Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

29/6/20

Thứ tư TN.XIV: Cộng đoàn và sứ vụ tông đồ (Mt 10,1-7)

1Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
2Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; 3ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; 4ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. 6Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu sai 12 tông đồ đi truyền giáo.
Ơn xin: Xin cho tôi biện phân được điều căn cốt của đời tông đồ và các sứ vụ tông đồ, để tôi biết sống và thi hành theo đúng ý Chúa muốn.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]
Phân đoạn Kinh Thánh: A – B – A’
A: Ban quyền để hành động (c. 1)
B: Cộng đoàn tông đồ (cc. 2-4)
A’: Sai đi rao giảng (cc. 5-7)

Gợi ý cầu nguyện
Mọi Kitô hữu đều được mời gọi thánh hóa bản thân và giúp ích cho người khác. Xin đừng nghĩ sứ vụ tông đồ và việc sống cộng đoàn thuộc về giới tu sĩ! Bạn được dựng nên cho chính bạn, cho người khác, và cho cả sự tốt lành của vạn vật nữa. Như thế, sứ vụ tông đồ được hiểu là tất cả những gì bạn nghĩ, sống, làm tốt cho bản thân và cho môi trường quanh bạn.

A: Ban quyền để hành động (c. 1)
Đức Giêsu gọi nhóm 12 lại: Khi làm sứ vụ tông đồ, bạn thường cầu nguyện và lắng nghe để biết ý Chúa, để xem Ngài mời gọi mình làm gì, hay tự mình hoạch định và làm theo điều mình muốn làm?
Ngài ban cho họ quyền trên thần ô uế để trừ quỷ và chữa lành: Khả năng này được ban cho, chứ không phải “tài năng” của bạn. Trong khi làm sứ vụ tông đồ, bạn thường đánh giá năng lực bản thân và người khác theo khả năng tự nhiên hay do “ơn trên”?

A’: Sai đi rao giảng (cc. 5-7)
Đức Giêsu sai họ đi rao giảng: Bạn có thấy mình được sai đi không? Nếu được sai đi thì chắc chắn sứ vụ đó thuộc về người sai bạn, còn bạn chỉ là cộng tác viên, hoặc người thừa hành.
Đức Giêsu chỉ thị về đối tượng lãnh nhận và nội dung rao giảng:
+ Đừng đi về phía dân ngoại, đừng đến làng Samari!? Vậy phải bắt đầu rao giảng từ đâu? Từ dân đã được chuẩn bị để đón nhận mặc khải cứu độ: dân Israel/từ bản thân. Sau đó bạn có thể mở rộng ra đến tầm truyền giáo của Mác-cô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).
Chú thích của GKPV: “Chúa Giê-su hạn chế hoạt động của các Tông Đồ, trước hết để nói lên quyền ưu tiên của người Ít-ra-en được mời gọi tiếp nhận ơn cứu độ của Đấng Mê-si-a (x. Rm 1,16), sau cũng vì lý do thực tiễn: tránh phản ứng bất lợi từ phía người Do-thái. – Sai các môn đệ đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en là Chúa Giê-su muốn thực hiện những lời sấm Cựu Ước về Đấng Mê-si-a, Mục tử tốt lành (Is 40, 11; Ed 34,23 ; 37,24).
+ Nội dung rao giảng: “Nước Trời đã đến gần”. Phải hiểu đây là mục đích của việc loan báo: chuẩn bị tâm hồn để người ta đón Nước Chúa đến.
Người tông đồ được gọi chỉ nói và làm những gì giúp chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Nước Thiên Chúa đến. Người tông đồ cần phân định để xem những việc nào, nội dung rao giảng nào không giúp bản thân và người khác đạt được mục tiêu đó thì phải tự do loại bỏ.

B: Cộng đoàn tông đồ (cc. 2-4) 

Theo lối phân đoạn đồng tâm (A-B-A’) thì B là tâm: phần trọng tâm, phần quan trọng. Cộng đoàn tông đồ với 12 con người khác nhau về trình độ, tâm tính, ước mơ… cần học cách sống với nhau và cùng nhau làm sứ vụ.
Đây là phần quan trọng nhất trong việc huấn luyện con người tông đồ. Một khi bạn để cho Chúa và cộng đoàn huấn luyện mình thành người tông đồ, thì các việc làm như rao giảng, chữa lành, trừ quỷ chỉ là sự diễn ra tả bên ngoài về con người tông đồ của bạn. Nói một cách đơn giản, ngang qua việc để mình được huấn luyện thành người tông đồ, bạn lo được cho “ơn cứu rỗi linh hồn mình”, rồi sau đó bạn trở nên khí cụ để Chúa mang “ơn cứu độ cho người khác”.

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Đức Giêsu về việc huấn luyện bản thân bạn trở thành người môn đệ. Rồi sau đó thưa với Ngài về nỗ lực tìm kiếm cách thức diễn đạt của bạn ngang qua các sứ vụ tông đồ.
Đọc 1 Kinh Lạy Cha.

Thứ tư 1/7/2020: Bị quỷ ám (Mt 8, 28-34)


28Khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 29Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” 30Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. 31Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.” 32Người bảo: “Đi đi!” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. 33Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. 34Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Tại vùng đất dân ngoại, bên kia sông Gio-đan.
Ơn xin: Xin cho tôi được nhận ra sự khốn cùng của mình khi bị xiềng xích bởi sự dữ và tội lỗi để tôi biết xin ơn hoán cải và giải thoát.
Lối cầu nguyện: Áp dụng ngũ quan [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Áp dụng ngũ quan]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Bị quỷ ám (c. 28-29)

Bạn hãy dùng mắt để nhìn ngắm chốn họ đang ở: một nghĩa địa. Bạn có nghe được âm thanh gì trong nghĩa địa ấy?
Quan sát cách họ ăn mặc, đời sống sinh hoạt hằng ngày thế nào. Họ có hai người. Nhìn xem cách họ tương quan với nhau thế nào. Họ tương quan với người khác thế nào?
Quan sát thật kỹ gương mặt họ, ánh mắt của họ. Hãy nghe những âm thanh mà họ phát ra. Lòng họ chất chứa những gì?
Bạn có “ngửi” được mùi gì bốc ra từ họ? Dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết rằng họ đang bị quỷ ám?
Bây giờ hãy quan sát cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và hai người bị quỷ ám. Đức Giêsu và các môn đệ đi từ phía tây tiến về phía đông (sau khi vượt qua Biển Hồ đầy sóng gió). Họ tiến theo chiều ngược lại. Hai bên tiếp giáp nhau. Hãy quan sát thật kỹ cách họ phản ứng khi thấy người lạ.
Hãy nghe điều họ thốt ra: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” Trong câu nói đó, bạn nhận ra họ đang muốn điều gì?
Áp dụng và rút ích lợi thiêng liêng: Bạn hãy đặt mình vào vai “người bị quỷ ám” để xem bản thân có đang sống ở nơi, suy nghĩ và hành xử giống như họ không. Nếu nhận ra điều gì không ổn trong môi trường sống, trong lòng bạn hay trong cách diễn đạt hằng ngày, hãy nài xin Chúa Giêsu đến giải thoát bạn.

2/ Sự ẩn núp (cc. 30-32)
Hãy nhìn một bầy heo rất đông đang được chăn thả ngoài đồng. Heo bị coi là một loài không thanh sạch và dân Israel bị cấm ăn thịt heo (Lv 11, 7; Đnl 14, 8). Hãy nhìn xem một vùng rộng lớn một bên là triền núi, một bên là biển. Heo đang được chăn nuôi (được chăm sóc) ở đó.
Hãy nghe lời van xin của hai người bị quỷ ám: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.” Sự Dữ/Bóng Tối xin được nhập vào “sự nhơ uế”. Chúng tìm một nơi trú ẩn.
Đức Giêsu đáp: “Đi đi
Một cuộc sát nhập xảy ra. Bạn hãy chiêm ngắm kết cuộc của nó: cả bầy heo lao xuống biển và chết đuối.
Áp dụng và rút ích lợi thiêng liêng: Bạn có phân biệt được Sự Dữ và bản thân? Trong những lời cầu nguyện, điều nào phát xuất từ bạn, điều nào là tiếng nói của Sự Dữ đang ở trong bạn? Nếu bạn nhận ra Sự Dữ đang ẩn núp trong mình, hãy nài xin Đức Giêsu xua đuổi nó ra.

3/ Sự khước từ (cc. 33-34)
Bây giờ bạn hãy chiêm ngắm những người chăn heo (lưu ý về ý nghĩa tượng trưng của heo). Họ phản ứng thế nào khi sự việc xảy ra? Họ làm thế nào để thuyết phục được cả dân thành của họ? Họ đã đồng lòng với nhau cách giải quyết thế nào?
Hãy nghe nhìn cuộc dàn xếp của họ với Đức Giêsu. Một cuộc tiếp giáp tương tự đã diễn ra, nhưng khác với “người bị quỷ ám”, họ nói gì với Đức Giêsu?
Đến lúc này, bạn thấy có 3 nhóm người: 2 người bị quỷ ám đã được giải thoát – Đức Giêsu và các môn đệ – những người chăn heo và dân làng của họ. Một lần nữa, hãy dừng lại để chiêm ngắm từng nhóm người bằng tất cả các chức năng cảm quan của bạn.
Áp dụng và rút ích lợi thiêng liêng: Khi phải chọn lựa, bạn thường chọn đứng về phía Thiên Chúa và con người hay những lợi ích do Sự Dữ mang lại? Bạn muốn mình đứng vào nhóm người nào trong 3 nhóm người trên? Nếu thấy mình chưa đủ tự do để chọn Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài, hãy nài xin với Đức Giêsu để Ngài giải thoát bạn khỏi những quyến luyến lệch lạc.

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Đức Giêsu về tất cả những gì đang làm cho bạn bị nô lệ: bản thân bạn, môi trường xung quanh (kể cả những con người đang bị quỷ ám) hay chính Sự Dữ. Đoạn đọc một Kinh Lạy Cha để xin ơn được giải thoát.

(Ảnh: Internet)

23/6/20

Thứ Tư 24/6/2020: Sinh ra cho sứ mạng (Lc 1, 57-66. 80)

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
80Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Cuộc chào đời của Gioan Tẩy Giả.
Ơn xin: Xin cho tôi được nhận ra và hiểu biết thâm sâu về sứ mạng đời mình; đồng thời biết chuẩn bị và thi hành sứ mạng đó.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Chào đời cho sứ mạng (cc. 57-58)

Bạn hãy đặt mình đâu đó trong một căn nhà trên miền cao. Nhìn ngắm xem căn nhà đó dài rộng bao nhiêu, bày trí thế nào.
Ngôi nhà đó có hai ông bà cao niên là Dacaria và Elizabeth. Hãy chiêm ngắm họ từ diện mạo, ăn mặc, phong thái… Nhìn kỹ bà lão Elizabeth nặng nề trong những ngày cuối của thai kỳ. Cũng nhìn xem sự hiện diện của một cô gái trẻ là Maria; nàng cũng đang mang thai. Bầu khí trong căn nhà đó thế nào? Họ tương quan với nhau ra sao? Câu chuyện họ trao đổi với nhau là gì?
Hãy chiêm ngắm sự tất bật của việc chuẩn bị cho cuộc sinh nở con so của người phụ nữ lớn tuổi. Cảm nghiệm niềm vui trên gương mặt từng người trong số họ khi người ta công bố: Một bé trai đã chào đời!
Cuối cùng hãy chiêm ngắm niềm vui đó lan tỏa ra cả vùng. Chiêm ngắm, lắng nghe cách láng giềng và người thân đến thăm hỏi và chúc mừng hai ông bà.
Hãy để cho niềm vui đó lan tỏa đến bạn. Cuối cùng hãy áp dụng nó vào cuộc chào đời của chính bạn. Có điều gì đặc biệt đã diễn ra xung quanh cuộc chào đời của bạn? Bạn có thấy mình được sinh ra cho một sứ mạng? Cụ thể là gì? Đoạn thân thưa với Chúa về ơn gọi làm người, được chào đời của bạn.

2/ Tiên báo một sứ mạng (cc. 59-66)
Tám ngày sau, mời bạn lại đến và hiện diện trong ngôi nhà ấy. Hãy quan sát việc chuẩn bị cho lễ cắt bì (cắt bao quy đầu dương vật bé trai) – một nghi thức diễn tả bé thuộc về dân Thiên Chúa.
Lắng nghe câu chuyện họ thảo luận với nhau về việc đặt tên cho đứa bé – sẽ thực hiện ở phần cuối trong nghi thức[1]. Điều gì đặc biệt trong cuộc thảo luận này? Điều đó được xem như là dấu chỉ đặc biệt cho điều gì?
Áp dụng vào bản thân bạn để rút ra ích lợi thiêng liêng. Có điều gì trong đời bạn gợi ý về một sứ mạng cụ thể mà Chúa muốn bạn thực hiện trong đời mình? Hãy thân thưa với Chúa về cuộc đời của bạn, và những điều bạn đang thao thức.

3/ Tu luyện cho sứ mạng (c. 80)
Mời bạn bước vào “sa mạc” với Gioan. Cậu bé lớn lên từng ngày thế nào? Cậu ăn gì? Mặc gì? Học gì? Nghiền ngẫm gì?
Cậu rèn luyện mình như thế trong bao lâu? Để làm gì?
Cậu đã bắt đầu sứ mạng của mình thế nào?
Áp dụng câu chuyện vào bản thân mình để rút ra ích lợi thiêng liêng. Bạn có nhận ra sứ mạng đời mình? Bạn làm gì để chuẩn bị cho việc thi hành sứ mạng này? Hãy thân thưa với Chúa về điều đó.

Kết nguyện
Cùng với gia đình ông bà Dacaria và Elizabeth, hãy ca tụng Chúa vì mọi điều Ngài đã ban tặng cho bạn; và xin ơn để chính mình trở nên quà tặng cho đời.
Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

16/6/20

Thứ tư 17/6/2020: Tu luyện thật (Mt 6, 1-6; 16-18)


1“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu quảng diễn và ứng dụng Bài giảng trên núi cho các môn đệ và những ai khao khát đến nghe Lời Chúa.
Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu lời mời gọi của Chúa Giêsu để tôi được trở nên người nhà của Chúa trong Nước Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Dẫn nhập: Mọi tôn giáo đều có những phương pháp tu luyện riêng. Ngay cả khi dùng chung hình thức tu luyện thì mục đích và ý nghĩa nhiều khi vẫn khác nhau. Đức Giêsu giới thiệu về ba điều giúp “tu luyện” là làm việc lành, cầu nguyện và ăn chay theo tinh thần của Ngài.
Tu luyện thật là làm cho mình trở nên tốt lành. Với Kitô giáo, tu luyện thật giúp bạn trở nên tốt lành như Đấng tạo dựng nên bạn: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

1/ Làm việc lành (cc. 1-4)
Chia sẻ, giúp đỡ người khác là việc tốt. Ba Ngôi Thiên Chúa được định nghĩa là “chẳng giữ gì lại cho mình mà hoàn toàn dâng hiến cho Hai Ngôi vị kia”. Không chỉ dừng lại ở đó, sự giàu có, phong phú, tình yêu của các Ngài còn tràn ra trên mọi thụ tạo. Ngài tạo dựng nên tất cả cách tốt đẹp và quá âm thầm. Bạn có thấy mình giống Thiên Chúa ở điểm này chưa: làm mọi việc tốt cách âm thầm?

2/ Cầu nguyện (cc. 5-6)
Có nhiều kiểu cầu nguyện: khẩu nguyện, trí nguyện, tâm nguyện. Có nhiều mục đích cầu nguyện: tạ ơn, thống hối, ca tụng và xin ơn. Khi cầu nguyện, đối tượng hướng đến là chính Thiên Chúa.
Bạn thường cầu nguyện kiểu nào, với mục đích gì và hướng đến đối tượng nào? Bạn thấy mình có mắc phải “tật” phô trương mình thánh thiện hơn người khác qua việc cầu nguyện không? Bạn đã từng “nghe” được lời đáp trả của “Đấng hiện diện nơi kín đáo”?
Mời bạn chiêm ngắm cách thức, nơi chốn, thời gian và nội dung cầu nguyện của Đức Giêsu.

3/ Ăn chay (cc. 16-18)
Đây là một điều căn cốt của tu luyện. Bạn thường “ăn chay” hay “ăn kiêng”? Với mục đích gì?
Ăn chay không chỉ là không/giảm bỏ cái gì vào miệng, mà là tiết chế khoái cảm thân xác; Không nô lệ cho khoái cảm mà làm tiêu hao những phần quan trọng hơn là tinh thần và phần rỗi linh hồn. Điều gì trong cuộc sống gây khoái cảm cho bạn nhiều nhất? Bạn có nghĩ đến việc tiết chế chúng không?
Để hiểu ý nghĩa việc chay tịnh, bạn hãy ngẫm câu chuyện Đức Giêsu ăn chay và chịu cám dỗ trong sa mạc (Mt 4, 1-11).

4/ Lập công (cc. 4b. 6b.18b)
Có phải Thiên Chúa đã đặt các thiên thần quan sát bạn để ghi chép công trạng và tội lỗi của bạn hầu sau này có chứng cứ mà xét xử? Nếu Thiên Chúa của bạn là như thế thì bạn sẽ phải lập công rất nhiều qua việc làm những việc lành, cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Khi đó, bạn có thể tự độ và không cần Đức Giêsu đổ máu cứu chuộc bạn nữa!
Vậy có cần nỗ lực làm những điều trên không? Việc bạn làm chỉ có nghĩa là bạn muốn nói với Chúa rằng con yêu Chúa, con muốn nên giống Chúa là Đấng tốt lành. Điều đó đủ lý do để Thiên Chúa cứu độ bạn.
“Chúa thật đáo để khi vừa ban thiên đàng, vừa cho chúng con cảm thấy mình xứng đáng với điều đó.” Cha José Luis Martín Descalzo

Kết nguyện
Thân thưa với Đấng hiện diện nơi kín đáo về những nỗ lực cộng tác của bạn để Chúa cứu bạn. Đoạn đọc 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)