ba Ngôi Vị riêng biệt. Bạn cảm nhận sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa thế nào?
Thánh I-nhã đã “nhìn thấy” Thiên Chúa Ba Ngôi trong biểu tượng ba phím đàn (một hợp âm). Bạn có hình ảnh nào để tượng trưng cho Thiên Chúa Ba Ngôi?

Kết nguyện
Hãy dừng lại để chiêm ngắm và tâm sự với Thiên Chúa Ba Ngôi – Đấng luôn tỏ lộ chính mình cho bạn.
Đoạn kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

12/5/20

Thứ tư PS.V: Người môn đệ: gắn kết và sinh hoa trái (Ga 15,1-8)

1“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tâm tình với các môn đệ Ngài về sự gắn kết mật thiết như cành nho với thân nho.
Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu thâm sâu về sự mật thiết mà Thiên Chúa muốn xây dựng với tôi, để tôi biết gắn bó với Ngài hầu có thể sinh hoa trái đời mình như một người môn đệ.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng hình ảnh nông nghiệp để nói về mối tương quan mật thiết giữa Ngài với Cha, giữa Ngài với các môn đệ. Cây nho có rất lâu trong lịch sử con người và rất đa dạng về chủng loại. Là loài thân dây leo hóa gỗ: vừa mềm mại, vừa chắc chắn. Sức tái sinh của cây nho cũng rất mãnh liệt.[1]
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy niệm trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi. Dừng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây. Bạn cũng có thể chọn một hoặc một vài câu muốn chiêm niệm sâu. 
1“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.

Cây nho là thực vật sống. Sống là thật, sao Đức Giêsu lại nói về “cây nho thật”? Điều này liên quan gì đến “Cha Thầy là người trồng nho”?

2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.
“gắn liền” là lấy sức sống từ cây nho Giêsu, nhưng lại không sinh hoa trái – Có gì trục trặc ở giữa? Từ “phía nhận” hay “phía cho”? Làm sao để cải thiện?
Không sinh hoa trái sẽ bị “Cha” chặt đi, hay đó là chọn lựa “lìa cành” của “phía nhận”?
“Cắt tỉa” không ai thích cả. Chịu cắt tỉa là để được sinh hoa trái nhiều hơn: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” (Dt 12, 7)

3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.
Lời Chúa thanh tẩy chúng ta. Bạn đã từng được Lời Chúa nào sửa dạy, thanh tẩy?

4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
Đọc câu đầu (4a) và chiêm nghiệm lời mời “ở lại”, tức là gắn kết với Thầy Giêsu; vì chính Ngài đã “ở lại” trong bạn trước.
Đọc câu sau (4b): nghĩ về cách thức hoạt động của một cây: rễ, thân, cành, lá, hoa, trái. Rồi đem áp dụng vào trong mối tương quan của bạn với thầy Giêsu.

5“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
Câu 4 ở trên vừa nêu một lời mời. Ở đây một lần nữa lặp lại lời mời bằng một hình ảnh và cách nói khác (5a). Về phía Chúa là chắc chắn 100% Ngài ở với bạn, về phía bạn là bao nhiêu phần trăm bạn muốn ở với Ngài?
Có khi nào bạn “nhận vơ” điều gì đó là công lênh của mình (5b)? Thánh I nhã từng quan niệm: “Khi làm hãy làm như thể chỉ có tôi mà không có Chúa. Khi hoàn thành thì hãy biết rằng chỉ có Chúa mà không có tôi.” Điều này được chuyển ý thành: “Mọi sự cho vinh danh Chúa hơn”.

6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
Hãy suy nghĩ về hậu quả của việc chọn lựa “không ở lại trong Thầy”.

7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
Điều kiện thành tựu mong ước đời bạn lệ thuộc vào quyết định “ở lại trong Thầy” hay không. Đức Giêsu là Ngôi Lời. Lời Chúa có đang ở trong bạn?

8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
“Sinh nhiều hoa trái” là kết quả, “trở thành môn đệ” là phương tiện. Nếu vậy cần phải xếp lại thứ tự của câu nói này! Tuy nhiên, cũng có thể chiêm ngắm theo một cách khác: người ta có thể “sinh hoa trái” và trở thành người hiệu năng, nhưng họ không là môn đệ của Thầy. Vậy phải xét xem tôi đang sinh hoa trái loại nào. Hoa trái đó có làm tôi nên người môn đệ? Khi đó việc sinh hoa trái và trở thành môn đệ đều là kết quả. Khi đó Chúa Cha được tôn vinh. Hãy cảm nghiệm niềm vui đó nơi lòng bạn, nơi Chúa Cha.

Kết nguyện
Thân thưa với Chúa Cha là Đấng đã trồng gốc nho Giêsu, và cho bạn được gắn với gốc nho này.
Thân thưa với Đức Giêsu là gốc nho thật đã cung cấp tất cả sự sống làm phát sinh hoa trái đời bạn.
Kết thúc bằng bài hát Chúa là cây nho của Lm. Ân Đức[2] hoặc dâng một kinh Lạy Cha.

5/5/20

Thứ tư PS.IV: Lắng Nghe Lời Chúa (Ga 12,44-50)

44Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối chất với một số người Do Thái về vấn đề đức tin và việc tuân giữ Lời Thiên Chúa được Ngài công bố.
Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu thâm sâu về sự thật nơi Lời Thiên Chúa, để tôi biết đón nhận hầu được sự sống đời đời.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Đặt mình vào bối cảnh: Tin Mừng Gioan đặt chúng ta vào những đối chất khập khiễng giữa sự mặc khải của Ngôi Lời Thiên Chúa với những lý luận của con người. Sau rất nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến ơn tái sinh (Nicôđêmô, Ga 3), thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (Người phụ nữ Samari, Ga 4), công việc của Chúa Con (Ga 5), bánh trường sinh (Ga 6), nước hằng sống (Ga 7, 38), Ánh sáng trần gian (Ga 8, 12), tương quan giữa Cha và Con (Ga 6 – 11), chúng ta đến cuộc tranh luận cuối cùng của Đức Giêsu với người Do Thái về nguồn gốc và sứ mạng của Ngài (Ga 12). Đoạn này nằm cuối chương 12 và là phần Đức Giêsu nói với người Do Thái không tin vào Ngài hoặc mới chớm tin vào Ngài.
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy niệm trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi. Dừng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây. Bạn cũng có thể chọn một hoặc một vài câu muốn chiêm niệm sâu.

44Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi;
Đức Giêsu lớn tiếng nói…” như muốn cho mọi người, nhiều người có thể nghe được. Thánh Augustino từng thưa: “Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con.”
Tin vào Đấng đã sai tôi: Đấng đó là ai? Bạn nghĩ gì về việc tin “dây chuyền”: nghe và thấy Đức Giêsu à Tin vào Đấng đã sai Ngài? Hôm nay bạn có nghĩ rằng tin những điều Giáo Hội rao giảng là tin vào Đức Giêsu? Mà tin vào Đức Giêsu là tin vào Đấng đã sai Ngài?

45ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.
Sự đồng hóa 100%, làm sao điều đó có thể xảy ra giữa Đức Giêsu và Đấng sai Ngài? Bạn có khám phá được điều gì ý vị ẩn tàng dưới câu nói đó?

46Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.
Đức Giêsu là Ánh Sáng. Làm sao để được ở trong Ánh Sáng này? Bạn thấy mình đang ở trong Ánh Sáng hay Bóng Tối?

47Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.

Nghe mà không tuân giữ: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều” (Lc 12, 47). Không phải để bạn sợ hãi lảng tránh việc lắng nghe Lời Chúa, nhưng là đừng giả điếc làm ngơ!
Đức Giêsu không đến để xét xử, nhưng để cứu thế gian: Bạn hãy nghiệm xét điều này thật kỹ cho đến khi hình ảnh Thiên Chúa như một thẩm phán, hay như một “ông Kẹ” được thay đổi nơi bạn. 

48Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.
Chính Lời Chúa là Sự Thật “như lưỡi gươm sắc bén” sẽ xuyên thấu tâm can và phân xử chúng ta. Có Lời Chúa nào đang dấy lên trong bạn và nhắc nhở bạn điều gì? Lương tâm bạn (tiếng nói của Chúa bên trong bạn) có đang tán thưởng hay nhắc nhở bạn điều gì?

49Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.
Có phải Đức Giêsu không có quyền “tự do ngôn luận”? Bạn nghiệm thấy gì về mối thân tình giữa Cha và Con?

50Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”
“Tôi biết”: Mời bạn chiêm ngắm sự xác tín của Đức Giêsu về ý muốn yêu thương của Cha mình. Xác tín đó làm cho Ngài trở nên sứ giả trung thành nhất (the truest messenger).
Bạn hãy niệm câu: “Mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời” cho đến khi xác tín được vào điều đó.

Cuối cùng, mời bạn hãy chiêm ngắm một Giêsu không ngưng nghỉ trao ban những lời mang lại sự sống cho những người tỏ ra không tin vào Ngài, và cho những người chớm tin vào Ngài nhưng vì sợ hãi (hoặc ngại ngùng) chưa dám công khai niềm tin của mình.

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Đức Giêsu và Chúa Cha về những gì bạn được trải nghiệm trong giờ cầu nguyện. Có thể dùng Tv 119, 1-176 để chiêm nghiệm Huấn Lệnh Chúa và tạ ơn Chúa.