Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Hiển thị các bài đăng có nhãn GƯƠNG SỐNG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn GƯƠNG SỐNG. Hiển thị tất cả bài đăng

14/10/22

Janine Paillet (1937-2022)


Janine là con một trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh và đầy tình yêu. Từ thuở bé, chân cô đã bị thương tật và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khiến bỏ lỡ nhiều buổi học. Năm 16 tuổi, cô rời trường học không bằng cấp. Cô học may, đến năm 19 tuổi, cô bắt đầu đi làm ở xưởng may trong vòng 5 năm.

Năm 24 tuổi, cô vào nhà tập dòng Tiểu Muội Đức Maria ở Lyon, Pháp. Bảy năm sau, Dòng này sát nhập với Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria.

Cô lấy chứng chỉ giúp việc nhà và rất hạnh phúc làm việc giúp đỡ các gia đình khó khăn. Năm 33 tuổi, chân cô yếu hơn và phải nghỉ làm. Vài năm sau cô dùng đến xe lăn. Cô thường tâm niệm : « Trong sự bất ổn của tương lai, tôi chắc chắn Thiên Chúa luôn ở đó với tôi. » hoặc « Chúng ta nên hài lòng với những gì mình có, và đừng khóc lóc về những gì không còn nữa. »

Những giới hạn trong việc đi đứng không ngăn cản cô khỏi niềm vui làm cho đức Giêsu Kitô được biết đến và được yêu mến. Cô dạy giáo lý trong vòng 18 năm. Trong thời gian này, nhờ linh đạo DHM rộng mở, cô có cơ hội chăm sóc người cha góa của mình cho đến khi ông qua đời.

Sau đó, cô biết đến và làm việc cho Hiệp hội Huynh Đệ của cha François với châm ngôn « Đứng dậy và bước đi ». Cô cũng tham gia hội Kitô hữu hưu trí và nhóm Lần chuỗi Mân Côi. Cô luôn giữ được tâm hồn trẻ thơ bằng tình yêu dành cho thiên nhiên và thú vật.

Lời cầu nguyện được tìm thấy trong phòng của cô khi cô qua đời là của cha Normand Provencher. Có lẽ bao năm cô đã tâm niệm và sống theo từng lời.

Cám ơn vì Ngài luôn ở đó!

Khi cuộc sống rối bời,
khi đêm về chứa đầy cơn ác mộng,
cám ơn vì Ngài luôn ở đó, hiện diện trong con.

Khi bệnh tật chạm đến,
khi thử thách vượt ngưỡng chịu đựng,
cám ơn Ngài luôn ở đó, và chạm đến con.

Khi con mất hết niềm hy vọng,
khi trước mặt mọi sự đều tăm tối,
cám ơn vì Ngài luôn ở đó, mang con đến ánh sáng.

Khi con cô đơn và bị quên lãng,
khi con sợ yêu thương và nhận tình yêu,
cám ơn Ngài luôn ở đó, và cho con tình yêu của Ngài.

Dịch thơ: Mai Trinh Tâm, DHM 

22/6/22

Catherine Ann O’Mara

Catherine đã bắt đầu yêu Chúa Giêsu Kitô từ khi nào không ai biết chắc; nhưng bằng chứng về tình yêu đó rất dồi dào.

Catherine sinh tại Bronx, New York vào ngày 13 tháng 8 năm 1923, cha là Thomas O 'Mara và mẹ là Catherine (Wilson) O' Mara. Cô có năm anh chị em: Theresa, Jane, Sơ Marie Terence, O.P., Thomas và Joseph.

Catherine được rửa tội vào ngày 26 tháng 8 năm 1923 và nhận bí tích Thêm sức vào tháng 5 năm 1930.

Cô tốt nghiệp giáo dục về Toán học, Ngữ văn Anh và Nhân học. Vào mùa Thu năm 1955, lần đầu tiên Catherine có ý nghĩ về một ơn gọi tu trì. Cô được nhận vào tiền tập tại thành phố New York vào ngày 31 tháng 12 năm đó; và đã trung thành với quá trình huấn luyện của mình. Catherine nói, "Tôi cảm thấy Chúa mời gọi tôi bước theo Ngài sát hơn." Và cô đã sống như vậy.

Catherine tuyên khấn đầu tại New York vào ngày 17 tháng 8 năm 1958, Khấn 5 Năm vào ngày 15 tháng 8 năm 1962 ở Buffalo, và Khấn trọn ở Holyoke, vào ngày 7 tháng 8 năm 1979.

Cô vận dụng mọi kiến thức học được và tài năng Chúa ban để phục vụ trong một số trường của Dòng DHM. Trong thời gian dạy tiếng Latinh và tiếng Anh tại Học viện Nardin, Catherine điều hành Câu lạc bộ Kịch Nghệ và Hiệp hội sinh viên.

Năm 1966, Catherine đã nhận lời đi phục vụ tại Trường Nazareth ở Addis Ababa, Ethiopia. Đến năm 1971 cô trở lại Hoa Kỳ và giảng dạy tại Trường Khiếm Thính Thánh Joseph ở Bronx, New York.

Vào mùa xuân năm 1978, Catherine đã hồi đáp lại yêu cầu của Giám tỉnh rằng, “Tất nhiên, với sự cam kết của Lời Khấn và một ý thức chung, tôi muốn tìm kiếm Thánh ý Chúa trong mọi việc và thực hiện cách vui vẻ... Tôi chắc rằng tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì Chúa muốn cho tôi ngang qua Chị.”

Vì thế, cô đã chấp nhận những nhiệm vụ đặc biệt và phục vụ ở nhiều vị trí khác nhau như Giáo tập, Bề trên, cố vấn Tỉnh, Phó giám tỉnh, cố vấn Tổng Quyền, giáo viên, điều hành...

Trong Dòng, mặc dù cô nổi tiếng và được yêu mến khắp năm châu, nhưng không phải nhờ danh sách dài những thành tích, những vai trò và những nơi được viếng thăm đã chứng tỏ về tình yêu của Catherine dành cho Chúa Giêsu; nhưng chính là nhờ cách cô sống tròn đầy những gì đã cam kết.

Đến bất cứ nơi nào, Catherine đều mang lại cảm giác yên bình với một phong thái dễ dàng và tôn trọng. Cô quảng đại và nhạy bén với nhu cầu của người khác; cùng với khiếu hài hước khi cô chăm chú lắng nghe người khác. Bằng sự âm thầm và khiêm tốn của mình, Catherine đã truyền cảm hứng và khơi lên những điều tốt nhất nơi người khác.

Đối mặt với những tính cách hay thách thức hoặc thích thống trị, Catherine vẫn giữ sự tự chủ của mình; cô đáp lại những lời chỉ trích hoặc bất kỳ sự bất công nào với sự khiêm tốn.

Cô biểu lộ sự tử tế, vui vẻ và biết ơn đối với người cùng ở và với các nhân viên tại Nhà dưỡng lão Mẹ Maria từ ngày cô đến vào năm 2002. Cô dịu dàng đi qua quá trình suy giảm sức khỏe và bệnh tật của chính mình.

Catherine qua đời vào ngày 22 tháng 12 năm 2021.

Một cuộc đời đã được sống tận căn!

Cô để lại cho tất cả những ai biết cô biết bao kỷ niệm đẹp và thăng hoa. Thật là tốt hơn vì đã được biết cô.


Theo tiểu sử của cô Catherine Ann O’Mara,

được công bố sau khi cô qua đời. 

11/6/19

Những cô thợ may chân chính


Nhà Bertonnet có hai chị em, Suzanne và Genevieve. Họ làm nghề may và sống với mẹ già tại Paris. Cả hai đều gia nhập dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria khi cuộc cách mạng Pháp đang ở đỉnh cao.

Xưởng may của họ chuyên may trang phục cho phụ nữ. Nhiều người muốn học nghề nên đến xin làm tại đó, họ đều được nhận. Vì vậy, xưởng may của hai chị em nhà Bertonnet được biết đến như là nơi bảo trợ.

Là thợ may, nhiều khi khách hàng đòi họ may những bộ cánh gợi cảm, nhưng trong thâm tâm, họ e ngại mốt thời trang này. Họ trình bày vấn đề này với Cha Cloriviere – vị sáng lập Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria. Cha trả lời như sau: “Hãy nói với những người khách đó rằng lương tâm của chúng tôi không cho phép chúng tôi may những kiểu quần áo đó. Rằng thà chúng tôi mất khách và chỉ may quần áo cho người già và trẻ em còn hơn là may những bộ cánh đó.”

“Nhưng làm sao chúng con có thể phụng dưỡng mẹ già nếu chúng con mất khách?” hai chị em đặt câu hỏi.

“Đừng sợ các con! Hãy vững tin!” Cha Cloriviere khích lệ.

Hai chị em vâng lời và can đảm từ chối may những bộ đồ thiếu đoan trang. Thật không ngờ, những bộ y phục trang nhã và lịch sự họ may ngày càng được ưa chuộng. Chẳng bao lâu, số khách tăng nhanh đến nỗi họ phải thuê gấp đôi số nhân viên.

Suzanne và Genevieve đã mang lại những ảnh hưởng rất tích cực, không chỉ trong xưởng may của họ mà còn lan tỏa đến tầng lớp quý tộc, thượng lưu thời bấy giờ.

Gương sống của hai chị em nhà Bertonnet khiến chúng ta phải suy ngẫm. Điều đơn sơ nhất có thể mang lại những giá trị tốt đẹp – miễn là nó được sử dụng tốt và có định hướng.

(Ảnh: Gettyimages)

25/4/19

Vị tử đạo tiên khởi Madame des Bassablons

Madame des Bassablons tên thật là Thérèse Pélagie Anne, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1728 tại St. Malo, nước Pháp trong một gia đình đạo đức và giàu có. Cô lớn lên dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc nhưng cũng đầy sáng tạo của người mẹ. Ở tuổi đôi mươi, Thérèse thu hút người khác bởi gương mặt xinh xắn, y phục đoan trang và lòng bác ái dành cho người nghèo.

Năm 19 tuổi, Thérèse chấp thuận lời cầu hôn của chàng quý tộc Claude des Bassablons và trở thành Madame des Bassablons. Những năm đầu của đời sống hôn nhân, Thérèse trải qua nhiều đau khổ bởi tư tưởng vô thần của chồng. Tuy nhiên, cô luôn tôn trọng, kiên nhẫn và sống hết lòng với chồng. Kết quả là những tư tưởng của ông Bassablons dần dần biến đổi. Cuối cùng, ông trở lại với niềm tin thời thơ ấu của mình. Từ đó, hai vợ chồng sống rất hài hòa và hạnh phúc. Riêng Madame des Bassablons thì còn vui mừng hơn nữa vì đứa con đầu lòng sắp chào đời. Nhưng đau đớn thay, chỉ sau vài ngày thấy mặt cha mẹ, em bé đã vội ra đi. Sau mất mát đó, cô Bassablons dành nhiều thời gian để giúp đỡ người nghèo hơn. Lúc này, chồng cô không những tham gia vào công việc bác ái này mà còn cảm thấy thích thú với nó.

Một tối nọ, người gác đêm của thị trấn tay rung chuông, vừa chạy khắp các con đường vừa la lớn: “Hãy cầu nguyện cho linh hồn ông Claude des Bassablons”. Ngày ấy, Madame des Bassablon mới 23 tuổi. Goá chồng lại không có con, Madame des Bassablons về sống với cha của mình cũng đang góa. Hai cha con sống bình yên và hăng hái giúp đỡ người nghèo. Sau 8 năm, người cha bỏ cô mà về cùng Chúa. Quà tặng quý giá nhất mà người cha để lại cho cô chính là người nghèo.

Năm 1776, các bà trong nhóm bác ái thúc giục Madame des Bassablons đứng ra đảm trách công việc bác ái của nhóm. Kể từ đó, cô tổ chức nhiều hoạt động bác ái hơn. Trong thời kỳ Khủng bố, nhiều người tìm cách vượt biên. Các Linh mục bị truy bắt phải lẩn trốn từ nơi này qua nơi khác. Madame des Bassablons dùng ngôi nhà của mình ở Pont-Pinel làm nơi trú ẩn cho các Linh mục này.

Theo thói quen, mỗi mùa hè Madame des Bassablons đến sống tại Pont-pinel, gần nhà thờ Parame để gặp vị linh hướng của cô là cha Pierre J. de Cloriviere, S.J. Ngang qua cha Cloriviere, cô biết đến dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria. Cô là một trong số những người đầu tiên dâng mình cho Chúa trong Dòng này.

Công việc bác ái của Madame des Bassablons bị chính quyền để ý. Họ thuê những người hàng xóm của cô để theo dõi mọi hoạt động và những ai lui đến nhà cô. Bởi vậy, họ nắm chắc cô đang che giấu các Linh mục "phạm pháp" và âm thầm lên kế hoạch bắt giam cô.

Một buổi sáng tinh sương, nhóm cảnh sát ập tới khám xét nhà cô. Khi ấy, Madame des Bassablons đang bệnh nặng trên giường. Vì cô là một người được dân chúng hết sức kính trọng, nên cảnh sát sợ việc bắt cô giữa ban ngày sẽ gây náo động trong dân. Cho nên, họ ở đó canh giữ cô đến 8 giờ tối mới giải cô đến trại giam.

Cô bị giam trong một căn phòng rất chật chội cùng với 24 người khác. Cô bị giam hơn một năm nhưng không hề có cuộc xét xử nào. Người ta chỉ đến và đọc tên những người bị đem đi hành quyết, trong đó có tên Madame des Bassablons. Nghe tin ấy, các bạn tù của cô người thì ngất xỉu, người thì khóc than, khiến cô phải ra sức an ủi họ. Trước khi bị giải lên Paris chịu hành quyết, cô ao ước được xưng tội nhưng chẳng có Linh mục nào ở đó.

Cùng với 11 tù nhân khác, Bassablons đeo gông, đi bộ 18 ngày trời từ St. Malo lên Paris. Bất chấp số phận bi thảm phía trước và thái độ đối xử bạo tàn của lính áp giải, cô luôn giữ được sự bình thản và là người nâng đỡ tinh thần cho các bạn tù khác.

Tại Paris, chỉ một chút trước khi chịu tử hình, cha Cloriviere đã kín đáo giải tội cho cô từ xa. Bí tích này đã thêm sức cho cô can đảm bước lên pháp trường để chịu phúc tử vì đạo ngày 21 tháng 6 năm 1794.

"Madame des Bassablons đã mở đường tới Thiên đàng
cho các Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria
trước cả khi Hội dòng đâm rễ sâu vào lòng thế giới."

(Lời cha Cloriviere an ủi cô Cicé, bề trên tiên khởi nhánh nữ lúc giờ)


Nữ tu bác sĩ Ruth Plau



Một gương mặt rất tiêu biểu của dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria trong thế kỷ 21 này là bác sĩ Ruth Pfau, người được mệnh danh là “mẹ người phong” hay “Mẹ Têrêsa của Pakistan”. Ngày bà qua đời, nhiều hãng truyền thông trên thế giới đồng loạt đưa tin và chính phủ Pakistan quyết định tổ chức quốc táng cho bà. Với người dân Pakistan, bác sĩ Ruth Pfau không phải là người xa lạ, mặc dù bà là người Đức. Suốt 57 năm sống và làm việc tại Pakistan, bà đã giúp đẩy lùi bệnh phong ở quốc gia này và để lại 157 cơ sở chữa trị trên khắp cả nước.

Sinh ra và lớn lên tại Leipzip, miền Đông nước Đức, trong một gia đình Tin Lành, Ruth là con thứ tư trong một gia đình có sáu anh chị em. Ngôi nhà của cô bị bom phá huỷ trong cuộc chiến Xô – Đức. Vào cuối cuộc chiến, khi Ruth được 17 tuổi, em trai cô qua đời vì thiếu thực phẩm và thuốc men. Điều này để lại một vết thương sâu trong lòng Ruth. Cô tự nói với chính mình: “Chuyện này không bao giờ được phép lặp lại nữa”. Sau cuộc chiến, Đông Đức nằm dưới quyền kiểm soát của Xô Viết nên gia đình cô quyết định chuyển qua Tây Đức. Vào những năm 1950, cô học y khoa tại Mainz, rồi sau đó học chuyên khoa tại Bonn.

Cũng trong thời gian này, cô quen biết những người bạn say mê linh đạo I-Nhã rồi dần dần cải sang đạo Công giáo. Nhờ một tu sĩ Dòng Tên, cô trở thành nữ tu dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria vào năm 1957.

Năm 1960, bề trên sai cô qua phục vụ tại miền nam Ấn Độ. Trên đường đi, cô bị kẹt lại khoảng một năm rưỡi ở Karachi, Pakistan vì không xin được visa vào nước Ấn. Trong khi chờ đợi, cô đi thăm một trung tâm chăm sóc nhỏ của dòng. Giây phút cô nhìn thấy một người trẻ mắc bệnh phong bò trên nền dơ bẩn bằng hai tay hai chân đã hoàn toàn thay đổi đời cô. Cô xin bề trên đổi bài sai và quyết định này chuyển đời cô sang một hướng khác.

Cô bắt đầu học ngôn ngữ và ăn mặc như những phụ nữ Pakistan. Trong một đất nước Hồi giáo như thế này, là một phụ nữ, lại là một phụ nữ Công giáo Tây phương, cô gặp khó khăn gấp ba lần người bình thường. Nhưng cô chọn phục vụ tại đây.

Ở tuổi 31, cô bắt đầu chữa trị cho các bệnh nhân phong và giúp họ hoà nhập cộng đồng. Năm 1963, với sự hỗ trợ từ Đức, cô mở phòng khám đầu tiên tại Karachi. Dần dần, nơi đây trở thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh phong và được đặt tên là Marie Adelaide Leprosy Centre (MALC). Để có thêm nhiều chuyên viên, cô bắt đầu huấn luyện đội ngũ y bác sĩ cho trung tâm. Dưới sự hướng dẫn của cô, trung tâm MALC dần được công nhận là Học viện đào tạo cấp quốc gia về bệnh phong vào năm 1971.

Chính phủ Pakistan sớm nhận ra những đóng góp tích cực của bác sĩ Ruth Pfau nên đã mời cô làm cố vấn cho Chương trình Kiểm soát Bệnh phong tại Pakistan. Vào những năm 1980, vẫn có khoảng 20 ngàn ca bệnh phong mỗi năm tại Pakistan, nhưng đến năm 2016, con số chỉ còn lại hơn 500 ca. Với những thành tựu như vậy, Pakistan trở thành một trong những quốc gia Châu Á chế ngự bệnh phong tốt nhất.

Không chỉ chiến đấu chống lại bệnh phong ở Pakistan, bác sĩ Ruth còn bí mật cưỡi lạc đà qua Afghanistan chữa trị cho các bệnh nhân phong. Tại đây, bà cũng mở trung tâm và đào tạo nguồn nhân sự tại chỗ. Trong những chuyến đi xa như thế này, bà luôn mang theo Thánh kinh và trung thành với giờ cầu nguyện hằng ngày của bà.

Khi bệnh phong cơ bản đã được kiểm soát tại Pakistan, trung tâm MALC bắt đầu mở rộng sang điều trị lao phổi và các bệnh về mắt. Tính tới năm 2017, trung tâm đã chữa trị cho khoảng 50 ngàn người.

Bởi những đóng góp to lớn cho người dân, bà nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm giải Albert-Scheweitzer vào năm 2004, giải “Người phụ nữ của năm” của đài phát thanh Pakistan năm 2006, giải “Nữ anh hùng thầm lặng” của đài truyền hình Bambi, Đức năm 2012. Bà cũng viết nhiều sách để chia sẻ kinh nghiệm, tình yêu, những thao thức và niềm vui sứ vụ. 


Một số sách rất sống động do bà viết như Không thể sống mà không yêu (Can't live without love), Trái tim có những lý lẽ riêng (The heart has its reasons), Đời tôi thật điên rồ (My life, pure madness), Tình yêu không chất vấn (Love is no why), Lời cuối là tiếng yêu (The last word is love), Sống là điều gì hơn nữa (Living is something else).

Tháng 4 năm 2017, bà bị té nhưng vẫn tiếp tục đi thăm các bệnh nhân trên xe lăn. Ngày 30 tháng 5 năm 2017, khi đang trên giường bệnh, bà xin tuyên khấn lời khấn trọn đời, biểu lộ một cách công khai rằng đời tu rất quan trọng đối với bà. Ngày 10 tháng 8 năm 2017, lúc 4 giờ sáng, bà nhẹ nhàng ra đi ở tuổi 87. Cũng ngày hôm đó, dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria khai mạc Tổng tu nghị bầu Tổng quyền mới.

Tang lễ bác sĩ Ruth Pfau được cử hành trọng thể tại nhà thờ chính toà Saint Patrick ở Karachi vào ngày 19 tháng 8 năm 2017 và được chôn cất tại nghĩa trang Công giáo Pakistan. Có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Pakistan đã tuyên bố rằng bà sẽ xuất hiện trong sách lịch sử của Pakistan hay một trong các bệnh viện lớn nhất của Pakistan sẽ mang tên bà, nhưng có một điều chắc chắn bà đã làm đó là xây những cây cầu giữa các nền văn hoá, tôn giáo và giới tính. Thực ra, cuộc chiến dài nhất, khó khăn nhất mà bác sĩ Ruth Pfau đối diện không phải là cuộc chiến chống lại bệnh phong, mà là “Cuộc chiến phục hồi nhân phẩm” như bà từng chia sẻ.