Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

21/11/23

[21/11 Lễ Mẹ Maria được dâng vào đền thờ] Thuộc về (Mt 12,46-50)

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Mẹ Maria và anh em đức Giêsu đi thăm đức Giêsu trong thời gian Ngài thi hành sứ vụ công khai..

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được sự cao quý của mối tương quan thiêng liêng mà đức Giêsu dành cho tôi, để tôi sống trong tương quan mật thiết với Ngài hơn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Truyền thống lễ Đức Maria được dâng vào Đền Thánh: Câu chuyện về cuộc chào đời của đức Maria được kể trong ngụy thư thánh Giacôbê; dựa theo truyền thống của những câu chuyện hiếm muộn sinh con trong lúc tuổi già của bà Anna (mẹ ông Samuen), bà Êlisabet (mẹ ông Gioan Tẩy Giả). Tên cặp vợ chồng già này được kể là Gioakim và Anna. Theo ngụy thư, đức Maria được dâng vào đền thờ Giêrusalem lúc 3 tuổi. Dù không có chứng cứ lịch sử, lễ Mẹ Dâng Mình mang một ý nghĩa thần học lớn lao: Chúng ta được sinh ra và thuộc về Thiên Chúa, dù là nam hay nữ.

Lễ Mẹ Dâng Mình được cử hành từ thế kỷ VI ở Giêrusalem và một nhà thờ được xây dựng để tôn kính. Lễ này được Giáo Hội Đông Phương chú trọng. Đến thế kỷ XI, lễ được lan truyền qua Giáo Hội Tây Phương. Đến thế kỷ XVI, lễ được cử hành trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo Rôma.

1/ Lẽ tự nhiên (cc. 46-48)

Trong thời gian đức Giêsu đi rao giảng, thi thoảng mẹ Maria và các anh chị em bà con đi thăm Ngài. Hãy đọc lại bản văn để khám phá cách chi tiết cuộc viếng thăm lần này.

Đi thăm người thân là chuyện hết sức tự nhiên. Mời bạn dành thời để suy ngẫm những điều sau:

+ Dành thời gian để đi thăm người thân, bạn bè

+ Cùng nhau đi thăm người thân, bạn bè ở xa

+ Dịp nào và câu chuyện gì bạn muốn chia sẻ và lắng nghe trong chuyến viếng thăm đó? Về tin tức gia đình? Công ăn việc làm? Về đức tin? Về niềm hy vọng và đau khổ?...

+ Bạn cảm thấy thế nào trước thái độ và câu hỏi của đức Giêsu khi biết tin mẹ mình và các anh em đến thăm và muốn gặp mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 

Hãy thân thưa với Chúa về các mối tương quan trong đời thường của bạn và cách thức bạn nuôi dưỡng những mối tương quan này.

2/ Lẽ siêu nhiên (cc. 49-50)

Nếu chỉ dừng lại ở mức độ tương quan huyết thống theo lẽ tự nhiên, thì câu chuyện này không có can hệ gì đến chúng ta – những người Việt Nam sống ở thế kỷ XXI.

Đức Giêsu đã mở ra một mức độ tương quan khác: “Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.’”

Tiêu chí của mối tương quan này là: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Mời bạn dành thời gian để khám phá mối tương quan theo lẽ siêu nhiên này; về mức độ bạn ý thức về nó và về cách thức bạn nuôi dưỡng mối tương quan này mỗi ngày.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu, Đấng mời bạn đi vào mối tương quan thiêng liêng với Ngài về mức độ tương quan của bạn với Ngài và ngược lại.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest.

18/11/23

Thứ bảy TN.XXXII: Kiên tâm cầu nguyện (Lc 18,1-8)

1Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’”

6Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ kiên tâm cầu nguyện bằng dụ ngôn.
  • Ơn xin: Xin cho tôi học được bài học đức Giêsu dạy để biết quảng đại dành thời gian cầu nguyện, và tin vào kết quả lớn lao của cầu nguyện, dù không dễ đo đếm được chúng.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Mẫu gương cầu nguyện (c.1)

Nhìn ngắm đức Giêsu cầu nguyện trong suốt hành trình dương thế của Ngài.

+ Khi nhỏ Ngài đã học và thực hành cầu nguyện thế nào?

+ Suốt 30 năm ẩn dật, Ngài đã chiêm ngắm thế giới thiên nhiên, câu chuyện đời thường bằng con mắt siêu nhiên thế nào? Ngài đã quy chúng về Chúa Cha thế nào? Ngài đã đọc được ý nghĩa gì trong đó?

+ Trong những năm hoạt động công khai, Ngài đã cầu nguyện thế nào? Kết quả của việc cầu nguyện đó thế nào?

2/ “xét xử cho rồi” (cc.2-6)

Đọc lại câu chuyện và ngẫm nghĩ về viên “quan tòa bất chính” – Sống tệ bạc như ông mà cũng không chịu nổi sự phiền toái của những lời kêu cứu của bà góa.

Trong kinh nghiệm đời thường bạn có kinh nghiệm đạt được điều gì đó nhờ kiên trì nài xin? Điều bạn nhận được đến từ ước muốn của người trao hay là từ sự miễn cưỡng?

3/ “mau chóng minh xét” (c.7)

Ngẫm về Thiên Chúa. Giả như bạn nghĩ Ngài “tệ” như vị quan toàn kia thì Ngài vẫn “minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn”. Hơn nữa, hãy chắc chắn rằng “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

Điều còn lại là: điều bạn cầu xin là gì? Nó tốt cho bạn hoặc cho người liên quan không? Bạn muốn thấy kết quả của lời cầu xin theo kiểu nào?

4/ “liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (c.8)

Hãy ngẫm về lời tiên báo ảm đạm này. Liệu rằng đến khi Ngài trở lại, có còn ai còn giữ được đức tin vào Ngài, có còn ai còn đang cầu khẩn Ngài?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về điều bạn vừa được khơi lên trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

14/11/23

Thứ ba TN.XXXII: Làm việc bổn phận (Lc 17,7-10)

7“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’ ? 9Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà dạy các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy trong ngôn ngữ dụ ngôn và qua những dấu chỉ thời đại, để tôi sống điều Ngài dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Trách nhiệm (cc. 7-9)

Tiếp nối ngôn ngữ và hình ảnh dụ ngôn chúng ta đã cầu nguyện vào thứ ba tuần 29 mùa thường niên, hôm nay chúng ta lặp lại cùng bối cảnh và hình ảnh dụ ngôn về người đầy tớ. Bỏ qua những điều tiêu cực của chế độ nô lệ, trong tương quan với Thiên Chúa, hình ảnh người đầy tớ mà đức Giêsu dùng hoàn toàn có giá trị và giúp bạn khám khá ra sự thật lớn lao. Do vậy, mời bạn đặt mình vào trong nền văn hóa của thời còn chế độ nô lệ để thấy hết trách nhiệm của người đầy tớ. Họ hoàn toàn thuộc về chủ, phục vụ chủ mọi sự mà không có quyền đòi bất cứ một quyền lợi hay lòng biết ơn của chủ cho những việc phục vụ của họ.

Mời bạn đọc chậm rãi đoạn văn và suy ngẫm về:

+ Những nhiệm vụ của một đầy tớ được xã hội quy định;

+ Những điều đương nhiên trong tương quan chủ-tớ

2/ Làm việc bổn phận (c. 10)

Thánh Inhã nhắc đến quy luật này trong số linh thao 23: “Con người được tạo dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và NHỜ ĐÓ cứu rỗi linh hồn mình”. Giới từ “nhờ đó” không có nghĩa là bạn lập công để tự cứu linh hồn mình, nhưng có nghĩa là “ngang qua đó” hoặc “song song” với việc ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, linh hồn bạn được cứu độ. Do vậy, hãy cứ làm những “bổn phận” của một thụ tạo, và Thiên Chúa sẽ cứu độ bạn.

Bạn dành thời gian để suy ngẫm về những cách thức bạn đang lo cho mình được ơn cứu rỗi. Cách thức và thái độ có phù hợp với tinh thần “tôi là một đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”?

Bạn có thể cùng với Đấng đáng kính Phanxicô Nguyễn Văn Thuận suy tư và cầu nguyện về bổn phận qua những câu được trích trong tập Đường hy vọng.

“Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại” (số 17)

“Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận con. Thánh hóa chính mình con trong bổn phận.” (số 19)

“Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở quân đội, bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở. Mỗi bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận.” (số 24)

“Chỉ cần làm bổn phận trong giây phút hiện tại là nên thánh. Một khám phá, một mạc khải đem bình an và phấn khởi cho tâm hồn con.” (Số 31)

“Chính sự chết cũng là bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến” (số 32)

“Chúa muốn mưa, con cũng muốn, - Chúa muốn nắng, con cũng muốn, - Chúa muốn sướng, con cũng muốn, - Chúa muốn cực, con cũng muốn, - Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con.” (số 37)

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những điều bạn học được với Ngài qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

11/11/23

Thứ bảy TN.XXXI: Chọn lựa thế nào? (Lc 16,9-15)

9“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

14Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15Người bảo họ: “Các ông là những kẻ tỏ vẻ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: đức Giêsu giảng dạy dân chúng trên hành trình Ngài đi lên Giêrusalem.
  • Ơn xin: Xin cho tôi biết lắng nghe, cảm hiểu điều đức Giêsu dạy và dám chọn lựa điều HƠN theo giá trị của Ngài.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện]

Gợi ý cầu nguyện


1/ Đấng giảng dạy (cc. 9.15)
Mời bạn dành thời gian để đặt mình đối diện với đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đang nói với bạn những lời này. 
Ngài hiện diện bên bạn cách hết sức đơn giản, đời thường. Ngài đang nói với bạn qua Lời Chúa/Tin Mừng, thiên nhiên, biến cố đời bạn, biến cố lịch sử nhân loại, những chuyển biến xã hội…

2/ Điều HƠN (cc. 10-13)

Lời Chúa

Vài gợi ý

9“Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.”

Tiền của đời tạm, chóng qua… so với “vĩnh cửu”

“bạn bè” sẽ đón tiếp bạn khi đời tạm chấm dứt là gì? Là ai?

10Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.

Rèn luyện mọi sự từ cái nhỏ. Đừng chỉ đợi “cái lớn”, vĩ đại, được biết đến.

Rèn luyện tâm thế/nội tâm hơn là hành vi/hành động.

11Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

Xét về mức độ: Tiền Của bất chính với “của cải chân thật”

Xét mức độ sở hữu: “của cải của người khác” là cái Chúa ban với “của cải dành riêng” là điều bạn được trở nên.

13“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Mức độ tình yêu. Không thể “bắt cá hai tay”

15“Các ông là những kẻ tỏ vẻ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.

Tâm thế và “thần thái”

Cái nào quan trọng trước Thiên Chúa?

Đâu là những giá trị trái ngược nơi loài người và Thiên Chúa?

Bạn có muốn “cười nhạo” đức Giêsu sau khi nghe và ngẫm về tất cả những điều Ngài vừa nói chăng?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về bất cứ điều gì trồi lên trong lòng bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

6/11/23

Thứ ba TN.XXXI: Hạnh phúc tự chọn (Lc 14,15-24)

15Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” 16Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. 17Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ 18Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ 19Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ 20Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’

21“Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ 22Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ 23Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. 24Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.’”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng bữa tại nhà ông thủ lãnh người Pharisiêu, và Ngài kể dụ ngôn này cho những người đồng bàn.

Ơn xin: Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, xin cho tôi cảm hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy qua ngôn ngữ dụ ngôn để tôi biết chọn lựa hạnh phúc Nước Trời.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” (c. 15)

Ước mong được vào Thiên Đàng, được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa được đặt vào trong đáy tâm hồn con người mọi nơi, mọi thời.

Mời bạn tìm về chính ước mơ đó trong bạn. Nó được gợi lên khi nào? Mãnh liệt hay chỉ thoảng qua?

2/ Hạnh phúc tự chọn (cc. 16-24)

Mời bạn đọc chậm rãi nhiều lần các câu 16-24. Lưu ý về cách “chủ nhà” dọn tiệc, gởi lời mời, mong chờ thực khách đến…

Suy xét về cách thức đáp lại lời mời của những thực khách với nhiều cách và nhiều lý do:

+ “Mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu”! Bạn tự hỏi tại sao?

+ Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’

+ Người thứ hai: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ 

+ Người thứ ba: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’

+ Người thứ …

Bạn tìm được lý do chung của những lời từ chối này là gì?

Ta vẫn thường nói: Thiên Chúa phạt xuống hỏa ngục. Đức Giêsu cho thấy hạnh phúc hay đau khổ đời đời là cái tôi tự chọn.

Tôi nhớ đến câu chuyện nhỏ được cha Elizalde Thành SJ kể khi tôi thực hiện phỏng vấn Ngài về việc ứng dụng Linh thao đời sống cho người Việt Nam: “Năm ngoái (2015) (tôi) có tổ chức ở Trung tâm mục vụ cho 40 người, do sơ Hồng Quế khuyến khích; nhưng chỉ trong một tháng rút lui hết 36 người. Bởi vì (đó) không phải ý của họ mà là ý của sơ. Chương trình áp dụng (tương tự) như ở đây (trung tâm Đắc Lộ), nhưng cái khắc khoải của họ không có. Họ muốn đạt được điều gì đó nhưng không muốn đi đường này. Bí quyết là chúng ta đi từ từ. Điều cần là phải biết họ khắc khoải cái gì.” (cha Eli Thành)[1]

Mời bạn suy xét về những chọn lựa bạn đã làm trong hành trình cuộc đời của chính bạn. Những chọn lựa đó có đưa bạn đạt đến ước mơ “được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” không? Có điều gì hay cách thức nào bạn muốn thay đổi trong hành trình kế tiếp của đời bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu để Ngài giúp bạn xây dựng lại ước mơ được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa và cách thức để đi đến Hạnh phúc tự chọn đó.

Dâng một kinh Lạy Cha để để thúc.

Ảnh: Pinterest

[1] Trích trong phụ lục bài nghiên cứu tốt nghiệp thần học: Thang giá trị và tính phản tỉnh của linh đạo Inhã giúp cá nhân người công giáo trẻ định hướng giá trị trong môi trường đa nguyên tại Tổng giáo phận Sài Gòn hiện nay, Nguyễn Thị Thùy Trang. 2017. 

30/10/23

Thứ ba TN.XXX: Tương tự và còn hơn thế nữa (Lc 13,18-21)

18Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

20Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà dạy dỗ dân chúng.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy trong ngôn ngữ dụ ngôn và qua những dấu chỉ thời đại, để tôi sống điều Ngài dạy.

Lối cầu nguyện: Áp dụng ngũ quan [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Áp dụng ngũ quan]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Thực tại

Bài đọc hôm nay rất ngắn. Mời bạn đi xuyên qua hai hình ảnh được đức Giêsu dùng trong hai dụ ngôn:

+ “Chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

+ “Chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Đây là hai trong rất nhiều hình ảnh bạn có thể quan sát được trong thực tế. Trong phần này, bạn dùng “ngũ quan” của mình để gợi lại, để dựng lại những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Hãy cho phép mình trải nghiệm cuộc sống, hơn là lướt qua cuộc sống.

Thi hào Rabindranath Tagore có kinh nghiệm bị người khác khinh bỉ khi thấy ông có vẻ nhưng chẳng vội vàng, chẳng làm được gì trong cuộc sống.

Truyện Hoàng Tử Bé của Antoine De Saint-Exupery kể về câu chuyện Hoàng tử bé đến ga xe lửa và nói chuyện với người bẻ ghi/người soát vé. Cả người bẻ ghi và người lái tàu đều không biết người ta vội vã đi đâu. Những người lớn trên tàu chỉ biết ngủ; chỉ có những đứa bé là “dán mặt vào những ô cửa kiếng”.

2/ Tương tự và còn hơn thế nữa!

Đức Giêsu nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?” hay “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?” – Ngài muốn đi tìm một hình ảnh tượng trưng trong thế giới này có khả năng “bắc cầu” đến những thực tại siêu vượt và siêu hình là Nước Trời.

Từ đức thánh cha Leo XIII, cụm từ “đọc dấu chỉ thời đại” đã được nhắc tới để nhắc Giáo Hội cần tỉnh thức để nhận ra và bước đi cùng gia đình nhân loại trong những vấn đề xã hội liên tục nảy sinh.

Ở phần này, bạn hãy nghiền ngẫm xem những điều đang diễn ra trong thế giới này mà bạn có thể biết được, đang muốn “bắc cầu” cho bạn đến điều gì siêu vượt và siêu hình?

Nhìn vào thực tại thế giới, thánh Augustino hiểu được về “Thành đô Thiên Chúa” trong lòng những con người đang sống, về ranh giới của thành đô ấy… Còn bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn học được với Ngài trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

23/10/23

Thứ ba TN.XXIX: Trách nhiệm và tình yêu (Lc 12,35-38)

35“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà dạy các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy trong ngôn ngữ dụ ngôn và qua những dấu chỉ thời đại, để tôi sống điều Ngài dạy.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Trách nhiệm (cc. 35-36)

Bỏ qua những điều tiêu cực của chế độ nô lệ, trong tương quan với Thiên Chúa, hình ảnh người tôi tớ mà đức Giêsu dùng hoàn toàn có giá trị và giúp bạn khám khá ra sự thật lớn lao. Do vậy, mời bạn đặt mình vào trong nền văn hóa của thời còn chế độ nô lệ để thấy hết trách nhiệm của người tôi tớ. Họ hoàn toàn thuộc về chủ, phục vụ chủ mọi sự mà không có quyền đòi bất cứ một quyền lợi hay lòng biết ơn của chủ cho những việc phục vụ của họ.

Đức Giêsu mời bạn học lấy cung cách của người tôi tớ đợi chủ đi ăn cưới về khuya. [Nhớ rằng truyền thống đãi tiệc cưới của người Do Thái thời đức Giêsu diễn ra ban đêm, kéo dài bao lâu thường không biết trước]. Chờ chủ về khuya – cung cách sẵn sàng phục vụ ngay khi nghe tiếng gõ cửa đầu tiên – với trang phục đang làm việc, với đèn thắp sẵn trên tay. Bạn hãy cho phép mình trải nghiệm sự chờ đợi quá dài trong đêm khuya của cuộc đời mình.

2/ Tình yêu (cc. 37-38)

Mường tượng về cảnh chủ về tới, và cửa đã mở ngay khi Ngài vừa chạm nhẹ vào cửa. Nhìn ngắm gương mặt của chủ và của cả người tôi tớ chờ cửa. Mường tượng về sự diễm phúc mà người ấy nhận được.

Liệu bạn có mường tượng ra sự diễm phúc này? “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” Hãy cho phép mình cảm nghiệm về sự diễm phúc có thật đó.

Điều diễm phúc đó chỉ có thể được giải thích bằng tình yêu. Vì yêu chủ mà người tôi tớ chờ, và cảm được bước chân của chủ ngay cả trước khi tay ông chạm đến cửa. Vì yêu người đầy tớ mà ông chủ biết ơn và sẵn sàng phục vụ người đầy tớ giữa đêm khuya.

Đức Giêsu muốn nói với bạn về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chính bạn. Bạn hãy dành thời gian để trải nghiệm trên câu chuyện của chính mình.

Bạn có thể dùng bài thơ số 51 trong tập Thơ Dâng của thi hào Rabindranath Tagore[1] để trải nghiệm thêm.

Đêm tối sầm mù mịt

Việc trong ngày hết thảy đã xong xuôi.

Chúng tôi nghĩ vị khách cuối đêm nay đã tới

cửa nẻo trong làng đóng kín cả rồi.

Chỉ vài người bảo Đức Vua rồi sẽ đến.

Chúng tôi phá cười và đáp lại:

“Không đâu, chuyện đó có đời nào!”

Dường như có tiếng gõ cửa đâu đây

Chúng tôi nói đấy chỉ là gió hú.

Thổi tắt đèn chúng tôi nằm xuống ngủ.

Chỉ vài người bảo: “Sứ giả đến kìa!”

Chúng tôi phá cười và đáp lại:

“Không đâu, chắc là gió đó thôi!”

Kìa có tiếng động giữa đêm khuya thanh vắng.

Chúng tôi ngái ngủ cho là tiếng sấm ở xa.

Đất rung rinh, vách tường chao đảo,

chúng tôi trằn trọc ngủ không yên.

Chỉ vài người bảo: “đó là tiếng xe lăn bánh.”

Chúng tôi lơ mơ cất giọng lầm bầm: 
“Không đâu, chắc là tiếng mây ầm ầm vần vũ!”


Đêm còn mịt mùng khi trống giục rền vang.

Có tiếng kêu: “Dậy mau! Đừng chần chừ nữa!”

Tay ép ngực chúng tôi rùng mình khiếp sợ.

Có kẻ hô: “Ô kìa, cờ Đức Vua!”

Chúng tôi vùng dậy và la lớn: 
“Không được chậm trễ, nhanh lên!”


Đức Vua đến rồi – nhưng đèn đuốc đâu,

cả vòng hoa sao cũng không thấy?

lấy đâu ra ngai vàng để Người ngự?

Ôi nhục nhã! Nhục nhã ê chề!

Điện ngọc đâu, cả đồ trang sức nữa?

Có kẻ nói: “Kêu rêu làm chi vô ích!

hãy cứ nghinh giá với tay không, 
rước Người vào nhà ngươi trống rỗng!”


Cửa mở ra, rúc tù và lên đi!

Trong đêm khuya Đức Vua đã đến

Ngôi nhà chúng ta ảm đạm âm u.

Sấm sét gầm thét trên bầu trời

Tối tăm rùng mình vì chớp giật.

Mang trải ra sân manh chiếu tả tơi.

Đức Vua đã tới thình lình cùng bão táp 
Trong đêm tối khiếp đảm kinh hoàng.

(Dịch thơ: Hồ Quốc Thắng)


Kết nguyện

Thân thưa với Thiên Chúa của lòng bạn về những gì bạn được trải nghiệm.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.



[1] The night darkened. Our day’s works had been done. We thought that the last guest had arrived for the night and the doors in the village were all shut. Only some said the king was to come. We laughed and said ‘No, it cannot be!’

It seemed there were knocks at the door and we said it was nothing but the wind. We put out the lamps and lay down to sleep. Only some said, ‘It is the messenger!’ We laughed and said ‘No, it must be the wind!’

There came a sound in the dead of the night. We sleepily thought it was the distant thunder. The earth shook, the walls rocked, and it troubled us in our sleep. Only some said it was the sound of wheels. We said in a drowsy murmur, ‘No, it must be the rumbling of clouds!’

The night was still dark when the drum sounded. The voice came ‘Wake up! delay not!’ We pressed our hands on our hearts and shuddered with fear. Some said, ‘Lo, there is the king’s flag!’ We stood up on our feet and cried ‘There is no time for delay!’

The king has come - but where are lights, where are wreaths? Where is the throne to seat him? Oh, shame! Oh utter shame! Where is the hall, the decorations? Someone has said, ‘Vain is this cry! Greet him with empty hands, lead him into thy rooms all bare!’

Open the doors, let the conch-shells be sounded! in the depth of the night has come the king of our dark, dreary house. The thunder roars in the sky. The darkness shudders with lightning. Bring out thy tattered piece of mat and spread it in the courtyard. With the storm has come of a sudden our king of the fearful night.

Ảnh: Internet


16/10/23

Thứ ba TN.XXVIII: Yếu tố quyết định (Lc 11,37-41)

37Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 38Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. 39Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? 41Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối chất với người Pharisiêu đã mời Ngài đến dùng bữa.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giáo huấn và lối sống của Chúa Giêsu, để tôi học sống theo gương của Ngài và thực hành những điều Ngài sửa dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Tình huống làm lộ diện (cc. 37-38)

Một người Pharisiêu gặp đức Giêsu khi người đang giảng dạy – Ông ấy mời đức Giêsu đến nhà dùng bữa – Đức Giêsu vào thẳng bàn ăn mà không làm nghi thức thanh tẩy bằng cách rửa tay. Đó là tình huống làm lộ ra “vấn đề” của Ngài.

Cuộc sống cũng có những lúc tạo nên tình huống làm lộ ra điều ẩn giấu bên trong. “Thời thế tạo anh hùng” hay “hữu xạ tự nhiên hương” là sự lộ diện điều tích cực. Và có những bối cảnh làm lộ diện điều xấu, điều người ta che đậy.

Nhớ đến những tình huống làm bạn bị lộ ra. Nó làm lộ ra sự thật nào nơi bạn?

2/ Yếu tố quyết định (cc. 39-41)

Cách đức Giêsu phản ứng với sự ngạc nhiên của người Pharisiêu khi thấy Ngài không rửa tay trước bữa ăn cho thấy đối với Ngài, việc rửa tay – dù là một truyền thống được truyền dạy và thực hành nghiêm ngặt – không quan trọng với Ngài.

Nhân cơ hội ấy, Ngài thách thức lối sống của người Pharisiêu khi nói: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” Ngài có quá đáng chăng khi nói với người đã mời mình đến dùng bữa như thế?

Những lời khó nghe ấy bộc lộ một sự thật khác: cái bên trong và cái bên ngoài. Yếu tố quyết định và đi trước phải cái bên trong. Nếu đã tốt trong lòng, và hành động ra bên ngoài trên nền “tốt bụng” đó thì thật tuyệt vời. Nếu “ngoài miệng thơn thớt nói cười – mà trong thì chứa một bồ dao găm” thì thật giả dối.

Mời bạn suy nghĩ về những cái người ta sợ bên ngoài: sợ bị đánh giá, sĩ diện, sợ thất bại, sợ xấu, sợ tai tiếng… Bạn có thấy những điều đó làm bạn bị tê liệt và không chú tâm xây dựng cái bên trong?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về lối dạy dỗ quá thẳng thắn của Ngài dành cho bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

9/10/23

Thứ tư TN.XXVII: Cầu nguyện thế nào? (Lc 11,1-4)

1Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

‘Lạy Cha,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

3xin Cha cho chúng con

ngày nào có lương thực ngày ấy;

4xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha

cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.’”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện.

Ơn xin: Xin cho tôi chuyên chăm học và thực hành cầu nguyện để kết nối được với chính Thiên Chúa, cội nguồn và cùng đích của đời tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Mẫu gương cầu nguyện (c.1)

Bạn hãy nhớ lại những lần các thánh sử ghi lại việc đức Giêsu cầu nguyện. Chắc chắn đó là những lần cầu nguyện quan trọng.

Thánh Luca ghi: trở về Nazaret, “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh.” (Lc 4,16)

Đức Giêsu hẳn luôn nhớ về cội nguồn, nhớ đến Chúa Cha, “xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17,5) Bạn hãy suy ngẫm về kinh nghiệm đức Giêsu hằng hướng về Cha, hằng cầu nguyện cùng Cha, hằng kết hiệp với Cha.

Cũng nhớ lại mẫu gương cầu nguyện của một người bạn biết. Mẫu gương cầu nguyện đó ảnh hưởng trên đời bạn thế nào? Có bao giờ bạn khao khát sẽ trở nên con người của cầu nguyện, con người nối được đời mình với trời cao?

Bạn hãy nài xin thầy Giêsu chỉ cho bạn cách cầu nguyện.

2/ Cách thức cầu nguyện

Nội dung cầu nguyện là điều bạn muốn biết, vì có thể bạn thấy ai đó cầu nguyện, nhưng không biết họ làm gì, nói gì, nghĩ gì, cảm gì trong giờ cầu nguyện đó, nhất là khi họ cầu nguyện theo lối tâm nguyện (mental prayer).

Hôm nay, chính thầy Giêsu dạy cho bạn cầu nguyện với những điều quan trọng và căn cốt nhất:

+ Bắt đầu cầu nguyện, hãy đưa mình vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Hãy gọi Ngài là Cha (cha ơi, ba ơi, bố ơi, papa, dady…) – Bạn nên dừng ở điểm này bao lâu bạn cảm nghiệm mình có thể kết nối thân tình với Thiên Chúa.

+ Nội dung cầu nguyện đầu tiên là: con nguyện chúc cho “danh thánh Cha vinh hiển” – Ngẫm nghĩ về cách sống của bạn có làm cho Thiên Chúa được “nở mặt nở mày”.

+ Nội dung cầu nguyện thứ hai là: con nguyện chúc cho “Triều Đại Cha mau đến” – Đoạn ngẫm nghĩ về cách thức bạn sống như công dân Nước Trời ngay trong trần thế này.

+ Nội dung cầu nguyện thứ ba là: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” – đoạn suy ngẫm về cách thức bạn làm hòa và tha thứ cho người khác và cho bản thân mình.

+ Nội dung cầu nguyện thứ tư là: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” – Đoạn suy nghĩ về cách thức bạn cố gắng xa tránh tội, chống lại các cơn cám dỗ, sử dụng các phương tiện là bí tích và cầu nguyện và rèn luyện nhân đức để chiến thắng những cám dỗ.

Kết nguyện

Hãy thân thưa với thầy Giêsu, với Chúa Cha về tất cả những tâm tình bạn có trong giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha (bản kinh đầy đủ theo Tin Mừng thánh Matthêu)

Ảnh: Pinterest

6/10/23

Thứ bảy TN.XXVI: Niềm vui của người môn đệ (Lc 10,17-24)

17Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” 18Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. 19Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

21Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

22“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

23Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: 72 môn đệ quây quần bên thầy Giêsu sau chuyến đi thực tập tông đồ rất thành công.

Ơn xin: Xin cho cảm nhận được niềm vui đích thực của người môn đệ là được Thiên Chúa mặc khải chính Ngài cho, và được nên một với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Niềm vui thật của người môn đệ (cc. 17-20)

Mường tượng đức Giêsu ngồi giữa, 72 môn đệ vây quanh, có thêm các tông đồ nữa. Họ có thể đang ở một nơi ngoài trời, hoặc một ngôi nhà đủ rộng cho gần 100 người.

Hãy nhìn chăm chú sự biểu cảm của gương mặt các môn đệ, cử chỉ, giọng nói… Hãy lắng nghe những điều họ lao nhao kể cho đức Giêsu nghe. Quan sát thái độ lắng nghe của đức Giêsu. Nghiệm lại câu được viết trong Tin Mừng: Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” (c. 17) Đó là kinh nghiệm chung nhất của 72 con người ấy. Bạn cảm được điều gì trong lòng họ khi họ công nhận điều đó?

Bạn cảm hiểu gì trong lời tái công nhận của đức Giêsu ở câu 18?

Hãy dừng lại ở câu 19 để cảm nghiệm phần thưởng sức mạnh tông đồ được ban cho người môn đệ: “Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.” – nghiệm lại kinh nghiệm sức mạnh đó đã được ban cho bạn thế nào.

Niềm vui đích thực của người môn đệ là “tên anh em đã được ghi trên trời.” (c. 20) Điều đó có nghĩa là gì đối với bạn? Bạn có từng vui niềm vui này sau khi làm một sứ vụ nào đó?

2/ Niềm vui trong Thánh Thần (c. 21-22)

Bạn hãy chiêm ngắm niềm vui của đức Giêsu thể hiện trên gương mặt, tư thế, giọng nói, điều Ngài nói. Nó đến bất chợt - “ngay giờ ấy”. Nó lớn lao - “hớn hở vui mừng” (gaudete et exsultate)[1].

Lý do tạo nên sự vui mừng này nơi tâm hồn Ngài là Chúa Cha đã mặc khải cho người bé mọn – một điều “bé nhỏ”, không phải là một điều vĩ đại theo đánh giá của nhiều người. Ngài vui. Ngài vui vì chính bạn.

Đến lượt mình, đức Giêsu vui mừng mặc khải cho người môn đệ biết được mối tương quan kín nhiệm giữa mình với Chúa Cha, và cho người môn đệ biết Chúa Cha, và Mình là ai.

Chiêm ngắm một lần nữa niềm vui trong Thánh Thần của đức Giêsu: vì Chúa Cha, và vì bạn.

3/ Niềm vui riêng (cc. 23-24)

Bây giờ bạn hãy chiêm ngắm cái nhìn “hướng về” bạn của đức Giêsu, và nói: Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!” (c. 23) Bạn hãy thay tên mình vào đó để cảm nghiệm niềm vui rất riêng này. Bạn diễm phúc hơn tất cả các ngôn sứ và vua chúa. Bạn được thấy Chúa và nghe chính Chúa nói với bạn hôm nay.

Kết nguyện

Dâng lời cảm tạ lên Chúa Cha, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần vì niềm vui riêng được ban cho bạn hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Sáng Danh.

Ảnh: Pinterest

[1] Đây là tên tông huấn Vui mừng và Hân hoan – lời mời gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, của ĐTC Phanxico. 19/3/2018.