Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

23/11/20

MÙA VỌNG VÀ TRUYỀN THỐNG CỬ HÀNH

Bạn mến,

Nhìn vào chữ Mùa Vọng, bạn biết ngay đó là mùa chờ đợi, mùa mong đợi. Nguyên ngữ của nó từ tiếng Hy Lạp Parousia, dịch La Tinh là Adventus và tiếng Anh là Advent.

Mong đợi và chờ đợi gì?

Với Kitô hữu, họ chờ đợi đại lễ Giáng sinh để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa diễn đạt tình yêu của Ngài bằng việc dâng tặng cho loài người và vũ trụ chính Người Con Một yêu dấu: Con Thiên Chúa làm người, chào đời trong hình hài bé thơ để làm Đấng cứu độ con người và vũ trụ. Mùa Vọng còn là thời gian họ mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô trở lại để hoàn tất mọi sự, không phải với sự kinh hoàng của ngày tận thế, nhưng như ngày khải hoàn tiến vào vinh quang.

Cử hành thế nào?

Trong Kitô giáo, truyền thống cử hành Mùa Vọng đã có từ những năm 300 sau Chúa Giáng Sinh. Trước hết, đây là khoảng thời gian ăn chay cầu nguyện cho các tân tòng; dần dần được quy định thành một thời gian của bốn Chúa Nhật.

Vòng nến Mùa Vọng xuất hiện khá trễ. Vào năm 1839, để giúp trẻ em chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, một mục sư ở Đức đã làm một vòng nguyệt quế lớn với 20 cây nến đỏ và 4 cây nến trắng lớn. Các cây đỏ được thắp tuần tự theo các ngày trong tuần. Cây trắng lớn được thắp lần lượt vào các Chúa Nhật. Sau này được đơn giản hóa thành 1 cây nến với 24 vạch mức. Mỗi ngày đốt tan chảy hết một vạch.

Vòng nến Mùa Vọng thường được làm bằng lá thông (evergreen) để diễn tả sự sống xanh tươi giữa mùa đông chết chóc, và tình yêu Thiên Chúa là vĩnh cửu (vòng tròn). Vài trái cây màu đỏ cũng được trang trí thêm vào để chỉ về tình yêu hy sinh của Đức Giêsu, và vài trái thông chỉ về sự sống mới. Bốn hoặc năm cây nến chỉ về Đức Kitô là Ánh Sáng chiếu soi đêm tối trần gian. Màu nến có thể là 3 cây tím và 1 cây hồng, hoặc 4 cây đỏ hoặc xanh dương. Nếu có cây thứ 5 thì luôn là màu trắng, đặt ở giữa vòng nguyệt quế. Ở Phương Đông, đôi khi người ta thay nến bằng đèn lồng.

Từng cây theo thứ tự các tuần thông thường mang ý nghĩa là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng, Cây nến Bê-lem mang đến Tin tưởng, Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui và Cây nến Thiên thần mang đến Bình an. Cây cuối cùng là Cây nến Đức Kitô mang đến Ánh Sáng Tinh Tuyền.

Việc thắp thêm từng cây nến theo tuần đi kèm với lời cầu nguyện được cử hành trong các gia đình, cộng đoàn và nhà thờ.

Một vài truyền thống cử hành khác

Trong thời gian đặc biệt trước lễ Giáng Sinh từ 15-24/12, Giáo Hội Phương Đông giữ chay (kiêng thịt, cá, chế phẩm sữa, rượu và dầu) để chuẩn bị đón Chúa đến. Dân các vùng nói tiếng Tây Ban Nha tham gia vào việc tái hiện cuộc đi gõ cửa xin chỗ của thánh Giuse và mẹ Maria qua các gia đình, sau nhiều gia đình từ chối, gia đình cuối cùng sẽ đón tiếp họ và gia đình đó được chọn làm nơi quy tụ các gia đình khác để cầu nguyện chung.

Trang trí Cây Giê-sê: các lời tiên báo về Đấng Cứu độ và các nhân vật tiền bối của Đấng Cứu độ được viết lên các khúc cây nhỏ và treo lên một cây nhỏ. Gần đây Geraldine McCaughrean biên soạn bản cầu nguyện 25 ngày bắt đầu từ 1/12 về Cây Giê-sê.

Để giúp trẻ em chuẩn bị và nhớ lễ Giáng Sinh, Lịch Mùa Vọng được tạo ra cho 24 ngày trước lễ. Truyền thống này bắt đầu từ câu chuyện của một người Đức kể về việc mẹ anh đã khâu 24 cái bánh vào nắp một chiếc hộp, và mỗi ngày cậu được ăn một cái. Sau này có nhiều hình thức tương tự được tạo ra để dạy cho trẻ em thực hiện hành trình chờ đón Chúa Giáng Sinh.

Dù bạn chọn hình thức nào để sống Mùa Vọng, điều chính yếu là nó giúp bạn hướng lòng về mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho bạn ngang qua việc nhập thể của Ngôi Lời vào vũ trụ này.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thông điệp Laudato Si về Chăm sóc Ngôi Nhà Chung, chúng tôi mời bạn cùng thực hiện hành trình cầu nguyện bên Vòng Nến Mùa Vọng với chủ đề Nối mạng sự sống. Bài hướng dẫn cử hành sẽ được post vào chiều thứ Sáu trước mỗi Chúa Nhật Mùa Vọng. Bạn có thể tùy nghi sử dụng để cử hành cầu nguyện trong gia đình hoặc cộng đoàn. Nguyện chúc cho nhau chuẩn bị tâm hồn tốt nhất để Con Chúa ngự vào.


(Ảnh: Internet)

Nguồn tham khảo: https://www.crosswalk.com/special-coverage/christmas-and-advent/advent-wreath-candles-understanding-the-meaning-history-tradition.html 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét