Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

27/3/23

Thứ ba MC.V: Lời từ đáy tim (Ga 8,21-30)

21Đức Giê-su lại nói với họ: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” 22Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?” 23Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 25Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” 27Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 30Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Cuộc tranh luận dài của đức Giêsu với người Do Thái, đặc biệt là các thủ lãnh tôn giáo Do Thái.
  • Ơn xin: Xin cho tôi biết lắng nghe và cảm hiểu những điều thốt ra từ miệng đức Giêsu như những tiếng lòng của Ngài, để tôi được chia sẻ với những tâm tình của Ngài.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba phương pháp cầu nguyện]

Điểm cầu nguyện

Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể và “sống như người trần thế” đến nỗi chẳng ai dám tin rằng Giêsu Nazareth là Con Thiên Chúa. Đó là một thách đố lớn cho người đương thời của Ngài, và cho cả chúng ta (dù chúng ta đã có rất nhiều nhân chứng đức tin). Thiên Chúa chọn con đường nhập thể và nhập thế để con người được tự do tin nhận hay từ chối những mặc khải của Ngài. Mời bạn dành thời gian để cầu nguyện thật chậm trên bản văn, men theo những lời đối đáp, những thắc mắc, những bộc bạch của đức Giêsu.

Sau đây là vài gợi mở giúp chúng ta bám vào. Nhớ rằng bạn hoàn toàn tự do để suy tư, cảm nếm khi cầu nguyện.

Bản văn

Vài gợi ý

“Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi,

Điều gì ẩn chứa trong lời bộc bạch này?

và các ông sẽ mang tội mình mà chết.

Tội dẫn đến cái chết (dead sin), tức tội trọng. Họ mang tội gì? Tôi mang tội gì?

Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” 

Đức Giêsu nghĩ đến “chốn” nào? Tại sao họ không thể vươn đến được?

“Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?”

Người Do Thái suy đoán với nhau về dự định của đức Giêsu “tự tử”. Họ dựa vào đâu để suy đoán như vậy? Tôi thường dựa vào đâu để suy đoán một sự việc?

“Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.

Thượng giới và hạ giới ám chỉ điều gì? Thuộc về và không thuộc về thế gian có nghĩa là gì? Suy ngẫm về khoảng cách giữa mình và Thiên Chúa.

24Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 

Tôi Hằng Hữu (Ego Eimi). Đức Giêsu tự nhận mình “mang cùng tên” với Thiên Chúa. Đứng trước một người mang tên Giêsu, người đó tự nhận mình là “Thiên Chúa”, liệu bạn có tin? Tôi có chấp nhận được rằng nếu mình không tin như thế mình sẽ mang trọng tội mà chết?

“Ông là ai?”

Hãy đối diện với đức Giêsu hôm nay và hỏi câu hỏi đó.

“Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 

Đức Giêsu khẳng định lần thứ hai về mình mà không thay đổi gì. Còn tôi?

26Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông.

Đức Giêsu từng dạy: “chớ xét đoán”. Ở đây Ngài cho mình có quyền xét đoán và mặc khải. Bạn nghĩ gì về Ngài?

Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.”

Thiên Chúa là Đấng chân thật. Bạn có tin Ngài và sống theo sự thật?

Đức Giêsu nói lại sự thật Ngài được thấy nơi Chúa Cha. Còn tôi?

27Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha

Có khi nào tôi dám nhận là mình không hiểu?

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu,

Con rắn đồng của Môsê là biểu tượng cứu chữa (biểu tượng y khoa). ‘Con Người’ là danh hiệu được ngôn sứ Đanien dùng để nói về Đấng xét xử. ‘Tôi Hằng Hữu’ được nhắc lại lần thứ ba (công thức khẳng định của thời đức Giêsu)

và (các ông sẽ) biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy

Kết quả được báo trước khi sự việc xảy ra. Tôi thường chờ kết quả chứng minh, hay tin vào điều được báo trước? Hệ quả của chúng là gì?

29Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 

Chiêm ngắm vẻ đẹp kết hợp mật thiết giữa đức Giêsu và Chúa Cha.

Theo bạn, đức Giêsu làm đẹp ý Cha bằng cách nào?

30Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

Còn bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn được cho cảm hiểu hôm nay.

Dâng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

21/3/23

Thứ ba MC.IV: Thời gian thuận tiện (Ga 5,1-3a. 5-16)

1Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó. 5Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” 7Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” 8Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” 9Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.

Hôm đó lại là ngày sa-bát.10Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!” 11Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!’” 12Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’?” 13Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” 15Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Khung cảnh: Những mối tương quan chồng chéo trong xã hội.

Ơn xin: Xin cho tôi mở lòng và có thiện ý trong các mối tương quan, để tôi luôn nhìn người khác và hành động của họ cách tích cực (LT. 22)

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Điểm cầu nguyện

1/ 38 năm chờ một thời cơ (cc. 1-9)

Mời bạn bước vào, nhìn tổng quát hồ Bê-da-tha. Sau đó chú ý đến anh bại liệt 38 năm. Nói chuyện với anh để cảm được sự đau đớn thể xác và tâm hồn nơi anh, những chờ đợi, những nỗ lực “lăn” mình xuống hồ khi nước động… Mường tượng về thời gian của 38 năm… Cảm nghiệm sự thất vọng của anh về chính mình và về cuộc đời. Nhìn vào đáy mắt anh để cảm nghiệm lòng khao khát được chữa lành của anh.

Bạn nhìn ngắm đức Giêsu bước vào khu vực bờ hồ. Nhìn đôi mắt Ngài đang nhìn vào anh. Cảm nghiệm cõi lòng thương cảm và thấu hiểu của Ngài dành cho anh.

Lắng nghe điều Ngài chủ động đề nghị: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Bệnh nhân có dịp “kể khổ” và Ngài lắng nghe thế nào?

Lắng nghe lệnh truyền từ miệng Ngài: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” 

Cuối cùng hãy chiêm ngắm niềm vui của một người đứng dậy được sau 38 năm.

Bạn cảm nghiệm gì về cuộc gặp gỡ bất ngờ và chóng vánh đó giữa anh bại liệt với đức Giêsu?

Áp dụng bản thân: Hãy đi lại câu chuyện này với “bệnh liệt” của bạn.

2/ Những cái nhìn (cc. 10-16)

Nhìn ngắm anh bại liệt vui vẻ vác chõng bước đi, sẵn sàng trả lời cho những người thắc mắc, và còn vui vẻ khoe về đức Giêsu khi nhận biết Ngài như thế nào.

Nhìn ngắm những người Do Thái đang nhìn người vác chõng cách khó chịu, tra hỏi thông tin, và khi biết được thì “chống đối Đức Giê-su”. Điều gì đã ngăn cản họ chia vui với người được khỏi bệnh?

Áp dụng bản thân: Hãy soi chiếu mình vào đó để tự cảm nghiệm về bản thân; rồi thân thưa với Chúa về hiện trạng đó.

Kết nguyện

Xin lỗi Chúa vì những gì mình hà khắc với người khác. Xin ơn tha thứ cho người đã từng hà khắc với bạn.

Đọc một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

14/3/23

Thứ ba MC.III: Tha thứ vô tận (Mt 18,21-35)

21Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” 22Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

23“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ 29Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ 34Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Câu chuyện được đức Giêsu kể khi Ngài đang tiến về Giêrusalem, trong khung cảnh của bài giảng về Giáo Hội – biểu tượng của Nước Trời. Bối cảnh hẹp: cuộc “thanh toán sổ sách”/cuộc xét xử.

·       Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những ân huệ lớn lao mà tôi nhận lãnh từ Thiên Chúa, nhất là ơn tha thứ muôn vàn tội lỗi cho tôi, để tôi cũng biết đối đãi với anh chị em như Chúa đã đối đãi với tôi.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Vấn đề tha thứ (cc. 21-22)

Mượn thì trả. Nợ phải trả. Về vật chất khi túng thiếu đã rất khó thực hiện; về tinh thần một khi đã mang nợ nhau lại càng khó trả hơn. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lế luật.” (Rm 13,8) Truyền thống Do Thái-Kitô Giáo liên tục nhắc nhở chúng ta về tình yêu và sự tha thứ; không chỉ là luật để con người chung sống hòa bình với nhau, mà còn vì điều đó liên quan đến Thiên Chúa – Đấng yêu thương và luôn tha thứ cho con người.

Phêrô nêu câu hỏi về tha thứ với đức Giêsu: tha cho người xúc phạm đến mình có phải đến 7 lần không. Khi ông dùng con “số nhiều” mang tính biểu tượng cho sự tuyệt đối, chắc hẳn ông rất tự tin và hài lòng về khả năng tha thứ của mình. Bạn đã từng đặt ra vấn đề xin người khác tha thứ cho mình hoặc nghĩ rằng mình cần tha thứ cho ai chưa?

Cũng hãy ngẫm nghĩ về câu trả lời của đức Giêsu dành cho Phêrô, cũng dành cho chính bạn hôm nay: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Tâm sự với Chúa về sự tha thứ trong đời bạn.

2/ Tha thứ vô tận (cc. 23-33)

Đức Giêsu đã trả lời cách rõ ràng cho Phêrô. Chắc chắn ông đã hiểu, và bạn cũng thế. Ấy vậy, đức Giêsu vẫn muốn nhấn mạnh bài học bằng cách kể một dụ ngôn khá dài, với những tình tiết đối lập. Bạn hãy đọc lại đoạn văn để khắc ghi câu chuyện cách chi tiết.

Đức Giêsu không chỉ muốn bạn tha thứ bằng lý trí: quyết định bỏ qua sự lỗi phạm của ai đó; Ngài muốn bạn tha thứ bằng con tim: tha thứ mà cảm thấy được giải phóng khỏi mọi cảm giác khó chịu còn lại liên quan tới người đó. Muốn vậy, bạn cần cảm nhận được niềm vui vì chính Thiên Chúa đã tha thứ cho bạn như thế nào. Hãy dành thời gian để làm điều này trong giờ cầu nguyện này… Sau đó, hãy chọn và thực hiện tha thứ cho ai đó. Nhớ rằng đừng đi tắt bằng một quyết định của lý trí, mà hãy đi xuyên qua cảm xúc (xả trừ sự buồn giận nếu cần), rồi mới thật sự làm hành vi tha thứ tận tâm.

Tha thứ là một nghĩa vụ của “tình yêu đáp đền tình yêu”. Bạn hãy thực hiện tha thứ theo tiến trình này.

3/ Thời hạn “trả nợ” (cc. 34-35)

Trong thời hạn bạn còn tại thế, bạn được tự do quyết định chọn lựa thời điểm và cách thức để tha thứ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, thời gian đó không vô biên, nhưng dài ngắn tùy người. Sẽ đến một ngày bạn phải tổng kết đời mình trước Đấng Toàn Năng, Yêu Thương và Tha Thứ. Đến lúc đó bạn sẽ thấy được món nợ lớn lao bạn chưa trả được cho Ngài, mà lại đối xử “bủn xỉn” với người đồng loại sẽ đưa đến hậu quả tàn khốc thế nào.

Tất nhiên, đừng đợi đến hạn chót mới lo trả nợ. Hận thù là một trong những yếu tố gây nên sự nhiễu tâm và đau khổ. “Hãy tha thứ, không phải vì người kia, mà vì chính bạn” – người ta phải nói như thế để “dụ dỗ” bạn tha thứ. Liệu bạn có đang thương chính bạn như Chúa yêu thương bạn không? Hãy làm gì đó để bạn được hạnh phúc từ bây giờ.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về câu chuyện nợ ân nghĩa, nợ tha thứ của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

6/3/23

Thứ ba MC.II: Thầy dạy đích thực (Mt 23,1-12)

1Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2“Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6Họ thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’.

8“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Đây là một trong những lời dạy của đức Giêsu về triều đại Nước Thiên Chúa đã gần đến. Thời đại bạn đang sống.
  • Ơn xin: Giữa thời đại bùng nổ thông tin, xin cho tôi nhận ra Vị Thầy Đích Thực để tôi biết chọn lựa lắng nghe và thi hành giáo huấn của Ngài.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn dành thời gian để suy niệm theo những điểm gợi ý sau:

1/ Nhiễu nhương “các thầy dạy” (cc. 1-7)

Hiện tượng các vị tỏ ra mình là thầy dạy của thời đức Giêsu: ép người khác giữ luật nặng nề còn mình thì không, khoe mình đạo đức qua cách ăn mặc, tỏ ra mình trọng vọng để được kính trọng và gọi là thầy. Thật ra thời nào cũng có kiểu người đó. Hơn nữa, điều đó cũng đang có trong tôi, và được biểu hiện ở những hình thái khác nhau, đôi khi tinh vi đến mức chính tôi cũng không nhận ra.

Thái độ cần có: Chúng ta thường có khuynh hướng đánh đồng giữa con người và sự việc, giữa con người và lời nói/hành động của của, giữa chính họ và những tật xấu của họ. Điều này càng dễ bị rối do tính kiêu ngạo nơi bản thân chúng ta – cái cảm giác ‘tôi tốt hơn người đó’. Đức Giêsu dạy: hãy tuân giữ những gì họ dạy (với thẩm quyền ông Môsê) như bổn phận họ phải làm; nhưng đừng sống theo kiểu khoa trương của họ.

Mời bạn tự xét xem tôi có thường bỏ ngoài tai tất cả những chỉ dẫn tốt lành, chỉ vì điều đó được nói bởi một người mà tôi không thích?

2/ Thầy dạy đích thực (cc. 8-12)

Mời bạn đọc từng câu trong đoạn văn này. Dành đủ thời gian để chú ý đến từng chữ, từng vế; xét duyệt bản thân trong vấn đề liên quan, ví dụ: Tôi có thường xưng danh “thầy” của ai? Thái độ của tôi với những người khác? Ai là vị thầy đích thực của tôi? Là con của “Cha trên trời” mang đến hệ quả gì trong đời tôi? Đức Kitô có là vị lãnh đạo đích thực của tôi?...

Bạn thấy đức Giêsu đã sống khiêm nhường thế nào? Bạn có tin vào muốn thực hành giáo huấn của Ngài: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (c.12)

Kết nguyện

Thân thưa với thầy Giêsu về điều bạn học được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet