27Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su.
Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su:
“Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay
em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng,
để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29Vậy nhà kia có bảy
anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30Người
thứ hai, 31rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy,
bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32Cuối
cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33Vậy trong ngày sống lại, người
đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”
34Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy
chồng, 35chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống
lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36Quả
thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con
cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37Còn về vấn đề kẻ
chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn
nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,
Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38Mà
Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì
đối với Người, tất cả đều đang sống.”
39Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa
Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40Thế là, họ không dám chất vấn Người
điều gì nữa.
Nhập nguyện
- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện
và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng,
hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng
Chúa”.
- Đặt khung cảnh: Trên hành trình lên Giêrusalem,
đức Giêsu trả lời vấn đề kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
- Ơn xin: Xin cho tôi nhận thức được ân
huệ sự sống đời đời, xác tín vào niềm tin có sự sống đời sau và xác loài
người ngày sau sống lại; để tôi biết sống và đầu tư cho hành trình hạnh phúc
viên mãn đó.
- Lối cầu nguyện: Suy niệm
Gợi ý cầu nguyện
1/ Niềm
tin vào sự sống đời sau (c.27)
Nhìn chung, người
Do Thái nhiều thế hệ tin vào sự thưởng phạt ở đời này. Giàu có và đông con nhiều
cháu là sự chúc lành của Đức Chúa. Nghèo, khổ, vô sinh, góa bụa… là sự chúc dữ
của Đức Chúa. Mãi đến thế kỷ II trước
Công nguyên, với cuộc bách hại tôn giáo và phong trào Hy Lạp hóa, sách Đaniel kể
chuyện về 3 thiếu niên Do Thái là Sát-rác, Mê-sác và A-vết
Nơ-gô bị vua Nabucôđônôsô ném vào lò lửa mà không hề hấn gì: “Vì
Người đã kéo ta ra khỏi âm phủ, đã cứu ta khỏi tay tử thần, và đã giải thoát ta
khỏi lò lửa nóng bừng, khỏi lửa hồng đốt cháy.” (Đn 3,88) và những thị kiến
về thời cánh chung được kể bằng văn chương khải huyền (Đn 2; 7-8; 10-12).
Trong cuộc nổi dậy
của gia đình Macabê, với thực hành quyên tiền gởi về Giêrusalem để xin cầu nguyện
cho các tử sĩ (x. 2Mcb 12,38-45) thì niềm tin vào sự sống đời sau mới dần dần lộ
diện: “43Ông Giu-đa quyên được khoảng hai
ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội;
ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại”
(2Mcb 12,43). Đó cũng là lý do để họ có thể hy sinh mạng sống đời tạm này vì hy
vọng vào sự giải thoát và ân thưởng của Thiên Chúa hằng sống. [ông lão Eliaza (x.
Đn 6,18-31), 7 anh em của một gia đình (x. Đn 7,1-42)]
Tuy nhiên, sau 2
thế kỷ, không phải tất cả những người Do Thái đương thời với đức Giêsu đều tin
vào sự sống đời sau, điển hình là nhóm Sađốc (quý tộc, thân Vua, và am hiểu lề
luật).
Còn bạn, sau hơn
2000 năm, hôm nay hãy trả lời cho bản thân mình về niềm tin này: Có hay
không có sự sống đời sau? Tin hay không tin? Sống như thể có thế giới
mai hậu hay chỉ có “60 mươi năm cuộc đời” rồi “chết là hết”?
2/ Đặt vấn
đề bằng cách kể chuyện (cc. 28-32)
Bạn hãy dành thời
gian để đọc cách mà nhóm người Sađốc đặt vấn đề về sự tiếp nối có vẻ phi lí và
rắc rối từ đời này sang đời sau (nếu có). Họ kể cả một câu chuyện. Khác với lối
cãi lý và những câu kết luận của khoa học và triết học thời hiện đại.
Có bao giờ tôi
ngoan cố biện minh cho những niềm tin có sẵn của mình, để khước từ một sự thật
đang được vén mở?
3/ Tất cả đều đang sống (cc. 33-40)
-
Đời sau không còn lấy vợ lấy chồng, họ “trường
sinh” nên không cần kẻ nối dõi -- Suy nghĩ về cảm thức thuộc về và khao khát
lưu giữ chính mình: khi còn nhỏ, lúc trưởng thành, khi về già… Điều đó phản ánh
gì về nỗi lo “mất mình” của bạn?
-
“Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,
Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. ” --
Đức Giêsu nhắc đến việc Đức Chúa tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa của những người
đã chết, và ở thì hiện tại. Ngài sống, và họ sống trong Ngài. Hãy xét
xem tôi đang sống hay chết trong cái nhìn của Thiên Chúa? Sống và chết thiêng
liêng có nghĩa là gì? Hình vẽ sau giúp bạn mô phỏng cái nhìn này trong Thiên Chúa.
-
39Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm
kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40Thế là,
họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.” -- Còn bạn?
Kết nguyện
Thân thưa với
Chúa về những điều bạn nhận ra trong giờ cầu nguyện này.
Kết thúc bằng một
Kinh Lạy Cha.
Ảnh: Pinterest