Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

3/11/20

Thứ tư 12/3/2020: Chọn lựa thế nào? (Lc 14, 25-33)

25Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Con đường dẫn về Giêrusalem. Có nhiều người và các môn đệ cùng đi với Đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu về lời mời gọi của Đức Giêsu và được ơn quảng đại đáp lại lời gọi đó ở mức độ cao nhất.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giá trị cao nhất (cc. 25-27)

Điều kiện đầu tiên là dứt bỏ người thân. Điều kiện thứ hai là từ bỏ chính mình mạng sống mình. Điều kiện thứ ba là vác thập giá của mình. Điều kiện thứ tư là đi theo Đức Giêsu.

Bạn nghĩ gì về đòi hỏi này theo nghĩa đen? Bạn có nghĩ đó là ý Chúa? Vậy sao Đức Giêsu lại đưa ra thành điều kiện để trở nên môn đệ Ngài?

Thánh I-nhã trong Hiến chương Dòng Tên đã xem đó là điều kiện tối thượng để nhận một ứng viên. Đi tu có nghĩa là gì, nếu không phải là dâng hiến toàn thân của một tình yêu của Đấng đã yêu họ trước và yêu đến cùng! Nhìn rộng ra, mọi ơn gọi đều có đích đến là chính Chúa, dù bạn dùng phương tiện của lối sống nào.

Vậy đâu là tiêu chí bạn dùng để thực hiện những chọn lựa quan trọng của đời mình?

2/ Phân định hay tính toán (cc. 28-33)

a/ Kinh nghiệm đời thường (cc. 28-32)

Đức Giêsu đưa ra hai ví dụ về việc tính toán lợi hại, khả năng thành công cho những dự án trong cuộc đời. Ngài nói “ai trong anh em muốn …. mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán…” Thế ra KHÔNG AI trong chúng ta lại ngu si nhảy bổ vào làm gì đó mà không tính toán trước. Bạn hãy nhớ lại cách thức bạn đã tính toán trong những dự án đời mình.

b/ Kinh nghiệm siêu nhiên (c. 33)

Sau khi đã tính toán đo lường thiệt hơn trong kinh nghiệm đời thường, bạn có dám “mất tất cả” chỉ vì Đấng đã yêu thương bạn?

Hãy dành đủ thời gian để suy xét mọi bề, đoạn nài xin Thiên Chúa ban ơn cho bạn dám chọn lựa đánh đổi tất cả vì chính Chúa. Thánh Phaolo đã có kinh nghiệm này: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Pl 3, 8-9)

Bạn cũng có thể mường tượng về giây phút bạn sắp lìa đời, khi bạn lướt lại cuốn phim đời mình, ngay tại thời điểm bạn làm những chọn lựa quan trọng, bạn muốn nó được chọn lại như thế nào. Bạn có thể ứng dụng điều đó cho mình hôm nay.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những chọn lựa khó khăn của bạn; kể cả những vướng víu vì bạn chưa sắp xếp được một thang giá trị tuyệt đối cho việc chọn lựa. Đoạn kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

28/10/20

[28/10-Thánh Simon và Giuđa tông đồ]: Bắt sóng (Lc 6,12-19)

12Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, 16Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chọn gọi các tông đồ. Ngài huấn luyện họ và đám đông dân chúng.

Ơn xin: Xin cho tôi bắt được “sóng” của Chúa, để tôi biết quy hướng về Ngài mà tiến sâu hơn trong các mức độ theo Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Bắt sóng (cc. 12-15)

Mời bạn ở lại với Đức Giêsu trong một đêm tĩnh lặng để chiêm ngắm Ngài thức suốt đêm cầu nguyện cùng Chúa Cha. Hãy xem nơi chốn, tư thế cầu nguyện của Ngài. Bạn nghe được Ngài cầu nguyện gì đêm nay?

Đến sáng, Ngài bước ra khỏi nơi cầu nguyện, tiến về phía nhóm môn đệ đông đảo. Họ bắt được sóng… Họ chờ để bắt được sóng của Ngài.

Một danh sách 12 người được gọi tên, được Ngài đặt tên nhóm là Tông đồ. Họ bắt được sóng. Họ được chọn.

Bạn hãy đọc kỹ danh sách tên của họ. Trên bề mặt, bạn dễ nhận ra có 2 cặp là anh em ruột, có 3 cặp trùng tên, có người có biệt danh, có người có tội danh… Ẩn sâu phía dưới là sự khác biệt lớn lao của từng người. Tất cả họ bắt được sóng, và được chính Đức Giêsu chọn gọi.

Áp dụng: Bạn hãy áp dụng những điều trên vào trong câu chuyện đời mình, hội nhóm mình... để cảm nghiệm mầu nhiệm của thao thức chờ đợi và mong ước bắt được sóng, và mầu nhiệm được tuyển chọn.

2/ Phát sóng (cc. 16-19)

Mời bạn chiêm ngắm Đức Giêsu đi xuống một chỗ đất bằng, nơi có nhiều môn đệ và dân chúng đang tụ tập. Hãy quan chiêm đám đông ấy. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau với những lý do khác nhau. Điểm quy tụ họ là chính Đức Giêsu.

Có một năng lực tự nơi Người phát ra”. Hãy chiêm ngắm sự tỏa ra (vibration) của Đức Giêsu. Hãy để cho năng lực này chạm đến bạn.

Kết nguyện

Thân thưa với Đức Giêsu về những gì bạn cảm nhận qua giờ cầu nguyện này, và cả khao khát của bạn. Đoạn kết bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

23/10/20

Adelaide de Cice: Mẹ của người nghèo (5)

Năm 1789 cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ như một cơn vũ bão. Nó không chỉ đảo lộn chế độ hoàng gia mà còn thách đố cả đời sống đạo.

Nhà nước đã trưng dụng trường Dinan khiến Cha Clorivière không còn nơi làm việc.  


Cha sẽ làm gì đây?

Cha nghĩ tới việc qua Mỹ.

Nhưng ngày 19 tháng 07 năm 1790, sau giờ cầu nguyện sáng, khi Cha đang nghĩ về việc tái lập Dòng Tên ở Mỹ, thì một giọng nói vang lên rất rõ ràng trong thâm tâm Cha: “Tại sao không ở Pháp? Tại sao không trên toàn thế giới?” Và ý tưởng về một dòng tu sống như những Kitô hữu tiên khởi cho cả nam và nữ ra đời.

 

Cha Clorivière trình bày ơn linh hứng cho Đức Giám mục Pressigny. Đức Cha quyết định Cha Clorivière nên ở lại Châu Âu để có thể thực hiện kế hoạch mà Chúa Thánh Linh đã đặt để nơi Cha. Bên cạnh đó, Cha Clorivière cũng nhận thấy Marie Adelaide đã được Thiên Chúa gợi mở về một lối tu tương tự như ơn linh hứng của Cha từ lâu rồi. Vì vậy, Cha mời Adelaide đến Dinan ở và trao phó Dòng Nữ cho chị Adelaide phụ trách.




Vào một buổi sáng ngày 2 tháng 2 năm 1791, Cha Cloriviere cùng với sáu linh mục khác đi lên núi Montmartre. Tại đây, họ cử hành thánh lễ. Trước lúc rước lễ, Cha Cloriviere nghe mỗi linh mục bằng giọng trầm nhỏ đọc lời khấn hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa. Cũng ngày hôm đó, bốn phụ nữ tại Paris, bốn người khác tại St. Malo, ba người tại Parame và một mình Adelaide tại Dinan đã làm nghi lễ hiến dâng lên Thiên Chúa. Ngày đó, Dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và Dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria (DHM) chính thức chào đời.

Dòng DHM có tất cả 12 người. Hạt giống bé nhỏ đã được gieo vào lòng đất. Hạt giống đó sẽ từ từ nảy mầm, lớn lên và trở thành một cây to, các nhánh tỏa rộng ra toàn thế giới.






 

 

 

20/10/20

Thứ tư TN.XXIX: Biết thì sống (Lc 12,39-48)

39Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nói với các môn đệ và đám đông dân chúng.

Ơn xin: Xin cho tôi biết thành tâm đối chất đời mình trước những lời chỉ dạy của Chúa, để tôi biết thay đổi mà hoàn thành đời mình như ý Chúa muốn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện


Câu nói “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” được gán cho Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tin Mừng hôm nay mời bạn suy niệm điều này trên bình diện thiêng liêng.

1/ Giá mà biết trước (cc. 39-40)

Phép lạ lớn nhất là người ta không biết hết tương lai. Có một người mẹ cao niên hồi tưởng lại cuộc đời mình và nhận xét: “Giá mà tôi biết trước hết cuộc đời mình sẽ như thế nào thì làm sao có thể dám quyết định lấy chồng, sinh con… Giờ nhìn lại thấy đời mình là một phép lạ.”

Khi muốn biết thì người ta, hoặc dùng phỏng đoán khoa học, hoặc dùng ma thuật bói toán. Hệ quả là thêm âu lo muộn phiền.

Bạn thường chọn thái độ nào khi nghĩ về tương lai?

2/ Không biết và chọn lựa (cc. 41-46)

Bí mật tương lai cho bạn cơ hội để tự do chọn lựa, để bạn không nghĩ rằng “số mệnh đã an bài”. Mời bạn đọc lại các câu 41-46 để chọn ra cách hành sử của mình.

Bạn có muốn xếp mình vào số “người quản gia trung tín, khôn ngoan và được ông chủ tín nhiệm”? Bạn muốn làm gì để được thuộc về nhóm người này?

Có lúc nào bạn có cảm giác “đời còn dài” và ta vẫn trẻ khỏe, và bạn đã chọn làm những điều vô bổ, hoặc gây hại cho bản thân mình, người khác, và cả môi trường sinh thái?

Dù không biết đời mình sẽ kết thúc thế nào và khi nào, bạn muốn chọn sống thế nào?

3/ Biết mà không làm (cc. cc. 47-48)

Biết ở đây không phải là biết cái kết của đời mình, của thế giới… mà là biết “ý Chủ”. Bạn biết Thiên Chúa muốn gì trên đời bạn chưa? Nếu chưa, bạn muốn làm cách nào để nhận biết ý Chúa trên đời bạn?

Khi đã nhận biết, hoặc sẽ nhận biết, bạn có muốn thực hiện ý của Ngài trên cuộc đời mình? Bạn làm điều đó vì sợ hình phạt hay vì yêu mến?

Kết nguyện

Mời bạn đặt mình trước Chúa để tự thẩm vấn chính mình, và thưa với Ngài về những chọn lựa hôm nay của bạn.

Đoạn kết bằng một Kinh lạy Cha. 

(Ảnh: internet)

13/10/20

Thứ tư TN.XXVIII: Thuốc đắng dã tật (Lc 11,42-46)

42Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. 43Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. 44Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”

45Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” 46Đức Giê-su nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối chất với những người lãnh đạo tôn giáo: nhóm Pharisiêu và các tiến sĩ luật.

Ơn xin: Xin cho tôi biết thành tâm đối chất đời mình trước những lời chỉ dạy cứng cỏi và Lời Chúa, để tôi biết thay đổi mà trở nên giống Chúa hơn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

 

Gợi ý cầu nguyện

Thường chẳng ai tự nhận mình là người tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo, giả hình… nhưng hôm nay, bạn hãy một lần thành tâm đặt mình vào vị trí của những người đang đối diện với Đức Giêsu và nghe những lời Ngài thách thức, để một lần được chạm đến “mảng tối” của mình mà xin ơn hoán cải.

Trước hết, hãy xin ơn được mở tai mở lòng để đón nhận lời răn dạy cứng cỏi, đôi khi đến từ chính Chúa: “Khốn cho các người…” – Bạn có thường bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở khó nghe, hay phớt lờ những câu Lời Chúa đầy thách thức?

Đoạn hãy bình tâm để cho những chi tiết của lời nhắc nhở đó chìm sâu vào lòng bạn, và thành tâm suy xét chính mình, đoạn xin ơn hoán cải và thay đổi:

1/ “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa” – chú tâm đến những thực hành luật bên ngoài cách chi tiết, mà bỏ qua nền tảng lớn lao của các luật đó là mến Chúa yêu người.

2/ “thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng”

3/ “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” – sống mờ nhạt, không làm chứng tá, không nên gương tốt. Quan niệm không phạm điều răn nào là được!

4/ “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” – chạnh lòng, tổn thương lây vì tự cho mình là người không sai lỗi.

5/ “chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” – đòi hỏi người khác, dễ dãi với chính mình.

 

Kết nguyện

Nói với Chúa về những gì bạn nhận ra nơi mình và xin ơn canh tân.

Kết bằng một kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

6/10/20

Thứ tư 7/10/2020: Mầu nhiệm tuyển chọn (Lc 1, 26-38)

26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Làng quê Nazareth, ngôi nhà nhỏ của gia đình đức Maria.

Ơn xin: Cảm hiểu được huyền nhiệm ơn gọi và sứ mạng của đời mình và dám can đảm dấn bước theo tiếng gọi của Trời Cao.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Nhập cảnh:

Bạn hãy đặt mình vào khung thời gian: 6 tháng kể từ ngày sứ thần hiện ra với ông Zacharia tại đền thờ Giêrusalem, kết quả là bà Elisabeth vợ ông mang thai trong lúc tuổi già. Chiêm ngắm sự chờ đợi của Thiên Chúa trong thời gian đó.

Bạn cũng hãy đặt mình vào khung không gian là ngôi nhà đơn sơ ở làng Nazareth, miền bắc nước Do Thái vào thế kỷ thứ I. Quan sát kỹ cấu trúc ngôi nhà, bày trí, con người sống trong đó.


1/ Mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa (cc. 26-27)

Mời bạn theo bước chân của sứ thần Gabriel. Ngài từ trời ngự xuống trái đất này. Ngài chọn vùng đất Palestin. Ngài đi đến làng Nazareth ở Miền Bắc. Ngài chọn bước vào một ngôi nhà; trong nhà đó có cô trinh nữ tên là Maria. Cô ấy trong tình trạng đính hôn, đang chuẩn bị cho ngày về làm vợ anh Giuse. Thân thế anh Giuse thuộc hoàng tộc Đa-vít.

Ứng dụng: Thiên Chúa tiếp cận bạn. Ngài biết rõ tình trạng của bạn, dự tính của bạn… Ngài chọn tiếp cận bạn. Ngài chọn bạn.

 

2/ Thiên Chúa mặc khải ý định (cc. 28-37)

Hãy tiếp tục hiện diện trong ngôi nhà đơn sơ đó để chiêm ngắm.

Sứ thần tiếp cận Maria và chào: “Xin chào Đầy Ơn Phúc”. Bạn hãy ngắm gương mặt ngài và giọng nói ngài. Cũng hãy ngắm Maria khi nghe lời chào lạ tai như vậy.

Sứ thần trấn an Maria: “Đừng sợ”.—Maria tiếp nhận thế nào?

Sứ thần mặc khải ý định của Thiên Chúa: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”—Maria có hiểu những điều vừa nghe chăng?

Maria tìm hiểu cách thức: Việc đó sẽ diễn ra thế nào? Bạn hãy chiêm ngắm tâm thế của một cô gái trẻ đang đối thoại với sứ thần Thiên Chúa.

Sứ thần trả lời về thắc mắc của Maria và trấn an lần nữa bằng cách đưa ra một bằng chứng cụ thể, đó là chị họ Elisabeth.

Ứng dụng: Thiên Chúa tiếp cận bạn qua sứ giả của Ngài. Ngài ngỏ lời với bạn và mời gọi bạn. Sứ điệp cụ thể Ngài dành cho đời bạn là gì? Sứ điệp đó phù hợp hay đi ngược lại với những dự tính của bạn? Bạn có đối thoại với Thiên Chúa để tìm hiểu sâu hơn, để tìm hiểu cách thức thực hiện?

 

3/ Con người đáp lại (c. 38)

Mời bạn chiêm ngắm cô gái trẻ Maria cúi mình trước sứ thần Gabriel và nói: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Sứ mạng đã hoàn tất và thành công mỹ mãn, sứ thần Gabriel rời gót bay về trời.

Ứng dụng: Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi nhìn nhận thế nào về thân phận mình? Tôi muốn chủ động hay thụ động phó mình vào tay Thiên Chúa trong việc thực hiện ơn gọi đời mình?

 

Kết nguyện

Tâm sự với Đức Maria về hành trình ơn gọi của bạn để xin Mẹ chuyển cầu cho bạn dám để Chúa hoàn thành điều Ngài ao ước trên đời bạn.

Tâm sự với Chúa Giêsu về hành trình ơn gọi của bạn để xin Ngài thực hiện điều Ngài muốn dùng bạn mà thực hiện.

Tâm sự với Chúa Cha về hành trình ơn gọi của bạn để xin Ngài cứ tự do thực hiện kế hoạch Ngài đã đề ra cho đời bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: John Donne)

29/9/20

Thứ tư TN.XXVI: Chọn lựa tuyệt đối (Lc 9,57-62)

57Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 58Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

59Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” 60Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

61Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” 62Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu kêu mời chúng ta phân định chọn lựa bước theo Ngài.

Ơn xin: - Nhận ra sự thách thức trong lời mời bước theo thầy Giêsu và được ơn can đảm chọn lựa bước theo Thầy. - Xin thánh Giê-rô-ni-mô[1] chuyển cầu cho chúng ta được cảm hiểu Lời Chúa và dám sống theo.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Bạn hãy đặt mình vào vai của những người tiếp cận Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay để trình bày, lắng nghe, phản hồi và chọn lựa.

1/ Đức Giêsu và người thứ nhất (cc. 57-58)

Thái độ của người thứ nhất: “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” – Đi bất cứ nơi đâu… làm bất cứ điều gì cũng được.

Lời mời của Đức Giêsu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” – Không một lời hứa an toàn.

Lời đáp và chọn lựa của bạn?

2/ Đức Giêsu và người thứ hai (cc. 59-60)

Lời mời của Đức Giêsu: “Hãy theo Tôi”

Thái độ của người thứ hai: “Xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” – Sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Lời mời của Đức Giêsu: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” – Thiên Chúa và sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa trước hết.

Lời đáp và chọn lựa của bạn?

3/ Đức Giêsu và người thứ ba (cc. 61-62)

Thái độ của người thứ ba: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” – Muốn theo thầy nhưng từ từ sẽ tính.

Lời mời của Đức Giêsu: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” – Một chọn lựa không tiếc nuối.

Lời đáp và chọn lựa của bạn?

 

Kết nguyện

Thân thưa với Đấng đang mời gọi bạn về tất cả những gì đang trổi lên trong lòng bạn. Đoạn kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Kenzie Miller)


[1] Cách dịch khác tên Ngài là Hê-rô-ni-mô. Tiếng Anh là Jerome. 

22/9/20

Thứ tư 23/9/2020: Rao giảng Tin Mừng và Chữa lành (Lc 9, 1-6)

1Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. 2Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. 5Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” 6Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu sai Mười Hai tông đồ đi rao giảng.

Ơn xin: Cảm nghiệm được nghĩa vụ cao quý của mình là truyền rao Tin Mừng và lan tỏa an lành cho những người, những môi trường tôi hiện diện.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

 

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đức Giêsu (cc. 1-5)

Mời bạn hãy nhìn ngắm Đức Giêsu trong cách thức và nội dung Ngài sai các môn đệ đi rao giảng; sau đó ứng dụng vào bản thân mình.

Đấng sai đi: Đức Giêsu tập hợp Nhóm Mười Hai lại.

Đấng trao quyền: Đức Giêsu ban cho các ông năng lực và quyền phép, cả về tự nhiên và siêu nhiên để chữa bệnh và trừ quỷ.

Đấng sai đi: Đức Giêsu sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa bệnh.

Đấng dạy bảo:

Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” – Một tinh thần thanh thoát với của cải vật chất.

Hãy an ổn ở một nơi – không nhoai đi tìm điều kiện tốt hơn từ nhà này sang nhà khác.

Dám tỏ dấu phản đối khi người ta từ chối Tin Mừng. Đức Giêsu muốn người môn đệ có thể chịu sỉ nhục, nhưng Tin Mừng họ rao giảng phải được tôn vinh.

Với tâm thế đó của người môn đệ, Đức Giêsu ước mong họ có thể rao giảng cho mọi loài thụ tạo (Mc 16, 16).

 

2/ Các môn đệ (c. 6)

Mời bạn chiêm ngắm bước chân ra đi của các môn đệ, lắng nghe điều họ rao giảng, chiêm ngắm cung cách phục vụ và chữa bệnh của họ.

Đoạn ứng dụng điều đó vào bản thân bạn.

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về tất cả những gì bạn được Chúa ban trong giờ chiêm ngắm vừa qua. Xin ơn trở nên người môn đệ được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng và lan tỏa an vui.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

21/9/20

Adelaide de Cice: Mẹ của người nghèo (4)

Từ buổi đầu gặp gỡ vào ngày 4 tháng 8 năm 1787, Adelaide đã có một lòng tin rất mạnh mẽ vào cha Clorivière nên chị đã không ngần ngại bày tỏ cho cha biết về kế hoạch đời tu của mình.

Cha Clorivière tin rằng Adelaide có ơn gọi tu trì, nhưng đời tu mà chị phác thảo ra quá hiếm hoi và khác thường đến nỗi cha không thể có sự phê chuẩn nào ngay lập tức được. Tuy nhiên, sau một thời gian cha Cloriviere cho phép Adelaide thử nghiệm đời sống này. Cha giới thiệu chị đến Tập viện của Dòng Nữ Tỳ Thánh Giá tại Saint Servan để được Mẹ bề trên - Marie Giêsu huấn luyện cho lối sống rất đặc biệt này.

Ngày 8 tháng 9 năm 1788, Adelaide đến tu viện này. Ngày 4 tháng 10 năm đó, một Sơ trong Dòng viết: “Adelaide ăn mặc rất bình thường, một chiếc ao len đen may kiểu đơn giản như áo của những phụ nữ lao động khác”.

Ngày chúa nhật, chị mặc thêm chiếc tạp dề màu đen và đội một chiếc nón nhỏ cũng may kiểu đơn giản. Vào các ngày thường, chị mặc chiếc sơ mi và váy màu đen cùng với chiếc tạp dề vải kate xanh. Chị mặc như thế ở phòng khách khi tiếp những người nghèo hoặc người bất hạnh đến gặp chị nhờ giúp đỡ. Những khi họ không thể đến với chị, chị tự tìm đến lều của họ và thường bắt gặp họ nằm trên nền đất hoặc trên đống rơm thô. Chị sẽ trở về mang rơm tươi cùng với áo ấm và thức ăn đến cho họ.

Chị vác quần áo, vải ren, vớ, khăn tay, dép và đi thẳng đến những người nghèo nhất trong vùng. Chị hay đón tiếp và thăm viếng người nghèo. Chị thường dừng lại, ngồi xuống bên cạnh người ốm đau, yếu đuối, thương tật; những người thủy thủ già và ngư dân; những công nhân nghèo hoặc các góa phụ, trẻ con là những người mà chồng, cha đã mất tích ngoài biển khơi. Những lời của chị mang lại cho họ nhiều an ủi hơn là các tặng phẩm. Đôi khi, chị mang tới cả các thanh củi đã được chẻ sẵn cho các cụ già. Chị đốt lò, rồi như một người con trong gia đình, chị qui tụ mọi người lại ngồi quanh để sưởi ấm. Hơn nữa, chị cũng rất quý trẻ con. Chị nhìn thấy trong chúng sự nghèo hèn của Trẻ Thánh làng Nazareth xưa.

Để chống lại lối suy nghĩ vô thần đang lan tràn khắp nơi, chị thường tặng sách đạo, hình thánh giá hoặc các tấm ảnh nhỏ về Mẹ Maria mỗi khi chị tới một nơi nào đó. Các bạn chị bắt đầu kháo nhau quyên góp tiền để giúp chị vì họ cảm nhận được lòng nhân hậu và tình thương lớn lao chị dành cho mọi người.

Cha Clorivière thường nói với chị: “Vâng phục - Bác ái – Cầu nguyện sẽ giúp con có được mọi thứ”. Cha mạnh dạn khuyên: “Những đức hạnh này sẽ giúp con can đảm nhận lấy thử thách để tiến bước trên con đường dài đi tới sự hoàn thiện. Đức vâng phục xóa hết mọi sợ hãi. Lòng bác ái sẽ luôn làm cho đời sống con giàu lên với những niềm vui mới. Lời cầu nguyện sẽ mang con đến gần Chúa hơn. Con sẽ tìm thấy nơi Ngài sức mạnh và sự vững vàng mà con không tìm thấy nơi con”.

Khi các bạn thúc giục chị trở về Rennes, cha nói: “Hãy bắt chước thánh Giuse, lấy những lời thiên sứ nói với thánh nhân trong cuộc chạy trốn sang Ai Cập như nói với con: “Hãy ở lại đấy cho đến khi Ta bảo ngươi đi”.

 



15/9/20

Thứ tư 16/9/2020: Lệch pha và U minh (Lc 7, 31-35)

31“Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? 32Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:

‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không khóc than.’

33“Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 34Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ 35Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nói với những người trưởng thành.

Ơn xin: Nhận ra sự lệch pha và u minh của bản thân và của thời đại để xin ơn khai sáng từ Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

 

Gợi ý cầu nguyện

1/ Lệch pha (c. 31-32)

Suy nghĩ về hình ảnh so sánh được Đức Giêsu sử dụng: Những người “trưởng thành” được so sánh với “lũ trẻ”.

Tiếng sáo vui mà đôi chân không chịu nhảy múa, bài ca đưa đám không khơi động nổi nước mắt khóc thương. Thánh Phaolo nói “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Điều gì đã làm cho những người này bị lệch pha cảm xúc như vậy? Bạn có thấy mình cũng có những lúc lệch pha như thế? Bạn có tìm được nguyên do cho bản thân mình? Bạn cảm thấy thế nào khi bị lệch pha? Hãy nói với Chúa về tất cả những khó khăn do sự lệch pha nội trong bản thân bạn, và trong các mối tương quan của bạn.

 

2/ U minh (c. 33-35)

Sự lệch pha tạo nên sự thiên kiến trong cái nhìn về người khác, theo hướng tiêu cực. Người ta chú tâm vào việc phê phán người khác và để bản thân bị chìm vào đau khổ do những dị nghị của người khác.

Sự lệch pha làm người ta ra tăm tối, lầm lạc, không thể nhận ra điều gì lớn lao hơn, vượt lên trên những biểu hiện bên ngoài của một con người, một sự vật hay biến cố. Người đó bị đóng khung vào quá khứ, luật lệ, thành kiến, giới hạn và điểm yếu… Cơ hội vụt qua, họ không thức thời.

Hãy suy xét về mức độ u minh của bản thân. Có bao giờ bạn lo sợ mình sẽ để vụt mất cơ hội được cứu độ?

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về mức độ lệch pha và u minh của mình và của thời đại; cũng như khao khát được khai sáng.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.