Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

23/12/19

Phương pháp chiêm niệm

Chiêm niệm theo truyền thống cầu nguyện được hiểu là một giai đoạn “cao” trong đời sống thiêng liêng; hay một cái nhìn siêu việt như có con mắt đức tin! Thậm chí là một tình trạng được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa để chiêm ngắm Thiên Chúa bằng đôi mắt của Ngài và sống yêu thương như Ngài, như khi được xuất thần!

Đối với thánh I-nhã, chiêm niệm là một phương pháp cầu nguyện, ứng dụng cho một trình thuật (câu chuyện kể) trong Kinh Thánh.
Chiêm niệm là sử dụng các tài năng (trí nhớ, trí hiểu, óc tưởng tượng, lòng muốn…) của con người để giúp đi vào chiêm ngắm/chiêm nghiệm các hành vi, lời nói, khung cảnh…, rồi rút ra ích lợi cho bản thân mình.
Các bước chính bao gồm: Đọc – Chiêm – Cầu

Đọc
Nhằm giúp cho bạn bám sát câu chuyện. Khi đọc bản văn, từ ngữ, văn phong, trình tự câu chuyện… sẽ giúp cho bạn đi sâu hơn vào câu chuyện, hơn là chỉ nhớ câu chuyện cách tổng quát do đã được nghe nhiều lần!

Chiêm
Cố gắng nhớ lại câu chuyện vừa đọc (gấp sách lại). Tưởng tượng mình là nhân vật nào đó trong câu chuyện vừa đọc. Hãy “nhập cảnh” và “nhập vai” cách sống động và sáng tạo.
Gồm các bước: Nhìn – Nghe – Quan sát nội tâm nhân vật– Rút ích lợi cho bản thân.
+ Nhìn: hãy quan tâm đến khung cảnh diễn ra câu chuyện, số nhân vật, cung cách, lời nói của họ, tương tác giữa họ…
+ Nghe: Lắng nghe “lời” họ vang lên, nhưng chuyển động nội tâm.
+ Quan sát: Khi bạn nhìn bạn thấy những gì bên ngoài. Khi bạn quan sát, bạn hiểu những gì diễn ra bên trong tâm hồn họ. Đây mới chính là tâm điểm của Chiêm niệm: Hiểu được lý do bên trong đã thúc đẩy các nhân vật chuyển động, hành động như điều bạn thấy bên ngoài họ.
+ Rút ích lợi cho bản thân: Nhờ “nhập vai”, “nhập cảnh” bạn dễ cảm hiểu câu chuyện, và ứng dụng cho bạn thân cách dễ dàng hơn. Phần này bao gồm việc bạn đối thoại trực tiếp với các nhân vật, để thêm hiểu cảm trong chiều sâu, và để hướng đến một hành động vì tình yêu. Đây là PHẦN QUAN TRỌNG NHẤT của phương pháp chiêm niệm.

Cầu/tâm sự
Trò chuyện, cầu xin trực tiếp với Đấng đang hiện diện về điều bạn cảm được trong lòng.

17/12/19

Thứ tư MV.III.lẻ: Gốc tích (Mt 1, 18-24)

18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” 24Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Làng Nazareth xứ Palestin vào đầu Công nguyên.
Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giá trị gốc tích bản thân tôi để biết trân quý những chọn lựa của các thế hệ và sự tác động của Chúa trong dòng lịch sử này.
Lối cầu nguyện: suy xét [PP-03: Phương pháp suy xét trong cầu nguyện]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Gốc tích Đức Giêsu
Bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ về chữ “gốc tích” và hiểu cho thấu đáo. Nó bao gồm những điều gì? Nó nói lên điều gì về một người?
Bạn hãy liệt kê/vẽ phả hệ của Đức Giêsu. Sau đời của Đức Giêsu phả hệ đó thế nào?
Phân tích sự kiện xảy ra vào thời điểm cha mẹ Đức Giêsu thành hôn với nhau:
+ Maria đã đính hôn với Giuse (tựa như đám hỏi trong văn hóa Việt Nam), họ đã đủ tuổi theo tập tục để kết ước sẽ nên vợ nên chồng. Đủ tuổi hàm nghĩa là đủ khả năng về thể chất và tinh thần để đi vào một cam kết trọn đời. Theo phong tục Do Thái thời bấy giờ, sau khi đính hôn họ đã là vợ/chồng của nhau, và chỉ được phép “thôi nhau” với một hành động từ chối rõ ràng; nên bản văn CGKPV dịch là thành hôn.
+ Maria có thai trước khi họ về chung sống với nhau, do quyền năng Chúa Thánh Thần. Vế trước giúp bạn xác định nhân tố con người. Vế sau xác định nhân tố thần linh. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh đó, bạn có tin được không? Tại sao?
+ Giuse chọn một giải pháp tốt về mặt con người: định âm thầm rút lui vì Giuse tốt lành nên không muốn lên án “vợ mình”. Giải pháp của Thiên Chúa lại khác: cho Giuse biết lý do và giao nhiệm vụ chăm sóc.
+ Giuse quyết định làm theo giải pháp thần linh. Bạn tìm được những lý do bên trong nào để biện minh cho hành động của Giuse?
Giêsu đã bắt đầu đời mình với một gốc tích rắc rối! Bạn nghĩ gì về điều đó?

2/ Gốc tích của tôi
Bạn được mời gọi để nhớ lại câu chuyện đám cưới của cha mẹ mình. Họ đến với nhau trong hoàn cảnh nào? Dòng nội và ngoại của bạn ra sao?
Bạn cũng hãy nhớ đến câu chuyện chào đời của bạn. Bạn là con thứ mấy trong nhà? Được chào đón hay không? Cha mẹ của bạn đã có những chọn lựa nào liên quan đến việc đưa bạn vào đời? Đâu là những câu chuyện bạn biết được quanh cuộc chào đời của bạn? Có yếu tố nào bạn thấy “kỳ dị” liên quan đến cuộc ra đời của bạn? Hôm nay, bạn có muốn giải thích nó dưới ánh sáng của Chúa không?

Kết nguyện
Bạn hãy trò chuyện với Mẹ Maria và thánh Giuse về cha mẹ của bạn. Bạn muốn xin các Ngài chuyển cầu gì cho cha mẹ mình? Có điều gì bạn còn lấn cấn trong lòng khi nghĩ về tương quan với cha mẹ, với dòng tộc? Bạn có muốn nói về họ với các Ngài? Bạn có muốn giải quyết nó hôm nay?
Hãy trò chuyện với Chúa Giêsu - Đấng đã được sinh ra làm người như bạn - về gốc tích của mình. Bạn muốn Ngài giúp bạn sửa lại, đón nhận điều gì trong gốc tích của mình?
Đoạn đọc một Kinh Lạy Cha để dâng lên Chúa Cha gốc tích của bạn.

Phương pháp suy xét


Suy xét trong cầu nguyện là dùng trí khôn để xem xét với lương tri ngay thẳng, với sự bình tâm đặt mình trước cùng đích đời mình (NL&NT) và trước lời mời gọi của Chúa Giêsu; đồng thời xin ơn Chúa để biết rút ra những quyết tâm phù hợp, những hành động mạnh mẽ nhằm đạt đến điều tôi được soi sáng.

Chất liệu: kinh nghiệm và biến cố đời mình, biến cố xã hội, ngụ ngôn, dụ ngôn và lịch sử trong Kinh Thánh, và các bài I-nhã. Ngoài ra, phương pháp suy xét còn được áp dụng vào các bản văn Kinh Thánh khác nhau; nó cũng là một phần của phương pháp suy niệm.

Các bài I-nhã được trình bày trong sách Linh Thao bao gồm: Nguyên lý & nền tảng (LT. 23), Xét mình chung-riêng-xưng tội (LT. 24-44), Suy gẫm về tội (LT. 45-72), Lời mời gọi (LT. 91-98), Hai cờ hiệu (LT. 136-148), Ba mẫu người (LT. 149-157), Ba bậc khiêm nhường (LT. 165-168), chọn lựa ơn gọi (LT. 135. 169-188), Cải thiện và tu chỉnh đời sống (LT. 189), và Chiêm niệm để được tình yêu (LT. 230-237).

Thực hiện: Theo cùng một tiến trình 3 phần của 1 giờ cầu nguyện [xem PP-01: Tiến trình một giờ cầu nguyện]

Hình ảnh: Internet

10/12/19

Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập (LT. 238-260)

Lưu ý: giờ cầu nguyện lý tưởng là kéo dài 60 phút. Bao gồm: thư giãn để tập trung ý thức, xin ơn, thực hiện nội dung cầu nguyện, và kết thúc.

1. Suy xét để quản lý mình (LT. 238-248)
Mục đích: nhằm giúp dọn mình và tiến tới trong các cuộc linh thao được tốt hơn.
Nội dung: 10 điều răn, Bảy mối tội đầu, các tài năng của linh hồn (trí nhớ, trí hiểu, và lòng muốn/lòng khao khát), và ngũ quan phần xác.
Các bước thực hiện:
a/ Tập trung ý thức.
b/ Xin ơn để hiểu rõ được điều đang suy xét, được nhận biết mình, và sự trợ giúp để sửa mình hầu làm vinh danh và ca tụng Chúa hơn.
c/ Dùng trí khôn để suy xét theo từng điều được nêu trong phần “nội dung” ở trên. Dừng lại khoảng 2-3 phút hoặc lâu hơn để xét xem tôi đã tuân giữ điều đó thế nào, và đã lỗi phạm điều gì; xin ơn tha thứ nếu có lỗi phạm. Đọc 1 Kinh Lạy Cha. Rồi suy xét điều kế tiếp…
Lưu ý: Có thể dừng ngắn hơn cho điều không thấy có lỗi phạm, và ngưng lâu hơn cho điều có nhiều lỗi phạm.
d/ Kết thúc: Tâm sự với Chúa theo nội dung vừa suy xét. Có thể đọc một số kinh quen thuộc vào lúc kết thúc.
Lưu ý: Có thể lấy Chúa Giêsu hoặc Đức Maria để làm mẫu gương để tập luyện nhân đức. Chọn Vị nào thì ơn xin và phần tâm sự hướng về Vị đó.

2. Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh (LT. 249-257)
Các bước thực hiện 1 tiếng cầu nguyện bao gồm:
a/ Tập trung ý thức.
b/ Hướng lòng về Đức Kitô hoặc Mẹ Maria để xin ơn phù hợp.
c/ Đọc bản kinh hoặc đoạn văn. Ngừng lại suy xét từng chữ hoặc câu đó bao lâu ta còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi.
Lưu ý: không cần đi cho hết bản kinh/bản văn. Có thể cầu nguyện lại với cùng bản kinh/bản văn; có thể đi tiếp đoạn chưa suy ngẫm.
d/ Kết thúc: Hướng lòng về Đấng ta đang cầu nguyện với để xin những nhân đức hoặc những ơn ta cần đến nhiều hơn.

3. Theo nhịp thở (LT. 258-260)
a/ Tập trung ý thức.
b/ Hướng lòng về Đức Kitô hoặc Mẹ Maria để xin ơn phù hợp.
c/ Đọc 2 vế của 1 câu kinh/bản văn theo nhịp hít vào và thở ra. Lặp lại bao lâu cần thiết. Trong khi lặp lại cách nhịp nhàng câu kinh/câu Kinh thánh, hãy tập trung nhìn ngắm ý nghĩa của lời đó, hoặc chiêm ngắm Đấng ta cầu xin; nhìn sự thấp hèn của ta và sự cao cả của Đấng ấy; hoặc nhận ra khoảng cách khác biệt của ta với Ngài.
d/ Tâm sự với Đấng ta cầu xin. Có thể đọc một số kinh quen thuộc vào lúc kết thúc.


3/12/19

Thứ Tư MV.I: Phúc khỏe – Phúc no (Mt 15, 29-37)

29Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven biển hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.
32Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” 33Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” 34Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” 35Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

Nhập nguyện
Ý thức Chúa hiện diện: Đấng đang ở với tôi, muốn nghe và nói với tôi – hãy chào Ngài để giúp bạn thật sự ý thức mình bắt đầu gặp gỡ trao đổi với Ngài. Nếu chưa thật lắng đọng thì dùng phương pháp tập trung ý thức (nhịp thở, tiếng động, cơ thể).
Xin Chúa ban Thánh Thần để thánh hóa mình xứng đáng hơn để đi vào mối tương quan yêu thương và để phụng sự Thiên Chúa cách xứng hợp.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đang thi hành sứ vụ: rao giảng, chữa lành, làm phép lạ… tương tự như bạn đang hoạt động một ngày của mình.
Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra ân huệ Chúa nơi sức khỏe của tôi và các món ăn tôi được cung cấp, để tôi biết cám ơn Chúa đã chăm sóc tôi.

Các điểm gợi ý cầu nguyện

1/ Phúc khỏe (Mt 15, 29-31)
Bạn hãy đọc chậm đoạn văn để cho từng câu, từng chữ, từng hình ảnh thấm vào bạn. Nếu trí nhớ bạn có thể tóm lược lại được thì càng tốt.
Theo văn mạch của Tin Mừng Mat-thêu, Đức Giêsu từ vùng dân ngoại Tia và Sidon đi xuống ven hồ Ga-li-lê (bản đồ); có lẽ Ngài đi qua hướng Đông của hồ vì là vùng hoang vắng.
Bạn dành thời gian quan sát sự chuyển động: 1/ của Đức Giêsu—lên núi (triền đồi) và ngồi xuống, 2/ của đám đông—kéo đến, mang theo nhiều bệnh nhân, đặt dưới chân Đức Giêsu.
Bạn hãy quan sát hành động của: 1/ Đức Giêsu—chữa lành; 2/ của đám đông—kinh ngạc vì thấy, tôn vinh Thiên Chúa.
Hãy nghiệm xem đâu là phép lạ sức khỏe của bạn. Bạn có xem sức khỏe là một “phúc”?

2/ Phúc no (Mt 15, 32-37)
Tương tự, bạn hãy đọc chậm đoạn văn để cho từng câu, từng chữ, từng hình ảnh thấm vào bạn. Tóm tắt lại bằng trí nhớ của mình.
Câu 32 hé lộ đôi điều: 1/ Đức Giêsu đã giảng dạy dân chúng 3 ngày liền, 2/ nơi hoang vắng, 3/ họ bị thiếu đồ ăn thức uống. Đức Giêsu nói với các môn đệ về mối bận tâm của mình, Ngài cũng đang nói với bạn hôm nay. Bạn hãy đọc kỹ để cảm hiểu được lòng Đức Giêsu.
Câu 33 cho bạn thấy thái độ nào của các môn đệ?
Câu 34 – 36: Đức Giêsu mời các môn đệ dấn thân thế nào?
Câu 37 cho thấy một kết quả ngoài sức tưởng tượng!
Sống trong một xã hội hưởng thụ, bạn có cảm giác đồ ăn thức uống ê hề. Quán xá ngập tràn từ thành thị đến thôn quê. Bạn nhìn “thực phẩm” có ý nghĩa gì? Thân xác bạn được nuôi dưỡng và lớn lên nhờ vào sự “dấn thân” của những ai? Có bao giờ bạn cũng muốn dấn thân vì “miếng ăn” của ai đó? “Thực phẩm” có là một ơn phúc trong đời bạn?

3/ Nguồn ơn phúc
Bài Tin Mừng này có thấy nguồn ơn phúc là chính Đức Giêsu. Bạn nghĩ gì về điều này? Bạn có thể cảm nếm “phúc no đời đời” khi chiêm ngắm và rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể.
Bạn có muốn bày tỏ tâm tình nào với Ngài?

Kết nguyện
Hãy dành ít phút để cám ơn vì Phúc khỏe-Phúc no trong đời tôi. Đoạn kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.

Phương pháp-Tiến trình một giờ cầu nguyện

Với người đã quen cầu nguyện, một giờ cầu nguyện lý tưởng kéo dài 1 tiếng, được chia thành 3 phần: nhập nguyện khoảng 5 phút; phần chính khoảng 50 phút, phần kết khoảng 5 phút.

Nhập nguyện

Ý thức Chúa hiện diện: Đấng đang ở với tôi, muốn nghe và nói với tôi – hãy chào Ngài để giúp bạn thật sự ý thức mình bắt đầu gặp gỡ trao đổi với Ngài. Nếu chưa thật lắng đọng thì dùng phương pháp tập trung ý thức (nhịp thở, tiếng động, cơ thể).

Xin Chúa ban Thánh Thần để thánh hóa mình xứng đáng hơn để đi vào mối tương quan yêu thương và để phụng sự Thiên Chúa cách xứng hợp.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Dùng trí tưởng tượng để đưa mình vào khung cảnh của bài cầu nguyện. Trong Linh Thao có một số bài quan trọng, thánh I-nhã mời ta đặt khung cảnh rất long trọng: đặt mình trước sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Mẹ và triều thần thánh…

Ơn xin: Yêu cầu căn bản của một bài cầu nguyện/1 tuần (giai đoạn) Linh Thao cần đạt được.

Các điểm gợi ý cầu nguyện

Những gợi ý này giúp ta có chất liệu để suy nghĩ và cầu nguyện. Nên dừng lại để cảm nếm điểm nào đánh động mình, không cần đi hết các điểm. Bạn cũng được tự do chọn bất cứ điểm nào để bắt đầu giờ cầu nguyện.

Tâm sự (LT 53-54) là nói chuyện với Chúa như hai người bạn. Đây là phần quan trọng nhất của giờ cầu nguyện. Có thể làm vào gần cuối giờ cầu nguyện hoặc đan xen vào các điểm cầu nguyện. Nếu chỉ mới suy nghĩ, suy tư thần học thì chưa hẳn là cầu nguyện. Suy nghĩ cần dẫn đến tâm sự. Cầu nguyện là giây phút ta cảm nghiệm Chúa, hơn là “có thêm kiến thức” về Chúa.

Đại tâm sự: Có những bài Thao luyện quan trọng thánh I-nhã mời ta thực hiện 3 cuộc tâm sự: thứ nhất với Đức Mẹ, thứ hai với Chúa Con, thứ ba với Chúa Cha (LT 63&64 về tội; LT 147 về chọn lựa theo ĐKT hay Luxiphe; LT 156 về xin ơn quyết liệt thay đổi để theo ĐKT. Nhắc lại ích lợi của Đại tâm sự ở LT 199.

Kết nguyện

Giúp bạn kết thúc giờ cầu nguyện, đúc kết và tạm biệt Vị Thượng Khách cách trang trọng. Bạn có ít nhất 5 phút để tóm kết, thưa chuyện, tạ ơn, xin ơn… với Vị Thượng Khách – Đấng “không có gì là không thể làm được”. Phần Tâm sự có thể được thực hiện ở phần kết nguyện.

Thánh I-nhã rất thích kết thúc với Kinh Lạy Cha: Mọi sự cho vinh danh Chúa. Mọi sự đều quy về Chúa là Cha Toàn Năng.



Giới thiệu Chuyên mục Tâm điểm Giêsu

Mùa Vọng khởi đầu Năm phụng vụ mới, năm A, niên lịch 2019-2020, chúng tôi ao ước được bắt đầu cùng bạn nhịp bước với Giêsu vào ngày giữa tuần – Thứ Tư hàng tuần.

Tâm điểm hay Trung điểm luôn đẹp. Ngày giữa tuần luôn đẹp vì đầy năng lượng. Tâm điểm Giêsu đẹp viên mãn!

Trọng tâm của Chuyên mục Tâm điểm Giêsu nhằm giúp bạn định vị lại mình trong Giêsu bằng việc thực hành cầu nguyện với một Giêsu đang sống kiếp người với bạn, đang bước đi với bạn đến trường hay công sở, nơi thành thị hay vùng quê hẻo lánh.

Chuyên mục Tâm Điểm Giêsu mong ước gởi đến bạn phương pháp cầu nguyện theo thánh Inhã và bài Hướng dẫn cầu nguyện dựa trên bài Tin Mừng theo lịch Phụng vụ, bản dịch của CGKPV. Chúng ta sẽ bắt đầu với bài Tin Mừng thứ tư hàng tuần. Bạn sẽ nhận được bài vào mỗi chiều tối thứ Ba hàng tuần, với ước mong bạn sẽ dành thời gian để hẹn hò với Giêsu vào ngày thứ Tư. Đây là việc ứng dụng phương pháp cầu nguyện Linh thao vào cầu nguyện hằng ngày.

Bạn có thể tìm các bài Phương Pháp bằng cách gõ vào ô tìm kiếm của Blog này chữ "Phương pháp", và tìm các bài cầu nguyện bằng cách đánh mã ghi bản văn Kinh thánh; vd: Mt 15, 29-37.

Chuyên mục Tâm điểm Giêsu mong ước được góp một phần nhỏ vào hành trình thiêng liêng cao quý của đời Bạn.

Nguyện phó dâng Chuyên mục Tâm điểm Giêsu dưới sự bảo trợ của thánh Phanxicô Xaviê, Người mang trong tim ngọn lửa Giêsu, và nhiệt tâm làm cho nó bùng cháy lên trong tim người khác.

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên!”
(Lc 12, 49)

Ngày 03/12/2019
Lễ thánh Phanxicô Xaviê

15/11/19

Adelaide de Cice - Mẹ của người nghèo (1)



Vào ngày 5 tháng 11 năm 1749, thời Vua Louis thứ 15 ở Pháp, tại thị trấn Rènnes vùng Brittany, một bé gái đã được sinh ra. Em là con thứ 12 của ông bà Cicé. Cha em là một đại úy kỵ binh trong trung đoàn Brittany.

Phương châm của gia đình là: “Phần thưởng dành cho người dũng cảm nhất”.

Mẹ em không còn trẻ, vì thế khi mang thai Adelaide, bà rất lo lắng khi biết rằng sẽ có thêm một thành viên nữa trong gia đình. Tuy nhiên, một linh mục, bạn của gia đình đã lên tiếng an ủi bà: 
“Đừng lo lắng, thưa bà. Một ngày kia đứa trẻ này sẽ là nguồn an vui cho bà”. Cô bé được rửa tội ngay trong ngày chào đời và được đặt tên là Marie Adelaide de Cicé

Tháng 11 năm 1750, cha của em, Ngài Jerome de Cicé qua đời và được chôn cất tại giáo xứ thánh Aubin. Từ đó trở đi, ngay khi còn là một đứa trẻ, Adelaide đã chứng kiến nhiều đau buồn, nước mắt hơn nụ cười.

Năm lên 6 tuổi, Adelaide và một người em họ bị mắc bệnh đậu mùa. Một ngày kia, khi nghe người em họ than phiền, Adelaide đã nói với người em họ rằng: “Chúng ta không nên than phiền, chúng ta phải cố gắng dâng những đau đớn của chúng ta lên cho Chúa”.

Bốn năm sau, Adelaide lãnh nhận bí tích Thánh Thể tại tu viện Dòng Thăm viếng ở Rennes. Từ giây phút đó trở đi, em cảm thấy Chúa mời gọi em phục vụ Người qua một cách thức hết sức đặc biệt. Điều này làm trái tim em bừng cháy tình yêu dành cho Chúa và cho mọi người. Những năm tiếp theo, em thường dùng tiền tiết kiệm của mình để đóng học phí cho 6 cô gái đang học nghề, nhằm giúp họ chuẩn bị cho cuộc sống sau này.

Em phác thảo một Kế Hoạch Sống cho mình như sau:
Sáng sớm, tôi sẽ dâng những suy nghĩ đầu tiên lên Chúa. Ngay khi thức giấc, tôi sẽ ra khỏi giường không một phút chậm trễ. Rồi tôi sẽ cầu nguyện. Tôi sẽ chiêm niệm khoảng 15 phút trước khi tham dự Thánh Lễ.

Tôi sẽ tập trung học hành.

Tôi sẽ thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa.

Tôi sẽ không ăn nói thô lỗ với bất kỳ ai.

Tôi sẽ luôn nói năng dịu dàng.
Mỗi ngày tôi sẽ làm một hành động sám hối nhỏ để tôn vinh năm dấu thánh của Chúa. Nếu có thể, tôi sẽ viếng Thánh Thể mỗi ngày. Tôi sẽ làm công việc nhà cẩn thận. Sau lời cầu nguyện tối, trước khi lên giường ngủ, tôi sẽ giữ thinh lặng. Khi đã sẵn sàng cho giấc ngủ, tôi sẽ hướng suy nghĩ mình tới cái chết. Tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ những điều trên với sự trợ giúp của ơn Chúa. Nhờ ơn Ngài, tôi có thể làm mọi điều. Nếu không có ơn Chúa, tôi chẳng có thể làm được gì cả.”
Khi được 15 tuổi, em thường kết thúc các lá thư của mình bằng những lời sau:
“MỌI SỰ ĐỂ VUI LÒNG CHÚA, KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ 
THỎA MÃN CHÍNH CHÚNG TA.”



12/10/19

Gốc táo của bố


Sinh ra trong một gia đình làm nông nên cây cối, hoa màu rất gần gũi với tôi. Ấy vậy mà cho tới bây giờ, khi đã xa ngôi nhà thân yêu tôi mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trong chính những gì thường nhật nhất.


Táo cho quả to hơn, ngon hơn sau mỗi lần cắt gốc
Nhà tôi có trồng một vườn táo. Sau mỗi năm ra trái, cây táo sẽ được cắt tận gốc và được bôi lên một ít vôi. Trong lòng tôi in đậm cái cảm giác thích thú khi hái được nhiều táo nhưng lại cũng xót xa khi táo bị cắt cành. Ngày đó có những lúc tôi ngăn bố đừng chặt cành táo nữa. Lúc đó bố chỉ nói: “Không cắt đi thì nó không lên mầm mới và sang năm táo sẽ rất ít trái, trái không to, không ngon”. Năm tháng qua đi, tuổi thơ của tôi cũng dần khép lại. Tôi lớn lên, đi học xa nhà, đi làm và rồi đi tu.

Giai đoạn nhà Tập là quãng thời gian tôi có cơ hội tìm ra căn tính đích thực của mình với những câu hỏi rất nền tảng: “Tôi là ai trong Tình Yêu của Chúa?” và “Tôi là ai với tất cả điểm mạnh và giới hạn của mình?” Với những sự chuẩn bị ấy, tôi thấy mình cũng đôi chút tự tin để bước sang hành trình mới.  

Thế nhưng, trở lại môi trường làm việc cũ, cuộc sống của tôi trở nên bận rộn hơn, ồn ào hơn. Tôi không biết mình đang làm gì nữa. Tôi sống dường như là để hài lòng người khác. Tôi cảm thấy tôi không còn là chính tôi. Tiêu chuẩn để tôi chọn lựa sống cũng không còn theo thánh ý của Thiên Chúa nữa mà là “người ta làm sao tôi làm vậy, người ta làm bậy tôi làm theo”.

Đang lúc lạc đường như thế thì trong kỳ Triduum, tôi nhận được ơn xin cho bài cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con lối bước của Ngài…” Hình ảnh mà người đồng hành cung cấp cho tôi là hình ảnh gốc nho được cắt tỉa. Lúc đó, trong đầu tôi thật khó hình dung vì tôi chưa thấy cây nho bao giờ. Nhưng rồi hình ảnh “gốc táo của bố” đã đến trong tâm trí tôi. Ở lại với hình ảnh này, tôi dần nhận ra điều mà Thiên Chúa muốn chỉ dạy. “Cắt tỉa tận gốc” nghĩa là trở về với cái nền “Tôi là ai” mà tôi đã khám phá ra trong giai đoạn nhà Tập. Tôi nhận thức rõ rằng giống như cành táo, một khi chịu cắt tỉa thì sẽ đau, nhưng sẽ nảy mầm, trổ hoa và sinh trái dồi dào hơn. Tất cả vẫn là sự chọn lựa của tôi: chọn để được cắt tỉa, để được lớn lên hay chọn để mình tiếp tục như vậy với sự già cỗi. Cuối cùng tôi quyết định chọn để được cắt tỉa và tôi muốn được cắt tỉa mặc dù phải trả giá cho lựa chọn của mình. Chỉ có một điều tôi không thể chối bỏ là tôi cần sức mạnh và ơn Chúa trợ giúp để có thể tự do chọn lựa.

“Gốc táo của bố” giờ đây không chỉ là những hình ảnh của ký ức xa xưa, nhưng nó đã trở nên một hình ảnh siêu việt để tôi có thể nhận ra con đường mà Chúa muốn tôi bước theo.

Hân Nhi 

14/9/19

Câu chuyện của một trái đước


Trái đước
Tôi là một trái đước, được sinh ra từ một cây đước sống ở vùng ven biển. Trái đước dài, nhọn, có vỏ dày và có một hạt rất cứng ở bên trong.

Một ngày kia, tôi rụng khỏi cây mẹ. Và cuộc đời tôi bắt đầu trôi dạt từ đó. Tôi trôi nổi trong biển cả mênh mông. Sóng biển đưa đẩy, tôi va chạm vào mạn thuyền và bao nhiêu thứ trên đời. Đời đã đẩy tôi đi rất xa, rất xa, xa đến nỗi tôi không biết mình đang ở đâu nữa. Một chiều nọ, đuối sức, tôi dạt vào một vùng đất bùn ven biển. Rễ tôi mò tìm xuống đất, lớp vỏ bên ngoài thối đi, vỏ cứng téc ra. Và kìa tôi mọc chồi lên và lá xuất hiện. Ồ, có lẽ đây là nơi tôi được đưa đến để cắm rễ và lớn lên. Tôi bung mình ra, lớn lên bằng hết sức sống tiềm tàng trong hạt.

Bỗng nhiên, nước ở đâu cứ đổ ập tới, vồ lấy tôi, hết lớp này đến lớp khác. Thân thể nhỏ bé của tôi ngả nghiêng theo lớp sóng. Lâu lâu sóng lại cứ ập tới như thế. Tôi quen dần với sự đùa giỡn mạnh bạo của sóng. Rễ tôi ngày một đâm sâu xuống đất hơn để giữ cho thân khỏi bị bật gốc. Đâu chỉ có sóng, lâu lâu còn có bão đủ các cấp từ nhẹ đến mạnh và rất mạnh. Có lúc tôi ngã bẹp dí xuống đất, tơi tả lá cành, hầu như không ngóc đầu lên được. Tôi than thở với số phận hẩm hiu cứ phải đối diện với sóng gió làm tôi kiệt sức.

Tuy nhiên, tôi vẫn lớn lên thành một cây đước to lớn mặc cho phong ba bão táp cứ diễn ra. Tôi trở thành nơi nương náu tránh bão cho các động vật dưới nước. Tôi bảo vệ miền đất ven biển. À thì ra đây là ơn gọi của tôi, là nơi bảo vệ cho các động vật khác và cả đất liền khỏi sự tấn công của mưa bão. Những kinh nghiệm sống đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng điều quan trọng nhất chính là sức sống nội tại mà tôi đã thừa hưởng từ cây mẹ, đã giúp tôi vượt qua sóng gió để sống và sống tròn đầy.

Vi Hà