Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

25/4/19

Nữ tu bác sĩ Ruth Plau



Một gương mặt rất tiêu biểu của dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria trong thế kỷ 21 này là bác sĩ Ruth Pfau, người được mệnh danh là “mẹ người phong” hay “Mẹ Têrêsa của Pakistan”. Ngày bà qua đời, nhiều hãng truyền thông trên thế giới đồng loạt đưa tin và chính phủ Pakistan quyết định tổ chức quốc táng cho bà. Với người dân Pakistan, bác sĩ Ruth Pfau không phải là người xa lạ, mặc dù bà là người Đức. Suốt 57 năm sống và làm việc tại Pakistan, bà đã giúp đẩy lùi bệnh phong ở quốc gia này và để lại 157 cơ sở chữa trị trên khắp cả nước.

Sinh ra và lớn lên tại Leipzip, miền Đông nước Đức, trong một gia đình Tin Lành, Ruth là con thứ tư trong một gia đình có sáu anh chị em. Ngôi nhà của cô bị bom phá huỷ trong cuộc chiến Xô – Đức. Vào cuối cuộc chiến, khi Ruth được 17 tuổi, em trai cô qua đời vì thiếu thực phẩm và thuốc men. Điều này để lại một vết thương sâu trong lòng Ruth. Cô tự nói với chính mình: “Chuyện này không bao giờ được phép lặp lại nữa”. Sau cuộc chiến, Đông Đức nằm dưới quyền kiểm soát của Xô Viết nên gia đình cô quyết định chuyển qua Tây Đức. Vào những năm 1950, cô học y khoa tại Mainz, rồi sau đó học chuyên khoa tại Bonn.

Cũng trong thời gian này, cô quen biết những người bạn say mê linh đạo I-Nhã rồi dần dần cải sang đạo Công giáo. Nhờ một tu sĩ Dòng Tên, cô trở thành nữ tu dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria vào năm 1957.

Năm 1960, bề trên sai cô qua phục vụ tại miền nam Ấn Độ. Trên đường đi, cô bị kẹt lại khoảng một năm rưỡi ở Karachi, Pakistan vì không xin được visa vào nước Ấn. Trong khi chờ đợi, cô đi thăm một trung tâm chăm sóc nhỏ của dòng. Giây phút cô nhìn thấy một người trẻ mắc bệnh phong bò trên nền dơ bẩn bằng hai tay hai chân đã hoàn toàn thay đổi đời cô. Cô xin bề trên đổi bài sai và quyết định này chuyển đời cô sang một hướng khác.

Cô bắt đầu học ngôn ngữ và ăn mặc như những phụ nữ Pakistan. Trong một đất nước Hồi giáo như thế này, là một phụ nữ, lại là một phụ nữ Công giáo Tây phương, cô gặp khó khăn gấp ba lần người bình thường. Nhưng cô chọn phục vụ tại đây.

Ở tuổi 31, cô bắt đầu chữa trị cho các bệnh nhân phong và giúp họ hoà nhập cộng đồng. Năm 1963, với sự hỗ trợ từ Đức, cô mở phòng khám đầu tiên tại Karachi. Dần dần, nơi đây trở thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh phong và được đặt tên là Marie Adelaide Leprosy Centre (MALC). Để có thêm nhiều chuyên viên, cô bắt đầu huấn luyện đội ngũ y bác sĩ cho trung tâm. Dưới sự hướng dẫn của cô, trung tâm MALC dần được công nhận là Học viện đào tạo cấp quốc gia về bệnh phong vào năm 1971.

Chính phủ Pakistan sớm nhận ra những đóng góp tích cực của bác sĩ Ruth Pfau nên đã mời cô làm cố vấn cho Chương trình Kiểm soát Bệnh phong tại Pakistan. Vào những năm 1980, vẫn có khoảng 20 ngàn ca bệnh phong mỗi năm tại Pakistan, nhưng đến năm 2016, con số chỉ còn lại hơn 500 ca. Với những thành tựu như vậy, Pakistan trở thành một trong những quốc gia Châu Á chế ngự bệnh phong tốt nhất.

Không chỉ chiến đấu chống lại bệnh phong ở Pakistan, bác sĩ Ruth còn bí mật cưỡi lạc đà qua Afghanistan chữa trị cho các bệnh nhân phong. Tại đây, bà cũng mở trung tâm và đào tạo nguồn nhân sự tại chỗ. Trong những chuyến đi xa như thế này, bà luôn mang theo Thánh kinh và trung thành với giờ cầu nguyện hằng ngày của bà.

Khi bệnh phong cơ bản đã được kiểm soát tại Pakistan, trung tâm MALC bắt đầu mở rộng sang điều trị lao phổi và các bệnh về mắt. Tính tới năm 2017, trung tâm đã chữa trị cho khoảng 50 ngàn người.

Bởi những đóng góp to lớn cho người dân, bà nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm giải Albert-Scheweitzer vào năm 2004, giải “Người phụ nữ của năm” của đài phát thanh Pakistan năm 2006, giải “Nữ anh hùng thầm lặng” của đài truyền hình Bambi, Đức năm 2012. Bà cũng viết nhiều sách để chia sẻ kinh nghiệm, tình yêu, những thao thức và niềm vui sứ vụ. 


Một số sách rất sống động do bà viết như Không thể sống mà không yêu (Can't live without love), Trái tim có những lý lẽ riêng (The heart has its reasons), Đời tôi thật điên rồ (My life, pure madness), Tình yêu không chất vấn (Love is no why), Lời cuối là tiếng yêu (The last word is love), Sống là điều gì hơn nữa (Living is something else).

Tháng 4 năm 2017, bà bị té nhưng vẫn tiếp tục đi thăm các bệnh nhân trên xe lăn. Ngày 30 tháng 5 năm 2017, khi đang trên giường bệnh, bà xin tuyên khấn lời khấn trọn đời, biểu lộ một cách công khai rằng đời tu rất quan trọng đối với bà. Ngày 10 tháng 8 năm 2017, lúc 4 giờ sáng, bà nhẹ nhàng ra đi ở tuổi 87. Cũng ngày hôm đó, dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria khai mạc Tổng tu nghị bầu Tổng quyền mới.

Tang lễ bác sĩ Ruth Pfau được cử hành trọng thể tại nhà thờ chính toà Saint Patrick ở Karachi vào ngày 19 tháng 8 năm 2017 và được chôn cất tại nghĩa trang Công giáo Pakistan. Có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Pakistan đã tuyên bố rằng bà sẽ xuất hiện trong sách lịch sử của Pakistan hay một trong các bệnh viện lớn nhất của Pakistan sẽ mang tên bà, nhưng có một điều chắc chắn bà đã làm đó là xây những cây cầu giữa các nền văn hoá, tôn giáo và giới tính. Thực ra, cuộc chiến dài nhất, khó khăn nhất mà bác sĩ Ruth Pfau đối diện không phải là cuộc chiến chống lại bệnh phong, mà là “Cuộc chiến phục hồi nhân phẩm” như bà từng chia sẻ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét