Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Hiển thị các bài đăng có nhãn TÂM ĐIỂM GIÊSU. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÂM ĐIỂM GIÊSU. Hiển thị tất cả bài đăng

18/1/24

Thứ sáu TN.II: Cộng đoàn (Mc 3,13-19)

13Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. 14aNgười lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người 14bvà để Người sai các ông đi rao giảng, 15với quyền trừ quỷ. 16Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, 17rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê –Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi–, 18rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, 19và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Không gian riêng của gia đình, của cộng đoàn.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nhận được sự nâng đỡ trong cộng đoàn gia đình/hội đoàn để cùng nhau  gắn bó với Chúa; đồng thời xin cho được ơn nhìn sự khác biệt như là sự phong phú và đón nhận những giới hạn của người khác và hội nhóm khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm.

Gợi điểm cầu nguyện

Phân chia bản văn: cấu trúc đồng tâm – quy tụ bên Chúa và bên nhau để rồi được sai đi làm sứ mạng.

A: Đức Giêsu chọn gọi các môn đệ để ở với Người (cc. 13-14a)

B: Đức Giêsu sai họ đi rao giảng và ban năng quyền (c. 14b-15)

A’: Nhóm Mười Hai chung sống với nhau (cc. 16-19)

1/ Lời mời quy tụ (cc. 13-14a, 16-19)

Mời bạn đọc các câu 13-14b và ngẫm về:

+ Việc Đức Giêsu lên núi: lên chỗ cao, để cầu nguyện?

+ Ngài mời “những kẻ Ngài muốn” để “lên núi” với Ngài: lời mời thăng tiến nhân bản và thiêng liêng? Tiêu chí chọn lựa của Ngài là gì?

+ Các ông đến với Ngài: họ nhận lời mời, họ phải cố gắng “lên cao”.

+ Ngài muốn các ông ở với Ngài. Bạn “ở với Chúa” bằng cách nào? Chúa Giêsu có phải là trung tâm và là lý do quy tụ của gia đình bạn, của cộng đoàn bạn?

Mời bạn tiếp tục đọc các câu 16-19 vài lần:

+ Hãy thử nhớ về từng vị tông đồ. Bạn biết gì về họ? Những vị nào bạn biết nhiều hơn và những vị nào hầu như bạn không biết gì về họ? Tại sao?

+ Hãy khám phá sự khác biệt trong Nhóm Mười Hai: gốc gác gia đình, nghề nghiệp, tình trạng bản thân, tính khí, ước mơ…

+ Thử mường tượng cách thức họ đã sống và tương quan với nhau thế nào, cũng như cách thức đức Giêsu đã làm để nối kết họ lại thế nào.

+ Ngẫm về lịch sử phát triển của gia đình bạn, của cộng đoàn bạn đang thuộc về. Có một câu nói: “Không ai lên thiên đàng một mình.”

2/ Lời mời sai đi (cc. 14b-15)

+ Được sai đi: bạn có ý thức về sứ mạng đời mình? Bạn có chấp nhận để được Chúa sai đi vào đời làm chứng tá cho Ngài, rao giảng về Ngài cho người khác? Hay bạn nghĩ rằng bạn có toàn quyền hành xử về cuộc đời bạn: cách dùng thời gian, sức khỏe, kiến thức, của cải vật chất…

+ Năng quyền trừ quỷ: Hẳn bạn biết năng quyền này được chính thức trao cho vài vị giáo sĩ trong mỗi Giáo Phận. Với “vai trò vương đế”/quyền quản trị bạn đã lãnh nhận khi được Rửa Tội, bạn được mời gọi để quản trị chính mình sao cho thăng tiến về thể chất, tinh thần và thiêng liêng; giúp người khác học cách quản trị bản thân họ; và điều phối gia đình, cộng đoàn sao cho trật tự, hài hòa và lành mạnh để cùng nhau vươn tới “tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13).

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về sứ mạng quy tụ bên Chúa cùng với nhau và sứ mạng hướng đến việc phục vụ tha nhân.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

10/1/24

Thứ sáu TN.I: Chứng minh ngược (Mc 2,1-12)

1Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. 3Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” 6Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7“Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” 8Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? 9Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? 10Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, –Đức Giê-su bảo người bại liệt– 11Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” 12Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Một ngôi nhà ở thành Caphanaum, có thể là nhà của Phêrô.

Ơn xin: Xin cho tôi nghe được ơn nhận biết đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, Đấng đến đây để dạy cho tôi những chân lý từ trời và mời tôi bước với Ngài trong ngày sống bình thường của tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Tiếng lành đồn xa (cc. 1-2)

Suy ngẫm về sự nổi tiếng của đức Giêsu lúc này. Tại sao Ngài lại chọn trở nên nổi tiếng trong khi suốt 30 năm trước đó Ngài sống ẩn dật ở làng quê nhỏ nghèo nàn Nazareth?

5Để được điều đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thụ tạo, trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, 6đến nỗi về phần mình, chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống trường thọ hơn sống ngắn ngủi và tương tự như thế đối với mọi sự khác, 7nhưng chỉ ước muốn và chọn lựa điều gì dẫn đưa chúng ta HƠN tới cứu cánh vì đó chúng ta được dựng nên.” (Linh Thao số 23)

Hãy cùng Ngài phân định chọn lựa cho mình bất cứ điều gì làm vinh danh Chúa hơn, dù đó là vinh hay nhục, giàu hay nghèo, sống hay chết…

2/ Hỗ trợ nhau gặp Chúa (cc. 3-5)

Suy ngẫm về sự bại liệt thiêng liêng của chính mình.

Ai đã mang bạn đến gặp Chúa Giêsu để bạn được chữa lành? Hãy tạ ơn Chúa đã gởi họ đến trong đời bạn. Hãy diễn đạt lòng biết ơn họ.

Nếu nhận ra mình đang “bại liệt thiêng liêng” mà vẫn chưa muốn được chữa lành, chưa muốn được ai đó giúp bạn nối kết lại với Chúa, thì chí ít, bạn hãy quỳ gối cầu xin Chúa cho mình được ơn khao khát thoát ra khỏi tình trạng lười biếng thiêng liêng, hoặc đam mê tội lỗi này.

3/ Chứng minh ngược (cc. 6-12)

Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, ở ẩn khoảng 30 năm để trải nghiệm và sống kinh nghiệm con người thật sự. Một khi đã trải nghiệm rất nhiều kinh nghiệm làm người, đức Giêsu muốn sử dụng ngôn ngữ, cách thức, văn hóa, niềm tin tôn giáo… để mặc khải về một Thiên Chúa yêu thương đến độ đã đến chung sống với họ.

Đây gọi là quá trình chứng minh ngược. Và điều đó là quá khó! Bởi chẳng ai có thể dám tin rằng thần linh có thể trở thành thụ tạo thực thụ như vậy. Thần linh có thể đội lốt người, giả dạng người, nhưng không thể “giống hệt” con người như đức Giêsu Nazareth này.

Những người hiểu biết chỉ thấy đó là một con người phạm thượng, tự xưng mình là Thiên Chúa, tự cho mình có quyền năng của Thiên Chúa…

Để chứng thực mình là Thiên Chúa, hôm nay, đức Giêsu buộc phải dùng cách liên kết giữa một điều không thấy, không chứng minh được là “quyền tha tội” với một điều thấy rõ trước mắt là “chữa bệnh”.

Nhận ra Ngôi vị Thiên Chúa nơi đức Giêsu Nazareth là một ơn ban. Hãy nài xin cho mình được ơn ấy.

Kết nguyện

Thân thưa với Đấng Nhập Thể về đức tin của bạn vào Ngài. Nài xin Ngài ban thêm ơn đức tin cho bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

4/1/24

Thứ sáu GS.II: Chủ động làm quen (Ga 1,43-51)

43Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.” 44Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.

45Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en!” 50Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những ngày đầu hoạt động công khai của đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những cơ hội kết nối tôi với Chúa, để tôi cũng trở nên chiếc cầu nối đưa dẫn người khác đến với chính Thiên Chúa của đời họ; hầu chính tôi và người khác được hạnh phúc vì có Chúa trong đời.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Phân chia bản văn: Đồng tâm

A – Đức Giêsu chủ động làm quen với Philiphê (cc. 43-44)

B – Philiphê chủ động giới thiệu ĐGS cho Nathanaen (cc. 45-46)

A’ – Đức Giêsu chủ động làm quen với Nathanaen (cc. 47-51)

1/ Thiên Chúa chủ động “làm quen” (cc. 43-44.47-51)

Mời bạn chiêm ngắm đức Giêsu trong cõi lòng của Ngài. Từ sông Gio-đan, Ngài quyết định về Galilê (ngược về phía Bắc nước Do Thái). Điều gì khiến Ngài chọn đi tới miền Galilê?

Chiêm ngắm cách Ngài tiếp cận Philiphê, tự giới thiệu mình để làm quen… và cách Ngài ngỏ lời với ông: “Anh hãy theo tôi.” – Chiêm ngắm cách Philiphê đáp lại lời mời kết bạn.

Tương tự, bạn chiêm ngắm bước chân của Ngài đang tiến về phía Nathanaen, một bạn thân của Philiphê. Ngẫm nghiệm câu nói làm quen của Ngài: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Chiêm ngắm cái nhìn xuyên thấu của Ngài, và cảm nghiệm mức độ tin tưởng của Ngài dành cho Nathanaen. Dọc theo bản văn, bạn hãy nhìn ngắm để cảm nghiệm mối tương quan giữa họ đang được hình thành và tiếp tục mở ra nhiều điều đầy hứa hẹn.

Áp dụng bản thân: Hãy nhớ lại hành trình đời mình để nhận ra những cách thức Thiên Chúa chủ động tiếp cận bạn. Đoạn thân thưa với Ngài.

2/ Tôi chủ động giới thiệu Chúa cho người khác (cc. 45-46)

Mời bạn quan sát Philiphê. Ngay sau khi gặp được một người mà ông xác tín là đấng cứu độ, ông mau chóng và mạnh dạn chia sẻ niềm vui và sự xác tín của mình cho người bạn là ông Nathanaen: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 

Kinh nghiệm được đức Giêsu chủ động làm quen đã và đang chuyển động trong Philiphê như thế nào? (cấu trúc đồng tâm gợi ý về điều này)

Áp dụng bản thân: Bạn có đủ xác tín và đơn sơ để giới thiệu Thiên Chúa cho người khác? Bạn có kinh nghiệm “gặp gỡ” nào với đức Giêsu để xác tín vào Ngài?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những cách thức Ngài đã chủ động kết thân với bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

28/12/23

Thứ sáu GS.I: Với Chúa trong đời thường (Lc 2,22-35)

22Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non25Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây

theo lời Ngài đã hứa,

xin để tôi tớ này

được an bình ra đi.

30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đền thờ Giêrusalem thế kỷ I.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn nhận biết cách Thiên Chúa đang đồng hành với tôi trong đời thường, nhờ đó tôi biết hợp tác với chương trình Ngài dành cho tôi và cho nhân loại.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giuse và Maria chu toàn lề luật (cc. 22-24)

Mời bạn đọc trích đoạn trên và suy ngẫm về thái độ sống đạo đơn thành của gia đình Giuse và Maria: giữ luật thanh tẩy người mẹ sau khi sinh con (x. Lv 12,4) và luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa trong tháng đầu sau khi sinh (x. Xh 13,2.12.15).

Đặt mình trước gương của thánh gia, hãy xét xem tinh thần bạn thi hành luật Chúa, luật Hội Thánh; và các luật xã hội như thế nào. Đoạn thân thưa với các Ngài: Thánh Giuse, Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu.

2/ Cụ già Simêon (cc. 25-32.34-35)

+ Một cụ già,

+ “công chính và sùng đạo”,

+ “mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en”: Mong ngóng Thiên Chúa đến cứu độ dân Ngài.

+ Thánh Thần hằng ngự trên ông; được Thánh Thần linh báo và thúc đẩy lên Giêrusalem vào đúng ngày giờ để được gặp Hài Nhi Giêsu.

+ Bồng ẵm lấy Hài Nhi Giêsu và chúc tụng Thiên Chúa.

+ Nói lời tiên báo về những đau khổ đức Maria sẽ phải chịu liên quan đến người con này.

Hãy dành thời gian để suy niệm về tất cả những gì được mô tả về cụ Simêon trong hiện tại để rút ra bài học cho đời mình.

3/ Tâm thế của Giuse và Maria (c. 33)

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.” (c. 33) Bạn đọc được gì trong tâm hồn các Ngài?

Nhớ rằng, thánh sử Luca còn viết về đức Maria ở cuối những câu chuyện về thời thơ ấu rằng: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,51)

Dành thời gian suy ngẫm về thái độ của bạn trong cuộc sống trước những điều “ngoài lập trình” xảy đến cho đời bạn.

Kết nguyện

Thân thưa với Thánh Gia Giêsu – Maria – Giuse về những gì bạn cảm hiểu được qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

26/12/23

Thứ ba GS.I: Nước mắt và niềm vui (Mt 10,17-22)

17“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tiên báo về những khốn khó dành cho người môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt thiêng liêng để nhận ra niềm vui cứu độ quá lớn lao đang ẩn giấu trong tâm hồn những môn đệ đích thực của Chúa, đến nỗi họ sẵn sàng trả mọi giá cho niềm vui ấy; để tôi biết sống vượt lên trên những thứ tầm thường và quy kỷ.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Xin đề nghị một lối phân chia bản văn: liên tiến.

A: Bị người đời bách hại (cc. 17-18)    

        B: Đừng lo lắng vì có Chúa Thánh Thần (cc. 19-20)

A’: Bị người thân bách hại (cc. 21-22a)

        B’: Đừng lo lắng vì anh em sẽ được cứu độ (c. 22b)

1/ Bị bách hại (cc. 17-18. 21-22a)

Ngay sau ngày Mừng Chúa Giáng Sinh, Phụng vụ Giáo Hội cử hành lễ kính vị tử đạo tiên khởi: Thánh Stêphanô. Sinh hay tử đều là niềm vui trong Chúa. Thánh Stêphanô là người đầu tiên ứng nghiệm những lời tiên báo của đức Giêsu về thân phận người môn đệ: sinh vào đời, chọn tin vào Chúa, chọn sống chứng tá cho Ngài đến mức đổ máu.

Mời bạn đọc lại hai trích đoạn trên để suy ngẫm về những sự bách hại mà người môn đệ của Chúa phải chịu, và vui lòng chịu lấy từ ngoài xã hội cho đến trong gia đình. Bạn cũng nhớ lại những bách hại mà chính bạn gánh lấy khi nỗ lực sống đức tin vào Chúa.

Thân thưa với Chúa Giêsu, Đấng sinh ra vì bạn, Đấng đến đây để cùng chịu khổ với bạn.

2/ Đừng sợ (cc 19-20. 22b)

Mời bạn tiếp tục đọc hai trích đoạn này để xây dựng lại niềm tin và hy vọng vào Chúa, Đấng hứa đồng hành cùng bạn khi bạn bị bách hại, Đấng hứa ban ơn cứu độ cho những ai chấp nhận bị bách hại vì rao giảng và nỗ lực sống đức tin vào Ngài.

Nước mắt và niềm vui trong Chúa là hai trạng thái không đối lập nhau trong tâm hồn của người môn đệ. Đó là nghịch lý Kitô giáo. Thế gian chuộng niềm vui cho bản thân và dành nước mắt cho người khác. Chúa chọn nước mắt cho mình và dành niềm vui cho người khác.

Kết nguyện

Thân thưa với thánh Stêphanô và Chúa Giêsu về những thiệt thòi bạn nhận chịu khi sống Đức Tin giữa thế giới hôm nay.

Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu – Đấng sinh ra để chịu đau khổ vì bạn và chịu khổ cùng với bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest.

19/12/23

Thứ sáu MV.III: Bài ca tạ ơn (Lc 1,46-56)

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thánh Luca hé mở tâm hồn đức Maria trước niềm vui cứu độ bằng bài ca Magnificat (bài ca tạ ơn) đã được mẹ cất lên ngay sau lời chúc tụng của bà Êlisabet: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,45)

Ơn xin: Xin cho tôi được cùng Mẹ Maria hát ca tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài chuẩn bị ơn cứu độ cho đời tôi và cho toàn thể vũ trụ tạo thành của Ngài, để tôi biết cộng tác vào việc lãnh nhận ơn cứu cho mình và cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập]

Gợi ý cầu nguyện

Bạn tự do cầu nguyện theo bản văn. Sau đây là vài gợi ý bạn có thể sử dụng nếu cần.

Điểm

Bản văn

Gợi ý cầu nguyện

1/ Tạ ơn cho bản thân (cc. 47-49)

46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

Vào giây phút ấy, đức Maria cất lời ca ngợi.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

47thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Con người toàn vẹn của đức Maria ca tụng Thiên Chúa, không có sự phân chia xáchồn.

 

48Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Nhận ra thân phận mọn hèn của mình là lý do để nhận ra mình “diễm phúc”.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Nhận biết những điều vĩ đại Thiên Chúa đã làm cho đời mình, vì Thánh Danh Ngài.

2/ Tạ ơn vì Chúa bênh vực kẻ nghèo hèn (cc. 50-53)

50Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót

những ai kính sợ Người.

Đọc lại lịch sử đời mình, gia đình, dòng tộc, lịch sử nhân loại để nhận ra sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho những người kính tôn Ngài.

Anawim = số sót, người nghèo hèn hằng tin cậy Chúa.

51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Nhớ lại những chăm sóc cụ thể mà Thiên Chúa dành cho người nghèo, cho người khiêm nhường.

Trải nghiệm quyền năng của Ngài.

3/ Tạ ơn vì Thiên Chúa trung tín (cc. 54-56)

54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

Ngẫm về tình yêu trung tín của Thiên Chúa dành cho dân Israel, dành cho toàn thể nhân loại.

56Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Đức Maria kết thúc bài ca tạ ơn, rồi ở lại chăm sóc người chị họ lớn tuổi đang mang thai.

Bài ca tạ ơn tiếp tục theo đức Maria trở về nhà để sống những ngày tháng, những năm dài tiếp theo.

Kết nguyện

Cùng với đức Maria, bạn hãy ca tụng Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Kính Mừng.

Ảnh: Pinterest

18/12/23

Thứ ba MV.III: Mong đợi và kỳ vọng (Lc 1,5-25)

5Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.

8Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: 9Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.

11Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 13Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” 19Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

23Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. 24Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thánh Luca trình bày về nguồn cội của đức Giêsu, Ngài kể về cuộc chào đời của người dọn đường cho đấng cứu độ là ông Gioan Tẩy Giả.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những bước Thiên Chúa chuẩn bị ơn cứu độ cho đời tôi và cho toàn thể vũ trụ tạo thành của Ngài, để tôi can đảm đón lấy những cơ hội Ngài gởi đến cho tôi, hầu sinh ơn ích thiêng liêng cho tôi và cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Kể chuyện

Mời bạn đọc lại toàn bộ câu chuyện đôi ba lần. Cố gắng ghi nhớ trình tự câu chuyện và những tình tiết trong đó.

Nhớ rằng, việc mang thai và sinh con trong lúc tuổi già (ngoài tuổi sinh nở) và hạ sinh những con người đặc biệt nhờ ơn Chúa không phải là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử cứu độ của dân Israel như thủ lãnh Samson, ngôn sứ Samuen…

Bạn có kinh nghiệm ngào đặc biệt về tác động của Chúa trong biến cố đời mình, trong lịch sử nhân loại?

2/ Mong đợi và kỳ vọng (cc. 5-22)

Dân Do Thái từng ước mong đất nước mình có vua để lãnh đạo đất nước, sau 3 vị vua tiên khởi là Sa-un, Đa-vít và Salomon có những nét của vị vua lý tưởng, dọc dài lịch sử sau đó họ kinh nghiệm về nhiều vị vua sa đọa. Sự thất vọng về các vị vua trần thế, từ thời ngôn sứ Isaia (khoảng 400 năm trước Công Nguyên) đã tiên báo về vị vua tương lai sẽ đến, do chính Thiên Chúa gởi đến. Vậy gia đình Dacaria và Êlisabet đang sống trong sự mong đợi này. Mặt khác, hai ông bà hằng mong đợi và cầu xin cho mình có con.

Ông Dacaria mong đợi có con, nhưng lại không thể đón nhận việc mình sẽ có con “trong lúc tuổi già”. Có lẽ ông kỳ vọng ông sẽ có con khi ông bà còn trẻ, và có con theo cách thức tự nhiên trong tuổi sinh nở.

Bạn có kinh nghiệm nào về sự khập khiễng giữa mong đợi và kỳ vọng?

3/ Đón lấy (cc. 23-25)

Mời bạn suy ngẫm về bà Êlisabet. Mọi sự có vẻ như diễn ra cách tự nhiên: đón chồng mình về sau thời gian phục vụ đền thờ. Tương quan vợ chồng vẫn tiếp tục bình thường. Kết quả: bà có thai cách ngoại thường (ngoài tuổi sinh nở). Bà dành thời gian 5 tháng để ngẫm nghĩ về điều đang diễn ra nơi bà. Cuối cùng bà kết luận: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

Dù chờ đợi cả đời cho đến lúc hầu như chẳng còn chút hy vọng, khi được ban ơn đặc biệt, bà cũng không nhảy mừng ngay lập tức, không loan tin vui ngay lập tức. Bà cần thời gian để kết nối với mình, với thai nhi, với Thiên Chúa, với hàng xóm. Bà cần thời gian để chuẩn bị mình cho tình trạng mới: làm mẹ, và làm mẹ trong lúc tuổi già!

Đâu là cách bạn thường phản ứng trước một điều mới: từ chối/phủ nhận, vui vẻ đón nhận ngay, hay cần nhiều thời gian để suy nghĩ?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về cách thức lạ thường đôi khi Ngài vẫn thực hiện trong đời bạn, và trong dòng lịch sử nhân loại.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.  

14/12/23

Thứ sáu MV.II: Hòa điệu (Mt 11,16-19)

16“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17và nói:

‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không đấm ngực khóc than.’

18“Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 19Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu giảng về Giáo Hội bằng cách ví von so sánh.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được lời dạy kín đáo của đức Giêsu dành cho mình hôm nay, để tôi nhận ra tình trạng bất tương hợp của mình mà hoán cải trong Mùa Vọng này.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Bất tương hợp

Nhằm giúp đặt khung cảnh tốt cho bài cầu nguyện, bạn hãy nhớ lại những khó khăn và chống đối mà đức Giêsu đã gặp phải trong hành trình đi rao giảng; nhớ đến những điều khập khiễng Ngài nhìn thấy và nghe được giữa lối sống và lời dạy bảo của giới lãnh đạo tôn giáo, giữa khao khát và chọn lựa trong cuộc sống của nhiều người.

Bạn cũng nhớ đến những bất tương hợp giữa điều bạn tin và điều bạn sống, sự phân tách giữa đạo và đời, những mặt nạ bạn mang để ứng phó với con người và những tình huống khác nhau…

2/ Hòa điệu (cc. 16-17)

Suy ngẫm về cách đức Giêsu giúp con người nhận ra sự khập khiễng này.

+ Những người lớn được so sánh với những đứa trẻ. Liệu tôi có phải là “trẻ em nhiều tuổi”?

+ Bối cảnh là những trò chơi con nít. Phải chăng cuộc sống của tôi đang chỉ là một trò chơi con nít?

+ Lũ trẻ chơi với nhau nhưng không hòa điệu với nhau. Đâu là những rạn nứt trong tâm hồn tôi làm tôi phân mảnh? Đâu là những rạn nứt trong tương quan với người khác làm tôi bất hợp tác, bất hòa, chống đối?

-   Thánh Phaolô nói về sự hòa điệu: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Bạn dành thời gian để tự vấn về mức độ hòa điệu nơi bản thân, trong tương quan với người khác và với chính Thiên Chúa.

3/ Sống khôn ngoan (cc. 18-19)

Đức Giêsu nhắc lại những comments (lời bình phẩm) người ta dành cho ông Gioan Tẩy Giả và cho chính Ngài. Tạm gọi là cái gì cũng nói được, mà toàn theo chiều hướng tiêu cực.

Bạn đang sống trong một thế giới công nghiệp với nhịp độ quá nhanh. Bạn được yêu cầu nghĩ nhanh, nói nhanh, làm nhanh. Nhịp điệu đó có làm bạn mất cơ hội “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói? Bạn có phương cách nào để bớt phạm lỗi do quá nhanh?

Bạn cũng đang sống trong một thế giới ẩn mình sau màn hình. Hãy xét xem mỗi ngày bạn gởi đi bao nhiêu comments? Chúng mang tính tích cực và khích lệ, trung tính, hay tiêu cực?

Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” – Bạn được mời để sống cách khôn ngoan trong thế giới này. Bạn tìm ra cách thức nào để sống khôn ngoan?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bài học bạn học được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest



27/11/23

Thứ ba TN.XXXIV: Điềm báo trước (Lc 21,5-11)

5Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: 6“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” 7Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”

8Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo họ. 9Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” 10Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà dạy các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy qua những dấu chỉ thời đại, để tôi sống điều Ngài truyền dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Xin đề nghị một cách phân chia bản văn như sau: cấu trúc liên tiến: yếu tố câu chuyện được lặp lại và đẩy nội dung đi tới.

A: Sự kiện thực tế (cc. 5-6)

B: Hỏi về điềm báo trước (c. 7)

A’: Lạm dụng dấu chỉ (c. 8)

B’: Điềm báo trước (cc. 9-11) 


1/ Chú giải hiện tượng (cc. 5-6.8)

Con người thường có nhu cầu thỏa mãn sự hiểu biết của trí óc, nên luôn tìm cách lý giải các hiện tượng, sự vật trong đời thường. Trong xã hội nông nghiệp, khả năng này giúp con người nhận biết được rất nhiều quy luật trời đất để phục vụ sản xuất. Dần dà con người chế tạo những phương tiện máy móc để nhận biết luật tự nhiên nhiều hơn, rồi đo lường cả chuyển biến tâm lý con người…

Cũng không hiếm việc người ta chú giải cách hiện tượng theo cái nhìn tâm linh, đoán vận mệnh tương lai… Sự giới hạn của con người làm cho chúng ta căng mình ra để tìm cách bảo toàn mình trong thế giới tự nhiên bằng mọi cách. Bạn hãy suy nghĩ về khả năng này được trao cho con người và thân thưa với Chúa về điều đó.

Mặt khác, bạn cũng dễ bị nhầm lẫn, bị dụ dỗ vì những cách lý giải có vẻ phù hợp (logic) hoặc hợp với cái nhìn tâm linh. Bạn có kinh nghiệm nào bị dẫn dụ như thế?

Sống trong tuần cuối của năm phụng vụ, bạn có đặt Đức Kitô là nền tảng cho mọi lý giải hiện tượng tự nhiên và các biến cố xã hội và tôn giáo?

2/ Điềm báo trước (7.9-11)

Tâm thức con người muốn biết trước, ít là bằng “những điềm báo trước” để cảnh giác, để chuẩn bị cách ứng phó. Ở mức độ vừa phải, điều này thuộc về ơn biết lo liệu. Nhưng khi nó trở nên thái quá thì bạn sẽ thấy mọi sự là một sự đe dọa, điềm gở.

Thiên Chúa vẫn luôn đặt những “điềm báo trước” trong quy luật thiên nhiên; để hướng con người đến trật tự mới cao hơn: những chọn lựa thiêng liêng.

Mời bạn dành thời gian để nhận ra những “điềm báo trước” trong đời bạn. Chọn lựa của bạn là gì?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những điều bạn nhận ra qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.


  

21/11/23

[21/11 Lễ Mẹ Maria được dâng vào đền thờ] Thuộc về (Mt 12,46-50)

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Mẹ Maria và anh em đức Giêsu đi thăm đức Giêsu trong thời gian Ngài thi hành sứ vụ công khai..

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được sự cao quý của mối tương quan thiêng liêng mà đức Giêsu dành cho tôi, để tôi sống trong tương quan mật thiết với Ngài hơn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Truyền thống lễ Đức Maria được dâng vào Đền Thánh: Câu chuyện về cuộc chào đời của đức Maria được kể trong ngụy thư thánh Giacôbê; dựa theo truyền thống của những câu chuyện hiếm muộn sinh con trong lúc tuổi già của bà Anna (mẹ ông Samuen), bà Êlisabet (mẹ ông Gioan Tẩy Giả). Tên cặp vợ chồng già này được kể là Gioakim và Anna. Theo ngụy thư, đức Maria được dâng vào đền thờ Giêrusalem lúc 3 tuổi. Dù không có chứng cứ lịch sử, lễ Mẹ Dâng Mình mang một ý nghĩa thần học lớn lao: Chúng ta được sinh ra và thuộc về Thiên Chúa, dù là nam hay nữ.

Lễ Mẹ Dâng Mình được cử hành từ thế kỷ VI ở Giêrusalem và một nhà thờ được xây dựng để tôn kính. Lễ này được Giáo Hội Đông Phương chú trọng. Đến thế kỷ XI, lễ được lan truyền qua Giáo Hội Tây Phương. Đến thế kỷ XVI, lễ được cử hành trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo Rôma.

1/ Lẽ tự nhiên (cc. 46-48)

Trong thời gian đức Giêsu đi rao giảng, thi thoảng mẹ Maria và các anh chị em bà con đi thăm Ngài. Hãy đọc lại bản văn để khám phá cách chi tiết cuộc viếng thăm lần này.

Đi thăm người thân là chuyện hết sức tự nhiên. Mời bạn dành thời để suy ngẫm những điều sau:

+ Dành thời gian để đi thăm người thân, bạn bè

+ Cùng nhau đi thăm người thân, bạn bè ở xa

+ Dịp nào và câu chuyện gì bạn muốn chia sẻ và lắng nghe trong chuyến viếng thăm đó? Về tin tức gia đình? Công ăn việc làm? Về đức tin? Về niềm hy vọng và đau khổ?...

+ Bạn cảm thấy thế nào trước thái độ và câu hỏi của đức Giêsu khi biết tin mẹ mình và các anh em đến thăm và muốn gặp mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 

Hãy thân thưa với Chúa về các mối tương quan trong đời thường của bạn và cách thức bạn nuôi dưỡng những mối tương quan này.

2/ Lẽ siêu nhiên (cc. 49-50)

Nếu chỉ dừng lại ở mức độ tương quan huyết thống theo lẽ tự nhiên, thì câu chuyện này không có can hệ gì đến chúng ta – những người Việt Nam sống ở thế kỷ XXI.

Đức Giêsu đã mở ra một mức độ tương quan khác: “Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.’”

Tiêu chí của mối tương quan này là: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Mời bạn dành thời gian để khám phá mối tương quan theo lẽ siêu nhiên này; về mức độ bạn ý thức về nó và về cách thức bạn nuôi dưỡng mối tương quan này mỗi ngày.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu, Đấng mời bạn đi vào mối tương quan thiêng liêng với Ngài về mức độ tương quan của bạn với Ngài và ngược lại.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest.