Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

20/1/20

Thứ Tư TN.II: Lòng chai dạ đá (Mc 3,1-6)

1Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” 4Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. 5Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.


Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Hội đường Do Thái giáo vào một ngày Sabat, khi dân chúng quy tụ lại để nghe Lời Chúa và hát Thánh vịnh với nhau.
Ơn xin: Xin cho tôi cảm nếm được vị đắng của sự tan rã trong các mối tương quan, bắt đầu từ đáy lòng tôi; để lòng tôi được thay đổi, và trở nên hiệp nhất với Chúa và với người khác.
Lối cầu nguyện: Áp dụng ngũ quan [gõ vào ô tìm kiếm PP-06: Phương pháp Áp dụng ngũ quan]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Khung cảnh và nhân vật (cc. 1-2)

Thánh sử Mac-cô dành trọn không gian cho bạn áp dụng ngũ quan. Ngài viết Tin Mừng rất ngắn gọn, ít miêu tả, ít liên từ.
Mời bạn dùng đôi mắt của mình để nhìn xem các nhân vật: Đức Giêsu, anh bại tay, và những người Pharisiêu. Họ ăn mặc thế nào, dáng vẻ ra sao? Cũng hãy nhìn xem chỗ họ đang hiện diện. Nhìn xem Hội đường đó dài rộng, bày trí rao sao; đám đông hôm đó đông hay ít. Hãy quan sát kỹ ánh mắt “rình mò” của những người Pharisiêu đang nhắm vào Đức Giêsu.
Bạn có nghe được tiếng thì thầm nào giữa họ? Trong lòng Đức Giêsu có nổi lên tiếng nói nào không?
Bạn hãy dùng khứu giác và vị giác của mình để nếm thử mục tiêu của người Pharisiêu: “để tố cáo”. Bạn thấy mục tiêu đó có mùi vị gì?
Có câu chuyện nào tương tự đã diễn ra trong đời bạn? Mùi vị của kinh nghiệm đó là gì trong bạn?

2/ Mặt đối mặt (cc. 3-4)
Đức Giêsu làm cho sự rình mò được lộ diện. Bạn hãy lắng nghe điều Ngài nói với anh bị bại tay. Tất nhiên, Đức Giêsu có thể chữa tay anh cách kín đáo, nhưng hôm nay, Ngài muốn mọi sự được diễn ra công khai, trước mặt mọi người, “ra giữa đây”. Hãy dùng đôi tai để nghe lời chất vấn của Đức Giêsu về luật Sabat, về việc lành-dữ, về phò sự sống-diệt sự sống.
Bạn có nghiệm được hương vị nào đang trào lên trong họng bạn khi nghe những lời đối chất ấy? Một cảm giác dễ chịu chăng? “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Đức Giêsu hôm nay nói thẳng nói thật vào tật xấu “rình mò để tố cáo” lẫn nhau.
Sự thinh lặng lúc này thật chết chóc và đáng nguyền rủa hơn cả lời nói! Trong thinh lặng, bạn hãy cảm nhận sức nặng đang đè xuống cơ thể bạn; một bầu khí nặng nề, chết chóc đang bao vây lấy từng người trong hội đường ngày hôm ấy.

3/ Lòng đối lòng (cc. 5-6)
Đức Giêsu không thể nén giận được nữa. Ngài “giận dữ” và “rảo mắt” nhìn những người Pharisiêu. Mời bạn chiêm ngắm vẻ mặt giận dữ và ánh mắt cau quắc lại, nhìn chằm chằm vào họ.
Biểu hiện nét mặt đó bộc lộ một nỗi lòng “buồn khổ”. Tình yêu thể hiện bằng sự nổi giận khi thấy con người lầm đường lạc lối. Bạn hãy nếm hương vị của cõi lòng Đức Giêsu hôm nay.
Đối lại, người Pharisiêu cũng bộc lộ cõi lòng của mình: liên kết với nhà cầm quyền để triệt hạ Đức Giêsu. Mời bạn cũng dành thời gian để nếm hương vị của cõi lòng chai lì trong gian ác.
Trong thinh lặng, hãy lắng nghe và cảm nếm cái “nghẹn lời” của Đức Giêsu sau biến cố cọ sát này.

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về tất cả những gì bạn cảm nếm được, những câu chuyện tổn thương của bạn, những ao ước của bạn.
Đoạn dâng một Kinh Lạy Cha để xin ơn hoán cải và hiệp nhất.
Ảnh: Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét