Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Hiển thị các bài đăng có nhãn TÂM ĐIỂM GIÊSU. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÂM ĐIỂM GIÊSU. Hiển thị tất cả bài đăng

6/7/25

Thứ hai TN.XIV: Chạm đến (Mt 9,18-26)

18Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” 19Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.

20Bỗng một người đàn bà bị rong huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, 21vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!” 22Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

23Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: 24“Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. 25Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. 26Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu phục sinh con gái một thủ lãnh Do Thái và chữa lành người phụ nữ loạn kinh.

Ơn xin: Xin cho tôi khao khát được Đức Kitô chạm đến để hồi sinh những gì trong tôi đang chết dần, đang làm tôi kiệt sức và mất niềm vui sống; để tôi được ơn sống cuộc đời mới với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Luôn sẵn sàng (cc. 18-19)

Đức Giêsu còn đang trả lời với các môn đệ ông Gioan đến hỏi về việc ăn chay, thì vị thủ lãnh này chen vào vì ông có việc gấp muốn nói với đức Giêsu. Xét trên sự kiện thì không hẳn là gấp vì con gái của ông đã chết rồi! Nhưng đức tin mạnh mẽ của ông thúc đẩy ông đến thưa với đức Giêsu. Ông tin với cái chạm của đức Giêsu, con gái ông sẽ sống lại.

Có điều gì trong bạn “vừa mới chết”? Bạn có tin rằng khi Thiên Chúa chạm đến, nó sẽ được chữa lành, sẽ hồi sinh? Hãy dành thời gian để thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó và xin Ngài chạm đến.

Hãy suy nghĩ về sự sẵn sàng lên đường của đức Giêsu. Thiên Chúa luôn sẵn sàng như thế đối với bạn.

2/ Đón nhận sự cố chen ngang (cc. 20-22)

Hãy suy ngẫm về sự vội vã được thể hiện qua bước chân của người cha, của đức Giêsu và các môn đệ. Thế mà đức Giêsu vẫn quay lại phía người phụ nữ bị bệnh đã được chữa khỏi vì lòng tin của bà muốn chạm đến đức Giêsu. Sự vội vã không làm Ngài cảm thấy bị làm phiền khi có sự cố chen ngang.

Đâu là những lúc bạn cảm thấy bị làm phiền? Đã bao nhiêu lần bạn đã “chen ngang” và Chúa luôn đón nhận bạn? Hãy nghiệm câu này để biết chắc điều đó: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.

3/ Chạm đến (cc. 23-26)

Bất chấp sự chế nhạo của những người đang than khóc bé gái đã chết, đức Giêsu đuổi họ ra ngoài, tiến đến, chạm vào xác bé gái, và nó sống lại.

Hãy tự hỏi đã bao nhiêu lần Thiên Chúa muốn chạm đến đời bạn, chạm đến những nỗi đau đang làm bạn mất dần sức sống, thậm chí có những điều đã thật sự chết trong tâm hồn bạn? Hôm nay bạn có muốn được Ngài chạm đến? Đâu là những rào cản làm cho Ngài không chạm được đến bạn? Ngài đang phải nỗ lực “đuổi chúng ra” thế nào?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì nổi lên trong bạn, dù chỉ là một tia hy vọng mong manh.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

29/6/25

Thứ Hai TN.XIII: Thanh thoát (Mt 8,18-22)

18Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia. 19Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 20Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

21Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” 22Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu giảng dạy về điều kiện bước theo Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn thanh thoát khi bước theo Chúa Giêsu trên con đườn Ngài đang đi.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Không chỗ tựa đầu (cc. 18-20)

Mời bạn đặt mình sát bên đức Giêsu ngay trước lúc Ngài muốn cùng với các môn đệ sang bờ bên kia biển hồ Tiberia.

Nhìn ngắm vị kinh sư đang tiếp cận đức Giêsu. Nhớ về vị thế “kinh sư” trong dân Do Thái thời bấy giờ.

Quan sát ông thật kỹ và lắng nghe lời ông nói với đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” – Cảm nghiệm khao khát và tấm lòng của ông.

Lắng nghe câu trả lời của đức Giêsu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” – Cảm hiểu điều đức Giêsu đang ám chỉ.

Đoạn kinh thánh không cho biết kết quả sau đó. Nếu là bạn, bạn có thực hiện điều lòng bạn khao khát và bày tỏ với đức Giêsu? Bạn có thanh thoát đủ để bước theo Ngài?

2/ Khẩn trương (cc. 21-22)

Bây giờ hãy nhìn một trong số môn đệ đã đi theo đức Giêsu một thời gian. Anh cũng tiến lại và bày tỏ ước nguyện: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” – Cảm nghiệm điều anh đang đắn đo trong lòng giữa việc theo đức Giêsu và bổn phận báo hiếu.

Lắng nghe lời đáp của đức Giêsu: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” – Hãy nghiệm lời mời “Hãy đi theo tôi” – bạn được mời.

Kẻ chết, nếu bạn hiểu là cha/mẹ của anh này qua đời thì chắc chắn đức Giêsu không khắc nghiệt đến mức không cho phép anh về thụ tang! “kẻ chết” có thể là những người còn mê đắm hoặc bận bịu với những “chuyện thế gian”. Vậy việc bước theo đức Giêsu ngay lập tức thì quan trọng hơn việc chờ đợi cho đến lúc những người con mê đắm thế gian này qua đi.

Nếu là bạn, bạn chọn lựa thế nào? Bạn có thanh thoát đủ để bước theo Ngài?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về tình trạng theo Chúa của bạn. Nài xin Ngài ban cho bạn khao khát mãnh liệt và lòng thanh thoát để bước đến với Ngài giữa những bận bịu của cuộc sống.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

8/6/25

[Lễ đức Maria Mẹ Hội Thánh]: Ôm lấy (Ga 19,25-34)

25Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

28Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” 29Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

31Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Maria dưới chân thập giá.

Ơn xin: Xin cho tôi biết yêu mến Mẹ Maria, người Mẹ đã ôm lấy Giáo Hội và chính tôi trong đau khổ để sinh hạ cho tôi thành công dân Nước Trời.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp chiêm niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đứng dưới chân Thập giá (cc. 19-25)

Mời bạn đặt mình dưới chân thập giá, gần chỗ đức Maria đang đứng cùng mấy phụ nữ thân quen đức Giêsu.

Đọc chậm bản văn vài lần. Chú ý quan sát tư thế đứng đó của đức Maria. Đặt mình vào trong đôi mắt của Mẹ để tiếp nhận tất cả những gì đang diễn ra trên Đồi Sọ chiều hôm đó, nhất là những gì đang diễn ra nơi Con của Mẹ.

Bước vào trong lòng đức Maria để cảm nghiệm nỗi đau “đứt ruột” khi chứng kiến Con mình đang chết dần.

Cảm nghiệm cái giá của Mẹ đức Giêsu – Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Giáo Hội.

2/ Ôm lấy (cc. 26-27)

Bây giờ bạn hãy zoom vào ánh mắt của đức Giêsu khi Ngài nhìn gần lại chân thập giá, và nhìn thấy mẹ Maria và người môn đệ thương mến. Chiêm ngắm đôi mắt Ngài. Cảm nghiệm điều đang diễn ra trong lòng Ngài.

Đoạn quan sát mắt đức Giêsu đang nhìn mẹ mình. Lắng nghe lời Ngài nói với mẹ Maria: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (khi Ngài liếc nhìn qua người môn đệ thương mến).

Chiêm ngắm tương tự với người môn đệ thương mến và câu nói của đức Giêsu dành cho anh: “Đây là mẹ của anh” (khi Ngài liếc nhìn qua mẹ mình).

Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Chiêm ngắm lòng của người môn đệ thương mến. Anh sắp xếp lòng mình để nhận một người vào đời mình.

Áp dụng bản thân: Đức Giêsu hôm nay cũng trao Mẹ Maria cho bạn. Bạn đón nhận Mẹ vào đời mình thế nào?

3/ Thực hiện ước mơ (cc. 28-30)

Lời cuối cùng Mẹ Maria nghe được từ Con mình là “Tôi khát!” – Rồi người gục đầu trao Thần Khí.

Mẹ vẫn hằng thực hiện ước mơ đó của Con mình qua bao thế kỷ… và cho đến đời đời.

Áp dụng: Mẹ Maria đã chịu những đau khổ như thế nào trong hành trình một đời làm mẹ đức Giêsu, và đang làm Mẹ Giáo Hội? Mẹ cũng đau khổ thế nào khi làm mẹ của tôi? Mẹ của nhân loại? Mẹ của vũ trụ?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu và Mẹ Maria về ân huệ cao quý là chính Mẹ Maria được trao cho bạn hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Kính Mừng.

Ảnh: Internet

2/6/25

Thứ hai PS.VII: Mức độ tin (Ga 16,29-33)

29Các môn đệ Người thưa: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à? 32Này đến giờ –và giờ ấy đã đến rồi– anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

Nhập nguyện

-Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

-Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

-Đặt khung cảnh: Cuộc chuyện trò riêng tư giữa thầy trò đức Giêsu trước khi nào bước vào cuộc khổ nạn.

-Ơn xin: Xin cho tôi biết mở lòng lắng nghe những lời Đức Giêsu muốn kết nối với tôi từ trái tim Ngài. Và xin ơn can đảm chọn lựa trở nên môn đệ Chúa Kitô qua hành động tin.

-Lối cầu nguyện: Suy xét (Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập).

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Hiểu biết (cc. 29-30)

Mức độ thứ nhất là hiểu biết bằng trí óc.

Các môn đệ thấy rằng mình đã hiểu nhiều điều đức Giêsu nói. Điều đó thật tốt vì “vô tri bất mộ”.

Ngày nay việc huấn luyện triết học và thần học cho người tín hữu giáo dân rất được khuyến khích, nhằm giúp người tín hữu không chỉ sống đạo cho mình, mà còn có khả năng giải thích đức tin của mình cho người khác, và giúp đỡ những ai muốn tìm hiểu về đạo.

Hãy đặt mình trước Chúa với lương tâm ngay thẳng, và xét xem mình đã học hiểu về đức Kitô ở mức độ nào? Đâu là những cách thế bạn đã dùng để gia tăng sự hiểu biết về Ngài?

2/ Bị bách hại (cc. 31-32)

Mức độ thứ hai là giữ đạo khi bị bách hại.

Noi gương Chúa Giêsu, Đấng luôn tin rằng Chúa Cha ở với mình trong những lúc khó khăn. Liệu bạn có tin rằng Chúa Giêsu sẽ đồng hành và giải thoát bạn?

Hãy nhớ lại và xem xét cách bạn đã giữ đạo và sống đạo khi gặp những khó khăn trong những chọn lựa khi làm ăn sinh sống, làm chứng cho Chúa, bị phản bác niềm tin vào Chúa…

Thân thưa với Chúa Giêsu về những khó khăn trong việc sống đạo, và xin Ngài ban ơn giúp sức.

3/ Biết và tin (c. 33)

Mức độ thứ ba là biết trước sẽ bị bách hại vì đức tin và tin Chúa sẽ giải thoát.

Đức Giêsu muốn cho bạn biết trước về những khó khăn khi tin và sống theo giáo lý của Ngài, và khi bước theo Ngài: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.”

Bạn có ngạc nhiên về những khó khăn trong đời của bạn đã, đang và sẽ gặp phải chỉ vì bạn là người “có đạo”? Khi gặp những khó khăn, thái độ của bạn thế nào? Liệu bạn có bình an trong Chúa vì “đã biết trước” sự thể sẽ như vậy?

Mời bạn niệm câu này: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về mức độ tin của bạn, và xin Ngài gia tăng đức tin cho bản thân.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet


26/5/25

Thứ hai PS.VI: Cái giá làm người môn đệ (Ga 15,26-16,4)

1526“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

161“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Cuộc chuyện trò riêng tư giữa thầy trò đức Giêsu trước khi nào bước vào cuộc khổ nạn.

·       Ơn xin: Xin cho tôi biết mở lòng lắng nghe những lời Đức Giêsu muốn kết nối với tôi từ trái tim Ngài. Và xin ơn can đảm chọn lựa trở nên môn đệ Chúa Kitô.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh (Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập).

Gợi điểm cầu nguyện

Đặt mình vào trong bầu khí thầy trò tâm sự với nhau trước lúc chia tay. Đặt mình vào trong trái tim của thầy Giêsu để cảm nghiệm tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ và cho chính bạn hôm nay.

Bản văn

Gợi điểm cầu nguyện

1526“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 

Chiêm ngắm Thánh Thần trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là Vị thứ hai được sai đến với nhân loại.

Suy ngẫm về sự nối kết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài hiểu nhau, các Ngài làm chứng cho nhau.

27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

Lời mời gọi ở với Chúa Giêsu, hiểu biết Ngài, làm chứng cho Ngài.

161“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 

Nghĩ trước để bớt sốc và để làm chọn lựa.

 

2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 

Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15,20)

Suy ngẫm về hệ quả của việc chọn lựa bước theo Đức Kitô.

Lý do họ bách hại: “họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.” Làm sao để giúp họ nhận biết?

4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

Nhắc lại để nhấn mạnh: Hãy nghĩ trước để bớt sốc và để làm chọn lựa.

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những kinh nghiệm khó khăn bạn gặp phải khi sống giá trị của Chúa và làm môn đệ của Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

12/5/25

Thứ hai PS.IV: Ẩn dụ tình yêu chăm sóc (Ga 10,1-10)

1“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bài giảng về Người chăn chiên tốt lành.

Ơn xin: Xin cho tôi được không ngừng mở ra với những mặc khải vượt quá kinh nghiệm thường ngày, để tôi nhạy bén với các dấu chỉ mà Chúa gởi đến cho tôi trong ngày sống, qua ngôn ngữ và hình ảnh.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Ẩn dụ tình yêu chăm sóc (cc. 1-6)

Đức Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc ở xứ du mục: người chăn chiên và đàn chiên. Ngài chọn hình ảnh này để nói về tương quan yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa dành cho con người, vì đặc điểm của người chăn chiên và con chiên diễn tả rất sống động cho tình yêu vô hình của Thiên Chúa.

Nếu đức Giêsu ở sinh trưởng ở xứ sở chúng ta, thì hình ảnh nào diễn đạt tốt về tình yêu chăm sóc này của Thiên Chúa dành cho bạn?

Mời bạn suy ngẫm về cách Ngài giới thiệu mình là người chăn chiên tốt lành:

+ đi qua cửa (chứ không trèo rào)

+ chiên quen tiếng (và quen hơi)

+ anh biết tên từng con chiên một

+ anh dẫn chúng ra và chờ cho chúng ra hết khỏi chuồng

+ anh đi đầu dẫn đưa đến đồng cỏ xanh tươi

+ chiên đi theo anh vì chúng quen tiếng (và quen hơi)

Hãy đặt mình vào bối cảnh để cảm nhận mức độ thân thuộc của bạn trong tương quan với Thiên Chúa của bạn, với Chúa Giêsu. Đoạn thân thưa với Ngài về điều bạn cảm thấy. 

Câu 6: “Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.” – còn bạn?

Ngôn ngữ tình yêu chỉ dành riêng cho những người đang trong mối tương quan tình yêu. Bạn khao khát điều gì cho mình hôm nay?

2/ Tương quan sinh dưỡng (cc. 7-10)

Dừng lại để cảm nghiệm giây phút đức Giêsu nhận ra những người nghe không hiểu Ngài đang muốn nói gì khi kể dụ ngôn… Rồi xem cách Ngài muốn nói rõ hơn bằng cách ngẫm nghiệm các câu sau:

+ Câu 9: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”

+ Câu 10b: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

Hãy ngẫm nghiệm và áp dụng vào bản thân.

Kết nguyện

Thân thưa cùng Chúa Giêsu về bất cứ điều gì bạn cảm hiểu được trong giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 


14/4/25

Thứ hai Tuần Thánh: Thái quá (Ga 12,1-11)

1Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5“Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” 6Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”

9Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong giờ khắc còn lại của đời mình, đức Giêsu quyết định ghé thăm gia đình chị em Matta-Maria-Lazarô.

Ơn xin: Xin cho tôi được tình yêu đặc biệt được diễn đạt một cách thái quá và cá vị trong cuộc viếng thăm này, cùng xin cho tôi có được kinh nghiệm riêng biệt như thế trong tương quan với Chúa Giêsu.

Lối cầu nguyện: Áp dụng ngũ quan [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Áp dụng ngũ quan]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chọn viếng thăm nhau (cc. 1-3)

Mời bạn cùng đức Giêsu bước vào ngôi nhà ấy. Cảm nghiệm niềm vui tiếp đón của cả ba chị em dành cho cho đức Giêsu và các môn đệ:

+ Chiêm ngắm chị Matta vui vẻ và tất bật nấu nướng và dọn bàn.

+ Chiêm ngắm anh Lazarô đang đồng bàn và chuyện trò với đức Giêsu và các môn đệ.

+ Chiêm ngắm chọn lựa và hành động thái quá của chị Maria khi đổ cả “một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau.”

Cảm nghiệm hương thơm tình yêu tỏa ra từ thức ăn, từ giọng nói, thái độ, và dầu thơm.

2/ Thái quá (cc. 4-8)

Thi thoảng đức Giêsu và các môn đệ vẫn dừng chân tại gia đình chị em Matta. Với các môn đệ, có vẻ như không phải là điều gì “thái quá”. Tuy nhiên, mời bạn hãy đi vào trong trái tim của đức Giêsu để cảm nếm sự chọn lựa của Ngài. Thái quá chăng khi Ngài biết thời gian của mình đang ngắn dần, và Ngài chọn đi thăm viếng ba chị em nhà Matta?

Thái quá chăng khi ba chị em đón tiếp họ nồng hậu cách thái quá?

Nhất là quả là thái quá khi cả một cân dầu thơm nguyên chất được xử dụng cách có vẻ lãng phí. Điều này gây kinh ngạc và phản ứng từ các môn đệ, và cả đối với những người khác. Cân dầu thơm ấy bằng tiền lao động của cả 1 năm! Hãy đi vào tâm tình của ba chị em nhà Matta. Họ mang ơn thầy Giêsu đến mức nào vì đã mang em Lazarô trở về từ cõi chết. Một cân dầu thơm chỉ là biểu tượng cho lòng biết ơn đó. Tình yêu thì vô giá.

Dựa vào thái độ phản ứng của Giuđa Ítcariốt, bạn hãy nghiệm xem cách bạn đo lường và định giá tình yêu thế nào với bản thân mình, với anh chị em, với Thiên Chúa.

Cũng chiêm ngắm cách đức Giêsu rộng mở đón nhận cách người khác diễn đạt tình yêu dành cho mình. Đoạn rút ra bài học cho bản thân.

3/ Chọn liên kết với đức Kitô (cc. 9-11)

Sự kiện gia đình chị em Matta gây thêm sự lo lắng cho giới lãnh đạo Do Thái, vì uy thế đức Giêsu càng được biết đến.

Lazarô nay đồng bàn với đức Giêsu. Anh chia sẻ cùng một chén với đức Giêsu. Chính anh sẽ chung phần đau khổ với đức Giêsu: bị giết vì mối liên hệ của anh với đức Giêsu.

Bạn hãy ngẫm nghiệm và rút ra bài học thiêng liêng cho chính mình.

Kết nguyện

Thân thưa với đức Giêsu, với thánh nữ Matta, thánh nữ Maria, và thánh Lazarô về bất cứ điều gì được gợi lên trong bạn.

Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

10/3/25

Thứ hai MC.I: Lưu tâm (Mt 25,31-46)

31“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ 40Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ 45Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Đức Giêsu dạy về đời sau bằng dụ ngôn.

- Ơn xin: Xin cho tôi mở lòng để học bài học Ngài dạy, và biết áp dụng vào đời sống từ hôm nay.

- Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]


Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn dành thời gian để suy niệm theo những điểm gợi ý sau:

1/ Nhớ câu chuyện

Trí nhớ giúp ta đi sâu vào nội dung. Nếu chưa kịp tự nhớ chi tiết dụ ngôn này, bạn hãy đọc lại bản văn, và sau đó cho để cho mình tự nhớ lại toàn bộ câu chuyện kể.

2/ Sự thật ẩn giấu

Bạn hãy dành thời gian để suy ngẫm về những sự thật ẩn giấu trong chuyện dụ ngôn này:

+ Phán xét: Sau khi chết, có một cuộc xét xử về toàn bộ cách chúng ta đã sống. Bạn tin vào điều này ở mức độ nào?

+ Tiêu chí xét xử: Tình yêu dành cho những người nghèo khổ, kém may mắn. Trái đất và thiên nhiên đang là đối tượng nghèo nhất và bị lạm dụng nhiều nhất. “Lắng nghe tiếng khóc của người nghèo. Lắng nghe tiếng khóc của Mẹ Đất” (Thông điệp Laudato Si).

+ Thiên Chúa tự đồng hóa mình với đối tượng nghèo (vật chất, tinh thần, thiêng liêng).

+ Thưởng/phạt: không phải là một thời gian có hạn, mà là vĩnh viễn. Điều vĩnh viễn đó sẽ được quyết định bằng mấy mươi năm sống trên trần thế này. Vậy bạn muốn chọn lựa và sống thế nào?

3/ Lưu tâm

Hãy đọc kỹ đoạn câu 35-40. “Đức Vua” nhớ chi tiết từng điều tốt mà họ đã làm cho người cần đến. Những “người công chính” cũng nhớ và xét duyệt từng điều một. Họ sống chậm và lưu tâm từng điều. Họ ghi nhớ và xem xét từng điều. Họ chọn làm điều tốt theo tiếng lương tâm, ngay cả khi không biết đó là mình làm cho Chúa. Hồi ứng lại, “Đức Vua” đã nhận hết những điều tốt họ làm cho người nghèo khó như thể làm cho chính Ngài.

Bạn cũng nên đọc kỹ các câu 42-45. “Đức Vua” kể từng chi tiết những điều tốt họ đã không làm cho người nghèo khổ. Đến lượt mình, những người này thâu tóm và trả lời thật nhanh: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ – Quá nhanh quá nguy hiểm! Mọi sự bị thu gọn, giảm nhẹ, lướt qua… và hầu như không thấy gì, không cảm thấy gì.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể dường như phản ánh rất đúng với lối sống công nghiệp ngày nay. Nhịp sống ngày càng nhanh đến mức vợ chồng lướt qua nhau, cha mẹ con cái lướt qua nhau… Vậy thì những người nghèo khổ xa hơn làm sao có thể chạm được đến ta!

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những thực tại trần thế và những hy vọng của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

3/3/25

Thứ hai TN.VIII: Quyết định khó khăn (Mc 10,17-27)

17Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” 27Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Anh thanh niên muốn tìm cách để được sự sống đời đời.

Ơn xin: Xin cho tôi biết tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu có vô biên và có thể làm mọi sự, để tôi dám làm một quyết định khó khăn đó là dám buông hết mọi sự chỉ để được sự sống đời đời.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Quyết định khó khăn (cc. 17-22)

- Suy ngẫm về nỗ lực sống đạo từ nhỏ của chàng thanh niên.

- Cùng ngẫm nghĩ về khao khát được hưởng sự sống đời đời, và sự can đảm bộc lộ khao khát này của người thanh niên.

- Đức Giêsu vui vì sự tốt lành của anh. Ngẫm nghĩ về lời Ngài mời gọi người thanh niên: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Ngài chỉ cho anh cách thức đạt đến điều anh khao khát. Ngài còn mở cho anh điều lớn lao hơn cả sự sống đời đời: được làm môn đệ Chúa Kitô.

- Câu chuyện này kết thúc thật buồn. Người thanh niên hồ hởi đi tìm con đường hạnh phúc, giờ trở nên buồn bã. Điều anh khao khát anh không thực hiện được, thì điều đức Giêsu mời gọi cũng bị bỏ qua.

Mời bạn hãy suy ngẫm về những khao khát tốt lành nơi mình và cách thực bạn thực hiện chúng.

2/ Sự hụt hẫng của các tông đồ (cc. 23-26)

- Đức Giêsu đề cập đến sự bám víu vào của cải. Của cải của tôi là những gì? Tại sao nó cản trở tôi không đến được với sự sống đời đời, và không trở thành người môn đệ Chúa Giêsu?

- Phản ứng của bạn trước lời của đức Giêsu thế nào? Có giống các môn đệ xưa?

Hãy nói với Chúa về mối tương quan của bạn với của cải vật chất.

3/ Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 23-27)

Bạn hãy dành thời gian đọc bản văn và nhìn ngắm thái độ của đức Giêsu khi nói với các môn đệ về của cải. Ngài có vẻ không nhượng bộ khi các ông tỏ ý phản đối. Ngài đi tới cùng sự không tưởng trong cách nhìn của các môn đệ.

Sự thật, đó là điều không thể đối với con người, nhưng “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Bạn hãy xem cách bạn thực thi những lời mời của Thiên Chúa dành cho mình. Bạn thực hiện chúng bằng sức của mình hay sức của Chúa?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu và xin Ngài ban ơn cho bạn được sống thanh thoát mà bước theo Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

23/2/25

Thứ hai TN.VII: Chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi (Mc 9,14-29)

14Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. 15Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. 16Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế?” 17Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. 18Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.” 19Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.” 20Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. 21Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. 22Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” 23Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” 24Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” 25Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” 26Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi!” 27Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. 28Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” 29Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chữa bé trai bị quỷ ám, sau khi các môn đệ đã “đầu hàng” trước tên quỷ này.

Ơn xin: Xin cho tôi được quyền năng Thiên Chúa giải thoát vĩnh viễn khỏi những ám muội của thế giới này và xin cho tôi biết kiên trì cầu nguyện để xin Chúa bảo vệ mình và người khác.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn đọc bản văn, mỗi lần đọc sẽ tập trung vào từng nhân vật trong các điểm cầu nguyện dưới đây.

1/ Người cha có đứa con bị quỷ ám (cc. 14-23)

Cảm nghiệm về tình yêu người cha dành cho đứa con trai của mình bị quỷ ám từ nhỏ. Nhớ đến những đau khổ không phải chịu khi thấy con mình bị quỷ dữ hành hạ mà mình bị bất lực không bảo vệ được con mình.

Mường tượng về những nỗ lực của người cha tìm người cứu chữa con mình bao năm.

Khi ông mang con mình đến gặp đức Giêsu thì Ngài không ở đó (Ngài lên núi riêng với 3 người môn đệ thân tín). Ông xin các môn đệ cứu chữa, nhưng các không bất lực.

Áp dụng bản thân: Bạn có từng cảm thấy bất lực trong những tính hư tật xấu, trong những đam mê phàm tục, trong những lệch lạc về tinh thần và thiêng liêng nơi mình? Bạn có nỗ lực tìm con đường giải thoát? Đôi khi bạn có cảm thấy bất lực khi không tìm được người đủ lực để giúp bạn thoát ra?

2/ Quyền năng Thiên Chúa (cc. 15-27)

Bây giờ, bạn hãy quan sát cách đức Giêsu tiếp cận câu chuyện, cách Ngài hỏi chuyện và lắng nghe, cách Ngài bày tỏ ý muốn cứu chữa, cách Ngài đối diện với tên quỷ (quan sát sự run sợ của nó) và lệnh truyền đầy uy lực của Ngài dành cho tên quỷ… Quan sát sự dịu dàng của Ngài trong cái chạm đến đứa bé và đỡ nó dậy.

Bạn cũng có thể chiêm ngắm người cha vui trong lòng như thế nào, và mường tượng cách ông diễn tả lòng biết ơn với Chúa Giêsu, và cách ông diễn tả niềm vui với đứa con lành mạnh của mình.

Áp dụng bản thân: Bạn có kinh nghiệm gì về ơn giải thoát của Thiên Chúa? Bạn diễn tả niềm vui và lòng biết ơn như thế nào?

3/ Các môn đệ (cc. 14. 28-29)

Thánh Mac-cô kể vắn tắt. Sự thể liên quan đến các môn đệ được tỏ lộ qua lời kể của người cha về trường hợp con trai mình cho Chúa Giêsu nghe. Mời bạn chiêm ngắm 9 người môn đệ đang ở một nơi chờ thầy mình và 3 anh em trở lại với họ thì họ gặp một cas khó: cậu bé bị quỷ ám. Mường tượng những nỗ lực trừ tà của họ trước lời van xin tha thiết của người cha.

Cảm nghiệm sự bất lực của họ khi không đuổi được tên quỷ ra khỏi đứa bé, và cảm nhận của họ khi người cha thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho đức Giêsu nghe.

Nhìn ngắm các ông đứng đó, quan sát, lắng nghe cách thầy Giêsu tiếp đón người cha, cách Ngài đối diện với tên quỷ dữ; nhất là uy lực phát ra từ mệnh lệnh của Ngài.

Nhìn ngắm các ông hỏi riêng thầy Giêsu về lý do “bất lực” của họ trong việc trừ quỷ. Họ đã chứng kiến, nhưng vẫn không hiểu được lý do bên trong tạo nên sức mạnh nơi đức Giêsu.

Lắng nghe câu trả lời đức Giêsu dành riêng cho các môn đệ: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” – Nói cách khác, không phải các con sẽ trừ được chúng, mà phải dựa vào quyền năng Thiên Chúa, hãy cầu nguyện để nài xin Thiên Chúa.

Áp dụng bản thân: Mời bạn học lấy kinh nghiệm khiêm tốn của các môn đệ Chúa Giêsu, và hãy thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu ngay từ hôm nay.

Câu chuyện: Cha Joe kể câu chuyện về một gia đình người Mỹ đến xin cha trừ tà cho gia đình họ. Khi cha đến thăm gia đình, câu hỏi của cha dành cho vợ chồng họ là đã bao lâu rồi họ chưa xưng tội rước lễ, và gia đình có cầu nguyện cùng với nhau không.

Kết nguyện

Thân thưa cùng Chúa Giêsu về những ám muội của Sự Dữ trong đời bạn, hay nơi người mà bạn biết. Hãy cầu nguyện cùng Chúa để xin Ngài đến giải thoát.

Hãy đóng góp phần mình bằng cách thanh tẩy đời sống mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet


3/2/25

Thứ hai TN.IV: Ý Chúa (Mc 5,1-20)

1Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. 6Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” 8Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” 9Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” 10Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” 13Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo –chừng hai ngàn con– từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo – chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. 16Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

18Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. 19Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” 20Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những bóng tối cuộc đời, nơi niềm đất “hoang dã” và chết chóc.

Ơn xin: Xin cho tôi được giải thoát khỏi những ám muội của thế giới này và biết ca tụng Thiên Chúa vì ơn cứu độ Ngài ban ngay từ đời này.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Bị “quỷ ám”

Mời bạn đọc bản văn chậm rãi, chú ý đến người thanh niên bị quỷ ám: nơi anh sống (khu mồ mả); cách anh hành xử: tru tréo suốt ngày và lấy đá đập mình, làm mọi người khiếp sợ; sức mạnh của anh: bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm… —Hãy ngẫm về sức mạnh tự hủy hoại nơi bản thân bạn và nơi những người bạn biết.

Khi thấy Chúa Giêsu, anh ta tiến lại, bái lạy, van xin: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Sự Dữ trong anh phải đầu hàng trước sức mạnh của Chúa Giêsu.—Khi nhận ra tình trạng tồi tệ của bản thân và nơi người khác, bạn tìm kiếm giải pháp gì? ở đâu?

Suy ngẫm về tình trạng của anh sau khi được giải thoát khỏi sự khống chế của Sự Dữ “ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo”.—Bạn có kinh nghiệm gì về ơn giải thoát khỏi đam mê tội lỗi và Sự Dữ?

Anh muốn xin đi theo Chúa Giêsu, nhưng Ngài bảo: “19Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” 20Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.” —Bạn có từng thuật lại những điều Chúa đã thực hiện cho mình để tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa? Bạn tường thuật cho những ai và bằng cách thức thế nào?

2/ Ý Chúa

Một lần nữa, hãy đọc lại bản văn, và chú ý đến đức Giêsu.

Ngôi Lời nhập thể - Đức Giêsu Kitô - thể hiện tình yêu và thánh ý Thiên Chúa dành cho con người. Bạn hãy suy ngẫm về việc đức Giêsu cùng với các môn đệ băng qua Biển Hồ Galilê (khoảng 13km) đi đến “vùng đất của dân Ghê-ra-sa” – vùng đất của dân ngoại – để gặp một người bị quỷ ám sống trong vùng mồ mả; rồi sau đó lại trở về “bên này” Biển Hồ. Ngài vẫn liên lỉ vượt đường xa để tìm kiếm và giải thoát những người đang bị quỷ dữ giam cầm trong tội lỗi. Đó là Thánh ý Thiên Chúa dành cho con người.

Trong trường hợp này, sau  khi giải thoát anh khỏi quỷ dữ, Ngài muốn anh đi làm chứng cho Ngài ở vùng dân ngoại, và cho những người thân của anh – dù ước muốn được đi theo Ngài là một điều tốt. Hãy xin cho bản thân biết nhận ra ý Chúa và chọn lựa điều tốt hơn theo thánh ý Ngài.

Kết nguyện

Xin ơn chữa lành khỏi những tà ám, những đam mê tội lỗi, những giam cầm trong thù hận và tổn thương.

Dâng lên Chúa 1 Kinh Lạy Cha để tạ ơn vì những lần bạn được giải thoát khỏi Sự Dữ.

Ảnh: Internet