Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

30/12/22

[Ngày VII-Bát Nhật Giáng Sinh]: Khởi điểm mọi điều tốt lành (Ga 1,1-18)

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,

và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người,

thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành 4ở nơi Người là sự sống,

và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,

và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

6Có một người được Thiên Chúa sai đến,

tên là Gio-an.

7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,

để mọi người nhờ ông mà tin.

8Ông không phải là ánh sáng,

nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

9Ngôi Lời là ánh sáng thật,

ánh sáng đến thế gian

và chiếu soi mọi người.

10Người ở giữa thế gian,

và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết Người.

11Người đã đến nhà mình,

nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,

thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,

cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,

hoặc do ước muốn của người đàn ông,

nhưng do bởi Thiên Chúa.

14Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:

“Đây là Đấng mà tôi đã nói:

Người đến sau tôi,

nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

16Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,

còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;

nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa

và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những mầm mống tốt lành trong tôi và trong thế giới.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt thiêng liêng để nhận ra những hạt giống tốt lành Thiên Chúa gieo vào trong tôi và trong thế giới, để tôi nhận ra chính Ngài là Đấng Tốt Lành.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Trong sách Linh Thao số 237, thánh Inhã nói “mọi ơn lành và quà tặng đều đến từ Thiên Chúa như năng lực, công lý, thiện hảo, lòng thương xót…”. Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự tốt lành. Chúng ta cùng suy ngẫm về những điều tốt lành này nơi Thiên Chúa, qua Lời tựa của Tin Mừng thánh Gioan.

1.     Thiên Chúa là cội nguồn của mọi điều tốt lành (cc. 1-3). Hãy suy ngẫm về nguồn cội tốt lành của mình. Cha mẹ, ông bà tổ tiên chúng ta, với tất cả sự bất toàn và giới hạn của mình, đã nỗ lực sống tốt nhất theo phẩm tính con người và nỗ lực làm con Chúa thế nào. Sau đó suy nghĩ về chính Thiên Chúa tốt lành đã muốn thông chia cho con người và vũ trụ tạo thành của Ngài những điều tốt lành của Ngài, dù chúng không có khả năng diễn đạt trọn vẹn.

2.     Sự sống (c.4). Thiên Chúa là Sự Sống. Ngài tự hiện hữu. Ngài không có bắt đầu và kết thúc. Ngài nắm giữ bí mật sự sống và duy mình Ngài có quyền trên sự sống. Hãy suy ngẫm về sự sống nơi mình và nơi vạn vật. Tỏ lòng biết ơn vì bạn được tạo dựng từ hư vô vì Thiên Chúa muốn bạn hiện hữu và đời đời được hạnh phúc. Hãy sám hối vì những lỗi phạm đến sự sống nơi mình, nơi người khác, nơi vạn vật cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

3.     Ánh sáng (cc. 5-9). Thiên Chúa là Ánh Sáng không nguồn cội, không thể tắt. Ngài là Đấng quy định mọi điều. Ngài là Chân Lý. Hãy ngẫm nghĩ về những thứ ánh sáng bạn đang được hưởng: kiến thức khoa học kỹ thuật, hiểu biết quy luật tâm lý con người, quy luật xã hội, quy tắc đạo đức, giáo lý và mặc khải Kinh Thánh… Khi quy chúng về nguồn cội tốt lành là Thiên Chúa, bạn cảm nhận thế nào? Giả như mọi sự đều vận hành ngẫu nhiên, ngẫu hứng thì bản thân tôi, xã hội loài người và vũ trụ sẽ ra sao? Bạn nghĩ gì về việc một người cố ý hiểu và hành động ngược lại với quy luật tự nhiên, xã hội và siêu nhiên?

4.     Đón nhận và khước từ (cc. 10-14). Tiếp tục suy ngẫm về khả năng được ban cho con người: tự do. Vì có tự do nên con người có thể chọn lựa. Chọn lựa đồng nghĩa với lấy/bỏ, đồng ý/không đồng ý, đón nhận/khước từ… Khi điều chọn lựa của tôi là chính Thiên Chúa, tôi chọn theo vế nào? Tại sao? – Hệ quả của việc đón nhận Ngôi Lời là được trở nên con cái Thiên Chúa. Hãy ngẫm về điều này nơi bản thân mình.

5.     Làm chứng (cc. 15-18). Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Ngôi Lời. Người tín hữu làm chứng về những ơn mình đã lãnh nhận. Bạn làm chứng về điều gì?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Cha – cội nguồn mọi sự thiện hảo.

Thân thưa với Ngôi Lời – Đấng làm người vì bạn.

Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest

26/12/22

[27/12 – Lễ thánh Gioan Tông Đồ] Thấy và tin (Ga 20,2-8)

2Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đặt mình vào trong tình huống căng thẳng tưởng chừng như mất cả đức tin.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt thiêng liêng để nhận ra niềm vui cứu độ đang ẩn giấu ở đây và lúc này, để tôi biết đón nhận ơn niềm vui ơn cứu độ cho đời mình và chuyển trao ơn cứu độ của Chúa cho người khác.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Bạn vừa bước bào Mùa Giáng Sinh, Giáo Hội mời bạn chiêm ngắm một cảnh hậu Phục Sinh! Tại sao vậy? Giáng Sinh là khởi điểm, Phục Sinh là lời chứng tình yêu. Bạn phải đứng ở “cuối đường” thì mời nghiệm được hành trình tình yêu diễn ra trong trái tim của thánh Gioan Tông Đồ, dù có những ý kiến trái chiều về nhân vật “người môn đệ Chúa yêu”, nhưng chúng ta có thể tìm thấy sự tương hợp trong tình yêu mà Gioan Thánh Sử và truyền thống Gioan dành cho thầy Giêsu qua bản văn này.

1/ Mất tầm nhìn (c. 2)

Mời bạn quan sát tâm thế, tư thế, thái độ của bà Maria Madalêna vào buổi sáng Ngày thứ nhất trong tuần ngay sau lễ Vượt Qua, thời điểm mà thầy Giêsu bị kết án treo thập giá. Hãy trải nghiệm sự hoảng loạn của bà khi phát hiện ra “xác thầy không còn nữa”. Có điều gì đó đã che khuất tất cả làm bà không còn nhận ra hay nhớ được điều gì.

Điều gì, biến cố nào trong đời đã làm bạn tê liệt và mất tầm nhìn? Bạn muốn nói gì với Chúa hôm nay về điều đó?

2/ Thấy và tin (cc. 3-8)

Trong chính bầu khí đơn lạnh của buổi sáng đó, bạn tiếp tục nhìn ngắm ông Phêrô và người “môn đệ đức Giêsu thương mến” chạy ra mộ. Cảm nghiệm cách họ tiếp nhận thông tin, họ lên đường… Điều gì diễn ra trong họ dọc theo suốt hành trình đi đến mộ? Cái chạm nhìn đầu tiên khi thấy tảng đá lấp cửa mộ đã mở, nhìn vào trong, đi vào trong, thậm chí sờ mó vào những thứ còn để lại trong mộ… Điều gì diễn ra trong lòng họ? Ánh sáng nào được khai mở nơi lòng của “người môn đệ đức Giêsu thương mến”? Anh thấy gì? Anh tin gì?

Đức tin của bạn dựa trên nền tảng nào? Đâu là những dấu ấn tạo nên đức tin cá vị của bạn? Những dấu ấn đó có đủ để bạn nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Chúa trong mỗi ngày sống?

Kết nguyện

Thân thưa với thánh Gioan Tông Đồ để xin Ngài giúp bạn có đức tin và mối tương quan yêu thương dành riêng cho Chúa Giêsu, Đấng đến và tỏ mình cho bạn nơi máng cỏ.

Tạ ơn Chúa Cha về Quà Tặng Giêsu cho đời bạn bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Jennifer Yoswa

24/12/22

[THẮP SÁNG HANG ĐÁ. 25/12/2022] Emmanuel là Ánh Sáng

(Thực hiện vào Đêm Vọng, hoặc trong ngày Chúa Nhật Giáng Sinh)

Quy tụ công đoàn trước biểu tượng Hang đá.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD): Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp). Chúng ta đã cùng nhau bước đi trong suốt Mùa Vọng để cùng nhau chờ Chúa đến. Chúng ta mong Ngài đến để ở với chúng ta, để nâng đỡ phận người của chúng ta. Hôm nay, ngay giờ này đây, Ngài đã đến!

Chúng ta quy tụ bên biểu tượng Hang đá để mừng biến cố Con Thiên Chúa đã đến làm người và đang hiện diện để nối kết con người và toàn thể vũ trụ này.

(Một thành viên rước tượng Chúa Hài Đồng đặt vào trong máng cỏ)

Cộng đoàn hát: Để Chúa Đến - Nguyễn Duy

1.     Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến.

Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến.

Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao.

Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ĐK: Để Chúa đến trong cuộc đời. Để Chúa đến mang ơn trời.

Nguồn hạnh phúc cho con người. Mùa cứu rỗi cho mọi nơi.

2.     Xin cho lòng chúng con như máng cỏ tỏa nồng hơi ấm.

Nên nơi Ngài náu thân khi xuống trần một đêm cô vắng.

Cho con được ủi an ai khóc than, ai khó khăn.

Giọt nước mắt sẽ nên nụ cười, và tiếng hát vang dậy trần gian.

HD 2: Bài trích sách Khải Huyền (Kh 21,22-26)

22Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. 23Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. 24Các dân ngoại sẽ tiến bước theo ánh sáng của thành, và vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới đó. 25Ngày nọ qua ngày kia, cửa thành không bao giờ đóng, vì ở đấy sẽ chẳng có đêm. 26Thiên hạ sẽ đem tới đó kho tàng vinh quang và sự giàu sang của các dân ngoại.

Đó là lời Chúa. – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Mời bạn tập trung chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu đang nằm trong máng cỏ. Ngài là Ánh Sáng đến trong trần gian, cho bạn và cho tôi.

Chúng ta cần ánh sáng của Chúa để huấn luyện nhau trong tinh thần hiệp hành: “một trong những nguyên tắc ‘đi cùng nhau’ là việc đào tạo tâm hồn” (Tài liệu làm việc cấp Châu lục chuẩn bị Thượng hội đồng. HĐGM Tây Ban Nha. số 82)

Ánh sáng của Chúa chiếu soi vào các nền linh đạo tạo nên linh hồn của đời sống Giáo Hội: “Trong linh đạo cá nhân và trong sứ điệp của Hội thánh, niềm vui Chúa Kitô phục sinh phải chiếm ưu thế chứ không phải nỗi sợ bị Thiên Chúa trừng phạt” (HĐGM Cộng hòa Séc. Số 84). “Phương pháp chia sẻ tâm linh” và “phân định cộng đoàn” phải được lan tỏa trong các cuộc hội họp cộng đoàn (số 86). Phải cổ võ sự nối kết đa dạng giữa “các Giáo Hội Đông – Tây” và “sự đa dạng của các đặc sủng trong đời sống thánh hiến và các phong trào trong Hội thánh” (số 87) để cùng “đón nhận mọi khác biệt, trân trọng mọi thừa tác vụ và thừa nhận mọi đặc sủng” (số 91).

Ánh Sáng của Ngôi Lời Nhập Thể giúp chúng ta đa dạng hóa “các truyền thống nghi lễ trong kinh nguyện phụng vụ và các hình thức biểu tượng.” (số 97)

Mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến và ở với chúng ta, hợp cùng các thiên thần, chúng ta cùng hát vang tạ ơn Chúa Cha vì Ngài đã gởi Con mình đến làm cầu nối giữa nhân loại và toàn thể vũ trụ.

Cộng đoàn hát: Hang Bê-lem – Hải Linh & Minh Châu

ÐK. Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê-lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Nghe trên không trung tiếng hát Thiên thần vang lừng. Ðàn hát (réo rắt tiếng hát). Xướng ca (dư âm vang xa). Ðây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta. Người hỡi (hãy kíp bước tới). Ðến xem (nơi hang Bê-lem). Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.

1.     Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê-lem Thiên thần xướng ca. Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa.

2.     Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê-lem chiên lừa thở hơi, tan giá đêm đông ấm thân Con Người.

HD 2: Lạy Đấng Emmanuel. Sự hiện diện hữu hình và thiêng liêng của Ngài làm cho chúng con cảm nhận được sự đồng hành của Thiên Chúa trong đời sống cá nhân, gia đình và trong cộng đoàn chúng con. Xin cho chúng con trở nên người nối kết hòa bình và mang ánh sáng chân lý và tình yêu đến cho người xung quanh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

HD 1: Để diễn tả niềm vui trong đêm mừng Con Chúa ra đời, chúng ta hãy bắt tay/ choàng vai/ áp má… và nói lời chúng mừng Giáng Sinh và Năm Mới đến từng người.

(Có thể hát bài We wish you a merry Christmas trong khi di chuyển để chúc mừng nhau.) 

Ảnh: Internet.

23/12/22

Thứ bảy MV.IV: Niềm vui cận kề (Lc 1,67-79)

67Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

68Chúc tụng Đức Chúa

là Thiên Chúa Ít-ra-en

đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

69Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,

Người đã cho xuất hiện

Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

70như Người đã dùng miệng

các vị thánh ngôn sứ

mà phán hứa tự ngàn xưa:

71sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,

thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;

72sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên

và nhớ lại lời xưa giao ước;

73Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham

rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,

74và cho ta chẳng còn sợ hãi,

75để ta sống thánh thiện

công chính trước nhan Người,

mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

76Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu

là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:

con sẽ đi trước Chúa,

mở lối cho Người,

77bảo cho dân Chúa biết:

Người sẽ cứu độ

là tha cho họ hết mọi tội khiên.

78Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,

cho Vầng Đông

tự chốn cao vời viếng thăm ta,

79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối

và trong bóng tử thần,

dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ông Dacaria đã “hát” bài ca này ngay sau khi ông nhận ra Thiên Chúa đã chọn con của ông là Gioan cho sứ mạng tiền hô của đấng cứu độ.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra niềm vui cứu độ đã cận kề để tôi biết đón nhận ơn cứu độ cho đời mình và chuyển trao ơn cứu độ của Chúa cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện dẫn nhập]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Khi ông già ca hát (c. 67)

Mường tượng về một ông lão “tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,18). Lúc này đây, ông được đầy Thánh Thần và mở miệng xướng ca. Hãy chiêm ngắm niềm vui bất ngờ và cách diễn đạt “thái quá” của ông Dacaria.

2/ Cho vinh danh Chúa hơn (cc. 68-79)

Ở phần này, bạn chỉ cần đọc thật chậm từng chữ/câu. Dừng lại để suy niệm và tìm kiếm ý nghĩa, cũng như ứng dụng vào hiện tại. Khi bạn cảm thấy được mãn nguyện thì đọc câu kế tiếp… Không nhất thiết phải suy niệm hết các câu. Bạn có thể dừng lại lâu hơn ở câu nào được đánh động.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những niềm vui bất ngờ, thậm chí sau một biến cố khó hiểu hoặc đau khổ mà bạn đã trải qua.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest.

19/12/22

Thứ ba MV.IV: Khi câu chuyện cứu độ được bắt đầu (Lc 1,26-38)

26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thánh Luca trình bày về nguồn cội của đức Giêsu, trong đó Ngài đặt trọng tâm vào vai trò của đức Maria.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra được câu chuyện cứu độ được chính Thiên Chúa viết cho toàn thể vũ trụ và cho chính tôi, để tôi biết đón nhận ơn cứu độ cho đời mình và chuyển trao ơn cứu độ của Chúa cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy Chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm và Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Kinh Thánh trọn bộ

Nếu bạn có cơ hội đọc Kinh Thánh trọn bộ từ cuốn đầu tiên là sách Sáng Thế cho đến cuốn cuối cùng là sách Khải Huyền, bạn sẽ nhận ra được nỗ lực đọc hiểu của cả nhân loại về câu chuyện cứu độ được chính Thiên Chúa viết cho toàn thể vũ trụ và cho chính con người.

Đó là câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người được diễn ra trong khung cảnh là vũ trụ, cụ thể là trên Địa Cầu này. Mời bạn dành thời gian để nhớ lại những cách Thiên Chúa tự tỏ mình ra và cố gắng “làm quen” với con người – Cách con người vươn lên đến Thiên Chúa trong những lời oán tránh và thở than – Những căng thẳng trong mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa, với biết bao bất trung và hướng hạ – Những lúc Thiên Chúa phải hành xử cứng rắn, ngược với bản chất tình yêu của Ngài, để mong con người vươn đến sự tốt lành như Ngài.

Câu chuyện cứu độ đã được Thiên Chúa viết trong trái tim Ngài từ giây phút Ngài nghĩ về đề án “tạo dựng vũ trụ và con người”. Hãy nhìn lại câu chuyện cứu độ của đời bạn. Bạn có từng ý thức về câu chuyện đó chăng?

2/ Khai mạc kỷ nguyên cứu độ (Lc 1,26-38)

Trong tuần từ ngày 17/12 cho đến lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm những con người mong ngóng cuộc hạ sinh của Đấng Cứu Thế, đó là đức Maria và Gioan Tẩy Giả.

Mời bạn dành thời gian đọc và chiêm ngắm giây phút khai mạc kỷ nguyên cứu độ được diễn ra trong không gian bé nhỏ: ngôi nhà đơn sơ của gia đình ông Gioakim và bà Anna ở làng Nazareth; giữa hai ngôi vị đơn sơ nhỏ bé là sứ thần và thiếu nữ Maria. Chú ý đến sự ngỡ ngàng của cả đôi bên trong những lời họ trao đổi với nhau. Cuối cùng, chiêm ngắm lời đáp của thiếu nữ Maria: “tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

3/ Chọn lựa của tôi

Câu chuyện cứu độ đã và đang được Thiên Chúa viết tiếp. Tôi có thấy mình là nhân vật trong câu chuyện đó?

Kỷ nguyên cứu độ đã được khai mạc và vẫn đang tiếp diễn. Tôi có thấy mình đang sống trong kỷ nguyên đó?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những chật vật tìm kiếm ơn cứu độ cho đời mình. Xin ơn nhận ra, hoặc bắt đầu cùng Chúa viết câu chuyện cứu độ của đời mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

15/12/22

[Thắp nến Mùa Vọng] 18/12/2022 – Bình an cho lòng người

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước Vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) như người lính canh đêm, càng gần sáng thì càng mệt mỏi và mong trời mau sáng. Hôm nay, chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhau về việc kiên trì chờ đón Chúa đến, vì Ngài đã gần kề rồi!

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 7, 10-14

10Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:

11“Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi

ban cho ngươi một dấu

dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”

12Vua A-khát trả lời:

“Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA.”

13Ông I-sai-a bèn nói:

“Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!

Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,

mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?

14Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:

Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai,

sẽ sinh hạ con trai,

và đặt tên là Em-ma-nu-en.

Đó là Lời Chúa – tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng nhắc chúng ta về bình an sâu thẳm do Đức Kitô ban tặng, không như bình an mà thế gian ban tặng (Ga 14, 27). Bình an đó khác với sự an toàn thể lý khi bạn mạnh khỏe và có nơi ở vững chắc; hay an toàn tâm lý khi không có mối nguy hiểm nào đe dọa; thậm chí an toàn thiêng liêng khi bạn giữ kinh lễ đầy đủ và sống trọn 10 điều răn!

Bé trai mang tên Emmanuel là lời hứa Thiên Chúa luôn ở cùng Dân Người. Ngài bảo đảm với họ về sự bình an viên mãn sắp đến trên dân tộc đang bị lưu đày.

Shalom/Bình an là lời chào nơi đầu môi của người Do Thái khi họ gặp nhau. Lời đầu tiên dành cho nhau là nguyện chúc bình an của Đức Chúa ở cùng người đối diện. Điều này lời nhắc nhớ chúng ta về việc vun đắp bình an trong tâm hồn mình và lan tỏa bình an đó trong môi trường sống, và cho người bạn gặp gỡ; để chúng ta trở nên Bình An cho nhau.

Chúng ta cùng lắng nghe tài liệu làm việc cấp châu lục, chuẩn bị Thượng hội đồng Giám Mục về Hiệp Hành.

Bình an để hàn gắn vết thương quá khứ: “Liên quan đến thảm kịch diệt chủng người Tutsi vốn đã chia rẽ người dân Rwanda, tốt hơn hết người ta nên đào sâu chủ đề hiệp thông nhằm mục đích hàn gắn ký ức tập thể một cách đích thực. Thượng Hội đồng lần này đã cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng mục vụ hiệp nhất và hòa giải phải tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.” (HĐGM Rwanda)

Bình an là cảm giác thoải mái và tự nhiên: “Nếu Giáo Hội không hiệp hành, thì không ai cảm thấy hoàn toàn tự nhiên như ở trong nhà” (số 24); nhưng lại không đóng khung trong sự an ổn: “Những ai cảm thấy thoải mái trong Nhà Giáo Hội phải cảm thấy sự vắng mặt của những ai không thuộc về.” (HĐGM Ái Nhĩ Lan, số 29)

Bình an để ra khỏi chính mình, ra khỏi vị thế của mình; để người yếu thế tìm được vị trí của mình: “Sau nhiều thập kỷ của Giáo Hội, lần đầu tiên chúng tôi được mời phát biểu ý kiến” (Giáo Hội Pakistan. số 23); và người mạnh dám xóa mình đi: “Chúng tôi được mời gọi ra khỏi vị trí thoải mái của người tiếp đón, để cho mình được tiếp nhận vào cuộc sống của những bạn đồng hành trên hành trình nhân thế” (HĐGM Đức, số 31). Điều này giúp đôi bên cùng bước vào sự vâng phục Thánh Thần (x. số 30)

Bình an để cùng làm việc loan báo Tin Mừng, và để cùng ước mơ. “Thế giới cần một ‘Hội thánh đi ra’, bác bỏ sự phân biệt giữa tín hữu và người ngoài, cùng hướng nhìn vào nhân loại và trao cho nó kinh nghiệm về ơn cứu rỗi, hơn là trao một học thuyết hoặc một chiến lược, đây là ‘món quà trên mọi món quà’ để đáp trả tiếng kêu của nhân loại và của thiên nhiên” (HĐGM Bồ Đào Nha).

Mời bạn lặng đôi chút để đo lường mức độ bình an nơi chính mình, và cầu xin Chúa ban thêm cho bạn sự bình an của Ngài. 

(Thinh lặng một chút)

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM cuối cùng)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Thiên thần mang đến Bình an. Hãy khao khát cho bản thân từng người chúng ta được an hòa và trở nên sứ giả hòa bình trong một thế giới còn nhiều xung khắc trong nội tâm từng người, trong tương quan con người, tương quan giữa con người và môi trường sống, và tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Xin cho bình an của Chúa Kitô cư ngụ nơi chúng ta.

Cộng đoàn hát: Kinh hòa bình – Phổ nhạc Kim Long

https://www.youtube.com/watch?v=il8GcmB1Fw0

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người

Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.

Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ưu sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con

tìm an ủi người hơn được người ủi an

tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh

chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ

chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con

xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

Hoặc nghe Bình an ở đâu? - Xuân Đường https://www.youtube.com/watch?v=sBVt75YcsB4 hoặc Let there be peace on earth (English) https://www.youtube.com/watch?v=4ITXaL2Sk2A

HD 1: Lạy Thái Tử Bình An, xin hãy đến và ban cho chúng con sự bình an của Ngài; nhờ đó chúng con có thể đứng vững và lan toản bình an trong những môi trường còn nhiều xáo trộn và đau khổ. Chúng con cầu xin nhờ danh thánh Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

Ảnh: Pinterest

12/12/22

Thứ ba MV.III: Thuận thiên (Mt 21,28-32)

28Các ông nghĩ sao : Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” 29Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. 31Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong bài giảng về cánh chung, đức Giêsu kể dụ ngôn này.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho đời mình, để tôi biết vượt qua những thèm muốn vụn vặt của mình và làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ba nhân vật trong dụ ngôn (cc. 28-30)

Ý muốn và lời mời gọi của người cha: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Bạn hãy chú ý các chữ gạch dưới: tương quan cha-con; thời gian “hôm nay”/bây giờ; vườn nho của cha, tôi được cha mời vào lao tác để làm cho nó sinh hoa trái.

Người con thứ nhất: “Con không muốn đâu!” – người này biết mình muốn gì và nói đúng điều mình cảm nghĩ. Hãy đi xem xét cuộc đấu tranh nội tâm của người này: nhận ra sự khác biệt giữa ý muốn của mình và ý muốn của cha, hiểu ra được lý do của ý muốn của cha, chuyển đổi cảm xúc để yêu cha và đón nhận ý muốn của cha, cuối cùng chọn hành động theo ý muốn của cha. Nói theo thánh Inhã, đây là những bậc “vâng phục” cao hơn, dù có thể không hiểu hết được ý muốn của Thiên Chúa.

Người con thứ hai trả lời mau mắn: “Thưa ngài, con đây!” – người này trả lời vội mà chưa biết mình muốn gì; sau đó mới nhận ra điều mình muốn, nhưng lại không can đảm để thưa lại với cha, mà lại âm thầm thực hiện theo điều mình muốn.

Bạn thấy mình thường hành xử trong đời thường và trong tương quan với Thiên Chúa theo lối của người con nào? Thân thưa với Chúa về điều bạn nhận ra.

2/ Ba “nhân vật” trong đời thường (cc. 31-32)

Gioan Tẩy Giả: Kêu gọi người ta ăn năm sám hối trở về với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho đời mỗi người.

Những người thu thuế và những cô gái điếm – những người đang sống đời sống luân lý tệ hại. Họ tin – sám hối – thay đổi đời sống – trở về với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho chính họ.

Những người Pharisiêu – những người tự cho mình là tốt lành, sống chuẩn mực. Họ từ chối lắng nghe lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả – từ chối sám hối và thay đổi cách nhìn về tốt xấu, thay đổi cách sống.

Bạn thấy mình thường hành xử trong đời thường và trong tương quan với Thiên Chúa theo lối của người nào trong ba kiểu người này? Thân thưa với Chúa về điều bạn nhận ra.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về khao khát nhận biết ý muốn tốt lành của Thiên Chúa và xin ơn thuận theo.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.


9/12/22

[Thắp nến Mùa Vọng] 11/12/2022 – Niềm vui giữa khổ đau

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng. 2 cây nến tím đã được thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để cùng khích lệ nhau tiếp tục chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và nhắc nhớ về việc Thiên Chúa hằng viếng thăm chúng ta qua những tin vui nhỏ bé trong đời thường –  nơi giọt sương mai, trong làn gió nhè nhẹ, trong hơi ấm mặt trời, trong nụ cười thân thiện, với giọt nước mắt đồng cảm, hay một giai điệu thư giãn. Ngài cũng đến với chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn và ít niềm vui.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 35, 1-10

1Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,

vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,

2hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,

và hân hoan múa nhảy reo hò.

Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng,

vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-rôn.

Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của ĐỨC CHÚA,

và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.

3Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,

cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!

Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,

ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.

Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

5Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.

6Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,

miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.

Vì có nước vọt lên trong sa mạc,

khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.

7Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,

đất khô cằn có mạch nước trào ra.

Trong hang chó rừng ở, sậy cói sẽ mọc lên.

8Ở đó sẽ có một đường đi mang tên là thánh lộ.

Kẻ ô uế sẽ chẳng được qua.

Đó sẽ là con đường cho họ đi,

những kẻ điên dại sẽ không được lang thang trên đó.

9Ở đó sẽ không có sư tử, thú dữ ăn thịt cũng chẳng vãng lai,

không thấy bóng dáng một con nào,

nhưng ai được Chúa cứu chuộc sẽ bước đi trên đó.

10Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về,

tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,

mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.

Họ sẽ được hớn hở tươi cười,

đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Màu hồng của lễ phục Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta niềm vui của thời gian chờ mong đã gần đến để nâng đỡ những tâm hồn mệt mỏi. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến là lời vang lên trong những ngày này.

Sa mạc gợi lên cho ta về sự khô cằn, nắng cháy, thiếu sức sống và đầy mệt mỏi. Ngôn sứ Isaia dùng chính hình ảnh đó để làm bật lên niềm vui chờ đón Chúa đến. Chính Ngài sẽ làm cho sa mạc nở hoa, ban cho nó vẻ huy hoàng của núi Li-băng. Ngài sẽ mở mắt người mù, thông tai người điếc, chữa lành những đôi chân què quặt, tháo cởi lưỡi người câm. Ngài sẽ ban cho bạn khả năng cảm thụ vinh quang và quyền năng của Ngài. Bấy giờ bạn sẽ vui sướng ca tụng Ngài bằng toàn thể con người bạn.

Tài liệu làm việc ở cấp Châu lục để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về Hiệp hành nhắc đến việc lắng nghe những người bị bỏ rơi và bị loại trừ; dành ưu tiên cho những người “thấp cổ bé miệng” như thai nhi, người khuyết tật, người trẻ và phụ nữ (x. số 35-37). Đó là cách chúng ta học sống theo Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt hằng yêu thương, lắng nghe và giải cứu những kẻ bé mọn kêu xin Ngài. Ngài mang đến cho họ niềm vui và sự khích lệ.

3Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,

cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!

Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,

ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.

Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

Chính Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự. Ngài sẽ làm cho niềm vui được trào lên từ những thực tế đau thương của phận người. Trong Mùa Vọng, bạn chờ mong niềm vui nào sẽ đến với bạn ngay trong hoàn cảnh hiện tại của mình?

Bạn có tin rằng chính Thiên Chúa sẽ phục hồi bạn và ban cho bạn gương “mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu”? Niềm vui Kitô giáo khác với trạng thái an nhiên do con người nỗ lực tạo ra. Niềm vui Kitô giáo là niềm vui có Chúa đồng hành với mình trong hành trình đầy đau khổ vì nỗ lực sống yêu thương.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN HỒNG)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui. Giữa bóng đen của những đổ vỡ gia đình, của những cạnh tranh không lành mạnh trong xã hội, của thiên tai, của chiến tranh và xung đột, xin cho bản thân mỗi người chúng ta trở nên người chứa đựng niềm vui của Thiên Chúa để lan tỏa niềm vui đó cho tha nhân.

Cộng đoàn hát: Nào vui lên – Mi Trầm

ĐK: Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi loan báo niềm vui cứu đời. Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi, ta hãy mừng vui trong Chúa Trời.

1. Nào ta vui lên vì Chúa đến ở giữa dân người ban xuống niềm vui cho Thế nhân thôi hận thù. Nào ta vui lên vì Chúa đến cứu thoát muôn người ban xuống niềm vui cho ngày mai thêm đẹp tươi.

hoặc bài Tân ca –Tiến Lộc https://soundcloud.com/votienphat/t-n-ca-lm-ti-n-l-c

hoặc nghe Faith is the victory (English)

https://www.youtube.com/watch?v=DSNMQAVe7FE 

HD 1: Lạy Thiên Chúa, Đấng bảo đảm cho chúng con về cuộc viếng thăm của Ngài dành cho chúng con. Ngài đến và mang theo niềm vui cho chúng con giữa thực tại trần gian đầy đau khổ. Ngài không xóa bỏ đau khổ nhưng ban cho chúng con niềm vui khi biết sống yêu thương trong môi trường đầy đau khổ. Xin ban cho chúng con niềm vui của Ngài để chúng con trở nên nhân chứng cho niềm vui giữa một xã hội còn nhiều đau khổ. Chúng con cầu xin trong Danh Thánh Tử Giêsu, là Chúa và là Đấng cứu độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

Dấu thánh giá kết thúc.

Ảnh: blog.freepeople.com