Ngày
Lễ Lá vốn tưng bừng, hân hoan, năm nay trở nên lặng lẽ vì dịch Covid-19. Theo
chỉ thị của nhà nước, ai ở đâu, ở yên đấy. Nhà thờ đóng cửa. Thánh lễ
chuyển qua hình thức online. Cả xã hội dường như đứng chững lại. Giữa bối cảnh lo
sợ đó, cha Sở xứ tôi[1]
vẫn có cách để nâng đỡ đời sống đức tin cho giáo dân.
Hẳn
ngài biết rõ Lễ Lá sẽ kém phần trọn vẹn nếu không có lá. Cho nên, chiều ngày
hôm ấy, ngài cho người đem đến cho mỗi gia đình trong giáo xứ một chiếc lá đã
làm phép. Món quà tuy nhỏ bé nhưng thấm đẫm tình mục tử. Chiếc lá dừa thẳng tắp,
xanh mướt đó ngay lập tức được chị tôi đặt dưới chân tượng Đức Mẹ như một lời
tri ân.
Còn
nhớ từ đầu tháng 3, khi thông tin về các nhà thờ (không phải Công giáo) bên Hàn
Quốc trở thành ổ dịch thì người ta bắt đầu lo ngại về các nhà thờ ở Việt Nam. Tới
khoảng giữa tháng 3 thì một giáo dân của giáo xứ Sao Mai dương tính với
Covid-19. Nhà thờ Sao Mai trở thành nhà thờ đầu tiên bị cách ly, tạm ngưng
thánh lễ. Sài Gòn bắt đầu nóng lên với tình hình dịch bệnh. Nhiều người nhìn
vào nhà thờ e sợ. Số lượng giáo dân đến tham dự thánh lễ ở một số nơi sụt giảm.
Là mục tử, hẳn cha nắm bắt được tâm lý này.
Kết
hợp với những hướng dẫn mục vụ của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, cha cho phun thuốc
khử trùng nhà thờ một tuần ba lần, đặt bình rửa tay ở các cửa ra vào, kêu gọi
con chiên đeo khẩu trang và ngồi giãn cách khi tham dự thánh lễ… Những thánh lễ
đôi khi dài hơn vì cha có nhiều điều cần dặn dò. Giọng cha vẫn ấm, mạch lạc dù
nỗi lo mỗi ngày một lớn. Hôm 19.3, mừng lễ thánh Giuse, bổn mạng của cha, cha tặng
cho mỗi người đến dự lễ một cặp khẩu trang y tế. Vì khẩu trang y tế (thật) khan
hiếm, cha đầu tư luôn cho giáo xứ một lò viba mới tinh để giáo dân hấp lại khẩu
trang y tế mà dùng. Ngài còn đặt mua thêm khẩu trang vải, dự định phát cho giáo
dân vào chúa nhật cuối tháng 3.
Chẳng
biết đã có ai hấp được khẩu trang chưa, nhưng chỉ ngày hôm sau thôi, Tòa Tổng
Giám mục Sài Gòn có công văn khẩn, yêu cầu tạm ngưng thánh lễ từ 16h ngày 26.3.
Vị cha già đọc công văn mà không giấu được nỗi buồn. Chuyện xảy ra quá nhanh
làm ai cũng ngơ ngác. Nhìn cha tóc bạc phơ, nhắn nhủ con chiên dâng thánh lễ cuối
thật sốt sắng mà lòng tôi se sắt. Có lẽ đó là điều khó công bố nhất đối với
ngài. Nhưng vì lợi ích chung, ngài chấp nhận.
Mấy
hôm sau, nhà tôi nhận được hai cái khẩu trang vải trắng tinh, quà của cha gửi
cho mọi gia đình trong giáo xứ. Thế mới biết, lòng người mục tử ân cần, lo lắng
cho đàn chiên là như thế nào. Virus corona có thể làm cho người ta xa cách
nhau, nhưng tình thương thì luôn tìm cách đến gần và đi cùng.
Tôi
không biết khi nào thì thánh lễ sẽ được cử hành lại nhưng tôi tin rằng chúng ta
sẽ trở lại, chúng ta sẽ hồi sinh, bởi vì tình thương vẫn hiện diện nơi đây, trong
trái tim con người.
TT