13Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên
thành Giê-ru-sa-lem. 14Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ
bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15Người
liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn
tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16Người
nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến
nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17Các môn đệ của Người nhớ lại
lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây
sẽ phải thiệt thân.
18Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng
tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” 19Đức Giê-su đáp:
“Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20Người
Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội
trong ba ngày ông xây lại được sao?” 21Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn
nói ở đây là chính thân thể Người. 22Vậy, khi Người từ cõi chết
trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời
Đức Giê-su đã nói.
- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện
và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng,
hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng
Chúa”.
- Đặt khung cảnh: Lễ Vượt Qua, tại đền thờ
Giêrusalem.
- Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những gì còn
ẩn núp trong lòng tôi để ngăn cách tôi với Thiên Chúa, để tôi biết loại bỏ
chúng mà gắn bó thân mật hơn với Chúa.
- Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm
kiếm Phương pháp Suy xét]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Lễ nghi
và thờ phượng đích thực (cc. 13-17)
Bạn hãy đọc và mường
tượng cảnh tượng ở “chợ” tiền sảnh đền thờ Giêrusalem, ngày nào cũng thế; hôm
nay có vẻ nhộn nhịp hơn do gần lễ Vượt Qua. Đức Giêsu bước vào, Ngài nổi giận và
hành động để thay đổi.
Đức Khổng dùng Lễ[1]
và Nhạc để thiết lập nền giáo dục toàn diện cho con người trong tôn ti trật tự.
Các tôn giáo đều có lễ nghi để tương quan với thần linh. Do Thái Giáo cũng có
những lễ kỷ niệm các biến cố lớn trong lịch sử để nhắc nhớ con cháu giữ tương
quan với Đức Chúa. Lễ Vượt Qua là một lễ lớn trong năm; trong đó, ngoài nghi thức
chính là sát tế con chiên và cử hành nghi thức vượt qua; người tín hữu nhân dịp
về Giêrusalem cũng cử hành lễ xá tội, thanh tẩy… bằng việc dâng chiên bò, bồ câu
làm lễ toàn thiêu. Mục đích để mang họ đến gần hơn với Đức Chúa. Qua thời gian,
ý nghĩa chính có phần bị mai một, người ta chỉ còn chú ý đến các hình thức bên
ngoài. Mời bạn suy nghĩ về cách thức mình dâng lễ vật và tìm kiếm sự thân mật với
Chúa.
Thánh Têrêsa
Avila, trong tác phẩm Lâu đài nội tâm, đã nói đến sự phiền nhiễu trong cư sở 1
và 2. Khi đó, tâm hồn ta chứa đựng đầy những “rắn rết” làm ta không thể hướng sự
tập trung vào Chúa. Mời bạn tự duyệt xét về những cản trở bên trong và bên ngoài,
những lo ra chia trí đã chen vào giữa bạn và Chúa; ngay cả những điều có vẻ như
tốt lành.
2/ Đền thờ
đích thực và thờ phượng đích thực (cc. 18-22)
Đọc phần câu chuyện còn lại. Đức Giêsu ví đền thờ là chính
thân thể Ngài, là chính Ngài. Đó là đền thờ đích thực – toàn bộ con người và cuộc
đời Ngài là một sự thờ phượng đích thực dành cho Chúa Cha.
Như người Do Thái, chúng ta cũng thường hiểu nhầm điều đức
Giêsu muốn nói. Chúng ta bận tâm đến câu chữ, thái độ… Chúng ta bị mất khả năng
hiểu được điều Ngài thật sự muốn nói.
Nơi nào, bằng cách nào bạn có được sự thời phượng Chúa Cha đích
thực?
Kết nguyện
Thân thưa với Chúa về đền thờ tâm hồn bạn và cách thức bạn
muốn tôn thờ Ngài.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
[1] Lễ là lễ nghi thể hiện các quy phạm đạo đức. Lễ mà Khổng Tử nói là lễ nhà Chu, tức là những quy tăc, lễ nghi thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa người với người. (https://www.thivien.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét