21Bấy
giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy,
nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần
không?” 22Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy
lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
23“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông
vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24Khi
nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến
vàng. 25Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất
cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình
xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27Tôn
chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28Nhưng
vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một
trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ 29Bấy
giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại
cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30Nhưng y không chịu, cứ tống anh
ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31Thấy sự việc xảy ra như
vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu
chuyện. 32Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc
ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33thì
đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương
xót ngươi sao?’ 34Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính
hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35Ấy vậy, Cha của
Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em
không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
Nhập nguyện
·
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính
cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
·
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi
và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
·
Đặt khung cảnh: Câu chuyện được đức Giêsu kể khi
Ngài đang tiến về Giêrusalem, trong khung cảnh của bài giảng về Giáo Hội – biểu
tượng của Nước Trời. Bối cảnh hẹp: cuộc “thanh toán sổ sách”/cuộc xét xử.
·
Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những ân huệ lớn lao
mà tôi nhận lãnh từ Thiên Chúa, nhất là ơn tha thứ muôn vàn tội lỗi cho tôi, để tôi cũng biết đối đãi với anh chị em như Chúa đã đối đãi với tôi.
·
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm:
Phương pháp Suy niệm]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Vấn đề
tha thứ (cc. 21-22)
Mượn thì trả. Nợ
phải trả. Về vật chất khi túng thiếu đã rất khó thực hiện; về tinh thần một khi
đã mang nợ nhau lại càng khó trả hơn. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng mắc nợ
gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lế luật.”
(Rm 13,8) Truyền thống Do Thái-Kitô Giáo liên tục nhắc nhở chúng ta về tình yêu
và sự tha thứ; không chỉ là luật để con người chung sống hòa bình với nhau, mà
còn vì điều đó liên quan đến Thiên Chúa – Đấng yêu thương và luôn tha thứ cho
con người.
Phêrô nêu câu hỏi
về tha thứ với đức Giêsu: tha cho người xúc phạm đến mình có phải đến 7 lần không.
Khi ông dùng con “số nhiều” mang tính biểu tượng cho sự tuyệt đối, chắc hẳn ông
rất tự tin và hài lòng về khả năng tha thứ của mình. Bạn đã từng đặt ra vấn đề xin
người khác tha thứ cho mình hoặc nghĩ rằng mình cần tha thứ cho ai chưa?
Cũng hãy ngẫm nghĩ về câu trả lời
của đức Giêsu dành cho Phêrô, cũng dành cho chính bạn hôm nay: “Thầy không bảo
là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Tâm sự với Chúa
về sự tha thứ trong đời bạn.
2/ Tha thứ
vô tận (cc. 23-33)
Đức Giêsu đã trả
lời cách rõ ràng cho Phêrô. Chắc chắn ông đã hiểu, và bạn cũng thế. Ấy vậy, đức
Giêsu vẫn muốn nhấn mạnh bài học bằng cách kể một dụ ngôn khá dài, với những tình
tiết đối lập. Bạn hãy đọc lại đoạn văn để khắc ghi câu chuyện cách chi tiết.
Đức Giêsu không
chỉ muốn bạn tha thứ bằng lý trí: quyết định bỏ qua sự lỗi phạm của ai đó; Ngài
muốn bạn tha thứ bằng con tim: tha thứ mà cảm thấy được giải phóng khỏi mọi cảm
giác khó chịu còn lại liên quan tới người đó. Muốn vậy, bạn cần cảm nhận được
niềm vui vì chính Thiên Chúa đã tha thứ cho bạn như thế nào. Hãy dành thời gian
để làm điều này trong giờ cầu nguyện này… Sau đó, hãy chọn và thực hiện tha thứ
cho ai đó. Nhớ rằng đừng đi tắt bằng một quyết định của lý trí, mà hãy đi xuyên
qua cảm xúc (xả trừ sự buồn giận nếu cần), rồi mới thật sự làm hành vi tha thứ
tận tâm.
Tha thứ là một
nghĩa vụ của “tình yêu đáp đền tình yêu”. Bạn hãy thực hiện tha thứ theo tiến
trình này.
3/ Thời hạn
“trả nợ” (cc. 34-35)
Trong thời hạn bạn
còn tại thế, bạn được tự do quyết định chọn lựa thời điểm và cách thức để tha
thứ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, thời gian đó không vô biên, nhưng dài ngắn tùy người.
Sẽ đến một ngày bạn phải tổng kết đời mình trước Đấng Toàn Năng, Yêu Thương và
Tha Thứ. Đến lúc đó bạn sẽ thấy được món nợ lớn lao bạn chưa trả được cho Ngài,
mà lại đối xử “bủn xỉn” với người đồng loại sẽ đưa đến hậu quả tàn khốc thế nào.
Tất nhiên, đừng đợi
đến hạn chót mới lo trả nợ. Hận thù là một trong những yếu tố gây nên sự nhiễu
tâm và đau khổ. “Hãy tha thứ, không phải vì người kia, mà vì chính bạn” – người
ta phải nói như thế để “dụ dỗ” bạn tha thứ. Liệu bạn có đang thương chính bạn
như Chúa yêu thương bạn không? Hãy làm gì đó để bạn được hạnh phúc từ bây giờ.
Kết nguyện
Thân thưa với Chúa về câu chuyện nợ ân nghĩa, nợ tha thứ của
bạn.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
Ảnh: Internet