Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

18/11/22

Thứ bảy TN.XXXIII: Tất cả đều đang sống (Lc 20,27-40)

27Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30Người thứ hai, 31rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

34Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp38Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

39Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Trên hành trình lên Giêrusalem, đức Giêsu trả lời vấn đề kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
  • Ơn xin: Xin cho tôi nhận thức được ân huệ sự sống đời đời, xác tín vào niềm tin có sự sống đời sau và xác loài người ngày sau sống lại; để tôi biết sống và đầu tư cho hành trình hạnh phúc viên mãn đó.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

1/ Niềm tin vào sự sống đời sau (c.27)

Nhìn chung, người Do Thái nhiều thế hệ tin vào sự thưởng phạt ở đời này. Giàu có và đông con nhiều cháu là sự chúc lành của Đức Chúa. Nghèo, khổ, vô sinh, góa bụa… là sự chúc dữ của Đức Chúa.  Mãi đến thế kỷ II trước Công nguyên, với cuộc bách hại tôn giáo và phong trào Hy Lạp hóa, sách Đaniel kể chuyện về 3 thiếu niên Do Thái là Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô bị vua Nabucôđônôsô ném vào lò lửa mà không hề hấn gì: Vì Người đã kéo ta ra khỏi âm phủ, đã cứu ta khỏi tay tử thần, và đã giải thoát ta khỏi lò lửa nóng bừng, khỏi lửa hồng đốt cháy.” (Đn 3,88) và những thị kiến về thời cánh chung được kể bằng văn chương khải huyền (Đn 2; 7-8; 10-12).

Trong cuộc nổi dậy của gia đình Macabê, với thực hành quyên tiền gởi về Giêrusalem để xin cầu nguyện cho các tử sĩ (x. 2Mcb 12,38-45) thì niềm tin vào sự sống đời sau mới dần dần lộ diện: “43Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại” (2Mcb 12,43). Đó cũng là lý do để họ có thể hy sinh mạng sống đời tạm này vì hy vọng vào sự giải thoát và ân thưởng của Thiên Chúa hằng sống. [ông lão Eliaza (x. Đn 6,18-31), 7 anh em của một gia đình (x. Đn 7,1-42)]

Tuy nhiên, sau 2 thế kỷ, không phải tất cả những người Do Thái đương thời với đức Giêsu đều tin vào sự sống đời sau, điển hình là nhóm Sađốc (quý tộc, thân Vua, và am hiểu lề luật).

Còn bạn, sau hơn 2000 năm, hôm nay hãy trả lời cho bản thân mình về niềm tin này: Có hay không có sự sống đời sau? Tin hay không tin? Sống như thể có thế giới mai hậu hay chỉ có “60 mươi năm cuộc đời” rồi “chết là hết”?

2/ Đặt vấn đề bằng cách kể chuyện (cc. 28-32)

Bạn hãy dành thời gian để đọc cách mà nhóm người Sađốc đặt vấn đề về sự tiếp nối có vẻ phi lí và rắc rối từ đời này sang đời sau (nếu có). Họ kể cả một câu chuyện. Khác với lối cãi lý và những câu kết luận của khoa học và triết học thời hiện đại.

Có bao giờ tôi ngoan cố biện minh cho những niềm tin có sẵn của mình, để khước từ một sự thật đang được vén mở?

3/ Tất cả đều đang sống (cc. 33-40)

-       Đời sau không còn lấy vợ lấy chồng, họ “trường sinh” nên không cần kẻ nối dõi -- Suy nghĩ về cảm thức thuộc về và khao khát lưu giữ chính mình: khi còn nhỏ, lúc trưởng thành, khi về già… Điều đó phản ánh gì về nỗi lo “mất mình” của bạn?

-       “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. ” -- Đức Giêsu nhắc đến việc Đức Chúa tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa của những người đã chết, và ở thì hiện tại. Ngài sống, và họ sống trong Ngài. Hãy xét xem tôi đang sống hay chết trong cái nhìn của Thiên Chúa? Sống và chết thiêng liêng có nghĩa là gì? Hình vẽ sau giúp bạn mô phỏng cái nhìn này trong Thiên Chúa.

 -       39Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.” -- Còn bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những điều bạn nhận ra trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest

12/11/22

Thứ bảy TN.XXXII: Kiên tâm cầu nguyện (Lc 18,1-8)

1Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’”

6Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ kiên tâm cầu nguyện bằng dụ ngôn.
  • Ơn xin: Xin cho tôi học được bài học đức Giêsu dạy để biết quảng đại dành thời gian cầu nguyện, và tin vào kết quả lớn lao của cầu nguyện, dù không dễ đo đếm được chúng.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Mẫu gương cầu nguyện (c.1)

Nhìn ngắm đức Giêsu cầu nguyện trong suốt hành trình dương thế của Ngài.

+ Khi nhỏ Ngài đã học và thực hành cầu nguyện thế nào?

+ Suốt 30 năm ẩn dật, Ngài đã chiêm ngắm thế giới thiên nhiên, câu chuyện đời thường bằng con mắt siêu nhiên thế nào? Ngài đã quy chúng về Chúa Cha thế nào? Ngài đã đọc được ý nghĩa gì trong đó?

+ Trong những năm hoạt động công khai, Ngài đã cầu nguyện thế nào? Kết quả của việc cầu nguyện đó thế nào?

2/ “xét xử cho rồi” (cc.2-6)

Đọc lại câu chuyện và ngẫm nghĩ về viên “quan tòa bất chính” – Sống tệ bạc như ông mà cũng không chịu nổi sự phiền toái của những lời kêu cứu của bà góa.

Trong kinh nghiệm đời thường bạn có kinh nghiệm đạt được điều gì đó nhờ kiên trì nài xin? Điều bạn nhận được đến từ ước muốn của người trao hay là từ sự miễn cưỡng?

3/ “mau chóng minh xét” (c.7)

Ngẫm về Thiên Chúa. Giả như bạn nghĩ Ngài “tệ” như vị quan toàn kia thì Ngài vẫn “minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn”. Hơn nữa, hãy chắc chắn rằng “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

Điều còn lại là: điều bạn cầu xin là gì? Nó tốt cho bạn hoặc cho người liên quan không? Bạn muốn thấy kết quả của lời cầu xin theo kiểu nào?

4/ “liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (c.8)

Hãy ngẫm về lời tiên báo ảm đạm này. Liệu rằng đến khi Ngài trở lại, có còn ai còn giữ được đức tin vào Ngài, có còn ai còn đang cầu khẩn Ngài?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về điều bạn vừa được khơi lên trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha. 

8/11/22

[09/11-Cung hiến đền thờ Laterano] Tẩy uế tâm hồn (Ga 2,13-22)

13Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” 19Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” 21Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Lễ Vượt Qua, tại đền thờ Giêrusalem.
  • Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những gì còn ẩn núp trong lòng tôi để ngăn cách tôi với Thiên Chúa, để tôi biết loại bỏ chúng mà gắn bó thân mật hơn với Chúa.
  • Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Lễ nghi và thờ phượng đích thực (cc. 13-17)

Bạn hãy đọc và mường tượng cảnh tượng ở “chợ” tiền sảnh đền thờ Giêrusalem, ngày nào cũng thế; hôm nay có vẻ nhộn nhịp hơn do gần lễ Vượt Qua. Đức Giêsu bước vào, Ngài nổi giận và hành động để thay đổi.

Đức Khổng dùng Lễ[1] và Nhạc để thiết lập nền giáo dục toàn diện cho con người trong tôn ti trật tự. Các tôn giáo đều có lễ nghi để tương quan với thần linh. Do Thái Giáo cũng có những lễ kỷ niệm các biến cố lớn trong lịch sử để nhắc nhớ con cháu giữ tương quan với Đức Chúa. Lễ Vượt Qua là một lễ lớn trong năm; trong đó, ngoài nghi thức chính là sát tế con chiên và cử hành nghi thức vượt qua; người tín hữu nhân dịp về Giêrusalem cũng cử hành lễ xá tội, thanh tẩy… bằng việc dâng chiên bò, bồ câu làm lễ toàn thiêu. Mục đích để mang họ đến gần hơn với Đức Chúa. Qua thời gian, ý nghĩa chính có phần bị mai một, người ta chỉ còn chú ý đến các hình thức bên ngoài. Mời bạn suy nghĩ về cách thức mình dâng lễ vật và tìm kiếm sự thân mật với Chúa.

Thánh Têrêsa Avila, trong tác phẩm Lâu đài nội tâm, đã nói đến sự phiền nhiễu trong cư sở 1 và 2. Khi đó, tâm hồn ta chứa đựng đầy những “rắn rết” làm ta không thể hướng sự tập trung vào Chúa. Mời bạn tự duyệt xét về những cản trở bên trong và bên ngoài, những lo ra chia trí đã chen vào giữa bạn và Chúa; ngay cả những điều có vẻ như tốt lành.

2/ Đền thờ đích thực và thờ phượng đích thực (cc. 18-22)

Đọc phần câu chuyện còn lại. Đức Giêsu ví đền thờ là chính thân thể Ngài, là chính Ngài. Đó là đền thờ đích thực – toàn bộ con người và cuộc đời Ngài là một sự thờ phượng đích thực dành cho Chúa Cha.

Như người Do Thái, chúng ta cũng thường hiểu nhầm điều đức Giêsu muốn nói. Chúng ta bận tâm đến câu chữ, thái độ… Chúng ta bị mất khả năng hiểu được điều Ngài thật sự muốn nói.

Nơi nào, bằng cách nào bạn có được sự thời phượng Chúa Cha đích thực?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về đền thờ tâm hồn bạn và cách thức bạn muốn tôn thờ Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

[1] Lễ là lễ nghi thể hiện các quy phạm đạo đức. Lễ mà Khổng Tử nói là lễ nhà Chu, tức là những quy tăc, lễ nghi thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa người với người. (https://www.thivien.net) 

2/11/22

[02/11-Các Đẳng Linh Hồn.C] Đến với và Ở cùng (Ga 6,37-40)

37Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nói về sự sống lại trong bối cảnh của diễn từ Bánh Hằng Sống.
  • Ơn xin: Xin cho tôi xác tín vào ý muốn duy nhất của Chúa Cha là muốn tôi được sống lại và sống muôn đời hạnh phúc bên Ngài, để tôi mạnh dạn sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu trong từng ngày; và để cầu nguyện xin ơn giải thoát của các linh hồn.
  • Lối cầu nguyện: Cầu nguyện với nhịp thở [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập], mục 3

Gợi ý cầu nguyện

Lối cầu nguyện theo nhịp thở rất gần với lối niệm mà chúng ta biết. Lối cầu nguyện này nhẹ nhàng hội nhập bạn vào trong chính câu niệm. Bạn niệm bao lâu có thể để cảm nhận và xác tín được ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho bạn và cho từng con người qua bao thế hệ. Lời niệm chính là lời cầu nguyện tự con tim bạn dâng lên Chúa, nên không nhất thiết làm phần kết nguyện.

Đến với…

Mời bạn tự do niệm tuần tự, hoặc chọn câu để niệm:

Những người Chúa Cha ban cho tôi/ đều sẽ đến với tôi

Ai đến với tôi,/ tôi sẽ không loại ra ngoài

Tôi tự trời mà xuống/ để làm theo ý Đấng đã sai tôi

Ở cùng…

Mời bạn tự do niệm tuần tự, hoặc chọn câu để niệm:

Tôi sẽ không để mất/ một ai

Tôi sẽ cho họ sống lại/ trong ngày sau hết

   Tin vào người Con,/ thì được sống muôn đời 

Ảnh: Internet

31/10/22

Các thánh hiệp hành

Trên ta là toàn thể Các Thánh

Trong ta có vị thánh ẩn tàng

Dưới ta có những Thánh đang tới

Ôi huyền nhiệm hiệp hành thánh thiêng!

 

Chào Tháng Mười Một, tháng hướng đích

Ngày tháng vắn vỏi hướng Tầm Cao

Vươn lên, vươn mãi trong Ơn Chúa

Thầm lặng dâng hiến mãi một đời.

 

Ông Bà Cha Mẹ sinh phước đức

Hậu thế mai sau mãi vuông tròn

Hiện tại nối tiếp vòng ân nghĩa

Khẩn nguyện Ơn Trên mãi tuôn trào.

Ảnh: Internet

28/10/22

Thứ bảy TN.XXX: Vị thế nào cho tôi? (Lc 14,1.7-11)

1Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 

7Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này: 8“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối. 10Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Trên đường đi “lên Giêrusalem” đức Giêsu (và các môn đệ) được một Biệt Phái mời dùng bữa.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những yếu tố đời thường; để tôi nhận ra điều gì là “chân lý” mà nó đang bộc lộ, để tôi chọn lấy và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Thực tế (cc.1.7)

Bạn hãy đặt mình vào trong bối cảnh đời thường, kinh nghiệm đời thường để xem các con người chúng ta hành xử:

+ Thích dò xét nhau. Câu chuyện của bạn và của những người bạn biết là gì?

+ Thích chen lên “chỗ cao hơn”: nhớ lại những cách mình và người khác hay “nổ”/“chém gió”, dè bỉu người khác, vu khống, nói xấu… Chủ thuyết Duy con người (Anthropocentrism) Tâm lý học hiện đại, một mặt đưa con người về đúng phẩm giá của nó, nhưng thường con người lại có khuynh hướng đi quá xa khi từng cá nhân tự cho mình là cái rốn của vũ trụ; dẫn đến Chủ nghĩa cá nhân (Individualism). Mọi rạn nứt và đổ vỡ trong mối tương quan người-người, người-vũ trụ đều phát xuất từ đây.

2/ Có nên giả bộ? (cc.8-10)

Mời bạn đọc lại chậm rãi vài lần câu chuyện đức Giêsu kể (câu 8-10).

+ “đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn” – phải chăng gắn liền với một nỗi sợ “bị hố”? Sợ “phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối”? Đây là hành động dựa trên sự sợ hãi.

+ “hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn’” – Đây là thái độ bên ngoài, một sự giả bộ nào đó để nhắm một điều khác. “Tâm thế” và “thần thái” không đi đôi với nhau.

+ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” – câu tục ngữ này dạy bạn hơn cả việc quan sát để hành xử đúng, mà là biết nhìn đến bối cảnh chung, đến người khác.

Hãy tự xét xem bạn thường sống và hành xử trong đời dựa trên nền tảng nào? Bạn quan tâm đến việc xây dựng “tâm thế” hay “thần thái” và hành xử bên ngoài?

3/ Vị thế đích thực (c.11)

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Mời bạn ngẫm nghiệm và niệm câu này.

Suy xét nó trong lẽ thường, và trong cái nhìn của Thiên Chúa.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về điều bạn học được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

NHỮNG ICON CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI VỀ HIỆP HÀNH

Icon Chúa Giêsu và nhân loại

Chúa Kitô, Đấng tử nạn và phục sinh, là vị Thượng Tế đã nhận lấy sự yếu hèn của chúng ta, và qua lễ hy sinh của mình, Ngài đã nối kết nhân loại với Thiên Chúa Cha. Trong hiến tế chính mình, Chúa Kitô đập tan bức tường trong đền thờ ngăn cách giữa dân riêng và dân ngoại. Sẽ không còn ngăn cách nào, khả thể được bước đi trên con đường đưa đến sự sống mới được mở ra cho mọi người.

Bên cạnh Chúa Kitô là Mẹ Thiên Chúa, biểu tượng của Giáo Hội, đang thu nhận nước và máu đổ ra từ cạnh sườn Con mình, biểu tượng của các bí tích. Chim bồ câu ẩn trong chén thánh. Chúng ta chiêm ngắm Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa, một đời sống nghĩa tử, một cuộc sống hiệp thông.

Đức Maria-Giáo Hội, hiệp thông với Chúa Kitô, trao dâng chén thánh cho viên sĩ quan, một “người ngoại” đã trở nên tín hữu đầu tiên. Phía sau viên sĩ quan mở ra một đoàn người, họ cũng sẽ được mặc lấy Chúa Kitô, và được đan kết vào Thân Thể Chúa Kitô.

Dây stola (dây choàng vai của tư tế) nhắc chúng ta rằng, qua việc nhận lấy bản tính con người, Chúa Kitô khai mở khả thể trở nên con cái Thiên Chúa và sống đời sống hiệp thông, trong bình an, trong hòa giải.

 

Icon Cuộc hoán cải của Cornelius

Chúng ta chiêm ngắm một Lễ Hiện Xuống trường tồn. Quanh bàn, chúng ta thấy các tông đồ với thánh Phêrô, ở giữa là Cornelius và gia đình ông ở bên cánh phải. Từ bàn tay của Chúa Cha tuôn đổ ngọn lửa Thánh Thần, chiếu sáng mọi người và biến họ nên con cái. Sự thấu hiểu, hợp tác, hiệp thông, nốt kết nhân loại không phải là một viễn tượng thực tế, nhưng là một quà tặng đến từ Chúa Cha và chúng ta đón nhận được. Quà tặng này là tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta qua năm Phụng vụ mừng kính Chúa Kitô.

Ở chính giữa bức ảnh là Con Chiên Vượt qua (x. Kh 6,6), bị sát tế, nhưng đang sống, hướng thượng và hướng thẳng về Chúa Cha. Thương tích của Ngài nhắc nhớ điều chúng ta đã chiêm ngắm trong icon thứ nhất, tiếp tục nhắc chúng ta rằng hiệp hành là một quà tặng đến từ trái tim Chúa Kitô. Trên bàn có một miếng vải chứa nhiều thú vật (x. Cv 10,28-29). Không có gì là không thanh sạch trong mắt Chúa. Người phụ nữ xứ Canaan (x. Mt 15,21-28), người đã khiêm tốn xin ơn chữa lành cho con gái mình, nhắc Chúa Giêsu rằng ngay cả lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn rơi xuống, khẳng định rằng mọi người đều được mời đến bàn tiệc Con Chiên.

Chuyển ngữ: Mai Trinh Tâm DHM

Nguồn: https://www.synod.va/en/what-is-the-synod-21-23/the-icons-of-the-synod.html 

21/10/22

Thứ bảy TN.XXIX: Nhìn người mà ngẫm đến ta (Lc 13,1-9)

1Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ 8Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Câu chuyện xảy ra khi đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường “lên Giêrusalem”.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những câu chuyện và biến cố đời thường; để tôi nhận ra cơ hội dành cho đời mình mà chọn lấy và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

1/ Nhìn người mà ngẫm đến ta (cc. 1-5)

Đọc chậm rãi câu chuyện vài lần, suy ngẫm về nguyên do của những người bị chết đó.

+ Sự kiện những người Galilê đang tế lễ thì bị tổng trấn Philatô giết. Chắc hẳn họ có tội chính trị-xã hội nào đó nên mới bị nhà chức trách xét xử!

+ Sự kiện được kể lại: mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết.

Khi chứng kiến hoặc được nghe về những cuộc xử tử, tại nạn, bệnh nan y… của ai đó, tôi thường có phản ứng gì? Tôi nghĩ gì về bản thân những người này? Về cách hành xử của Thiên Chúa?

Tôi có thấy mình vô tội? Hay tội của tôi may mắn chưa bị “nhà chức trách” phát hiện? Lương tâm của tôi muốn nói gì với tôi ngay lúc này? Tôi có lắng nghe tiếng lương tâm?

Ngẫm về cách đức Giêsu phản ứng: đừng tưởng “những người này” tội lỗi hơn bản thân ta! Hãy ăn năn sám hối để khỏi phải chết như vậy, hoặc chí ít ta đã sẵn sàng nếu đời ta đột ngột chấm dứt.

2/ Cơ hội cho tôi (cc. 6-9)

Đọc kỹ câu chuyện dụ ngôn đức Giêsu kể để ngẫm nghiệm về cơ hội Thiên Chúa xót thương dành cho đời tôi.

“Người đầy tớ” được nhắc đến trong câu chuyện là ai trong đời bạn? Hãy nhớ đến những cách thức mà (những) người đó đã “vun xới chung quanh, và bón phân” cho đời bạn với hy vọng “may ra sang năm nó có trái”. Bạn dành đủ thời gian để nhớ chi tiết sự chăm sóc và giáo dưỡng này; rồi bày tỏ lòng biết ơn đối với người đó và với Thiên Chúa của bạn.

Nhớ rằng, sau một năm “nếu (nó) không (sinh hoa trái) thì ông sẽ chặt nó đi”. Bạn được tự do để chọn lựa lối sống của mình, nhưng hãy nhớ rằng đời mình bị giới hạn vào một đời người. Nó có thời hạn nhất định; và bạn sẽ bị xét xử (hoặc tử xét xử = tự lãnh hệ quả của điều mình chọn lựa).

Kết nguyện

Tạ ơn Chúa về những cơ hội đời mình, và xin ơn hoán cải (nếu cần).

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

14/10/22

Janine Paillet (1937-2022)


Janine là con một trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh và đầy tình yêu. Từ thuở bé, chân cô đã bị thương tật và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khiến bỏ lỡ nhiều buổi học. Năm 16 tuổi, cô rời trường học không bằng cấp. Cô học may, đến năm 19 tuổi, cô bắt đầu đi làm ở xưởng may trong vòng 5 năm.

Năm 24 tuổi, cô vào nhà tập dòng Tiểu Muội Đức Maria ở Lyon, Pháp. Bảy năm sau, Dòng này sát nhập với Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria.

Cô lấy chứng chỉ giúp việc nhà và rất hạnh phúc làm việc giúp đỡ các gia đình khó khăn. Năm 33 tuổi, chân cô yếu hơn và phải nghỉ làm. Vài năm sau cô dùng đến xe lăn. Cô thường tâm niệm : « Trong sự bất ổn của tương lai, tôi chắc chắn Thiên Chúa luôn ở đó với tôi. » hoặc « Chúng ta nên hài lòng với những gì mình có, và đừng khóc lóc về những gì không còn nữa. »

Những giới hạn trong việc đi đứng không ngăn cản cô khỏi niềm vui làm cho đức Giêsu Kitô được biết đến và được yêu mến. Cô dạy giáo lý trong vòng 18 năm. Trong thời gian này, nhờ linh đạo DHM rộng mở, cô có cơ hội chăm sóc người cha góa của mình cho đến khi ông qua đời.

Sau đó, cô biết đến và làm việc cho Hiệp hội Huynh Đệ của cha François với châm ngôn « Đứng dậy và bước đi ». Cô cũng tham gia hội Kitô hữu hưu trí và nhóm Lần chuỗi Mân Côi. Cô luôn giữ được tâm hồn trẻ thơ bằng tình yêu dành cho thiên nhiên và thú vật.

Lời cầu nguyện được tìm thấy trong phòng của cô khi cô qua đời là của cha Normand Provencher. Có lẽ bao năm cô đã tâm niệm và sống theo từng lời.

Cám ơn vì Ngài luôn ở đó!

Khi cuộc sống rối bời,
khi đêm về chứa đầy cơn ác mộng,
cám ơn vì Ngài luôn ở đó, hiện diện trong con.

Khi bệnh tật chạm đến,
khi thử thách vượt ngưỡng chịu đựng,
cám ơn Ngài luôn ở đó, và chạm đến con.

Khi con mất hết niềm hy vọng,
khi trước mặt mọi sự đều tăm tối,
cám ơn vì Ngài luôn ở đó, mang con đến ánh sáng.

Khi con cô đơn và bị quên lãng,
khi con sợ yêu thương và nhận tình yêu,
cám ơn Ngài luôn ở đó, và cho con tình yêu của Ngài.

Dịch thơ: Mai Trinh Tâm, DHM 

Thứ bảy TN.XXVIII: Lời sự thật (Lc 12,8-12)

8“Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

10“Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.

11“Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Mường tượng bạn đang cùng đi với đức Giêsu trên đường “lên Giêrusalem”.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những biến cố đời thường; để tôi nhận ra điều gì là “phúc thật” mà chọn lấy và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

Lưu ý: Bạn cần đặt khung cảnh cho tốt để cảm nghiệm được bầu khí của những bước chân, ý chí của đức Giêsu đang hướng về Giêrusalem, nơi Ngài sẽ chịu nhiều đau khổ và bị giết chết.

1/ Can đảm làm chứng (cc. 8-11)

Ngài mời bạn bước theo để trở thành chứng nhân cho những gì Ngài sắp trải qua. Điều Ngài mời bạn làm chứng là đấng Messia sẽ phải đau khổ, sỉ nhục, chết trên thập giá; đó là “điều đáng xấu hổ” đối với người Do Thái và là sự điên rồ đối với khôn ngoan Hy Lạp.

Hãy dừng lại chiêm ngắm đức Giêsu và lời mời gọi của Ngài dành cho bạn. Rồi tự ra quyết định cho bản thân. Nhớ rằng: “8Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” Đó là lời sự thật, chứ không phải là lời đe dọa. Bạn luôn có tự do để chọn lựa và chịu trách nhiệm về điều mình chọn.

2/ Thuận theo Thánh Thần (cc. 10-12)

Tội phạm đến Thánh Thần là tội gì mà nghiêm trọng đến mức bị kết án đời đời! Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, nên Ngài có quyền tha tội. Vậy có tội gì Ngài không thể bỏ qua cho loài người? Có lẽ là không có tội nào lớn đến mức Ngài không thể tha; trừ phi con người phủ nhận đó là tội, và cứng lòng sống bê tha trong đó, thì Thánh Thần không thể tha, vì con người không muốn. Tình yêu đi liền với việc tôn trọng tự do. Chỉ khi con người khao khát và ước muốn thì chính Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ thực hiện cho họ.

Ngay cả khi con người chạm đến giới hạn của mình, đến sự sợ hãi và sợ chết của mình, thì chính Thánh Thần sẽ hoạt động trong họ, ban cho họ ơn can đảm và khôn ngoan.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Thánh Thần để Ngài dạy cho bạn những sự thật này.

Kết thúc bằng kinh Veni Creator Spiritus

Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.

Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ,
Là món quà của Thiên Chúa tối cao,
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào,
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu.

Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu,
Là ngón tay thần diệu Chúa thiên đàng,
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu

Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não,
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng.

Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an.
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng,
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại.

Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái,
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân.
Và hằng tin : Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt.

 Ảnh: Pinterest