Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

26/4/24

Thứ sáu PS.IV: Tìm một con đường (Ga 14,1-6)

1“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

5Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” 6Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ.

·       Ơn xin: Xin cho tôi biết lắng nghe và tin vào những lời mặc khải của Chúa Giêsu về chính Ngài.

·       Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Để cầu nguyện bản văn này, bạn chỉ cần nhập vào vai các môn đệ. Đặt mình vào khung cảnh sau một bữa ăn đặc biệt trong đó thầy Giêsu đã rửa chân cho họ (theo tin mừng Gioan). Lúc thầy trò có giờ riêng bên nhau.

Mường tượng về sự thân thiết và chân thật của thầy và trò. Nhẹ nhàng chiêm ngắm cách thức họ tương tác với nhau. Lắng nghe từng lời thầy nói với các trò, câu hỏi của trò Tôma, và câu trả lời của thầy Giêsu.

Cảm nếm tình yêu thắm nồng mà thầy trò dành cho nhau.

Mường tượng về “con đường Giêsu” mà bạn đang bước đi trên đó. Ngay cả khi bạn còn xa lạ, hoặc không biết hết “cung đường” này thì bạn có tự tin bước đi trên đó không?

Giáo Hội mời ta cầu nguyện bài này trong Mùa Phục sinh như một cách nhắc rằng, đời sống và kinh nghiệm thiêng liêng chỉ có được khi ta hồi tưởng lại những điều Chúa Giêsu đã nói, đã sống... và nói, sống như Ngài.

Kết nguyện

Thân thưa với thầy Giêsu về những gì đang diễn ra trong lòng bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha để cảm tạ Chúa Cha đã tặng cho bạn Một Con Đường.

Ảnh: Internet. 

15/4/24

Thứ ba PS.III: Bánh đích thực (Ga 6,30-35)

30Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.

32Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” 34Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bài giảng về Bánh Trường Sinh sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi tai biết lắng nghe, có con tim biết phân định và đôi tay biết hành động theo lời mời gọi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để không còn phải đói khát nữa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chứng cớ đức tin (cc. 30-31)

Đặt mình trước Đức Giêsu “bằng xương bằng thịt” như bạn. Ngài đang nói với bạn về “lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (câu 27). Làm sao có thể tin được rằng những lời Ngài nói là chân thật?

Để kiểm chứng, người Do Thái xin dấu lạ. Thật ra dấu lạ đã diễn ra rồi (việc hóa bánh ra nhiều). Dấu lạ đó có nghĩa gì? Mời bạn tự khám phá để xác tín vào đức Giêsu và lời của Ngài.

2/ Bánh đích thực (cc. 32-35)

Bánh man-na: Dân Do Thái cảm nhận được sự chăm sóc của Thiên Chúa qua một thứ bột mịn đọng lại sau sương đêm tan đi. Biến cố đó gắn liền với hành trình ông Môsê dẫn dân về Đất Hứa. Sau này họ chỉ còn nhớ đến ông Môsê gắn liền với Man-na. Đức Giêsu đưa họ về chính Đấng ban Man-na. Cũng chính Đấng ấy ban Người Con Một làm của ăn đích thực cho họ. Phép bắc cầu đó quá xa để có thể nối được. Hãy khiêm tốn nài xin Chúa giúp bạn nối kết và kinh nghiệm được điều này.

Bánh: một hình ảnh lương thực biểu trưng rất tốt cho sự dâng hiến của Đức Giêsu để trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Để làm bánh, người ta phải xay bột, nhồi bột, ủ men, tạo hình, nướng… Các hạt/củ phải được nghiền nát, rồi mới trở thành bánh được. Hãy suy ngẫm về sự “bị nghiền nát” của đức Giêsu trong cuộc thương khó, để trở nên bánh trường sinh nuôi sống bạn. Sự phục sinh của Ngài bảo đảm cho bạn được ơn sống hạnh phúc đời đời.

Vấn đề còn lại, liệu bạn có tin rằng “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Nếu bạn tin lời này là chân thật, hãy xin ơn để đến với Ngài, tin vào Ngài.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể về khao khát yêu thương bạn đến nỗi muốn trở nên lương thực nuôi sống bạn mỗi ngày.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

12/4/24

Thứ sáu PS.II: Dấu lạ của lòng quảng đại (Ga 6,1-15)

1Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. 2Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: 9“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 10Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” 15Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

·      Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·          Khung cảnh: Trên vùng đất cao gần Biển Hồ Galilê.

·       Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra biết bao dấu lạ diễn ra hằng ngày quanh tôi, và ơn được nuôi dưỡng từ thể xác, tinh thần và thiêng liêng mà Chúa dành cho suốt đời tôi; để tôi quảng đại nuôi dưỡng người khác và chăm sóc môi trường.

·          Lối cầu nguyện: Suy niệm.

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Nhập cảnh (cc.1-4)

Một khu đất bằng phẳng, rộng lớn trên núi gần biển hồ Galilê. Hãy cũng đức Giêsu và các môn đệ leo lên núi, ngồi lại bên nhau…

Đoạn đức Giêsu nhìn lên và thấy dân chúng ùn ùn kéo đến.

“Gần đến Lễ Vượt Qua”: một biến cố gợi nhớ ơn giải thoát của Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel trong quá khứ, và mơ ước về Đấng cứu độ trong hiện tại. Cũng nhớ đến những mơ ước được “giải phóng” của bạn.

2/ Bài trắc nghiệm lòng quảng đại (cc. 5-10)

+ Tông đồ Philiphê được trắc nghiệm về cách giải quyết cái đói cho đám đông. Câu hỏi: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” – Đáp án của ông: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” – Kết quả: Rớt vì trả lời sai trọng tâm câu hỏi. Đức Giêsu đã không hỏi ‘mua bánh cho chừng này người ăn hết bao nhiêu tiền’. Mời bạn ngẫm về cách mình đối diện với những vấn đề nan giải. Mối bận tâm nào trong bạn đã làm bạn bị rối, hoặc tính sai bài toán?

+ Tông đồ Andrê giới thiệu một em nhỏ có 5 chiếc bánh “không” và 2 con cá nhỏ. Quá ít so với sức ăn của năm ngàn người đàn ông, và thêm phụ nữ và trẻ em nữa. – Làm sao Andrê có thể nghĩ tới một giải pháp khập khiễng như vậy? Ông cảm nhận và nghĩ thế nào khi hành động như thế? Còn bạn?

+ Đức Giêsu nói các môn đệ điều động đám đông ngồi xuống. Các ông thực hiện. Có lạ không? Một công việc điều phối khá vất vả, mà liệu có bánh cho họ ăn không? Dân chúng cũng vâng lời ngồi xuống. Tất cả điều đó có là dấu lạ đối với bạn? Có bao giờ bạn từng làm những việc “không tưởng” theo lời mời của Chúa, theo đề nghị của người khác?

Đo lường lòng quảng đại và lòng tin/sự vâng lời của bạn. Thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó.

3/ Kết quả của lòng quảng đại (cc. 11-15)

+ Mời bạn ngẫm về hành động dám trao hết bánh và cá của một em nhỏ vào tay tông đồ Andrê, và Andrê mang đến đưa hết cho đức Giêsu.

+ Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha những “điều ít ỏi” để xin Cha làm cho nó thành nhiều. Đức Giêsu nghĩ gì về Chúa Cha khi làm hành động đó? Đức Giêsu dạy bạn điều gì qua hành động đó?

+ Đức Giêsu trao bánh và cá cho dân chúng – qua bàn tay phục vụ của các môn đệ… và dân chúng cũng tiếp tục trao cho nhau… Ai nấy đều có bánh và cá và ăn no nê.

+ Một chút bánh và cá của một cậu bé đủ sức nuôi sống mười mấy ngàn người! Thế giới giải quyết bài toán nghèo đói bằng giải pháp hạn chế sinh sản! Trong khi họ quên rằng 300 người giàu nhất thế giới đang nắm giữ hơn 80% tài nguyên. Bạn nghĩ gì về dấu lạ của lòng quảng đại?

+ Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ gom những mẩu bánh cá dư để không phí đi. Đấng có thể làm cho mọi sự hóa ra quá nhiều, lại không phung phí. Những thực hành chăm sóc môi trường đơn giản như: không bỏ thừa thức ăn, không nấu quá nhiều để bị thiu thối, không trữ thức ăn quá lâu trong tủ lạnh để bị mất dinh dưỡng…

+ Cuối cùng, đức Giêsu là biểu diễn dấu lạ để mình được nổi tiếng. Khi cám dỗ vinh quang ập đến, Ngài vội lánh đi lên núi một mình.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những ơn nuôi dưỡng Ngài dành cho bạn và cho thế giới tạo thành của Ngài.

Xin ơn sống quảng đại chia sẻ.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

21/3/24

Thứ sáu MC.V: Ném đá (Ga 10, 31-42)

31Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? 33Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? 35Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? 37Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

40Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” 42Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tranh luận với những người Do Thái đã tin vào Ngài nhằm giúp họ thanh luyện niềm tin đó. Có vẻ như Ngài không thành công, vì họ quyết định ném đá Ngài để chống đối những điều Ngài nói.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn khiêm tốn đón nhận những mặc khải của Thiên Chúa về chính Ngài cho tôi, ngay cả khi trí hiểu tôi chưa kịp tiếp nhận, để tôi đừng đóng lòng trước Ngài.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Ném đá (cc. 31-39)

Mời bạn đọc kỹ đoạn văn để nhận ra sự chênh lệch trong cách hiểu của Chúa Giêsu và người Do Thái. Người Do Thái thấy đức Giêsu chỉ là một người phàm mà lại dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ bị giới hạn trong cái nhìn của mình – mà cũng là điều bình thường vì tất cả dữ kiện đời đức Giêsu đã cho thấy điều đó. Họ không thể biết được nguồn gốc sâu xa của Ngài trước khi sinh vào trần gian.

Về phần đức Giêsu, sau quá trình nhập thể và nhập thế thành công, Ngài dùng kinh nghiệm con người, tiếng nói, văn hóa, tôn giáo để trình bày về Thiên Chúa Cha, về chính mình – một cách thành công và gần gũi. Nhưng Ngài không được tiếp nhận vì người ta không thể vượt qua được giới hạn để biết được nguồn gốc thần linh của Ngài.

“Ném đá” là một hành vi tỏ lộ sự phản đối của người Do Thái, thậm chí là phương tiện xử tử một người bị kết án chết. “Ném đá” diễn ra khi người ta không thể tiếp tục đối thoại với nhau được nữa. Từ ngữ đó đã được dùng theo nghĩa bóng trong nhiều nền văn hóa hiện nay. Trong văn hóa Việt Nam có câu “ném đá giấu tay”. Điều này khá sát với tình trạng ném đá trên các mạng xã hội hiện nay.

Đâu là những giới hạn của bạn để hiểu một người, một tình huống cuộc sống?

Đâu là cách thức bạn xử sự khi có bất đồng quan điểm, cách nghĩ, cách làm xảy ra?

2/ Lánh sang bên kia sông Gio-đan (cc. 40-42)

Vài câu Kinh Thánh ngắn ngủi cho thấy đức Giêsu muốn trở về nơi đã được ông Gioan làm phép rửa cho mình. Ngài muốn trở lại với giây phút được nghe Chúa Cha nói “Đây là Con Ta yêu dấu…”; giây phút trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Đó hẳn là giây phút hạnh phúc nhất đời Ngài.

Ngài mệt mỏi vì những tranh luận vô bổ trên bề mặt con chữ, bắt bẻ nhau trên từ ngữ.

Đâu là chốn bình yên mà bạn muốn trở về nghỉ ngơi khi mệt tâm? Kinh nghiệm về chốn bình yên của bạn có gắn với Thiên Chúa?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những hiểu lầm và bị hiểu lầm, những lần bị “ném đá”, những mệt mỏi trong tâm hồn bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

13/3/24

Thứ sáu MC.IV: Tranh tối tranh sáng (Ga 7,1-2.10.25-30)

1Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.

2Lễ Lều của người Do-thái gần tới. 10Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. 

25Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? 26Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thật sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? 27Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

30Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Sau phép lại đức Giêsu chữa người bị bại ở bờ hồ vào ngày Sa-bát thì xảy ra một cuộc tranh biện về việc giữ luật – nhân tiện đó đức Giêsu mặc khải về nguồn gốc của mình. Thay vì tin vào Ngài, họ thêm chống đối vì cho rằng Ngài dám tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Câu chuyện trong bản văn trích dẫn hôm nay là hệ quả của tiến trình trên: một bối cảnh mù mờ, “tranh tối tranh sáng” cho nhiều người.

- Ơn xin: Xin cho tôi được ơn đức tin để tôi tin vào những lời mặc khải của Chúa Giêsu, nhờ đó tôi được ơn cứu độ.

- Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Không gian hiện diện (cc. 1-2.10)

Mời bạn suy ngẫm về chọn lựa của đức Giêsu trong bối cảnh sau những cuộc tranh luận gay gắt về nguồn gốc, về giáo lý, về quyền bính của Ngài, các vị lãnh đạo Do Thái đã quyết định lên kế hoạch bắt lấy Ngài để xử tội và giết chết.

Ngài chọn lựa lui về vùng Galilê (miền Bắc nước Do Thái) để tạm lánh xa mối nguy hiểm.

Đến kỳ Lễ Lều, được cử hành tại Giêrusalem (niềm Nam),[1] sau khi môn đệ và người quen đã đi lên Giêrusalem thì Ngài cũng đi một mình cách âm thầm.

Bạn nghĩ gì về chọn lựa cách thế hiện diện của Ngài tại thời điểm nhạy cảm này?

2/ Tranh tối tranh sáng (cc. 25-29)

Hãy để ý bối cảnh lúc này. Đức Giêsu đi Giêrusalem cách âm thầm. Ngài không rao giảng hay hoạt động gì ồn ào. Một số người nhận ra Ngài, và bàn tán với nhau về việc kế hoạch của các thủ lãnh Do Thái, rồi sao Ngài vẫn còn tự do xuất hiện ở đây… Họ nghi vấn về việc các thủ lãnh Do Thái để thay đổi ý định do nhìn nhận Ngài là Đấng Kitô. Đến lượt họ, họ không tin đức Giêsu là Đấng Kitô vì họ biết gốc gác Nazareth của Ngài.

Chính trong bối cảnh đó mà đức Giêsu tiếp tục tỏ lộ về chính mình. Bối cảnh tranh tối tranh sáng dành cho bạn một không gian tự do chọn lựa: tin hoặc không tin.

Hãy ngẫm về những lời đức Giêsu nói đụng chạm đến xác tín của họ thế nào. Lời Ngài cũng đang đụng chạm đến xác tín của bạn.

Dân chúng – những người đang nghe đức Giêsu nói – muốn tra tay bắt Ngài, nhưng lại không dám hành động. Hãy bình tâm nhìn lại cách bản thân ta phản ứng thế nào khi những lời dạy của Chúa đi ngược với mình.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về những hoàn cảnh tranh tối tranh sáng trong kinh nghiệm đức tin của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet


[1] Lễ Lều là tuần lễ tám ngày người Do-thái cử hành để tạ ơn Đức Chúa đã chăm sóc họ trong sa mạc - ở trong lều - và sau khi định cư. Nó cũng là lễ vụ mùa. Họ mừng lễ Lều vào cuối tháng chín và đầu tháng mười, vào mùa gặt hái (x. Lv 23,33-36; Đnl 16,13-15; Ds 29,12-29; 2 Mcb 10,6). 

7/3/24

Thứ sáu MC.III: Thiện ý và Thành tâm (Mc 12,28-34)

28Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” 29Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Sau khi chứng kiến những cuộc tranh biện giữa Chúa Giêsu với người Pharisiêu và Sađốc về việc nộp thuế và vấn đề sự sống đời sau, người Pharisiêu này đã tâm phục khẩu phục.

- Ơn xin: Xin cho tôi được ơn thành tâm thiện chí đi tìm những giải đáp hệ trọng cho đời mình, và mềm mại áp dụng vào đời sống bản thân để được thay đổi.

- Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

Xin đề nghị một lối phân chia bản văn: liên tiến

A: Thiện ý của người đặt câu hỏi (c. 28)

B: Thiện ý của người trả lời (cc. 29-31)

A’: Thành tâm hồi đáp của người đặt câu hỏi (cc. 32-33)

B’: Thành tâm hồi đáp của người trả lời (c. 34)

1/ Ông Pharisiêu (c. 28. 30-33)

+ Xưa nay khi nghe đến nhóm Pharisiêu, người Pharisiêu bạn thường có cái nhìn thế nào về họ?

+ Ông Pharisiêu được nói đến hôm nay đã lắng nghe cuộc tranh biện của đức Giêsu và nhóm Sađốc về sự sống đời sau; và có lẽ ông cũng ở trong nhóm Pharisiêu đã tranh biện với đức Giêsu trước đó về việc nộp thuế cho Xêda. Ông nghelắng đọng để nghiệm lại các cuộc đối đáp đó. Ông nhận thấy đức Giêsu đối đáp rất hay. Hãy nhớ đến một người có khả năng “đối đáp hay” rồi ngẫm nghĩ xem tôi đã nghe và nghiệm điều họ nói thế nào. Tôi thán phục hay ghen tị? Tôi muốn đến học với họ hay muốn tìm kẽ hở để bắt lỗi?

+ Ông Pharisiêu đã tiến đến gần đức Giêsu và hỏi một câu quan trọng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Là giới Biệt Phái, đó là vấn nạn thường được tranh cãi giữa họ. Bạn hãy đọc các câu 32-33 để cảm nhận về sự thành ý của ông Pharisiêu này: Ông cảm thấy thú vị và hoàn toàn chấp nhận câu trả lời của đức Giêsu “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng.”

Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, hãy xét xem tôi có những thành kiến nào về người khác; và mức độ thành tâm thiện ý của tôi trong các mối tương quan.

2/ Đức Giêsu (cc. 29-31. 34)

+ Hãy ngẫm nghĩ về khả năng tổng hợp và đơn giản hóa vấn đề trong câu trả lời của đức Giêsu. Từ 248 điều khuyên làm và 365 điều cấm làm, Ngài rút thành 2 điều: mến Chúa và yêu người (cc. 29-31). Hãy suy xét xem bạn thường có khuynh hướng đơn giản hóa hay phức tạp hóa? Trả lời vào điều căn cốt hay diễn giải lòng vòng? Hãy dừng lại để học cách của đức Giêsu. Ngài có biết Ngài đã dành rất nhiều thời gian để chiêm ngắm Chúa Cha, suy niệm Kinh Thánh và ngẫm nghiệm cuộc đời?

+ Ngẫm nghĩ về cách đức Giêsu chuẩn nhận lòng thành của ông Pharisiêu: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Hãy suy xét về cách Thiên Chúa chuẩn nhận bạn, và cách bạn hồi ứng với người khác.

3/ Kết nối

Trong thời gian rất ngắn diễn ra cuộc đối đáp, đức Giêsu và ông Pharisiêu đã kết nối với nhau rất sâu đậm; không phải chỉ hiểu ý, mà còn quý tình. "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" là vậy.

Mời bạn dành thời gian để trải nghiệm mối tương quan cá vị này với Chúa Giêsu.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về điều gì bạn cảm hiểu được qua giờ cầu nguyện này.

Dâng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

29/2/24

Thứ Sáu MC.II: Chữ Tín (Mt 21, 33-43. 45-46)

33Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.” 38Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” 39Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 40Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” 41Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” 42Đức Giê-su bảo họ: “Kinh Thánh có câu: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao?

43“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

45Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. 46Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Những cơ hội hoán cải trong đời.

- Ơn xin: Xin cho tôi được ơn nhận ra thời điểm của lòng thương xót Chúa dành cho đời tôi, để tôi biết hoán cải mà trở về với Thiên Chúa và được hạnh phúc trong tương quan với Ngài.

- Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Sự tín nhiệm (c. 33)

Mời bạn nhìn ngắm cách thức Ông Chủ chuẩn bị vườn nho cách chu đáo, và trao lại cho bạn tiếp tục quản lý và chăm sóc vườn nho đó. Bạn hoàn toàn tự do coi sóc vườn nho của Chủ.

Ứng dụng: xem xét tất cả những “nén bạc” Chúa trao cho bạn, những cơ hội cho bạn phát triển khả năng và hưởng lợi từ đó.

2/ Sự bội tín (cc. 34-39)

Trong thời gian chủ đi vắng, các đầy tớ đã hoạt động trong vườn nho đó như thế nào? Họ bàn tính gì với nhau?

Trải nghiệm sự rắp tâm của họ trong tính toán chiếm đoạt tài sản của Chủ:

+ Chủ sai một số đầy tớ đến để nhận phần hoa lợi thuộc về Ông, “họ đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ”.

+ Chủ kiên nhẫn gởi một nhóm tôi tớ khác đông hơn. Họ xử với họ như vậy.

+ Chủ tiếp tục hy vọng vào lương tâm của họ khi sai chính người con một của ông tới. Họ quyết tâm giết người con đó để chiếm trọn tài sản.

Áp dụng: Những tài năng của bạn do đâu mà có? Những lợi ích bạn tạo ra được nhờ những tài năng đó có hoàn toàn thuộc về bạn?

3/ Cái giá của sự bội tín (cc. 40-43.45-46)

Với trí hiểu, khi được đức Giêsu hỏi về kết quả của câu chuyện, các thượng tế và người Pharisiêu trả lời đúng theo lẽ công bình: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.”

Đức Giêsu áp dụng câu chuyện vào họ khi nói: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” thì họ tìm cách bắt Ngài nhằm triệt tiêu Ngài.

Áp dụng: phán đoán của lý trí và thái độ sống đôi khi không đi đôi với nhau. Những khi nào điều đó đã xảy ra cho chính bạn? Điều gì đã tạo nên sự thiếu hòa hợp giữa hiểu biết của lý trí và thái độ của con tim?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về hiện trạng đời sống và tâm hồn bạn. Xin Ngài ban cho bạn con tim biết hoán cải và tâm hồn biết ơn.

Dâng một Kinh Lạy Cha để xin ơn đó trong Mùa Chay này.

Ảnh: Internet 

21/2/24

Thứ sáu MC.I: Làm sao để có thể yêu kẻ thù? (Mt 5,43-48)

43“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù44Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Những chất vấn trong đời thường.

- Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết cách thức chữa lành các tổn thương sâu để có thể sống lời mời gọi yêu thương mà Chúa Giêsu dạy: Hãy yêu kẻ thù!

- Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Tâm lý tự nhiên (c. 43)

Theo con người tự nhiên, người ta thích ngọt hơn đắng/chua/cay, thích mềm hơn cứng, thích nhẹ hơn nặng… Người ta cho đi thì mong được đáp lại. Người ta yêu thương những ai yêu thương mình. Khi bị đối xử nghiêm khắc, cứng rắn, hoặc tệ bạc, cảm giác khó chịu dẫn đến cảm giác không thích, thậm chí chuyển qua thù ghét đối tượng đã gây ra điều đó.

“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”là cách nói rất hợp với tâm lý tự nhiên và làm thỏa mãn tính tự nhiên. Ta thấy nó vừa phù hợp, vừa dễ thực hiện. Người Do Thái xưa (và các bộ tộc cổ cũng thế) được dạy là phải “yêu đồng loại” hiểu là người cùng dân tộc mình; và ghét kẻ thù là quân địch (các bộ tộc khác). Trong bối cảnh lịch sử chiến tranh sắc tộc thường xuyên thì điều đó là một mệnh lệnh để giữ an toàn cho đất nước.

Mời bạn ngẫm lại bản thân xem mình từng sống theo nguyên tắc tâm lý tự nhiên này như thế nào. Hệ quả của việc chọn sống như thế mang đến điều gì cho đời bạn?

Nếu bạn nhận ra mình có những tổn thương vì nhu cầu tâm lý tự nhiên không được đáp ứng, đừng ngại tìm đến tham vấn để được chữa lành.

2/ Tâm lý siêu nhiên (cc. 44-48)

Khi đến trần gian, Chúa Giêsu dạy “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Yêu đồng loại được đã là tốt rồi, nhưng chưa đủ để trở thành người môn đệ Chúa Kitô. Bạn cần mở rộng tình yêu đến cả “kẻ thù”. Tuy nhiên ta thường cảm thấy mệnh lệnh này là “bất khả thi”.

Khi bạn né tránh những vết thương tâm lý, hoặc nuôi dưỡng cảm xúc tổn thương thì sẽ cảm thấy lời mời gọi “hãy yêu kẻ thù” không thể thực hiện được. Vậy hãy đối diện với những vết thương và xin Chúa chữa lành chúng, để bạn có thể tha thứ cho người/môi trường đã gây tổn thương – và bạn sẽ có sức mạnh để yêu thương lại “kẻ thù” là người/môi trường đã từng gây tổn thương cho bạn. Mời bạn nói với Chúa về những tổn thương – cầu xin ơn chữa lành – và kết nối lại với người/môi trường – xây dựng lại những mối tương quan với nhiều tình yêu hơn. [Đây là kinh nghiệm của người viết bài này xin chia sẻ với bạn.]

Bạn có từng cảm thấy nơi mình hoặc ai đó phải gồng lên để sống “chữ hiếu” theo văn hóa Việt và theo điều Đạo dạy chưa? Họ có thể làm việc vất vả để có tiền gởi về cho cha mẹ, nhưng không muốn ở gần để chăm sóc cha mẹ! Hãy hiểu rằng đâu đó trong họ vẫn còn những vết thương sâu chưa được chữa lành.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những mối tương quan căng thẳng, đổ vỡ, tổn thương. Xin Ngài chữa lành bạn và giúp cho bạn có năng lực để yêu lại những người/môi trường đã làm bạn bị tổn thương.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

16/2/24

Thứ sáu MC.Sau Lễ Tro: Câu hỏi tại sao (Mt 9,14-15)

14Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 15Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Những chất vấn trong đời thường.

- Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết ý nghĩa thâm sâu của những thực hành thiêng liêng là để giúp tôi nối kết với Thiên Chúa và thánh hóa bản thân.

- Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập]

Điểm cầu nguyện

Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn. Chúng ta chọn cầu nguyện theo phương pháp bám sát bản văn – đây là cách ứng dụng phương pháp Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh của thánh Inhaxiô Loyola vào bản văn Kinh Thánh.

Bạn có thể cầu nguyện trực tiếp với bản văn, và chỉ dùng gợi ý điểm cầu nguyện nếu thấy cần.

Bản văn

Vài gợi ý

14Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng

Có một lúc, một thời điểm họ nhận ra sự khác biệt giữa họ (môn đệ ông Gioan) và môn đệ của đức Giêsu trong việc giữ chay.

Môn đệ ông Gioan là những người muốn sống tốt lành cách triệt để chờ mong Đấng cứu độ. Bạn thuộc nhóm người nào: hờ hững sống qua ngày đoạn tháng, vui thú sự đời, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và ơn cứu độ đời mình?

“Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 

Câu hỏi tại sao thường được đặt ra khi ta muốn hiểu căn nguyên nguồn cội, và cũng được đặt ra khi mình thấy có điều gì đó không thỏa đáng, thậm chí người ta còn hỏi “tại sao” cốt để người khác thấy mình tốt hơn, giỏi giang hơn người.

Để tăng thêm tính thuyết phục, họ gộp thêm một nhóm khác vào “các người Pharisiêu”.

Bạn thường đặt câu hỏi tại sao với mục đích nào? Tôi có dùng người khác để củng cố vị trí của mình hoặc ý kiến của mình?

15Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?

Đức Giêsu trả lời gián tiếp khi đưa họ vào một bối cảnh rộng lớn hơn để giúp họ hiểu ý nghĩa của chay tịnh. Ăn chay là để chờ đón Đấng cứu độ, chờ đón “chàng rể” chứ không phải để khoe mẽ bản thân.

Đức Giêsu cũng gián tiếp giới thiệu chính ngài là “chàng rể”.

Mời bạn xét về mục đích chay tịnh của mình. Liệu bạn có ăn chay vì một người/một Đấng?

Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

 

Đức Giêsu tiên báo về việc Ngài sẽ bị đem đi (bị giết chết).

Trong đời sống, khi ta “mất Chúa” hay lạc xa Ngài thì đó là lúc ăn chay để tìm lại Ngài.

Mời bạn tự lượng giá tình trạng tương quan của mình với Chúa và quyết định chọn cho mình những hình thức chay tịnh phù hợp.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về cách bạn thực hành những việc thiêng liêng, về mức độ kết thân của bạn với Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

13/2/24

Thứ ba TN.VI: Hiểu lầm (Mc 8,14-21)

14Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” 16Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. 17Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! 18Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: 19khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” 20“Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” 21Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Các môn đệ quên mang bánh lên thuyền, và đức Giêsu dạy họ về việc giữ mình khỏi nhiễm phải men Biệt Phái và men Hêrôđê.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết những điều thâm sâu bí nhiệm Chúa dạy qua những sự gợi ý trong đời thường, để tôi biết sống những giá trị của Ngài giữa đời thường.

Lối cầu nguyện: Suy niệm.

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Hiểu lầm (cc. 14-16)

Men theo nghĩa đen là chất xúc tác làm cho chất được ướp được dậy men (bột, củ quả…). Men theo nghĩa bóng là chất xúc tác làm cho cái gì đó được chuyển đổi thành chất khác, tốt hơn hoặc hư thối đi.

Đức Giêsu đề cập đến men Biệt Phái: có vẻ tốt lành bên ngoài nhưng bên trong thì gian tham và đố kị; và men Hêrôđê: bên ngoài đạo mạo, quyền uy nhưng bên trong cũng tính toán trục lợi. Mời bạn suy xét về những chất men này nơi bản thân mình. Môi trường nào, điều kiện nào đã làm cho đời bạn bị biến chất? [Bản chất con người: Được Thiên Chúa tạo dựng trong hình ảnh Ngài, độc nhất vô nhị, và sẽ trở nên thành toàn trong hình mẫu là Chúa Giêsu Kitô]

Các môn đệ hiểu nhầm đức Giêsu trách cứ các ông vô lo nên không chuẩn bị đủ bánh cho chuyến đi. Đó có thể là sự quan tâm của các ông: thức ăn, bản thân, lời sửa dạy… Bạn hãy xem điều gì trong bạn đã đóng khung mình vào trong những lối nghĩ và gây ra những sự hiểu lầm?

2/ Nỗ lực vượt qua sự hiểu lầm (cc. 17-21)

Đức Giêsu nhận ra các ông đang hiểu lầm ý Ngài. Ngài cố gắng trấn an các ông về chuyện lo lắng về bánh ăn bằng cách nhắc lại hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Sau cùng Ngài đặt một câu hỏi để các ông tiếp tục suy nghĩ “Anh em chưa hiểu ư?”

Đức Giêsu chờ họ tự hiểu ra. Ngài không la mắng họ.

Mời bạn nhớ về những trường hợp bạn hiểu lầm Thiên Chúa, hiểu lầm người, và cả hiểu sai về câu chuyện đời mình. Sau đó suy xét xem bằng những cách nào bạn đã nỗ lực vượt qua sự hiểu lầm đó.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những giới hạn của mình, nhất là trong việc đón nhận mặc khải của Chúa. Xin ơn hiểu biết thiêng liêng.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet