Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

12/6/23

Thứ ba TN.X: Lan tỏa dù lộ hay ẩn (Mt 5,13-16)

13a“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? 13aNó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ về vai trò của người môn đệ giữa lòng thế giới này.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết về vai trò của Kitô hữu giữa lòng thế giới hôm nay, và ơn can đảm để sống ơn gọi đó đến cùng.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ẩn để ướp (c.13)

Muối là một hợp chất được Thiên Chúa ban tặng cách dồi dào trong nước biển (chiếm ¾ diện tích Trái Đất). Hãy ngẫm nghĩ về tính chất của muối. Hãy nhớ đến kinh nghiệm sử dụng muối để bảo quản thực phẩm trong dân gian, khi chưa có phát minh tủ lạnh. Ngẫm nghĩ về hương vị bạn đã kinh nghiệm về muối: trong thực phẩm, trong các liệu pháp tăng cường sức khỏe và làm đẹp…

Bạn có thể thấy muối, nhưng để phát huy được công dụng của nó thì nó phải tan ra, thẩm thấu vào trong các vật thể mà nó được ướp vào. Tương tự, bạn hãy ngẫm về hành trình “phát huy công dụng” của bạn khi là một Kitô hữu trong thế giới ngày nay. Liệu bạn có muốn tan chảy, ẩn mình đi như thế?

2/ Lộ để làm chứng (cc. 14-16)

Đọc chậm các câu 14-16, suy nghĩ về biểu tượng “ánh sáng” đức Giêsu sử dụng. Áp dụng biểu tượng đó vào đời Kitô hữu của bạn. Bạn có ngại phải lộ diện để làm chứng cho Chúa bằng các điều tốt đẹp, bằng đời sống gương mẫu, bằng những ước muốn tốt lành của bạn? Bạn có ước muốn và sẵn sàng lộ diện để thu hút người ta đến với Thiên Chúa ngang qua bạn?

Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,22-23). Đó là mẫu gương bạn có thể học theo.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về ý thức của bạn về vai trò làm chứng cho Ngài trong các bối cảnh cụ thể.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

9/6/23

Thứ bảy TN.IX: Phân định sự đời (Mc 12,38-44)

38Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích chỗ nhất trong đám tiệc. 40Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

41Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy môn đệ và dân chúng về cách nhận diện các sự việc trong đời.

Ơn xin: Xin cho tôi có được ơn Khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tôi biết phân định chọn lựa theo cách Chúa Giêsu đã sống và dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Hai câu chuyện rất khác nhau, rất tương phản lại được Giáo Hội cho đọc chung trong một ngày phụng vụ! Đâu là lý do ẩn bên dưới. Mời bạn lần lượt cầu nguyện theo 2 điểm gợi ý sau đây.

1/ Giàu sang và địa vị (cc. 38-40)

Mời bạn đặt mình vào trong đôi mắt của đức Giêsu. Cách Ngài thấy và mô tả về “những ông kinh sư”. Đọc chậm đoạn văn để xem cách thức họ ăn mặc, điệu bộ bên ngoài, cách họ nói năng và giảng dạy, chọn lựa của họ… Cũng hãy nhìn xem tâm thế bên trong của họ khi họ hành động ra bên ngoài như thế. Điều gì đẩy họ đến hành động “nuốt hết tài sản của các bà goá”?

Bạn hãy truy tìm nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng “mọi sự tốt” mà lại dẫn đến “kết quả xấu”. Bạn rút được kinh nghiệm gì cho bản thân mình. Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về những điều tương tự bạn đã trải qua trong đời.

2/ Nghèo khó và giàu có (41-44)

Mời bạn lại đặt mình vào trong đôi mắt của đức Giêsu. Ngài đang ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng tại đền thờ Giêrusalem. Ngài quan sát rất chi tiết những người đến bỏ tiền. Ngài thấy những gì? (hãy đọc lại bản văn)

Ngài nói với các môn đệ/và với chính bạn: “bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Ngài nói về một trường hợp cụ thể, diễn ra trước mắt. Theo bạn, đức Giêsu dựa trên tiêu chí nào để nhận ra sự khác biệt giữa “nhiều và ít”, “giàu và nghèo”, “bên ngoài và bên trong”?

Để học cách thức phân định của Ngài, bạn nghĩ mình cần phải làm gì? Hãy xin ơn cho mình nhận ra phương cách và thực hiện nó trong cuộc sống của bạn.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu để xin Ngài dạy cho bạn những giá trị nền tảng của Ngài; nhờ đó giúp bạn phân định các sự việc trong đời.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

5/6/23

Thứ ba TN.IX: Giăng bẫy (Mc 12,13-17)

13Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. 14Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” 15Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” 16Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” 17Đức Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến hỏi đức Giêsu để gài bẫy chính trị cho Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn khôn ngoan để sống ơn gọi Kitô hữu giữa lòng thế giới hôm nay, và ơn can đảm để sống ơn gọi đó đến cùng.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giăng bẫy (cc. 13-14)

Hãy ngẫm nghĩ về việc một người lên kế hoạch để giăng bẫy người khác: bước 1, 2, 3… Sau đó hay nhìn xem cách họ thực hiện kế hoạch đó thế nào: chọn bối cảnh, đối tượng, thời điểm… chọn cách thức thể hiện “giả bộ” trong cung cách, điệu bộ, giọng nói, lối nói... thế nào.

Bây giờ hãy áp dụng quan sát trên vào câu chuyện giăng bẫy của mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê. “Mấy người” – chứ không phải tất cả họ. Họ đã làm việc với nhau thế nào trước khi đến gặp đức Giêsu? Họ đã “diễn kịch” thế nào để có thể giăng được cái bẫy của mình. Bẫy đó là bẫy gì? “Nọc độc” của cái bẫy đó là gì?

Bạn cũng có thể nhớ đến kinh nghiệm mình đã giăng bẫy ai đó, hoặc người khác giăng bẫy bạn. Bạn đã trải qua kinh nghiệm đó như thế nào? Hôm nay, bạn muốn nói gì với Chúa Giêsu về kinh nghiệm đó?

2/ Giải bẫy (cc. 15-17)

Đức Giêsu biết họ giả hình. Hãy ngẫm xem làm sao đức Giêsu lại có được khả năng nhận diện vấn đề như vậy?

Quan sát cách Ngài hóa giải “nọc độc” của cái bẫy. Đóng thuế cho hoàng đế Xêda, nghĩa là nộp tiền. “Tiền” là chìa khóa để giải “nọc độc”. Người ta chỉ thấy tiền là phương tiện trao đổi vật chất giữa hai bên, đức Giêsu thấy tiền là biểu hiện của quyền bính và sự thuộc về. Dựa trên yếu tố này Ngài phân tách quyền bính và sự thuộc về vào hoàng đế hay vào Thiên Chúa. Bạn nghĩ gì về khả năng của đức Giêsu trong việc tiếp cận nhanh và trực diện đến sự thật như vậy? Bạn có kinh ngạc về sự khôn ngoan nơi đức Giêsu? Đó là sự thông minh (IQ) nhân loại, thậm chí tầm cỡ AI (Artificial Intelligience) là thứ tổng hợp trí thông minh nhân loại kết hơn với thuật điện toán; hay là sự khôn ngoan trong Thần Khí Sự Thật?

Cuối cùng, dù kinh ngạc trước sự khôn ngoan của đức Giêsu, liệu họ có thay đổi chính mình để “thần phục” đức Giêsu; hay sẽ tiếp tục bày mưu tính kế cao cơ hơn? Bạn cũng hãy suy xét về thái độ của bản thân khi đối diện với sự khôn ngoan của Thiên Chúa được thể hiện trong vũ trụ này.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bài học mà bạn được dạy hôm nay qua giờ cầu nguyện.

Tạ ơn Thần Khí Sự Thật và tôn vinh Chúa Cha bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest

3/6/23

Thứ Bảy TN.VIII: Phân định khôn ngoan (Mc 11,27-33)

27Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: 28“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” 29Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” 31Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ 32Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu bị các lãnh đạo tôn giáo thời đó tra vấn sau khi Ngài đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi có được ơn Khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tôi biết phân định chọn lựa theo cách Chúa Giêsu đã sống và dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Lý do chất vấn (cc. 27-28)

Đền thờ Giêrusalem được phân chia khu vực và tổ chức một cách rất “khoa học”. Tính từ ngoài vô trong, có khu dành cho dân ngoại, khu buôn bán, khu dành cho phụ nữ Do Thái, khu dành cho nam giới Do Thái, khu dành cho các chức sắc, khu tế lễ, khu cung thánh, ở tâm của cung thánh là Hòm Bia – nơi mà chỉ vị tư tế được chọn mới được vào dâng hương (chuyện tư tế Dacaria).

Mọi sự vận hành rất an ổn và hữu ích bao năm. Vậy tại sao đức Giêsu lại không thấy sự cần thiết và hoạt động rất tốt đẹp như thế. Ngài đuổi hết những người buôn bán và đổi tiền ra khỏi khu vực dành cho họ; Ngài canh giữ không cho ai đi qua lại khu vực ấy!

Đặt mình vào vị trí những nhà lãnh đạo thời đó, bạn có phản ứng giống như họ: đến chất vấn đức Giêsu?

Bạn hiểu gì về “lý do” thúc đẩy đức Giêsu hành động như vậy?

2/ Phân định khôn ngoan (cc. 29-33)

Câu chuyện xảy ra liên quan đến một thực hành tôn giáo, nhưng vấn đề xảy ra ở đây chỉ liên quan đến việc giải quyết một thắc mắc (có ý gài bẫy). Vậy phải xử lý cách khôn ngoan.

Bạn hãy suy ngẫm về cách đức Giêsu đặt vấn đề rất khôn ngoan, để trở nên điều kiện cho việc sẽ trả lời vấn đề họ đặt ra hay không.

Bạn cũng suy nghĩ về cách suy tính khôn ngoan của các vị lãnh đạo và cách trả lời của họ. Họ chọn cách trả lời “không thật” – gợi ý rằng có gì đó liên quan đến “Cha của kẻ dối trá” (Ga 8,44).

Như điều kiện ban đầu, kết quả câu chuyện cho phép đức Giêsu thực hiện được chọn lựa khôn ngoan của mình.

Bạn thử áp dụng sự phân định khôn ngoan của Chúa vào những câu chuyện đời mình.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho bạn ơn khôn ngoan, và xin Chúa Giêsu dạy bạn sống khôn ngoan.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

29/5/23

Thứ ba TN.VIII: Tìm gì? (Mc 10,28-31)

28Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy riêng các môn đệ về phần thưởng và cái giá phải trả khi làm môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết ý nghĩa của việc sống ơn gọi Kitô hữu giữa lòng thế giới hôm nay, và ơn can đảm để sống ơn gọi đó đến cùng.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đặt vấn đề (c.28)

Phêrô lên tiếng hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Phêrô can đảm dám “lên tiếng” hỏi thầy Giêsu. Còn bạn? Có bao giờ bạn hỏi mình, hỏi Chúa rằng tôi “theo đạo” thì được gì?

Phêrô dùng từ “chúng con”, có phải để tránh bớt sự ngại ngùng khi đòi quyền lợi cá nhân?

Liệu rằng các môn đệ khác có cùng một mối quan tâm như Phêrô? Họ cảm thấy thế nào khi Phêrô mở miệng hỏi thầy Giêsu như vậy?

Với lương tâm ngay thẳng trước Chúa, bạn hãy đặt vấn đề về đích nhắm của mình khi “theo đạo” và “sống đạo”. Bạn có từng can đảm đặt vấn đề một cách cá nhân và “quy ngã” như Phêrô? Hay bạn chờ ăn theo ai đó?

2/ Suy xét (cc.28-30)

“Chẳng hề có ai bỏ…” câu này nói gì với bạn?

“mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được…” – suy ngẫm điều này nữa bằng kinh nghiệm thực tế trong đời bạn.

“cùng với sự ngược đãi”: Khi theo đạo và sống đạo, bạn có coi đây là điều “bao gồm” đương nhiên? Hay bạn thấy đó là một mối họa và than trách Thiên Chúa không yêu thương bạn?

“và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” – đích nhắm của bạn là những phần thưởng ngay tức khắc và ở đời này; hay hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa?

Tương tự, với lương tâm ngay thẳng trước Chúa, bạn hãy đặt vấn đề về đích nhắm của mình khi “theo đạo” và “sống đạo”. Sau đó hãy làm quyết định cho bản thân xem có nên tiếp tục “theo đạo” và “sống đạo”.

3/ Quy luật của Chúa (c.31)

“Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” – Nơi Thiên Chúa không có luật nhân quả tự nhiên. Bạn khám phá được điều gì trong quy luật của Chúa qua khẳng định này của đức Giêsu?

Một lần nữa, hãy chọn xem tôi có muốn tìm kiếm và sống theo quy luật của Chúa?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu/với Chúa Cha về những gì bạn được ban cho cảm hiểu qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest

22/5/23

Thứ ba PS.VII: Hướng về Cha (Ga 17,1-11a)

1Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

4“Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

9“Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. 11Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong thân xác phàm nhân, đức Giêsu hướng về Chúa Cha, kết hợp mật thiết với Chúa Cha.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn nhận biết Thiên Chúa chân thật của đời mình, tìm kiếm Ngài, kết thân với Ngài qua trung gian Người Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba phương pháp cầu nguyện]

Gợi ý điểm cầu nguyện

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu hướng về Chúa Cha rất cá vị, đầy tình yêu thương gắn bó. Để cầu nguyện bài này, bạn chỉ cần đặt mình vào trong khung cảnh là thời gian sau nghi lễ rửa chân cho các môn đệ và trước khi đức Giêsu đi vào cuộc thương khó.

Mường tượng cái “ngước mắt lên” của đức Giêsu hướng về Chúa Cha: không chỉ bằng tư thế, mà bằng trọn cả con người Ngài. Đây là buổi “cầu nguyện” thâm sâu của Ngài. Hãy lặng ở đó. Đọc chậm từng câu và cảm nghiệm ý nghĩa, tâm tình, khao khát… của đức Giêsu khi Ngài hướng về Cha.

Bạn cũng có thể chọn bất cứ chữ/câu nào đánh động mình, dừng lại chiêm ngắm và cảm nghiệm. Không nhất thiết phải cầu nguyện hết cả bản văn.

Hãy kết nối với Chúa Cha, với Chúa Giêsu và chuyện trò cùng các Ngài bất cứ khi nào bạn cảm thấy được mời gọi làm như thế.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Cha hoặc/và với Chúa Giêsu về những tâm tình bạn có trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

16/5/23

Thứ ba PS.VI: Những lời cuối (Ga 16,5-11)

5Những điều ấy, Thầy đã không nói với anh em ngay từ đầu, vì lúc ấy Thầy còn ở với anh em. Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ 6Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; 10về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; 11về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong giờ khắc còn lại, đức Giêsu tiếp tục tâm tình với các môn đệ sau nghi thức rửa chân.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn cảm hiểu tấm lòng của thầy Giêsu dành cho người môn đệ, để tôi khao khát trở nên môn đệ của Người.

Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Tâm tình giữa thầy-trò (c.5-7)

Vẫn tiếp theo bầu khí trò chuyện riêng giữa thầy-trò sau nghi thức rửa chân. Vẫn giọng nói đều đều của đức Giês;, hầu như Ngài dẫn một mình trong bầu khí các môn đệ ‘không biết nói gì’.

Mời bạn đọc chậm câu 5 để hiểu được mức độ “cẩn ngôn” của đức Giêsu đối với các môn đệ. Có sự thật về chính Ngài và về sứ mệnh của Ngài mà Ngài đã biết rõ từ lâu, nhưng Ngài phải giữ cho đến những giây phút cuối cùng mới dám nói, dám tỏ lộ cho các môn đệ.

Đọc câu 6 để cảm nghiệm (nhớ lại) sự muộn phiền của các môn đệ khi biết được thầy “sắp về cùng Cha”. Các ông buồn vì thiếu vắng thầy hay vì lo lắng cho bản thân?

Đọc câu 7 để lại thấy đức Giêsu yêu thương và lo cho các môn đệ phần tốt hơn như thế nào: sai Đấng Bảo Trợ đến với họ. Đấng ấy là Ai đối với bạn? Bạn cảm nghiệm về vai trò trung gian của Ngài giữa bạn và Thiên Chúa như thế nào?

2/ Thánh Thần chân lý (cc.8-11)

Đây là một trong những câu nói rất tối nghĩa của đức Giêsu. Bởi khi Ngài nói những điều đó thì sự việc chưa diễn ra. Bạn cần phải đứng sau biến cố Phục Sinh và Lên Trời của đức Giêsu; thậm chí bạn cần cảm nghiệm về niềm tin và nhân chứng của bao thế hệ Kitô hữu để bạn xác tín lại được những điều thầy Giêsu nói hôm nay với bạn là chân lý.

Hãy đọc chú thích của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ để bạn hiểu hơn; và dựa vào đó để chiêm ngắm sự thật nơi đức Giêsu: Đấng Vô Tội, Đấng là Thiên Chúa nên có quyền định nghĩa thiện ác; Đấng Xét Xử vào thời sau hết.

Chú thích của CGKPV: "Theo Ga 16,9-11, Thánh Thần do Đức Giê-su phục sinh gửi đến sẽ làm chứng về Người để các tín hữu thấy được chính nghĩa của Người, tội lỗi của thế gian và việc thủ lãnh thế gian bị lên án. Thánh Thần sẽ đưa ra ánh sáng tội của thế gian không tin vào Đức Giê-su (5,38; 6,36.64; 7,5; 10,26; 12,37; 8,46). Thế gian sai lầm về sự công chính, vì Thánh Thần sẽ chỉ cho thấy: Đức Giê-su là Đấng Công Chính, vô tội; việc Đức Giê-su trở về cùng Chúa Cha là bằng chứng không thể phủ nhận về sự công chính và vô tội của Người. Thánh Thần cũng sẽ cho thế gian thấy: tuy bên ngoài bị toà án trần gian xét xử, Đức Giê-su sẽ sống lại từ cõi chết và do đó sẽ đoạt được chiến thắng; cuộc chiến thắng đó làm cho thủ lãnh thế gian thất bại và bị lên án."

Kết nguyện

Thân thưa với Thầy Giêsu về kinh nghiệm đức tin của bạn vào Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

8/5/23

Thứ ba PS.V: Còn gì cho nhau (Ga 14,27-31a)

27“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

30“Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong giờ khắc còn lại, đức Giêsu tiếp tục tâm tình với các môn đệ sau nghi thức rửa chân.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn cảm hiểu tấm lòng của thầy Giêsu dành cho người môn đệ, để tôi khao khát trở nên môn đệ của Người.

Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Để lại gì? (c.27)

Điều mà thầy Giêsu muốn để lại là chính “bình an của thầy”. Mời bạn dành thời gian để đọc chậm rãi, nghiệm, niệm câu Lời Chúa này… cho đến khi bạn cảm nhận được sự bình an lan tỏa nơi lòng bạn.

2/ Lời hứa (c.28)

Mời bạn đọc tiếp câu 28 để nghiệm về lời hứa của thầy Giêsu: ra đi, rồi sẽ trở lại cùng bạn. Bạn cảm nhận được gì khi nghe biết “thầy sẽ ra đi”? Liệu bạn có thể cảm nhận được sự háo hức của thầy Giêsu khi Ngài nghĩ đến việc sắp được gặp lại Chúa Cha? Bạn có vui với niềm vui của Ngài? Bạn có xác tín vào lời Ngài hứa sẽ trở lại cùng bạn? Xác tín đó được thể hiện như thế nào trong đời sống của bạn?

3/ Cho biết sự thật (cc. 29-31)

Đức Giêsu biết rõ sự thật về cuộc ra đi của ngài. Hôm nay, lúc này, Ngài quyết định tỏ lộ của các môn đệ biết. Hãy xem Ngài yêu thương và tín nhiệm các môn đệ đến chừng nào! Ngài cũng đang đối đãi với bạn như vậy. Mục đích của sự tỏ lộ này là để giúp các môn đệ có thể tin Ngài sau đó. Bạn đã từng đọc được ý nghĩa của những ơn mình được lãnh nhận chưa?

Đức Giêsu nói thật về những gì sắp xảy ra cho Ngài; đồng thời Ngài vén mở ý nghĩa của chúng: “để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” Ngài chỉ ra mặt tích cực trong những điều tiêu cực.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì nổi lên trong lòng bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

5/5/23

Thứ bảy PS.IV: Tâm sự riêng (Ga 14,7-14)

7Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? 10Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi biết lắng nghe và tin vào những lời mặc khải của Chúa Giêsu về chính Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý điểm cầu nguyện

Nói thật, những bản văn gần như “độc thoại” của đức Giêsu trong tin mừng Gioan thường khá dài và rất khó hiểu. Ngài nói bằng thứ ngôn ngữ của những người yêu nhau nên hiểu nhau cách thâm sâu; nhưng đôi khi lại được sử dụng với cả những “đối thủ” của Ngài trong các cuộc tranh luận!

Bản văn hôm nay là tâm tình riêng của Ngài với các môn đệ. Ngài kỳ vọng họ hiểu và kết nối được với lòng Ngài, nhưng dường như rất thách thức! Tâm tình trong lòng đức Giêsu quả thật đúng như thế, và còn hơn thế nữa… Nhưng thật ra nó chỉ được cảm hiểu và diễn đạt lại qua tông đồ Gioan và truyền thống Gioan trong cuốn Tin Mừng sau cùng.

Là hậu duệ của bao thế hệ tiền bối trong đức tin, mong rằng bạn sẽ dành thời gian để cùng vị thánh sử đi sâu vào trong trái tim thầy Giêsu để hiểu được tâm tình của Ngài dành cho bạn hôm nay.

Để cầu nguyện bài này, bạn chỉ cần đưa mình vào bầu khí riêng tư với các môn đệ quây quần bên thầy Giêsu, đọc chậm bản văn; dừng lại lắng nghe, trao đổi… ngẫm nghiệm từng câu từng chữ một… và xin thầy Giêsu giúp bạn hiểu lòng Ngài; cảm hiểu mối tương quan mật thiết giữa Ngài và Chúa Cha. Bạn cũng hãy xin ơn để được tham dự vào trong mối tương quan mật thiết đó.

Dừng lại để thân thưa với Chúa Giêsu những điều bạn cảm nghiệm được…

Không nhất thiết đi hết bản văn. Điều quan trọng là cảm nghiệm sâu một điều gì đó và kết thân với Chúa Giêsu.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về khao khát của bản thân, những bận tâm của bạn…

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

1/5/23

Thứ Ba PS.IV: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi (Ga 10,22-30)

22Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” 25Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30Tôi và Chúa Cha là một.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Tại Giêrusalem, đức Giêsu trả lời về niềm tin của người Do Thái đối với Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi biết lắng nghe và tin vào những lời mặc khải của Chúa Giêsu về chính Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Những cơ hội (cc. 22-24)

Lễ hội là cơ hội quy tụ. Ở đây là dịp lễ Thanh Tẩy Đền Thờ kéo dài 8 ngày để kỷ niệm việc tẩy uế và khánh thành bàn thờ mới do nỗ lực của gia đình Giuđa Macabê dành lại trong cuộc chiến với vua Antiôkhô (x. 1 Mcb 4, 36-59). Đức Giêsu đang ở Giêrusalem trong thời gian này nên những người Do Thái đang thắc mắc về Ngài có cơ hội gặp Ngài.

Đức Giêsu đi qua đi lại tại hành lang Salomon [phía ngoài Cửa Đẹp – cửa chính đi vào Đền Thờ Giêrusalem – giống như sảnh cuối nhà thờ]. Ngài như cố tình làm cho người ta chú ý đến sự hiện diện của Ngài. Những người Do Thái đang thắc mắc về Ngài có cơ hội tiếp cận Ngài.

Câu hỏi của họ: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Chúng ta cũng muốn tìm một câu trả lời rõ ràng như thế cho đức tin của mình.

Mời bạn nhìn lại những cơ hội bạn có trong đời: cùng thời gian, cùng địa điểm… cho những cuộc gặp gỡ đức tin, cho những khám phá đức tin, cho những câu hỏi đức tin. Cũng xem cách thức và thái độ bạn thường dùng để khám phá đức tin của bạn vào Thiên Chúa – nơi đức Giêsu Kitô.

2/ Chiên và chủ chiên (cc. 25-30)

Khi được hỏi, đức Giêsu có vẻ vẫn giữ một giọng điệu và thái độ đầy thách thức như trong chương 6 của Tin Mừng Gioan: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” (cc. 25-26) Tục ngữ Việt có câu: Sự thật mất lòng. Bạn chọn tin nghe “lời đường mật” hay muốn tìm chân lý, dù nó mang vỏ bọc rất sù sì? Câu nói của đức Giêsu đang bộc lộ cho bạn điều gì về chính Ngài?

Đọc kỹ câu 27 để hiểu được thái độ cần có để có thể đón nhận được mặc khải đức tin do đức Giêsu mang đến.

Câu 28-29 vén mở về mối tương quan thân mật giữa Chủ chiên – chiên – Chúa Cha. Xét xem ta có đang ở trong mối tương quan đó hay không.

Lời khẳng định của đức Giêsu ở câu 30: “Tôi và Chúa Cha là một” vén mở cho bạn biết điều gì về chính Ngài? Liệu bạn có muốn tin vào lời mặc khải đó?

Kết nguyện

Thân thưa với Đấng Mặc Khải là đức Giêsu về những khó khăn của bạn trong việc tin nhận Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest