Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Hiển thị các bài đăng có nhãn LỊCH SỬ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LỊCH SỬ. Hiển thị tất cả bài đăng

5/12/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (5)

 Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ

1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG V: HY VỌNG

Giữa những thử thách và công việc, cha Cloriviere tiếp tục gìn giữ và trung thành với ơn gọi Dòng Tên của mình. Năm 1814, khi Dòng Tên được tái lập, cha Cloriviere được Cha Bề Trên Cả, lúc ấy còn tị nạn ở Nga, trao trách nhiệm tái thiết nhà Tập và các học viện tại Pháp.

Cha cảm thấy bơ vơ trước một sứ mạng đầy ắp khó khăn: các cơ sở cũ đã hư hỏng nặng và thiếu phương tiện. Dầu vậy, có rất nhiều thanh niên xin gia nhập Dòng mới được phục hồi này. Dù cha đã 80 tuổi, người ta vẫn thấy nơi cha sức năng động đáng nể để tái thiết một chương trình huấn luyện đời tu theo đặc sủng Dòng Tên, cũng như khả năng truyền đạt tinh thần của Định Thức Dòng và những chuẩn tắc của Hiến Luật, giảng Linh Thao 30 ngày cho các tập sinh, tổ chức việc học triết và thần học cho các khấn sinh trẻ.

Năm 1818, cha nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm linh hướng và cố vấn cho hai hội Dòng mà người đã lập. Ngày 09 tháng 01 năm 1820, lúc 4h30 sáng người an nghỉ trước Thánh Thể Chúa. 


12/9/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (4)

                                

Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG IV: CUỘC CHIẾN

Mùa hè năm 1790, trong bầu khí cầu nguyện, cha Cloriviere nhận được ơn soi sáng về một hình thức sống đời tu mới hầu có thể đáp ứng hoàn cảnh và nhu cầu lúc ấy. Ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ năm 1791 chứng kiến sự ra đời của Dòng Linh Mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria. Cha Cloriviere trao phó Dòng nữ cho chị Adelaide de Cicé coi sóc.

Thời gian sau đó là giai đoạn kinh hoàng hậu Cách Mạng. Để có thể phục vụ trong mọi môi trường sống và truyền rao lý tưởng Tin Mừng theo khuôn mẫu của cộng đoàn tín hữu thời sơ khai, hai hội Dòng đã không mang dấu hiệu tu sĩ đặc thù hay một công việc tông đồ chuyên biệt nào. Và cũng để có thể ở lại trong thế gian mà không bị nuốt chửng, nhất thiết phải có một “binh phục” vừa uyển chuyển vừa nghiêm túc. Chiếc áo này không gì khác hơn là Ba Lời Khuyên Tin Mừng và đời sống cầu nguyện liên lỉ.

Trong những năm đầu hai hội Dòng mới được thành lập, cha Cloriviere và chị Adelaide de Cicé đã gặp nhiều rắc rối với nhà cầm quyền đến nỗi suýt mất mạng. Năm 1804, cha Cloriviere bị cảnh sát chế độ Napoléon bắt mà không qua xét xử gì. Suốt 5 năm ngồi tù, người vẫn tiếp tục đồng hành và định hướng cho hai hội Dòng bất chấp những khó khăn của thời cuộc.  





27/6/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (3)

                                

Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG III: KHI QUANG ĐÃNG LÚC BÃO GIÔNG

Vì bị làm khó dễ bên Bỉ, cha Cloriviere trở về Pháp và thi hành sứ vụ tại nhiều cộng đoàn tín hữu và dòng tu khác nhau. Cũng chính trong thời gian này người đã viết tác phẩm « Những nẻo đường cầu nguyện ». Đây thực là một chuyên khảo về đời sống thiêng liêng, kết tinh từ những kinh nghiệm của riêng người.

Được Giám mục giáo phận Saint Malo gọi về làm cha sở xứ Parame và sau đó làm việc ở chủng viện Dinan, người được giáo dân trong vùng biết đến nhờ lòng nhiệt thành mục vụ và kết quả là hoán cải được nhiều tâm hồn. Trong thời gian này, người làm cha linh hướng cho một thiếu phụ tên là Adelaide de Cicé. Cô này đã từ lâu ấp ủ trong lòng một lối sống đời dâng hiến mà thời đó khó có thể thực hiện được.

Cuộc Cách Mạng Pháp nổ ra vào năm 1789 và chính quyền cấm tất cả các hình thức tu trì và khấn dòng công khai. Trong bài giảng ngày 25 tháng 03 năm 1790, cha Cloriviere đã can đảm phản đối lệnh cấm này và bênh vực sự thánh thiện cũng như lợi ích của đời tu. Ngay lập tức người bị bắt. Sau vài ngày người được thả, nhưng bị cấm không cho thi hành tác vụ linh mục nữa.






23/5/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (2)

                       

Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG II: THỬ THÁCH

Được huấn luyện dần dần trong tinh thần Dòng Tên, năm 1758 thầy Pierre-Joseph Clorivière tuyên khấn lần đầu. Cũng trong thời gian này, chiến dịch bôi bác và bách hại các cha Dòng Tên (còn gọi là Giêsu hữu) lan rộng khắp nước Pháp. Tuy nhiên, điều này đã không làm nhụt chí dấn thân vào Dòng của thầy.

Năm 1762, các Giêsu hữu bị trục xuất khỏi nước Pháp. Thầy Pierre-Joseph trẩy đi Liège (Vương quốc Bỉ) để sống chung với các anh em gốc Anh. Thầy học thần học ở đây và sau đó lãnh tác vụ linh mục. Sau khi hoàn tất năm huấn luyện cuối cùng, còn được gọi là năm “Tập Ba” và một thời gian làm tông đồ tại Anh, cha Clorivière được cử làm phụ tá Giáo Tập ở Grand (Bỉ). Năm 1772, cha được chuẩn nhận khấn cuối trong Dòng. Lời khấn này xác chuẩn long trọng và vĩnh viễn cha là một tu sĩ Dòng Tên. Một năm sau, Đức Thánh Cha Clêmentê XIV giải thể Dòng Tên trong Hội Thánh.

Cha Clorivière cảm nghiệm đau đớn cơn thử thách này, nhưng người quyết trung thành với ơn gọi Dòng Tên của mình. Từ đây, cuộc đời của người sẽ là hành trình tìm vinh danh Chúa hơn trong cuộc thương khó của Dòng. Người sẽ làm tất cả trong tinh thần Linh Thao của Thánh I-nhã, tức kinh nghiệm thiêng liêng đã làm hoán cải trái tim người.




25/4/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (1)


Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG I: TIẾNG GỌI

Pierre-Joseph de Cloriviere chào đời ngày 29 tháng 06 năm 1735 tại Saint Malo, xứ Bretagne, Pháp. Xuất thân từ một gia đình thương mại đường thủy giàu có và nhiều ảnh hưởng trong vùng từ hơn hai thế kỷ. Pierre-Joseph từ nhỏ đã không ít lần chứng tỏ thừa hưởng sự thông minh và tinh thần mẫn cán từ gia đình.

Từ nhỏ, cậu đã sớm mồ côi cha mẹ. Gia đình gửi cậu vào trường nội trú dành cho học sinh người Anh của các cha Dòng Bức Đức ở Douai. Khi học xong trung học, nhiều con đường sự nghiệp mở ra trước mắt chàng thanh niên đạo đức này. Sau một lần thử dấn thân vào đời thủy thủ chàng nhận ra đó không phải là con đường của mình.

Chàng lên Paris để học luật và chính trong thời gian này chàng khám phá ra ơn gọi linh mục. Một thời gian sau, trong một cuộc gặp gỡ, chàng hiểu rằng Chúa muốn gọi chàng gia nhập Dòng Tên. Gia đình phản đối nhưng chàng đã nhanh chóng thuyết phục được họ. Chàng vào Tập Viện Dòng Tên ngày 14 tháng 08 năm 1756. 





23/10/20

Adelaide de Cice: Mẹ của người nghèo (5)

Năm 1789 cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ như một cơn vũ bão. Nó không chỉ đảo lộn chế độ hoàng gia mà còn thách đố cả đời sống đạo.

Nhà nước đã trưng dụng trường Dinan khiến Cha Clorivière không còn nơi làm việc.  


Cha sẽ làm gì đây?

Cha nghĩ tới việc qua Mỹ.

Nhưng ngày 19 tháng 07 năm 1790, sau giờ cầu nguyện sáng, khi Cha đang nghĩ về việc tái lập Dòng Tên ở Mỹ, thì một giọng nói vang lên rất rõ ràng trong thâm tâm Cha: “Tại sao không ở Pháp? Tại sao không trên toàn thế giới?” Và ý tưởng về một dòng tu sống như những Kitô hữu tiên khởi cho cả nam và nữ ra đời.

 

Cha Clorivière trình bày ơn linh hứng cho Đức Giám mục Pressigny. Đức Cha quyết định Cha Clorivière nên ở lại Châu Âu để có thể thực hiện kế hoạch mà Chúa Thánh Linh đã đặt để nơi Cha. Bên cạnh đó, Cha Clorivière cũng nhận thấy Marie Adelaide đã được Thiên Chúa gợi mở về một lối tu tương tự như ơn linh hứng của Cha từ lâu rồi. Vì vậy, Cha mời Adelaide đến Dinan ở và trao phó Dòng Nữ cho chị Adelaide phụ trách.




Vào một buổi sáng ngày 2 tháng 2 năm 1791, Cha Cloriviere cùng với sáu linh mục khác đi lên núi Montmartre. Tại đây, họ cử hành thánh lễ. Trước lúc rước lễ, Cha Cloriviere nghe mỗi linh mục bằng giọng trầm nhỏ đọc lời khấn hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa. Cũng ngày hôm đó, bốn phụ nữ tại Paris, bốn người khác tại St. Malo, ba người tại Parame và một mình Adelaide tại Dinan đã làm nghi lễ hiến dâng lên Thiên Chúa. Ngày đó, Dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và Dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria (DHM) chính thức chào đời.

Dòng DHM có tất cả 12 người. Hạt giống bé nhỏ đã được gieo vào lòng đất. Hạt giống đó sẽ từ từ nảy mầm, lớn lên và trở thành một cây to, các nhánh tỏa rộng ra toàn thế giới.






 

 

 

21/9/20

Adelaide de Cice: Mẹ của người nghèo (4)

Từ buổi đầu gặp gỡ vào ngày 4 tháng 8 năm 1787, Adelaide đã có một lòng tin rất mạnh mẽ vào cha Clorivière nên chị đã không ngần ngại bày tỏ cho cha biết về kế hoạch đời tu của mình.

Cha Clorivière tin rằng Adelaide có ơn gọi tu trì, nhưng đời tu mà chị phác thảo ra quá hiếm hoi và khác thường đến nỗi cha không thể có sự phê chuẩn nào ngay lập tức được. Tuy nhiên, sau một thời gian cha Cloriviere cho phép Adelaide thử nghiệm đời sống này. Cha giới thiệu chị đến Tập viện của Dòng Nữ Tỳ Thánh Giá tại Saint Servan để được Mẹ bề trên - Marie Giêsu huấn luyện cho lối sống rất đặc biệt này.

Ngày 8 tháng 9 năm 1788, Adelaide đến tu viện này. Ngày 4 tháng 10 năm đó, một Sơ trong Dòng viết: “Adelaide ăn mặc rất bình thường, một chiếc ao len đen may kiểu đơn giản như áo của những phụ nữ lao động khác”.

Ngày chúa nhật, chị mặc thêm chiếc tạp dề màu đen và đội một chiếc nón nhỏ cũng may kiểu đơn giản. Vào các ngày thường, chị mặc chiếc sơ mi và váy màu đen cùng với chiếc tạp dề vải kate xanh. Chị mặc như thế ở phòng khách khi tiếp những người nghèo hoặc người bất hạnh đến gặp chị nhờ giúp đỡ. Những khi họ không thể đến với chị, chị tự tìm đến lều của họ và thường bắt gặp họ nằm trên nền đất hoặc trên đống rơm thô. Chị sẽ trở về mang rơm tươi cùng với áo ấm và thức ăn đến cho họ.

Chị vác quần áo, vải ren, vớ, khăn tay, dép và đi thẳng đến những người nghèo nhất trong vùng. Chị hay đón tiếp và thăm viếng người nghèo. Chị thường dừng lại, ngồi xuống bên cạnh người ốm đau, yếu đuối, thương tật; những người thủy thủ già và ngư dân; những công nhân nghèo hoặc các góa phụ, trẻ con là những người mà chồng, cha đã mất tích ngoài biển khơi. Những lời của chị mang lại cho họ nhiều an ủi hơn là các tặng phẩm. Đôi khi, chị mang tới cả các thanh củi đã được chẻ sẵn cho các cụ già. Chị đốt lò, rồi như một người con trong gia đình, chị qui tụ mọi người lại ngồi quanh để sưởi ấm. Hơn nữa, chị cũng rất quý trẻ con. Chị nhìn thấy trong chúng sự nghèo hèn của Trẻ Thánh làng Nazareth xưa.

Để chống lại lối suy nghĩ vô thần đang lan tràn khắp nơi, chị thường tặng sách đạo, hình thánh giá hoặc các tấm ảnh nhỏ về Mẹ Maria mỗi khi chị tới một nơi nào đó. Các bạn chị bắt đầu kháo nhau quyên góp tiền để giúp chị vì họ cảm nhận được lòng nhân hậu và tình thương lớn lao chị dành cho mọi người.

Cha Clorivière thường nói với chị: “Vâng phục - Bác ái – Cầu nguyện sẽ giúp con có được mọi thứ”. Cha mạnh dạn khuyên: “Những đức hạnh này sẽ giúp con can đảm nhận lấy thử thách để tiến bước trên con đường dài đi tới sự hoàn thiện. Đức vâng phục xóa hết mọi sợ hãi. Lòng bác ái sẽ luôn làm cho đời sống con giàu lên với những niềm vui mới. Lời cầu nguyện sẽ mang con đến gần Chúa hơn. Con sẽ tìm thấy nơi Ngài sức mạnh và sự vững vàng mà con không tìm thấy nơi con”.

Khi các bạn thúc giục chị trở về Rennes, cha nói: “Hãy bắt chước thánh Giuse, lấy những lời thiên sứ nói với thánh nhân trong cuộc chạy trốn sang Ai Cập như nói với con: “Hãy ở lại đấy cho đến khi Ta bảo ngươi đi”.

 



7/9/20

Adelaide de Cice: Mẹ của người nghèo (3)

Ơn gọi là một con đường

để bước theo,

một con đường

như luồng sáng,

như vì sao…

Thiên Chúa đã tỏ cho Adelaide thấy con đường chị sẽ bước theo để đến với Ngài vào năm chị 25 tuổi.

Đó là những ngày cuối tháng 09 năm 1776, khi Adelaide làm tĩnh tâm tại Rennes, chị cảm thấy ơn Chúa tràn đầy cõi lòng nên đã viết:

Lạy Thiên Chúa của con, con chẳng diễn tả hết bằng lời lòng biết ơn sâu xa của con về tình yêu Ngài, tình yêu đã tuôn đổ trên con; những ơn huệ quí báu mà Ngài đã ban cho con hôm nay bởi lòng nhân hậu Ngài…

Con chỉ ước ao điều Ngài ao ước, lạy Chúa Giêsu, Đấng thánh của con…

Con khấn xin Ngài hãy dùng con – Adelaide nghèo hèn – để làm bất cứ điều gì vui lòng Ngài. Con yêu Ngài, lạy Chúa Giêsu, Đấng phu quân của con, Ngài đã ký giao ước này bằng máu con”.

Rồi chị lập một kế hoạch sống cho những ai khao khát dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa; sống đời khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, có đời sống cầu nguyện như ở dòng Thăm Viếng, nhưng không mặc tu phục, và có thể ra ngoài để chăm sóc cho các bệnh nhân cũng như giúp người nghèo.



Trong 13 năm tiếp theo, Adelaide sống cầu nguyện và nhiệt tâm chăm sóc các bệnh nhân và người nghèo. Cuộc sống của chị là một hành trình đầy thách đố, với những dò dẫm và kiếm tìm bởi vì chị vẫn trung thành giữ ý tưởng ban đầu.

Chị vâng lời mẹ mình như vâng lời bề trên. Khi mẹ chị lâm bệnh, Adelaide chăm sóc mẹ tận tụy bất kể ngày đêm cho đến khi bà về với Chúa. Lúc đó Adelaide đã 34 tuổi.


Trong lúc chờ đợi Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài rõ ràng hơn, Adelaide càng tỏ ra mình là “một hiền thê của Chúa Giêsu Kitô” hơn bằng đời sống cầu nguyện, và là “Mẹ của người nghèo” bằng lòng nhiệt thành vô biên với các công việc bác ái…

Adelaide quảng đại giúp đỡ đến nỗi đổ bệnh. Chi bắt đầu ho ra máu. Anh của chị, Giám mục xứ Auxerre, khuyên chị đi Dinan để tịnh dưỡng và dùng nước khoáng ở đó mà chữa bệnh.


Chị ra đi mà lòng nặng trĩu, nhưng chính tại đó Thiên chúa đã chuẩn bị để ban cho chị một trong những ơn tuyệt vời nhất - một cuộc gặp gỡ - đã được chuẩn bị từ lâu, đó là cuộc gặp gỡ với vị linh hướng, Cha Clorivière,S.J.

26/4/20

Adelaide de Cicé - Mẹ của người nghèo (2)


“Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp con
Thuyền con bé nhỏ, mà biển cả thì mênh mông”
Breton Prayer

Năm Marie Adelaide khoảng 19-20 tuổi, chị bị hấp dẫn bởi các thú vui thế trần, và bắt đầu hưởng thụ những quyết rũ của cuộc đời. Kết quả là đời sống thiêng liêng của chị bị ảnh hưởng. Một người bạn có tâm hồn nhiệt thành sốt sắng đã đến gặp Adelaide. Trong tinh thần cởi mở và bác ái, người bạn này đã khuyến cáo Adelaide về những gì đang xảy ra với chị. Adelaide đáp lại: “Nhưng tôi vẫn giữ các điều răn”. Tuy nhiên, lời nhận xét của bạn đã khiến Adelaide suy nghĩ và chị đã sớm kéo mình ra khỏi tất cả các vui thú đó.

Một thời gian ngắn sau đó, chị vào Tập viện của dòng Thăm Viếng nơi chị đã từng theo học. Ở đó chị có thể theo đuổi đời sống chuyên cần cầu nguyện và kết hợp với Chúa. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành tông đồ và tình yêu đối với người nghèo, với bệnh nhân đã khiến chị thao thức, và chị đã rời tu viện.

Khi quay về với cuộc sống thường nhật, có nhiều chàng công tử tìm đến cầu hôn Adelaide, nhưng chị từ chối tất cả. Chị quyết tâm chỉ thuộc về Chúa mà thôi và dâng hiến trọn cuộc đời chị cho Ngài.

Cũng trong thời gian này chị gặp một vị linh mục tốt lành, Cha Abbe Boursoul. Cha linh hướng cho chị trong vòng 5 năm, và sau mỗi lần xưng tội chị ghi lại các lời khuyên của Cha.



Vào thứ hai tuần lễ Phục sinh năm 1794, khi Cha Boursoul đột ngột qua đời, Marie Adelaide viết: 
“Lạy Chúa, vị linh mục thánh thiện này đã nói với con nhân danh Chúa rằng con đã được dành sẵn để trở nên:
Một người Mẹ của người nghèo.
Một hiền thê của Chúa Giêsu Kitô.
Một thiên thần trong thế giới này và mai sau.
Ôi một vận mệnh hạnh phúc dường nào!
Lạy Chúa xin ban cho con, ơn phúc để thực thi sứ mạng này. Xin mãi mãi khắc vào tim con những huấn lệnh mà chính Người đã tỏ lộ cho con qua Cha Boursoul, và Cha đã cho con biết thánh ý Chúa nơi con."

15/11/19

Adelaide de Cice - Mẹ của người nghèo (1)



Vào ngày 5 tháng 11 năm 1749, thời Vua Louis thứ 15 ở Pháp, tại thị trấn Rènnes vùng Brittany, một bé gái đã được sinh ra. Em là con thứ 12 của ông bà Cicé. Cha em là một đại úy kỵ binh trong trung đoàn Brittany.

Phương châm của gia đình là: “Phần thưởng dành cho người dũng cảm nhất”.

Mẹ em không còn trẻ, vì thế khi mang thai Adelaide, bà rất lo lắng khi biết rằng sẽ có thêm một thành viên nữa trong gia đình. Tuy nhiên, một linh mục, bạn của gia đình đã lên tiếng an ủi bà: 
“Đừng lo lắng, thưa bà. Một ngày kia đứa trẻ này sẽ là nguồn an vui cho bà”. Cô bé được rửa tội ngay trong ngày chào đời và được đặt tên là Marie Adelaide de Cicé

Tháng 11 năm 1750, cha của em, Ngài Jerome de Cicé qua đời và được chôn cất tại giáo xứ thánh Aubin. Từ đó trở đi, ngay khi còn là một đứa trẻ, Adelaide đã chứng kiến nhiều đau buồn, nước mắt hơn nụ cười.

Năm lên 6 tuổi, Adelaide và một người em họ bị mắc bệnh đậu mùa. Một ngày kia, khi nghe người em họ than phiền, Adelaide đã nói với người em họ rằng: “Chúng ta không nên than phiền, chúng ta phải cố gắng dâng những đau đớn của chúng ta lên cho Chúa”.

Bốn năm sau, Adelaide lãnh nhận bí tích Thánh Thể tại tu viện Dòng Thăm viếng ở Rennes. Từ giây phút đó trở đi, em cảm thấy Chúa mời gọi em phục vụ Người qua một cách thức hết sức đặc biệt. Điều này làm trái tim em bừng cháy tình yêu dành cho Chúa và cho mọi người. Những năm tiếp theo, em thường dùng tiền tiết kiệm của mình để đóng học phí cho 6 cô gái đang học nghề, nhằm giúp họ chuẩn bị cho cuộc sống sau này.

Em phác thảo một Kế Hoạch Sống cho mình như sau:
Sáng sớm, tôi sẽ dâng những suy nghĩ đầu tiên lên Chúa. Ngay khi thức giấc, tôi sẽ ra khỏi giường không một phút chậm trễ. Rồi tôi sẽ cầu nguyện. Tôi sẽ chiêm niệm khoảng 15 phút trước khi tham dự Thánh Lễ.

Tôi sẽ tập trung học hành.

Tôi sẽ thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa.

Tôi sẽ không ăn nói thô lỗ với bất kỳ ai.

Tôi sẽ luôn nói năng dịu dàng.
Mỗi ngày tôi sẽ làm một hành động sám hối nhỏ để tôn vinh năm dấu thánh của Chúa. Nếu có thể, tôi sẽ viếng Thánh Thể mỗi ngày. Tôi sẽ làm công việc nhà cẩn thận. Sau lời cầu nguyện tối, trước khi lên giường ngủ, tôi sẽ giữ thinh lặng. Khi đã sẵn sàng cho giấc ngủ, tôi sẽ hướng suy nghĩ mình tới cái chết. Tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ những điều trên với sự trợ giúp của ơn Chúa. Nhờ ơn Ngài, tôi có thể làm mọi điều. Nếu không có ơn Chúa, tôi chẳng có thể làm được gì cả.”
Khi được 15 tuổi, em thường kết thúc các lá thư của mình bằng những lời sau:
“MỌI SỰ ĐỂ VUI LÒNG CHÚA, KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ 
THỎA MÃN CHÍNH CHÚNG TA.”



27/7/19

Lịch sử hình thành Dòng





Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria được thành lập năm 1791 tại Paris, Pháp. Đây là sự kết hợp ơn soi sáng giữa mẹ Adelaide de Cice và cha Pierre de Cloriviere.



Ngay từ lúc còn nhỏ, Adelaide de Cice (1749-1818) đã ao ước tận hiến cho Chúa trong đời tu nhưng lại có thể phục vụ những người đau khổ bên ngoài tu viện. Vào năm 1785, mẹ phác thảo lối nhìn này trong bản Kế Hoạch.

Vào sáng ngày 19 tháng 7 năm 1790, một thời gian sau khi cuộc Cách Mạng Pháp nổ ra, cha Pierre de Cloriviere, S.J. (1735-1820) nhận được ơn soi sáng: “Một ý nghĩ chợt bừng sáng và lay động tôi. Nhanh như tia chớp, nhưng lại thật chi tiết đến mức tuyệt vời. Cả một lối sống được tỏ lộ cho tôi cách rõ ràng, như tôi vừa phác thảo lại.” Bản phác thảo này đã được trình với Đức Giám Mục và được ngài ủng hộ.

Vào ngày 18 tháng 8 năm 1790, khi đang hoàn chỉnh bản phác thảo về một hội dòng cho nam giới, cha cảm thấy được thúc giục về việc viết một bản kế hoạch sống cho nữ giới. Bản kế hoạch này có nhiều điểm chung với bản Kế Hoạch của Adelaide de Cice.

Ngày 2 tháng 2 năm 1791, những thành viên đầu tiên của dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria đã làm nghi thức dâng hiến tại nhà thờ Montmart, Paris và tại Brittany. Cùng ngày hôm đó, Hội Dòng chính thức được thành lập với Bản Cam Kết Thánh hiến (Act of Consecrations) do các thành viên ký. 

Tháng 11 năm 1791, cha mời cô Cice đến Paris để hướng dẫn cho các chị em.

Vào ngày 19 tháng Giêng năm 1801, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã chuẩn nhận bằng lời cho Hội Dòng mới này.

Ngày 24 tháng 4 năm 1857, Đức Giáo Hoàng Piô IX châu phê chính thức bằng văn bản và công nhận đây là Hội Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng, mang tên Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria.

Ngày 18 tháng Giêng năm 1890, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã chuẩn y Hiến Pháp lần cuối cho Hội Dòng.

Trung thành với đặc sủng, Hội Dòng tiếp tục phục vụ Giáo Hội và thế giới tùy theo nhu cầu của nơi chốn và thời đại.

Nắm men nhỏ bé Thiên Chúa đã vùi vào trong đấu bột nhân loại từ cuối thế kỷ XVIII nay đã lan rộng trên 30 nước để tiếp tục sống sứ mạng làm men làm muối ướp trần gian.

25/4/19

Tiểu sử Mẹ sáng lập Adelaide de Cice


Vị Đồng Sáng Lập Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Hãy khám phá cuộc đời của cô gái trẻ đến từ một gia đình quyền quý, người đã trở thành vị đồng sáng lập của một lối tu trì mới. Đối mặt với thời kỳ bão tố của cuộc Cách Mạng Pháp, cùng với các bạn cùng chí hướng, cô đã can đảm dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và phục vụ người nghèo.


Thiếu thời
Adelaide sinh ngày 5 tháng 11 năm 1749 tại Rennes, miền Tây Bắc nước Pháp, trong một gia đình quý tộc. Cô là con thứ 12 của ông Jerome de Cicé và bà Marie de Varennes. Khi mang thai cô, mẹ cô đã rất lo lắng, nhưng cha linh hướng của bà an ủi rằng: “Bà đừng sợ! Cháu bé sẽ là niềm an ủi cho bà sau này”.
Lúc Adelaide chưa đầy một tuổi thì cha qua đời, để lại gánh nặng nuôi dạy con cái cho người mẹ sức khỏe yếu kém. Tuy nhiên, bà thường nói với cô về Chúa Giêsu và sự tốt lành của Ngài, nên Adelaide đã hướng lòng lên Chúa ngay từ những ngày còn rất nhỏ.
Thời gian dần trôi, Adelaide lớn lên dưới mái nhà của gia đình ở Rennes và dần nhận ra quanh cô có rất nhiều người nghèo. Cô muốn chăm sóc họ và càng phục vụ, cô càng say mê công việc này.
Khi 15 tuổi, Adelaide một mình chăm sóc mẹ già bởi vì các anh chị đã lần lượt đi xa. Cô trở thành nguồn an ủi cho mẹ đúng như lời đã tiên báo. Hai mẹ con rất gắn bó với nhau và thường tham dự các khóa tĩnh tâm chung.

Kiếm tìm một con đường
Adelaide sớm nhận ra cô có ơn gọi dâng hiến nhưng cô tìm kiếm một đời tu vừa có thể ra ngoài phục vụ người nghèo lại vừa sống triệt để ba lời khấn tu trì. Vào thời điểm đó, tu sĩ chỉ sống trong tu viện chứ không ra ngoài phục vụ, cho nên ao ước của Adelaide là điều không tưởng. Vì quá khao khát dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa nên tháng 4 năm 1777, cô vào Nhà Tập dòng Thăm Viếng tại Rennes. Do không thể xa con gái, mẹ cô cũng chuyển vào trọ trong Dòng nhưng không được bao lâu, anh trai của cô là Jean Baptist, Giám mục Auxerre, đã buộc cô phải trở về nhà để tiếp tục chăm sóc mẹ.
Trở về nhà, cô sống những năm dài phục vụ mẹ với tất cả tấm lòng cho đến khi bà qua đời vào ngày 17 tháng 1 năm 1784. Khi ấy, Adelaide đã 35 tuổi. Đối với cô, đó là khởi đầu của một đời sống mới.
Còn lại một mình với khao khát trở nên một tu sĩ và phục vụ người nghèo, Adelaide đến ở với các Nữ tu dòng Cát Minh vài tháng. Cô thích dành thời gian để ở lại với Chúa Giêsu nhưng cô cảm thấy một sự thúc đẩy cô đi phục vụ người nghèo. Cô tham gia nhóm “Qúy Bà Phục Vụ Bệnh Nhân Nan Y”; nhưng lại không tìm thấy một cộng đoàn tu sĩ đích thực tại đó. Rồi cô lại tham gia nhóm “Qúy Bà Phục Vụ Nhà Tĩnh Tâm”; nhưng đây chỉ là một hiệp hội bác ái chứ không phải dòng tu vì họ không sống lời khấn vâng phục. Những trải nghiệm trên giúp Adelaide xác định rõ hơn mục tiêu và là nguồn cảm hứng để cô viết bản Kế Hoạch về một Hội Dòng vào năm 1785. Nhưng cô có thể tìm được sự trợ giúp nơi đâu?

Ngọn gió Thánh Thần
Kiệt sức vì phục vụ người nghèo, Adelaide đến nghỉ dưỡng tại dòng Ursuline tại Dinan. Chính nơi này lần đầu tiên cô gặp cha Cloriviere vào tháng 9 năm 1786. Adelaide vui mừng vì tìm được một người linh hướng. Cô chia sẻ với cha về bản Kế Hoạch của cô và cha giúp cô xác định rõ hơn điều Chúa muốn.
Sau một thời gian đồng hành, cha Cloriviere chấp thuận cho Adelaide thử nghiệm kế hoạch của cô tại dòng Nữ Tử Thánh Giá trong tư cách một Tập sinh vào tháng 9 năm 1788, dưới sự hướng dẫn của Mẹ Marie de Jesus. Trong khi đó, những dấu hiệu đầu tiên của cuộc Cách Mạng Pháp đang đến gần.
Vào sáng ngày 19 tháng 7 năm 1790, cha Cloriviere nhận được ơn soi sáng về một lối tu trì mới: sống đời dâng hiến và phục vụ tha nhân giữa lòng thế giới. Kế hoạch này có nhiều điểm giống với điều mà Adelaide đã tìm kiếm từ lâu.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1791, những thành viên đầu tiên của hai hội Dòng đã tuyên khấn trước nhan Thiên Chúa. Tên của Adelaide được cha Cloriviere thêm vào trong danh sách của tài liệu thành lập Dòng. Vài tháng sau, cha mời cô đến Paris để đồng hành với các chị em chuẩn bị gia nhập Dòng.

Tù đày và an nghỉ
Tại Paris, Adelaide bị cảnh sát theo dõi. Bị tình nghi, cô bị cầm tù trong ba tuần rồi được tha. Tuy nhiên, một năm sau đó, cô lại bị kết án là có dính líu tới một cuộc nổi loạn và lại bị cầm tù và bị xét xử vào tháng 4 năm 1801. Thật ngạc nhiên cho vị thẩm phán khi thấy hơn 60 người đứng lên biện hộ cho cô ngay giữa tòa án. Họ nói về những việc tốt mà cô đã làm cho họ. Cuối cùng, hội đồng xét xử đồng ý tha bổng cho Adelaide. Ngay sau khi được tự do, cô lại tiếp tục phục vụ người nghèo.
Adelaide thay cha hướng dẫn hai Hội Dòng trong thời gian cha bị cầm tù (1804-1809). Khi gặp lại các chị em, Cloriviere đã nhận xét về Adelaide như sau: “Các con đã trưởng thành nhiều dưới sự hướng dẫn của cô ấy hơn là những năm tháng dưới sự hướng dẫn của cha”.
Hết lòng với sứ vụ, sức khỏe của Adelaide yếu dần. Đầu năm 1818, bệnh phổi của cô trở nên trầm trọng. Mỗi sáng, các chị em đặt cô trên một chiếc ghế dài, đối diện với Nhà Tạm. Chính vị trí này mà rạng sáng ngày 26 tháng 4 năm 1818, cô chìm vào giấc ngủ thiên thu một cách êm đềm.

Ngày đưa tiễn của Adelaide gợi nhớ ngày cô bị đưa ra tòa xét xử vì có rất đông người nghèo đến để tiễn biệt cô, vị ân nhân của họ.

Tiểu sử Cha sáng lập Pierre Joseph de Cloriviere, S.J


Vị sáng lập Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Hãy khám phá cuộc phiêu lưu nhất và hoa trái ngoại thường của con người kiên vững này – người đã đi qua cuộc Cách Mạng Pháp, đã thành lập Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria và Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đời sống của ngài trở nên một bảo chứng và chỉ dẫn cho thời đại chúng ta.


Thiếu thời
Pierre de Cloriviere sinh vào ngày 29 tháng 6 năm 1735 tại Saint Malo, nước Pháp. Cậu là con thứ hai trong năm người con của ông Michel de Cloriviere và bà Therese de Nermont. Tiếc thay, khi mới chín tuổi, Cloriviere đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ đó, các anh em cậu được họ hàng cưu mang.
Năm 14 tuổi, Cloriviere được gởi đến học tại Douai. Cậu học rất giỏi, nhưng tật cà lăm làm cậu rất khổ sở. Ở tuổi 17, Cloriviere thử học nghề hàng hải nhưng công việc không phù hợp với cậu lắm. Thế nên, cậu quyết định đi Paris để học ngành Luật. Tại đây, cậu nhận cha Grisel làm cha linh hướng. Từ đó trở đi tâm hồn cậu có nhiều rung động khi cầu nguyện với Lời Chúa. Trong một lần tĩnh tâm, cậu rất hạnh phúc khi nhận ra mình có ơn gọi linh mục, nhưng cậu sẽ phục vụ Chúa theo lối tu nào đây?
Mặc dù Cloriviere ở đối diện với Nhà Tập Dòng Tên, nhưng cậu chưa bao giờ đến đó. Bất chợt, ngày 23 tháng 2 năm 1756, cậu quyết định đến dự lễ tại Nhà Tập. Sau lễ, có một người bước theo cậu ra đến cửa và nói: “Thiên Chúa gọi cậu dưới sự bảo trợ của Thánh Inhã và Thánh Phanxicô Xavier; đây là Nhà Tập, hãy gia nhập”. Sau vài tuần phân định và thử thách, cha Grisel chuẩn nhận ơn gọi của Cloriviere. Cuối cùng, cậu gia nhập Nhà Tập Dòng Tên vào ngày 15 tháng 8 năm 1756.

Hành trình ơn gọi
Sau khi khấn đầu vào tháng 8 năm 1758, thầy Cloriviere bắt đầu học Triết và Thần học. Giữa lúc đó, Dòng Tên bị buộc đóng cửa trên toàn nước Pháp. Thầy Cloriviere lánh qua Liege, Bỉ để tiếp tục việc học và được thụ phong Linh mục tại Cologne ngày 2 tháng 10 năm 1763, dù tật cà lăm vẫn còn đó.
Năm 1766, cha làm Năm Tập Ba tại Ghent, rồi sau đó làm Trợ tá Giáo tập trong vòng ba năm. Năm 1770, cha làm linh hướng cho dòng Biển Đức Nữ ở Bỉ. Giờ đây, cha đã giảng lưu loát hơn, thậm chí các bài giảng của cha được ghi lại và đọc trong cộng đoàn sau đó.
Ngày 21 tháng 7 năm 1773, Dòng Tên chính thức bị giải thể trên toàn thế giới. Tháng 9 năm 1775, cha Cloriviere nhận được lệnh trong vòng ba ngày phải rời nhiệm sở trở về nước.
Về lại Pháp, thời gian đầu cha dành thời gian viết về Mẹ Maria, về mẫu gương các mục tử và về những nẻo đường cầu nguyện.
Năm 1779, Đức Giám Mục Saint Malo trao cho cha Cloriviere coi xứ Parame. Năm 1786 cha làm Giám đốc Tiểu chủng viện tại Dinan. Tại đây, cha thường giải tội cho một số dòng tu, không chỉ cho các tu sĩ, mà còn cho khách trọ của họ. Trong số những khách trọ có Adelaide de Cice. Cô chia sẻ với cha về bản Kế Hoạch của một lối tu mới: hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa qua ba lời khấn và phục vụ người nghèo giữa lòng thế giới. Sau một thời gian đồng hành, cha Cloriviere chấp thuận cho Adelaide thử nghiệm lối tu mới này tại Dòng Nữ Tử Thánh Giá trong tư cách một Tập sinh.

Ơn linh hứng
Năm 1789, cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ. Cha Cloriviere buộc thôi làm Giám đốc Tiểu chủng viện Dinan. Vì vậy, cha về thăm gia đình em gái ở La Fosse Hingant. Ngày 19 tháng 7 năm 1790, trong khi đang cầu nguyện, cha nhận được ơn soi sáng về một lối tu mới. Nó gợi lên trong cha về giấc mơ đời tu giữa lòng thế giới mà Adelaide de Cice đã từng chia sẻ.
Trở lại Paris, cha âm thầm viết kế hoạch về dòng tu mới. Ngày 2 tháng 2 năm 1791, các thành viên đầu tiên tuyên khấn tại nhà thờ Montmartre, đánh dấu sự ra đời của Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria và Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vài tháng sau, cha Cloriviere mời Adelaide đến Paris để đồng hành với các chị em muốn gia nhập Dòng.

Tù đày và an nghỉ
Năm 1804, cha Cloriviere bị cầm tù mà không có xét xử. Trong phòng giam, cha cầu nguyện và chú giải các sách Tin Mừng, sách Khải Huyền và các thư Phaolo…. Sau 5 năm, cha được trả tự do.
Năm 1814, Đức Thánh Cha Pio VII tái lập Dòng Tên trên toàn thế giới. Ở tuổi 80, cha Cloriviere được đặt làm Bề trên Dòng Tên tại Pháp. Trong suốt 4 năm, cha làm việc không ngừng nghỉ để gầy dựng lại Dòng Tên và hoàn tất Hiến pháp cho hai Dòng mới.
Sáng Chúa nhật ngày 9 tháng Giêng năm 1820, cha Cloriviere an nghỉ trong Chúa khi đang cầu nguyện trước Nhà Tạm.