Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

27/5/22

Thứ bảy PS.VI: Giao thời (Ga 16,23-28)

23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

25“Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ trong những ngày cuối cùng, trước cuộc Thương Khó.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra thời gian chuyển tiếp trong đời mình, để tôi biết làm những chọn lựa quan trọng lúc này.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Ôn lại đời mình

Bạn hãy nhớ lại những “giao thời” trong hành trình đời mình:

+ Lúc thụ thai: từ hư vô → hiện hữu

+ Lúc chào đời: ra khỏi lòng mẹ

+ Đi học: mẫu giáo, vào cấp I, vào cấp II, vào cấp III, Đại học/cao đẳng...

+ Các lớp giáo lý và lãnh nhận các bí tích, các nghi thức ghi dấu hành trình...

+ Tốt nghiệp/ Lễ trưởng thành...

+ Đi làm lần đầu, những lần đổi việc

+ Chỗ ở: những nơi bạn từng chuyển đến để ở, những biến cố trước và sau sự kiện đó.

+ Biến cố: nhiều điều xảy ra đã ghi dấu ấn trên đời bạn, trong gia đình, dòng tộc, giáo xứ...

Bạn có nhận ra những giao thời của đời mình? Bạn thấy mình đã ứng xử, thích nghi, đọc ý nghĩa của chúng thế nào?

2/ Hồi đó – Bây giờ – Mai sau (cc. 23-28)

Bạn hãy sắp xếp các câu, đoạn văn Kinh Thánh trên theo tiến trình thời gian này để nhận ra “bây giờ” là lúc “giao thời”. Khi nhận ra rồi, hãy ngẫm xem Thiên Chúa mời gọi bạn làm chọn lựa quan trọng nào vào lúc này.

Hồi đó

Bây giờ

Mai sau

24aCho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.

24bCứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

 

23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 

25a“Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em.

25bSẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 

?

27Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 

?

26Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.

28aThầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian.

 

28bNay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

?

Kết nguyện

Chia sẻ với thầy Giêsu về nhưng tâm tình bạn có qua giờ cầu nguyện.

Kết thục bằng 1 Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

20/5/22

Thứ Bảy PS.V: Liên lụy (Ga 15,18-21)

18“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ trong những ngày cuối cùng, trước cuộc Thương Khó.

Ơn xin: Xin cho tôi được gắn kết với Đấng đã tự nguyện chịu liên lụy với tôi, để tôi được cảm nghiệm tình yêu cá vị Ngài dành cho tôi, hầu tôi có thể cùng chịu lụy vì liên đới với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện khác, mục 2)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Mời bạn làm thật chậm rãi phần nhập nguyện, sao cho bạn thấy mình và thầy Giêsu thật gần nhau, trong một không gian nhỏ, giữa một nhóm nhỏ.

Lưu ý thời gian: lúc này, đức Giêsu biết mình sắp phải bỏ thế gian mà về cùng Cha. Ngài yêu thương và lưu luyến các môn đệ của Ngài, những người còn ở lại.

2/ Liên lụy (cc. 18-21)

Bạn dành thời gian chiêm ngắm, lắng nghe, suy gẫm, cảm nếm từng chữ, từng câu, từng ý mà thầy Giêsu đang nói với chính bạn. Dành thời gian đủ để bạn cảm nếm cho đến khi cảm thấy thỏa mãn rồi mới chuyển qua câu khác. Lưu ý rằng bạn không nhất thiết phải đi hết các câu, các ý. Điều giúp bạn nối kết với thầy Giêsu trong tình yêu thì quan trọng hơn là việc chạy cho hết ý bài cầu nguyện.

Bạn hoàn toàn tự do để chiêm ngắm, cảm nghiệm và tâm sự với Chúa, ở đây chỉ xin gợi vài điều nhỏ để hỗ trợ khi bạn cần đến. Mục đích của việc suy ngẫm này là để giúp bạn hiểu về mức độ mình chấp nhận bị liên lụy khi làm môn đệ đức Giêsu.

Bản văn

Gợi mở giúp chiêm ngắm

18“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 

Một giả xử, một cách giúp nối kết để hiểu vấn đề nếu nó xảy ra.

19aGiả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó.

Lại là một giả xử, cho bạn sự tự do chọn lựa thuộc về bên nào.

Một nguyên lý tự nhiên “ăn cây nào rào cây nấy” – một lối tạo nên các nhóm đóng vì tư lợi.

19bNhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 

Đức Giêsu xác nhận người môn đệ thì: không thuộc về thế gian, được Thiên Chúa tuyển chọn và tách riêng.

Hệ quả: bị thế gian ghé. Đức Giêsu đối lập nhóm môn đệ với những ai không thuộc về Ngài.[1]

20aHãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà.

Khoảng cách tầm quan trọng, vị thế giữa chủ - tớ, Thiên Chúa – con người/vạn vật.

Trí nhớ là một yếu tố giúp hiểu và tin

20bNếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. 20cNếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 

Một giả thiết, một lối nhìn sự tình. Không nhất thiết xảy ra như vậy.

21aNhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, 21bbởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

Sự đối chọi có tính toán, có lý do rõ ràng: anh em thuộc về đức Kitô và họ lầm tưởng về nguồn gốc thần linh của Ngài.

3/ Đức Kitô dám liên lụy với tôi

Bạn hiểu được cái giá phải trả khi liên kết với đức Kitô, nhưng bạn sẽ chỉ dám trả cái giá đó khi bạn ngẫm nghiệm và cảm hiểu được sự liên lụy mà đức Kitô dám chịu khi liên kết với bạn, ngay cả khi bạn còn thù nghịch với Ngài. Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (1Ga 4,19).

Kết nguyện

Thân thưa với Thầy Giêsu những cảm nhận của bạn về mức độ hai bên chấp nhận liên lụy đến nhau.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

[1] https://vndhm.blogspot.com/2022/05/10-cach-hieu-ve-tu-gian-trong-tin-mung.html 

10 cách hiểu về từ “thế gian” trong Tin Mừng Gioan

 John Samson

Từ “thế giới” (tiếng Hy Lạp: Kosmos) xuất hiện 185 lần trong Tân Ước: 78 lần trong Tin Mừng Gioan, 8 lần trong Tin Mừng Matthêu, 3 lần trong Tin Mừng Maccô, và 3 lần cũng trong Tin Mừng Luca. Do đó, phần lớn sự xuất hiện của nó là trong các thư của Gioan, 24 lần trong ba thư và chỉ ba lần trong của Phêrô.

Gioan sử dụng từ “thế giới” theo mười cách khác nhau trong Tin Mừng của mình.

1. Toàn bộ vũ trụ

Ga 1:10 Ngài ở trong thế giới (hành tinh trái đất), và thế giới (hành tinh trái đất và ngụ ý rằng mọi tạo vật) đã được tạo ra nhờ ngài, nhưng thế giới (con người trên thế giới) lại không biết đến ngài.

Ga 17:5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.

2. Trái đất vật chất/địa cầu

Ga13:1 Bây giờ trước Lễ Vượt Qua, khi Chúa Giê-su biết giờ Ngài đã đến để ra khỏi thế gian này để đến với Cha, vì yêu những người thuộc về mình trong thế gian, nên Ngài đã yêu họ cho đến cùng.

Ga 21:25 Bây giờ Chúa Giê-su đã làm nhiều điều khác nữa. Có phải mỗi cuốn sách đều được viết ra, tôi cho rằng bản thân thế giới không thể chứa đựng những cuốn sách sẽ được viết.

3. Hệ thống Thế giới

Ga 12:31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài.

Ga 14:30 “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.

Ga 16:11 về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

4. Toàn nhân loại trừ tín hữu

Ga 7:7 Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa.

Ga 15:18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.

5. Một cộng đồng lớn nhưng ít hơn tất cả mọi người ở khắp mọi nơi

Ga 12:19 Bấy giờ người Pha-ri-sêu bảo nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!”

6. Chỉ người được chọn

Ga 3:17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ

7. Chỉ những người không được chọn

Ga 17:9 “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.

8. Vương quốc của loài người

Ga 1:10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.

9. Người Do Thái và dân ngoại (không chỉ Israel mà còn nhiều dân ngoại)

Ga 4:42 Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

10. Dân chúng - không phải những người trong các nhóm tư nhân nhỏ

Ga 7:3-4 Anh em Đức Giê-su nói với Người: “Ông bỏ đây mà sang miền Giu-đê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm, 4vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết.” 

Danh sách này có thể rất hữu ích - đặc biệt là khi theo truyền thống, một số người rằng cho rằng chữ “thế giới” luôn có một nghĩa như nhau trong tất cả các bản văn. Đôi khi nó đúng, nhưng hầu hết lúc khác là không đúng. Cái hiểu truyền thống đó rất mạnh mẽ nhưng là một truyền thống không thể tồn tại khi xem xét Kinh thánh.

Source: https://effectualgrace.com/2011/01/21/world-johns-ten-uses-of-the-word/


13/5/22

Thứ bảy PS.IV: Lời từ đáy tim (Ga 15,9-17)

9“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bài giảng về sự hiệp nhất nên một giữa Thiên Chúa và con người.

Ơn xin: Xin cho tôi biết mở lòng ra cho Đấng là tình yêu đi vào đời tôi, để tôi được cảm nghiệm tình yêu cá vị Ngài dành cho tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện khác, mục 2)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Mời bạn làm thật chậm rãi phần nhập nguyện, sao cho bạn thấy mình và thầy Giêsu thật gần nhau, trong một không gian nhỏ, giữa một nhóm nhỏ.

Lưu ý thời gian: lúc này, đức Giêsu biết mình sắp phải bỏ thế gian mà về cùng Cha. Ngài yêu thương và lưu luyến các môn đệ của Ngài, những người còn ở lại.

2/ Lời từ đáy tim (cc. 51.60-61)

Bạn dành thời gian chiêm ngắm, lắng nghe, suy gẫm, cảm nếm từng chữ, từng câu, từng ý mà thầy Giêsu đang nói với chính bạn. Dành thời gian đủ để bạn cảm nếm cho đến khi cảm thấy thỏa mãn, rồi mới chuyển qua câu khác. Lưu ý rằng bạn không nhất thiết phải đi hết các câu, các ý. Điều giúp bạn nối kết với thầy Giêsu trong tình yêu thì quan trọng hơn là việc chạy cho hết ý bài cầu nguyện.

Bạn hoàn toàn tự do để chiêm ngắm và cảm nghiệm, ở đây chỉ xin gợi vài điều nhỏ để hỗ trợ khi bạn cần đến.

Bản văn

Gợi mở giúp chiêm ngắm

9“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 

Mức độ tình yêu: tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa.

Cách thức có được tình yêu: ở lại trong tình thương của Thầy

10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.

Cách thức có được tình yêu: giữ điều răn (Lời) của Thầy

Mức độ giữ Lời: như cách đức Giêsu giữ Lời của Cha: Nói và làm như Cha đã nói và làm

11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Nói trước = cho biết trước. Tín nhiệm nhau.

Thầy vui + trò vui = niềm vui được nên trọn

12“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 

Điều răn của thầy không phải điều cấm, mà là lời mời gọi sống.

Mức độ yêu: như thầy

13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 

Eros: tình yêu cảm tính và nhục dục

Fillia: tình bạn, tình đồng loại

Agape: tình yêu hy sinh

14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 

Tình bạn – tình bạn giữa Thiên Chúa và con người.

15aThầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.

Chủ - tớ: khác cấp bậc, không được biết về nhau, chỉ biết nhau trên công việc.

15bNhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Bạn hữu: ngang hàng, thông giao tâm hồn, cho nhau biết những bí mật. Yêu nhau thì muốn chia sẻ những gì mình có.

16a“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em,

Đức Giêsu/Thiên Chúa đi bước trước để mở ra mối tương quan này.

16bvà cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại,

Đức Giêsu/Thiên Chúa tín nhiệm sai bạn đi và chúc lành cho điều bạn làm.

16chầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 

Lời hứa trong tình yêu: được hưởng điều mình tìm kiếm. Đó là niềm vui trao ban của Thiên Chúa, không phải do công đức của bạn.

17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Câu chốt: Hãy yêu thương nhau.

“Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” (Th. Augustinô)

Kết nguyện

Thân thưa với Thầy Giêsu những lời từ đáy tim bạn, sau khi bạn đã nghiệm những lời từ đáy tim Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

6/5/22

Thứ bảy PS.III: Phản ứng và chọn lựa (Ga 6,51.60-69)

51Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

60Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” 61Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

64“Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

67Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” 68Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bài giảng về Bánh Hằng Sống.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn đức tin để tôi có thể tin những điều mắt không hề thấy: Bí tích Thánh Thể và tin vào chính đức Giêsu, Đấng mặc khải cho tôi biết điều đó.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chướng tai gai mắt (cc. 51.60-61)

Trong nền văn hóa-tôn giáo cấm đụng đến máu, ăn máu, uống máu như người Sêmít và Do Thái Giáo mà đức Giêsu lại mời họ: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Bạn khám phá được những điều gì trái ngược với văn hóa và bản tính tự nhiên của bạn khi sống theo Tin Mừng, theo giáo huấn giáo hội Công Giáo? Bạn có lấy đó làm chướng tai gai mắt đến mức không thể tin và làm theo?

Bạn nghĩ gì về cách người Do Thái phản ứng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” ? Bạn có đồng cảm với họ?

2/ Phản ứng và chọn lựa (cc. 62-69)

Suy nghĩ về việc đức Giêsu biết họ đang xầm xì phản ứng, nhưng Ngài không dừng lại, mà nói tới luôn: “62Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” Người Do Thái đang đứng đối diện với đức Giêsu mà họ nghĩ rằng cũng là người như họ, vậy có gì hơn nữa để có thể tin rằng vị đó khác mình, thậm chí là thần linh? Hãy đặt mình vào vị thế của họ để tự suy xét về đức tin của chính mình. Đừng tin hão mà không bao giờ tự hỏi tại sao tôi tin.

Đức Giêsu biết có người không tin, Ngài thách thức luôn: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Đến lúc này có nhiều người bỏ đi.

Quay sang nhóm Mười Hai (những môn đệ nòng cốt), Ngài cũng hỏi: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ngài muốn họ chọn lựa tin hoặc không tin, theo hoặc không theo cách rõ ràng. Phêrô đại diện anh em chọn ở lại với lời xác tín: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Bạn thấy mình thuộc nhóm nào trong ba nhóm người trên: chỉ phản ứng, chọn bỏ đi, chọn ở lại? Lý do của bạn là gì?

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa về những điều bạn gặp phải trong lãnh vực đức tin.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

27/4/22

Thứ bảy PS.II: Thầy đây mà, đừng sợ! (Ga 6, 16-21)

16Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, 17rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông. 18Biển động, vì gió thổi mạnh. 19Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. 20Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” 21Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ôn lại kỷ niệm về đức Giêsu sau biến cố Phục Sinh.

Ơn xin: Xin cho tôi nhớ lại những kinh nghiệm đời mình trong hành trình bước đi với Chúa, để tôi xác tín vào căn tính của Ngài: Đấng cứu độ tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn chậm rãi suy niệm các điểm gợi ý sau.

1/ Hoàng hôn cuộc đời (cc. 16-17)

Chiều đến: những lúc nào, giai đoạn nào trong đời bạn được gọi là “hoàng hôn cuộc đời”? Bạn định nghĩa nó thế nào? Bạn cảm nhận về nó thế nào?

Xuống Biển Hồ: các môn đệ vừa ở trên núi cao với thầy, giờ họ đi xuống, tiến đến sát Biển Hồ Galilê. Hình ảnh đó gợi cho bạn điều gì về các trạng huống cuộc đời?

Họ xuống thuyền để vượt qua chặng đường khoảng 13 cây số lênh đênh trên mặt nước, trong bóng tối đang dần buông. Có khi nào bạn cũng đối diện với một chọn lựa chênh vênh như thế?

Trời đã tối mà đức Giêsu chưa tới: họ chờ thầy cùng đi, tâm trạng sốt ruột vì trời đang tối dần. Hãy ngẫm nghĩ về giây phút họ phải quyết định lên đường, dù thầy chưa đến để đi cùng. Có khi nào bạn phải quyết định làm điều gì mà không cảm nhận được có Chúa đang ở đó?

2/ Sóng gió cuộc đời (cc. 18-19)

Họ đang ở giữa Biển Hồ (khoảng 5-6 cây số)

Biển động vì gió mạnh, cộng với đêm tối, cộng với cảm giác lênh đênh trên mặt nước.

Đức Giêsu tiến đến với họ bằng cách đi trên mặt nước. Họ càng hoảng sợ hơn.

Mời bạn nhớ lại những hoàn cảnh đã làm bạn hoảng sợ. Nỗi sợ đó phát xuất từ môi trường bên ngoài hay từ nội tâm của bạn?

Họ đã chèo chống trong nỗi sợ hãi đó bao lâu? Họ chèo được bao xa?

3/ Bến bờ bình an (cc. 20-21)

Ngẫm nghĩ về lời trấn an của đức Giêsu: “Thầy đây mà, đừng sợ!”

Bạn có ngạc nhiên sau khi các ông vừa được an ổn thì ngay lập tức họ đã đến bờ, thậm chí họ chưa kịp rước thầy Giêsu lên thuyền?

Vậy bình an đến từ đâu? Lúc nào? Phải chăng là ngay lúc họ đang chèo chống, đang bất an, và chỉ thấy Chúa lờ mờ.

Khi xác tín được rằng “Chính Thầy đây” là lúc bạn chạm đến bến bờ bình an.

Bạn có thể nghe bài Đường đi có Chúa để thêm xác tín https://www.youtube.com/watch?v=efN8_oRIUnk

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa về hành trình cuộc đời mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

23/4/22

Phương pháp PHỤC NIỆM

Phục niệm giúp tô đậm một nét mờ, nối kết các điểm/các kinh nghiệm đời tôi, kinh nghiệm tôi gặp gỡ Chúa để tôi cảm nếm mối tương quan ngày càng sâu đậm hơn giữa Chúa và tôi; như khi tôi được nghe lại một bài hát hay, xem lại 1 cuốn phim yêu thích.

Dọn điểm cho bài Phục niệm: nhớ lại các bài cầu nguyện, các điểm cầu nguyện trong ngày/trong một giai đoạn. Chọn lại bài/điểm cầu nguyện nào muốn đào sâu, hay chưa cảm thấy được thỏa mãn để “cầu nguyện lại”.

Thực hiện giờ Phục niệm theo các bước cầu nguyện như đã được hướng dẫn. Suy niệm/chiêm niệm các điểm được chọn để đào sâu, để cảm nếm; vì Linh Thao không phải là nghe các bài giảng hay, hoặc để có được nhiều ý tưởng thú vị, nhưng là cảm nếm sâu sắc trong tâm hồn, là gắn kết chặt hơn với Chúa, là bước theo Ngài sát hơn.


[Thứ bảy Bát Nhật PS] Khó tin (Mc 16,9-15)

9Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bản đúc kết kinh nghiệm về việc Chúa sống lại.

Ơn xin: Xin cho tôi được mở ra với những điều thiêng liêng vượt quá kinh nghiệm thường ngày, để tôi dám tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại vì tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm)

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Khó tin (cc. 9-14)

Phần này được gọi là Phụ trương trong Tin Mừng Mac-cô; phần được viết thêm vào sau này. Thánh sử Mac-cô tường thuật cuộc đời đức Giêsu với câu hỏi về bí mật thiên sai, bí mật Kitô. Một khi mặc khải này được đón nhận đầy đủ thì chuyện kể được kết thúc.

Chân tướng Kitô đích thực của đức Giêsu đã được viên đại đội trưởng tuyên xưng khi thấy cách Ngài chết: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15,39). Như thế không cần đến việc đức Giêsu phục sinh để chứng minh về căn tính và sứ mạng cứu độ của Ngài.

Mặt khác, phần Phụ trương này bộc lộ một sự thật khó tin: Người chết sống lại và hiện ra chỗ này chỗ nọ. Hồn ma xuất hiện là niềm tin dân gian bàng bạc có trong tâm thức con người mọi thời; nhưng làm gì có chuyện người chết sống lại cả xác, mà lại có khả năng ẩn hiện!

Kinh nghiệm khó tin cũng là điều giúp cho đức tin của họ được củng cố sau này. Điều khó tin mà có thể từ từ xác tín được thì rất chắc, đến nỗi họ dám thí mạng để bảo vệ niềm tin đó.

Bạn cũng hãy ngẫm về sự kiên nhẫn của đức Giêsu Phục sinh khi liên tục hiện đến để củng cố đức tin của họ, dù lúc đó họ chưa thể tin.

2/ Vẫn tin (c. 15)

Câu 15 sẽ làm ta ngạc nhiên vì trong khi các môn đệ vẫn chưa thể tin rằng Ngài là Đấng Kitô phải chịu đau khổ, chết và phục sinh; thì Ngài vẫn tin tưởng họ. Ngài trao cho họ nhiệm vụ lớn lao, lớn hơn tất cả cách trình thuật của các Tin Mừng khác: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Đó là tầm cỡ truyền giáo của thánh Phanxicô Assisi: Ngài giảng cho muôn loài; và là tinh thần hoán cải và canh tân của thông điệp Laudato Si.

Hãy ngẫm nghiệm về lòng tin mà Thiên Chúa/đức Giêsu dành cho bạn.

Kết nguyện

Nói với Chúa về những khó khăn của bạn trong đời sống đức tin.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

16/4/22

[Đêm Vọng Phục Sinh] Thiên Chúa của Sự Sống (Lc 24, 1-12)

1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. 2Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. 3Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. 4Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. 5Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? 6Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, 7là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”

8Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. 9Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. 10Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. 11Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Rạng sáng. Nơi mộ đá an táng đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi được mở ra để đọc dấu chỉ sự sống của Thiên Chúa dành cho đời mình, để nhờ đó tôi biết vun xới sự sống cho bản thân, người khác và muôn loài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm)

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Đọc bản văn

Đọc chậm bản văn vài lần. Gấp sách lại và tự nhớ lại câu chuyện.

Mở lại bản văn và tìm hiểu các điều sau:

Thời gian, nơi chốn, con người.

Tìm xem sự khác biệt và đối chọi gây lo lắng, bối rối...

Đâu là dấu chỉ về sự sống trong mộ đá chôn xác chết?

Các phản ứng trước dấu chỉ đó như thế nào?

2/ Thiên Chúa của sự sống (cc. 1-7)

“Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp38Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc. 20, 37-38) Thiên Chúa = Sự Sống. Bạn hiểu, cảm, tin điều đó thế nào?

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Kinh nghiệm con người giữ các bà ở lại trong kinh nghiệm cái chết, tìm xác chết nơi chôn người chết (nghĩa trang). Điều gì giúp các bà vượt lên trên kinh nghiệm bình thường kia để nghĩ đến sự sống, nối kết với Đấng đang sống? (thông điệp Đức Kitô đang sống) Mời bạn nhìn lại kinh nghiệm của bản thân liên quan đến sự chết và sự sống, thần Chết và “Người Sống”/Đấng Phục Sinh.

Thiên thần nhắc các bà nhớ lại điều đã được đức Giêsu nói trước khi còn ở Galilê. Ai đã nhắc bạn để nhớ lại những điều nối kết với Sự Sống?

3/ Ghi nhớ (cc. 8-12)

Thánh sử Luca ghi lại câu chuyện này vào những năm 80 của thế kỷ đầu Công Nguyên. Ngài viết rằng các bà nhớ lại... các bà nói lại... các ông cho là chuyện vớ vẩn... các ông không tin; nhưng có ông Phêrô đứng dậy đi ra mộ, thấy khăn liệm, trở về “rất đỗi ngạc nhiên”.

Ký ức giúp bạn ghi lại những câu chuyện đời mình thế nào? Trong những câu chuyện đó bạn khám phá được gì về hành trình đức tin của đời mình?

Kết nguyện

Thân thưa với Đấng Phục Sinh về những gì được gợi lên trong lòng.

Cùng Ngài, dâng lên Chúa Cha một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

8/4/22

Thứ bảy MC.V: Suy diễn (Ga 11,45-56)

45Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. 48Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, 50các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.

55Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Gần đến Lễ Vượt Qua, tại Giêrusalem.
  • Ơn xin: Xin cho tôi biết đo lường những suy nghĩ của bản thân khi đối diện với mầu nhiệm Thiên Chúa, để tôi mở ra cho ân huệ đức tin dành cho đời mình.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Điểm cầu nguyện

1/ Sự kiện (cc. 45-46)

Mời bạn nhớ lại sự kiện đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại sau 4 ngày chôn trong mộ đá. Hôm nay một số người trở lại gia đình Matta-Maria-Lazarô để thăm viếng họ.

Đứng trước sự kiện Lazarô được sống lại, có nhiều người tin. Bạn có ở trong số đó không?

Cũng đứng trước cùng một sự kiện, có người xem cho biết để lấy thông tin, để cung cấp thông tin cho ai đó (thường là ít thiện cảm với người liên quan với sự kiện đó). Hãy suy nghĩ về kiểu báo cáo ít thiện ý này. Trong cuộc sống, việc diễn đạt trong giao tiếp để hiểu nhau đã khó, mà con người thường bị nhiễu vì các các xúc tiêu cực dành cho nhau, nên càng khó hiểu nhau. Bạn muốn nói gì với Chúa về kinh nghiệm hiểu lầm trong các mối tương quan. Trong Chúa bạn tìm được giải pháp nào?

2/ Suy diễn (cc. 47-50)

Lời đồn thổi thường gây hoang mang và sợ hãi, bởi nó thường phóng đại sự thật. Khi nó được người lo sợ và đa nghi tiếp nhận, thì nó tiếp tục được suy diễn đến mức đánh mất cả sự kiện và lý lẽ thực. Mời bạn dành thời gian để suy nghĩ về quá trình suy diễn cả các thượng tế và người Pharisiêu: điều gì làm cho họ phải “triệu tập hội đồng ngay lập tức”? Họ đang đứng trước một người “hay làm phép lạ” – sợ người ta tin hết vào ông ta – (lý do ẩn: không ai tin vào họ nữa) – người Rôma sẽ đến phá hủy nơi thánh và dân tộc họ (làm sao có thể như vậy!) – Vậy phải làm gì đây?

Nỗi sợ đã được đẩy lên đến tột cùng, vượt qua sự thật, mất các kết nối logic. Bạn có bị ám bởi nỗi sợ vô lý nào không? Có khi nào vì để che giấu nỗi sợ bên trong mà bạn tỏ ra mạnh dạn, gan lì, hùng mạnh, thô bạo... bên ngoài?

3/ Kế hoạch của Thiên Chúa (cc. 51-56)

Câu 51-52 cho biết một thực tế lạm quyền của thượng tế Caipha; và Thiên Chúa lại chấp nhận lời đó như một tiên báo về kế hoạch cứu độ của Ngài.

Câu 53: Họ quyết định giết đức Giêsu; và Thiên Chúa không ngăn cản điều đó.

Đức Giêsu biết tình thế nguy hiểm nên Ngài tạm rút vào nơi hoang vắng. Khi không thấy Ngài, dân chúng hoang mang đặt câu hỏi về sự hiện diện của Ngài trong dịp lễ - Một bối cảnh mù mờ, khó hiểu, bỏ ngỏ; - một bối cảnh Thiên Chúa chấp nhận đi vào để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài.

Bạn có nghĩ rằng Thiên Chúa đang thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài trong những bối cảnh mù mờ, thậm chí sai lỗi của lịch sử nhân loại và của bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về bất cứ điều gì được gợi lên trong bạn qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.