18Hôm
ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người,
và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 19Các
ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là
ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20Người
lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy
là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21Nhưng Người nghiêm
giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22Người
còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh
sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa
ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ
quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu hỏi riêng các môn đệ về cái nhìn và tương quan của
họ dành cho Ngài.
Ơn xin: Xin cho tôi được ơn nhận biết căn tính của bản thân, căn tính của
Chúa Giêsu, để tôi được đi vào mối tương quan đích thực với Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]
Gợi điểm cầu nguyện
1/ Người ta nói tôi là ai?
(cc. 18-19)
Một người có thể tỏ lộ chính mình
bằng lời nói, việc làm, cử chỉ, thái độ, cách thế hiện diện, “dạng hình ý thức”
và sóng.
Người khác tiếp nhận các thông
tin về bạn qua “bộ lọc” họ có qua kinh nghiệm, kiến thức, kiểu người, quan điểm
riêng của họ.
Dừng lại trước Chúa, bạn xét xem
mức độ thành tâm tỏ lộ bản thân của mình, và mức độ tiếp nhận và hiểu của người
khác về bạn. Nó trùng khớp hay chênh lệch? Ở mức độ nào? Hãy nói với Chúa Giêsu
về điều này.
Trong lãnh vực đức tin, đâu là những
nguồn đã dạy bạn về Thiên Chúa? Họ nói/diễn tả về Thiên Chúa cho bạn thế nào? Bạn
đánh giá gì về cái nhìn của họ về Thiên Chúa?
2/ Bạn nói tôi là ai? (cc.
20-21)
Bước sang lãnh vực đức tin cá nhân,
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Bạn thấy Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài
cho bạn thế nào? Bạn có kinh nghiệm gì về Ngài? Bạn gọi Ngài bằng những danh xưng
nào? Điều đó nói gì về mối tương quan của bạn với Thiên Chúa/với từng Ngôi Vị
Thiên Chúa?
3/ Tôi là ai? (c. 22)
Bé lên 3 bắt đầu thử nghiệm tách
mình ra khỏi cha mẹ và người khác khi nói “không”. Tuổi vị thành niên thử nghiệm
để xác định bản thân bằng nhiều hoạt động khác nhau, và cũng thích “nói ngược”
với người lớn. Càng lớn, với thực tế mài giũa, ta biết về mình cách đúng đắn hơn.
Quá trình này kéo dài mãi đến tận cuối đời. Bạn dành thời gian để nhìn lại hành
trình xác lập bản thân và thân thưa với Chúa về điều đó: Thưa Chúa, con là……
con thấy mình……
Những yêu cầu, những hoạt động bên
ngoài, một mặt giúp ta biết mình; nhưng cũng có khi làm ta mất mình. Ví dụ, khi
ta quá chạy theo những cuộc thi đua để có những giải/những thành tích cao hơn cũng
có thể làm ta không còn thời gian để hỏi mình: Tôi là ai? Tôi đang làm gì? Tại
sao tôi làm điều đó? Cho mục đích gì?... Mời bạn dành chút thời gian để đánh giá
các hoạt động mình chọn làm, các mục tiêu mình đang hướng tới xem chúng đang giúp
hay đang ngăn cản bạn xác lập bản thân.
Căn tính một người bao gồm nhiều
khía cạnh: thể chất, tinh thần, thiêng liêng, ý nghĩa sống, văn hóa, truyền thống…
Hãy nhìn ngắm mình trong từng khía cạnh. Bạn thấy gì? Bạn khao khát gì?
“Sinh ra như một bản
thể, đừng chết như một bản sao.”
-Chân phước Carlo Acutis-
Đức Giêsu bộc lộ căn tính của mình
qua cách nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế
cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Bạn cảm
hiểu gì về căn tính của Ngài qua sự bộc lộ này?
Kết nguyện
Thân thưa với Chúa Giêsu về căn tính của bạn, về cái hiểu biết
của bạn về căn tính của Ngài. Xác lập mối tương quan với Ngài.
Kết nguyện bằng một Kinh Lạy Cha.
Ảnh: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét