Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

28/2/23

Thứ ba MC.I: Mẫu cầu nguyện (Mt 6,7-15)

7“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. 8Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

‘Lạy Cha chúng con

là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha

vinh hiển,

10triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện

dưới đất cũng như trên trời.

11Xin Cha cho chúng con

hôm nay lương thực hằng ngày;

12xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi

với chúng con;

13xin đừng để chúng con

sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con

cho khỏi sự dữ.’

14“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ trong Bài giảng trên núi.
  • Ơn xin: Xin cho tôi mở lòng học cách cầu nguyện do đức Giêsu chỉ dẫn, vì biết rằng Ngài biết rõ nhất cách thức cầu nguyện đẹp lòng Chúa Cha.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Điểm cầu nguyện

Mời bạn dành thời gian để suy niệm theo những điểm gợi ý sau:

1/ Tâm thế khi cầu nguyện (cc. 7-8)

Dành thời gian để tự nhắc mình rằng Thiên Chúa hằng yêu thương và lắng nghe bạn. Ngài biết rõ bạn cần những gì cho thể xác, tinh thần và thiêng liêng. Do vậy tôi không cần lải nhải những lời cầu nguyện dài dòng mà không có sự nối kết tương quan. Thậm chí tôi không cần đọc những câu kinh để làm điều kiện cho Thiên Chúa phải ban cho tôi thứ này thứ nọ. Việc cầu nguyện của chúng ta đơn giản là bày tỏ lòng khao khát kết nối với Thiên Chúa Tình Yêu. Khi ta xin Ngài ban cho điều nọ điều kia thì cũng chỉ là cơ hội, là phương cách để kết nối với Ngài. Tương tự như đứa con nói với mẹ: “Mẹ cho con ăn cơm nhé”. Chắc chắn bà mẹ biết rằng mình luôn sẵn sàng và có bổn phận cung cấp lương thực cho đứa con, nhưng bà rất vui khi thấy con mình hỏi xin như vậy. Đó là cơ hội mẹ con gắn kết với nhau trong tình yêu và lòng biết ơn. Dù Thiên Chúa biết bạn có tất cả các nhu cầu và sẵn sàng, thậm chí đã ban tất cả cho bạn, nhưng Ngài rất hạnh phúc mỗi khi bạn kết nối với Ngài để nói rằng bạn cần và cầu xin có được những thứ đó.

2/ Nội dung cầu nguyện (cc. 9-13)

Ngoài tâm thế cầu nguyện, nội dung lời cầu xin cũng rất quan trọng và làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Đức Giêsu dạy: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người; còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33). Vậy hãy hướng lòng lên Thiên Chúa để nguyện xin 3 lời nguyện đầu:

Nguyện cho danh Cha cả sáng (1)

Nguyện cho Nước Cha được hiển trị (2)

Nguyện cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. (3)

Sau đó bạn hướng về các nhu cầu căn bản của thể lý là lương thực (4) nuôi sống từng ngày: thức ăn, nước uống, không khí…

Kế đến bạn cầu xin ơn hàn gắn các mối tương quan (5): Xin cho mình được nhận ra các mối tương quan căng thẳng, đổ vỡ. Xin cho mình nhận diện được nguyên nhân và có phương pháp để chữa lành những tổn thương, để có thể hóa giải, tha thứ, và kết nối lại trong tình yêu bao dung (6).

Cuối cùng, bạn cầu xin ơn gìn giữ khỏi Sự Dữ (7) là thế lực ác vượt trên khả năng phòng vệ của bạn. Hãy tin rằng Thiên Chúa Toàn Năng là Đấng mạnh hơn tất cả và luôn yêu thương bạn.

3/ Điều kiện để được nhậm lời (cc. 14-15)

Lời cầu nguyện thứ sáu là lời cầu nguyện mà phần đóng góp của bạn sẽ là điều kiện để ơn Chúa, ý Chúa được thể hiện. Bạn hãy dành thời gian cho phần cầu xin này và nỗ lực thực hiện nó mỗi ngày.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nghiệm được qua giờ cầu nguyện này. Tạ ơn Ngài về lời cầu nguyện mẫu mà Ngài đã chỉ dạy bạn hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

20/2/23

Thứ ba TN.VII: Dạy riêng (Mc 9,30-37)

30Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy riêng các môn đệ về ý nghĩa messia đích thực mà Ngài sẽ thực hiện, đó là “Người tôi trung đau khổ”

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết ý nghĩa của những đau khổ mà tôi phải chịu khi nỗ lực sống yêu thương, hoặc khi thi hành sứ vụ được trao phó vì biết rằng chính Chúa Giêsu đã chọn đi con đường đau khổ vì yêu thương.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Bài học khó (cc. 30-32)

Bạn hãy suy ngẫm về những lý do khiến các môn đệ và nhiều người khác đi theo đức Giêsu. Bạn cũng hãy xem động cơ nào đã dẫn đưa bạn “theo đạo”, tôn thờ Thiên Chúa…

Vì sao đức Giêsu lại muốn “đi băng qua miền Ga-li-lê” cách bí mật? Vì sao việc Ngài “nói thật” về kiểu messia của Ngài lại phải nói cách bí mật với nhóm nòng cốt là 12 môn đệ? Có điều gì Thiên Chúa đã phải tế nhị dạy riêng bạn?

Khi Ngài nói với bạn rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Bạn hiểu gì về điều Ngài nói? Bạn cảm nhận gì về viễn cảnh sắp diễn ra? Bạn nghĩ gì về người đã nói ra điều ấy?

Thánh Maccô nói: “các ông không hiểu lời đó” – Còn bạn?

Lại nữa: “các ông sợ không dám hỏi lại Người” – Còn bạn?

Bạn lý giải thế nào về các môn đệ, và về chính mình?

Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về sự thật về chính mình trong hành trình bước đi theo Chúa.

2/ Thực tế buồn (cc. 33-37)

Thầy trò tiếp tục đi đường, về đến Caphanaum, vào nhà (chốn riêng tư). Đức Giêsu hỏi: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Họ làm thinh “vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Hãy ngẫm xem bạn thường làm thinh trong những tình huống nào? Do bối cảnh bên ngoài hay do động cơ bên trong?

Suy nghĩ về cách thức đức Giêsu khiêm tốn dạy lại các môn đệ. Ngài nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Ngài làm: “đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó”. Rồi Ngài giải thích: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” Hãy khám phá cách thức mà Chúa Giêsu thường dùng để dạy dỗ bạn.

Tâm sự với Chúa Giêsu về những “thực tế buồn” của bản thân và nài xin Ngài dạy dỗ chính mình.

3/ Thực hành sai (cc. 32-34)

Bạn hãy đọc lại các câu này để phát hiện ra tiến trình của nó.

Sự thật trái ý → không hiểu → sợ → không dám hỏi (vì sợ phải chấp nhận sự thật đó) → hành động ngược với sự thật đó.

Mời bạn tự khám phá chuỗi sai lạc của mình: tâm thế sai – sợ – né tránh – làm sai. Rồi thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó và xin Ngài ban cho mình ơn can đảm đón nhận sự thật.

Kết nguyện

Tạ ơn Chúa vì những điều bạn khám phá được hôm nay qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Tesuque và Juanito Jumenez


13/2/23

Thứ ba TN.VI: Lòng anh em ngu muội thế! (Mc 8,14-21)

14Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” 16Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. 17Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! 18Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: 19khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” 20“Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” 21Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu rao giảng công khai. Bí mật Messia là một chủ đề lớn của thánh Mac-cô. Điều này được giữ kín đến tận cuối phần về bí mật Messia (Mc 1,18-8,30).

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết ý nghĩa của những gì diễn ra quanh tôi, nhất là khao khát được hiểu biết lời nhắn nhủ của Chúa cho tôi hôm nay.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Sự kiện (cc. 14-16)

Sự kiện là các môn đệ quên mang bánh, và đức Giêsu đề cập đến men Biệt Phái và Hêrôđê. Các môn đệ nghe vậy và bàn tán về việc họ không có bánh. Sự liên tưởng của câu chuyện này là bánh – men (để làm bánh) – bánh. Các môn đệ không ra khỏi chủ đề về bánh (vật chất).

Trong các câu chuyện của cuộc sống, bạn có thường chỉ đóng khung vào những gì đang diễn ra trước mắt hoặc bạn nghe được? Đâu là những bận tâm, những “đóng khung” của bạn trong đời sống hằng ngày? Hãy thưa với Chúa về những điều đó.

2/ Đức Giêsu cố gắng giúp các môn đệ hiểu (cc. 17-20)

Hãy suy ngẫm và áp dụng vào bản thân câu nói của đức Giêsu: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!”

Đức Giêsu nói với bạn:  “… có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” Thêm nữa “có não mà không suy nghĩ ư?” Ngài hỏi bạn: “… có nhớ những phép lạ về bánh không?” – “sao lại lo thiếu bánh?” Chúng ta thường nhớ chính xác từng sự kiện, nhưng lại thiếu sự liên kết và không hiểu ý nghĩa của chúng.

Hôm nay, Ngài nhắc bạn về những “phép lạ” mà Ngài đã thực hiện trong đời bạn. Ngài nhắc bạn sao lại lo lắng về điều cụ thể nào đó. Thánh Vinh Sơn Phaolô nói: “Cứ nhìn vào quá khứ thì đủ biết Thiên Chúa sẽ chăm sóc bạn thế nào trong tương lai.”

3/ “Anh em chưa hiểu ư?” (c. 21)

Đo lường mức độ hiểu được điều đức Giêsu nhắc khéo bạn hôm nay. Hãy nói với Ngài về điều đó.

Kết nguyện

Một lần nữa, hãy thân thưa với Chúa về sự ngu muội của mình trước những mặc khải của Chúa ngang qua những gì đã và đang diễn ra. Nài xin Chúa ban cho bạn ơn hiểu biết (một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần)

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest. 

6/2/23

Thứ ba TN.V: Đạo và hành đạo (Mc 7,1-13)

1Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta

bằng môi bằng miệng,

còn lòng chúng thì lại xa Ta.

7Chúng có thờ phượng Ta

thì cũng vô ích,

vì giáo lý chúng giảng dạy

chỉ là giới luật phàm nhân.

8Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. 10Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử11Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là co-ban nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, 12và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng trong thời gian Ngài làm sứ vụ công khai, nhân dịp có người đặt vấn đề về việc tuân giữ luật thanh sạch.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được và khao khát thực hành những đạo lý do đức Giêsu mặc khải, để tôi được thuộc về Vương Quốc của Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hành đạo

Mọi tôn giáo đều có các luật lệ, những quy định về lễ nghi để hướng dẫn tín hữu dựa vào mà sống theo. Các luật lệ và lễ nghi là “phương tiện” để giúp tín hữu đạt đến đích cuối cùng là việc tôn thờ Đấng Linh Thiêng và trở nên người tốt hơn.

Tùy theo mức độ của từng tôn giáo mà luật hướng dẫn tổng quát hay chi tiết. Do Thái Giáo đã có một bộ luật hướng dẫn rất chi tiết. Công Giáo, với ảnh hưởng của lối quản trị La Mã, cũng có một bộ luật hướng dẫn khá chi tiết. Vì có quá nhiều luật nên đôi khi chúng ta tự hỏi luật nào là quan trọng.

Nhiều khi việc thực hành trở nên quen thuộc đến mức chúng ta làm mà không cần phải suy nghĩ về lý do hay mục đích nhắm tới. Sự quen thuộc cũng tạo nên những phản ứng gay gắt khi ta thấy ai đó không làm theo truyền thống xưa nay.

Bạn hãy tự hỏi mình về cách thức bạn thực hành đạo, cách bạn đánh giá người khác theo luật. Bạn cảm thấy thế nào khi sống trong Hội Thánh với nhiều luật lệ như thế? Có khi nào bạn lạm dụng luật Chúa để tự bào chữa cho mình khỏi những bổn phận theo luật tự nhiên?

2/ Đạo

Đạo là con đường dẫn đưa người ta đến sự thiện hảo. Đức Giêsu tự xưng mình là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” (x. Ga 14,6). Khi sống đạo, bạn có chuyên tâm tìm kiếm Đấng là Đạo?

Đức Giêsu đến để chỉ cho bạn một cách thế thờ phượng đích thực và một lối sống toàn hảo. Ngài chính là nguyên mẫu và là đích đến của bạn. Ngài là tất cả những gì sẽ đến trong Nước Thiên Chúa. Mời bạn dành thời gian để chiêm ngắm Ngài, và nài xin Ngài dạy cho bạn biết sống như Ngài: luôn hướng về Chúa Cha, làm theo ý Chúa Cha, và yêu thương con người hết mình cho đến chết.

Lối sống và lời dạy của Chúa Giêsu có “sốc” bạn không? Rất tốt nếu bạn dành thời gian để nói với Ngài về điều đã làm bạn bị sốc.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn được học về Ngài, và những điều chính Ngài dạy cho bạn hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

Thứ ba TN.IV: Năng lực chữa lành (Mc 5,21-43)

21Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” 24Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25Có một bà kia bị rong huyết đã mười hai năm, 26bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. 27Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. 28Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” 29Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” 32Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. 41Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. 43Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu làm nhiều phép lạ trong thời gian rao giảng công khai của Ngài. Phép lạ là dấu chứng bảo đảm cho quyền năng giảng dạy và các chân lý Ngài mặc khải.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được ý nghĩa của những phép lạ Chúa Giêsu đã và đang thực hiện trong đời tôi và trong dòng lịch sử nhân loại, để tôi biết tìm về với chính Ngài là nguồn năng lực chữa lành.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn dành thời gian đọc vài lần chậm rãi trình thuật trên cho đến khi bạn nhớ được diễn biến câu chuyện khá chi tiết.

Bạn hãy chiêm ngắm những chuyển động của:

- đức Giêsu và các môn đệ khi chèo thuyền qua Biển Hồ Galilê hướng về Caphanaum

- dân chúng tuôn đến với Người tại bờ hồ

- ông Gia-ia trưởng hội đường tiến đến, sụp lại, khẩn xin đức Giêsu cứu giúp con gái ông sắp chết

- đức Giêsu, ông Gia-ia, các môn đệ và dân chúng cùng đi đến nhà ông trưởng hội đường

- bà lão bị bệnh loạn huyết chen vào đám đông và cố ý chạm vào áo đức Giêsu với khao khát được lành bệnh

- đức Giêsu quay lại, cố tìm xem ai đã làm điều đó

- bà lão run sợ tiến ra “thú tội”

- họ tiếp tục đi đến nhà ông trưởng hội đường

- những thân nhân và hàng xóm đang gào khóc thương con bé

- đức Giêsu đuổi họ ra ngoài hết

- đức Giêsu cùng với ba môn đệ thân tín và cha mẹ đứa bé đi vào phòng con bé đang nằm

- đức Giêsu truyền cho bé trỗi dậy bằng “thổ ngữ” của họ: “Ta-li-tha kum”

- con bé sống lại, đứng dậy, và được cho ăn.

Hãy nối kết chuỗi chuyển động đó lại để chiêm ngắm một năng lực hấp dẫn cuốn hút người ta đến với đức Giêsu, và một năng lực phát ra từ Ngài có sức chữa lành mọi bệnh tật, kể cả ban lại sự sống cho người đã chết.

Bạn có được đức Giêsu cuốn hút như vậy chưa? Bạn có cảm nhận được năng lực chữa lành phát ra từ chính Ngài để chữa lành thể lý và tinh thần cho bạn và cho người khác?

Rất tốt nếu bạn biết dùng khoa học để nhận biết những bệnh thể lý hay những tổn thương tâm hồn nơi mình; rồi hãy đến với Chúa và xin Ngài chữa cho. Đức Giêsu vẫn không ngừng chuyển động hướng về bạn và thu hút bạn về phía Ngài.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những “bệnh tật” của bạn. Nài xin Ngài cuốn hút bạn đến với Ngài và để Ngài chữa lành bạn.

Hãy nói với Ngài về lòng tin và mức độ tín thác của bạn nơi Ngài.

“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” (Lời cầu Lòng Chúa Thương Xót)

Có thể kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet