Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

15/12/23

[Thắp nến Mùa Vọng] 17/12/2023 – Niềm vui không thể tắt

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng. 2 cây nến tím đã được thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Trong Chúa Nhật Hồng hôm nay, chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây trước Vòng nến Mùa Vọng, để cùng nhau khơi lên niềm vui vì niềm hy vọng “Chúa sắp đến rồi, Ngài không trì hoãn”. Thắp thêm một ngọn nến là cách nhắc chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và nhắc nhớ về việc Thiên Chúa hằng viếng thăm vũ trụ này từng giây từng phút.

HD 2: Bài trích sách Isaia (Is 61,1-4)

1Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi,

vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi,

sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,

băng bó những tấm lòng tan nát,

công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,

ngày phóng thích cho những tù nhân,

2công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA,

một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta;

Người sai tôi đi an ủi mọi kẻ khóc than,

3tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on

tấm khăn đại lễ thay tro bụi,

dầu thơm hoan lạc thay tang chế,

áo ngày hội thay tâm thần sầu não.

Người ta sẽ gọi họ là cây thánh rừng thiêng,

là vườn cây ĐỨC CHÚA trồng để làm cho Người được vinh hiển.

4Họ sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa,

sẽ dựng lại những hoang tàn thuở trước,

tu bổ những thành bị bỏ hoang,

những chốn hoang tàn từ bao thế hệ.


Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta niềm vui của thời gian chờ mong vì điều được chờ mong đã gần đến; Đồng thời Giáo Hội cũng nâng đỡ những tâm hồn mệt mỏi vì phải chờ quá lâu. Người đến, đang đến, và hằng bước đến là lời vang lên trong những ngày này.

Nhìn vào những cuộc chạy đua vũ trang, những quyết tâm “tiêu diệt kẻ thù”, người ta mất hy vọng vào việc hòa bình có thể tái lập tại những vùng chiến sự. Từng ngày, từng giờ trôi qua trả giá bằng mạng người, đặc biệt là thường dân, trong đó khoảng 70% là phụ nữ và trẻ em. Còn hy vọng nào khi nhìn vào đống đổ nát, người dân bị ép rời khỏi nhà họ, của cái của họ bị cướp mất; trong khi mỗi ngày lại có thêm những sinh mạng bị cướp đi. Và cả số phận của những con tin…

Trong các gia đình, thực trạng của những mối tương quan đổ vỡ đến mức không thể cứu vãn, những gia đình ly tán, những xung đột thường xuyên giữa những người trong một gia đình; và những cuộc nội chiến và chiến tranh xâm lược, liệu bạn còn giữ được niềm tin vào “đấng được xức dầu” sẽ đến và được “sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA”?

Liệu bạn còn tin rằng chính Người sẽ chữa lành chúng ta:

Người sai tôi đi an ủi mọi kẻ khóc than,

3tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on

tấm khăn đại lễ thay tro bụi,

dầu thơm hoan lạc thay tang chế,

áo ngày hội thay tâm thần sầu não.

Bạn có tin rằng chính Người sẽ phục hồi bạn để mỗi người chung tay tái thiết những tàn tích cổ xưa,

sẽ dựng lại những hoang tàn thuở trước,

tu bổ những thành bị bỏ hoang,

những chốn hoang tàn từ bao thế hệ.

Mời bạn dành chút thời gian thinh lặng để nghiệm về niềm vui không thể tắt mà Người muốn tặng ban cho chúng ta ngay giữa những gian nan thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN HỒNG) Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui, một niềm vui không thể tắt. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta trở nên người an vui.

(đọc giọng thơ)

Bạn có nghe không tiếng chân người lặng lẽ

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Mọi lúc mọi thời, từng ngày từng đêm

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Những khúc ca tôi hát với bao tâm trạng

Mà giai điệu chỉ công bố một điều:

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Tháng Tư, chân Người xuyên qua rừng nắng thơm

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Tháng Bảy, Người cưỡi mây mưa trong đêm tối

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Tôi muộn phiền vì tiếng chân Người đè nặng

Và òa vỡ khi chạm đến gót chân Người.

(Thơ Dâng. Rabrindranath Tagore. DHM chuyển ngữ)

Cộng đoàn hát: Nào vui lên – Mi Trầm

ĐK: Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi loan báo niềm vui cứu đời. Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi, ta hãy mừng vui trong Chúa Trời.

1. Nào ta vui lên vì Chúa đến ở giữa dân người ban xuống niềm vui cho Thế nhân thôi hận thù. Nào ta vui lên vì Chúa đến cứu thoát muôn người ban xuống niềm vui cho ngày mai thêm đẹp tươi.

Hoặc nghe Faith is the victory (English)

https://www.youtube.com/watch?v=DSNMQAVe7FE

hoặc bài Tân ca –Tiến Lộc https://soundcloud.com/votienphat/t-n-ca-lm-ti-n-l-c

HD 1: Lạy Mục Tử Giêsu, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến, xin mang đến cho chúng con niềm vui vì biết rằng Ngài chắc chắn sẽ đến để cùng đưa chúng con và vạn vật tiến vào trong Thiên Chúa Ba Ngôi hằng sống và yêu thương. Xin cho chúng con trở nên chứng tá cho niềm vui bất biến này giữa một thế giới đang mất đi niềm vui khi nghĩ đến tương lai. Chúng con cầu xin trong danh thánh Mục tử Giêsu, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

Ảnh: Internet. 

14/12/23

Thứ sáu MV.II: Hòa điệu (Mt 11,16-19)

16“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17và nói:

‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không đấm ngực khóc than.’

18“Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 19Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu giảng về Giáo Hội bằng cách ví von so sánh.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được lời dạy kín đáo của đức Giêsu dành cho mình hôm nay, để tôi nhận ra tình trạng bất tương hợp của mình mà hoán cải trong Mùa Vọng này.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Bất tương hợp

Nhằm giúp đặt khung cảnh tốt cho bài cầu nguyện, bạn hãy nhớ lại những khó khăn và chống đối mà đức Giêsu đã gặp phải trong hành trình đi rao giảng; nhớ đến những điều khập khiễng Ngài nhìn thấy và nghe được giữa lối sống và lời dạy bảo của giới lãnh đạo tôn giáo, giữa khao khát và chọn lựa trong cuộc sống của nhiều người.

Bạn cũng nhớ đến những bất tương hợp giữa điều bạn tin và điều bạn sống, sự phân tách giữa đạo và đời, những mặt nạ bạn mang để ứng phó với con người và những tình huống khác nhau…

2/ Hòa điệu (cc. 16-17)

Suy ngẫm về cách đức Giêsu giúp con người nhận ra sự khập khiễng này.

+ Những người lớn được so sánh với những đứa trẻ. Liệu tôi có phải là “trẻ em nhiều tuổi”?

+ Bối cảnh là những trò chơi con nít. Phải chăng cuộc sống của tôi đang chỉ là một trò chơi con nít?

+ Lũ trẻ chơi với nhau nhưng không hòa điệu với nhau. Đâu là những rạn nứt trong tâm hồn tôi làm tôi phân mảnh? Đâu là những rạn nứt trong tương quan với người khác làm tôi bất hợp tác, bất hòa, chống đối?

-   Thánh Phaolô nói về sự hòa điệu: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Bạn dành thời gian để tự vấn về mức độ hòa điệu nơi bản thân, trong tương quan với người khác và với chính Thiên Chúa.

3/ Sống khôn ngoan (cc. 18-19)

Đức Giêsu nhắc lại những comments (lời bình phẩm) người ta dành cho ông Gioan Tẩy Giả và cho chính Ngài. Tạm gọi là cái gì cũng nói được, mà toàn theo chiều hướng tiêu cực.

Bạn đang sống trong một thế giới công nghiệp với nhịp độ quá nhanh. Bạn được yêu cầu nghĩ nhanh, nói nhanh, làm nhanh. Nhịp điệu đó có làm bạn mất cơ hội “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói? Bạn có phương cách nào để bớt phạm lỗi do quá nhanh?

Bạn cũng đang sống trong một thế giới ẩn mình sau màn hình. Hãy xét xem mỗi ngày bạn gởi đi bao nhiêu comments? Chúng mang tính tích cực và khích lệ, trung tính, hay tiêu cực?

Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” – Bạn được mời để sống cách khôn ngoan trong thế giới này. Bạn tìm ra cách thức nào để sống khôn ngoan?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bài học bạn học được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest



7/12/23

[Thắp nến Mùa Vọng] 10/12/2023 –Tình yêu xóa bỏ hận thù

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để cùng nhau chuẩn bị tâm hồn đón chờ cuộc quang lâm của Chúa. Để chuẩn bị, chúng ta hãy xin ơn biết sống trọn vẹn thời gian Chúa dành tặng cho mỗi người, tích cực xây dựng Nước Thiên Chúa từ hôm nay.

HD 2: Bài trích Tin mừng theo thánh Matthêu – Mt 5,43-48

43“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Đó là lời Chúa – Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa.

HD 1: Suy niệm

Thông điệp Fratteli Tutti (Tất cả là anh em) gợi lên tình bằng hữu đại đồng, “tứ hải giai huynh đệ”. Tình bằng hữu đó vượt biên giới và vượt thời gian.

“bác ái tự thân” (charity starts at home) là nguyên tắc làm bác ái có trật tự, bắt đầu từ người thân cận nhất, nhưng không phải là đích cuối cùng của bác ái. Đó là trật tự để đạt đến lối sống “yêu người như chính mình”.

“Yêu đồng loại” không bị bó hẹp trong những người cùng sắc dân, mà là vươn đến mọi người; vươn xa đến mức không còn phân biệt bạnthù. Đó là mơ ước xây dựng hòa bình của Chúa Giêsu.

Lịch sử chiến tranh của nhân loại và những cuộc chiến tranh đang tiếp diễn, hầu như đều có lý do của nó – chính nghĩa và phi nghĩa. Yếu tố ẩn bên dưới thường bao gồm những vết thương quá khứ giữa các dân tộc và nhóm người mà chưa được chữa lành và tha thứ cho nhau.

Khi người ta hỏi Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận về kinh nghiệm đau khổ trong tù, Ngài từ chối kể. Ngài nói: “Tôi muốn hòa bình.” Kể lại vết thương cá nhân hoặc dân tộc đôi khi làm dấy lên lòng hận thù, nuôi dưỡng lòng hận thù. Cuộc sống không hoàn hảo thường mang đến cho mỗi chúng ta sự ít hài lòng, thậm chí là những vết thương. Thật khôn ngoan khi mỗi cá nhân, nhóm, và đôi khi cả một dân tộc tìm được cách để chữa lành những vết thường bằng liệu pháp tâm lý và thiêng liêng; mà không cần phải “chất than hồng lên đầu kẻ thù”. Việc tha thứ thường chỉ đến sau khi vết thương được chữa lành. Chỉ khi đó chúng ta mới thực hiện được lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Chúa Giêsu còn đi xa hơn rất nhiều khi đưa ra các lý do khác: Là con Chúa thì sống “siêu vượt” hơn người khác; thậm chí sống hoàn thiện như “Cha trên trời”. Lý do quan trọng hơn cả là “trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”

Chính Chúa Giêsu đã phá vỡ vòng tròn của hận thù và trả thù bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Con Thiên Chúa chọn con đường khiêm hạ để mang hạt giống Tình Yêu là chính Ngài vào thế giới này qua con đường nhập thể. Ngài ước mong đích đến của toàn vũ trụ tạo thành là một Vương quốc Tình yêu. (Thinh lặng một chút)

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM thứ hai (cây nến tuần I đã thắp sẵn)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Bê-lem mang đến Tình yêu. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta, các đoàn thể, các dân tộc được chữa lành khỏi vết thương quá khứ để cho thể tha thứ và ôm lại những “kẻ thù”, mà cùng nhau xây dựng một vương quốc yêu thương.

   Đôi khi thao thức mãi không ngủ
   Mải nghĩ về bao chuyện nát con tim.

Người đau khổ, mất mát, và vô tín

Cầu mong họ đón nhận lấy Giêsu.

 

Đôi khi thao thức mãi không ngủ

Mải nghĩ về những con người vô vọng.

 

Kẻ gian tà, kẻ bạo lực, hạt giống xấu xa

Cầu mong họ được nhận biết Giêsu.

 

Đôi khi thao thức mãi không ngủ
Mong nhiều sinh linh tìm thấy Con Đường.

(Awake I lay – by Deborah Ann Belka – DHM chuyển ngữ)[1]

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con không oán hờn và không ghen ghét. Xin cho lòng chúng con luôn quảng đại và luôn tha thứ. Xin cho lòng chúng con yêu mến người, yêu suốt đời, chỉ biết sống hiến dâng phục vụ và hướng đến ân tình trời cao.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài hát: Vì Chúa là tình yêu (Kim Long) https://www.youtube.com/watch?v=1R2xWdm36PA

Hoặc Hãy yêu kẻ thù (Huỳnh Minh Kỳ - Đinh Công Huỳnh) https://www.youtube.com/watch?v=Pv7eLtrmKq4  

Lời nguyện kết thúc: (HD 1 hoặc đọc chung):

Lạy Thái Tử Hòa Bình, xin dạy chúng con biết nuôi dưỡng tâm tình hòa bình trong trái tim mình, biết nói ngôn ngữ bình an và hành động cách an hòa. Giữa một thế giới đầy căng thẳng, chia rẽ và chiến tranh từ trong gia đình, cộng đồng và quốc gia, xin cho chúng con trở nên chứng tá hòa bình. Xin cho chúng con luôn tín thác vào vị Thái Tử Hòa Bình, để chúng con hằng cầu nguyện cho sự bình an trong tâm hồn và cho nền hòa bình giữa các dân tộc, để tình yêu bừng cháy xóa tan hận thù, nối liền bờ cõi, nối kết chúng con với nhau và với chính Chúa. Chúng con cầu xin nhờ danh thánh tử Giêsu, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

Ảnh: Etsy

[1] Sometimes in bed,
I lay awake . . .
and I think about
all the heartbreak.
 
The sorrow, the loss,
of all who don’t believe
and I pray that Jesus
they would receive.
 
Sometimes in bed,
I lay sleepless . . .
and think about
all the bleakness.
 
The malice, the violence,
of all who darkness sow
and I pray that Jesus
they would come to know.
 
Sometimes in bed,
awake I lay . . .
and I pray more lives
would see the Way! 

  

29/11/23

[THẮP NẾN MÙA VỌNG] 3/12/2023 – Hy vọng Thái tử hòa bình đang đến

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhớ chúng ta về một Năm phụng vụ nữa lại bắt đầu trong hành trình đời mỗi người, một lời mời gọi lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa được gởi đến chúng ta.

Mùa Vọng là mùa ngưỡng vọng về Chúa, mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Êdêkien – Ed 34, 2b-6.11-16

2ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? 3Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. 4Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. 5Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. 6Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.

11Quả thật, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. 12Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày người ấy ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. 13Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. 14Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. 15Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. 16Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

Suy niệm (HD 1)

Trong bối cảnh nhiễu nhương của đất nước nhỏ bé Israel thời đầu thế kỷ VI trước Công Nguyên, khi các vương quốc lớn liên tục thâu tóm đất nước Israel, tình hình chính trị và tôn giáo bất ổn, đời sống dân chúng khổ ải và không được chăm sóc. Kế đó là cuộc lưu đày Babylon, trong số đó có ngôn sứ Êdikien cũng bị bắt đi lưu đày. Họ bị mất tất cả.

Trong đau khổ, họ không đọc được ý nghĩa và càng không hiểu được tại sao Thiên Chúa lại để họ phải khổ như vậy. Mặt khác, vì không nhận ra lỗi lầm của mình để hoán cải, họ nghĩ rằng thời gian lưu đày sẽ rất ngắn. Cùng chia sẻ thân phận lưu đày, ngôn sứ Êdêkien vừa lên án niềm tin ấu trĩ rằng thành Giêrusalem là sự bảo đảm cho đức tin của họ; đồng thời ông nâng đỡ niềm tin bị tàn lụi theo năm tháng của những người đi lưu đày.

Bản văn chúng ta vừa đọc nằm trong bối cảnh Êdêkien nâng đỡ niềm tin tàn lụi của dân lưu đày. Bối cảnh câu chuyện này gợi lên cho chúng ta những thất vọng đang gặm nhấm chúng ta do suy thoái kinh tế, thất nghiệp, chính sách an sinh xã hội, cách quản trị của các đơn vị lớn nhỏ theo từng nước, từng vùng và toàn cầu. Lời mời gọi được gợi đến chúng ta là nghiệm cho biết ý nghĩa của những gì đang diễn ra dưới lớp vỏ hào nhoáng của thế giới hiện tại.

Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng hòa bình đặt trên nền tảng là chính Thiên Chúa sẽ đến và thiết lập hòa bình trong vương quốc của Ngài. “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”. (Rm 14,17) Bạn có tin vào việc chính Thiên Chúa sẽ thiết lập Nước Thiên Chúa và luôn chăm sóc bạn?

Chúng ta hãy bước đi cùng nhau trong Mùa Vọng 2023 với niềm hy vọng mới này. Cùng với Chúa, chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng mới và trở nên người mang niềm hy vọng hòa bình. (Thinh lặng một chút).

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên) Chúng ta cùng thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng.

Bạn có nghe không tiếng chân người lặng lẽ

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Mọi lúc mọi thời, từng ngày từng đêm

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Những khúc ca tôi hát với bao tâm trạng

Mà giai điệu chỉ công bố một điều:

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Tháng Tư, chân Người xuyên qua rừng nắng thơm

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Tháng Bảy, Người cưỡi mây mưa trong đêm tối

Người đến, đang đến, và hằng bước đến.

 

Tôi muộn phiền vì tiếng chân Người đè nặng

Và òa vỡ khi chạm đến gót chân Người.

(Thơ Dâng. Rabrindranath Tagore. DHM chuyển ngữ)

(Thơ Dâng, số 45. Rabrindranath Tagore. DHM chuyển ngữ)

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Lời nguyện kết thúc (HD 1 hoặc đọc chung): Lạy Mục Tử là Thái Tử Hòa Bình, xin Ngài mau đến cứu giúp chúng con. Xin cho chúng con trở nên những người cưu mang và lan tỏa hy vọng giữa một thế giới đang bị phân rẽ vì giàu nghèo, chiến tranh, hận thù và các quyền lợi khác. Vì chỉ có Ngài là nền tảng cho chúng con dựa vào để bước tiếp hành trình hy vọng. Chúng con cầu xin nhờ danh thánh tử Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

Ảnh: Pinterest

[THẮP NẾN MÙA VỌNG] Hy vọng khi chẳng còn gì để hy vọng/Hope against hope

Bạn mến, Thánh giáo hoàng Phaolô VI (1897-1978) đã phát biểu tại cuộc viếng thăm Liên Hiệp Quốc ngày 4/10/1965 rằng: “No more war, war never again” / “Sẽ không còn chiến tranh, không bao giờ chiến tranh lần nữa”. Kinh nghiệm đó quá gắn liền với kinh nghiệm đau thương của Thế Chiến II.

Thật vậy, tài liệu của Công đồng Vatican II (1962-1965) là Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes. 1965) có viết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại.”

Vâng, nhân loại, vì tư lợi, vì vết thương quá khứ, vì không thể chấp nhận và tha thứ mà chiến tranh lớn nhỏ vẫn cứ tiếp diễn! Những tưởng với kinh nghiệm đau thương của hai cuộc thế chiến, với những nỗ lực thiết lập các cơ quan quốc tế, những cam kết bảo vệ và xây dựng hòa bình, với những phương tiện hiện đại và tầm mức nhân văn của xã hội loài người trong thế kỷ XXI thì khẩu hiệu “war no more”/ “Không còn chiến tranh” sẽ được hiện thực hóa. Thực tế đang chứng minh điều ngược lại, và cho thấy giới hạn của con người trong ước mơ xây dựng hòa bình. Chính trong bối cảnh đó, bạn được mời gọi bước đi với chủ đề thắp nến năm nay: Hy vọng khi chẳng còn gì để hy vọng/Hope against hope.

Bài hát Hy vọng đã vươn lên: https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A

Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền

Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến

Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt

Hy vọng đã vươn dậy như làn tên

đang rực lên

trong màn đêm

 

Hy vọng đã vươn lên trong nhà hoang trên ruộng cằn

Hy vọng đã vươn lên bên nương buồn dòng sông vắng

Hy vọng đã vươn lên trong lòng thuyền còn xa bến

Hy vọng đã vươn dậy như triều dâng

cho buồm căng

xuôi trường giang

 

Hy vọng đã vươn lên trên bàn tay trên mặt mày

Hy vọng đã vươn lên trong tim người không bối rối

Hy vọng đã vươn lên chân nhịp nhàng còn đi tới

Hy vọng đã vươn dậy trong lòng anh

trong lòng tôi

trong lòng đi

 

Hy vọng đã vươn lên trong mộ sâu quên ưu sầu

Hy vọng đã vươn lên dưới mặt trời thêm phơi phới

Hy vọng đã vươn lên trong cuộc tình toàn thế giới

Hy vọng đã vươn dậy trong ngày qua

sang ngày nay

cho ngày mai

For English listening: War/No more trouble - https://www.youtube.com/watch?v=fgWFxFg7-GU (2009)

Until the philosophy which hold one race superior and another
Inferior is finally and permanently discredited and abandoned
Well, everywhere is war, yeah
Me say war
And until there is no longer first class and second class citizens of any nation
Until the colour of a man's skin is of no more significance than the colour of his eyes
I have to say war, yeah

And until the basic human rights are equally guaranteed to all, without regard to race
This a war
But until that day
The dream of lasting peace, world citizenship
And the rule of international morality, yeah
Will remain in but a fleeting illusion to be pursued, but never attained
Well, everywhere is war
This a war

War in the east, war in the west
War up north, war down south, yeah
This a war, war
And the rumours of war

And until the ignoble and unhappy regime that hold our brothers in South Africa, yeah
South Africa, yeah, sub-human bondage have been toppled, utterly destroyed
Well, everywhere is (war)
Everywhere, everywhere, everywhere (war)
Everywhere, everywhere, everywhere

War in the east, war in the west
War up north, war down south, yeah
This a war, war
And the rumours of war

And until (war)
And until (war)
And 'til all these things have a meaning to men on earth
There'll be always war, now
There'll be always war

And the war in the east
War in the west
War up north
War down south
Some winnin'
Some losin'
Some dyin'
Some cryin'
Some singin'

We don't need
No more troubles
We don't need
No more troubles, no more troubles, no more troubles
No more trouble, 'ey!
What we need is love (love)
To guide and protect us on (on)
If you're up, look down from above ('bove)
After we give you more strong

We don't need no trouble (spread love)
What we need is love (what we need is love, sweet love)
We don't need
(No more troubles) no more troubles, no more troubles, no more troubles
We don't need
We don't need no more troubles, no more war, no more war
No more war, I say

Speak happiness
Sad enough without your wars
Come on and speak love
Sad enough without your fault, yeah
We don't need no trouble (spread love)
What we need is love (what we need is love, sweet love)
We don't need

Source: Musixmatch

Songwriters: Norman Whitfield / Barrett Strong

War / No More Trouble lyrics © Cayman Music, Stone Agate Music, Fifty Six Hope Road Music Ltd., Blackwell Fuller Music Publishing Llc 

Ảnh: Internet

27/11/23

Thứ ba TN.XXXIV: Điềm báo trước (Lc 21,5-11)

5Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: 6“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” 7Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”

8Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo họ. 9Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” 10Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà dạy các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy qua những dấu chỉ thời đại, để tôi sống điều Ngài truyền dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Xin đề nghị một cách phân chia bản văn như sau: cấu trúc liên tiến: yếu tố câu chuyện được lặp lại và đẩy nội dung đi tới.

A: Sự kiện thực tế (cc. 5-6)

B: Hỏi về điềm báo trước (c. 7)

A’: Lạm dụng dấu chỉ (c. 8)

B’: Điềm báo trước (cc. 9-11) 


1/ Chú giải hiện tượng (cc. 5-6.8)

Con người thường có nhu cầu thỏa mãn sự hiểu biết của trí óc, nên luôn tìm cách lý giải các hiện tượng, sự vật trong đời thường. Trong xã hội nông nghiệp, khả năng này giúp con người nhận biết được rất nhiều quy luật trời đất để phục vụ sản xuất. Dần dà con người chế tạo những phương tiện máy móc để nhận biết luật tự nhiên nhiều hơn, rồi đo lường cả chuyển biến tâm lý con người…

Cũng không hiếm việc người ta chú giải cách hiện tượng theo cái nhìn tâm linh, đoán vận mệnh tương lai… Sự giới hạn của con người làm cho chúng ta căng mình ra để tìm cách bảo toàn mình trong thế giới tự nhiên bằng mọi cách. Bạn hãy suy nghĩ về khả năng này được trao cho con người và thân thưa với Chúa về điều đó.

Mặt khác, bạn cũng dễ bị nhầm lẫn, bị dụ dỗ vì những cách lý giải có vẻ phù hợp (logic) hoặc hợp với cái nhìn tâm linh. Bạn có kinh nghiệm nào bị dẫn dụ như thế?

Sống trong tuần cuối của năm phụng vụ, bạn có đặt Đức Kitô là nền tảng cho mọi lý giải hiện tượng tự nhiên và các biến cố xã hội và tôn giáo?

2/ Điềm báo trước (7.9-11)

Tâm thức con người muốn biết trước, ít là bằng “những điềm báo trước” để cảnh giác, để chuẩn bị cách ứng phó. Ở mức độ vừa phải, điều này thuộc về ơn biết lo liệu. Nhưng khi nó trở nên thái quá thì bạn sẽ thấy mọi sự là một sự đe dọa, điềm gở.

Thiên Chúa vẫn luôn đặt những “điềm báo trước” trong quy luật thiên nhiên; để hướng con người đến trật tự mới cao hơn: những chọn lựa thiêng liêng.

Mời bạn dành thời gian để nhận ra những “điềm báo trước” trong đời bạn. Chọn lựa của bạn là gì?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những điều bạn nhận ra qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.


  

21/11/23

[21/11 Lễ Mẹ Maria được dâng vào đền thờ] Thuộc về (Mt 12,46-50)

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Mẹ Maria và anh em đức Giêsu đi thăm đức Giêsu trong thời gian Ngài thi hành sứ vụ công khai..

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được sự cao quý của mối tương quan thiêng liêng mà đức Giêsu dành cho tôi, để tôi sống trong tương quan mật thiết với Ngài hơn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Truyền thống lễ Đức Maria được dâng vào Đền Thánh: Câu chuyện về cuộc chào đời của đức Maria được kể trong ngụy thư thánh Giacôbê; dựa theo truyền thống của những câu chuyện hiếm muộn sinh con trong lúc tuổi già của bà Anna (mẹ ông Samuen), bà Êlisabet (mẹ ông Gioan Tẩy Giả). Tên cặp vợ chồng già này được kể là Gioakim và Anna. Theo ngụy thư, đức Maria được dâng vào đền thờ Giêrusalem lúc 3 tuổi. Dù không có chứng cứ lịch sử, lễ Mẹ Dâng Mình mang một ý nghĩa thần học lớn lao: Chúng ta được sinh ra và thuộc về Thiên Chúa, dù là nam hay nữ.

Lễ Mẹ Dâng Mình được cử hành từ thế kỷ VI ở Giêrusalem và một nhà thờ được xây dựng để tôn kính. Lễ này được Giáo Hội Đông Phương chú trọng. Đến thế kỷ XI, lễ được lan truyền qua Giáo Hội Tây Phương. Đến thế kỷ XVI, lễ được cử hành trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo Rôma.

1/ Lẽ tự nhiên (cc. 46-48)

Trong thời gian đức Giêsu đi rao giảng, thi thoảng mẹ Maria và các anh chị em bà con đi thăm Ngài. Hãy đọc lại bản văn để khám phá cách chi tiết cuộc viếng thăm lần này.

Đi thăm người thân là chuyện hết sức tự nhiên. Mời bạn dành thời để suy ngẫm những điều sau:

+ Dành thời gian để đi thăm người thân, bạn bè

+ Cùng nhau đi thăm người thân, bạn bè ở xa

+ Dịp nào và câu chuyện gì bạn muốn chia sẻ và lắng nghe trong chuyến viếng thăm đó? Về tin tức gia đình? Công ăn việc làm? Về đức tin? Về niềm hy vọng và đau khổ?...

+ Bạn cảm thấy thế nào trước thái độ và câu hỏi của đức Giêsu khi biết tin mẹ mình và các anh em đến thăm và muốn gặp mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 

Hãy thân thưa với Chúa về các mối tương quan trong đời thường của bạn và cách thức bạn nuôi dưỡng những mối tương quan này.

2/ Lẽ siêu nhiên (cc. 49-50)

Nếu chỉ dừng lại ở mức độ tương quan huyết thống theo lẽ tự nhiên, thì câu chuyện này không có can hệ gì đến chúng ta – những người Việt Nam sống ở thế kỷ XXI.

Đức Giêsu đã mở ra một mức độ tương quan khác: “Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.’”

Tiêu chí của mối tương quan này là: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Mời bạn dành thời gian để khám phá mối tương quan theo lẽ siêu nhiên này; về mức độ bạn ý thức về nó và về cách thức bạn nuôi dưỡng mối tương quan này mỗi ngày.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu, Đấng mời bạn đi vào mối tương quan thiêng liêng với Ngài về mức độ tương quan của bạn với Ngài và ngược lại.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest.

18/11/23

Thứ bảy TN.XXXII: Kiên tâm cầu nguyện (Lc 18,1-8)

1Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’”

6Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ kiên tâm cầu nguyện bằng dụ ngôn.
  • Ơn xin: Xin cho tôi học được bài học đức Giêsu dạy để biết quảng đại dành thời gian cầu nguyện, và tin vào kết quả lớn lao của cầu nguyện, dù không dễ đo đếm được chúng.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Mẫu gương cầu nguyện (c.1)

Nhìn ngắm đức Giêsu cầu nguyện trong suốt hành trình dương thế của Ngài.

+ Khi nhỏ Ngài đã học và thực hành cầu nguyện thế nào?

+ Suốt 30 năm ẩn dật, Ngài đã chiêm ngắm thế giới thiên nhiên, câu chuyện đời thường bằng con mắt siêu nhiên thế nào? Ngài đã quy chúng về Chúa Cha thế nào? Ngài đã đọc được ý nghĩa gì trong đó?

+ Trong những năm hoạt động công khai, Ngài đã cầu nguyện thế nào? Kết quả của việc cầu nguyện đó thế nào?

2/ “xét xử cho rồi” (cc.2-6)

Đọc lại câu chuyện và ngẫm nghĩ về viên “quan tòa bất chính” – Sống tệ bạc như ông mà cũng không chịu nổi sự phiền toái của những lời kêu cứu của bà góa.

Trong kinh nghiệm đời thường bạn có kinh nghiệm đạt được điều gì đó nhờ kiên trì nài xin? Điều bạn nhận được đến từ ước muốn của người trao hay là từ sự miễn cưỡng?

3/ “mau chóng minh xét” (c.7)

Ngẫm về Thiên Chúa. Giả như bạn nghĩ Ngài “tệ” như vị quan toàn kia thì Ngài vẫn “minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn”. Hơn nữa, hãy chắc chắn rằng “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

Điều còn lại là: điều bạn cầu xin là gì? Nó tốt cho bạn hoặc cho người liên quan không? Bạn muốn thấy kết quả của lời cầu xin theo kiểu nào?

4/ “liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (c.8)

Hãy ngẫm về lời tiên báo ảm đạm này. Liệu rằng đến khi Ngài trở lại, có còn ai còn giữ được đức tin vào Ngài, có còn ai còn đang cầu khẩn Ngài?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về điều bạn vừa được khơi lên trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

14/11/23

Thứ ba TN.XXXII: Làm việc bổn phận (Lc 17,7-10)

7“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’ ? 9Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà dạy các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy trong ngôn ngữ dụ ngôn và qua những dấu chỉ thời đại, để tôi sống điều Ngài dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Trách nhiệm (cc. 7-9)

Tiếp nối ngôn ngữ và hình ảnh dụ ngôn chúng ta đã cầu nguyện vào thứ ba tuần 29 mùa thường niên, hôm nay chúng ta lặp lại cùng bối cảnh và hình ảnh dụ ngôn về người đầy tớ. Bỏ qua những điều tiêu cực của chế độ nô lệ, trong tương quan với Thiên Chúa, hình ảnh người đầy tớ mà đức Giêsu dùng hoàn toàn có giá trị và giúp bạn khám khá ra sự thật lớn lao. Do vậy, mời bạn đặt mình vào trong nền văn hóa của thời còn chế độ nô lệ để thấy hết trách nhiệm của người đầy tớ. Họ hoàn toàn thuộc về chủ, phục vụ chủ mọi sự mà không có quyền đòi bất cứ một quyền lợi hay lòng biết ơn của chủ cho những việc phục vụ của họ.

Mời bạn đọc chậm rãi đoạn văn và suy ngẫm về:

+ Những nhiệm vụ của một đầy tớ được xã hội quy định;

+ Những điều đương nhiên trong tương quan chủ-tớ

2/ Làm việc bổn phận (c. 10)

Thánh Inhã nhắc đến quy luật này trong số linh thao 23: “Con người được tạo dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và NHỜ ĐÓ cứu rỗi linh hồn mình”. Giới từ “nhờ đó” không có nghĩa là bạn lập công để tự cứu linh hồn mình, nhưng có nghĩa là “ngang qua đó” hoặc “song song” với việc ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, linh hồn bạn được cứu độ. Do vậy, hãy cứ làm những “bổn phận” của một thụ tạo, và Thiên Chúa sẽ cứu độ bạn.

Bạn dành thời gian để suy ngẫm về những cách thức bạn đang lo cho mình được ơn cứu rỗi. Cách thức và thái độ có phù hợp với tinh thần “tôi là một đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”?

Bạn có thể cùng với Đấng đáng kính Phanxicô Nguyễn Văn Thuận suy tư và cầu nguyện về bổn phận qua những câu được trích trong tập Đường hy vọng.

“Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại” (số 17)

“Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận con. Thánh hóa chính mình con trong bổn phận.” (số 19)

“Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở quân đội, bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở. Mỗi bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận.” (số 24)

“Chỉ cần làm bổn phận trong giây phút hiện tại là nên thánh. Một khám phá, một mạc khải đem bình an và phấn khởi cho tâm hồn con.” (Số 31)

“Chính sự chết cũng là bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến” (số 32)

“Chúa muốn mưa, con cũng muốn, - Chúa muốn nắng, con cũng muốn, - Chúa muốn sướng, con cũng muốn, - Chúa muốn cực, con cũng muốn, - Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con.” (số 37)

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những điều bạn học được với Ngài qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet