20Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su,
có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21Người
hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một
người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22Đức Giê-su bảo:
“Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp
uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” 23Đức Giê-su bảo:
“Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì
Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25Nhưng
Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì
dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản
dân. 26Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa
anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27Và ai muốn
làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28Cũng như Con Người
đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng
sống làm giá chuộc muôn người.”
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức
Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất
cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng
Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy
về sự phục vụ của quyền bính nhân cơ hội bà mẹ dẫn hai con trai đến xin đức
Giêsu ban đặc ân.
Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra rằng
mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa; Ngài thông chia một phần quyền bính
để con người được cùng Ngài quản trị và xây dựng thế giới tạo thành của Ngài;
và xin cho tôi biết sống vai trò “vương đế” mà tôi đã lãnh nhận trong ngày chịu
Phép Rửa cho nên.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]
Gợi điểm cầu nguyện
Câu nói “không vị thánh nào mà
không có quá khứ, không tội nhân nào mà không có tương lai” [“Every saint has a
past, every sinner has a future”] được cho là trích trong vở kịch A Woman of No
Importance của Oscar Wilde (1854-1900). Trong ngày lễ kính thánh
Giacôbê tông đồ, chúng ta được chiêm ngắm “quá khứ” hám danh của Ngài, để biết
rằng bạn được ban cho tiềm năng làm thánh.
1/ Chạy chọt tìm tư lợi
(cc. 20-23)
Bạn hãy đọc bản văn thật chậm, để
ý xem cách ba mẹ con lên kế hoạch với nhau, cách họ đến trước mặt đức Giêsu,
cách họ nói năng thưa gởi, cách họ chấp nhận mọi điều kiện…
Quan sát cách đức Giêsu đã xử lý
câu chuyện này: Cách Ngài lắng nghe, trả lời, đặt vấn đề… và cách Ngài chốt vấn
đề thế nào.
Thế ra câu chuyện “chạy chọt” để
tìm tư lợi không chỉ có ở “trần gian” mà còn có trong cả đời sống đức tin! Bạn
hãy nhớ về những lần mình đã bày chiêu trò để xin xỏ với Chúa, với Đức Mẹ, với
các thánh thế nào? Bạn đã khấn hứa những gì? Bình tâm nhìn lại để xem đâu là
cách thức xứng hợp để tương quan với các Ngài.
2/ Không chỉ riêng ai (cc.
24-28)
Mời bạn đọc tiếp bản văn. Thế ra
đâu chỉ có hai anh em nhà Dêbêđê, mà tất cả những môn đệ còn lại. Cũng đâu chỉ
dừng lại trong nhóm Mười Hai mà là tất cả chúng ta mọi thời.
Vậy bài học sử dùng quyền bính
như sự phục vụ là dành cho tất cả chúng ta. Bộ đời sống Thánh hiến và Tu đoàn
tông đồ có ra huấn thị The Service of Authorities and Obedience (tạm dịch:
Sự phục vụ của quyền bính và lời khấn Vâng phục) vào bát nhật lễ Chúa Thánh Thần
hiện xuống ngày 11/5/2008.[1]
Huấn thị viết cho “đời tu”, nhưng chắc hẳn câu chuyện quyền bính là của mọi xã
hội, mọi tổ chức, mọi nơi, mọi thời.
Mời bạn suy xét về cách thức sử dụng
quyền bính của mình trong vai trò nghề nghiệp và trong các mối tương quan của
mình.
+ Xét về ước muốn: “Ai muốn làm lớn
giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (câu 26)
+ Xét về hành động: “Ai muốn làm
đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (câu 27)
+ Chiêm ngắm mẫu
gương phục vụ của đức Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Cuối cùng, bạn hãy áp dụng cho bản
thân mình về 3 điểm này.
Kết nguyện
Thân thưa với Chúa Giêsu về cách
thức bạn sử dụng quyền bính.
Nài xin thánh Giacôbê chuyển cầu
cho bạn biết sử dụng quyền bính đẹp ý Chúa, theo mẫu gương của Chúa Giêsu.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
[1] https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccscrlife/documents/rc_con_ccscrlife_doc_20080511_autorita-obbedienza_en.html