Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

18/2/20

Thứ tư TN.VI: Chạm đến và chữa lành (Mc 8, 22-26)

22Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. 23Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” 24Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.” 25Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. 26Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ đi qua biển hồ Galilê để đến làng Betsaida, vùng ven Biển Hồ về hướng Tây-Bắc. Đây là vùng của “dân ngoại”.
Ơn xin: Xin cho tôi được Đức Giêsu chạm đến và cho tôi được “thấy” và làm điều Ngài muốn.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [gõ vào ô tìm kiếm PP-04: Phương pháp chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Tiếp cận (c. 22)
Mời bạn quan sát Đức Giêsu và các môn đệ vừa lên bờ và đang tiến vào làng Betsaida.
Trong làng đó có một anh mù. Người ta dẫn anh đến gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh. Một người hay một nhóm người dẫn anh đến? Họ có thể là ai đối với anh mù?
Quan sát sự di chuyển của hai nhóm đang tiến lại gần nhau mỗi lúc một gần hơn.
Hãy dừng lại để lắng nghe điều họ xin với Đức Giêsu.
Để tiếp cận nhau được cần có ít nhất hai người, cùng hiện diện tại một địa bàn, vào cùng một thời gian. Đức Giêsu muốn tiếp cận với bạn lúc này và tại đây.

2/ Chữa lành (cc. 23-25)
Bạn có thể nhập vai vào nhân vật anh mù để quan sát và cảm nếm ơn chữa lành. Hãy cảm nhận cái chạm bàn tay của Đức Giêsu vào bàn tay mình. Bàn tay đó nóng/lạnh, cứng/mềm, xiết chặt/buông lỏng…? Ngài đang dẫn bạn đi. Có gì khác với cách những người thân quen thường dẫn bạn đi? Ngài dẫn bạn ra khỏi làng, ra khỏi nơi quen thuộc, thoát khỏi đám đông quen biết.
Nước miếng của Ngài chạm vào mắt bạn. Bạn cảm thấy thế nào? Bàn tay đó vẫn tiếp tục chạm đến người bạn. Ngài hỏi về tình trạng hiện tại của bạn. Ngài tiếp tục chạm tay vào mắt bạn.
Bây giờ bạn đã hoàn toàn sáng mắt để “thấy tỏ tường mọi sự”, không còn thấy lờ mờ, thấy nọ tưởng kia nữa! Bạn cảm thấy có tâm tình nào dậy lên trong lòng chăng? Bạn có muốn nói gì với Đấng đã tặng lại bạn ánh sáng của đôi mắt?

3/ Lời dặn dò (c. 26)
Anh sống bao năm trong làng. Nay Đức Giêsu dặn đừng có trở về làng! Một dị bản khác viết “Anh đừng nói với ai trong làng và hãy về nhà”. Vậy phải chăng anh trở nên mù lòa vì những người trong làng? Có phải họ bắt anh phải nhìn theo lối nhìn của họ? Họ không cho anh được nhìn thấy tỏ tường theo lối nhìn của mình và nói về điều mình thấy?
Ai / điều gì đã làm bạn đánh mất quan điểm / thế giới quan / đức tin của mình? Bạn có muốn lánh xa nguồn gây ra sự mù lòa đó không?

Kết nguyện
Hãy xin với Đức Giêsu, Đấng là Ánh Sáng ban lại cho bạn đôi mắt tinh tường để phân định mọi điều, và để nhận biết ý Ngài mà vâng theo.

Đoạn dâng một Kinh Lạy Cha.

13/2/20

Thứ tư TN.V: Thanh tẩy tâm hồn (Mc 7, 14-23)

14Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16Ai có tai nghe thì nghe!”
17Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. 21Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu giảng dạy cho đám đông, và giải thích riêng cho các môn đệ khi về nhà.
Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu những điều Chúa dạy và mau mắn khuôn mình theo những điều đó.
Lối cầu nguyện: suy niệm [gõ vào ô tìm kiếm PP-05: Phương pháp suy niệm]


Gợi ý cầu nguyện
1/ Nhập cảnh
Mời bạn đọc lại đoạn trích dẫn Kinh Thánh vài lượt. Lưu ý đến nơi chốn, đối tượng nghe, nội dung giảng dạy của Chúa Giêsu.
Bạn hãy đặt mình vào vai một người môn đệ để quan sát, lắng nghe, và đối thoại với thầy Giêsu.

2/ Lời mời gọi (cc. 14-16)
Đức Giêsu làm một cử chỉ kêu gọi sự chú ý: gọi người ta lại và nói một lời dẫn nhập (c. 14). Sau nội dung chính, Ngài nói “ai có tai nghe thì nghe” (c. 16). Ngài muốn bạn tự do chú ý và chọn lựa sống theo hay bỏ ngoài tai điều Ngài nói với bạn hôm nay.
Hãy đọc đi đọc lại phần nội dung chính ở câu 15 và xin ơn hiểu được nó. Đây là một mệnh đề “triết học” phân tách giữa các phạm trù: vật chất và tinh thần, tác nhân và chịu tác động, chủ động và thụ động… Ta thường trộn lẫn chúng vào nhau và làm cho vấn đề trở nên sai lạc. Hãy xét xem bạn có thường mắc sai lầm loại này không.

3/ Ước muốn hiểu biết và sống theo (cc. 17-23)
Nhìn nhận mình giới hạn trong hiểu biết, các môn đệ xin thầy Giêsu giải thích cái mệnh đề triết học trên (c. 17). Xin giải thích tức là nhìn nhận mình chưa hiểu (c. 18). Hãy xin cho mình có thái độ “học trò” khi đối diện với Lời Chúa, để xin chính Chúa giải thích cho.

Xin giải thích để hiểu cũng là ước muốn hiểu cho rõ để sống theo. Hãy xin cho mình biết phân biệt nguồn gốc của điều lành điều dữ – thánh I-nhã gọi là phân định thần khí – để biết chọn lựa làm theo hoặc chống lại. Ở đây, hãy xin cho mình được nhận biết nguồn gốc của những điều chống lại Thiên Chúa và làm cho ta không nên giống Ngài (cc. 21-22) để xin ơn thanh tẩy tâm hồn mình, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Kết nguyện
Bạn có thể nói với Chúa Giêsu về những nhơ uế của lòng mình, và xin Ngài thanh tẩy nó.
Hãy dâng một Kinh Lạy Cha để xin Chúa Cha tha tội tự gây uế bản thân và làm người khác nhiễm uế.

4/2/20

Thứ tư TN.IV: Ơn Đức Tin (Mc 6, 1-6)

1Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6Người lấy làm lạ vì họ không tin.

Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Hội đường (nhà nguyện nhỏ) tại làng Nazaret, quê hương của Chúa Giêsu, vào một ngày Sa-bát, có nhiều người quy tụ lại để nghe giảng Lời Chúa và hát Thánh vịnh.
Ơn xin: Xin cho tôi được ơn đức tin để biết ngỡ ngàng trước mọi sự vẫn diễn ra trước mắt mỗi ngày, hiểu được ý nghĩa mới mẻ trong những gì tưởng chừng như đã biết; nhất là được luôn mở rộng lòng cho chính Thiên Chúa.
Lối cầu nguyện: suy niệm [gõ vào ô tìm kiếm PP-05: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Quen thuộc (cc. 1-2a)
Đức Giêsu về quê mình là Nazareth, Ngài vào hội đường như quen làm vào ngày Sa-bát (Lc 4, 16). Mọi sự quá quen thuộc với Ngài. Ở đó chắc chắn Ngài gặp nhiều người quen, tương tự như sinh hoạt của mọi làng quê khác. Người ta gặp nhau vào những dịp ấn định, cũng bấy nhiêu con người ấy, cũng cùng một nghi thức ấy… Mọi sự cứ diễn ra như nó phải diễn ra! Và mọi sự trở nên quen thuộc và bình thường.
Đời chúng ta được diễn ra hầu như trong cái quen thuộc và bình thường đó. Hay vì nó làm ta thư giãn. Dở vì nó làm ta đóng khung trong những gì quen thuộc, và mất đi sự nhạy bén cho những điều ẩn giấu, khác thường.
Bạn được mời nhìn vào đời thường của mình để nhận diện, cảm nếm và nói với Chúa về tất cả những thói quen, lối sống, việc làm, tương quan… của mình.

2/ Ngạc nhiên kiểu con người (cc. 2b-3)
Câu 2b mô tả sự ngạc nhiên của dân làng Nazaret đến từ việc “nghe” Đức Giêsu giảng. Họ ngạc nhiên về nội dung và phong thái giảng dạy của Ngài. Óc tò mò được kích thích và đặt câu hỏi. Họ bàn luận với nhau về sự ngạc nhiên này. Có bao giờ bạn ngạc nhiên khi nghe/đọc Lời Chúa?
Câu 3 mô tả tất cả những yếu tố quen thuộc mà dân làng Nazaret đã biết về thân thế Đức Giêsu ngang qua cha mẹ, anh chị em của Ngài. Toàn là dân làng cả. Họ biết nhau quá mà! Thế là sự ngạc nhiên kết thúc. Họ trở về với sự quen thuộc của mình. Họ không thể tin có điều gì đó vượt trên những gì họ đã biết về con người Giêsu này.
Trong tương quan của bạn với người khác, với thiên nhiên, với Thiên Chúa, có bao giờ bạn bị khóa lại trong những thứ quen thuộc? Có khi nào bạn nghĩ mình “đi guốc trong bụng” đối tượng bạn đang tương quan chưa?

3/ Ngạc nhiên của Con Thiên Chúa (cc. 4-6)

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, ngạc nhiên vì dân làng đóng khung trong cái biết của họ (c. 4). Họ dừng lại ở cái biết tự nhiên. Điều họ thiếu là đức tin (c. 6). Chính đức tin làm nên phép lạ (c. 5). Thiên Chúa hiện hình thì quá dễ để tin. Tin vào Thiên Chúa nhập thể cần đến ơn đức tin.
Dịch cúm Corona đang gây hoang mang nghi ngờ khi ta tiếp xúc với người khác, với môi trường. Cũng có một dịch cúm corona thiêng liêng trong những tiếp xúc hằng ngày của chúng ta. Đối với bạn, cụ thể đó là gì?

Kết nguyện
Hãy trò chuyện với Chúa về vấn đề sự tín nhiệm và đức tin của bạn.
Đọc Kinh Lạy Cha để xin ơn đức tin.

(Ảnh: Internet)

28/1/20

Thứ tư TN.III: Tự do gieo rắc điều tốt (Mc 4, 1-20)

1Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền ở dưới biển mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. 2Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:
3“Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. 4Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. 8Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” 9Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!”
10Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. 11Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, 12để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”
13Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? 14Người gieo giống đây là người gieo lời. 15Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. 16Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, 17nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. 18Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, 19nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. 20Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”

Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Bờ hồ Tiberia, gần làng chài, nơi Đức Giêsu thường đến rao giảng. Đức Giêsu ngồi trên thuyền nhỏ và giảng dạy.
Ơn xin: Xin cho tôi được tự do với môi trường tiếp nhận để tôi luôn quảng đại gieo rắc tình yêu và điều thiện hảo.
Lối cầu nguyện: suy niệm [gõ vào ô tìm kiếm PP-05: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Tự do gieo Lời Thiên Chúa (cc. 1-9)

Hãy đặt mình vào trong khung cảnh tại bờ hồ hôm đó. Bạn có thể nhập vai vào đám đông, hoặc là một trong các người thân cận của Đức Giêsu. Bạn đang ở đó và nghe giảng.
Đức Giêsu chọn một chỗ để mọi người dễ nhìn thấy, dễ nghe thấy: ngồi trên thuyền cách bờ một chút. Ngài cất tiếng giảng dạy nhiều điều. Mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa và thân phận con người có quá nhiều điều để nói. Ngài dốc sức nói lớn tiếng, và đề cập đến nhiều điều. Bạn nghĩ xem Ngài nói gì về Thiên Chúa, về chính đời bạn?
Một trong những điều Ngài giảng hôm đó được ghi lại là dụ ngôn người gieo giống. Dụ ngôn là câu chuyện đơn giản Đức Giêsu dùng để dạy những bài học thiêng liêng. Bạn hãy đọc câu chuyện đó (cc. 3-9) như thể chính tai bạn đang được nghe Đức Giêsu giảng. Bạn có thể đọc đi đọc lại đoạn văn vài lần, chú ý đến phong thái của “người đi ra gieo giống”, và câu kết luận của Đức Giêsu: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (c.9). Bạn cũng có thể chú ý đến kết quả của hành động gieo vãi tràn lan đó.
Mời bạn nhớ lại những lời vàng ngọc nào đó đã làm thay đổi đời bạn. Hãy cám ơn Chúa về điều đó.

2/ Ơn hiểu biết (cc. 10-12)
Bạn có từng nghe câu “đàn gảy tai trâu”, hay “nước đổ đầu vịt” chưa? Có rất nhiều lời hữu ích, những điều hữu ích đi qua đời ta, nhưng ta đã “bỏ ngoài tai”.
Đức Giêsu trích lại lời Thiên Chúa phán với ngôn sứ Isaia khi chọn ông và nói về sứ vụ của ông một cách rất khó hiểu: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu; cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành” (Is , 9-10). Đó có phải là sứ vụ của ngôn sứ Isaia? Hay đó là thực trạng của lòng dân mà ông Isaia được sai đến để giảng?
Khi trích lại đây, Đức Giêsu còn muốn nói rằng hiểu được Lời Thiên Chúa là một ân ban, chứ không do trí thông minh của bạn.

3/ Biết và tự do (cc. 13-20)
Đức Giêsu biết những người nghe không hiểu điều Ngài giảng, ngay cả những người thân tín và môn đệ của Ngài. Tuy vậy Ngài vẫn tự do để giảng dạy. Đôi khi ta chỉ hành động khi dự liệu rằng việc làm đó mang lại kết quả, thậm chí là kết quả trước mắt và đo lường được!
Đức Giêsu tự do gieo rắc Lời Thiên Chúa vì Ngài tin vào sức mạnh của Lời đó: “…Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55, 10-11).
Bạn có được ai đó tự do trao lời hướng dẫn tốt lành khi bạn vẫn còn quá xa lạ với chúng? Bạn có tự do để nói điều tốt lành ngay cả khi người nghe không muốn đón nhận?

Kết nguyện
Hãy thưa với Đức Giêsu về những gì trào lên trong bạn khi nhớ về những lời dạy dỗ, bảo ban.
Tạ ơn Chúa Cha đã sai Ngôi Lời đến để nói với bạn về Thiên Chúa và đời bạn. Kết thúc bằng kinh Lạy Cha.

20/1/20

Thứ Tư TN.II: Lòng chai dạ đá (Mc 3,1-6)

1Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” 4Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. 5Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.


Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Hội đường Do Thái giáo vào một ngày Sabat, khi dân chúng quy tụ lại để nghe Lời Chúa và hát Thánh vịnh với nhau.
Ơn xin: Xin cho tôi cảm nếm được vị đắng của sự tan rã trong các mối tương quan, bắt đầu từ đáy lòng tôi; để lòng tôi được thay đổi, và trở nên hiệp nhất với Chúa và với người khác.
Lối cầu nguyện: Áp dụng ngũ quan [gõ vào ô tìm kiếm PP-06: Phương pháp Áp dụng ngũ quan]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Khung cảnh và nhân vật (cc. 1-2)

Thánh sử Mac-cô dành trọn không gian cho bạn áp dụng ngũ quan. Ngài viết Tin Mừng rất ngắn gọn, ít miêu tả, ít liên từ.
Mời bạn dùng đôi mắt của mình để nhìn xem các nhân vật: Đức Giêsu, anh bại tay, và những người Pharisiêu. Họ ăn mặc thế nào, dáng vẻ ra sao? Cũng hãy nhìn xem chỗ họ đang hiện diện. Nhìn xem Hội đường đó dài rộng, bày trí rao sao; đám đông hôm đó đông hay ít. Hãy quan sát kỹ ánh mắt “rình mò” của những người Pharisiêu đang nhắm vào Đức Giêsu.
Bạn có nghe được tiếng thì thầm nào giữa họ? Trong lòng Đức Giêsu có nổi lên tiếng nói nào không?
Bạn hãy dùng khứu giác và vị giác của mình để nếm thử mục tiêu của người Pharisiêu: “để tố cáo”. Bạn thấy mục tiêu đó có mùi vị gì?
Có câu chuyện nào tương tự đã diễn ra trong đời bạn? Mùi vị của kinh nghiệm đó là gì trong bạn?

2/ Mặt đối mặt (cc. 3-4)
Đức Giêsu làm cho sự rình mò được lộ diện. Bạn hãy lắng nghe điều Ngài nói với anh bị bại tay. Tất nhiên, Đức Giêsu có thể chữa tay anh cách kín đáo, nhưng hôm nay, Ngài muốn mọi sự được diễn ra công khai, trước mặt mọi người, “ra giữa đây”. Hãy dùng đôi tai để nghe lời chất vấn của Đức Giêsu về luật Sabat, về việc lành-dữ, về phò sự sống-diệt sự sống.
Bạn có nghiệm được hương vị nào đang trào lên trong họng bạn khi nghe những lời đối chất ấy? Một cảm giác dễ chịu chăng? “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Đức Giêsu hôm nay nói thẳng nói thật vào tật xấu “rình mò để tố cáo” lẫn nhau.
Sự thinh lặng lúc này thật chết chóc và đáng nguyền rủa hơn cả lời nói! Trong thinh lặng, bạn hãy cảm nhận sức nặng đang đè xuống cơ thể bạn; một bầu khí nặng nề, chết chóc đang bao vây lấy từng người trong hội đường ngày hôm ấy.

3/ Lòng đối lòng (cc. 5-6)
Đức Giêsu không thể nén giận được nữa. Ngài “giận dữ” và “rảo mắt” nhìn những người Pharisiêu. Mời bạn chiêm ngắm vẻ mặt giận dữ và ánh mắt cau quắc lại, nhìn chằm chằm vào họ.
Biểu hiện nét mặt đó bộc lộ một nỗi lòng “buồn khổ”. Tình yêu thể hiện bằng sự nổi giận khi thấy con người lầm đường lạc lối. Bạn hãy nếm hương vị của cõi lòng Đức Giêsu hôm nay.
Đối lại, người Pharisiêu cũng bộc lộ cõi lòng của mình: liên kết với nhà cầm quyền để triệt hạ Đức Giêsu. Mời bạn cũng dành thời gian để nếm hương vị của cõi lòng chai lì trong gian ác.
Trong thinh lặng, hãy lắng nghe và cảm nếm cái “nghẹn lời” của Đức Giêsu sau biến cố cọ sát này.

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về tất cả những gì bạn cảm nếm được, những câu chuyện tổn thương của bạn, những ao ước của bạn.
Đoạn dâng một Kinh Lạy Cha để xin ơn hoán cải và hiệp nhất.
Ảnh: Internet.

14/1/20

Thứ tư TN.I: Quân bình và tự do (Mc 1, 29-39)

29Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33Cả thành xúm lại trước cửa. 34Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” 38Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Làng chài gần biển hồ Galilê, nơi có nhà của ông Phêrô. 
Ơn xin: Xin cho tôi biết tự tạo thế quân bình trong ngày sống của mình và tự do thực hiện chương trình sống đó.
Lối cầu nguyện: suy niệm
[PP-05: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Lao động (cc. 29-34)
- Mời bạn đọc các câu từ 29 đến 34 để xác định những công việc Đức Giêsu đã làm vào ngày hôm đó trong Hội đường, trên đường, trong nhà ông Phêrô vào ban ngày và chiều tối.
- Hãy xem Ngài làm một mình hay cùng với người khác? Thái độ của Ngài thế nào khi làm việc? Ngài có làm ngoài giờ hoặc “tăng ca” không? Đức Giêsu làm việc vì động lực và động cơ nào?
- Bạn hãy nói với Ngài về những công việc bạn đang đảm nhiệm. Hãy xin Ngài thánh hóa những “việc phải làm” của bạn bằng cách đọc chậm rãi Kinh Sáng soi.
Cúi xin Chúa sáng soi
cho chúng con được biết việc phải làm,
cùng khi làm
xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con,
từ khởi sự cho đến hoàn thành
đều nhờ bởi ơn Chúa.
Amen.

2/ Cầu nguyện (c. 35)
- Đức Giêsu vừa thức dậy sau một đêm ngon giấc. Giấc ngủ là phép lạ phục hồi mà Thiên Chúa tặng ban cho con người và muôn loài. Ngủ sớm để dậy sớm là nhịp sống khôn ngoan của thiên nhiên. Đức Giêsu đã dậy sớm từ “lúc trời còn tối mịt”. Bạn nghĩ lúc đó khoảng mấy giờ sáng? Trong không gian tĩnh mịch và sự uyên nguyên của khí trời, Đức Giêsu dâng thời khắc đẹp nhất đầu ngày này cho Thiên Chúa. Ngài đi đến nơi hoang vắng và cầu nguyện! Thánh sử Mac-cô không nói gì về nội dung và cách thức Đức Giêsu đã cầu nguyện, bạn được phép nghĩ xem Đức Giêsu đã cầu nguyện như thế nào vào buổi sáng hôm đó.
- Hãy xét xem trong lịch sống hằng ngày của bạn, bạn có dành ra thời gian cố định để cầu nguyện? Nó là thời khắc nào trong ngày sống? Bạn ấn định thời gian là bao lâu? Bạn thưởng chọn nơi nào để cầu nguyện riêng với Chúa của bạn? Bạn có nỗ lực để thực hiện nó mỗi ngày? Nội dung và cách thức cầu nguyện của bạn thế nào? Bạn thấy việc cầu nguyện của bạn có giống với Đức Giêsu chưa?

3/ Quân bình và tự do (cc. 36-39)
- Có lẽ khi trời đã sáng, ông Simon và các bạn thức dậy và không thấy thầy Giêsu nên kéo nhau đi tìm. Họ bị đánh thức vì những người đến tìm thầy để được chữa bệnh, do tối hôm trước quá đông bệnh nhân. Khi gặp, các ông thông tin cho Đức Giêsu biết có nhiều người đến tìm thầy!
- Bạn hãy đọc câu 38 để đánh giá mức độ quân bình và tự do của Đức Giêsu đối với con người, nơi chốn, danh tiếng… Bạn dành ít phút để đánh giá mức độ quân bình và tự do của mình ngang qua lịch sống, các công việc và các mối tương quan.

Kết nguyện
Mời bạn đọc lại Kinh Sáng soi để xin ơn tự do và quân bình trong đời sống.

7/1/20

Thứ tư GS.II: Lòng trí ngu muội (Mc 6, 45-52)

45Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. 46Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. 47Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa Biển Hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. 49Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” 51Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!

Nhập nguyện
-Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
-Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
-Đặt khung cảnh: Biển hồ Tiberia vào buổi tối. Hồ này dài 21km, rộng 13km, chỗ sâu nhất là 43m.
-Ơn xin: Xin cho tôi đọc được ý nghĩa của các biến cố trong đời tôi và trong dòng lịch sử nhân loại để tôi xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng tôi nương tựa.
-Lối cầu nguyện: suy niệm [PP-05: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Kể chuyện
Bạn hãy đọc bản văn chậm rãi, lưu ý tới các động từ và tính từ được dùng. Cố gắng ghi nhớ chi tiết câu chuyện. Sau đó, nhìn vào bản đồ và kể lại câu chuyện đó cho chính mình nghe lại một lần nữa.
Về địa điểm: Sau khi các môn đệ đi “truyền giáo” về và vui mừng kể cho thầy Giêsu nghe chuyến công tác thành công mỹ mãn của mình, Thầy Giêsu mời họ lánh đi đến chỗ hoang vắng để nghỉ ngơi để phục hồi. Nơi họ đến là thung lũng Ghê-nê-xa-rét. Thực tế họ không được nghỉ ngơi như mong ước, vì dân chúng “đói khát Lời Chúa” nên họ đã quy tụ về quá đông. Thầy Giêsu lại tiếp tục “ban Lời” cho họ; chắc chắn các môn đệ cũng phải tham gia vào việc phục vụ. Tại nơi này phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá đã diễn ra. Sau đó, dù trời đã tối, Thầy Giêsu yêu cầu các môn đệ chèo thuyền qua Bet-xai-đa của dân ngoại trước… Mời bạn dựa vào bản đồ để kể câu chuyện mà trích đoạn Kinh Thánh kể.

2/ “Ta là Đấng Ta Là” (cc. 45-50)
Mời bạn đọc lại/nhớ lại các chi tiết của đoạn văn các câu 45-50. Các môn đệ đang ở đâu? Vào lúc nào? Họ đang làm gì? Tại sao Đức Giêsu xuất hiện? Ngài xuất hiện thế nào? Các môn đệ phản ứng thế nào? Tại sao?
Giữa cơn hoảng loạn đó, chắc chắn họ cần được trấn an. Đức Giêsu nói: “Ta Là”. Đây là danh xưng của Thiên Chúa được mặc khải cho Môsê (Xh 3, 13-14). Danh xưng đó đã tạo nên sức mạnh và niềm cậy trông cho dân Israel trong suốt hành trình trở về Đất Hứa, và trong suốt dòng lịch sử cứu độ. Đức Giêsu đêm nay vừa trấn an, vừa mặc khải chính mình cho các môn đệ giữa lúc họ hoảng sợ vì sóng gió cuộc đời.
Bạn có kinh nghiệm nào về việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho bạn giữa những lúc hoang mang, mất hướng, sợ hãi…?

3/ Lòng trí ngu muội (cc. 51-52)
Câu 51-52 mô tả một cảnh tượng trái ngược giữa bên trong và bên ngoài. Bên ngoài, Thầy Giêsu bước lên thuyền với họ, và sóng gió lặng yên. Bên trong, các môn đệ bàng hoàng sửng sốt. Sao không phải là một cảm giác vui mừng, bình an, hoặc tâm tình biết ơn, mà lại “sửng sốt”?
Họ đã không thể hiểu được những điều đã và đang diễn ra!
Phép lạ hóa bánh ra nhiều đã diễn ra có nghĩa là gì? Là con đường đưa họ đến vinh quang? Là sự phục vụ? Là tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa? Có thể họ cũng không hiểu tại sao Thầy bắt buộc họ chèo thuyền đi Bét-xai-đa trong đêm tối.
Điều đang diễn ra là sự xuất hiện của Thầy Giêsu bước đi trên mặt nước, của danh xưng “Ta Là”, của sóng gió lặng yên. Tất cả có nghĩa là gì?
Lòng trí ngu muội! Không hiểu điều đã xảy ra thì cũng không hiểu được điều đang diễn ra. Thầy Giêsu mặc khải cho họ bằng “giáo dục trực quan” nhưng họ không hiểu được. Họ trải nghiệm nhưng không cảm nghiệm được.
Thầy Giêsu cũng đang mặc khải chính Ngài cho bạn trong bối cảnh sống hiện tại, với những tình huống sống động. Mời bạn dừng lại để khám phá ý nghĩa của các sự kiện đã và đang diễn ra. [ví dụ: bạn có thể cùng đang khóc với Australia về thảm họa cháy rừng, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Nó có giúp bạn thay đổi thái độ và cách sống với môi trường thế nào? Hay nó là chuyện của Úc!]
Nếu chưa hiểu được ý nghĩa của các biến cố, ít ra bạn hãy xin ơn để sẽ hiểu được chúng.

Kết nguyện
Giữa biển đời, bạn hãy tâm sự với thầy Giêsu về những biến động trong tâm hồn bạn, hoặc về các biến cố đã và đang diễn ra.
Đoạn dâng lên Chúa Cha tất cả những điều đó bằng một Kinh Lạy Cha.

31/12/19

Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1: Kỷ niệm (Lc 1, 16-21)

16Các mục đồng liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. 18Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. 19Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

21Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Câu chuyện thời thơ ấu của Đức Giêsu: các mục đồng đến thăm và lễ cắt bì.
Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm được niềm vui vì mình có một lịch sử được sinh ra và lớn lên, có những kỷ niệm để nhớ về, để ngang qua đó Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho đời tôi.
Lối cầu nguyện: suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
Xin chia đoạn Kinh Thánh này theo cấu trúc đồng tâm (A-B-A’) với hai sự kiện bao quanh và tâm điểm là việc ghi nhớ sự kiện.

1/ Kỷ niệm 1 - Hài Nhi Giêsu được các mục đồng đến thăm (cc. 15-18)
Bạn hãy đọc kỹ các câu 15-18 để ghi nhận được chi tiết của kỷ niệm này. Có những nhân vật nào? Họ làm đi đâu, gặp ai/cái gì hoặc họ cảm thấy như thế nào?
Bạn nên biết rằng câu chuyện này được kể lại sau sự kiện đến vài chục năm. Bạn đọc lại đoạn trích để thấy được những chi tiết liên quan đến các nhân vật, từ hoạt động bên ngoài đến những cảm xúc bên trong.
Bạn hãy nhớ lại câu chuyện thời thơ ấu của mình. Nhớ lại những hoạt động/diễn biến bên ngoài và các cảm xúc bên trong của các nhân vật liên quan trong sự kiện đó.

2/ Kỷ niệm 2 - Hài Nhi Giêsu được cắt bì (c. 21)
Bạn cũng hãy đọc kỹ câu 21. Đây là nghi thức bé trai ấy được “gia nhập” vào Do Thái giáo ngang qua nghi thức cắt bì (cắt bao quy đầu). Cũng trong nghi thức đó em được đặt tên. Từ nay em có tên để gọi, em thuộc về môt gia đình, một truyền thống tôn giáo.
Khác với câu chuyện của Gioan Tẩy Giả, hài nhi này được cũng được đặt cho môt cái tên khác với tên có sẵn nơi dòng họ, nhưng không ai thắc mắc. Em mang cái tên đã được Thiên Chúa đặt cho trước khi được thụ thai. Cái tên của em gợi cho em về sứ vụ em được sinh ra cho nó. Giêsu nghĩa là giải thoát (deliver), cứu vớt (rescue).
Bạn hãy nhớ đến ngày bạn được gia nhập đạo trong nghi thức Rửa tội, và ngẫm nghĩ về cái tên của mình. Tên đó có ý nghĩa gì? Ai muốn đặt cho bạn cái tên đó? Được thuộc về Giáo Hội và được làm con Chúa cách minh nhiên, bạn cảm thấy thế nào? Có những hệ lụy nào về việc bạn là người Công Giáo, với cái tên bạn đang mang?

3/ Ân huệ khả năng ghi nhớ (cc. 19-20)
[Đây là phần suy niệm giúp mang lại ý nghĩa cho câu chuyện đời bạn dưới ánh sáng câu chuyện của Đức Giêsu]
Ghi nhớ không chỉ là hoạt động của não bộ. Nó còn là một hoạt động của con tim. Khi yêu người ta để ý đến từng chi tiết bên trong và bên ngoài một sự kiện và những người liên quan. Trí nhớ của các bà mẹ thật tuyệt vời liên quan đến những gì xảy ra cho con của họ. Câu chuyện kể của mẹ Maria về Đức Giêsu khi ngài mới được chào đời đã giúp cho Đức Giêsu ý thức về nguồn cội và sứ mạng của mình, và giúp cho các tông đồ tin vào Đức Giêsu là Đấng cứu độ.
Bạn có những câu chuyện nào được mẹ (hoặc người thân) kể cho nghe về tuổi thơ của mình? Nó giúp bạn hiểu mình như thế nào? Nhớ được toàn vẹn câu chuyện đời mình và kể được cho người khác nghe làm cho nhân cách bạn toàn vẹn; và câu chuyện đời bạn sẽ gợi hứng cho người khác.
Như mẹ Maria, muốn ghi nhớ sâu được, bạn cần tình yêu và khả năng “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Bạn muốn ghi nhớ điều gì và muốn kể lại cho người khác nghe điều gì?

Kết nguyện
Hãy thân thưa với mẹ Maria về câu chuyện đời bạn. Xin Mẹ dâng nó lên Chúa để nó được thánh hóa để trở nên một đời ý nghĩa và đáng sống như cuộc đời Chúa Giêsu con Mẹ.
Hãy dâng đời mình cho Chúa Cha đấng đã tạo dựng nên bạn, bằng cách đọc một Kinh Lạy Cha.
Ảnh: Internet.

Phương pháp suy niệm

Phương pháp Suy niệm trong cầu nguyện còn được gọi là trí nguyện (mental prayer). Tôi dùng trí hiểu để đọc hiểu bản văn và các chú giải Kinh Thánh liên quan, phân tích từ ngữ, nối kết với các bản văn Kinh Thánh khác… để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh đang cầu nguyện trong sự nối kết với Thiên Chúa và kinh nghiệm đời mình.
Chất liệu: Các lời giáo huấn trong Kinh Thánh (câu chuyện, câu nói), các ý tưởng của các thánh, các văn kiện Giáo Hội…
Các bước chính bao gồm: Đọc – Suy – Cầu


Đọc

Đây là một phần rất quan trọng trong phương pháp này. Nó tạo nền tảng cho các bước sau. Bạn được mời gọi khám phá bản văn được trao cho dưới nhiều góc cạnh từ văn hóa, lịch sử, các chú giải Kinh Thánh chính thức của Giáo Hội, cách ứng dụng trong đời sống các thánh.

Việc bám vào các bản văn gốc là rất quan trọng. Bạn có thể đối chiếu bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn với bản The Jerusalem Bible (tiếng Anh hoặc Pháp) là các bản dịch từ tiếng Hipri và Hy Lạp, thêm vào đó là bản dịch chữ từ tiếng Hy Lạp qua tiếng Anh; bản Vulgata (tiếng La Tinh) và nhiều tài liệu giá trị khác.

Các bản đồ Kinh Thánh cũng giúp ích nhiều cho việc đọc hiểu bản văn Kinh Thánh. Ngay cả việc hiểu biết tác giả và độc giả của bản văn cũng giúp ích nhiều. Tắt một lời, để hiểu bản văn Kinh Thánh tốt, bạn nên học hỏi thêm về Kinh Thánh. Trong khung cảnh Linh Thao, phần lớn phần này được người hướng dẫn Linh thao chuẩn bị và trình bày.
Khi cầu nguyện, bạn nên đọc chậm bản văn vài lần để trí nhớ có thể nhớ được hầu như trọn vẹn bản văn được cho.


Suy

Nếu chỉ dừng lại ở bước Đọc, đó mới chỉ là một giờ học Kinh Thánh mà chưa phải là giờ cầu nguyện. Bạn được mời gọi suy niệm về điều vừa đọc để khám phá các tầng nghĩa, và áp dụng nó vào bản thân mình xem Chúa muốn dạy tôi điều gì hay muốn mời tôi làm gì.

Bạn được tự do để dừng lại suy niệm những câu chữ, hình ảnh đánh động cho đến khi cảm thấy thỏa mãn. Không nhất thiết phải suy niệm hết mọi điều trong bản văn đó.


Cầu/tâm sự

Phần này nối kết tôi với Đấng tôi nghĩ về sau khi tôi đã hiểu rõ được ý tứ bản văn. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4, 12). Lời đó tác động vào tôi và mời gọi tôi thay đổi nên tốt hơn mỗi lúc tôi suy niệm Kinh Thánh. 
Thánh I-nhã nói nếu tôi chưa đạt được ơn xin của bài cầu nguyện thì hãy xin ơn cho mình dám xin ơn đó. Nên nếu tôi chưa thay đổi được theo lời mời gọi của Đức Giêsu hôm nay thì tôi hãy cầu xin cho tôi dám xin ơn được Chúa biến đổi.
Thực hiện: Theo khung ba phần của một giờ cầu nguyện: Nhập nguyện – Các điểm suy niệm – Kết nguyện/tâm sự.



26/12/19

Bữa tiệc tình yêu

Con đường Đinh Bộ Lĩnh về khuya vẫn ào ạt người qua kẻ lại. Cạnh đấy, dưới một mái hiên, người đàn ông đang lui cui bế một người phụ nữ từ xe lăn đặt xuống manh chiếu rách. Sau đó, ông giở túi đồ lấy ra cái mền đắp lên người phụ nữ, rồi ông rút vài cái áo cuốn lại làm gối kê đầu cho bà. Xong xuôi, ông mắc võng nằm bên cạnh, bật hộp quẹt đốt điếu thuốc còn dang dở. Khi tôi vòng xe lại, ông đã yên vị trên chiếc võng và đang đung đưa theo từng hồi thuốc.


- Có gì không bé? Người đàn ông đội chiếc mũ nâu, tóc hoa râm ngước mắt hỏi tôi.
- Dạ, không ạ. Chỉ là gần tới Giáng sinh, tụi cháu có tổ chức một bữa tiệc nhỏ và cháu muốn mời chú đến dự tiệc. Mẹ chú đấy ạ?
- Ai cũng hỏi chú như vậy hết. Vợ chú đấy!

Tôi đã nhầm vì tưởng người phụ nữ tóc bạc phơ, gương mặt nhăn nheo và bàn tay gầy guộc đó là bà cụ. Có ai ngờ “bà cụ” chỉ mới…47 tuổi.
Sau vài câu thăm hỏi, chú bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện đời hai vợ chồng chú. Thật ra, hai vợ chồng chú là người Sài Gòn, có nhà cửa đàng hoàng, nhưng chẳng may vợ chú bị tai biến mạch máu não. Chú đã bán hết mọi tài sản, kể cả chiếc xe ôm là cần câu cơm cuối cùng mà vẫn không sao chữa khỏi bệnh cho vợ. Cuối cùng, hai vợ chồng dọn ra vỉa hè ở. Từ đó, chú chuyển qua làm phụ hồ. Ban đầu người ta còn hay gọi nhưng sau đó thấy chú lúc nào cũng kè kè bà vợ tật nguyền bên cạnh, kể cả khi ra công trường, người ta sợ phải gánh thêm trách nhiệm nên không dám thuê chú nhiều nữa. Nhưng chú biết gửi vợ ở đâu bây giờ? Bà con, bạn bè giúp hoài cũng đâm ra chán nản, nói bóng nói gió đủ điều. Chú biết thế nên không bao giờ tìm đến làm phiền nữa. Hai vợ chồng lại không có con, cho nên để vợ ở vỉa hè một mình chú không yên tâm. Chuyện thuốc men, ăn uống, vệ sinh ai lo? Thôi thì làm ít một chút mà vợ chồng vẫn bên cạnh nhau, đó là quan điểm của chú. Tôi hỏi chú có cần giúp đỡ gì không. Chú cười, im lặng một lát rồi nói:
-      Chú chỉ muốn gửi vợ vào một nơi nào đó có mái che đàng hoàng để vợ chú không còn phải ngủ ngoài đường như chú nữa.

Một tuần sau tôi trở lại gặp chú để nhắc ngày giờ của bữa tiệc Giáng sinh. Tôi hy vọng chú sẽ tìm được sự giúp đỡ nào đó trong số những vị ân nhân tôi đã mời. Số 279, địa chỉ hai vợ chồng chú thường ngủ đây rồi. Nhưng sao không thấy võng, không thấy xe lăn. Chỉ có một mình chú nằm sõng soài trên mặt đất. Hay là chú đã tìm được chỗ để gửi vợ rồi, tôi thầm nghĩ.
Tấp xe vào vỉa hè, tôi đến gần để xem thì thấy chú đã ngủ, gương mặt rúm ró, hơi thở nặng nhọc. Bên cạnh chú không có gì ngoài một cái chai. Tôi không biết đó là chai nước hay chai rượu nhưng đã gặp chú rồi, tôi đánh bạo gọi. Tôi phải lay tới lần thứ tư chú mới hé mắt, mãi một hồi mới nhận ra tôi. Chú thều thào:
- Bé hả? Vợ chú mất hai ngày rồi bé ơi. Giờ chú chẳng còn gì cả. Nói xong, chú kéo sụp mũ xuống che mặt như để giấu nỗi đau.

Tôi choáng váng nhận ra mình đã đến muộn nhưng trong cái cảm giác tiếc nuối cay đắng đó, lòng tôi lại trào dâng một niềm kính trọng sâu xa dành cho chú. Vợ chú không còn xinh đẹp và bệnh tật liên miên, nhưng với chú, người vợ ấy là tất cả niềm vui nỗi buồn của chú. Nay chú mất đi người thân duy nhất, chẳng còn ai để chăm sóc, sẻ chia thì dù có nhàn hơn thật đấy, nhưng cuộc sống chắc chắn sẽ trống vắng và cô đơn hơn. Tôi muốn mời chú đi dự tiệc Giáng sinh nhưng chú đã cho tôi nếm một bữa tiệc khác, bữa tiệc của tình người.

Không muốn chạm vào nỗi đau của chú thêm nữa, tôi ra về, lòng ngổn ngang, tự nhủ mấy bữa sau sẽ quay lại tìm chú. Chỉ có điều, những lần sau ghé lại, tôi không còn thấy chú ở đó nữa. Chú đi đâu không ai biết nhưng góc phố ấy mãi nhắc nhớ tôi về một tình yêu chung thủy và cao thượng mà con người hằng khát khao.
TT