43“Anh
em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44Còn
Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh
em. 45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em,
Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu
cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất
chính. 46Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh
em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế
sao? 47Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có
làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48Vậy
anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Nhập nguyện
- Tập trung ý thức -
Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
- Tổng nguyện: “Xin
cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự
và ca tụng Chúa”.
- Khung cảnh: Những
chất vấn trong đời thường.
- Ơn xin: Xin cho
tôi được ơn hiểu biết cách thức chữa lành các tổn thương sâu để có thể sống lời
mời gọi yêu thương mà Chúa Giêsu dạy: Hãy yêu kẻ thù!
- Lối cầu nguyện:
Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy niệm]
Gợi
điểm cầu nguyện
1/ Tâm lý tự nhiên (c. 43)
Theo con người tự nhiên, người ta
thích ngọt hơn đắng/chua/cay, thích mềm hơn cứng, thích nhẹ hơn nặng… Người ta
cho đi thì mong được đáp lại. Người ta yêu thương những ai yêu thương mình. Khi
bị đối xử nghiêm khắc, cứng rắn, hoặc tệ bạc, cảm giác khó chịu dẫn đến cảm giác
không thích, thậm chí chuyển qua thù ghét đối tượng đã gây ra điều đó.
“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét
kẻ thù”là cách nói rất hợp với tâm lý tự nhiên và làm thỏa mãn tính tự nhiên.
Ta thấy nó vừa phù hợp, vừa dễ thực hiện. Người Do Thái xưa (và các bộ tộc cổ cũng
thế) được dạy là phải “yêu đồng loại” hiểu là người cùng dân tộc mình; và ghét
kẻ thù là quân địch (các bộ tộc khác). Trong bối cảnh lịch sử chiến tranh sắc tộc
thường xuyên thì điều đó là một mệnh lệnh để giữ an toàn cho đất nước.
Mời bạn ngẫm lại bản thân xem mình
từng sống theo nguyên tắc tâm lý tự nhiên này như thế nào. Hệ quả của việc chọn
sống như thế mang đến điều gì cho đời bạn?
Nếu bạn nhận ra mình có những tổn
thương vì nhu cầu tâm lý tự nhiên không được đáp ứng, đừng ngại tìm đến tham vấn
để được chữa lành.
2/ Tâm lý siêu nhiên (cc.
44-48)
Khi đến trần gian, Chúa Giêsu dạy
“hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Yêu đồng loại
được đã là tốt rồi, nhưng chưa đủ để trở thành người môn đệ Chúa Kitô. Bạn cần mở
rộng tình yêu đến cả “kẻ thù”. Tuy nhiên ta thường cảm thấy mệnh lệnh này là “bất
khả thi”.
Khi bạn né tránh những vết thương
tâm lý, hoặc nuôi dưỡng cảm xúc tổn thương thì sẽ cảm thấy lời mời gọi “hãy yêu
kẻ thù” không thể thực hiện được. Vậy hãy đối diện với những vết thương và xin
Chúa chữa lành chúng, để bạn có thể tha thứ cho người/môi trường đã gây tổn thương
– và bạn sẽ có sức mạnh để yêu thương lại “kẻ thù” là người/môi trường đã từng
gây tổn thương cho bạn. Mời bạn nói với Chúa về những tổn thương – cầu xin ơn
chữa lành – và kết nối lại với người/môi trường – xây dựng lại những mối tương
quan với nhiều tình yêu hơn. [Đây là kinh nghiệm của người viết bài này xin
chia sẻ với bạn.]
Bạn có từng cảm thấy nơi mình hoặc
ai đó phải gồng lên để sống “chữ hiếu” theo văn hóa Việt và theo điều Đạo dạy
chưa? Họ có thể làm việc vất vả để có tiền gởi về cho cha mẹ, nhưng không muốn ở
gần để chăm sóc cha mẹ! Hãy hiểu rằng đâu đó trong họ vẫn còn những vết thương
sâu chưa được chữa lành.
Kết nguyện
Thân thưa với Chúa về những mối tương
quan căng thẳng, đổ vỡ, tổn thương. Xin Ngài chữa lành bạn và giúp cho bạn có năng
lực để yêu lại những người/môi trường đã làm bạn bị tổn thương.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.