Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

3/6/23

Thứ Bảy TN.VIII: Phân định khôn ngoan (Mc 11,27-33)

27Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: 28“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” 29Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” 31Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ 32Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu bị các lãnh đạo tôn giáo thời đó tra vấn sau khi Ngài đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi có được ơn Khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tôi biết phân định chọn lựa theo cách Chúa Giêsu đã sống và dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Lý do chất vấn (cc. 27-28)

Đền thờ Giêrusalem được phân chia khu vực và tổ chức một cách rất “khoa học”. Tính từ ngoài vô trong, có khu dành cho dân ngoại, khu buôn bán, khu dành cho phụ nữ Do Thái, khu dành cho nam giới Do Thái, khu dành cho các chức sắc, khu tế lễ, khu cung thánh, ở tâm của cung thánh là Hòm Bia – nơi mà chỉ vị tư tế được chọn mới được vào dâng hương (chuyện tư tế Dacaria).

Mọi sự vận hành rất an ổn và hữu ích bao năm. Vậy tại sao đức Giêsu lại không thấy sự cần thiết và hoạt động rất tốt đẹp như thế. Ngài đuổi hết những người buôn bán và đổi tiền ra khỏi khu vực dành cho họ; Ngài canh giữ không cho ai đi qua lại khu vực ấy!

Đặt mình vào vị trí những nhà lãnh đạo thời đó, bạn có phản ứng giống như họ: đến chất vấn đức Giêsu?

Bạn hiểu gì về “lý do” thúc đẩy đức Giêsu hành động như vậy?

2/ Phân định khôn ngoan (cc. 29-33)

Câu chuyện xảy ra liên quan đến một thực hành tôn giáo, nhưng vấn đề xảy ra ở đây chỉ liên quan đến việc giải quyết một thắc mắc (có ý gài bẫy). Vậy phải xử lý cách khôn ngoan.

Bạn hãy suy ngẫm về cách đức Giêsu đặt vấn đề rất khôn ngoan, để trở nên điều kiện cho việc sẽ trả lời vấn đề họ đặt ra hay không.

Bạn cũng suy nghĩ về cách suy tính khôn ngoan của các vị lãnh đạo và cách trả lời của họ. Họ chọn cách trả lời “không thật” – gợi ý rằng có gì đó liên quan đến “Cha của kẻ dối trá” (Ga 8,44).

Như điều kiện ban đầu, kết quả câu chuyện cho phép đức Giêsu thực hiện được chọn lựa khôn ngoan của mình.

Bạn thử áp dụng sự phân định khôn ngoan của Chúa vào những câu chuyện đời mình.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho bạn ơn khôn ngoan, và xin Chúa Giêsu dạy bạn sống khôn ngoan.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

29/5/23

Thứ ba TN.VIII: Tìm gì? (Mc 10,28-31)

28Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy riêng các môn đệ về phần thưởng và cái giá phải trả khi làm môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết ý nghĩa của việc sống ơn gọi Kitô hữu giữa lòng thế giới hôm nay, và ơn can đảm để sống ơn gọi đó đến cùng.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đặt vấn đề (c.28)

Phêrô lên tiếng hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Phêrô can đảm dám “lên tiếng” hỏi thầy Giêsu. Còn bạn? Có bao giờ bạn hỏi mình, hỏi Chúa rằng tôi “theo đạo” thì được gì?

Phêrô dùng từ “chúng con”, có phải để tránh bớt sự ngại ngùng khi đòi quyền lợi cá nhân?

Liệu rằng các môn đệ khác có cùng một mối quan tâm như Phêrô? Họ cảm thấy thế nào khi Phêrô mở miệng hỏi thầy Giêsu như vậy?

Với lương tâm ngay thẳng trước Chúa, bạn hãy đặt vấn đề về đích nhắm của mình khi “theo đạo” và “sống đạo”. Bạn có từng can đảm đặt vấn đề một cách cá nhân và “quy ngã” như Phêrô? Hay bạn chờ ăn theo ai đó?

2/ Suy xét (cc.28-30)

“Chẳng hề có ai bỏ…” câu này nói gì với bạn?

“mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được…” – suy ngẫm điều này nữa bằng kinh nghiệm thực tế trong đời bạn.

“cùng với sự ngược đãi”: Khi theo đạo và sống đạo, bạn có coi đây là điều “bao gồm” đương nhiên? Hay bạn thấy đó là một mối họa và than trách Thiên Chúa không yêu thương bạn?

“và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” – đích nhắm của bạn là những phần thưởng ngay tức khắc và ở đời này; hay hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa?

Tương tự, với lương tâm ngay thẳng trước Chúa, bạn hãy đặt vấn đề về đích nhắm của mình khi “theo đạo” và “sống đạo”. Sau đó hãy làm quyết định cho bản thân xem có nên tiếp tục “theo đạo” và “sống đạo”.

3/ Quy luật của Chúa (c.31)

“Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” – Nơi Thiên Chúa không có luật nhân quả tự nhiên. Bạn khám phá được điều gì trong quy luật của Chúa qua khẳng định này của đức Giêsu?

Một lần nữa, hãy chọn xem tôi có muốn tìm kiếm và sống theo quy luật của Chúa?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu/với Chúa Cha về những gì bạn được ban cho cảm hiểu qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest

22/5/23

Thứ ba PS.VII: Hướng về Cha (Ga 17,1-11a)

1Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

4“Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

9“Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. 11Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong thân xác phàm nhân, đức Giêsu hướng về Chúa Cha, kết hợp mật thiết với Chúa Cha.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn nhận biết Thiên Chúa chân thật của đời mình, tìm kiếm Ngài, kết thân với Ngài qua trung gian Người Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba phương pháp cầu nguyện]

Gợi ý điểm cầu nguyện

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu hướng về Chúa Cha rất cá vị, đầy tình yêu thương gắn bó. Để cầu nguyện bài này, bạn chỉ cần đặt mình vào trong khung cảnh là thời gian sau nghi lễ rửa chân cho các môn đệ và trước khi đức Giêsu đi vào cuộc thương khó.

Mường tượng cái “ngước mắt lên” của đức Giêsu hướng về Chúa Cha: không chỉ bằng tư thế, mà bằng trọn cả con người Ngài. Đây là buổi “cầu nguyện” thâm sâu của Ngài. Hãy lặng ở đó. Đọc chậm từng câu và cảm nghiệm ý nghĩa, tâm tình, khao khát… của đức Giêsu khi Ngài hướng về Cha.

Bạn cũng có thể chọn bất cứ chữ/câu nào đánh động mình, dừng lại chiêm ngắm và cảm nghiệm. Không nhất thiết phải cầu nguyện hết cả bản văn.

Hãy kết nối với Chúa Cha, với Chúa Giêsu và chuyện trò cùng các Ngài bất cứ khi nào bạn cảm thấy được mời gọi làm như thế.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Cha hoặc/và với Chúa Giêsu về những tâm tình bạn có trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

16/5/23

Thứ ba PS.VI: Những lời cuối (Ga 16,5-11)

5Những điều ấy, Thầy đã không nói với anh em ngay từ đầu, vì lúc ấy Thầy còn ở với anh em. Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ 6Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; 10về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; 11về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong giờ khắc còn lại, đức Giêsu tiếp tục tâm tình với các môn đệ sau nghi thức rửa chân.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn cảm hiểu tấm lòng của thầy Giêsu dành cho người môn đệ, để tôi khao khát trở nên môn đệ của Người.

Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Tâm tình giữa thầy-trò (c.5-7)

Vẫn tiếp theo bầu khí trò chuyện riêng giữa thầy-trò sau nghi thức rửa chân. Vẫn giọng nói đều đều của đức Giês;, hầu như Ngài dẫn một mình trong bầu khí các môn đệ ‘không biết nói gì’.

Mời bạn đọc chậm câu 5 để hiểu được mức độ “cẩn ngôn” của đức Giêsu đối với các môn đệ. Có sự thật về chính Ngài và về sứ mệnh của Ngài mà Ngài đã biết rõ từ lâu, nhưng Ngài phải giữ cho đến những giây phút cuối cùng mới dám nói, dám tỏ lộ cho các môn đệ.

Đọc câu 6 để cảm nghiệm (nhớ lại) sự muộn phiền của các môn đệ khi biết được thầy “sắp về cùng Cha”. Các ông buồn vì thiếu vắng thầy hay vì lo lắng cho bản thân?

Đọc câu 7 để lại thấy đức Giêsu yêu thương và lo cho các môn đệ phần tốt hơn như thế nào: sai Đấng Bảo Trợ đến với họ. Đấng ấy là Ai đối với bạn? Bạn cảm nghiệm về vai trò trung gian của Ngài giữa bạn và Thiên Chúa như thế nào?

2/ Thánh Thần chân lý (cc.8-11)

Đây là một trong những câu nói rất tối nghĩa của đức Giêsu. Bởi khi Ngài nói những điều đó thì sự việc chưa diễn ra. Bạn cần phải đứng sau biến cố Phục Sinh và Lên Trời của đức Giêsu; thậm chí bạn cần cảm nghiệm về niềm tin và nhân chứng của bao thế hệ Kitô hữu để bạn xác tín lại được những điều thầy Giêsu nói hôm nay với bạn là chân lý.

Hãy đọc chú thích của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ để bạn hiểu hơn; và dựa vào đó để chiêm ngắm sự thật nơi đức Giêsu: Đấng Vô Tội, Đấng là Thiên Chúa nên có quyền định nghĩa thiện ác; Đấng Xét Xử vào thời sau hết.

Chú thích của CGKPV: "Theo Ga 16,9-11, Thánh Thần do Đức Giê-su phục sinh gửi đến sẽ làm chứng về Người để các tín hữu thấy được chính nghĩa của Người, tội lỗi của thế gian và việc thủ lãnh thế gian bị lên án. Thánh Thần sẽ đưa ra ánh sáng tội của thế gian không tin vào Đức Giê-su (5,38; 6,36.64; 7,5; 10,26; 12,37; 8,46). Thế gian sai lầm về sự công chính, vì Thánh Thần sẽ chỉ cho thấy: Đức Giê-su là Đấng Công Chính, vô tội; việc Đức Giê-su trở về cùng Chúa Cha là bằng chứng không thể phủ nhận về sự công chính và vô tội của Người. Thánh Thần cũng sẽ cho thế gian thấy: tuy bên ngoài bị toà án trần gian xét xử, Đức Giê-su sẽ sống lại từ cõi chết và do đó sẽ đoạt được chiến thắng; cuộc chiến thắng đó làm cho thủ lãnh thế gian thất bại và bị lên án."

Kết nguyện

Thân thưa với Thầy Giêsu về kinh nghiệm đức tin của bạn vào Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

8/5/23

Thứ ba PS.V: Còn gì cho nhau (Ga 14,27-31a)

27“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

30“Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong giờ khắc còn lại, đức Giêsu tiếp tục tâm tình với các môn đệ sau nghi thức rửa chân.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn cảm hiểu tấm lòng của thầy Giêsu dành cho người môn đệ, để tôi khao khát trở nên môn đệ của Người.

Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Để lại gì? (c.27)

Điều mà thầy Giêsu muốn để lại là chính “bình an của thầy”. Mời bạn dành thời gian để đọc chậm rãi, nghiệm, niệm câu Lời Chúa này… cho đến khi bạn cảm nhận được sự bình an lan tỏa nơi lòng bạn.

2/ Lời hứa (c.28)

Mời bạn đọc tiếp câu 28 để nghiệm về lời hứa của thầy Giêsu: ra đi, rồi sẽ trở lại cùng bạn. Bạn cảm nhận được gì khi nghe biết “thầy sẽ ra đi”? Liệu bạn có thể cảm nhận được sự háo hức của thầy Giêsu khi Ngài nghĩ đến việc sắp được gặp lại Chúa Cha? Bạn có vui với niềm vui của Ngài? Bạn có xác tín vào lời Ngài hứa sẽ trở lại cùng bạn? Xác tín đó được thể hiện như thế nào trong đời sống của bạn?

3/ Cho biết sự thật (cc. 29-31)

Đức Giêsu biết rõ sự thật về cuộc ra đi của ngài. Hôm nay, lúc này, Ngài quyết định tỏ lộ của các môn đệ biết. Hãy xem Ngài yêu thương và tín nhiệm các môn đệ đến chừng nào! Ngài cũng đang đối đãi với bạn như vậy. Mục đích của sự tỏ lộ này là để giúp các môn đệ có thể tin Ngài sau đó. Bạn đã từng đọc được ý nghĩa của những ơn mình được lãnh nhận chưa?

Đức Giêsu nói thật về những gì sắp xảy ra cho Ngài; đồng thời Ngài vén mở ý nghĩa của chúng: “để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” Ngài chỉ ra mặt tích cực trong những điều tiêu cực.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì nổi lên trong lòng bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

5/5/23

Thứ bảy PS.IV: Tâm sự riêng (Ga 14,7-14)

7Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? 10Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi biết lắng nghe và tin vào những lời mặc khải của Chúa Giêsu về chính Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý điểm cầu nguyện

Nói thật, những bản văn gần như “độc thoại” của đức Giêsu trong tin mừng Gioan thường khá dài và rất khó hiểu. Ngài nói bằng thứ ngôn ngữ của những người yêu nhau nên hiểu nhau cách thâm sâu; nhưng đôi khi lại được sử dụng với cả những “đối thủ” của Ngài trong các cuộc tranh luận!

Bản văn hôm nay là tâm tình riêng của Ngài với các môn đệ. Ngài kỳ vọng họ hiểu và kết nối được với lòng Ngài, nhưng dường như rất thách thức! Tâm tình trong lòng đức Giêsu quả thật đúng như thế, và còn hơn thế nữa… Nhưng thật ra nó chỉ được cảm hiểu và diễn đạt lại qua tông đồ Gioan và truyền thống Gioan trong cuốn Tin Mừng sau cùng.

Là hậu duệ của bao thế hệ tiền bối trong đức tin, mong rằng bạn sẽ dành thời gian để cùng vị thánh sử đi sâu vào trong trái tim thầy Giêsu để hiểu được tâm tình của Ngài dành cho bạn hôm nay.

Để cầu nguyện bài này, bạn chỉ cần đưa mình vào bầu khí riêng tư với các môn đệ quây quần bên thầy Giêsu, đọc chậm bản văn; dừng lại lắng nghe, trao đổi… ngẫm nghiệm từng câu từng chữ một… và xin thầy Giêsu giúp bạn hiểu lòng Ngài; cảm hiểu mối tương quan mật thiết giữa Ngài và Chúa Cha. Bạn cũng hãy xin ơn để được tham dự vào trong mối tương quan mật thiết đó.

Dừng lại để thân thưa với Chúa Giêsu những điều bạn cảm nghiệm được…

Không nhất thiết đi hết bản văn. Điều quan trọng là cảm nghiệm sâu một điều gì đó và kết thân với Chúa Giêsu.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về khao khát của bản thân, những bận tâm của bạn…

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

1/5/23

Thứ Ba PS.IV: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi (Ga 10,22-30)

22Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” 25Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30Tôi và Chúa Cha là một.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Tại Giêrusalem, đức Giêsu trả lời về niềm tin của người Do Thái đối với Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi biết lắng nghe và tin vào những lời mặc khải của Chúa Giêsu về chính Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Những cơ hội (cc. 22-24)

Lễ hội là cơ hội quy tụ. Ở đây là dịp lễ Thanh Tẩy Đền Thờ kéo dài 8 ngày để kỷ niệm việc tẩy uế và khánh thành bàn thờ mới do nỗ lực của gia đình Giuđa Macabê dành lại trong cuộc chiến với vua Antiôkhô (x. 1 Mcb 4, 36-59). Đức Giêsu đang ở Giêrusalem trong thời gian này nên những người Do Thái đang thắc mắc về Ngài có cơ hội gặp Ngài.

Đức Giêsu đi qua đi lại tại hành lang Salomon [phía ngoài Cửa Đẹp – cửa chính đi vào Đền Thờ Giêrusalem – giống như sảnh cuối nhà thờ]. Ngài như cố tình làm cho người ta chú ý đến sự hiện diện của Ngài. Những người Do Thái đang thắc mắc về Ngài có cơ hội tiếp cận Ngài.

Câu hỏi của họ: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Chúng ta cũng muốn tìm một câu trả lời rõ ràng như thế cho đức tin của mình.

Mời bạn nhìn lại những cơ hội bạn có trong đời: cùng thời gian, cùng địa điểm… cho những cuộc gặp gỡ đức tin, cho những khám phá đức tin, cho những câu hỏi đức tin. Cũng xem cách thức và thái độ bạn thường dùng để khám phá đức tin của bạn vào Thiên Chúa – nơi đức Giêsu Kitô.

2/ Chiên và chủ chiên (cc. 25-30)

Khi được hỏi, đức Giêsu có vẻ vẫn giữ một giọng điệu và thái độ đầy thách thức như trong chương 6 của Tin Mừng Gioan: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” (cc. 25-26) Tục ngữ Việt có câu: Sự thật mất lòng. Bạn chọn tin nghe “lời đường mật” hay muốn tìm chân lý, dù nó mang vỏ bọc rất sù sì? Câu nói của đức Giêsu đang bộc lộ cho bạn điều gì về chính Ngài?

Đọc kỹ câu 27 để hiểu được thái độ cần có để có thể đón nhận được mặc khải đức tin do đức Giêsu mang đến.

Câu 28-29 vén mở về mối tương quan thân mật giữa Chủ chiên – chiên – Chúa Cha. Xét xem ta có đang ở trong mối tương quan đó hay không.

Lời khẳng định của đức Giêsu ở câu 30: “Tôi và Chúa Cha là một” vén mở cho bạn biết điều gì về chính Ngài? Liệu bạn có muốn tin vào lời mặc khải đó?

Kết nguyện

Thân thưa với Đấng Mặc Khải là đức Giêsu về những khó khăn của bạn trong việc tin nhận Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest 

24/4/23

[25/4 Thánh sử Maccô] Tầm nhìn vũ trụ (Mc 16,15-20)

15Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu Phục Sinh sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.

Ơn xin: Xin cho tôi được cùng với Đấng Phục Sinh mang ơn cứu độ cho cả vũ trụ này qua việc nhân loại biết sống đúng vị trí và vai trò đối với các anh chị em thụ tạo khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Tầm nhìn vũ trụ (cc. 15-16)

+ Tứ phương thiên hạ: không biên cương, vùng ngoại biên; vùng địa lý và các phương tiện tiếp cận viễn thông, truyền thông qua mạng internet, vượt ra ngoài Trái đất. Bạn được Chúa mời đến “vùng đất” nào? Bằng cách nào?

+ loan báo Tin Mừng: Tin Mừng là gì? Đời sống của bạn thường truyền đi thông điệp Tin Mừng, hay thông điệp gì khác?

+ cho mọi loài thụ tạo: Mở ra tầm nhìn rằng mọi thụ tạo (trong đó có con người) đều cần được nghe rao giảng Tin Mừng; đều cần đến ơn cứu độ. Thánh Phanxicô giảng có chim trời, nói chuyện và hoán cải con sói… Thông điệp Laudato Si và Fratelli Tutti nhắc đến những anh chị em “phi nhân” (non-human being).

Câu 16 nói đến ơn cứu độ được thực hiện nhờ ý thức tự do chọn lựa – ơn cứu độ dành cho con người. những loài khác lệ thuộc vào sự chọn lựa của bạn. Hôm nay, bạn hãy làm chọn lựa ơn cứu độ cho mình, trong ý thức nhiều loài khác đang tùy thuộc vào chọn lựa của bạn.

2/ Dấu chỉ về người tin (cc. 17-18)

Lưu ý rằng

1)    đây là dấu chỉ về tất cả những ai có đức tin vào Tin Mừng, vào Đức Giêsu Kitô

2)    các điều đó chỉ được thực hiện “trong/nhờ danh đức Giêsu Kitô”

+ trừ được quỷ

+ nói được những tiếng mới lạ

+ cầm được rắn

+ dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao

+ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ

Hãy suy ngẫm xem những “năng lực” đó là gì? Tại sao người tin lại có được những “năng lực” đó. Thân thưa với Chúa về những “năng lực” đã được ban cho bạn, ít nhất là tại những thời điểm nào đó.

3/ Được Chúa đồng hành (cc. 19-20)

+ Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa: Ngài siêu vượt thời gian và không gian.

+ các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi: nhớ lại “tứ phương” ở phần suy ngẫm trên.

+ có Chúa cùng hoạt động với các ông: vai trò “đồng cộng sự”; hình ảnh “người trợ tá tương xứng”. Thánh Inhã Loyola nói về sự nỗ lực hết sức của đôi bên như sau: “Khi làm, hãy làm hết sức như thể chỉ có ta mà không có Chúa. Khi làm xong, thì thấy chỉ có Chúa mà chẳng có ta.” Một cách nói khác là: Hãy làm hết sức phần của mình, phần còn lại để Chúa lo.

+ Chúa dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng: Phần “bổ trợ” lớn lao của Chúa là những dấu lạ Ngài thực hiện ngang qua bạn. Liệu bạn có đủ khiêm tốn để nhận ra?

Kết nguyện

Thân thưa với Đấng Phục Sinh về lòng tín nhiệm của Ngài dành cho bạn; về lệnh truyền vượt biên cương của Ngài; về những gì bạn được ban cho hiểu trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

17/4/23

Thứ ba PS.II: Mặc khải từ trời (Ga 3,7b-15)

7b “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

9Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” 10Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! 11Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? 13Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuyện trò với ông Nicôđêmô, một người Pharisiêu, vào ban đêm.

Ơn xin: Xin cho tôi được không ngừng mở ra với những mặc khải vượt quá kinh nghiệm thường ngày, để tôi nhạy bén với các dấu chỉ mà Chúa gởi đến cho tôi trong ngày sống.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Ông Nicôđêmô cảm thấy khó hiểu (cc. 7b-9)

Mường tượng về cuộc gặp gỡ của một vị Pharisiêu thiện chí đến trao đổi với đức Giêsu về đạo lý. Hai con người gặp nhau. Câu chuyện bàn luận giữa họ có vẻ “ông nói gà bà nói vịt”, không biết dựa vào đâu để hiểu nhau. Do khác thế hệ? khác hệ tư tưởng? khác nền tảng? khác nguồn gốc?

Nhìn ngắm sự băn khoăn khó hiểu của ông Nicôđêmô trước câu nói của đức Giêsu: “7bCác ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” Những điều đó (xem chữ gạch chân) có nghĩa là gì?

Nhìn cách thắc mắc của ông: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Ông đặt vấn đề về cách thức vận hành của tất cả “những chuyện ấy”. Hỏi về cách thức là muốn tìm hiểu sâu hơn.

2/ Đức Giêsu tiến tới không ngừng (cc. 10-15)

Nhìn cách đức Giêsu “khích” ông Nicôđêmô: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!”

Chiêm ngắm cách đức Giêsu tiếp tục mặc khải cho ông Nicôđêmô về:

+ Bản thân Ngài là một chứng nhân từ trời. Điều đó bộc lộ gì về thân thế Ngài? (cc. 11-13)

+ Bản thân Ngài là Đấng Cứu Độ qua hình ảnh cũ “con rắn bị treo lên” (c. 14)

+ Lời mời gọi tin vào Ngài để được cứu độ (c. 15)

Đặt trường hợp bạn tìm đến một vị tôn sư, dù bạn rất thành kính, nếu vị đó nói với bạn giống như đức Giêsu trả lời với ông Nicôđêmô, liệu bạn có thể tin không?

3/ Lời ngỏ

Ông Nicôđêmô phải ngẫm nghiệm những gì ông được nghe trong cuộc trao đổi này và về tất cả những gì xảy ra kế tiếp cho đức Giêsu, và cách Ngài đã sống và chết; cuối cùng ông mới xác định được “chân tướng đích thực” của đức Giêsu, và ông tuyên xưng đức tin của mình bằng việc tham gia vào cuộc mai táng Ngài. Bạn có đang bước đi trên hành trình tìm kiếm đức tin đích thực như ông Nicôđêmô? Làm cách nào để chuyển đổi cái nhìn vào đức Giêsu như là một con người sang “một Thiên Chúa làm người”?

Kết nguyện

Thân thưa với thầy Giêsu về những điểm mù mờ trong đức tin, trong Kinh Thánh, trong cuộc đời của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

10/4/23

Thứ ba Bát Nhật PS: Khóc vì yêu (Ga 20,11-18)

11Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”// 16Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.’” 18Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Khung cảnh: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, nơi mộ đá chôn cất đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi được Đấng Phục Sinh “gọi tên” và tay tôi được “chạm” đến Ngài, để những kinh nghiệm đó biến đổi đời tôi.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp chiêm niệm]

Điểm cầu nguyện

1/ Khóc vì sầu (cc. 11-15)

Mời bạn hành trình cùng Maria Madalena từ nhà đi ra mộ, rồi hoảng sợ chạy về cầu cứu các môn đệ. Bà đi ra mộ lại mong nhận được lời giải đáp, nhưng lại bị bỏ lại đó một mình.

Chiêm ngắm bà khóc trên đường đi ra lần đầu vì tưởng nhớ đến thầy Giêsu; khóc vì hoảng sợ trên đường chạy về; có lẽ bà vừa nói vừa khóc với các môn đệ; rồi lại khóc mà đi ra, đứng quay vào mộ mà khóc tiếp, cúi xuống nhìn vào bên trong mộ mà khóc… quay tới quay lui vẫn khóc.

Hãy nhớ lại những bế tắc và đau khổ của bản thân, những giọt nước mắt âm thầm chảy trên mặt, hoặc cố nén vào trong… vì sao Bạn khóc? Hãy nói với Đấng Phục Sinh những nỗi buồn đau của bạn.

2/ Khóc vì quá đỗi vui mừng (cc. 16-18)

Chú ý đến những lần “quay lại” của bà. Bà đang nhìn vào trong mộ mà khóc khi trả lời thiên thần. Bà quay lại phía sau thì thấy một người (làm vườn) đứng đó. Rồi bà lại quay lại là hướng mặt về đâu? Vào mộ? Đây là cái “quay lại” thiêng liêng. Tâm hồn bà quay lại, về lại với bà khi nghe đức Giêsu gọi bằng chính tên tộc của mình – bà nhận ra Chúa. Hãy chiêm ngắm giọt nước mắt của Maria lúc này. Hãy chiêm ngắm cái chồm đến của bà, tiến sát, phục xuống, ôm chặt lấy chân như thế không bao giờ muốn mất thầy Giêsu nữa…

Đấng Phục Sinh đã trao cho bà Maria Madalena sứ mạng loan tin vui đầu tiên trong danh xưng ở ngôi thứ nhất: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” Hãy chiêm ngắm giọt nước mắt hạnh phúc của Maria khi bà nói những lời đó và kể lại cho họ nghe toàn bộ câu chuyện được gặp Chúa Phục Sinh thế nào.

Đâu là giọt nước mắt hạnh phúc của bạn? Kinh nghiệm đó có phải là một kinh nghiệm thiêng liêng? Hãy nói với Chúa Phục Sinh về kinh nghiệm đó.

Kết nguyện

Hòa với niềm vui của Mẹ Maria, chúng ta cùng ca tụng Đấng Phục Sinh bằng Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Halleluia.

Đáp: Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Halleluia.

Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Halleluia.

Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Halleluia.

Xướng: Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Halleluia.

Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật. Halleluia.

Lời Nguyện: Lạy Chúa là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa, cùng là Chúa chúng con, đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người, nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Ảnh: Internet