Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

4/12/20

[Thắp nến Mùa Vọng] 06/12/2020 –Tin tưởng sự sống sẽ tái sinh

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng với cây nến tím I đã thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để cùng nhau chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và nhắc nhớ về việc Thiên Chúa hằng viếng thăm vũ trụ này từng giây từng phút.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 30, 19-26

19Phải, hỡi dân Xi-on đang ở Giê-ru-sa-lem,

ngươi sẽ không còn phải khóc nữa.

Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi ;

nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại.

20Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo

và nước uống trong cơn khốn quẫn.

Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt,

và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.

21Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái,

tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau :

“Đây là đường, cứ đi theo đó!”

22Những tượng chạm dát bạc,

tượng đúc bọc vàng của ngươi,

ngươi sẽ coi là ô uế,

sẽ vất chúng đi như đồ dơ bẩn

và nói: “Cút đi!”

23Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng,

cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ.

Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi

sẽ ăn trên những đồng cỏ xanh bát ngát.

24Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối,

cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra.

25Trong ngày đại tàn sát i,

khi các ngọn tháp đổ nhào,

trên mọi núi và mọi đồi cao,

sẽ có những khe suối và dòng nước chảy.

26Vào ngày ĐỨC CHÚA băng bó vết thương cho dân Người,

và chữa lành những chỗ nó bị đánh,

ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời,

và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy

– (như) ánh sáng của bảy ngày (cộng lại).

Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta một niềm tin tưởng được đặt nền nơi Thiên Chúa: Chính Thiên Chúa sẽ nghe tiếng kêu cầu của “các tạo vật đang phải rên siết”, và đích thân Ngài sẽ xuất hiện để chăm sóc, ban lương thực và băng bó vết thương của nhân loại và mọi tạo thành của Ngài. Niềm tin tưởng này cần thiết biết bao cho nhân loại giữa đỉnh cao của đợt dịch đang tái diễn.

Sự sống chỉ có thể tái sinh khi con người biết hoán cải trở về và hợp tác với Đấng Tạo hóa để cùng nhau xây dựng lại thế giới đổ nát do lòng người đã mất đi tình yêu dịu dàng, đôi mắt chiêm ngắm và đôi môi ca tụng (LS 226-227). Bạn có thể kỳ vọng một sự thay đổi có hệ thống trong chính sách quốc tế, khu vực và quốc gia, hoặc trông chờ vào hoạt động của các tổ chức lớn… Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô kỳ vọng một sự thay đổi bắt đầu từ chính mỗi cá nhân (LS 202), mỗi gia đình (LS 213), mỗi cộng đồng địa phương (LS 142. 144-45. 179. 221), mỗi tổ chức dân sự (179).

Bạn được Thiên Chúa tín nhiệm trao cho việc quản trị và chăm sóc hành tinh này. Bạn được vị đứng đầu Giáo Hội tín nhiệm trao nhiệm vụ cho bạn để thực hiện những thay đổi vực lại mạng lưới sự sống đang suy vong.

Xin cho chúng ta biết đáp lại sự tín nhiệm của Thiên Chúa và lời kiêu gọi của Đức Thánh Cha để trở nên ánh sao Belem nuôi dưỡng sự tin tưởng giữa thế giới đang chìm trong sầu đau và thất vọng vì tai ương dịch bệnh, vì nền kinh tế - văn hóa - chính trị bấp bênh. (Thinh lặng một chút)

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM thứ hai. 

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Bê-lem mang đến Tin tưởng. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta trở nên người những con người đầy trách nhiệm và biết tín nhiệm người khác.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con không oán hờn và không ghen ghét. Xin cho lòng chúng con luôn quảng đại và luôn tha thứ. Xin cho lòng chúng con yêu mến người, yêu suốt đời, chỉ biết sống hiến dâng phục vụ và hướng đến ân tình trời cao.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe Faith is the victory (English) https://www.youtube.com/watch?v=DSNMQAVe7FE

Hoặc Phó thác của Kiều Linh: https://www.youtube.com/watch?v=UDL0NNnN6z0

HD 1: Lạy Đức Kitô Vũ trụ, Ngài là niềm hy vọng cho mọi tạo thành. Xin khơi lên trong chúng con một niềm tin tưởng vững vàng rằng trong mọi gian nan thử thách, Ngài vẫn luôn bên chúng con trong hành trình dương thế này, để chúng con tích cực làm việc và ca tụng Chúa. Bởi chính Ngài sẽ bảo đảm cho chúng con chiến thắng cuối cùng. Chúng con cầu xin trong danh thánh của Đức Kitô vũ trụ, là Chúa và là Đấng cứu độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

(Ảnh: Internet)

1/12/20

Thứ tư MV.I: Hy vọng (Mt 15, 29-37)

29Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven biển hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

32Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” 33Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” 34Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” 35Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Khi đến sát thành Giêrusalem, Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ về những gì sắp xảy ra trước khi mọi sự hoàn tất.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu về ý nghĩa của hành trình đời mình và cùng đích của mọi sự, để tôi can đảm cộng tác với Chúa đến cùng mà hoàn tất nó.

Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm và Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Sự kết nối của bản văn tạo nên một cấu trúc liên tiến được lặp lại 2 lần.

1/ Thiên Chúa hy vọng (cc. 29. 32)

Mời bạn nhìn ngắm cách hành xử của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu trong 2 câu trích dẫn. Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm con người. Ngài hy vọng nơi con người; Ngài xót thương con người.

Bạn hãy đặt vào trong bối cảnh Covid-19 để một lần nữa chiêm ngắm sự tìm kiếm và hy vọng của Thiên Chúa dành cho con người.

Bạn hãy đặt mình vào trong những hoàn cảnh khó khăn của đời mình để chiêm ngắm sự tìm kiếm và hy vọng của Thiên Chúa dành cho chính bạn.

2/ Con người hy vọng (cc. 30. 33-36)

Con người tìm kiếm và hy vọng vào Thiên Chúa khi họ đau bệnh, đói khát—Không chỉ là thể lý nhưng còn là tinh thần và thiêng liêng.

Hãy nghĩ về cách thế mà nhân loại thể hiện cách mình đặt hy vọng nơi Chúa. Tuy nhiên nhiều lúc con người chỉ dựa trên sức riêng của mình để xử lý những khó khăn cuộc sống.

Hãy nhớ lại cách thế chính bạn đã đặt hy vọng vào Chúa như cách thế duy nhất. Nếu chưa hy vọng như thế vào Chúa, bạn có muốn thân thưa điều gì với Ngài bây giờ?

3/ Mãn nguyện (cc. 31. 37)

Mời bạn chiêm ngắm mức độ mãn nguyện của các bệnh nhân và người thân của họ; của các người “đã ăn no nê” và của các môn đệ Đức Giêsu.

Hãy nghiệm xem điều gì đã mang lại sự mãn nguyện đó?

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Thiên Chúa của Hy Vọng về các điều đang diễn ra trong đời bạn, trong đất nước và trên hành tinh xanh của bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

27/11/20

[Thắp nến Mùa Vọng] 29/11/2020 – Hy vọng về Chu kỳ sống mới

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhớ chúng ta về một Năm phụng vụ nữa lại bắt đầu trong hành trình đời mỗi người.

Mùa Vọng là mùa ngưỡng vọng về Chúa, mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 11, 10-13

Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.

Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,

và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

11Đến ngày đó, Chúa Thượng sẽ lại giơ tay ra một lần nữa,

để chuộc lấy phần sống sót của dân Người,

phần sống sót ở Át-sua và Ai-cập, ở Pát-rốt và Cút,

ở Ê-lam và Sin-a, ở Kha-mát và các hải đảo.

12Người sẽ phất cờ hiệu cho các dân tộc,

và từ bốn phương thiên hạ,

sẽ quy tụ những người Ít-ra-en biệt xứ,

sẽ tập họp những người Giu-đa bị phân tán.

13 Lòng ghen tị của Ép-ra-im sẽ không còn,

và những kẻ thù nghịch của Giu-đa sẽ bị tiêu diệt.

Ép-ra-im sẽ không còn ghen tị Giu-đa,

và Giu-đa sẽ không còn thù nghịch với Ép-ra-im.

Đó là Lời Chúa - Tạ ơn Chúa.


HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta một niềm hy vọng mới: Một chồi non sẽ mọc lên từ gốc cây già Gie-sê —Sự sống sẽ được tái sinh sau những chết chóc do dịch bệnh, do sự hoang hóa của lòng người, do sự mất quân bình trên mọi phương diện đời sống con người và trong các mối tương quan giữa các tạo vật —Điểm hẹn của con người với Thiên Chúa được tái tạo (LS 84).

Mặc dầu những gì đang diễn ra trên khắp hành tinh này cho thấy con người đang làm thất vọng những mong đợi của Thiên Chúa (LS 61), nhưng niềm hy vọng vẫn luôn còn đó dành cho loài người chúng ta: “Tuy nhiên tất cả sẽ không hư mất. Con người, trong khi có thể làm điều tồi tệ nhất, cũng có khả năng vượt lên trên chính mình, chọn lưa lại điều tốt, và thực hiện một khởi đầu mới, bất kể điều kiện tinh thần và xã hội của họ. Chúng ta có khả năng chân thành nhìn vào bản thân, để nhận biết sự bất mãn thẳm sâu của chúng ta, và để dấn thân trên những nẻo đường mới dẫn đến sự tự do đích thực. Không một hệ thống nào có thể hoàn toàn ngăn chặn sự mở lòng của chúng ta đối với điều thiện hảo, chân thật và tuyệt mỹ, hoặc ngăn chặn khả năng Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp trả ân sủng của Ngài đang hoạt động trong đáy sâu tâm hồn.” (LS 205) vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi vũ trụ của Ngài (LS 100).

Niềm hy vọng đó được chính Đức Kitô, một người con của dòng dõi Giê-sê bảo đảm: “Định mệnh sau cùng của vũ trụ nằm trong sự viên mãn của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô phục sinh, thước đo của sự trưởng thành của tất cả mọi sự… Hơn nữa, tất cả mọi loài thụ tạo đang tiến bước cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung là chính Thiên Chúa; trong sự viên mãn siêu việt ấy, Đức Kitô phục sinh ôm lấy và chiếu sáng mọi sự.” (LS 83. 99)

Xin cho chúng ta biết hoán cải và trở nên ngôn sứ cưu mang niềm hy vọng và lan tỏa niềm hy vọng này cho thế giới đang chìm trong sầu đau và thất vọng vì tai ương dịch bệnh, vì nền kinh tế - văn hóa - chính trị bấp bênh. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên.

Chúng ta cùng thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta cũng trở nên người cưu mang và lan tỏa hy vọng.

 

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Tìm lại màu xanh của nhạc sĩ Thành Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=iV1i_-UHuqo; https://www.youtube.com/watch?v=yPIIZhls7Sc

Hoặc bài Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A

 

HD 1: Lạy Chồi Non của Dòng Dõi Giê-sê, Đấng đến để khơi lên nơi nhân loại và nơi vũ trụ này một niềm hy vọng không thể dập tắt giữa tất cả những gì diễn ra đang vùi dập cả nhân loại và vũ trụ này vào một nỗi thất vọng lớn lao. Hôm nay, Chúa mời chúng con trở nên những người đầu tiên dám thay đổi lối sống của mình để khơi lên niềm hy vọng vào sự tái sinh của sự sống. Để Mẹ Đất lại ôm chúng con vào lòng và âu yếm chúng con như xưa. Chúng con cầu xin trong danh Thánh Tử Giêsu, Đấng mang đến và hoàn tất niềm hy vọng của cả vũ trụ này.

Cộng đoàn: Amen. 

Trước thềm năm Phụng vụ mới 2021


Năm Phụng vụ 2020 đang quay những vòng cuối cùng trước khi bước vào mùa Vọng. Tôi cảm thấy đây là thời điểm tuyệt vời để nhìn lại những tháng ngày qua, đồng thời xem thử đâu là tâm thế tôi muốn đón chào năm mới 2021.

Năm 2020 của tôi bắt đầu hết sức bình thường với kỳ nghỉ Tết vui vẻ bên gia đình, nhưng mọi thứ thay đổi nhanh chóng ngay sau đó. 

Trở lại Sài Gòn, tôi cảm nhận một bầu khí căng thẳng, lo lắng, đầy sợ hãi phủ khắp thành phố vì Covid-19 đã chạm tới Việt Nam. Những chuyện chưa bao giờ xảy ra lần lượt xuất hiện, ví dụ như việc cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi ngoài Vĩnh Phúc, rồi thì giãn cách xã hội cả nước, học sinh nghỉ học mấy tháng liền, đi tới đâu cũng phải đeo khẩu trang, khử trùng… Cô Vy trở thành đề tài "hot" nhất của mọi người. Nhưng đối với tôi, giây phút đau buồn nhất chính là lúc Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ra thông báo về việc tạm ngưng thánh lễ. Thay vào đó, người tín hữu được mời gọi tham dự thánh lễ trực tuyến một thời gian. Tôi cảm thấy mình như bị tước mất một điều gì đó thật quý giá và sớm nhận ra đây là tình hình chung của nhiều Giáo phận khác nữa chứ không riêng gì Sài Gòn; là tình hình chung của nhiều quốc gia khác nữa chứ không riêng gì Việt Nam. Khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng nghe tới việc phong tỏa, cách ly, đeo khẩu trang, làm việc tại nhà... Tính tới thời điểm hiện tại, thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam lại kiểm soát được viruscorona trong cộng đồng và người dân đã quay trở lại với cuộc sống bình thường. Thật là một hồng ân lớn lao!

Khi nhìn lại năm 2020, tôi tự hỏi mình đã làm được gì trong năm vừa qua. Câu trả lời thật dở dang. Tôi có kế hoạch đi học chuyên môn trong năm nay nhưng Covid khiến giáo sư không qua được, thế là việc học của tôi phải dừng lại. Tôi chuyển qua tìm việc liên quan tới định hướng nghề nghiệp của mình và khám phá ra nó không hề dễ. Vì Covid-19, nhiều dự án bị trì hoãn; còn danh sách tìm việc thì cứ dài thêm mãi. Giữa những thay đổi này, tôi nhận ra rằng: Điều quan trọng nhất không phải là tôi… mà là Chúa….

Quả vậy, điều quan trọng nhất không phải là tôi hăng hái lên kế hoạch phục vụ Chúa, mà là Chúa mời tôi cùng Ngài bước đến tương lai.

Điều quan trọng nhất không phải là tôi tìm kiếm Ngài trong lúc khó khăn mà là khắp mọi lúc, mọi nơi, Ngài kiếm tìm tôi.

Điều quan trọng nhất không phải là tôi kinh nghiệm sự mỏng giòn, yếu đuối của phận người mà là nơi Ngài, sự sống tuôn tràn. Khi tôi đặt vào tay Chúa những kế hoạch, dự định của mình, tôi cảm nghiệm được sự bình an trong sâu thẳm tâm hồn.

Từ Điển Collins chọn cụm từ “phong tỏa” là Từ của Năm 2020 vì đây là từ được nhiều người sử dụng nhất. Phần tôi, tôi muốn chọn cụm từ “Tín thác” cho năm mới đang đến vì tôi tin rằng Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ và là Mục Tử Nhân Lành. Ngài chính là chủ nhân đích thực của dòng lịch sử nhân loại này. Còn bạn thì sao? Bạn muốn chọn tâm thế nào cho năm Phụng vụ mới 2021 của mình?

TT

25/11/20

Mừng Giáng Sinh Xanh!

Bạn mến, trước viễn cảnh suy thoái môi trường trầm trọng và ngày càng có những biểu hiện xấu trên toàn cầu, nhất là từ đầu năm 2019 đến nay – 2020. Lời kêu gọi chung là hãy thay đổi lối sống của chúng ta ngay bây giờ, kẻo không thể cứu vãn đến năm 2030. Lời kêu gọi này dành cho từng cá nhân, các tổ chức hội đoàn, các chính phủ và cơ quan quốc tế.

https://www.youtube.com/watch?v=BZXNcli9suo; https://www.youtube.com/watch?v=XNPiaPy_vZM.  

Đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Laudato Si, chúng tôi mời bạn cùng chúng tôi tổ chức một Giáng Sinh Xanh.

 

Chào mừng bạn đến với chương trình chuẩn bị cho Giáng Sinh 2020!

Giáng sinh là một câu chuyện về tin vui, nhưng thường lại trở nên tin buồn cho môi trường. Việc tổ chức mừng giáng sinh theo kiểu lễ hội ồn ào với nhiều đèn nhấp nháy đã tạo nên hàng tấn giấy gói quà, thiệp, trang trí… hậu quả là hàng triệu cây xanh bị đốn làm suy thoái môi trường.

Chúng ta có thể thử tổ chức mừng một Giáng sinh xanh năm nay không?

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong thông điệp Laudato Si, thách thức chúng ta thực hành “mệnh lệnh xanh” để cứu lấy Mẹ Đất khỏi sự hủy diệt. Cụ thể là:

·     Hãy lắng nghe tiếng kêu cứu của người nghèo và “người nghèo mới”, vạn vật.

·         Nhìn nhận rằng lạm dụng tạo thành là Tội sinh thái

·          Thừa nhận con người là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng của Ngôi nhà chung

·            Hãy chăm sóc Ngôi nhà chung đang nguy cấp

·            Hãy tiếp nhận một nền Linh đạo sinh thái

 

Chúng tôi xin đề cử một vài phương thức giúp thực hiện Mệnh lệnh xanh để tạo nên một Giáng Sinh xanh.

TIẾT GIẢM MUA SẮM

Những thực hành thân thiện với môi trường: Hãy định mức chi tiêu. Lập danh sách và chỉ mua những thứ cần. Mua sắm ở cửa hàng nhỏ và tránh đến siêu thị. Mang theo giỏ đựng khi đi mua sắm.

NÓI KHÔNG VỚI NHỰA VÀ NI-LÔNG

Nhựa không phải là thứ tự phân hủy nên nó cần cả thế kỷ để phân rã.

Những thực hành thân thiện với môi trường: sử dụng túi đựng làm bằng vải, đay, cói hoặc giấy. Tránh dùng ly chén nhựa dùng một lần để ăn Giáng sinh.

TRANG TRÍ

Trang trí tạo nên không khí và sắc màu cho bất cứ lễ hội nào.

Những thực hành thân thiện với môi trường: Tránh dùng nhựa và xốp để trang trí vì chúng gây hại cho môi trường. Tận dụng vải màu, nơ vải satin màu để trang trí. Dùng những vật dụng trang trí có thể dùng lại cho những lần Giáng sinh sau.

GIẢM ĐÈN TRANG TRÍ

Quá nhiều đèn trang trí gây lãng phí năng lượng và tăng chi phí điện.

Những thực hành thân thiện với môi trường: Giảm độ lớn của các đèn chiếu sáng ngoài trời. Ít đèn trang trí hơn có thể tạo sự hấp dẫn và mang tính biểu tượng. Một ngôi sao trên ban-công hoặc nơi cửa sổ cũng là đủ đẹp.

Sử dụng đèn LED trong nhà và trang trí cây thông. Dây đèn LED trang trí hiện có bán sẵn. Dùng bóng đèn tiết kiệm thì tốt hơn bóng đèn thường. Tắt các đèn trang trí về đêm khi mọi người đi ngủ.

THIỆP CHÚC MỪNG

Những thực hành thân thiện với môi trường: Quan tâm đến việc dùng thiệp điện tử để gởi qua email, Facebook, WhatsApp hoặc các kênh truyền thông xã hội khác. Mua các thiệp tái chế hoặc thiệp của các tổ chức gây quỹ từ thiện.

GIẤY GÓI QUÀ

Triệu triệu tấn giấy gói đã được dùng để gói quà. Vì thế hàng triệu cây xanh bị cắt để làm giấy cung ứng cho mùa giáng sinh. Có thật sự chúng ta cần gói tất cả các quà? Có chọn lựa nào khác không?

Những thực hành thân thiện với môi trường: Tái sử dụng giấy đã gói. Mở quà cách cẩn thận để giữ lại giấy đó và dùng lại. Thu góp và cất giữ những chiếc nơ xinh xắn, hộp chứa và các mẫu giấy dán khác để sử dụng lại. Có thể gói quà bằng giấy lịch hoặc giấy báo có màu. Dùng túi đựng quà làm bằng vải, giấy báo hoặc các chất liệu có thể tái sử dụng. Tránh dùng băng keo trong, thay vào đó dùng dây và nơ để cột gói quà.

TẶNG QUÀ

Tặng quà là một phần của truyền thống mừng Giáng Sinh. Thật không may nền kinh tế thị trường đã quảng bá hoạt động này thành hoạt động kinh tế. Ngày nay người ta quan tâm đến giá trị hiện vật hơn là ý nghĩa đích thực của việc trao quà. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc “Trao tặng nhiều – Chi tiêu ít” không?

Thực hiện việc phục vụ thay cho tặng phẩm: Món quà phục vụ thường được ghi nhớ cách cá vị, đồng thời lại không hủy hoại bất cứ nguồn lực tự nhiên nào.

Những thực hành thân thiện với môi trường: Trao tặng thời gian của bạn để thăm viếng hàng xóm, bệnh nhân, người neo đơn. Chia sẻ các kỹ năng và kinh nghiệm bạn có.

Giáng sinh là thời gian của niềm vui và bình an, do vậy tránh tặng trẻ con những đồ chơi khích thích bạo lực hoặc trò chơi điện tử sẽ dẫn đến việc trẻ nghiện TV.

Những thực hành thân thiện với môi trường: Tặng đồ chơi mang tính giáo dục giúp nâng cao khả năng sáng tạo và trí thông minh của trẻ.

Tặng những quà khích thích suy tư, hoặc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và nuôi dưỡng những hành vi có trách nhiệm đối với môi trường nơi từng cá nhân và gia đình.

Những thực hành thân thiện với môi trường: Tặng sách về các chủ đề thực hành thân thiện với môi trường. Tặng vouchers/coupons để mua những sản phẩm thân thiện với môi trường như các thiết bị tiết kiệm điện, chẳng hạn như đèn LED, Pin sạc, đèn pin năng lượng mặt trời.

 

Giáng sinh là mùa của niềm vui và lễ hội. Ước mong những gợi ý thân thiện với môi trường trên đây sẽ giúp tổ chức một Giáng Sinh Xanh và Vui tươi.

DHM 

24/11/20

Thứ tư TN.XXXIV: Làm chứng cho Chúa (Lc 21,12-19)

12“Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Khi đến sát thành Giêrusalem, Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ về những gì sắp xảy ra trước khi mọi sự hoàn tất.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu về ý nghĩa của hành trình đời mình và cùng đích của mọi sự, để tôi can đảm cộng tác với Chúa đến cùng mà hoàn tất nó.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Cơ hội làm chứng (cc. 12-13)

Nhân cơ hội người ta nói về thành Giêrusalem tráng lệ, đức Giêsu tiên báo về sự sụp đổ của nó. Những dấu hiệu đi kèm là “tin giả” về sự giáng lâm của Chúa, chiến tranh, điềm trời… Đây là ngôn ngữ biểu tượng, vì chúng vượt qua những gì Đức Giêsu đang nói về thành Giêrusalem! Một cuộc thanh lọc xảy ra, nhưng hơn cả một biến cố, một thời điểm, vì tất cả con người và vạn vật mọi thời đều phải trải qua quá trình thanh lọc này.

Bách hại đức tin là đỉnh cao của cuộc thanh lọc ấy. Đức Giêsu nói đến một cuộc bách hại bằng tù đày và tra khảo. Ngày nay có một cuộc bách hại “êm dịu và ngọt ngào” hơn khi mỗi cá nhân chúng ta khéo léo đưa mình vào vị trí trung tâm. Khi đó, Thiên Chúa, tha nhân và mọi sự khác bị đẩy ra khỏi vị trí và trở thành “phương tiện” phục vụ bản thân chúng ta. Bạn hãy tưởng tượng một cuộc chiến không ngừng khi từng cá thể người đều đang cố gắng để chiếm cho được vị trí trung tâm!

Cơ hội làm chứng, hay còn có thể dịch sát là “nơi chốn” làm chứng cho Chúa của chúng ta là đi ngược lại với những gì mang lại sự “êm dịu và ngọt ngào”, một cách nói khác gọi là nỗ lực “vượt sướng”. Không phải để làm cho đời chúng ta trở nên khổ sở, thiếu thốn; nhưng là để đánh thức sự ngủ mê trong thế giới ấm êm mà quên đi những giá trị cao hơn là tình yêu hi sinh, sự dấn thân cho công bình, tình huynh đệ, loan báo Nước Thiên Chúa… và phần rỗi đời mình.

Nguyên ngữ của chữ “làm chứng” có nghĩa là “tử vì đạo”.

2/ Biện hộ (cc. 14-15)

Khi bạn đứng về phía Thiên Chúa để bảo vệ những giá trị của Ngài thì chính Ngài sẽ đứng về phía bạn để bảo vệ bạn. Đức Giêsu nhắc chúng ta hãy “ghi lòng tạc dạ” xác tín này. Chính Ngài sẽ ban cho bạn “cái miệng và sự khôn ngoan” để biện hộ cho tất cả những điều đúng và chân thật.

Là Kitô hữu, bạn có đang “bị bách hại” vì những giá trị bạn đang theo đuổi như chung thủy, trinh tiết, thành thật, công bằng, tình huynh đệ, ưu tiên cho người nghèo, bảo vệ môi trường sống, dành thời gian tương quan với Chúa… Bạn thường bảo vệ những giá trị đó bằng cách nào? Bạn có lo lắng rằng mình sẽ không thể biện hộ được cho những giá trị đó?

Hãy nói với Chúa về những “bách hại” bạn đang gặp và xin Ngài trợ giúp bạn.

3/ Không thể tận diệt (cc. 16-19)

Ở đây, bạn có cơ hội để kinh nghiệm về điều đức Giêsu đã nói rằng Ngài đến không phải để mang hòa bình, nhưng là gươm giáo (x. Lc 12, 51) vì sự phân rẽ giá trị xảy ra ngay trong chính gia đình và bạn bè thân hữu. Khi ta sống giá trị của Chúa, đôi khi đi ngược lại với những điều người thân quen yêu thích.

Dù bạn bị bách hại trong chính gia đình, bạn bè, và bị mọi người thù ghét vì bạn thuộc về Đức Kitô, hãy an tâm vì bạn sẽ không bị tận diệt. Sự bách hại đó sẽ không thể làm cho tất cả các kitô hữu im lặng.

Thiên Chúa biết tất cả, như Ngài đã đếm tóc trên đầu bạn (c. 18).

Ai trung thành thì giữ được sự sống, không phải là sự sống sinh học đơn thuần—vì chưa có ai trường sinh bất tử cả; nhưng là sự sống đã được chuyển hóa thành “thiêng liêng”—điều sẽ giữ bạn lại cho hạnh phúc đời đời (c. 19).

Kết nguyện

Hãy nói với Chúa về những hoàn cảnh khó khăn mà bạn đã cố bám giữ giá trị của Chúa. Xin ơn trợ giúp trong hiện tại và tương lai.

Kết thúc bằng một Kinh lạy Cha. 

(Ảnh: Bernardo Cavallino)

23/11/20

MÙA VỌNG VÀ TRUYỀN THỐNG CỬ HÀNH

Bạn mến,

Nhìn vào chữ Mùa Vọng, bạn biết ngay đó là mùa chờ đợi, mùa mong đợi. Nguyên ngữ của nó từ tiếng Hy Lạp Parousia, dịch La Tinh là Adventus và tiếng Anh là Advent.

Mong đợi và chờ đợi gì?

Với Kitô hữu, họ chờ đợi đại lễ Giáng sinh để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa diễn đạt tình yêu của Ngài bằng việc dâng tặng cho loài người và vũ trụ chính Người Con Một yêu dấu: Con Thiên Chúa làm người, chào đời trong hình hài bé thơ để làm Đấng cứu độ con người và vũ trụ. Mùa Vọng còn là thời gian họ mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô trở lại để hoàn tất mọi sự, không phải với sự kinh hoàng của ngày tận thế, nhưng như ngày khải hoàn tiến vào vinh quang.

Cử hành thế nào?

Trong Kitô giáo, truyền thống cử hành Mùa Vọng đã có từ những năm 300 sau Chúa Giáng Sinh. Trước hết, đây là khoảng thời gian ăn chay cầu nguyện cho các tân tòng; dần dần được quy định thành một thời gian của bốn Chúa Nhật.

Vòng nến Mùa Vọng xuất hiện khá trễ. Vào năm 1839, để giúp trẻ em chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, một mục sư ở Đức đã làm một vòng nguyệt quế lớn với 20 cây nến đỏ và 4 cây nến trắng lớn. Các cây đỏ được thắp tuần tự theo các ngày trong tuần. Cây trắng lớn được thắp lần lượt vào các Chúa Nhật. Sau này được đơn giản hóa thành 1 cây nến với 24 vạch mức. Mỗi ngày đốt tan chảy hết một vạch.

Vòng nến Mùa Vọng thường được làm bằng lá thông (evergreen) để diễn tả sự sống xanh tươi giữa mùa đông chết chóc, và tình yêu Thiên Chúa là vĩnh cửu (vòng tròn). Vài trái cây màu đỏ cũng được trang trí thêm vào để chỉ về tình yêu hy sinh của Đức Giêsu, và vài trái thông chỉ về sự sống mới. Bốn hoặc năm cây nến chỉ về Đức Kitô là Ánh Sáng chiếu soi đêm tối trần gian. Màu nến có thể là 3 cây tím và 1 cây hồng, hoặc 4 cây đỏ hoặc xanh dương. Nếu có cây thứ 5 thì luôn là màu trắng, đặt ở giữa vòng nguyệt quế. Ở Phương Đông, đôi khi người ta thay nến bằng đèn lồng.

Từng cây theo thứ tự các tuần thông thường mang ý nghĩa là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng, Cây nến Bê-lem mang đến Tin tưởng, Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui và Cây nến Thiên thần mang đến Bình an. Cây cuối cùng là Cây nến Đức Kitô mang đến Ánh Sáng Tinh Tuyền.

Việc thắp thêm từng cây nến theo tuần đi kèm với lời cầu nguyện được cử hành trong các gia đình, cộng đoàn và nhà thờ.

Một vài truyền thống cử hành khác

Trong thời gian đặc biệt trước lễ Giáng Sinh từ 15-24/12, Giáo Hội Phương Đông giữ chay (kiêng thịt, cá, chế phẩm sữa, rượu và dầu) để chuẩn bị đón Chúa đến. Dân các vùng nói tiếng Tây Ban Nha tham gia vào việc tái hiện cuộc đi gõ cửa xin chỗ của thánh Giuse và mẹ Maria qua các gia đình, sau nhiều gia đình từ chối, gia đình cuối cùng sẽ đón tiếp họ và gia đình đó được chọn làm nơi quy tụ các gia đình khác để cầu nguyện chung.

Trang trí Cây Giê-sê: các lời tiên báo về Đấng Cứu độ và các nhân vật tiền bối của Đấng Cứu độ được viết lên các khúc cây nhỏ và treo lên một cây nhỏ. Gần đây Geraldine McCaughrean biên soạn bản cầu nguyện 25 ngày bắt đầu từ 1/12 về Cây Giê-sê.

Để giúp trẻ em chuẩn bị và nhớ lễ Giáng Sinh, Lịch Mùa Vọng được tạo ra cho 24 ngày trước lễ. Truyền thống này bắt đầu từ câu chuyện của một người Đức kể về việc mẹ anh đã khâu 24 cái bánh vào nắp một chiếc hộp, và mỗi ngày cậu được ăn một cái. Sau này có nhiều hình thức tương tự được tạo ra để dạy cho trẻ em thực hiện hành trình chờ đón Chúa Giáng Sinh.

Dù bạn chọn hình thức nào để sống Mùa Vọng, điều chính yếu là nó giúp bạn hướng lòng về mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho bạn ngang qua việc nhập thể của Ngôi Lời vào vũ trụ này.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thông điệp Laudato Si về Chăm sóc Ngôi Nhà Chung, chúng tôi mời bạn cùng thực hiện hành trình cầu nguyện bên Vòng Nến Mùa Vọng với chủ đề Nối mạng sự sống. Bài hướng dẫn cử hành sẽ được post vào chiều thứ Sáu trước mỗi Chúa Nhật Mùa Vọng. Bạn có thể tùy nghi sử dụng để cử hành cầu nguyện trong gia đình hoặc cộng đoàn. Nguyện chúc cho nhau chuẩn bị tâm hồn tốt nhất để Con Chúa ngự vào.


(Ảnh: Internet)

Nguồn tham khảo: https://www.crosswalk.com/special-coverage/christmas-and-advent/advent-wreath-candles-understanding-the-meaning-history-tradition.html 

18/11/20

Thứ tư TN.XXXIII: Thần phục (Lc 19,11-28)

11Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. 12Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ 14Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’

15“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ 17Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ 18Người thứ hai đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ 19Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’

20Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ 22Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. 23Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ 24Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ 25Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!’ 26– ‘Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.

27“Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’”

28Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng trên đường Ngài lên Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu rõ được điều đang suy xét, nhận biết mình với những món quà thời gian, tài năng… để chọn những điều đúng đắn cho đời mình; hầu làm vinh danh và ca tụng Chúa hơn.

Lối cầu nguyện: Suy xét để quản lý mình [gõ vào ô tìm kiếm PP-02: Ba cách cầu nguyện], mục 1.

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đọc câu chuyện dụ ngôn

Dụ ngôn là truyện kể về những nhân vật là con người, khác ngụ ngôn là truyện nhân cách hóa thú vật hoặc đồ vật thành nhân vật.

Khi đọc, hãy chú ý đến các tình tiết câu chuyện, diễn biến câu chuyện.

Xin đề nghị một lối nhìn liên tiến đóng khung:

A – Đức Giêsu gần đến Giêrusalem (c.11)

    B – Người quý tộc sắp trẩy đi phương xa để lãnh vương quyền và sẽ trở về (c. 12)

        C – Ông trao cho 10 đầy tớ mỗi người một nén bạc và yêu cầu họ sinh lợi
              (c. 13)

            D – Có những người thù ghét ông và không muốn ông làm vua của họ
                  (c. 14)

    B’ – Tân vương trở về và gọi các đầy tới đến báo cáo tài chánh (c. 15)

       C’ – Những người sinh lợi được khen và giao cho số thành tương ứng để quản trị; Người không sinh lợi bị khiển trách và bị tước mất nén bạc được giao
(cc. 16-26)

           D’ – Tiêu diệt những người chống đối (c. 27)

A’ – Đức Giêsu tiếp tục lên Giêrusalem (c. 28)

2/ Thời gian vàng (B và B’)

Mời bạn suy xét về việc người quý tộc đi xa, lãnh vương quyền và sẽ trở về. Khoảng giữa đó là thời gian của bạn. Bạn được tự do để suy xét, chọn lựa, hành động theo cách của mình. Bạn có ý thức rằng sẽ đến lúc tân vương trở về và bạn sẽ phải trình báo kết quả của quá trình suy nghĩ và hành động tự do của mình? Bạn dự định sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó?

3/ Cái giá của sự tín nhiệm (C và C’)

Mời bạn suy xét về việc người quý tộc tin tưởng gia nhân và trao phó tài sản của mình cho họ như nhau. Rồi áp dụng vào cách Thiên Chúa tin tưởng và trao phó gia tài của Ngài cho bạn. Số lời bạn sinh ra được thuộc về bạn. Nếu bạn không sinh lời thì “vốn” được trao phó cũng bị lấy lại.

4/ Thần phục hay bất tuân (D và D’)

Những người chống đối việc người quý tộc được phong vương sẽ lãnh cái kết “đắng”. Vậy chọn lựa duy nhất được mời gọi ở đây là thần phục. Có những điều bạn được chọn lựa trong tự do của mình. Cũng có một số điều bạn bị bắt buộc thuần phục theo, ví dụ như luật tự nhiên. Việc chọn lựa thần phục hay phủ nhận vị trí và uy quyền của Thiên Chúa thuộc vào phạm trù bắt buộc này.

Thái độ này quyết định cách thức con người dùng “nén bạc” được trao và mức độ sinh lợi.

Blaise Pascal từng thách thức cách rất thú vị, đại khái như sau: Tôi chọn tin thờ Thiên Chúa và nỗ lực sống tốt theo giáo huấn của Ngài. Giả như cuối cùng, không có Thiên Chúa, thì tôi cũng đã chẳng mất gì. Còn nếu thực sự Ngài hiện hữu thì tôi đã được lời cả đời này và đời sau.

5/ Quy trình một chiều (A và A’)

Đức Giêsu đến gần Giêrusalem, và Ngài tiếp tục tiến lên Giêrusalem – Một hành trình không dừng lại, không trở chiều. Nước Thiên Chúa đang đến và sẽ đến. Bạn có đang đi trên con đường một chiều đó?

Kết nguyện

Hãy nói với Chúa về sự tín nhiệm, nỗ lực hợp tác của bạn để sinh lợi, hoặc cám dỗ buông xuôi khi mệt mỏi… Xin Ngài ban ơn trợ giúp để bạn liên tục chọn lựa đi trên con đường một chiều với Ngài.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

10/11/20

Thứ tư 11/11/2020: Một lần biết ơn (Lc 17, 11-19)

11Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người mắc bệnh phong đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi!” 14Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Con đường Bắc-Nam xứ Palestin: Con đường dẫn từ Galilê qua vùng Samari, để đi tới đồng bằng sông Giođan, xuống Giêrikhô rồi từ đó đi lên Giêrusalem.  

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm được sự tình yêu chữa lành của Thiên Chúa dành cho tôi để tôi luôn sống trong niềm vui và đền đáp ân huệ tình yêu của Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Cuộc gặp gỡ đầu tiên (cc. 11-14)

Mời bạn nhập vào vai hoặc là một trong các môn đệ đang bước đi với Đức Giêsu tiến về Giêrusalem, hoặc vào vai của một trong các người bị bệnh phong.

Trước hết hãy nhìn ngắm con đường và những người đang bước đi trên đó, rồi tập trung vào bước chân của thầy Giêsu. Vừa qua ranh giới miền bắc Galilê để vào miền trung Samari, nơi có một làng nhỏ, có 10 bệnh nhân phong tiến ra đón đoàn. Nhìn ngắm xem cách mọi người và Đức Giêsu phản ứng trước sự kiện này thế nào.

Họ dừng lại đàng xa… bao xa? Có giống với sự giãn cách xã hội như thời Covid hiện nay không? Những người trong đoàn cảm thấy thế nào?

Họ kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi!” Tiếng đó đang phát ra từ chính bạn, hay bạn đang được nghe? Một tiếng kêu từ con tim đến con tim.

Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Ngài mời họ thực hiện một luật đã được ghi chép trong sách Lêvi (x. Lv 14, 2-3). Họ làm theo và họ được sạch, ngay cả khi chưa kịp gặp thầy Tư tế để trình diện và dâng lễ như luật dạy. Bạn hãy dành thời gian để cảm nghiệm niềm vui đó: niềm vui được lành bệnh; hoặc chia vui với họ. Phải chăng bệnh tật cũng là do sống mất trật tự, không theo luật dạy?

 

2/ Cuộc gặp gỡ thứ hai (cc. 15-19)

Có một người quay trở lại gặp Đức Giêsu để tôn vinh Thiên Chúa và “sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn”. Mời bạn giữ mình lại trong thời gian ngưng đọng đó, bao lâu có thể, để chiêm ngắm một con người đang sấp mình tạ ơn Đấng đã làm ơn cho mình.

Hãy nghe câu nói của Đức Giêsu dành cho anh: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Chẳng phải là anh đã được chữa cho sạch bệnh rồi sao? Ngài còn chữa cho anh điều gì nữa? – bệnh vô ơn. Đây mới là căn nguyên của mọi tội lỗi (mà người xưa hiểu là bệnh tật). Bệnh này có thể rất nhiều trong nhân loại, nơi mỗi người (9/10 người)!

Mỗi lần biết ơn sẽ mang lại điều lớn lao hơn cả lành bệnh thể xác, và cho ta được chạm đến chính Thiên Chúa trong chiều sâu: gặp gỡ Ngài lần thứ hai.

 

Kết nguyện

Dâng lời tạ ơn Chúa vì những ơn chữa lành mà bạn nhận được. Hãy xin cho mình có con tim tri ân Thiên Chúa, tha nhân và vạn vật đã cưu mang, nuôi dưỡng và chữa lành bạn liên tục.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)