Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

21/8/23

[29/08 Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết] Làm chứng đến cùng (Mc 6,17-29)

17Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ông Gioan Tẩy Giả đang bị tiểu vương Hêrôđê Antipat giam trong ngục do sự việc ông dám can ngăn mối tương quan bất chính của tiểu vương với bà Hêrôđia, vợ của tiểu vương Hêrôđê Philip là em ruột của Hêrôđê Antipat.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn can đảm làm chứng cho sự thật, sự thiện và vẻ đẹp chân chính; dù có phải chịu thiệt thòi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn chậm rãi đặt mình trước ông Gioan Tẩy Giả trong bối cảnh của ông để suy niệm về chọn lựa của ông.

1/ Kiên định làm chứng

+ Vị thế ông Gioan Tẩy Giả và tiểu vương Hêrôđê Antipat: nghèo, không có quyền thế, đơn lẻ một mình, bị cầm tù – và bên kia như đang có tất cả. Suy nghĩ về chọn lựa của ông trước khi bị cầm tù và ngay lúc này, khi ông đang ngồi trong tù.

+ Cả cuộc đời ông Gioan Tẩy Giả là để “dọn đường” cho Đấng Cứu Thế đến. Ông đã sống khắc khổ một đời và nỗ lực vực dậy đời sống luân lý của mọi thành phần xã hội. Suy nghĩ về sự kiên định của ông trong bước đường cuối này, dù ông gặp phải sự chống đối của người có quyền và đang sống phóng đãng.

2/ Chết vô nghĩa ư? (cc. 17-29)

Mời bạn đọc bản văn để nhớ lại bối cảnh đã dẫn đến cái chết của ông Gioan Tẩy Giả. Lý do ông bị cầm tù thì rất chân chính trong chọn lựa của ông. Còn cách thức ông bị giết liệu có “lãng xẹc”?

+ Một lần nữa, bạn hãy ngẫm nghĩ về sự trái nghịch về bối cảnh: Ông Gioan ngồi trong tù chật hẹp, bị xiềng xích, đói khát, tĩnh lặng – ngoài kia người ta “yến tiệc linh đình” trong một không gian trang trí lộng lẫy, tiếng nhạc tiếng nói cười ồn ào.

+ Ông Gioan mất mạng vì có thêm những người khác cũng muốn sống đời trụy lạc mà không bị ai cản trở (bà Hêrôđia) và sự tiếp tay ngọt ngào của cô con gái. Ông Gioan mất mạng do có người “sĩ diện” (tiểu vương Hêrôđê). Ông mất mạng vì sự đam mê tội lỗi của những người khác. Ông mất mạng vì muốn đi đến cùng việc làm chứng cho một Đấng sẽ làm cho muôn người được nên công chính (Đức Giêsu Kitô).

Bạn hãy nhớ lại những câu chuyện trong đó bạn đã chọn lựa sống theo điều Chúa dạy mà phải thiệt thân; hoặc bạn đã chưa đủ can đảm để làm chứng cho Chúa. Hãy nói với Chúa về những điều ấy.

Kết nguyện

Cầu xin thánh Gioan Tẩy Giả chuyển cầu cho bạn được ơn can đảm để sống và làm chứng cho những điều tốt lành.

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì đang diễn ra nơi bạn sinh sống và trên thế giới này. Nài xin Ngài ban cho bạn ơn làm men-muối-ánh sáng cho đời.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Faustino Raineri, TK 19

[22/8 Lễ Đức Maria Nữ Vương] Phong tước (Lc 1,26-38)

26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Từ Maria làng Nazarét đến Nữ Vương Thiên Đàng.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết thâm sâu về mọi ơn lành Chúa ban cho tôi và cho toàn thể vũ trụ, để cùng với Mẹ Maria tôi ca tụng Chúa.
  • Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm và Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đời thường

Dành thời gian suy nghĩ về cuộc đời dương thế của đức Maria: Sinh ra bởi một cặp cha mẹ cao niên là Gioakim và Anna – lớn lên tại làng Nazereth vào thế kỷ I tCN – thuộc dân tộc Do Thái – theo đạo Do Thái giáo – Cùng sống trong niềm mơ ước Đấng Cứu Độ sẽ đến để giải thoát dân tộc mình khỏi ách thống trị Roma.

Tuổi thơ của một bé gái miền quê thời đó có thể diễn ra như thế nào? Lớn lên và kết hôn theo tập tục thời đó (khoảng 14-15 tuổi) – đời sống hôn nhân của các gia đình miền quê thời đó như thế nào? Cũng nghĩ về ngành nghề kiếm sống của dân thời đó.

Cảm nghiệm sự gần gũi của cuộc đời đức Maria với cuộc đời khá bình thường của bạn.

2/ Nữ tì của Chúa (cc. 26-38)

Đọc lại bản văn kể về một biến cố xảy ra trong cuộc đời đức Maria, nằm giữa “đám hỏi” và “đám cưới” – nhớ đến độ tuổi của đức Maria khi này để hiểu được mức độ trưởng thành thể lý, hiểu biết và tâm lý.

Nhìn ngắm cuộc đối diện và đối thoại của “em” Maria và sứ thần với một nội dung rất người lớn và rất thiêng liêng.

Đức Maria bé nhỏ, cả về thể lý và tâm hồn, đứng trước mầu nhiệm cao cả đã thưa: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” – dành thời gian để chiêm ngắm vị thế “đúng mực” của đức Maria lúc này trước Thiên Chúa và thánh ý Người.

2/ Phong tước

Gắn liền với niềm tin Đức Maria được rước lên trời cả hồn và xác, và vì Mẹ là mẹ Chúa Giêsu – Vua Vũ Trụ, nên Mẹ xứng danh là Nữ Vương Thiên Đàng.

Tước hiệu này được diễn đạt nhiều trong ngành nghệ thuật thánh thời Trung Cổ, và đức Piô XII tuyên tín trong sứ điệp Bendito seja ngày lễ Mẹ Fatima năm 1946, và thông điệp Ad caeli reginam vào năm 1954.

Với truyền thống tôn kính Mẫu Hậu của Do Thái giáo vào Đông Phương, bạn hãy nghiệm các câu Kinh Thánh này để tôn kính Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng: “32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Cuối cùng, việc một “nữ tì” trở thành “Nữ Vương”/Mẫu Hậu chỉ có thể hiểu như một ân ban đặc biệt của Thiên Chúa dành cho đức Maria. Mời bạn chiêm ngắm Nữ Vương Thiên Đàng không phải do quyền năng riêng của Mẹ; mà là được chính Thiên Chúa “phong tước”, tiếng Anh gọi là Coronation – được trao vương miện.

Kết nguyện

Hãy ca tụng Mẹ Maira bằng kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Halleluia.

Đáp: Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Halleluia.


Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Halleluia.

Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Halleluia.


Xướng: Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Halleluia.

Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật. Halleluia.

Lời Nguyện: Lạy Chúa là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa, cùng là Chúa chúng con, đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người, nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Và kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

14/8/23

[15/8 – Lễ Đức Maria được rước lên trời] Thuộc về (Lc 1,39-56)

39Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

47thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

50Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót

những ai kính sợ Người.

51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

56Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Maria thăm viếng bà Êlisabet. Những cuộc viếng thăm bất ngờ.

Ơn xin: Xin cho tôi được thuộc trọn vẹn về Chúa cả hồn lẫn xác, cả đời này và đời sau, để mọi ước muốn, hành động, cử chỉ, lời nói, việc làm đều quy hướng về Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Dây nối với Trời (cc. 39-45)

Mời bạn đọc lại bản văn về cuộc thăm viếng mà đức Maria đã thực hiện. Lắng nghe những lời chào chúc của họ dành cho nhau để khám phá về mối dây liên hệ của mẹ Maria với Trời Cao.

Bạn có thể đọc ngược bản văn trong đoạn này để khám phá mối liên hệ ấy.

+ “45Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Lời kết luận của bà Êlisabet bộc lộ sự gắn kết bên trong của đức Maria với Trời Cao.

+ Dựa vào đâu để bà Êlisabet khẳng định như thế? “44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.”

+ Điều đã xảy ra trong “bụng” làm cho bà Êlisabet nhận biết: “43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”

+ và bà Êlisabet khẳng định: “42Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”

+ Lời xác tín đó đến từ Thánh Thần (c. 41)

+ Niềm vui trong Thánh Thần khi cưu mang Đấng Cứu Độ đã thúc đẩy đức Maria “vội vã lên đường” đi thăm người chị họ (câu 39-40)

Bạn hãy nghiệm về sợi dây nối kết đức Maria với Trời Cao, nối kết bà Êlisabet với Trời Cao, và nối kết giữa họ với nhau. Cũng hãy nghiệm về sợi dây thiêng liêng đã nối kết bạn với Chúa và với tâm hồn người khác.

2/ Cảm nghiệm thuộc về (cc. 46-56)

Lời kinh Magnificat (kinh Ngợi Khen) là lời kinh rất quen thuộc được nhiều người quen đọc mỗi ngày. Lời kinh của đức Maria – lời kinh nối kết tâm tình của đức Maria khi thấy mình thuộc về:

+ những “kẻ bé mọn”/anawim được Thiên Chúa yêu thương cứu vớt.

+ những người hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa dũng mãnh và giàu lòng xót thương

+ một dân tộc được nhận lời hứa cứu độ - và Thiên Chúa đang thực hiện ơn cứu độ của Người ngang qua chính bản thân mình.

Hãy đọc/hát kinh Magnificat với tâm-tình-thuộc-về của đức Maria.

3/ Về Trời

Nhớ lại câu chuyện về “Đức Mẹ Ngủ” và niềm tin của dân Chúa vào việc Mẹ Maria được rước về trời cả hồn lẫn xác. Còn nơi nào xứng hợp hơn để thân xác và linh hồn Mẹ thuộc về hơn là Trời Cao? Một thân xác đã cưu mang Con Thiên Chúa, một tâm hồn suốt đời chỉ hướng về Con Mẹ, và một linh hồn hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Nhìn ngắm cuộc “rước lên” của Mẹ để suy ngẫm về ước mơ của chính bạn.

Kết nguyện

Thân thưa với Mẹ Maria về đặc ân “lên trời cả hồn lẫn xác”. Nài xin Mẹ ban cho bạn được ơn ấy.

Tạ ơn Ngôi Hai Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa “Thầy ở đâu anh em cũng sẽ ở đó với Thầy” – trước hết với mẹ Maria.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

11/8/23

Thứ bảy TN.XVIII: Đức tin chuyển núi dời non (Mt 17,14-20)

14Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su 15và nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. 16Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được.” 17Đức Giê-su đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi.” 18Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.

19Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” 20Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Câu chuyện xảy ra khi đức Giêsu và 3 môn đệ thân tín lên núi Tabor (biến cố Chúa Hiển Dung), các môn đệ còn lại đang ở dưới chân núi với đám đông.

Ơn xin: Xin cho tôi có được niềm tin mãnh liệt và tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa sẽ thực hiện mọi ước muốn tốt lành của tôi; để tôi dám mơ ước và nài xin Ngài thực hiện.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà (cc. 14-18)

Hãy nhập vai vào một người trong đám đông, hoặc một trong số các môn đệ. Nhìn ngắm đức Giêsu đi xuống núi cùng với ba anh em môn đệ.

Cảm nhận sự ồn ào náo động của những gì đang diễn ra quanh bạn: tiếng la hét của đứa trẻ bị quỷ ám, giọng nói của người cha, của đám đông…

Quan sát cách đức Giêsu tiếp cận câu chuyện đang diễn ra…

Đọc chậm tiếng than thở để cảm nhận sự thất vọng của đức Giêsu: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi.”

Thân thưa với Chúa Giêsu về những lần bạn làm Ngài thất vọng.

2/ Đức tin chuyển núi dời non (cc. 19-20)

Đặt mình vào khung cảnh của nhóm Mười Hai đang ở riêng với đức Giêsu. Quan sát thái độ và cách hỏi riêng thầy: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” và lắng nghe câu trả lời của thầy: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”

Mời bạn ngẫm nghiệm từng lời ấy và suy xét cho bản thân mình. Hãy nói với Chúa Giêsu về tình trạng đức tin của mình và nài xin Ngài ban thêm đức tin cho bạn.

Kết nguyện

Dành thời gian tâm sự với Chúa và xin ơn đức tin chuyển núi dời non.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

7/8/23

Thứ ba TN.XVIII: Sao lại hoài nghi? (Mt 14,22-36)

22Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. 27Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” 28Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” 31Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” 32Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. 33Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

34Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-rét. 35Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. 36Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, đức Giêsu yêu cầu các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ Galilê trước, còn Ngài ở lại giải tán dân chúng và cầu nguyện.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn trải nghiệm đức tin ngang qua những biến cố đời thường, để tôi nhận ra chính Chúa đang đồng hành với tôi hôm nay và lúc này.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Hoang mang (cc. 22-24)

Đặt mình vào trong bối cảnh của các môn đệ: đang phấn khích vì thầy Giêsu quá giỏi giang…

Bất chợt, Thầy “liền bắt … xuống thuyền qua bờ bên kia trước”. Cảm nghiệm cái “cụt hứng” của các ông và sự khó chịu trong lòng họ. Nhìn ngắm họ “tiu ngỉu” bước xuống thuyền và chèo đi trong đêm.

Đưa mắt lại trên bờ, nhìn xem đức Giêsu nỗ lực giải tán đám đông thế nào. Họ về hết rồi, còn lại khoảng đất trống, trời xẩm tối… đức Giêsu lên núi cầu nguyện.

Mời bạn trở lại con thuyền đầy sóng gió. Cùng chèo chống với họ… cùng trải nghiệm với họ.

Áp dụng bản thân: Bạn có kinh nghiệm nào bị rơi vào khó khăn tương tự như các môn đệ? Bạn có cảm thấy mình bị Chúa bắt phải chịu như vậy?

2/ Sao lại hoài nghi? (cc. 24-31)

Chiêm ngắm cuộc tiếp chạm của các môn đệ với thầy của mình trong đêm tối bão bùng… Một chiếc bóng xuất hiện xa xa… gần hơn… tất cả đang vật lộn với gió với nước…

Lắng nghe tiếng hét của họ: “Ma đấy!” – cảm nghiệm sự hãi hùng của họ.

Lắng nghe giọng nói của thầy Giêsu: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” – Trải nghiệm bầu khí của các môn đệ trong thuyền: một kinh nghiệm gặp Chúa với một tập thể.

Bây giờ bạn chiêm ngắm kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân của ông Phêrô. Lắng nghe điều ông ngỏ lời: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” – Cảm nghiệm ước muốn mãnh liệt của ông: bước ra khỏi thuyền, bước ra khỏi nhóm, bước đi trên mặt nước, bước đi trên sóng nước vào ban đêm…

Lắng nghe lời mời: “Cứ đến!” – Dành thời gian để cảm nghiệm về phía đức Giêsu và về phía ông Phêrô. Nhìn ngắm từng chuyển động của ông để thực hiện ước muốn đến với thầy Giêsu.

Bất chợt ông Phêrô chìm xuống. Cảm nghiệm sự hoảng sợ của ông. Lắng nghe tiếng kêu cứu: “Thầy ơi, cứu con” – Cảm nhận bàn tay phải của Thầy mạnh mẽ túm lấy Phêrô.

Lắng nghe câu này: “Người đâu mà kém tin vậy!”– đó là lời quở trách, nhắc nhở, hay “mắng yêu”?

Và nữa: “Sao lại hoài nghi?” – Lời ấy chất vấn Phêrô suốt đời. Lời ấy nhắc ông về kinh nghiệm đức tin cá vị.

Áp dụng bản thân: Bạn hãy nhớ lại câu chuyện kinh nghiệm thiêng liêng bạn có trong tập thể và một mình. Thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó.

3/ Tuyên tín (cc. 32-36)

Cảm nghiệm sự bình an trong thuyền và cả Biển Hồ sau khi thầy Giêsu và ông Phêrô đã vào thuyền. Chiêm ngắm cái bái lạy của họ và lời họ thốt ra. Dựa vào đâu mà các ông tin vào đức Giêsu?

Rồi nhìn họ tiếp cận bờ, thầy trò bước lên bờ… Dân chúng “nhận ra” đức Giêsu và loan tin khắp vùng. Họ vội vã mang bệnh nhân đến với Ngài, nài xin Ngài… Họ dựa vào đâu để tin đức Giêsu?

Áp dụng bản thân: Đức tin của bạn dựa vào đâu?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những biến cố giúp bạn củng cố và nuôi dưỡng đức tin.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

31/7/23

Thứ ba TN.XVII: Học riêng (Mt 13,36-43)

36Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy riêng các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi khiêm tốn học lại những bài học Chúa Giêsu dạy, để được thấm nhuần lời Ngài dạy và đem ra thực hành trong đời sống.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Xin Thầy dạy riêng (c. 36)

Nhớ lại hành trình sống của bạn, những điều bạn đã trải qua. Đâu là những điều tương tự được lặp lại? Đó có phải là những “bài học” bạn chưa thuộc nên phải học lại? Hãy ngẫm xem đâu là những “bài học” mà Chúa kiên nhẫn dạy bạn, vì bạn tránh né, phớt lờ?

Các môn đệ đã can đảm để bộc lộ rằng mình không hiểu. Họ nài xin thầy Giêsu dạy lại ở chốn riêng tư. Bạn có muốn nài xin thầy Giêsu “dạy lại” bạn hôm nay?

2/ Tìm ý nghĩa từng điều một (cc. 37-39)

Như học trò nhỏ, bạn dành đủ thời gian để học và tìm ý nghĩa của các điều này. Đừng ngại hỏi lại thầy Giêsu.

+ Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.

+ Ruộng là thế gian.

+ Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời.

+ Cỏ lùng là con cái Ác Thần.

+ Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.

+ Mùa gặt là ngày tận thế.

+ Thợ gặt là các thiên thần. 

3/ Áp dụng bài học (cc. 40-43)

Bài học: đến ngày phán xét, “mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác bị tống ra khỏi Nước của Người”; còn “người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ.”

Bạn được cho thấy trước kết quả chung cuộc để làm chọn lựa hôm nay. Bạn muốn chọn lựa và sống thế nào?

Nhớ rằng, đức Giêsu dạy các môn đệ bài học này; rồi các tông đồ dạy lại cho các thế hệ sau… Bạn cũng được mời gọi tiếp tục dạy người khác bài học đó.

Kết nguyện

Thân thưa với thầy Giêsu về điều bạn học được hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: George Greaves (Pinterest)

28/7/23

[29/7 – Thánh Macta-Maria-Lazarô] Cộng thể có Chúa (Ga 11,19-27)

19Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” 27Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những không gian và hội nhóm mà chúng tôi cùng được kinh nghiệm về Chúa, ngay cả trong những biến cố đau thương.

Ơn xin: Xin cho tôi nhạy bén với những cơ hội Chúa mở ra trong đời tôi để ngang qua đó tôi được trải nghiệm kinh nghiệm có Chúa ở đó trong đời tôi, để tôi thêm gắn bó với Chúa và gắn bó với nhau.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Bạn vẫn thường nghe nói rằng: Không ai lên thiên đàng một mình. Giáo Hội tôn phong và lập lễ cho ba chị em thánh Macta-Maria-Lazarô nhằm tuyên dương kinh nghiệm đức tin gắn liền với một tập thể/cộng thể.

1/ Gia đình Bêtania (cc. 45-46)

Bạn dùng trí nhớ để nhớ lại câu chuyện về chị em nhà Macta-Maria-Lazarô. Nhà họ ở làng Bêtania, gần Giêrusalem. Mỗi lần lên Giêrusalem, đức Giêsu và các môn đệ thường dừng chân ở nhà họ, nhiều đến nỗi mà họ trở nên rất thân thiết với nhau. Tin Mừng đã ghi lại những câu chuyện liên quan đến chị em họ ít là 3 lần. Một cuộc thăm viếng trong đó Macta cảm thấy khó chịu khi cô em Maria cứ ngồi đó mà nghe đức Giêsu kể chuyện (Lc 10,38-42), lần đại tang là cái chết của em Lazarô (Ga 11,1-44) và cuộc viếng thăm gần ngày đức Giêsu bước vào cuộc thương khó (Ga 12,1-11) trong đó cô Maria đã lấy dầu thơm xức chân đức Giêsu.

Họ thân nhau đến mức khi Lazarô ngã bệnh nặng thì chị em Macta-Maria nhắn với thầy Giêsu: “Người thầy thương mến đang đau nặng” (Ga 11,3)

Mời bạn dành thời gian để thưởng nếm tình thương mến giữa ba chị em nhà Bêtania với thầy Giêsu và nhóm Mười Hai. Rồi nhớ đến những không gian và nhóm hội đã giúp bạn gắn bó với Chúa.

2/ Vui buồn sướng khổ (cc. 19-20)

Hôm nay, mời bạn bước vào gia đình Bêtania trong một không gian ảm đạm: đám tang Lazarô. Quan sát khung cảnh đó: những người đến viếng, chị Macta, chị Maria…

Quan sát sự xuất hiện của đức Giêsu ở bên ngoài nhà đám. Nhìn ngắm chị Macta đi đón đức Giêsu. Ngài đến với gia đình Bêtania trong mọi cảnh huống vui buồn sướng khổ của cuộc đời.

3/ Có Chúa trong cộng thể (cc. 21-27)

Nhìn ngắm cộng thể của gia đình Bêtania: Chị Macta luôn là người sắp xếp, điều phối mọi sự trong cộng thể đó; chị Maria như một trợ tá tuyệt vời, còn em út Lazarô luôn được chăm sóc “ngồi đồng bàn” với đức Giêsu và các môn đệ.

Macta nói với thầy Giêsu: “nếu có Thầy ở đây thì em tôi đã không chết”. Bạn nghe được gì trong câu nói đó?

Còn lời này bộc lộ điều gì nơi chị Macta? “22Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” – cảm nghiệm sự “lên xuống” trong tâm hồn đau khổ của chị lớn/chị hai trước cái chết của em mình.

Bạn hãy chiêm nghiệm tiếp cuộc đối thoại của họ để trải nghiệm mối tương quan tin tưởng giữa họ.

-       “Em chị sẽ sống lại!” 

-       “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 

-       “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” 

-       “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Áp dụng bản thân: Nghĩ về một cộng thể đức tin mà bạn thuộc về. Cách thức vận hành của cộng thể đó thế nào? Chúa Giêsu có vị thế nào trong cộng thể đó?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những kinh nghiệm sâu đậm trong đức tin mà bạn có trong cộng thể của bạn. Diễn tả lòng biết ơn sâu xa về kinh nghiệm đó.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

24/7/23

[25/7 Thánh Giacôbê Tông Đồ] Không thánh nào mà không có một quá khứ (Mt 20,20-28)

20Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” 23Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy về sự phục vụ của quyền bính nhân cơ hội bà mẹ dẫn hai con trai đến xin đức Giêsu ban đặc ân.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra rằng mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa; Ngài thông chia một phần quyền bính để con người được cùng Ngài quản trị và xây dựng thế giới tạo thành của Ngài; và xin cho tôi biết sống vai trò “vương đế” mà tôi đã lãnh nhận trong ngày chịu Phép Rửa cho nên.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Câu nói “không vị thánh nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào mà không có tương lai” [“Every saint has a past, every sinner has a future”] được cho là trích trong vở kịch A Woman of No Importance của Oscar Wilde (1854-1900). Trong ngày lễ kính thánh Giacôbê tông đồ, chúng ta được chiêm ngắm “quá khứ” hám danh của Ngài, để biết rằng bạn được ban cho tiềm năng làm thánh.

1/ Chạy chọt tìm tư lợi (cc. 20-23)

Bạn hãy đọc bản văn thật chậm, để ý xem cách ba mẹ con lên kế hoạch với nhau, cách họ đến trước mặt đức Giêsu, cách họ nói năng thưa gởi, cách họ chấp nhận mọi điều kiện…

Quan sát cách đức Giêsu đã xử lý câu chuyện này: Cách Ngài lắng nghe, trả lời, đặt vấn đề… và cách Ngài chốt vấn đề thế nào.

Thế ra câu chuyện “chạy chọt” để tìm tư lợi không chỉ có ở “trần gian” mà còn có trong cả đời sống đức tin! Bạn hãy nhớ về những lần mình đã bày chiêu trò để xin xỏ với Chúa, với Đức Mẹ, với các thánh thế nào? Bạn đã khấn hứa những gì? Bình tâm nhìn lại để xem đâu là cách thức xứng hợp để tương quan với các Ngài.

2/ Không chỉ riêng ai (cc. 24-28)

Mời bạn đọc tiếp bản văn. Thế ra đâu chỉ có hai anh em nhà Dêbêđê, mà tất cả những môn đệ còn lại. Cũng đâu chỉ dừng lại trong nhóm Mười Hai mà là tất cả chúng ta mọi thời.

Vậy bài học sử dùng quyền bính như sự phục vụ là dành cho tất cả chúng ta. Bộ đời sống Thánh hiến và Tu đoàn tông đồ có ra huấn thị The Service of Authorities and Obedience (tạm dịch: Sự phục vụ của quyền bính và lời khấn Vâng phục) vào bát nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày 11/5/2008.[1] Huấn thị viết cho “đời tu”, nhưng chắc hẳn câu chuyện quyền bính là của mọi xã hội, mọi tổ chức, mọi nơi, mọi thời.

Mời bạn suy xét về cách thức sử dụng quyền bính của mình trong vai trò nghề nghiệp và trong các mối tương quan của mình.

+ Xét về ước muốn: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (câu 26)

+ Xét về hành động: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (câu 27)

+ Chiêm ngắm mẫu gương phục vụ của đức Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Cuối cùng, bạn hãy áp dụng cho bản thân mình về 3 điểm này.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về cách thức bạn sử dụng quyền bính.

Nài xin thánh Giacôbê chuyển cầu cho bạn biết sử dụng quyền bính đẹp ý Chúa, theo mẫu gương của Chúa Giêsu.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

[1] https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccscrlife/documents/rc_con_ccscrlife_doc_20080511_autorita-obbedienza_en.html 

5/7/23

Thứ ba TN.XV: Giá mà (Mt 11,20-24)

 20Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:

21“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 22Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu quở trách những người chai lì trong tội lỗi.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những ân huệ và cơ hội Thiên Chúa tặng ban, để tôi khao khát nên “hoàn thiện như Cha Trên Trời”; đồng thời xin ơn sám hối cho mọi chểnh mảng của bản thân trong đời sống đạo, trong tương quan với Thiên Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

Kiểu nói ‘giá mà’ thường được dùng trong trường hợp tiếc nuối điều gì đó mà mình đã bỏ lỡ cơ hội, vì đó mà mình gây ra thiệt hại cho bản thân hoặc người khác.

Hôm nay, đức Giêsu cũng dùng kiểu nói ‘giá mà’ để tiếc nuối cho những “thành” đang được hưởng phước lành mà không nhận ra điều đó. Thay vì nhận ra để biết ơn và thay đổi cuộc sống, những “thành” ấy vẫn tưởng đó là điều tự nhiên, theo lẽ đương nhiên mình được hưởng!

Mời bạn dùng câu chuyện của các “thành” mà nghiêm túc suy xét về cuộc đời mình. Để thực hiện, bạn hãy chuẩn bị tâm hồn bằng việc thực hiện phần nhập nguyện cách thành tâm; rồi đọc chậm lại câu chuyện được bản văn trình thuật. Cuối cùng là áp dụng từng câu nói của đức Giêsu vào chính bản thân mình.

Để giúp bản thân đào sâu và xin ơn sám hối, bạn hãy nhớ lại mọi ân huệ Thiên Chúa ban cho bạn: ơn sự sống, ơn có cha có mẹ – thầy cô – bạn bè, ơn được làm người, ơn được làm con Chúa và lãnh nhận bao phương tiện ban ân sủng ngang qua Giáo Hội, ơn nuôi dưỡng qua môi trường sinh thái, ơn tha tội, ơn hướng về cùng đích là sự sống đời đời hạnh phúc bên Chúa, ơn chết lành… Hãy nhớ lại những thời điểm, những khung cảnh bạn nhận được những ơn lành đó.

Dành đủ thời gian để tạ ơn Chúa về từng ân huệ Thiên Chúa đã trao ban nhưng không cho bạn. Hãy sám hối vì những lần bạn chưa nhận ra ân huệ Chúa và quên cám ơn Ngài. Hãy sám hối vì những lần mình lạm dụng ân huệ Chúa để thỏa mãn tư dục.

Kết nguyện

Bày tỏ lòng sám hối và xin ơn sống xứng đáng với những ân huệ Chúa ban.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

Thứ ba TN.XIV: Thành tâm thiện ý (Mt 9,32-38)

32Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” 34Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

35Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu biểu lộ Thời Thiên Sai bằng việc chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ơn xin: Xin cho tôi có được con tim biết phân định để tôi chọn lựa theo những giá trị của Chúa và giải thích mọi sự theo cái nhìn của Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Thiện ý (cc. 32-34)

Bạn hãy đọc thánh vịnh 14,1-5a để nghiệm về ý nghĩa của ‘thành ý’

1Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,

được ở trên núi thánh của Ngài?

2Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,

bụng nghĩ sao nói vậy,

3miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,

chẳng làm ai nhục nhã.

4Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính ĐỨC CHÚA,

lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,

5cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.

Bây giờ hãy cùng suy xét:

+ Sự kiện: Đức Giêsu chữa thành công một người câm bị quỷ ám.

+ Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” 

+ Người Pharisiêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

Hãy nhớ lại những sự kiện đời thường và xét xem bản thân bạn và những người xung quanh giải thích sự kiện đó thế nào? Liệu bạn có ứng dụng nguyên tắc “thành ý”, “suy đoán vô tội”; hoặc ít nhất dùng nguyên tắc “cứu vãn ý tưởng” (x. Linh thao số 22) để giảm bớt khuynh hướng giải thích tiêu cực?

Thân thưa với Chúa Giêsu, Đấng luôn phải đối diện với những phản ứng trái chiều như thế.

2/ Thành tâm (cc. 35-37)

Hãy xét xem cách đức Giêsu đi hết các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền. Động cơ nào giúp Ngài thực hiện những điều đó?

Cùng suy xét:

+ Sự kiện: Đức Giêsu thấy dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”

+ Cảm xúc của Ngài: chạnh lòng thương

+ Hành động của Ngài: nói với các môn đệ và chuẩn bị họ để sai họ “đi gặt lúa về”.

Liệu rằng nếu đức Giêsu không thành tâm, Ngài có tiếp tục sứ mạng của Ngài trong bối cảnh liên tục bị giải thích tiêu cực? Bạn muốn nói gì với Ngài về câu chuyện đời thường của bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn được ban cho trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Jovincent (internet)