Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

28/7/23

[29/7 – Thánh Macta-Maria-Lazarô] Cộng thể có Chúa (Ga 11,19-27)

19Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” 27Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những không gian và hội nhóm mà chúng tôi cùng được kinh nghiệm về Chúa, ngay cả trong những biến cố đau thương.

Ơn xin: Xin cho tôi nhạy bén với những cơ hội Chúa mở ra trong đời tôi để ngang qua đó tôi được trải nghiệm kinh nghiệm có Chúa ở đó trong đời tôi, để tôi thêm gắn bó với Chúa và gắn bó với nhau.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Bạn vẫn thường nghe nói rằng: Không ai lên thiên đàng một mình. Giáo Hội tôn phong và lập lễ cho ba chị em thánh Macta-Maria-Lazarô nhằm tuyên dương kinh nghiệm đức tin gắn liền với một tập thể/cộng thể.

1/ Gia đình Bêtania (cc. 45-46)

Bạn dùng trí nhớ để nhớ lại câu chuyện về chị em nhà Macta-Maria-Lazarô. Nhà họ ở làng Bêtania, gần Giêrusalem. Mỗi lần lên Giêrusalem, đức Giêsu và các môn đệ thường dừng chân ở nhà họ, nhiều đến nỗi mà họ trở nên rất thân thiết với nhau. Tin Mừng đã ghi lại những câu chuyện liên quan đến chị em họ ít là 3 lần. Một cuộc thăm viếng trong đó Macta cảm thấy khó chịu khi cô em Maria cứ ngồi đó mà nghe đức Giêsu kể chuyện (Lc 10,38-42), lần đại tang là cái chết của em Lazarô (Ga 11,1-44) và cuộc viếng thăm gần ngày đức Giêsu bước vào cuộc thương khó (Ga 12,1-11) trong đó cô Maria đã lấy dầu thơm xức chân đức Giêsu.

Họ thân nhau đến mức khi Lazarô ngã bệnh nặng thì chị em Macta-Maria nhắn với thầy Giêsu: “Người thầy thương mến đang đau nặng” (Ga 11,3)

Mời bạn dành thời gian để thưởng nếm tình thương mến giữa ba chị em nhà Bêtania với thầy Giêsu và nhóm Mười Hai. Rồi nhớ đến những không gian và nhóm hội đã giúp bạn gắn bó với Chúa.

2/ Vui buồn sướng khổ (cc. 19-20)

Hôm nay, mời bạn bước vào gia đình Bêtania trong một không gian ảm đạm: đám tang Lazarô. Quan sát khung cảnh đó: những người đến viếng, chị Macta, chị Maria…

Quan sát sự xuất hiện của đức Giêsu ở bên ngoài nhà đám. Nhìn ngắm chị Macta đi đón đức Giêsu. Ngài đến với gia đình Bêtania trong mọi cảnh huống vui buồn sướng khổ của cuộc đời.

3/ Có Chúa trong cộng thể (cc. 21-27)

Nhìn ngắm cộng thể của gia đình Bêtania: Chị Macta luôn là người sắp xếp, điều phối mọi sự trong cộng thể đó; chị Maria như một trợ tá tuyệt vời, còn em út Lazarô luôn được chăm sóc “ngồi đồng bàn” với đức Giêsu và các môn đệ.

Macta nói với thầy Giêsu: “nếu có Thầy ở đây thì em tôi đã không chết”. Bạn nghe được gì trong câu nói đó?

Còn lời này bộc lộ điều gì nơi chị Macta? “22Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” – cảm nghiệm sự “lên xuống” trong tâm hồn đau khổ của chị lớn/chị hai trước cái chết của em mình.

Bạn hãy chiêm nghiệm tiếp cuộc đối thoại của họ để trải nghiệm mối tương quan tin tưởng giữa họ.

-       “Em chị sẽ sống lại!” 

-       “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 

-       “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” 

-       “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Áp dụng bản thân: Nghĩ về một cộng thể đức tin mà bạn thuộc về. Cách thức vận hành của cộng thể đó thế nào? Chúa Giêsu có vị thế nào trong cộng thể đó?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những kinh nghiệm sâu đậm trong đức tin mà bạn có trong cộng thể của bạn. Diễn tả lòng biết ơn sâu xa về kinh nghiệm đó.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

24/7/23

[25/7 Thánh Giacôbê Tông Đồ] Không thánh nào mà không có một quá khứ (Mt 20,20-28)

20Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” 23Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy về sự phục vụ của quyền bính nhân cơ hội bà mẹ dẫn hai con trai đến xin đức Giêsu ban đặc ân.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra rằng mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa; Ngài thông chia một phần quyền bính để con người được cùng Ngài quản trị và xây dựng thế giới tạo thành của Ngài; và xin cho tôi biết sống vai trò “vương đế” mà tôi đã lãnh nhận trong ngày chịu Phép Rửa cho nên.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Câu nói “không vị thánh nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào mà không có tương lai” [“Every saint has a past, every sinner has a future”] được cho là trích trong vở kịch A Woman of No Importance của Oscar Wilde (1854-1900). Trong ngày lễ kính thánh Giacôbê tông đồ, chúng ta được chiêm ngắm “quá khứ” hám danh của Ngài, để biết rằng bạn được ban cho tiềm năng làm thánh.

1/ Chạy chọt tìm tư lợi (cc. 20-23)

Bạn hãy đọc bản văn thật chậm, để ý xem cách ba mẹ con lên kế hoạch với nhau, cách họ đến trước mặt đức Giêsu, cách họ nói năng thưa gởi, cách họ chấp nhận mọi điều kiện…

Quan sát cách đức Giêsu đã xử lý câu chuyện này: Cách Ngài lắng nghe, trả lời, đặt vấn đề… và cách Ngài chốt vấn đề thế nào.

Thế ra câu chuyện “chạy chọt” để tìm tư lợi không chỉ có ở “trần gian” mà còn có trong cả đời sống đức tin! Bạn hãy nhớ về những lần mình đã bày chiêu trò để xin xỏ với Chúa, với Đức Mẹ, với các thánh thế nào? Bạn đã khấn hứa những gì? Bình tâm nhìn lại để xem đâu là cách thức xứng hợp để tương quan với các Ngài.

2/ Không chỉ riêng ai (cc. 24-28)

Mời bạn đọc tiếp bản văn. Thế ra đâu chỉ có hai anh em nhà Dêbêđê, mà tất cả những môn đệ còn lại. Cũng đâu chỉ dừng lại trong nhóm Mười Hai mà là tất cả chúng ta mọi thời.

Vậy bài học sử dùng quyền bính như sự phục vụ là dành cho tất cả chúng ta. Bộ đời sống Thánh hiến và Tu đoàn tông đồ có ra huấn thị The Service of Authorities and Obedience (tạm dịch: Sự phục vụ của quyền bính và lời khấn Vâng phục) vào bát nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày 11/5/2008.[1] Huấn thị viết cho “đời tu”, nhưng chắc hẳn câu chuyện quyền bính là của mọi xã hội, mọi tổ chức, mọi nơi, mọi thời.

Mời bạn suy xét về cách thức sử dụng quyền bính của mình trong vai trò nghề nghiệp và trong các mối tương quan của mình.

+ Xét về ước muốn: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (câu 26)

+ Xét về hành động: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (câu 27)

+ Chiêm ngắm mẫu gương phục vụ của đức Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Cuối cùng, bạn hãy áp dụng cho bản thân mình về 3 điểm này.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về cách thức bạn sử dụng quyền bính.

Nài xin thánh Giacôbê chuyển cầu cho bạn biết sử dụng quyền bính đẹp ý Chúa, theo mẫu gương của Chúa Giêsu.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

[1] https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccscrlife/documents/rc_con_ccscrlife_doc_20080511_autorita-obbedienza_en.html 

5/7/23

Thứ ba TN.XV: Giá mà (Mt 11,20-24)

 20Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:

21“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 22Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu quở trách những người chai lì trong tội lỗi.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những ân huệ và cơ hội Thiên Chúa tặng ban, để tôi khao khát nên “hoàn thiện như Cha Trên Trời”; đồng thời xin ơn sám hối cho mọi chểnh mảng của bản thân trong đời sống đạo, trong tương quan với Thiên Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

Kiểu nói ‘giá mà’ thường được dùng trong trường hợp tiếc nuối điều gì đó mà mình đã bỏ lỡ cơ hội, vì đó mà mình gây ra thiệt hại cho bản thân hoặc người khác.

Hôm nay, đức Giêsu cũng dùng kiểu nói ‘giá mà’ để tiếc nuối cho những “thành” đang được hưởng phước lành mà không nhận ra điều đó. Thay vì nhận ra để biết ơn và thay đổi cuộc sống, những “thành” ấy vẫn tưởng đó là điều tự nhiên, theo lẽ đương nhiên mình được hưởng!

Mời bạn dùng câu chuyện của các “thành” mà nghiêm túc suy xét về cuộc đời mình. Để thực hiện, bạn hãy chuẩn bị tâm hồn bằng việc thực hiện phần nhập nguyện cách thành tâm; rồi đọc chậm lại câu chuyện được bản văn trình thuật. Cuối cùng là áp dụng từng câu nói của đức Giêsu vào chính bản thân mình.

Để giúp bản thân đào sâu và xin ơn sám hối, bạn hãy nhớ lại mọi ân huệ Thiên Chúa ban cho bạn: ơn sự sống, ơn có cha có mẹ – thầy cô – bạn bè, ơn được làm người, ơn được làm con Chúa và lãnh nhận bao phương tiện ban ân sủng ngang qua Giáo Hội, ơn nuôi dưỡng qua môi trường sinh thái, ơn tha tội, ơn hướng về cùng đích là sự sống đời đời hạnh phúc bên Chúa, ơn chết lành… Hãy nhớ lại những thời điểm, những khung cảnh bạn nhận được những ơn lành đó.

Dành đủ thời gian để tạ ơn Chúa về từng ân huệ Thiên Chúa đã trao ban nhưng không cho bạn. Hãy sám hối vì những lần bạn chưa nhận ra ân huệ Chúa và quên cám ơn Ngài. Hãy sám hối vì những lần mình lạm dụng ân huệ Chúa để thỏa mãn tư dục.

Kết nguyện

Bày tỏ lòng sám hối và xin ơn sống xứng đáng với những ân huệ Chúa ban.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

Thứ ba TN.XIV: Thành tâm thiện ý (Mt 9,32-38)

32Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” 34Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

35Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu biểu lộ Thời Thiên Sai bằng việc chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ơn xin: Xin cho tôi có được con tim biết phân định để tôi chọn lựa theo những giá trị của Chúa và giải thích mọi sự theo cái nhìn của Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Thiện ý (cc. 32-34)

Bạn hãy đọc thánh vịnh 14,1-5a để nghiệm về ý nghĩa của ‘thành ý’

1Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,

được ở trên núi thánh của Ngài?

2Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,

bụng nghĩ sao nói vậy,

3miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,

chẳng làm ai nhục nhã.

4Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính ĐỨC CHÚA,

lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,

5cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.

Bây giờ hãy cùng suy xét:

+ Sự kiện: Đức Giêsu chữa thành công một người câm bị quỷ ám.

+ Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” 

+ Người Pharisiêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

Hãy nhớ lại những sự kiện đời thường và xét xem bản thân bạn và những người xung quanh giải thích sự kiện đó thế nào? Liệu bạn có ứng dụng nguyên tắc “thành ý”, “suy đoán vô tội”; hoặc ít nhất dùng nguyên tắc “cứu vãn ý tưởng” (x. Linh thao số 22) để giảm bớt khuynh hướng giải thích tiêu cực?

Thân thưa với Chúa Giêsu, Đấng luôn phải đối diện với những phản ứng trái chiều như thế.

2/ Thành tâm (cc. 35-37)

Hãy xét xem cách đức Giêsu đi hết các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền. Động cơ nào giúp Ngài thực hiện những điều đó?

Cùng suy xét:

+ Sự kiện: Đức Giêsu thấy dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”

+ Cảm xúc của Ngài: chạnh lòng thương

+ Hành động của Ngài: nói với các môn đệ và chuẩn bị họ để sai họ “đi gặt lúa về”.

Liệu rằng nếu đức Giêsu không thành tâm, Ngài có tiếp tục sứ mạng của Ngài trong bối cảnh liên tục bị giải thích tiêu cực? Bạn muốn nói gì với Ngài về câu chuyện đời thường của bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn được ban cho trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Jovincent (internet) 

4/7/23

Thứ ba TN.XIII: Thiên Chúa thinh lặng (Mt 8,23-27)

23Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. 24Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. 25Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” 26Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ.

27Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Biển hồ Tiberia vào buổi giông gió. Đức Giêsu “ra lệnh” cho các môn đệ qua bờ bên kia. Ngài bước xuống thuyền, các ông theo sau. Có thể sau những phép lạ chữa bệnh, dân chúng đu bám đức Giêsu nên Ngài muốn lánh đi.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu được sự thinh lặng của Thiên Chúa trong hành trình đức tin của mình, để tôi kiên vững bước đi cùng Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện khác]

Gợi ý cầu nguyện

Cha Karl Rahner S.J có viết cuốn sách Réo gọi vị Thiên Chúa thầm lặng. Thiên Chúa vốn thầm lặng, thinh lặng, ẩn mình, đơn giản… Mời bạn trải nghiệm kinh nghiệm đó ngang qua kinh nghiệm của các môn đệ.

Với phương pháp cầu nguyện này, bạn chỉ cần thành khẩn dọn lòng bằng phần nhập nguyện, rồi chậm rãi lần theo từng câu từng chữ của chính bản văn. Dành đủ thời gian để cảm nghiệm và ứng dụng vào bản thân, cũng như chuyện trò với vị Thiên Chúa thầm lặng của đời bạn. Bạn hoàn toàn tự do để ngẫm nghiệm trong Chúa Thánh Thần. Sau đây chỉ là một vài gợi ý rất nhỏ để bạn bám theo, nếu bạn cảm thấy cần đến.

Bản văn Kinh Thánh

Vài gợi ý suy niệm

23Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. 

Ai chủ động, ai bị động đi theo? Tâm thế của họ thế nào?

24Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền,

Có Chúa trong thuyền, vậy mà “bỗng nhiênbiển động mạnh”. Điều đó nói gì về Thiên Chúa của bạn? Ngài có đó sao mọi sự vẫn ập đến, tác động vào chiếc thuyền đời bạn?

nhưng Người vẫn ngủ. 

Nhìn kìa, Ngài đang ngủ! Bạn cảm thấy thế nào khi thấy Ngài cứ ngủ, bỏ mặc bạn với sóng gió cuộc đời?

25Các ông lại gần đánh thức Người

“Lại gần” – trong gian khó bạn lại gần hay xa lìa Chúa? Bạn có “đánh thức” Ngài bằng những lời cầu xin khẩn thiết?

và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” 

Bạn thường nói gì với Ngài trong cơn nguy biến?

26Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!”

Nhìn ngắm một Giêsu bị đánh thức. Ngài quở trách các ông. Liệu có phải Ngài bực mình vì bị quấy rầy khi đang ngủ?

Có khi nào bạn từng “mím môi lại” để cố thêm một chút vì biết Ngài đang ở đây với bạn?

Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ.

Nhìn ngắm Thiên Chúa hành động để trấn an bạn giữa biển đời.

Giả như Thiên Chúa vẫn tiếp tục thinh lặng và không biểu tỏ quyền năng của Ngài, liệu bạn còn tin Ngài?

27Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Nói về các môn đệ, thánh sử Matthêu gọi họ là “người ta”: một nhóm người xa lạ với đức Giêsu. Họ chưa thể là “môn đệ” Ngài. Thánh sử cũng gọi đức Giêsu là “ông này”… Tất cả đều xa lạ với nhau. Liệu rằng sau bao năm “theo đạo”, Thiên Chúa vẫn còn rất xa lạ đối với bạn?

Có cái kinh ngạc dẫn đến phụng thờ; có cái kinh ngạc chỉ làm thỏa mãn óc tò mò.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về cách thức bạn đi theo và khám phá về Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

30/6/23

Thứ bảy TN.XII: Sức mạnh của Lời (Mt 8,5-17)

5Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6“Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” 8Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” 10Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. 12Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” 13Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

14Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. 15Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà trỗi dậy phục vụ Người.

16Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, 17để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu biểu lộ Thời Thiên Sai bằng việc chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ơn xin: Xin cho tôi có được những trải nghiệm về sức mạnh của Lời Chúa – Lời phát ra từ miệng của Ngôi Lời – để tôi được Ngài nuôi dưỡng bảo ban mỗi ngày.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Tin vào Lời (cc. 5-12)

Danh từ Hy Lạp “logos” có nghĩa “lời nói”. Triết học Hy Lạp dùng từ “logos” chỉ thực thể vĩnh hằng, nguyên lý thần linh hay linh hồn của vũ trụ. Lời tựa Tin Mừng Gio-an dùng từ “Logos” (Lời) để nói đến một ngôi vị, vì Lời được đồng hoá với Đức Giê-su trong nội dung Tin Mừng.[1] Tiếng Việt dùng từ Ngôi Lời để chỉ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.

Bạn hãy đọc chậm câu chuyện. Đặt mình trong bối cảnh để quan sát cách chi tiết đức Giêsu và ông đại đội trưởng (Rôma) – “một người ngoại”.

+ Thưởng nếm tình yêu đặc biệt mà ông đại đội trưởng dành cho người lính của mình. Ngẫm nghĩ về sự cách biệt về địa vị, tuổi tác giữa họ.

+ Trải nghiệm cách thức ông đại đội trưởng chuyển hóa từ kinh nghiệm tự nhiên trong ngành nghề của mình sang niềm tin vào sức mạnh của Lời từ miệng đức Giêsu.

+ Lắng nghe cách đức Giêsu chuẩn nhận đức tin của ông đại đội trưởng. Ngài đồng thuận với niềm tin của ông.

Áp dụng: Bạn có tin vào sự sống động của Lời Chúa như là Lời sáng tạo, Lời tác thành?

2/ Sức mạnh của Lời (cc. 13-17)

Chương đầu tiên của sách Sáng Thế cho ta trải nghiệm sức mạnh của Lời: “Thiên Chúa phán…”, “… liền có…” (x. St 1,1-25). Đó là Lời sáng tạo, Lời tác thành.

Đọc câu 13, dừng lại cảm nghiệm sức mạnh của Lời đã chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng.

Đọc câu 16, chiêm ngắm cách đức Giêsu chữa lành bà mẹ vợ của Phêrô. Đi kèm theo cử chỉ chạm đến bà, liệu Ngài có nói gì với bà không?

Đọc câu 17, cảm nghiệm sức mạnh của Lời đã chữa lành mọi bệnh tật và trừ ma quỷ thế nào.

Áp dụng: Bạn có trải nghiệm nào về sức mạnh của Lời Chúa trong đời bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về cách bạn tương tác với Lời Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

 



[1] Lê Minh Thông, OP, http://daminhvn.net/tim-hieu-kinh-thanh/ga-11-13-loi-logos-la-su-song-la-anh-sang-cho-loai-nguoi-5091.html 

26/6/23

Thứ ba TN.XII: Phân định (Mt 7,6.12-14)

6“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.

12“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.

13“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. 14Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ cách thức phân định.

Ơn xin: Xin cho tôi có được con tim biết phân định để tôi chọn lựa theo những giá trị của Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Phân định khôn ngoan

Bạn hãy đọc chậm bản văn và suy niệm từng câu một để nghiệm ra triết lý khôn ngoan mà đức Giêsu muốn dạy bạn hôm nay.

+ Câu 6: Thuật đánh giá giá trị mọi sự vật và nhận biết kiểu người tiếp nhận chúng. Hãy khôn ngoan để trao vật đúng người – để không bị “làm ơn mắc oán”.

+ Câu 12: Thuật nhận biết nhu cầu chính đáng của mình, rồi khôn ngoan và chủ động áp dụng điều đó cho người khác.

Câu 12-13: Thuật ước lượng tương lai và chọn phương cách để đi tới.

Bạn muốn nói với Chúa Giêsu điều gì về những gì Ngài dạy bạn hôm nay?

2/ Phân định thiêng liêng

Dù Thiên Chúa là Khôn Ngoan (viết hoa), nhưng Ngài không đến đây chỉ để dạy bạn Đắc Nhân Tâm. Ngài muốn bạn phân định mọi sự bằng con mắt thiêng liêng. Hãy thử ứng dụng.

Câu 6: Có điều gì đó là thánh thiêng, là vĩnh cửu trong những gì bạn đang thấy trong thế giới này? Ai sẽ là người có cùng đôi mắt thiêng liêng với bạn? Có cùng ơn đức tin như bạn để tiếp nhận? [Thánh Phaolô từng đau khổ khi anh em Dothái đồng bào với Ngài khước từ đức tin vào đức Giêsu Kitô mà Ngài rao giảng – Chọn lựa của Ngài là “quay về phía dân ngoại”. Dầu vậy, Ngài vẫn không tránh khỏi rất nhiều sự bách hại bởi người đồng bào của Ngài.]

Câu 12: Có lời mời gọi nào vượt qua cái tôi trung tâm để hướng về tha nhân, hướng về Thiên Chúa?

Câu 13-14: ‘Đường rộng đường hẹp’ có nghĩa là gì trong đời sống thiêng liêng? Trong những chọn lựa đức tin?

Bạn muốn nói với Chúa Giêsu điều gì về những gì Ngài dạy bạn ở mức độ thiêng liêng?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về ơn khai sáng mà bạn nhận được trong giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

ảnh: internet

23/6/23

[24/06-Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả] Được tuyển chọn từ trong lòng mẹ (Lc 1,57-66.80)

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

80Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nơi miền núi Giuđêa, trong ngôi nhà ông bà Dacaria.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm được niềm vui trong gia đình Gioan Tẩy Giả và nhận biết ơn gọi mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho tôi từ khi cho tôi được thụ thai trong lòng mẹ.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chung vui (cc. 57-58)

Mời bạn vào vai của các người hàng xóm của gia đình ông bà Dacaria. Đâu là những câu chuyện được truyền đi giữa những người xóm giềng trong suốt 9 tháng 10 ngày?

Hôm nay, mọi người lũ lượt kéo đến nhà ông Dacaria để nhìn xem cuộc chào đời lạ thường của một em bé được sinh ra bởi một “mẹ già”. Ngắm nhìn ngôi nhà, cảm nhận bầu khí. Ngắm nhìn em bé… Bạn tạ ơn Chúa về điều gì?

2/ Nhìn nhận sự tuyển chọn (cc. 59-66)

Hãy trở lại ngôi nhà đó sau 8 ngày. Đó là ngày cử hành nghi lễ cắt bì (một biểu tượng thuộc về Dân Riêng, tương tự như lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy để gia nhập đạo Công Giáo). Trong đó kèm theo việc đặt tên. Người ta muốn làm theo thông lệ: lấy tên cha đặt cho con [trong tiếng Anh cũng có truyền thống này: sau đó người ta phân biệt bằng cách thêm chữ Senior sau tên cha, và chữ Junior sau tên con.]

+ Lắng nghe và nhìn ngắm cách người mẹ lên tiếng không đồng ý. Điều đó phản ánh xác tín nội tâm nào nơi bà Êlisabet?

+ Nhìn ngắm tiến trình người cha diễn đạt ý kiến của mình. Nhìn vào tấm bảng với dòng chữ “Tên nó là Gioan”. Bạn cảm nghiệm được gì trong xác tín nội tâm của ông Dacaria? Điều gì đã diễn ra trong lòng ông trong suốt 9 tháng 10 ngày ấy? Bạn có nghe được điều ông nói sau khi được mở miệng (hết câm)?

+ Bạn và những người láng giềng nói gì với nhau? Cảm nghiệm thế nào lúc này và cả những ngày sau đó?

Áp dụng bản thân: Ngẫm nghĩ về bản thân để tự nhận diện lại quá trình bạn nhận ra lời mời gọi của Chúa dành cho bản thân. Nếu chưa nhận ra, hãy nài xin Chúa ban cho ơn ấy.

3/ Lớn lên trong ân sủng (c. 80)

Nhìn ngắm bé Gioan lớn lên từng ngày. Càng lớn tinh thần càng vững mạnh. Nhìn ngắm cậu sinh tồn trong hoang địa là nơi khắc nghiệt… chuẩn bị cho ngày “ra mắt với toàn dân” để thi hành một sứ vụ khắc nghiệt.

Áp dụng bản thân: nhìn vào bản thân, bạn thấy mình được sinh ra cho sứ mạng gì? Bạn đã và đang làm gì để chuẩn bị cho việc hoàn thành sứ mạng đó?

Kết nguyện

Thân thưa với Thánh Gioan về những gì bạn cảm nghiệm được trong giờ cầu nguyện.

Tạ ơn Thiên Chúa bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

20/6/23

Thứ ba TN.XI: Ngoại thường (Mt 5,43-48)

43“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù44Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Một thế giới phân tán, chia rẽ, chiến tranh và hận thù.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn cảm hiểu về giá trị của lòng tha thứ và tình yêu dành cho “kẻ thù”; để tôi sống và làm chứng cho giá trị Tin Mừng theo giương Chúa Giêsu.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Yêu kẻ thù (cc. 43-44)

+ Kẻ thù: Ai đó/biến cố gây nên sự ngược đãi bạn, làm bạn bị tổn thương về thể chất, tinh thần và thiêng liêng. Hãy ngẫm xem bạn có “kẻ thù” kiểu này không? Nếu có, bạn hãy kể cho Chúa nghe câu chuyện tổn thương đó. Hãy nói với Ngài về nỗi đau bao năm của bạn, về những cảm xúc tiêu cực bạn dồn nén trong tim… Nếu bạn thấy còn quá ứ nghẹn với câu chuyện xưa đó, đừng ngại tìm đến sự trợ giúp của người có chuyên môn tâm lý. Chúa sẽ cứu độ bạn khi tâm lý bạn được giải thoát, và ban cho bạn khả năng tha thứ và yêu thương “kẻ thù”.

+ Người ngược đãi: có thể do giới hạn của họ đã không thể làm điều tốt hơn cho bạn. Có thể do điều kiện môi trường bị hạn chế. Có thể họ làm theo mệnh lệnh nào đó. Nhưng cũng có thể bạn cảm thấy bị ngược đãi vì họ/môi trường không đáp ứng được kỳ vọng của bạn. Ở điểm này, cũng hãy nói với Chúa về họ, về môi trường, về kỳ vọng bản thân… và xin ơn bao dung trong đời sống.

+ Người đối nghịch/khác biệt: kiểu cuối cùng “kẻ thù” đơn giản là những người/những gì quá khác biệt với bạn; nằm ngoài mong cầu của bạn. Cũng hãy nói với Chúa về cảm giác khó chịu của bạn. Hãy chiêm ngắm sự giàu có và phong phú nơi Thiên Chúa để xin ơn cởi mở và tôn trọng những khác biệt; và nhìn sự khác biệt là sự bổ trợ và phong phú hơn là mối đe dọa.

2/ Lý do (cc. 45.48)

+ “được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” – Đấng rộng lượng.

+ thực hiện lời mời: “hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

3/ Ngoại thường (cc. 46-47)

Hãy suy nghĩ lại cách sống của bạn giữa xã hội hôm nay, trong gia đình, khu xóm, công sở… Bạn có thấy mình đã “làm gì khác thường” theo nghĩa tích cực chưa? Đó là những gì? Bạn cảm thấy hạnh phúc hay bị ức chế khi làm như thế?

Bạn mơ ước sẽ sống và làm thêm những gì để người ta nhận ra bạn “khác thường” vì bạn là một Kitô hữu?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn cảm hiểu được qua bài cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

12/6/23

Thứ ba TN.X: Lan tỏa dù lộ hay ẩn (Mt 5,13-16)

13a“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? 13aNó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ về vai trò của người môn đệ giữa lòng thế giới này.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết về vai trò của Kitô hữu giữa lòng thế giới hôm nay, và ơn can đảm để sống ơn gọi đó đến cùng.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ẩn để ướp (c.13)

Muối là một hợp chất được Thiên Chúa ban tặng cách dồi dào trong nước biển (chiếm ¾ diện tích Trái Đất). Hãy ngẫm nghĩ về tính chất của muối. Hãy nhớ đến kinh nghiệm sử dụng muối để bảo quản thực phẩm trong dân gian, khi chưa có phát minh tủ lạnh. Ngẫm nghĩ về hương vị bạn đã kinh nghiệm về muối: trong thực phẩm, trong các liệu pháp tăng cường sức khỏe và làm đẹp…

Bạn có thể thấy muối, nhưng để phát huy được công dụng của nó thì nó phải tan ra, thẩm thấu vào trong các vật thể mà nó được ướp vào. Tương tự, bạn hãy ngẫm về hành trình “phát huy công dụng” của bạn khi là một Kitô hữu trong thế giới ngày nay. Liệu bạn có muốn tan chảy, ẩn mình đi như thế?

2/ Lộ để làm chứng (cc. 14-16)

Đọc chậm các câu 14-16, suy nghĩ về biểu tượng “ánh sáng” đức Giêsu sử dụng. Áp dụng biểu tượng đó vào đời Kitô hữu của bạn. Bạn có ngại phải lộ diện để làm chứng cho Chúa bằng các điều tốt đẹp, bằng đời sống gương mẫu, bằng những ước muốn tốt lành của bạn? Bạn có ước muốn và sẵn sàng lộ diện để thu hút người ta đến với Thiên Chúa ngang qua bạn?

Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,22-23). Đó là mẫu gương bạn có thể học theo.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về ý thức của bạn về vai trò làm chứng cho Ngài trong các bối cảnh cụ thể.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet