31Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32Người
bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi
làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? 33Người Do-thái đáp:
“Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm
thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34Đức Giê-su bảo
họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các
ngươi là những bậc thần thánh’? 35Nếu Lề Luật gọi những kẻ
được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị
huỷ bỏ, 36thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến
thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói:
‘Tôi là Con Thiên Chúa’? 37Nếu tôi không làm các việc của Cha
tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38Còn nếu tôi làm các việc đó,
thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông
sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong
Chúa Cha.” 39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã
thoát khỏi tay họ.
40Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia
sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và
Người ở lại đó. 41Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo
nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy
nói về người này đều đúng.” 42Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
·
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính
cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
·
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi
và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
·
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tranh luận với những
người Do Thái đã tin vào Ngài nhằm giúp họ thanh luyện niềm tin đó. Có vẻ như
Ngài không thành công, vì họ quyết định ném đá Ngài để chống đối những điều Ngài
nói.
·
Ơn xin: Xin cho tôi được ơn khiêm tốn đón nhận
những mặc khải của Thiên Chúa về chính Ngài cho tôi, ngay cả khi trí hiểu tôi
chưa kịp tiếp nhận, để tôi đừng đóng lòng trước Ngài.
·
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm:
Phương pháp Suy niệm]
Gợi
điểm cầu nguyện
1/ Ném đá (cc. 31-39)
Mời bạn đọc kỹ đoạn văn để nhận
ra sự chênh lệch trong cách hiểu của Chúa Giêsu và người Do Thái. Người Do Thái
thấy đức Giêsu chỉ là một người phàm mà lại dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa.
Họ bị giới hạn trong cái nhìn của mình – mà cũng là điều bình thường vì tất cả dữ
kiện đời đức Giêsu đã cho thấy điều đó. Họ không thể biết được nguồn gốc sâu xa
của Ngài trước khi sinh vào trần gian.
Về phần đức Giêsu, sau quá trình
nhập thể và nhập thế thành công, Ngài dùng kinh nghiệm con người, tiếng nói, văn
hóa, tôn giáo để trình bày về Thiên Chúa Cha, về chính mình – một cách thành công
và gần gũi. Nhưng Ngài không được tiếp nhận vì người ta không thể vượt qua được
giới hạn để biết được nguồn gốc thần linh của Ngài.
“Ném đá” là một hành vi tỏ lộ sự
phản đối của người Do Thái, thậm chí là phương tiện xử tử một người bị kết án
chết. “Ném đá” diễn ra khi người ta không thể tiếp tục đối thoại với nhau được
nữa. Từ ngữ đó đã được dùng theo nghĩa bóng trong nhiều nền văn hóa hiện nay.
Trong văn hóa Việt Nam có câu “ném đá giấu tay”. Điều này khá sát với tình trạng
ném đá trên các mạng xã hội hiện nay.
Đâu là những giới hạn của bạn để
hiểu một người, một tình huống cuộc sống?
Đâu là cách thức bạn xử sự khi có
bất đồng quan điểm, cách nghĩ, cách làm xảy ra?
2/ Lánh sang bên kia
sông Gio-đan (cc. 40-42)
Vài câu Kinh Thánh ngắn ngủi cho
thấy đức Giêsu muốn trở về nơi đã được ông Gioan làm phép rửa cho mình. Ngài muốn
trở lại với giây phút được nghe Chúa Cha nói “Đây là Con Ta yêu dấu…”; giây phút
trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Đó hẳn là giây phút hạnh phúc nhất
đời Ngài.
Ngài mệt mỏi vì những tranh luận
vô bổ trên bề mặt con chữ, bắt bẻ nhau trên từ ngữ.
Đâu là chốn bình yên mà bạn muốn
trở về nghỉ ngơi khi mệt tâm? Kinh nghiệm về chốn bình yên của bạn có gắn với
Thiên Chúa?
Kết nguyện
Thân thưa với Chúa về những hiểu
lầm và bị hiểu lầm, những lần bị “ném đá”, những mệt mỏi trong tâm hồn bạn.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
Ảnh: Internet