Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

7/9/20

Adelaide de Cice: Mẹ của người nghèo (3)

Ơn gọi là một con đường

để bước theo,

một con đường

như luồng sáng,

như vì sao…

Thiên Chúa đã tỏ cho Adelaide thấy con đường chị sẽ bước theo để đến với Ngài vào năm chị 25 tuổi.

Đó là những ngày cuối tháng 09 năm 1776, khi Adelaide làm tĩnh tâm tại Rennes, chị cảm thấy ơn Chúa tràn đầy cõi lòng nên đã viết:

Lạy Thiên Chúa của con, con chẳng diễn tả hết bằng lời lòng biết ơn sâu xa của con về tình yêu Ngài, tình yêu đã tuôn đổ trên con; những ơn huệ quí báu mà Ngài đã ban cho con hôm nay bởi lòng nhân hậu Ngài…

Con chỉ ước ao điều Ngài ao ước, lạy Chúa Giêsu, Đấng thánh của con…

Con khấn xin Ngài hãy dùng con – Adelaide nghèo hèn – để làm bất cứ điều gì vui lòng Ngài. Con yêu Ngài, lạy Chúa Giêsu, Đấng phu quân của con, Ngài đã ký giao ước này bằng máu con”.

Rồi chị lập một kế hoạch sống cho những ai khao khát dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa; sống đời khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, có đời sống cầu nguyện như ở dòng Thăm Viếng, nhưng không mặc tu phục, và có thể ra ngoài để chăm sóc cho các bệnh nhân cũng như giúp người nghèo.



Trong 13 năm tiếp theo, Adelaide sống cầu nguyện và nhiệt tâm chăm sóc các bệnh nhân và người nghèo. Cuộc sống của chị là một hành trình đầy thách đố, với những dò dẫm và kiếm tìm bởi vì chị vẫn trung thành giữ ý tưởng ban đầu.

Chị vâng lời mẹ mình như vâng lời bề trên. Khi mẹ chị lâm bệnh, Adelaide chăm sóc mẹ tận tụy bất kể ngày đêm cho đến khi bà về với Chúa. Lúc đó Adelaide đã 34 tuổi.


Trong lúc chờ đợi Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài rõ ràng hơn, Adelaide càng tỏ ra mình là “một hiền thê của Chúa Giêsu Kitô” hơn bằng đời sống cầu nguyện, và là “Mẹ của người nghèo” bằng lòng nhiệt thành vô biên với các công việc bác ái…

Adelaide quảng đại giúp đỡ đến nỗi đổ bệnh. Chi bắt đầu ho ra máu. Anh của chị, Giám mục xứ Auxerre, khuyên chị đi Dinan để tịnh dưỡng và dùng nước khoáng ở đó mà chữa bệnh.


Chị ra đi mà lòng nặng trĩu, nhưng chính tại đó Thiên chúa đã chuẩn bị để ban cho chị một trong những ơn tuyệt vời nhất - một cuộc gặp gỡ - đã được chuẩn bị từ lâu, đó là cuộc gặp gỡ với vị linh hướng, Cha Clorivière,S.J.

1/9/20

Thứ tư TN.XXII: Bước chân an lành (Lc 4,38-44)

38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. 39Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.

40Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.

42Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. 43Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” 44Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bước chân rong ruổi của Đức Giêsu ngang dọc khắp nơi.

Ơn xin: Cảm nghiệm được bước chân tìm kiếm của Ngài dành cho tôi, và ơn chữa lành Ngài mang đến cho tôi.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đến với người quen
(cc. 38-39)

Mời bạn cùng Giêsu và các môn đệ bước ra khỏi hội đường ở thành Caphanaum (miền Bắc), sau khi được chứng kiến một phép lạ trừ quỷ. Hãy quan sát họ và những câu chuyện họ nói với nhau trên đường đi đến nhà ông Phêrô. Theo nghiên cứu, người ta nghĩ rằng nhà của Phêrô ở làng chài bên trái biển hồ Galilê (còn gọi là Tiberia, Gennesaret, Kinneret: tên các vùng đất lân cận xung quanh biển hồ).

Cũng hãy mượng tượng về ngôi nhà của ông Phê rô xem nó thế nào. Khi bước vào trong, bạn thấy gì? Không khí thế nào? Chuyện gì đang diễn ra? Đức Giêsu đã xử sự như thế nào?

Áp dụng: Hãy mường tượng hôm nay Đức Giêsu cũng đang tiến đến gần bạn như thế, chạm đến bạn và chữa lành bạn. Bạn muốn Ngài chữa lành cho bạn điều gì? Khi được lành, bạn muốn diễn tả lòng biết ơn Ngài bằng cách nào?

2/ Đến với người xung quanh (cc. 40-41)

Lúc mặt trời lặn: Mời bạn dừng lại chiêm ngắm bóng tối ngày càng dày đặc hơn. Đối với người Do Thái, đó là lúc họ nghỉ ngơi để được Thiên Chúa chăm sóc và phục hồi họ khi khởi đầu ngày mới (đêm là bắt đầu một ngày mới của họ).

Có một điều khác thường đang diễn ra: những người ở làng chài đó bắt đầu mang những người thân đau yếu của họ đến nhà Phêrô. Mời bạn chiêm ngắm sự di chuyển của họ trong màn đêm, và đức Giêsu cũng đang làm đêm.

Đức Giêsu chữa cả một dạng bệnh đặc biệt: bị quỷ ám. Bạn hãy chiêm ngắm sự giải thoát của người bệnh, và cách đức Giêsu đối diện với “thần dữ”.

Áp dụng: Nếu bạn chưa có mối tương quan thân thiết nào với Đức Giêsu, hãy chiêm ngắm cách Ngài ưu ái tiếp cận bạn – dù bạn chỉ là một trong nhiều bệnh nhân khác. Bạn muốn Ngài chữa lành bạn điều gì?

3/ Đến với muôn người (cc. 42-44)

Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng: Mời bạn chiêm ngắm Đức Giêsu thức dậy sớm, lui đến một chỗ yên tĩnh để cầu nguyện. Thật lặng!

Rồi hãy nhìn xem những người đến tìm kiếm Ngài. Lắng nghe cách họ nài nỉ Ngài để giữ chân Ngài… Để cho câu trả lời của Ngài chạm đến bạn: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”

Mời bạn chiêm ngắm bước chân Đức Giêsu tiến về miền Nam, đến rao giảng khắp miền Galilê (Miền Nam). Từ Bắc lên Nam chắc chắn Ngài đi ngang qua cả Miền Trung Samari.

Áp dụng: Nếu bạn ở những nơi xa xôi (khoảng cách địa lý), hoặc chưa hề có mối tương quan nào với Đức Giêsu, hãy chiêm ngắm bước chân Ngài đi tìm kiếm bạn. Ngài muốn nói cho bạn về tin mừng cứu độ. Ngài muốn chữa lành bạn hôm nay.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về kinh nghiệm được chữa lành của bạn.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

25/8/20

Thứ tư 26/8/2020: Thuốc đắng giã tật (Mt 23, 27-32)

27“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!

29“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ 31Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong giai đoạn cuối của hành trình dương thế, Đức Giêsu dạy về tinh thần sống với nhau trong Hội Thánh; trong đó Ngài lên án lỗi sống giả hình của người Pharisiêu (Mt 23, 13-32).

Ơn xin: Xin cho tôi trung thực với chính mình bằng cách đón nhận lời khiển trách và dám sống tinh thần ngôn sứ khi cần thiết phải khiển trách người anh chị em.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

 

Gợi ý cầu nguyện

1/ Tinh thần ngôn sứ (cc. 27.29)

Nói thẳng nói thật không phải là điều dễ. Bởi sẽ, 1/ gây mất cảm tình với người nghe, 2/ bị ghét, trả thù. Thế nên mới có nhiều người trở nên kẻ xua nịch, bởi có nhiều người chuộng lời đường mật. Nói thẳng nói thật là “thuốc đắng”. Vậy khi nói bạn cần có động cơ tốt là mong họ “giã tật”.

Đức Giêsu dạy: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8, 32), hoặc “có thì nói có, không thì nói không…” (Mt 5, 37); nhưng chắc chắn sự thật đó phải được diễn đạt một cách bác ái,[1] nghĩa là tốt trong động cơ và phù hợp trong cách diễn đạt.

Bạn hãy duyệt xét xem mình đã thi hành vai trò ngôn sứ thế nào?

 

2/ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” (cc. 27-28)

Đức Giêsu chỉ ra sự dị biệt, bất nhất giữa bên trong tâm hồn và biểu hiện bên ngoài của các Biệt Phái. Mời bạn xét xem điều đó có diễn ra nơi bản thân mình? Nếu có bạn muốn sửa đổi thế nào? Bạn có nhận ra điều bất nhất này nơi người anh chị em? Nếu thấy, bạn giúp họ bằng cách nào?

 

3/ “Rửa tay” (cc. 29-32)

Đức Giêsu chỉ ra thái độ vô trách nhiệm của các Biệt Phái bằng cách đổ lỗi cho quá khứ, cho người khác, và cho rằng mình sẽ không như họ.

Mời bạn xét duyệt lại nơi bản thân xem mình cũng có thái độ, hành động nào tương tự. Nếu nhận ra thì hãy tìm cách sửa đổi. Cũng hãy làm tương tự để giúp người anh chị em nên hoàn thiện.

 

Kết nguyện

Bạn hãy nói với thầy Giêsu về những gì bạn nhận ra và quyết tâm của bạn. Đoạn kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.



[1] Đọc thêm thông điệp Chân lý trong bác ái http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/02CaritasInVeritate.htm

21/8/20

Ơn gọi của tôi trong ơn gọi DHM

 Đó là trái tim, là tình yêu.

Tôi là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tôi là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi

Chúa đã đưa tôi vào đời nhờ tình yêu của ba má tôi. Má đã dâng tôi cho Đức Mẹ ngay từ khi tôi còn trong bào thai. Khi còn nhỏ, ba thường dẫn tôi đi đọc kinh đền tạ Thánh Tâm. Trong giờ kinh tối, gia đình tôi thường kết thúc với lời cầu nguyện vắn tắt: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu Nhân Lành, xin ban cho chúng con kính mến Trái Tim Chúa một ngày một hơn”.

Dọc đường đi, trái tim bé nhỏ của tôi bị tan vỡ, tổn thương nặng nề. Khi mối tình đầu tan vỡ, mọi sự dường như không có ý nghĩa gì đối với tôi nữa. Tôi không học hành, không có chút ý chí phấn đấu nào cho tương lai. Tôi đóng cửa trái tim, xây hàng rào bảo vệ, không nhận tình yêu từ bất cứ ai. Tôi nghĩ rằng như vậy là an toàn. Thế mà tôi lại đậu đại học. Chuyện này đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy thật may mắn, rằng có quý nhân phù trợ cho mình.

Tôi vẫn đi tìm, tìm một tình yêu đủ lớn để thương yêu, che chở tôi trong suốt cuộc đời. Chúa Nhân Lành đã cho tôi cơ hội để nhận ra tình yêu Chúa trong cuộc đời. Ngài chính là Quý Nhân Phù Trợ của tôi. Ngài đã dẫn tôi đến với Hội Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria, để trái tim tôi được chữa lành. Tôi đã dám phá bỏ hàng rào để dấn thân vào con đường yêu thương và đón nhận nguồn sức sống từ tình yêu. Kinh nghiệm yêu thương sẽ là hành trang giúp tôi tiến bước với Chúa trong yêu thương tha nhân.

Tạ ơn Thánh Tâm Chúa và Mẹ đã luôn yêu thương, giữ gìn che chở và chữa lành trái tim con.

Vi Hà

18/8/20

Thứ tư TN.XX: Công đức hay ân huệ? (Mt 20,1-16a)

1“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ 7Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 8Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ 16Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: vườn nho/ nhà xưởng/ công ty/ văn phòng...

Ơn xin: Xin cho tôi luôn sống tâm tình biết ơn trong mọi sự.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp chiêm niệm].

Gợi ý cầu nguyện

1/ Lời mời (cc. 1-7)

Mời bạn chiêm ngắm bước chân của ông chủ vườn nho và lắng nghe cách ông giao tiếp với những người thợ được ông mướn vào làm vườn nho ngày hôm ấy.

5-6 giờ sáng: Ông đi ra chợ lao động để thuê người: thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền – nhóm thứ nhất vào làm việc cho ông. Ông đi về.

9 giờ sáng: Ông đi ra chợ lao động để thuê người lần nữa. ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ – nhóm thứ hai vào làm việc cho ông. Ông đi về.

12 giờ trưa và 3 giờ chiều: ông lại đi ra mướn người hai lần nữa. Nhóm thợ thứ ba và thứ tư vào làm việc cho ông. Ông đã đi ra và đi về 2 vòng.

5 giờ chiều: Ông lại đi ra chợ lao động. ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 

Từ vườn nho ông chủ đi ra chợ lao động, rồi đi về, rồi đi ra, rồi lại đi về…. Bạn cảm nghiệm gì về ông chủ vườn nho này?

Bạn cũng có thể chiêm ngắm thêm các nhóm thợ vào làm các giờ khác nhau đang làm trong vườn nho của ông. Cứ vài tiếng lại có thêm tốp thợ mới vào…

Bạn nghĩ mình thuộc nhóm thợ vào làm từ giờ nào?

2/ Nhận lãnh gì? (cc. 8-16a)

Bạn hãy lắng nghe yêu cầu của ông chủ với người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 

Nhìn ngắm cách người quản lý yêu cầu các nhóm thợ xếp thành hành dọc, bắt đầu từ người vào trễ nhất. Họ nhốn nháo vào hàng. Họ chăm chú quan sát “mức lương” của từng nhóm thợ. Họ nghĩ gì trong bụng?

Hãy chú ý đến sự phản kháng của nhóm thợ vào làm đầu tiên. ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ Họ có lý không? Họ dựa trên tiêu chí nào để phản kháng?

Mời bạn chú ý đến cách ông chủ trả lời: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?

Ông nhắc những người thợ vào làm đầu tiên về: 1/ công bằng – ông ta không vi phạm vì đã thực hiện đúng hợp đồng, 2/ quyền định đoạt tài sản thuộc về ông, 3/ ghen tị vì thấy “ông tốt bụng”.

Áp dụng:

-        Bạn thấy ông chủ này thế nào? Bạn có muốn vào làm trong vườn nho này vào ngày khác nữa không?

-          Bạn có hay “càm ràm” vì điều này điều nọ? Điều gì đã làm bạn phật ý?

-          Khi ông chủ này là chính Thiên Chúa, bạn nghĩ gì về Ngài?

Kết nguyện

Nói với Chúa về cách Ngài ứng xử với bạn, và cách Ngài ứng xử với Chúa.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

15/8/20

XÉT MÌNH / PHÚT HỒI TÂM

Xét mình (Examen of conscience hoặc consciousness) gắn liền với phân định thần loại. Nó gạt đi mọi thứ bộc phát trong đời sống để yêu mến Thiên Chúa với trọn tâm hồn. Nó làm chủ thể nhận ra cách Thiên Chúa hướng dẫn và lớn lên nhờ đối diện với bản ngã của mình trước Thiên Chúa: tự soi chiếu bản thân để tự tiến bộ và để “thấy Chúa trong mọi sự”. Giờ xét mình chính thức là rất quan trọng.[1]

Xét mình riêng và hằng ngày có hai lần chuẩn bị vào buổi sáng sớm và sau xét mình trưa; và hai lần thực hiện xét mình vào buổi trưa và tối. Xét mình riêng nhằm loại bỏ một tội thường phạm hay một nết xấu chủ đạo (một trong Bảy mối tội đầu).

Tiến trình xét mình riêng bao gồm bốn bước:

a.       Xin ơn để nhớ lại những lần mình sa ngã;

b.      Xét về những điểm riêng mà mình muốn tu sửa theo tiến trình thời gian từ lần xét mình trước;

c.       Ghi nhận kết quả để đánh giá việc tu sửa;

d.      Chuẩn bị cho lần xét mình sau.

Linh thao còn nói đến việc thực hành sám hối sau sa ngã (LT 27) bằng cách để tay lên ngực. Đây là một tiến bộ của người thực hành xét mình vì trở nên nhạy bén hơn nên nhận ra sự sa ngã ngay sau hành vi và tỏ ra hối lỗi. Cách thức theo dõi sự việc sửa lỗi bằng cách ghi chép và so sánh được Linh thao nói đến cho thấy một nỗ lực kiên trì và cụ thể của thao viên đang rèn luyện trên con đường hoàn thiện.[2]

Xét mình chung nhằm giúp thanh tẩy tâm hồn hằng ngày qua giờ xét mình trưa và tối; và để giúp xưng tội tốt hơn. Xét mình chung là xét về những lỗi phạm về tư tưởng, lời nói và việc làm.

a.   Về tư tưởng, chủ thể có công phúc nhiều khi kiên trì chống trả một tư tưởng xấu. Mức độ phạm tội tùy vào mức độ chủ thể cộng tác không trọn vẹn hay trọn vẹn với tư tưởng xấu đó.

b.  Về lời nói, là tội khi thề về một sự thật mà không cần thiết hay không có sự tôn kính. Tội sẽ nặng hơn nếu nại đến Thiên Chúa. Khi dựa vào thụ tạo mà thề thì vẫn xúc phạm đến Thiên Chúa; tuy vậy người hoàn thiện được phép thề dựa vào thụ tạo hơn người bất toàn, bởi dựa vào thụ tạo mà thể thì dễ bị rơi vào ngẫu tượng hơn. Ý hướng làm cho lời nói giá trị hay trở thành phù phiếm (LT 40). Vu khống và nói xấu là lời nói chủ tâm nhằm làm thiệt hại đến thanh danh người khác; nhưng người có ý hướng ngay lành được đề cập đến những lỗi phạm công khai để tránh tội, và bày tỏ lỗi kín đáo của người khác với người có khả năng giúp đỡ người đó cải thiện.

c.  Về việc làm, chủ thể phạm tội khi hành động chống lại hoặc coi thường các điều răn, luật Hội Thánh và huấn thị của bề trên.[3]

Việc xét mình được đặt trên nền tảng là tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Qua việc xét mình, cá nhân mỗi người ý thức hơn về thân phận mình, về tình yêu Thiên Chúa nên cảm mến, biết ơn, và tôn vinh Thiên Chúa hơn là mặc cảm tội lỗi. Những ứng dụng hiện nay nghiêng về cảm nghiệm tình yêu Chúa hơn là xét tội.

Tiến trình xét mình chung bao gồm năm bước:

a.   Xin ơn để nhớ lại những ân huệ đã được lãnh nhận và tạ ơn Chúa

b.   Xin ơn soi sáng: xin Chúa Thánh Thần tác động để bạn nhìn ngày sống dưới ánh sáng của Chúa, nhận ra ân huệ Chúa chứ không chỉ là công sức của bạn; “Khi làm như chỉ có tôi, khi xong việc như chỉ có Chúa.”

c.  Nhìn lại ngày sống: như thước phim chậm bao gồm cảnh diễn và chuyển động nội tâm, động cơ của bạn. Vài câu hỏi giúp ích: Điều gì đã xảy ra? Tôi phản ứng thế nào? Tôi đáp lại tình yêu Chúa thế nào?

d.   Xin ơn hoán cải và chữa lành

e.  Xin ơn đổi mới: vài câu hỏi giúp ích: tôi cần thay đổi gì để hạnh phúc và sống ý nghĩa hơn? Tôi cần thay đổi gì trong cách sống và phản ứng của mình? Nếu Chúa trong trường hợp như tôi, Ngài sẽ làm gì?



[1] David L. Fleming, Notes on the Spiritual Exercises of St. Ignatius of Loyola, the best of the review 1, “Consciousness Examen” by George A. Aschenbrenner (1996), tr. 175-181.

[2] Lê Quang Chủng, Ngu dại và điên rồ vì Đức Ki-tô, phần chú thích tr. 63-69.

[3] Ibid., phần chú thích tr. 69-81.

LINH THAO VÀ CẦU NGUYỆN I-NHÃ

KHÁI NIỆM LINH THAO

LT 1: Hai tiếng “Linh thao” ở đây có nghĩa là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm, cầu nguyện bằng miệng lưỡi hay bằng tâm trí, và các việc thiêng liêng khác như sẽ nói sau. Vì như đi dạo, đi bộ, chạy là những việc thể thao, thì cũng thế, gọi là “Linh thao” tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc sống để mưu ích cho linh hồn mình.

LT 21: Linh thao để tự thắng mình và xếp đặt cuộc sống cho có trật tự mà không quyết định vì một tình cảm lệch lạc nào.


TIẾN TRÌNH MỘT GIỜ CẦU NGUYỆN THEO THÁNH I-NHÃ

Nhập nguyện

1.      Ý thức Chúa hiện diện: Đấng đang ở với tôi, muốn nghe và nói với tôi – hãy chào Ngài để giúp bạn thật sự ý thức mình bắt đầu gặp gỡ trao đổi với Ngài. Nếu chưa thật lắng đọng thì dùng phương pháp tập trung ý thức (nhịp thở, tiếng động, cơ thể).

2.      Xin Chúa ban Thánh Thần để thánh hóa mình xứng đáng hơn để đi vào mối tương quan yêu thương và để phụng sự Thiên Chúa cách xứng hợp.

3.      Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

4.      Đặt khung cảnh: Dùng trí tưởng tượng để đưa mình vào khung cảnh của bài cầu nguyện. Trong Linh Thao có một số bài quan trọng, thánh I-nhã mời ta đặt khung cảnh rất long trọng: đặt mình trước sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Mẹ và triều thần thánh…

5.      Ơn xin: Yêu cầu căn bản của một bài cầu nguyện/1 tuần (giai đoạn) Linh Thao cần đạt được.

Các điểm gợi ý cầu nguyện

Những gợi ý này giúp ta có chất liệu để suy nghĩ và cầu nguyện. Nên dừng lại để cảm nếm điểm nào đánh động mình, không cần đi hết các điểm. Bạn cũng được tự do chọn bất cứ điểm nào để bắt đầu giờ cầu nguyện.

Tâm sự (LT 53-54) là nói chuyện với Chúa như hai người bạn. Đây là phần quan trọng nhất của giờ cầu nguyện. Có thể làm vào gần cuối giờ cầu nguyện hoặc đan xen vào các điểm cầu nguyện. Nếu chỉ mới suy nghĩ, suy tư thần học thì chưa hẳn là cầu nguyện. Suy nghĩ cần dẫn đến tâm sự. Cầu nguyện là giây phút ta cảm nghiệm Chúa, hơn là “có thêm kiến thức” về Chúa.

Đại tâm sự: Có những bài Thao luyện quan trọng thánh I-nhã mời ta thực hiện 3 cuộc tâm sự: thứ nhất với Đức Mẹ, thứ hai với Chúa Con, thứ ba với Chúa Cha (LT 63&64 về tội; LT 147 về chọn lựa theo ĐKT hay Luxiphe; LT 156 về xin ơn quyết liệt thay đổi để theo ĐKT. Nhắc lại ích lợi của Đại tâm sự ở LT 199.

Kết nguyện

Giúp bạn kết thúc giờ cầu nguyện, đúc kết và tạm biệt Vị Thượng Khách cách trang trọng. Bạn có ít nhất 5 phút để tóm kết, thưa chuyện, tạ ơn, xin ơn… với Vị Thượng Khách – Đấng “không có gì là không thể làm được”. Phần Tâm sự có thể được thực hiện ở phần kết nguyện.

Thánh I-nhã rất thích kết thúc với Kinh Lạy Cha: Mọi sự cho vinh danh Chúa. Mọi sự đều quy về Chúa là Cha Toàn Năng.


XÉT NGUYỆN

Dành 15 phút sau giờ cầu nguyện để nhìn lại giờ cầu nguyện nhằm rút tỉa những kinh nghiệm tốt để tiếp tục, những cản trở để tránh khỏi lần sau. Có thể ghi chép lại để giúp ích sau này.

  • Có được ơn xin của bài cầu nguyện?
  • Tư thế và nơi chốn có giúp ích?
  • Được đánh động ở điểm nào hay điều gì làm lo ra chia trí?
  • Được gia tăng lòng Tin Cậy Mến và cảm nếm Chúa hay ngược lại?
  • Hài lòng hay không hài lòng về giờ cầu nguyện? Tại sao?
  • Có cần thay đổi gì cho giờ cầu nguyện kế tiếp được tốt hơn?

Xét nguyện cũng là giờ cầu nguyện, nên được làm trong ý thức Chúa hiện diện, và dâng lời tạ ơn Chúa, xin ơn thực hiện giờ/lần cầu nguyện kế tiếp được tốt hơn.

Việc xét mình và xét nguyện còn được ứng dụng thành giờ cầu nguyện “nhìn lại” tháng sống/năm sống. Do vậy cấu trúc giờ cầu nguyện tương tự như một giờ cầu nguyện với bản văn Kinh Thánh hoặc bản văn suy gẫm.


ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG TRONG LINH THAO

Việc gặp gỡ và trao đổi thiêng liêng với vị Đồng Hành trong Linh thao là yếu tố vô cùng quan trọng, đến nỗi, nếu không có việc đồng hành, thì không còn là Linh thao đúng nghĩa, mà chỉ là một cuộc tĩnh tâm theo phương pháp Linh thao!

Trong cách thực hành chặt chẽ nhất (Linh thao 1-1), việc đồng hành quan trọng đến mức nếu không có việc chia sẻ việc cầu nguyện trước đó, thì không có thêm điểm cầu nguyện kế tiếp. Người cho Linh thao cần lắng nghe chuyển động, tiến trình, hay năng động mà thao viên đạt được để quyết định người đó sẽ tiếp tục cầu nguyện về điều gì kế tiếp.

Do sự thiếu hụt người cho Linh thao, và số lượng người tham gia Linh thao nên người ta thường nới rộng thành Linh thao nhóm. Đôi khi trong các nhóm Linh thao, hình thức chia sẻ nhóm thay thế một phần cho việc đồng hành cá nhân.

Tinh thần của cuộc gặp gỡ này là cuộc trao đổi thiêng liêng với thái độ tin tưởng nhau, và cùng hướng về việc tìm kiếm Thiên Chúa. Cả hai đều phải cùng đặt mình trước sự hiện diện của Chúa.

Nội dung trao đổi khi gặp Đồng Hành trong Linh thao

+ Không phải để giải quyết các vấn đề tâm lý, ra những quyết định, hay lên kế hoạch nào đó

+ Không phải để học hỏi kiến thức về Chúa, về Kinh Thánh, Giáo Hội, các Thánh, hay kinh nghiệm cầu nguyện của người Đồng Hành!

+ Không phải là lúc để giải quyết các vấn nạn liên quan đến đức tin

+ Là những đúc kết về hành trình thiêng liêng, những khó khăn trong (những) giờ cầu nguyện trước đó, những ơn nhận được, những soi sáng, những cảm nếm… Nói chung đó chính là nội dung của phần Xét nguyện.

11/8/20

Thứ tư 12/8/2020: Hiệp thông (Mt 18, 15-20)

    15“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

    18“Thầy bảo thật anh em: Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. 

    19“Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ về tinh thần sống với nhau trong Hội Thánh.

Ơn xin: Xin cho tôi có lòng bao dung với chính mình và với tha nhân, để tôi được hiệp thông với Thiên-Địa-Nhân.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hiệp thông với nhau (cc. 15-17)

Tội “di truyền” thứ nhất của con người là chỉ tay về người khác hoặc đổ lỗi cho môi trường, “tại….”, “vì…”, “do…”… Tất cả nằm ngoài tôi, không lỗi ở tôi.

Tội “di truyền” thứ hai của con người là nâng mình lên bằng cách đạp người khác xuống: “Tôi tốt hơn anh”. Đôi khi sự chê bai hạ bệ được thực hiện cách rất tinh tế.

Tội “di truyền” thứ ba của con người là thanh trừng: anh không xứng đáng để ở trong tập thể của tôi!

Truyền thống tu đức Kitô giáo dạy rất kỹ về việc sửa lỗi huynh đệ (charity correction). Bạn tìm thấy được hướng dẫn đó nằm trong đoạn Tin Mừng này. Mời bạn đọc chậm, suy tư và tìm cách áp dụng.

Hãy nói với Chúa về kinh nghiệm của bạn trong việc sửa lỗi huynh đệ này.

 

2/ Hiệp thông đất với trời (c. 18)

Câu này thường được các Tin Mừng thuật lại trong trình thuật Đức Giêsu trao quyền cho thánh Phêrô (Mt 16, 19b) hoặc gắn với Bí tích Hòa giải (Ga 20, 23). Ở đây, câu nói được mở rộng cho “anh em”.

Chính bạn được Chúa trao cho quyền tháo cởi hay ràng buộc người anh chị em của mình. Đó là quyền hoặc tha thứ và đón nhận, hoặc kết án và loại trừ.

Bạn có điều gì lấn cấn với ai không? Bạn muốn giải quyết theo chiều hướng nào? Bằng cách nào? Nếu tổn thương nào đó quá lớn, quá sâu đến nỗi bạn chưa thể hòa giải thì hãy nói với Chúa về chính điều đó. Đó là cách bạn nối kết với Trời.

 

3/ Hiệp thông trời và đất (cc. 19-20)

Đức Giêsu còn nói đến một chiều hiệp thông khác: nếu dưới đất hiệp thông với nhau, thì Ngài hiện diện giữa họ. Lời cầu nguyện của họ được Chúa Cha nhận lời.

Trời như cúi xuống hiệp thông với đất.

Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,

hoà bình công lý đã giao duyên.

Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,

công lý nhìn xuống tự trời cao

                                         (Tv 85, 11-12)

Mời bạn chiêm ngắm và tạ ơn Chúa vì cách hợp nhất, hòa quyện giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với thiên nhiên vạn vật.

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về các mối hiệp thông của bạn với bản thân, với đồng loại, với thiên nhiên, với chính Chúa.

Kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

6/8/20

Linh đạo DHM – một con đường nên thánh

Giữa đời thường, và ngay giữa những xáo trộn nhất của xã hội và Giáo Hội, một lối tu mới xuất hiện do sáng kiến của Chúa Thánh Thần. Ngay từ những năm 1790, linh đạo DHM đã được nhìn nhận như là một nẻo đường nên thánh: để gìn giữ ơn gọi tu trì trong lòng Giáo Hội.

Sau tám năm với nhiều nỗ lực, hy vọng và thất vọng trong quá trình xin sự chuẩn nhận của các cấp Giáo quyền, dù chưa đạt được sự chuẩn nhận bằng văn bản, linh đạo này đã được Giáo quyền khuyến khích như là một con đường mang lại vinh quang cho Thiên Chúa và đưa đến sự hoàn thiện (Path of perfection).[1]

Linh đạo DHM phát sinh từ ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, ngang qua hành trình tìm kiếm, lắng nghe, phân định trong cầu nguyện của cha Pierre Joseph de Clorivierre, S.J. (1735-1820). Ngài đã tường trình với các Giám Mục thời đó: “Trong tất cả những gì tôi đã làm để thiết lập hai Hội Dòng, tôi chỉ nhằm tất cả cho vinh danh Chúa và lợi ích của Giáo Hội.”[2]

Để chắc chắn đó là một con đường Chúa muốn và dẫn đến chính Chúa, cha Cloriviere đã kiên trì chờ đợi sự chuẩn nhận của Giáo quyền các cấp. Ngài tin rằng cùng một Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội để thánh hóa Giáo Hội và Dân Thiên Chúa. Một Giám Mục đã từng nhận định: “Tôi thấy Thánh Thần Thiên Chúa ở trong kế hoạch sống của hai Hội Dòng.”[3] “Sự phong phú trong các lối tu trì mới là những trang sức điểm tô cho Giáo Hội”. [4]

Ba lời khấn Dòng nhằm đạt đến sự hoàn thiện Kitô giáo, dù bên ngoài họ không mang những dấu hiệu cho thấy họ thuộc về cùng một Hội Dòng. Họ phục vụ trong mọi ngành nghề phù hợp với Tin Mừng trong nỗ lực hoàn thiện bản thân theo gương Giáo Hội sơ khai. Họ có chung một mục đích: vinh danh Thiên Chúa, lợi ích cho Giáo Hội, ơn cứu rỗi cho linh hồn mình và thăng tiến tha nhân.

Ngay từ đầu, “mục tiêu của Hội Dòng là góp phần tạo nên con số lớn hơn các thánh thuộc mọi lối sống và hoàn cảnh”. “Việc họ sống giữa thế giới không ngăn cản họ đạt đến sự thánh thiện theo tinh thần tu trì”. Ngược lại, “việc hòa nhập trong thế giới và ứng phó với thế giới lại tạo nên nơi họ khả năng lớn hơn để gìn giữ tinh thần tu trì”. [5]

Hội Dòng sẽ vận dụng mọi cách để gìn giữ thành viên khỏi sự tiêm nhiễm xấu qua lịch sống cá nhân, thinh lặng, hồi tâm, hướng lòng về Chúa, canh giữ con tim, giữ ngũ quan, luyện tập nhân đức (interior spirit), khao khát nên hoàn thiện, chiêm ngắm gương các thánh, và chỉ tiếp nhận những ai chắc chắn về ơn gọi…[6]

Cùng một Thánh Thần luôn thánh hóa Giáo Hội và tạo nên những con đường thánh thiện, linh đạo DHM là một con đường nên thánh đích thực cho những ai muốn trở nên “ẩn sĩ” giữa xã hội đời thường theo gương trinh nữ Maria thành Nazareth.



[1] Thư cha Cloriviere gởi tất cả thành viên Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria. 12/10/1799.

[2] Bản Ghi nhớ (Memorial) gởi các Giám Mục Pháp, 1798.

[3] Thư của Đức Tổng Giám Mục Paris Cortois de Pressigny. 18/9/1790.

[4] Bản Ghi nhớ (Memorial) gởi các Giám Mục Pháp, 1798.

[5] Ibid.

[6] Ibid.


4/8/20

Thứ tư TN.XVIII: Mức độ tương giao (Mt 15,21-28)

21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” 24Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đi qua vùng dân ngoại giáp biển Địa Trung Hải ở phía Bắc.

Ơn xin: Xin cho tôi kiên trì và nỗ lực trong việc tiếp cận với Thiên Chúa và để Ngài tiếp cận tôi, nhờ đó mà tôi có được mối tương quan cá vị với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Khoảng cách xã hội (cc. 21-23a)

Mời bạn chiêm ngắm bước chân của Đức Giêsu và các môn đệ đi từ Gênêsarét, tả ngạn biển hồ Galilê, theo hướng tây bắc tiến về Vùng Tia và Sidon, cách đó khoảng 80 cây số. Có lẽ họ đã mất khoảng 10 tiếng đi bộ liên tục để đến vùng đất của dân ngoại (người Canaan). Ngài đến đó không để rao giảng hay làm phép lạ. Ngài đến để gặp một người phụ nữ đau khổ.

Khoảng cách giữa đàn ông – đàn bà, dân Do thái – dân ngoại, văn hóa và tôn giáo… làm cho họ phải nỗ lực rất lớn để tiếp cận nhau. Bạn hãy quan sát cách người phụ nữ tiếp cận Đức Giêsu: bà đi ra (khỏi làng) và kêu lên (còn khoảng cách xa).

Hãy lắng nghe tiếng lòng của bà: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Rồi quan sát cách Đức Giêsu đáp trả: Không đáp lại một lời! Tại sao vậy?

Hãy xem xét và thân thưa với Chúa về sự xa lạ của bạn đối với Ngài, hoặc bạn cảm nhận điều ngược lại: Thiên Chúa im lặng trước lời cầu nguyện của bạn.

2/ Khoảng cách quen biết (cc. 23b-26)

Mời bạn chiêm ngắm mức độ tương quan giữa các môn đệ và Đức Giêsu (cc. 23b-24). Họ thưa gì với thầy? Tại sao họ nói vậy? Đức Giêsu trả lời thế nào? Có phải ngài không muốn tương quan với dân ngoại?

Tiếp đến mời bạn chiêm ngắm mức độ tương quan của người mẹ Canaan với Đức Giêsu. Bà đến bái lạy và thưa, bà đến gần, trước mặt, thưa chuyện (nói vừa đủ nghe) với Đức Giêsu. Bạn hãy lắng nghe lời van xin của bà: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” – Hãy nghe câu trả lời “chói tai” của Đức Giêsu: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”

Bạn cũng hãy nói với Chúa về sự thiếu kiên nhẫn của mình trong cầu nguyện; cảm thấy khó chịu trước những lời mời gọi đầy thách thức và ngược ngạo của Tin Mừng; về cả tâm trạng mệt mỏi không muốn tiếp tục cầu nguyện…

3/ Khoảng cách thân thiết (cc. 27-28)

Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Hãy để cho lời này được ngấm sâu vào bạn cho đến khi bạn cảm nhận được mức độ tin tưởng của bà đối với Đức Giêsu.

Sau đó bạn hãy chiêm ngắm cách đáp trả của Đức Giêsu. Ngài thấy điều gì trong tâm hồn bà? Ngài quyết định làm gì? Đó có phải là mục đích của Ngài khi vượt đoạn đường 80 cây số để đến đây?

Hãy thân thưa với Chúa về hành trình dài trúc trắc của bạn trong tương quan với Chúa. Đâu là những giây phút bạn được thỏa lòng mong ước với Ngài?

Kết nguyện

Dành thời gian để cám ơn Chúa vì những nỗ lực của cả Chúa và tôi trong việc thiết lập mối tương quan đích thực với nhau.

Kết thúc bằng 1 kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)