Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

21/11/23

[21/11 Lễ Mẹ Maria được dâng vào đền thờ] Thuộc về (Mt 12,46-50)

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Mẹ Maria và anh em đức Giêsu đi thăm đức Giêsu trong thời gian Ngài thi hành sứ vụ công khai..

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được sự cao quý của mối tương quan thiêng liêng mà đức Giêsu dành cho tôi, để tôi sống trong tương quan mật thiết với Ngài hơn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Truyền thống lễ Đức Maria được dâng vào Đền Thánh: Câu chuyện về cuộc chào đời của đức Maria được kể trong ngụy thư thánh Giacôbê; dựa theo truyền thống của những câu chuyện hiếm muộn sinh con trong lúc tuổi già của bà Anna (mẹ ông Samuen), bà Êlisabet (mẹ ông Gioan Tẩy Giả). Tên cặp vợ chồng già này được kể là Gioakim và Anna. Theo ngụy thư, đức Maria được dâng vào đền thờ Giêrusalem lúc 3 tuổi. Dù không có chứng cứ lịch sử, lễ Mẹ Dâng Mình mang một ý nghĩa thần học lớn lao: Chúng ta được sinh ra và thuộc về Thiên Chúa, dù là nam hay nữ.

Lễ Mẹ Dâng Mình được cử hành từ thế kỷ VI ở Giêrusalem và một nhà thờ được xây dựng để tôn kính. Lễ này được Giáo Hội Đông Phương chú trọng. Đến thế kỷ XI, lễ được lan truyền qua Giáo Hội Tây Phương. Đến thế kỷ XVI, lễ được cử hành trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo Rôma.

1/ Lẽ tự nhiên (cc. 46-48)

Trong thời gian đức Giêsu đi rao giảng, thi thoảng mẹ Maria và các anh chị em bà con đi thăm Ngài. Hãy đọc lại bản văn để khám phá cách chi tiết cuộc viếng thăm lần này.

Đi thăm người thân là chuyện hết sức tự nhiên. Mời bạn dành thời để suy ngẫm những điều sau:

+ Dành thời gian để đi thăm người thân, bạn bè

+ Cùng nhau đi thăm người thân, bạn bè ở xa

+ Dịp nào và câu chuyện gì bạn muốn chia sẻ và lắng nghe trong chuyến viếng thăm đó? Về tin tức gia đình? Công ăn việc làm? Về đức tin? Về niềm hy vọng và đau khổ?...

+ Bạn cảm thấy thế nào trước thái độ và câu hỏi của đức Giêsu khi biết tin mẹ mình và các anh em đến thăm và muốn gặp mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 

Hãy thân thưa với Chúa về các mối tương quan trong đời thường của bạn và cách thức bạn nuôi dưỡng những mối tương quan này.

2/ Lẽ siêu nhiên (cc. 49-50)

Nếu chỉ dừng lại ở mức độ tương quan huyết thống theo lẽ tự nhiên, thì câu chuyện này không có can hệ gì đến chúng ta – những người Việt Nam sống ở thế kỷ XXI.

Đức Giêsu đã mở ra một mức độ tương quan khác: “Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.’”

Tiêu chí của mối tương quan này là: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Mời bạn dành thời gian để khám phá mối tương quan theo lẽ siêu nhiên này; về mức độ bạn ý thức về nó và về cách thức bạn nuôi dưỡng mối tương quan này mỗi ngày.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu, Đấng mời bạn đi vào mối tương quan thiêng liêng với Ngài về mức độ tương quan của bạn với Ngài và ngược lại.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét