Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

29/12/20

Thứ tư 30/12/2020: Vén mở và kín ẩn (Lc 2:36-40)

36Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đền thờ Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi được chiêm ngắm những việc lạ lùng mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong nhân loại cách tỏ tường hoặc kín ẩn, để tôi biết ca tụng Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm].

Gợi ý cầu nguyện

1/ Vén mở (cc. 36-38)

Trước hết, bạn hãy đặt mình vào khung cảnh của đền thờ Giêrusalem, nơi người ta tuôn đến với rất nhiều lý do: đọc thánh vịnh vào những giờ nhất định, cầu nguyện riêng, dâng lễ hy sinh và đền tội, làm nghi thức thanh tẩy… Đây là một nơi thường quy tụ đông đúc.

Giữa bao người qua lại, đến rồi đi, bạn hãy chú ý đến một cặp vợ chồng trẻ vừa ra khỏi đền thờ sau khi dâng lễ vật nhỏ để thanh tẩy người mẹ sau sinh theo truyền thống, và họ cũng đã dâng đứa bé cho Thiên Chúa. Họ bước ra và được ông cụ già Simeon chúc tụng; rồi đến bà cụ Anna 84 tuổi cất tiếng nói về đứa trẻ họ đang bồng ẵm.

Bạn hãy nhìn ngắm kỹ bà Anna. Tưởng tượng về những ngày cuộc đời bà khi còn ở gia đình, 7 năm chung sống với chồng, và suốt quãng đời thủ tiết của bà.

Bà xác tín vào Lời Thiên Chúa hứa. Bà nhận ra điều đó đang được thực hiện nơi đứa trẻ này. Bà nói cho những người lên đền thờ hôm đó biết… Bà “vén mở” về Đấng Cứu độ.

Hãy áp dụng ý nghĩa cuộc đời bà Anna vào chính bạn. Bạn mong chờ gì và tìm kiếm gì trong cuộc đời này? Bạn làm gì để hiện thực được điều mình tìm kiếm? Điều đó thuộc về những gì trong thế giới này, hay là chính Thiên Chúa?

 

2/ Kín ẩn (cc. 39-40)

Khác với thánh sử Mat-thêu, thánh Luca kể câu chuyện về thời thơ ấu của Đức Giêsu như là một gia đình bình thường, sau biến cố sinh con nơi Bê-lem (Miền Nam) trong hành trình đi “đăng ký hộ khẩu”, chờ cho mẹ con cứng cáp và hoàn tất việc thanh tẩy người mẹ và cắt bì cho đứa con (x. Lv 12, 2-8), thì trở về lại quê nhà ở Nazaret (Miền Bắc).

Sau vài “sự lạ” ồn ào ở miền Nam, họ rút về miền Bắc, sống một cuộc đời âm thầm.

Mời bạn đọc từng chữ câu 40 để nghiệm về thời gian “ngày càng” của bé trai Giêsu. Bạn có biết là chữ đó chứa đựng khoảng 30 năm? [(30*365 ngày)*24h]… Bạn có thể tính toán chi tiết hơn những năm tháng ngày giờ của Giêsu. Hãy chiêm ngắm sự lớn lên về mọi mặt của cậu Giêsu: thể xác, tinh thần, trí tuệ, thiêng liêng…

Bạn học được gì từ sự kín ẩn của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người? Hành trình cuộc đời bạn có đang đi cùng hướng với kinh nghiệm về cuộc đời của Giêsu khi Ngài sống trên hành tinh này?

 

Kết nguyện

Hãy nói với Chúa về những gì bạn cảm nghiệm trong giờ cầu nguyện, và xin ơn để bạn được phát triển cách âm thầm mà toàn diện như Chúa Giêsu.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

22/12/20

Thứ tư 23/12/2020: Dấu chỉ (Lc 1, 57-66)

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ngôi nhà nhỏ trên miền núi Giuđa của ông bà Dacaria và Elisabet.

Ơn xin: Xin cho tôi được chiêm ngắm những việc lạ lùng mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong nhân loại, để tôi biết ca tụng Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm].

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ngày chào đời (c. 57-58)

Mời bạn hãy sắm vai một nhân vật nào đó hiện diện trong ngôi nhà nhỏ trên niềm núi Giuđa (miền Nam xứ Palestin), vào một ngày đặc biệt của gia đình ông bà Dacaria.

Quan sát ngôi nhà từ bên trong, những sắp đặt và những chuẩn bị cần thiết cho cuộc sinh nở. Nhìn ngắm bà Elisabet, một phụ nữ lớn tuổi mang thai con so trong những ngày cuối thai kỳ.

Hãy theo dõi tiến trình của cuộc sinh nở. Nó có gì đặc biệt? Hãy nhìn ngắm một bé trai vừa chào đời và tận hưởng niềm vui của những người chứng kiến, của bà mẹ, của người cha.

Nhìn ngắm cảnh tượng những người thân quen kéo đến chúc mừng. Hãy nghiệm lý do họ chúc mừng: “Nghe biết Chúa đã QUÁ THƯƠNG bà như vậy”.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ lại cuộc chào đời của bạn. Bạn được nghe kể thế nào? Có gì đặc biệt tạo nên niềm vui (hoặc nỗi lo) cho cha mẹ bạn? Bạn muốn nói gì với Chúa về ngày mình chào đời?

 

2/ Ngày cắt bì (cc. 59-66)

Một lần nữa, bạn hãy hiện diện trong ngôi nhà nhỏ ấy vào ngày thứ tám sau biến cố bé trai chào đời. Người ta quy tụ để làm lễ cắt bì (cắt 1 phần bao quy đầu của bé trai như dấu chỉ em thuộc về dân Thiên Chúa). Đây là một nghi thức truyền thống, và người ta thường đặt tên cho đứa trẻ theo tên cha nó. (Bạn có thể thấy trong tiếng Anh như Tom Johnson Jr. là con của Tom Johnson Sr.)

Hãy quan sát và lắng nghe cuộc trao đổi giữa họ về việc đặt tên cho bé trai ấy. Nhớ rằng ông Dacaria đang bị câm (người câm thường cũng bị điếc). Điều gì đã làm cho hai ông bà đi đến sự đồng thuận về một cái tên ngoài dòng họ? Tên Gioan có nghĩa là Thiên Chúa chúc phúc, hoặc Ân huệ của Thiên Chúa.

Ông Dacaria đột nhiên mở miệng cất tiếng nói. Bạn hãy chiêm ngắm sự kinh ngạc của những người hiện diện: bỡ ngỡ, kinh ngạc, đồn ra, tự hỏi…

Bạn có nhận ra những dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện trong những biến cố đời mình? Cụ thể là gì? Điều đó có gây kinh ngạc cho những người xung quanh?

Cuộc chào đời của Gioan đã nên một dấu chỉ. Bạn có tin rằng bạn cũng là dấu chỉ của Chúa cho thế giới hôm nay?

Gioan được sinh ra trước Đức Giêsu cho sứ mạng là người giới thiệu về Đấng cứu độ. Bạn được sinh ra cho sứ mạng gì?

 

Kết nguyện

Hãy nói với Chúa về ngày bạn chào đời, về cái tên của bạn, về hành trình đời bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

18/12/20

[Thắp nến Mùa Vọng] 20/12/2020 – Bình an cho Địa cầu

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) như người lính canh đêm, càng gần sáng thì càng mệt mỏi và mong trời mau sáng. Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhau về việc kiên trì chờ đón Chúa đến, vì Ngài đã gần kề rồi!

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 9, 5-6

5Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,

một người con đã được ban tặng cho ta.

Người gánh vác quyền bính trên vai,

danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,

người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.

6Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận

cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít.

Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền

trên nền tảng chính trực công minh,

từ nay cho đến mãi muôn đời.

Vì yêu thương nồng nhiệt,

ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.


Đó là Lời Chúa - Tạ ơn Chúa.



HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng nhắc chúng ta về bình an sâu thẳm do Đức Kitô ban tặng, không như bình an mà thế gian ban tặng (Ga 14, 27). Bình an đó khác với sự an toàn thể lý khi bạn có nơi ở vững chắc, hay an toàn tâm lý khi không có mối nguy hiểm nào đe dọa, thậm chí an toàn thiêng liêng khi bạn giữ kinh lễ đầy đủ và sống trọn 10 điều răn!

Bình an này được đặt trên nền tảng là chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và sắp đặt mọi sự trong một trật tự hài hòa gắn kết với nhau. Ngài còn ban cho con người được tham dự vào quá trình điều tiết trật tự này để kiến tạo bình an trên trái đất (LS 65-75). Quả thế, con người có khả năng nhận biết quy luật thiên nhiên và vận dụng chúng vì thiện ích chung (LS 130-136.199-201). Ngoài ra, con người còn có khả năng tổ chức xã hội, tạo lập văn hóa thông qua giáo dục, các tổ chức quốc tế, các nhà nước và lý tưởng chính trị. (LS 189-198. 202-243)

Bình an đó khởi đi từ Thiên Chúa và lớn lên trong lòng mỗi người khi con người chân nhận giá trị hiện hữu của mọi sự và biết dùng chúng trong giới hạn của “tiết độ và khiêm nhường”, theo như phẩm giá và vị trí đúng đắn của mình trong thế giới này. Đây chính là nền tảng để xây dựng bình an trong lòng người (LS 223-225) và là nhiệm vụ của từng người trong chúng ta, trong khi chờ đợi Thiên Chúa sẽ hoàn tất mọi sự (LS 244-245).

Xin cho chúng ta biết tạo lập bình an nội tâm để nên sứ giả bình an giữa thế giới đang chìm trong sầu đau và thất vọng vì tai ương dịch bệnh, vì nền kinh tế - văn hóa - chính trị bấp bênh. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM cuối cùng)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Thiên thần mang đến Bình an. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta là con người an hòa và trở nên sứ giả hòa bình.

 

Cộng đoàn hát: Kinh hòa bình – Phổ nhạc Kim Long

https://www.youtube.com/watch?v=il8GcmB1Fw0

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người
Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ưu sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con
tìm an ủi người hơn được người ủi an
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ
chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con
xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình


Hoặc nghe Bình an ở đâu? - Xuân Đường    
https://www.youtube.com/watch?v=sBVt75YcsB4 hoặc Let there be peace on earth (English) https://www.youtube.com/watch?v=4ITXaL2Sk2A

HD 1: Lạy Chúa Cứu Thế, Ngài được thiên thần ca tụng là Đấng đến mang “bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Xin ban bình an cho trái đất này, nơi mà Ngài đã chúc phúc cho mọi sự sống được sinh sôi nảy nở lan tràn; để chúng tạo thành một mạng lưới sự sống phong phú, hài hòa và năng động. Xin cho loài người chúng con biết phát huy vai trò của mình để làm cho thế giới này ngày càng an khang thịnh vượng và quy hướng về Chúa. Cùng với mọi tạo thành của Chúa, chúng con cầu xin trong danh thánh của Hoàng Tử Bình An, là Thiên Chúa và Đấng cứu độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

(Ảnh: Internet)

15/12/20

Thứ tư 16/12/2020: Trở nên chứng nhân (Lc 7, 18-23)

18 Môn đệ của ông Gio-an báo cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gio-an 19sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 20Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’” 21Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ông Gioan tẩy giả đang bị cầm tù. Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai bằng việc tuyển chọn các tông đồ, rao giảng và chữa lành.

Ơn xin: Xin cho tôi đọc được những dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa trong bối cảnh hôm nay.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm].

Gợi ý cầu nguyện

1/ Bối cảnh (cc. 18-19)

Mời bạn đặt mình vào bối cảnh của Gioan để hiểu được sự sốt ruột và lo lắng của ông. Ông đã làm phép rửa cho người em họ mình là Đức Giêsu. Ông đã chứng kiến sự lạ của Trời cao chuẩn nhận con người đó. Giờ đây, ông đang bị cầm tù vì nói chạm đến mối tương quan bất chính của tiểu vương Hêrôđê và bà Hêrôđia. Ông không biết mình sống chết khi nào.

Nghe các đồ đệ thuật lại về những lời giảng dạy và phép lạ Đức Giêsu đã làm, ông phân vân nhưng vẫn không xác tín được liệu Đức Giêsu có thật là Đấng-phải-đến, hay còn gọi là Đấng cứu độ đã được tiên báo? Liệu Gioan có hoàn thành được nhiệm vụ làm người dọn đường và giới thiệu Đấng-phải-đến cho toàn dân. Liệu ông có giới thiệu sai người? Liệu sau khi ông mất lại có Đấng-phải-đến khác xuất hiện?

Bạn có từng mong ngóng về sự xuất hiện của Đấng cứu độ như Gioan Tẩy Giả? Hoặc khao khát hoàn tất nhiệm vụ đời mình là giới thiệu được Đấng-phải-đến cho người khác như ông?

 

2/ Đặt vấn đề (c. 20)

Hai môn đệ của Gioan đã chuyển thắc mắc của thầy mình đến với Đức Giêsu. Mối bận tâm của Gioan đã được hai môn đệ bộc lộ trực tiếp với Đức Giêsu với nội dung hoàn toàn chính xác.

Bạn thường đặt vấn đề với Chúa cách trực tiếp hay gián tiếp? Với tất cả nội dung thắc mắc hay chỉ một phần?

 

3/ Đức Giêsu trả lời

Bằng hành động (c. 21)

Như một ngôn sứ, Đức Giê su hành động để làm dấu chỉ. Những hành động của Ngài gợi lại những dấu chỉ để nhận biết Đấng-phải-đến và thời kỳ cứu độ đã được ngôn sứ Isaia tiên báo (Is 26:19; 29:18; 35:5-6 và 61:1): người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng.

Bạn thấy Thiên Chúa đang hành động để trả lời cho thắc mắc đời bạn thế nào?

Bằng lời (cc. 22-23)

Đức Giêsu yêu cầu hai môn đệ của Gioan về thuật lại những “những điều mắt thấy tai nghe”. Đức Giêsu biến họ trở nên chứng nhân để trả lời cho thắc mắc của Gioan.

Lời nhắn: “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” vừa nhắm vào Gioan, vừa nhắc hai người môn đệ được sai đến, và nay trở thành chứng nhân cho sự xác tín của Gioan.

Bạn được Thiên Chúa mời gọi để trở nên chứng nhân về Thiên Chúa cho những người đang có những thắc mắc về đức tin thế nào?

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về tất cả những gì bạn được trải nghiệm trong giờ suy niệm.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

11/12/20

[Thắp nến Mùa Vọng] 13/12/2020 – Niềm vui đón chào sự sống

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng. 2 cây nến tím đã được thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để cùng khích lệ nhau tiếp tục chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và nhắc nhớ về việc Thiên Chúa hằng viếng thăm chúng ta qua những tin vui nhỏ bé trong đời thường –  nơi giọt sương mai, trong làn gió nhè nhẹ, trong hơi ấm mặt trời, trong nụ cười thân thiện, với giọt nước mắt đồng cảm, hay một giai điệu thư giãn.

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Dacaria – Dc 9, 9-10

Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!

Hỡi othiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:

Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,

khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,

một con lừa con vẫn còn theo mẹ.

10Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im

và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem;

cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy,

và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân.

Người thống trị từ biển này qua biển nọ,

từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.

 

Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

 

HD 1: Suy niệm 

Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta niềm vui của thời gian chờ mong đã gần đến, và nâng đỡ những tâm hồn mệt mỏi. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến là lời vang lên trong những ngày này.

Chúng ta được mời gọi để thưởng nếm một niềm vui đơn sơ nơi nhưng điều bé nhỏ trong đời thường khi biết mãn nguyện với những gì mình có; khi sống tiết độ trong việc sử dụng nguồn lợi chung để dành phần cho người khác và những thế hệ đến sau; khi ưu tiên sống cho tình huynh đệ và việc phục vụ bằng tất cả tài năng của mình (LS 159-160. 222-223).

Niềm vui này thuộc về những tâm hồn khiêm nhu và bình an; và những tâm hồn biết chiêm ngắm, cảm nếm và thể hiện sự dịu dàng ngay trong lời cám ơn, hay khi nhận biết mọi sự tôi có đều là ân ban và tôi được mời gọi để kiến tạo và trao lại một thế giới đáng sống cho những thế hệ đến sau. (LS 224-227. 160)

Niềm vui này mang tên Ra khỏi chủ nghĩa Con người là trung tâm khuyến khích tiêu thụ bằng mọi giá, để phục vụ cho sự sống, để nghe được tiếng than khóc của Trái Đất và của người nghèo (LS 49).

Đây còn là Niềm vui được cảm nếm trước Trời Mới Đất Mới khi nhìn vào sự thành toàn nơi Đức Maria (LS 241) và cùng với Đấng Phục Sinh tiến về ngày Sabat vĩnh cửu (LS 243).

Xin cho chúng ta được cảm nếm niềm vui trong Thiên Chúa cùng với mọi tạo thành của Ngài, và trở nên chứng nhân cho niềm vui Phục sinh và sức mạnh giải phóng của Tin Mừng cho một thế giới đang chìm trong sầu đau và thất vọng vì tai ương dịch bệnh, vì nền kinh tế - văn hóa - chính trị bấp bênh. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN HỒNG)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta trở nên người an vui.

 

Cộng đoàn hát: Nào vui lên – Mi Trầm

ĐK: Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi loan báo niềm vui cứu đời. Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi, ta hãy mừng vui trong Chúa Trời.

1. Nào ta vui lên vì Chúa đến ở giữa dân người ban xuống niềm vui cho Thế nhân thôi hận thù. Nào ta vui lên vì Chúa đến cứu thoát muôn người ban xuống niềm vui cho ngày mai thêm đẹp tươi.

Hoặc nghe Faith is the victory (English)

https://www.youtube.com/watch?v=DSNMQAVe7FE

hoặc bài Tân ca –Tiến Lộc https://soundcloud.com/votienphat/t-n-ca-lm-ti-n-l-c

 

HD 1: Lạy Mục Tử Giêsu, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến, xin mang đến cho chúng con niềm vui vì biết rằng Ngài chắc chắn sẽ đến để cùng đưa chúng con và vạn vật tiến vào trong Thiên Chúa Ba Ngôi hằng sống và yêu thương. Xin cho chúng con trở nên chứng tá cho niềm vui bất biến này giữa một thế giới đang mất đi niềm vui khi nghĩ đến tương lai. Chúng con cầu xin trong danh thánh Mục tử Giêsu, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

(Ảnh: Internet)

8/12/20

Thứ tư MV.II: Mong được phục hồi (Mt 11, 28-30)

28“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Hãy mường tượng mình đang ở gần bên Chúa Giêsu. Ngài đang thì thầm với bạn.

Ơn xin: Xin với Chúa Giêsu cho tôi nghe được tiếng thì thầm của Ngài để tôi biết đến nghỉ ngơi với Ngài trong Mùa Vọng này, và để Ngài phục hồi tôi giữa những căng thẳng và lo âu trong đại dịch Covid-19.

Lối cầu nguyện: Theo nhịp thở [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba cách cầu nguyện] cách thức cầu nguyện thứ ba.

Gợi ý cầu nguyện

Bạn hãy để mình thật thư giãn theo nhịp thở đều đặn, độ dài vừa phải phù hợp với cơ thể mình. Rồi từ từ “niệm” từng câu theo vế dưới đây. Hãy dành thời gian cho mỗi câu bao lâu bạn còn cảm nếm được những điều ý vị.

Bạn có thể “niệm” theo thứ tự, hoặc chọn bất cứ câu nào để niệm; miễn là điều đó mang lại cho bạn sự nghỉ ngơi, được phục hồi trong Đấng bạn phó mình trong tay Ngài. Không nhất thiết phải đi cho hết các câu.

1. Tất cả những ai – mang gánh nặng nề

2. hãy đến – cùng Tôi

3. Tôi cho nghỉ ngơi – Tôi sẽ bồi dưỡng

4. mang lấy ách Tôi – và học với Tôi

5. Tôi hiền hậu – Tôi khiêm nhường

6. Tâm hồn được nghỉ ngơi – tâm hồn được bồi dưỡng

7. ách Tôi êm ái – gánh Tôi nhẹ nhàng

Kết thúc: Tâm sự với Chúa về tất cả những gì bạn cảm nghiệm được, những ơn bạn nhận được, hay bất cứ điều gì nổi lên trong lòng. Đoạn kết thúc bằng Kinh Lạy Cha. 

4/12/20

[Thắp nến Mùa Vọng] 06/12/2020 –Tin tưởng sự sống sẽ tái sinh

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng với cây nến tím I đã thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để cùng nhau chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và nhắc nhớ về việc Thiên Chúa hằng viếng thăm vũ trụ này từng giây từng phút.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 30, 19-26

19Phải, hỡi dân Xi-on đang ở Giê-ru-sa-lem,

ngươi sẽ không còn phải khóc nữa.

Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi ;

nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại.

20Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo

và nước uống trong cơn khốn quẫn.

Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt,

và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.

21Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái,

tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau :

“Đây là đường, cứ đi theo đó!”

22Những tượng chạm dát bạc,

tượng đúc bọc vàng của ngươi,

ngươi sẽ coi là ô uế,

sẽ vất chúng đi như đồ dơ bẩn

và nói: “Cút đi!”

23Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng,

cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ.

Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi

sẽ ăn trên những đồng cỏ xanh bát ngát.

24Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối,

cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra.

25Trong ngày đại tàn sát i,

khi các ngọn tháp đổ nhào,

trên mọi núi và mọi đồi cao,

sẽ có những khe suối và dòng nước chảy.

26Vào ngày ĐỨC CHÚA băng bó vết thương cho dân Người,

và chữa lành những chỗ nó bị đánh,

ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời,

và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy

– (như) ánh sáng của bảy ngày (cộng lại).

Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta một niềm tin tưởng được đặt nền nơi Thiên Chúa: Chính Thiên Chúa sẽ nghe tiếng kêu cầu của “các tạo vật đang phải rên siết”, và đích thân Ngài sẽ xuất hiện để chăm sóc, ban lương thực và băng bó vết thương của nhân loại và mọi tạo thành của Ngài. Niềm tin tưởng này cần thiết biết bao cho nhân loại giữa đỉnh cao của đợt dịch đang tái diễn.

Sự sống chỉ có thể tái sinh khi con người biết hoán cải trở về và hợp tác với Đấng Tạo hóa để cùng nhau xây dựng lại thế giới đổ nát do lòng người đã mất đi tình yêu dịu dàng, đôi mắt chiêm ngắm và đôi môi ca tụng (LS 226-227). Bạn có thể kỳ vọng một sự thay đổi có hệ thống trong chính sách quốc tế, khu vực và quốc gia, hoặc trông chờ vào hoạt động của các tổ chức lớn… Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô kỳ vọng một sự thay đổi bắt đầu từ chính mỗi cá nhân (LS 202), mỗi gia đình (LS 213), mỗi cộng đồng địa phương (LS 142. 144-45. 179. 221), mỗi tổ chức dân sự (179).

Bạn được Thiên Chúa tín nhiệm trao cho việc quản trị và chăm sóc hành tinh này. Bạn được vị đứng đầu Giáo Hội tín nhiệm trao nhiệm vụ cho bạn để thực hiện những thay đổi vực lại mạng lưới sự sống đang suy vong.

Xin cho chúng ta biết đáp lại sự tín nhiệm của Thiên Chúa và lời kiêu gọi của Đức Thánh Cha để trở nên ánh sao Belem nuôi dưỡng sự tin tưởng giữa thế giới đang chìm trong sầu đau và thất vọng vì tai ương dịch bệnh, vì nền kinh tế - văn hóa - chính trị bấp bênh. (Thinh lặng một chút)

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM thứ hai. 

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Bê-lem mang đến Tin tưởng. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta trở nên người những con người đầy trách nhiệm và biết tín nhiệm người khác.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con không oán hờn và không ghen ghét. Xin cho lòng chúng con luôn quảng đại và luôn tha thứ. Xin cho lòng chúng con yêu mến người, yêu suốt đời, chỉ biết sống hiến dâng phục vụ và hướng đến ân tình trời cao.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe Faith is the victory (English) https://www.youtube.com/watch?v=DSNMQAVe7FE

Hoặc Phó thác của Kiều Linh: https://www.youtube.com/watch?v=UDL0NNnN6z0

HD 1: Lạy Đức Kitô Vũ trụ, Ngài là niềm hy vọng cho mọi tạo thành. Xin khơi lên trong chúng con một niềm tin tưởng vững vàng rằng trong mọi gian nan thử thách, Ngài vẫn luôn bên chúng con trong hành trình dương thế này, để chúng con tích cực làm việc và ca tụng Chúa. Bởi chính Ngài sẽ bảo đảm cho chúng con chiến thắng cuối cùng. Chúng con cầu xin trong danh thánh của Đức Kitô vũ trụ, là Chúa và là Đấng cứu độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

(Ảnh: Internet)

1/12/20

Thứ tư MV.I: Hy vọng (Mt 15, 29-37)

29Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven biển hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

32Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” 33Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” 34Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” 35Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Khi đến sát thành Giêrusalem, Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ về những gì sắp xảy ra trước khi mọi sự hoàn tất.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu về ý nghĩa của hành trình đời mình và cùng đích của mọi sự, để tôi can đảm cộng tác với Chúa đến cùng mà hoàn tất nó.

Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm và Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Sự kết nối của bản văn tạo nên một cấu trúc liên tiến được lặp lại 2 lần.

1/ Thiên Chúa hy vọng (cc. 29. 32)

Mời bạn nhìn ngắm cách hành xử của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu trong 2 câu trích dẫn. Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm con người. Ngài hy vọng nơi con người; Ngài xót thương con người.

Bạn hãy đặt vào trong bối cảnh Covid-19 để một lần nữa chiêm ngắm sự tìm kiếm và hy vọng của Thiên Chúa dành cho con người.

Bạn hãy đặt mình vào trong những hoàn cảnh khó khăn của đời mình để chiêm ngắm sự tìm kiếm và hy vọng của Thiên Chúa dành cho chính bạn.

2/ Con người hy vọng (cc. 30. 33-36)

Con người tìm kiếm và hy vọng vào Thiên Chúa khi họ đau bệnh, đói khát—Không chỉ là thể lý nhưng còn là tinh thần và thiêng liêng.

Hãy nghĩ về cách thế mà nhân loại thể hiện cách mình đặt hy vọng nơi Chúa. Tuy nhiên nhiều lúc con người chỉ dựa trên sức riêng của mình để xử lý những khó khăn cuộc sống.

Hãy nhớ lại cách thế chính bạn đã đặt hy vọng vào Chúa như cách thế duy nhất. Nếu chưa hy vọng như thế vào Chúa, bạn có muốn thân thưa điều gì với Ngài bây giờ?

3/ Mãn nguyện (cc. 31. 37)

Mời bạn chiêm ngắm mức độ mãn nguyện của các bệnh nhân và người thân của họ; của các người “đã ăn no nê” và của các môn đệ Đức Giêsu.

Hãy nghiệm xem điều gì đã mang lại sự mãn nguyện đó?

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Thiên Chúa của Hy Vọng về các điều đang diễn ra trong đời bạn, trong đất nước và trên hành tinh xanh của bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

27/11/20

[Thắp nến Mùa Vọng] 29/11/2020 – Hy vọng về Chu kỳ sống mới

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhớ chúng ta về một Năm phụng vụ nữa lại bắt đầu trong hành trình đời mỗi người.

Mùa Vọng là mùa ngưỡng vọng về Chúa, mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 11, 10-13

Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.

Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,

và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

11Đến ngày đó, Chúa Thượng sẽ lại giơ tay ra một lần nữa,

để chuộc lấy phần sống sót của dân Người,

phần sống sót ở Át-sua và Ai-cập, ở Pát-rốt và Cút,

ở Ê-lam và Sin-a, ở Kha-mát và các hải đảo.

12Người sẽ phất cờ hiệu cho các dân tộc,

và từ bốn phương thiên hạ,

sẽ quy tụ những người Ít-ra-en biệt xứ,

sẽ tập họp những người Giu-đa bị phân tán.

13 Lòng ghen tị của Ép-ra-im sẽ không còn,

và những kẻ thù nghịch của Giu-đa sẽ bị tiêu diệt.

Ép-ra-im sẽ không còn ghen tị Giu-đa,

và Giu-đa sẽ không còn thù nghịch với Ép-ra-im.

Đó là Lời Chúa - Tạ ơn Chúa.


HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta một niềm hy vọng mới: Một chồi non sẽ mọc lên từ gốc cây già Gie-sê —Sự sống sẽ được tái sinh sau những chết chóc do dịch bệnh, do sự hoang hóa của lòng người, do sự mất quân bình trên mọi phương diện đời sống con người và trong các mối tương quan giữa các tạo vật —Điểm hẹn của con người với Thiên Chúa được tái tạo (LS 84).

Mặc dầu những gì đang diễn ra trên khắp hành tinh này cho thấy con người đang làm thất vọng những mong đợi của Thiên Chúa (LS 61), nhưng niềm hy vọng vẫn luôn còn đó dành cho loài người chúng ta: “Tuy nhiên tất cả sẽ không hư mất. Con người, trong khi có thể làm điều tồi tệ nhất, cũng có khả năng vượt lên trên chính mình, chọn lưa lại điều tốt, và thực hiện một khởi đầu mới, bất kể điều kiện tinh thần và xã hội của họ. Chúng ta có khả năng chân thành nhìn vào bản thân, để nhận biết sự bất mãn thẳm sâu của chúng ta, và để dấn thân trên những nẻo đường mới dẫn đến sự tự do đích thực. Không một hệ thống nào có thể hoàn toàn ngăn chặn sự mở lòng của chúng ta đối với điều thiện hảo, chân thật và tuyệt mỹ, hoặc ngăn chặn khả năng Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp trả ân sủng của Ngài đang hoạt động trong đáy sâu tâm hồn.” (LS 205) vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi vũ trụ của Ngài (LS 100).

Niềm hy vọng đó được chính Đức Kitô, một người con của dòng dõi Giê-sê bảo đảm: “Định mệnh sau cùng của vũ trụ nằm trong sự viên mãn của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô phục sinh, thước đo của sự trưởng thành của tất cả mọi sự… Hơn nữa, tất cả mọi loài thụ tạo đang tiến bước cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung là chính Thiên Chúa; trong sự viên mãn siêu việt ấy, Đức Kitô phục sinh ôm lấy và chiếu sáng mọi sự.” (LS 83. 99)

Xin cho chúng ta biết hoán cải và trở nên ngôn sứ cưu mang niềm hy vọng và lan tỏa niềm hy vọng này cho thế giới đang chìm trong sầu đau và thất vọng vì tai ương dịch bệnh, vì nền kinh tế - văn hóa - chính trị bấp bênh. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên.

Chúng ta cùng thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng. Hãy khao khát cho bản thân chúng ta cũng trở nên người cưu mang và lan tỏa hy vọng.

 

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Tìm lại màu xanh của nhạc sĩ Thành Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=iV1i_-UHuqo; https://www.youtube.com/watch?v=yPIIZhls7Sc

Hoặc bài Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A

 

HD 1: Lạy Chồi Non của Dòng Dõi Giê-sê, Đấng đến để khơi lên nơi nhân loại và nơi vũ trụ này một niềm hy vọng không thể dập tắt giữa tất cả những gì diễn ra đang vùi dập cả nhân loại và vũ trụ này vào một nỗi thất vọng lớn lao. Hôm nay, Chúa mời chúng con trở nên những người đầu tiên dám thay đổi lối sống của mình để khơi lên niềm hy vọng vào sự tái sinh của sự sống. Để Mẹ Đất lại ôm chúng con vào lòng và âu yếm chúng con như xưa. Chúng con cầu xin trong danh Thánh Tử Giêsu, Đấng mang đến và hoàn tất niềm hy vọng của cả vũ trụ này.

Cộng đoàn: Amen.