Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

14/12/21

Thứ tư MV.III: Sốt ruột (Lc 7, 19-23)

 19Ông Gioan hai sai môn đệ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 20Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’” 21Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ông Gioan Tẩy Giả đang bị tiểu vương Hêrôđê giam giữ vì nói phạm đến mối tương quan bất chính của ông với chị dâu của ông. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận biết đức Giêsu là Đấng nào trong đời tôi để tôi biết kết nối và tương giao với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hỏi (cc. 19-20)

Hãy nhớ lại bối cảnh của Gioan Tẩy Giả lúc này... Ông được sinh ra để “làm tiền hô” loan báo Đấng Messia đến. Ông dành hầu hết thời gian để tu luyện mình trong sa mạc, để nhận diện thời điểm và ai là Đấng Messia. Ông là gào rống kêu gọi người ta lãnh nhận phép rửa sám hối để chuẩn bị lòng dân đón nhận Đấng Messia. Ông đã làm chứng về Đấng ấy khi Ngài đến nhận phép rửa do ông làm. Ông đã giới thiệu Đấng ấy để môn đệ mình đi theo... Bây giờ, “án tử” dành cho ông đã cận kề. Ông sốt ruột và nghi ngờ không biết tất cả những gì mình đã làm để chuẩn bị cho người ấy xuất hiện, vậy mình đã nhận diện đúng người để giới thiệu chăng?

Gioan không thể giữ mối nghi ngờ và sự sốt ruột trong lòng mình. Ông muốn được xác minh. Ông sai hai môn đệ đi xác minh. Hãy đọc câu 19-20 để suy ngẫm thêm về nội dung ông Gioan muốn xác minh. Cũng hãy suy nghĩ về cách truyền đạt thông tin chính xác từng chữ của hai người môn đệ.

Áp dụng bản thân: Bạn có từng bối rối, lo lắng, sốt ruột về một “đầu tư” nào đó mà bạn lo sợ sẽ thành “công dã tràng”? Ngẫm nghĩ về những đầu tư thiêng liêng của bạn.

2/ Trả lời (cc. 21-23)

Câu 21: Đức Giêsu cho họ chứng kiến Ngài “chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy” – Một cách trả lời bằng hành động, mất nhiều thời gian, và họ phải tự nghiệm để hiểu: đây là những dấu chỉ về thời Messia (x. Is 3,5).

Câu 22: Đức Giêsu nói với hai môn đệ ông Gioan: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” – Câu trả lời bằng lời nói nhưng họ vẫn phải tự nghiệm để hiểu ý nghĩa ám chỉ của nó. Đức Giêsu không trả lời rõ ràng: “Chính tôi là ‘Đấng phải đến’”.

Câu 23: Đức Giêsu nói về một mối phúc: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” Ngài ám chỉ đến những ai nghiệm ra Ngài là AI, là Đấng nào để biết cách đặt lòng tin và tương quan với Ngài.

Mời bạn áp dụng những điều này vào bản thân để xem xét mức độ bạn đã nghiệm ra được đức Giêsu là AI trong đời mình.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những điều bạn nghiệm ra qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

10/12/21

Thứ bảy MV.II: Đọc dấu chỉ thời đại (Mt 17, 10-13)

10Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước?” 11Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. 12Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” 13Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời và huấn luyện các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt đức tin để đọc được dấu chỉ của thời đại mà tôi đang sống, nhờ đó tôi biết làm những chọn lựa đúng đắn cho đời mình.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ông Êlia (cc. 10-11)

Ngôn sứ Êlia là người được đưa về trời trong cỗ xe ngựa với lửa cháy và gió lốc (2V 2, 1-13). Qua thời gian, người Do Thái xây dựng niềm tin rằng chính ngôn sứ Êlia sẽ trở lại để chỉnh đốn mọi sự để chuẩn bị cho thời đại của Đấng Messia (x. Ml 3, 23-24).

Các môn đệ hôm nay, có lẽ nhớ lại niềm tin này, vì ít nhất có ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan vừa được thoáng thấy ông Êlia trong biến cố Hiển Dung. Họ sống trong niềm tin vào sự chờ đợi thời Messia. Họ thắc mắc với đức Giêsu.

Bạn đang tin vào điều gì? Bạn đang mong chờ điều gì sẽ xảy đến cho bản thân, gia đình, quê hương và thế giới này? Hãy thân thưa với Chúa về điều đó.

2/ Đọc dấu chỉ thời đại (cc. 12-13)

Các môn đệ dường như chưa nhận ra được có điều gì đang diễn ra lại liên quan đến những điều họ đang mong chờ.

Bạn hãy ngẫm lời xác định của đức Giêsu: “Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn.” Tại sao họ không nhận ra?

Họ muốn thấy xe ngựa lửa và gió lốc đưa ông Êlia trở lại từ trời. Họ muốn thấy muốn nghe những gì quen thuộc đã được nghe kể về ông Êlia (như làm nhiều phép lạ chẳng hạn).

Vì u minh, không nhận ra nên họ không biết cách đối xử với sứ giả của Chúa. Họ biết ông Êlia sẽ trở lại để chỉnh đốn mọi sự, nhưng bây giờ họ không hoán cải khi nghe một người khác kêu mời. Tóm lại, họ bị đóng khung, bị rập khuôn.

Đức Giêsu ám chỉ về ông Gioan Tẩy Giả. Sau đó, các môn đệ nhận ra “ý ám chỉ” này. Các ông đọc được dấu chỉ của thời đại nơi một nhân vật mang sứ mạng “chỉnh đốn mọi sự” là Gioan. Một khi nhận ra Gioan chính là Êlia thì họ cũng sẽ nhận hiểu được Đấng sẽ khai mạc thời Messia: chính đức Giêsu, thầy của họ.

Có một liên kết giữa Gioan và đức Giêsu: thi hành sứ mạng trong đau khổ. Đó cũng là một điều che mắt con người vì họ muốn thấy hào quang, chiến thắng, sự dũng mãnh...

Hãy ngẫm nghĩ xem cách bạn đọc các dấu chỉ thời đại bạn đang sống: chiến tranh, thiên tai, nhân tai, đại dịch covid-19... Bạn đọc được gì ngang qua tất cả những gì đang diễn ra? Đức tin của bạn mang đến ánh sáng nào để bạn đọc dấu chỉ thời đại? Bạn đọc được gì về cách thế Thiên Chúa đồng hành với con người ngang qua mọi tai ương?

Đừng sống như những kitô hữu “nhìn đời từ ban công” – miễn là các tai họa kia không vào tới nhà tôi, không ảnh hưởng gì đến tôi!

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những gì bạn tin, và những gì bạn đọc được ngang qua dấu chỉ đang diễn ra hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.

[Thắp nến Mùa Vọng] 12/12/2021 – Vui mừng và hân hoan

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng. 2 cây nến tím đã được thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây để bước vào tuần thứ ba Mùa Vọng. Đường xa dễ làm ta mệt mỏi và tiêu hao cả niềm hy vọng lẫn tình yêu tìm kiếm và chờ đợi. Một que diêm được lóe lên trong màn đêm băng giá cũng đủ khơi lên lại niềm hy vọng. Vậy hãy tiếp tục bước đi trong niềm vui chờ đợi Chúa đến.

(Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Xôphônia – (Xp 3, 14-18)

14Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,
hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.

15Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại,
thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA.
Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.

16Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem:
“Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.”

17ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi,
Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.
Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ,
sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.
Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng
18như trong ngày lễ hội.

Đó là Lời Chúa.

Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa


HD 1: Suy niệm

Giữa tiếng còi hụ của xe cứu thương, giữa những thông tin dồn dập về số ca lây nhiễm Covid-19, số người trở nặng và con số tử vong bao vây chúng ta mỗi ngày; Giữa những tin buồn về con số các công ty tuyên bố phá sản và tình hình của một năm kinh tế buồn, lòng chúng ta còn có thể tin vào lời loan báo của ngôn sứ Xôphônia mà chúng ta vừa nghe đọc chăng?

Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại,
thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA.
Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ
.” (Xp 3, 15)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), Thiên Chúa không phải là nguyên nhân trực tiếp cho những tai ương mà chúng ta gặp phải trong đời. Tuy nhiên, sự hiện diện và đồng hành của Ngài những tai ương đó sẽ cho ta kinh nghiệm có Chúa ở cùng thì ta chẳng có gì phải sợ. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng bản thân mình là lý do để Thiên Chúa “vui mừng hoan hỷ” và “nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội”? Chỉ khi bạn dám tin vào điều đó thì lòng bạn mới có thể “nức lòng phấn khởi”, “reo vui” và “reo hò vang dậy”.

Hãy vui lên vì phẩm giá con người là thánh thiêng, không thể thương lượng, bất khả xâm phạm, và ngang bằng nhau (x. FT 207-209. 213). Thiên Chúa sẵn sàng “lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi” (Xp 3, 17). Chính Ngài sẽ cứu độ chúng ta.

Hãy vui lên vì Thiên Chúa đã ươm trồng trong bạn những tài năng, sự chủ động và cả những tiềm thể cần được bạn khơi lên. Hệ thống xã hội và chính bạn cần tạo điều kiện để một người được đóng góp tài năng của mình bằng lao động. Khi lao động, bạn không chỉ kiếm sống, mà còn phát triển chính mình, xây dựng các mối tương quan lành mạnh và trao đổi tài năng. Khi bạn thi hành vai trò điều hành hướng đến công ích, tiếp cận và xử lý các vấn đề xã hội hiện tại, đổi mới các hệ thống từ bên trong là lúc bạn thể hiện đức ái xã hội và chính trị (x. FT. 162. 180-183. 187). Bạn quan trọng và quý giá dường bao. Vậy hãy vui lên!

Hãy vui lên vì Thiên Chúa đang nhìn và mời bạn xây dựng nền văn hóa gặp gỡ (x. FT. 215-217) để tạo không gian cho những cuộc đối thoại, tạo điều kiện cho sự chấp nhận những khác biệt và cả những ý kiến trái chiều. Hãy vui lên vì bạn có thể học được điều gì đó nơi người khác trong những cuộc gặp gỡ này. Hãy hứng thú tìm cơ hội gặp gỡ người khác. Hãy mở ra những đề án mà mọi người có thể cùng tham gia.

Bạn hãy vui bằng Niềm vui nhìn nhận tha nhân như họ là và đối xử với nhau cách tử tế. Tử tế đơn giản là nói lời xin lỗi và cám ơn. Tử tế là nhẹ nhàng, hài lòng và nâng đỡ những ai mang gánh nặng, sợ hãi và cần giúp đỡ. Bạn hãy vui vì khi đó bạn góp phần xây dựng một bầu khí xã hội lành mạnh để mọi người cùng vui sống. (x. FT. 218-221)

Chúng ta hãy thinh lặng đôi chút để cảm nếm niềm vui đích thực này trong mình, và mong ước chia san niềm vui đó cho anh chị em.

(Thinh lặng một chút)


HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN HỒNG (cây nến thứ ba).

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui với ước mong chính Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta trên con đường kiến tạo một môi trường chung sống an vui, đa dạng và phong phú.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Hãy vui mừng của LM nhạc sĩ Bùi Ninh

https://www.youtube.com/watch?v=IgPl2sfhgWY

 

HD 1: Lạy Thiên Chúa, Đấng đang ngự giữa chúng con. Ngài là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Chúa vui khi nhìn ngắm chúng con là những thụ tạo của Chúa. Xin cho chúng con được hớn hở vui mừng và nhảy múa vì có Chúa ở với chúng con trong mọi thăng trầm của lịch sử nhân loại và trong những hoàn cảnh riêng của từng người chúng con. Chúng con cầu xin nhờ danh Thánh Tử Giêsu, và Chúa và là Đấng mang đến cho chúng con niềm vui đích thực. Người hằng hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Cộng đoàn: Amen. 

7/12/21

08/12 Lễ Mẹ Vô Nhiễm: Ơn Trinh Nguyên (Lc 1, 26-38)

26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nơi nhà riêng của gia đình Maria tại làng Nazareth, miền Galilê.

Ơn xin: Xin cho tôi biết trân quý vẻ đẹp trinh nguyên mà Chúa ban cho mình trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hoàn cảnh của Maria (cc. 26-27)

Thời điểm diễn ra sự việc:

+ Sáu tháng sau khi người chị họ Êlisabet được ơn mang thai trong lúc tuổi già.

+ Maria đã đính hôn với một người thuộc dòng dõi Đavit là anh Giuse.

+ Maria được giới thiệu là “trinh nữ” – ám chỉ việc trinh nguyên thân xác, dù đã đính hôn nhưng họ chưa có quan hệ thân xác (theo phong tục thời đó là được phép).

Nơi diễn ra sự việc: miền Galilê (Miền Bắc nước Do Thái), thành Nazaret, trong ngôi nhà gia đình của thiếu nữ Maria. Bạn mường tượng một ống kính lớn phóng nhìn từ xa, rồi thu hẹp dần: vũ trụ mênh mông → Trái Đất → một nước → một miền → một thành → một làng → một nhà. Từ muôn dân tộc → một dân tộc → một người.

Mời bạn chiêm ngắm “bước chân” của sứ thần tiến đến gần ngôi nhà đơn sơ của Maria. Hãy nghiệm về bước chân âm thầm của Thiên Chúa bước đến tiếp cận với bạn ở những thời điểm và không gian nhất định của đời mình.

2/ Ơn trinh nguyên (c. 28-38)

Bạn tập trung nhìn ngắm thiếu nữ Maria trong cuộc nói chuyện đặc biệt này.

- Nhìn ngắm Maria khi thoạt nhận ra có người bước chân vào nhà mình.

- Nhìn cách Maria phản ứng “rất bối rối” khi nghe kiểu chào lạ lùng vang lên: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” [Bản chuyển ngữ tiếng Việt làm cho ‘đầy ân sủng’ trở thành tính từ gắn với một người. Trong nguyên bản, ‘Đầy Ân Sủng’ thay cho tên gọi – tức là chính người đó. Tiếng Anh: Rejoice, so highly favoured! Đây là lời chào ám chỉ về lời hứa Đấng Messia; vế sau nối kết với việc làm mẹ Đấng ấy].[1]

- Nhìn ngắm cung cách của Maria khi nghe những lời này: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bỏ qua lối dịch trang trọng “thưa bà”, bạn hãy nghe và nghiệm về một lối nói đơn giản, trực tiếp: gọi bằng tên (không có danh xưng), nói trực tiếp với người đối diện là Maria. Maria là người mà sứ điệp đó nhắm tới. Maria là người “sẽ thụ thai”, “sẽ sinh hạ”, “sẽ đặt tên” cho người con được tiên báo là vĩ đại.

- Nhìn ngắm cái ngước nhìn của Maria khi hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Cảm nếm sự trong trắng, trinh nguyên của thiếu nữ Maria, không chỉ về thể lý trong kinh nghiệm vợ chồng, mà còn là thái độ hoàn toàn mở ra trước Thiên Chúa.

- Rồi lại nhìn ngắm cung cách của Maria khi lắng nghe sứ thần trả lời thắc mắc của mình: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì ‘đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.’

- Cuối cùng, nhìn ngắm cái cúi xuống của Maria trong lời đáp: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Hãy để cho hình ảnh này ngưng đọng trong bạn, ngay cả khi hình ảnh sứ thần đã tan biến. Chiêm ngắm ơn trinh nguyên - một lòng một ý - của Maria dành cho ý Chúa, dành cho chính Thiên Chúa.

Kết nguyện

Tâm sự với Mẹ Maria vì ơn trọng đại Mẹ được ban. Nài xin Mẹ giúp bạn luôn quy hướng mọi sự về Chúa, luôn thuận thiên như Mẹ.

Kết thúc bằng một Kinh Kính Mừng.

 



[1] Trích dẫn và chú thích từ The Jerusalem Bible. 

5/12/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (5)

 Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ

1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG V: HY VỌNG

Giữa những thử thách và công việc, cha Cloriviere tiếp tục gìn giữ và trung thành với ơn gọi Dòng Tên của mình. Năm 1814, khi Dòng Tên được tái lập, cha Cloriviere được Cha Bề Trên Cả, lúc ấy còn tị nạn ở Nga, trao trách nhiệm tái thiết nhà Tập và các học viện tại Pháp.

Cha cảm thấy bơ vơ trước một sứ mạng đầy ắp khó khăn: các cơ sở cũ đã hư hỏng nặng và thiếu phương tiện. Dầu vậy, có rất nhiều thanh niên xin gia nhập Dòng mới được phục hồi này. Dù cha đã 80 tuổi, người ta vẫn thấy nơi cha sức năng động đáng nể để tái thiết một chương trình huấn luyện đời tu theo đặc sủng Dòng Tên, cũng như khả năng truyền đạt tinh thần của Định Thức Dòng và những chuẩn tắc của Hiến Luật, giảng Linh Thao 30 ngày cho các tập sinh, tổ chức việc học triết và thần học cho các khấn sinh trẻ.

Năm 1818, cha nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm linh hướng và cố vấn cho hai hội Dòng mà người đã lập. Ngày 09 tháng 01 năm 1820, lúc 4h30 sáng người an nghỉ trước Thánh Thể Chúa. 


3/12/21

[Thắp nến Mùa Vọng] 5/12/2021 – Tình huynh đệ đại đồng

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, chúng ta quy tụ nhau đây trước Vòng nến Mùa vọng để tiếp tục đặt thêm một dấu ấn trong hành trình tìm Chúa và chờ Chúa đến. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Baruc (Br 5, 1-9)

1Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,

và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi;

2hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa;

và đội lên đầu triều thiên vinh quang

Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.

3Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu

thấy hào quang rực rỡ của ngươi.

4Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi

là “Bình an xây dựng trên công chính”,

và “Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”.

5Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,

hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông:

Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về

theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.

Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui.

6Xưa chúng bị quân thù áp giải,

phải rời ngươi, không xe không ngựa.

Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi,

chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.

7Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao

và gò nổng có tự lâu đời,

phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,

để Ít-ra-en tiến bước an toàn

dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.

8Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm

sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en,

9vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,

dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,

cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.

Đó là Lời Chúa.

Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.

 

HD 1: Suy niệm

Ngôn sứ Baruc đưa ra một viễn tượng về ngày Thiên Chúa sẽ quy tụ muôn dân nước:

Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông:
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy
.” (c.5)

Ngày đó mọi người trên khắp hành tinh trở nên anh chị em với nhau, cùng quy tụ lại với nhau theo lời mời của Chúa. Chúng ta được dựng nên cho tình yêu (x. FT. 88), một tình yêu đại đồng, một tình yêu giúp ta tìm thấy chính mình nơi tha nhân. Tình yêu làm cho ta nhận ra giá trị và vẻ đẹp của tha nhân, chấp nhận họ như họ là và nỗ lực giúp nhau đạt đến đỉnh cao nhất của đời mỗi người; bao gồm mọi chủng tộc, người cao niên, người khiếm khuyết, phạm nhân... (x. FT. 94-99)

Trong thế giới được toàn cầu hóa và số hóa, người ta cảm thấy địa cầu trở nên “thế giới phẳng” và nhỏ bé. Thật ra, các khuynh hướng thống trị từ bên trên đang phân mảnh thế giới theo một kiểu khác; và các khuynh hướng chống lại sự đồng hóa từ bên dưới một lần nữa xâu xé tình huynh đệ đại đồng. Do đó, gương người Samaritanô nhân hậu một lần nữa nhắc ta vượt qua nhưng lối phân tầng hạn hẹp, để có thể tự do giúp đỡ tất cả những ai cần đến (x. FT. 101). Vẫn còn đó nhiều việc phải làm để “bạt thấp núi cao và lấp đầy thung lũng” (Br 5, 7).

Một trong những nguyên tắc hành xử xã hội được Giáo Hội Công giáo đưa ra là Liên đới. Hơn thế nữa, Giáo Hội còn đang muốn tiến tới một Giáo Hội “hiệp hành” bên trong và với thế giới;[1] không chỉ giữa con người với nhau, mà còn vươn đến cả mọi tạo vật bằng cách cùng nhau chăm sóc Ngôi Nhà Chung (x. FT. 113. 116-117. 146). Liên đới thể hiện rõ nhất trong việc phục vụ người khác (x. FT. 115).

Mỗi chúng ta -đặc biệt là cha mẹ, giáo viên và những nhà truyền thông- cần chuyển giao giá trị liên đới như một nhân đức và một thái độ xã hội cần có trong gia đình, xã hội và toàn cầu (x. FT. 144). Để được vậy, mỗi người hãy năng tự vấn mình. Trong hiện tại hãy hỏi mình: “Tại sao tôi làm điều này? Đâu là mục đích thật sự của tôi? Nhìn vào những gì đã qua, hãy hỏi mình: “Tôi đã đặt bao nhiêu tình yêu vào những gì tôi đã làm? Tôi đã làm gì cho sự thăng tiến của người khác? Tôi đã để lại dấu ấn nào trên đời sống xã hội? Đâu là những mối liên kết bền chặt tôi đã tạo ra? Tôi đã khơi lên những nguồn lực tích cực nào? Tôi đã gieo trồng sự bình an xã hội ở mức độ nào? Trong vị thế của mình, tôi đã làm được những điều tốt nào?” (FT. 197)

(Thinh lặng một chút) 


HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM thứ hai (cây nến tuần I đã thắp sẵn)

Chúng ta cùng thắp lên ngọn nến thứ hai là Cây nến Bêlem mang đến tình yêu

Hãy khao khát cho bản thân chúng ta trở nên những người mang tình yêu phổ quát dành cho mọi người và mọi thụ tạo của Chúa, để mỗi ngày chúng ta nỗ lực xây dựng một thế giới đáng sống và xinh đẹp hơn cho mọi người và muôn vật muôn loài.

 

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

 

Hoặc nghe bài Yêu bằng tình loài người của LM nhạc sĩ Chu Văn Chi

https://www.youtube.com/watch?v=Xw8tOZCYQC4

Hoặc bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=e0h2YgM9KRk

 

HD 1: Lạy Thiên Chúa là Đấng “dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người”, xin ngự đến hôm nay để dẫn đưa nhân loại đang tản mát vì thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh. Xin khoác lên chúng con ánh sáng, sự bình an và tình yêu của Ngài. Xin giúp chúng con lan tỏa tình yêu đến mọi người nơi chúng con sống và làm việc. Để ước nguyện tốt lành của Chúa cho tình huynh đệ đại đồng được thực hiện giữa chúng con, ngay trong hoàn cảnh khó khăn này. Chúng con cầu xin trong danh Thánh Tử Giêsu là đấng quy tụ muôn dân nước vào trong Ngài để dâng về cho Chúa Cha; Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha đến muôn thuở muôn đời.

Cộng đoàn: Amen.

Ảnh: Internet.

[1] Định hướng chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2023. 

Thứ bảy MV.I: Khi Thiên Chúa chạnh lòng thương (Mt 9, 35 – 10, 1. 6-8)

935Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

101Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

6 “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. 8Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời và huấn luyện các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nhận được tình yêu trung tín và xót thương của Thiên Chúa cho đời mình, để tôi biết khao khát cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Khi Thiên Chúa chạnh lòng thương (ch9, 35-36)

Mở đầu Mùa Vọng, tuần khai mạc năm Phụng vụ mới, Năm C, chúng ta được giới thiệu ngay vào hình ảnh một Thiên Chúa chạnh lòng thương, thể hiện qua đức Giêsu. Mời bạn suy ngẫm về những điểm sau:

- Ngài đi khắp nơi: Ra khỏi vùng an toàn của mình, đến vùng biên cương

- Ngài rao giảng: lan truyền tin vui, tin tốt, niềm hy vọng

- Ngài chữa hết bệnh tật: thể lý – tâm lý – thiêng liêng. Bạn có mang những điều đau yếu của mình đến với Ngài?

- Ngài nhìn và chạnh lòng thương. Khác với cái nhìn bàng quan, ‘thấy như không thấy’. Ngài để cho điều mình thấy chạm sâu vào tâm hồn mình. Trong ngôn ngữ cổ Do Thái, Hesed gắn liền với Rachamim đều xuất phát từ rachem (tử cung người mẹ), diễn tả một đặc nét trọng yếu của Thiên Chúa (x. Is 54, 10), tạm dịch là tình yêu giao ước, xót thương, trung tín, ân sủng, từ tâm. Tóm lại, chính đức Giêsu và mọi hành động của Ngài đều phát xuất từ “tình yêu giao ước” Thiên Chúa dành cho con người; Thiên Chúa trung tín với giao ước tình yêu ấy.

2/ Lời mời “chạnh lòng thương: (ch9, 37-38)

Đức Giêsu nhìn các môn đệ và nói “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Đức Giêsu hôm nay mời bạn hãy chạnh lòng thương, hãy có lòng thương những ai đang còn trôi dạt về niềm tin, tư tưởng, lý tưởng sống, yếu nhược tinh thần và thể xác. Bạn hãy ngẫm về mức độ “quặn đau” của trái tim mình khi nhìn vào đồng loại, khi nhìn vào một trường đang ô nhiễm và bị hủy hoại.

3/ Thực thi “chạnh lòng thương” (Ch10, 1. 6-8)

HesedRachamim của Thiên Chúa luôn mang tính hành động. Mời bạn cùng đức Giêsu hành động vì lòng xót thương, vì lòng trung tín với giao ước yêu thương.

Đức Giêsu thông chia quyền rao giảng, chữa lành, trừ quỷ cho các môn đệ.

Các môn đệ được mời gọi bắt đầu từ những người gần mình nhất “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”/người đồng đạo; rồi lan dần ra. Hãy thực hiện những quyền được trao ban. Hãy làm việc với lòng biết ơn mà không đòi đền đáp, vì chính mình đã được “nhận nhưng không”. Đừng chờ đến khi bạn được gởi đi xa với danh nghĩa “đi truyền giáo” thì mới bắt đầu sứ vụ truyền giáo.

Kết nguyện

Thân thưa với đức Giêsu, Đấng từ trời mà đến để loan Tin Mừng cho bạn; nói với Ngài về sứ mạng đời bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.

27/11/21

[Thắp nến Mùa Vọng] 28/11/2021 – Hy vọng về tình huynh đệ mới

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật tuần I Mùa Vọng)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.


Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhớ chúng ta về một Năm phụng vụ nữa lại bắt đầu trong hành trình đời mỗi người. Chúng ta lớn thêm một tuổi thiêng liêng trong hành trình tương quan với Thiên Chúa.

Mùa Vọng là mùa ngưỡng vọng về Chúa, mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)


HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Giêrêmia – Gr 33, 14-16

14Này, sẽ đến những ngày –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA– Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về nhà Giu-đa.

15Trong những ngày ấy, vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít;
Người sẽ trị nước theo lẽ công bằng chính trực.

16Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp.
Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành:
“ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta!”

Đó là Lời Chúa.

Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.  


HD 1: Suy niệm (đọc chậm rãi)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), tuần thứ nhất mùa vọng gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bài đọc trích sách ngôn sứ Giêrêmia cho thấy niềm hy vọng mà ngôn sứ loan báo cho dân tộc ông -những người đang cùng bị lưu đày như ông- thật lớn lao. Niềm hy vọng về một vị lãnh đạo Công Chính, về một đất nước được hướng dẫn trong lẽ công bằng chính trực. Đất nước được giải phóng. Dân cư được an lạc và đầy lòng tôn thờ Thiên Chúa. Niềm hy vọng đó cũng đang được ươm trồng trong thế giới hôm nay về một tình trạng bình thường mới hậu Covid-19, dù con người vẫn đang lo sợ trước sự đe dọa của biến chủng mới.

Như chúng ta biết, lịch sử trưởng thành của Giáo Hội trải qua nhiều giai đoạn. Khởi đi từ một Nhóm những người tin vào Đức Kitô; các tín hữu này chịu nhiều sự bách hại. Sau khi được xã hội trần thế công nhận, Giáo Hội đã vươn lên ở vị thế thâu tóm mọi quyền lực. Cuộc khủng hoảng quyền bính sau đó đã đẩy Giáo Hội rút về vị thế “lãnh đạo tinh thần”, nên chỉ chú tâm đến những việc đạo đức và thiêng liêng. Từ cuối thế kỷ XIX, một lần nữa Giáo Hội được mời gọi đặt chân mình vào xã hội trần thế, dù không nắm quyền điều hành. Khởi đi từ khi Ðức Lêô XIII ban hành thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) ngày 15 tháng 5 năm 1891 cho đến nay, cùng với tinh thần của công đồng Vatican II, Giáo Hội ngày càng đóng góp phần mình bằng tiếng nói chính thức và các hoạt động vì thiện ích chung cho cả vũ trụ này, dựa trên cái nhìn của thần học sáng tạo và cứu độ.

Mùa vọng năm nay, chúng ta cùng nhau sống tâm tình dấn thân vào xã hội với tầm nhìn của thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em), được đức Phanxicô ban hành ngày 3 tháng 10 năm 2020. Thông điệp xã hội này mở ra một tầm nhìn mang tính vũ trụ nhằm nối kết tất cả các mảnh vỡ giữa người với người, người với muôn vật muôn loài, và người với Thiên Chúa. Hãy cùng mơ về một gia đình nhân loại hợp nhất, nơi đó bạn cùng bước đi với những người khác và muôn vật muôn loài, cùng là con cái chung sống trong ngôi nhà chung là mẹ đất, cùng chung tay đóng góp cho nhau như những anh chị em. (FT 6-7)

Niềm hy vọng này được xây dựng dựa trên lòng tin vào sự tốt lành nơi trái tim con người, nơi ước muốn sâu thẳm muốn nên hoàn thiện. Đây là niềm hy vọng chắc chắn. Nó giúp mỗi người vượt qua nhu cầu tiện nghi và an toàn cá nhân để vươn đến lý tưởng cao vời, làm cho cuộc sống nên xinh đẹp và đáng sống. Hãy bước đi trên con đường hy vọng này. (FT 55)

Niềm hy vọng giúp bạn chủ động hành động, mà không cần chờ người trên phát động phong trào. Trong điều kiện của mình, từ dưới lên, bạn tạo ra một không gian nối kết và một tiến trình thay đổi, giúp cải thiện những xã hội đang gặp khủng hoảng. (FT 77-78)

Niềm hy vọng ấy không bao giờ tắt, ngay cả khi bạn gặp phải những người chai lì đến cùng. Giáo Hội đang mạnh mẽ phản đối và vận động các nước chấm dứt án tử hình là lời chứng về niềm hy vọng đến cùng này. (FT. 269)

(Thinh lặng một chút)


HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên.

Chúng ta cùng thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng.

Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân nuôi hy vọng, sống hy vọng và gieo hy vọng trong mọi môi trường mình hiện diện, nhất là trong thời đại Covid-19 như hiện nay. Cùng xin cho chúng ta biết chủ động xây dựng một lối sống lành mạnh hướng đến sự bình thường mới/ phù hợp hơn với nhân phẩm và cùng đích đời người hơn.


Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Tìm lại màu xanh của nhạc sĩ Thành Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=iV1i_-UHuqo; https://www.youtube.com/watch?v=yPIIZhls7Sc

Hoặc bài Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A


HD 1: Lạy ‘Đấng Công Chính nối nghiệp Đa-vít’, xin Ngài ngự đến. Xin nhập thể vào vũ trụ đã được tạo dựng trong Ngài. Xin quản trị vũ trụ này theo lẽ công bằng chính trực. Xin giải thoát chúng con khỏi những chán nản, trầm cảm và tuyệt vọng. Xin ban cho chúng con niềm an lạc vì có Chúa là thành bảo vệ chúng con. Ước gì chúng con không bao giờ tự đánh mất niềm hy vọng nơi bản thân, nơi người khác, và trong mọi môi trường đang bao bọc chúng con, từ tiểu vũ trụ cho đến đại vũ trụ. Chúng con cầu xin trong danh Đấng Công Chính nối nghiệp Đa-vít’, là Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.  

24/11/21

[Chuyên mục Tâm Điểm Giêsu] Mở thêm bài hướng dẫn cầu nguyện cho thứ bảy

Bạn thân mến, 

Hai năm qua, chuyên mục Tâm điểm Giêsu đã có bài Hướng dẫn cầu nguyện cho ngày thứ tư. Giờ đây, khi năm Phụng vụ 2022 bắt đầu, chúng tôi bắt tay vào viết thêm bài hướng dẫn cho ngày thứ bảy. Như thế, bạn sẽ có hai bài hướng dẫn để cầu nguyện trong một tuần. Từng bước một, chúng tôi ước mong có thể viết đủ hết các ngày trong tuần, và của các Chúa Nhật năm A-B-C, để những tâm hồn tìm kiếm Chúa có thêm chút chất liệu định hướng trong cầu nguyện. Xin các bạn hiệp ý cầu nguyện cho dự định tốt lành này.

Bài Hướng dẫn cầu nguyện đơn thuần là một bản đồ đơn giản giúp bạn bám theo để thực hiện giờ cầu nguyện của mình theo lối cầu nguyện Linh thao.[1]

Ngoài cách dùng nó để thực hiện giờ cầu nguyện theo đúng ngày, bạn tự do sử dụng bất kể bài nào để cầu nguyện theo nhu cầu riêng của mình. Chỉ cần bạn nhớ khái niệm bài Hướng dẫn cầu nguyện được trình bày trong đoạn viết trên là đủ; để bạn đừng đọc nó cách lướt qua cho biết thêm ý tưởng. Ý tưởng và trải nghiệm trong cầu nguyện là hai điều hoàn toàn khác nhau. Ý tưởng giúp mở mang kiến thức và đánh giá so sánh. Trải nghiệm trong cầu nguyện gắn kết chính bạn với Thiên Chúa của mình; tạo nên mối tương giao thân tình và ân nghĩa giữa một thụ tạo và Đấng Tạo Hóa.

Vậy nên, mời bạn cầm bản đồ lên và tự bước đi. Nó cần lắm sự quảng đại, trung tín, nỗ lực và sáng tạo của bạn trong từng giờ cầu nguyện. Nguyện chúc bạn đi đến được điểm hẹn với Giêsu, và luôn có Giêsu trong trái tim mình. 

Kính dâng chuyên mục Tâm điểm Giêsu dưới sự bảo trợ của các Thánh Tử đạo Việt Nam.

AMDG

24/11/2021

Ảnh: Internet


[1] Để tìm các bài Phương pháp cầu nguyện theo lối Linh thao, bạn gõ vào ô tìm kiếm của Blog này từng cụm từ sau: Phương pháp suy niệm, Phương pháp chiêm niệm, Phương pháp suy xét, Phương pháp áp dụng ngũ quan, Phương pháp phục niệm, Ba Phương pháp khác.

23/11/21

Thứ tư 24/11/2021– Lễ Thánh Tử đạo Việt Nam: Nghịch lý (Lc 9, 23-26)

23Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau khi tiên báo lần đầu về cuộc thương khó, đức Giêsu nói với các môn đệ về điều kiện phải có để đi theo Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm sâu xa những đòi hỏi đầy nghịch lý để đi theo Chúa Giêsu, để tôi biết sống theo các giá trị đó và bước đi theo Ngài cách cụ thể mỗi ngày.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện khác]

Gợi ý cầu nguyện

Bản văn được chọn cho ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Mời bạn suy gẫm từng chữ, từng câu. Áp dụng vào các vị tử đạo để có gương sống cụ thể. Cuối cùng áp dụng vào bản thân để xin ơn sống theo sát Lời Chúa.


Lời Chúa

Vài gợi ý suy niệm

23Rồi Đức Giê-su nói với mọi người:

Lời mời dành cho tất cả mọi người.

“Ai muốn theo tôi,

Ý muốn thể hiện tự do và lòng khao khát của con người.

phải từ bỏ chính mình,

Không phải “mất mình”, hay trở về với hư vô, “tiểu ngã hòa vào đại ngã”, mà là từ bỏ sự quy kỷ, khoái lạc và đam mê tội lỗi.

vác thập giá mình hằng ngày mà theo.

“thập giá” là những bóng mờ (shadows), mảng tối, mảng yếu, những giới hạn bản thân và phận người. Học cách chấp nhận chúng và sống khiêm tốn.

24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;

Nghịch lý nắm giữ và tan biến. Nó giống như việc cố nắm chặt nắm cát trong tay.

Ý muốn quy kỷ là quy về mình, về sự sống thể lý tạm bợ này bằng cách hy sinh tất cả những thứ khác và người khác.

còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 

Nghịch lý mất thì được. Yếu tố quan trọng là “mất mạng vì Tôi” – vì Chúa.

Liều: đòi một sự can đảm buông bỏ, vì biết rằng bạn không thể giữ mãi sự sống đời tạm này.

Chính Chúa sẽ “trả lại” sự sống ấy cho tôi. (x. 2Mcb 7, 29)

25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 

Nghịch lý được và mất. Được cái đời tạm, kể cả thế giới; Mất bản thân mình là không thành toàn, không thành thánh.

26Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi,

Cảm xúc, cảm nhận về Lời Chúa và về chính Chúa. Đánh giá thấp hoặc coi làm đáng xấu hổ.

thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Cảm xúc, cảm nhận, chân nhận của Thiên Chúa đối ứng lại. Đây là một lối nói nhấn mạnh để so sánh mức độ khác biệt giữa con người và Thiên Chúa, cảm nhận của con người và Thiên Chúa. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì không ai được hưởng kiến tôn nhan Chúa. “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được” (Tv 130, 3).

Kết nguyện

Nài xin cùng các Thánh Tử đạo Việt Nam để các Ngài chuyển cầu cho bạn biết sống sát Lời Chúa như các Ngài, thậm chí đến cả hy sinh tính mạng.

Dâng 1 Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.