Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

26/8/22

Thứ bảy TN.XXI: Phần thưởng lớn lao (Mt 25,14-30)

14“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15Ông cho người này năm yến,[1] người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. 20Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ 21Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 22Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ 23Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 24Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!’ 26Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! 28Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những bài giảng về cánh chung.

Ơn xin: Xin cho tôi nhạy bén với những quà tặng Chúa giao cho tôi quản lý, để tôi biết sử dụng và làm sinh ích lợi cho phần rỗi của mình và của người khác.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Cơ hội (cc. 14-15.19)

Mời bạn nhắm mắt lại, mường tượng về một khoảng thời gian của đời mỗi người. Nhớ lại những ngày tháng đã qua của đời mình. Liệu tôi còn bao nhiêu thời gian nữa trước khi Ông Chủ trở về? Nhớ đến những nén bạc là thời gian, sức khỏe, của cải vật chất, trí tuệ, ý chí… đã được Ông Chủ trao cho bạn khi cho bạn chào đời.

Bạn có nghĩ đời mình là một cơ hội để sống, cảm thụ, và đầu tư cho hạnh phúc đời đời?

2/ Dám đầu tư (cc. 16-17.20-23)

Năm yến, hai yến: Mời bạn suy nghĩ về món quà vô giá khi được sinh ra làm người. Chúng ta lớn hơn tất cả những gì tạo nên chúng ta. Hãy dành thời gian để cảm nghiệm huyền nhiệm này.

Bạn nghĩ gì về sự tin tưởng mà Thiên Chúa/Ông Chủ dành cho bản thân bạn khi trao cho bạn “số vốn” lớn như thế?

Hãy ngẫm nghĩ xem những người được trao số vốn quá lớn đó đã quyết định thế nào? Họ đầu tư vào đâu? Họ chú tâm cho việc đầu tư đó thế nào? Lưu ý chữ “ngay lập tức” là thái độ của họ.

Có bao giờ bạn than “biết lắm khổ nhiều!” Hãy ngẫm nghiệm về cách thức bạn đã đầu tư món quà đời mình thế nào? Và bạn muốn tiếp tục đầu tư thế nào?

Mời bạn dừng lại chiêm ngắm thành quả của họ: cả hai đều sinh lời gấp đôi. Phần thưởng dành cho họ là như nhau: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Bạn rút được bài học gì về cách Thiên Chúa ứng xử với con người?

3/ Sợ hãi chôn giấu (cc. 18.24-30)

Bây giờ, mời bạn chiêm ngắm người đã nhận được số vốn lớn bằng chính nỗ lực lao động cả đời của một người (xem chú thích). Hình như người này ít hài lòng về số vốn của mình. Tại sao?

Nhìn xem cách người này hành xử với số vốn được trao: “đào lỗ chôn giấu”, vì nghĩ Ông Chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” và đâm ra lo sợ. “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18). Nếu nhận ra có điều gì tương tự nơi mình trong cách hành xử với vốn đời mình, bạn hãy tìm xem nguyên nhân là gì.

Hãy ngẫm nghĩ về hậu quả của chọn lựa sai lầm này:

+ Bị quở trách bằng chính lời mình đã thốt ra.

+ Ông Chủ chỉ ra cách thức thấp nhất mà người đó đã bỏ lỡ cơ hội để sinh lời mà không phải nhọc thân.

+ Bị tước đoạt mất cái được trao

+ Bị ném vào nơi cực hình mà người đó chưa hề nghĩ ra hậu quả tồi tệ như thế.

Thánh Inhã, trong bài thao luyện về tội, đã nói: “Xin cảm nghiệm cho được cực hình mà những kẻ bị phạt nơi hỏa ngục phải chịu, để nếu tôi có quên tình yêu của Chúa Hằng Sống vì các lỗi lầm của mình, thì ít ra vì sợ hãi những cực hình ấy giúp tôi đừng sa ngã phạm tội nữa.” (LT. 65)

Mời bạn áp dụng vào bản thân để chọn lựa cách thức cho chính mình.

Kết nguyện

Thân thưa với Thiên Chúa về những gì bạn cảm hiểu được qua giờ cầu nguyện. Cầu xin với Ngài điều bạn thấy cần thiết cho bản thân mình trong cách đầu tư đời mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.



[1] Nên biết một yến bấy giờ là 6 ngàn quan tiền (hay đồng bạc), tức là đáng 6 ngàn ngày công. Như vậy người lãnh ít nhất (1 yến vàng) cũng lãnh một số vốn lớn (GKPV) ~ từ 21 năm rưỡi đến 25 năm rưỡi lao động, tức vốn nhận ít nhất cũng bằng công lao động cơ bản của một đời người! 

23/8/22

[24/8-Lễ Thánh tông đồ Batôlômêô] Mở ra (Ga 1,45-51)

45Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en!” 50Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu kêu gọi ông Nathanaen (tên gọi tông đồ là Batôlômêô) trong bối cảnh đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi nhạy bén với những cơ hội Chúa ngỏ lời trong đời, để tôi đáp lại lời mời gọi kín ẩn Chúa dành cho đời tôi.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Lời mời gián tiếp (cc. 45-46)

Philiphê là bạn của Nathanaen. Philiphê nghĩ mình đã gặp được một người thú vị trong đời nên giới thiệu cho Nathanaen. Hãy nghe điều thú vị đang diễn ra trong lòng Philiphê. Anh ấy nghĩ đến những người thân thiết nhất mà anh muốn chia sẻ điều thú vị này. Nathanaen là một người trong số ấy, có thể là người đầu tiên mà Philiphê nghĩ tới.

Bạn hãy mường tượng lại cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn đó. Cách Philiphê tiếp cận Nathanaen, cách anh nói về con người thú vị mà anh đã gặp, thông tin anh nói về người đó là “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” –Hãy quan sát phản ứng của Nathanaen trước thông tin đó: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”—nhìn ngắm anh Philiphê không bỏ cuộc: “Cứ đến mà xem!”

Áp dụng bản thân: nhớ đến những người bạn trong đời mình, nhớ đến những câu chuyện họ đã thuyết phục bạn cho những điều tốt hơn trong khi bạn đang muốn khép lại. Nói chuyện với Chúa về những tình bạn trong đời…

2/ Không ngừng mở ra (cc. 47-51)

Bây giờ mời bạn hãy nhìn ngắm cuộc gặp gỡ giữ đức Giêsu với anh Nathanaen.

Nhìn xem cách anh Nathanaen tiến về phía đức Giêsu, bên cạnh là bạn Philiphê. Đức Giêsu thấy anh Nathanaen tiến đến liền nói về anh rằng: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Cả hai người bạn cùng nghe được điều đó. Chiêm ngắm điều đang diễn ra trong lòng đức Giêsu, trong lòng Philiphê và Nathanaen. Hai bên đang mở lòng ra với nhau.

Nhìn ngắm sự hé mở đầy thú vị của Nathanaen: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Đức Giêsu hé lộ sự “để ý” của Ngài dành cho anh. Nhìn ngắm sự hé mở của họ dành cho nhau.

Chiêm ngắm điều đang diễn ra trong lòng Nathanaen trước khi anh ấy nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en!” Đức Giê-su tiếp tục hé lộ cho anh: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa… Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”—Bạn hãy dành đủ thời gian để thưởng nếm tình bạn, tình yêu, sự tế nhị, sự quan tâm, và cả sự hứa hẹn họ dành cho nhau.

Áp dụng toàn bộ câu chuyện trên vào chính bạn để cảm nghiệm cách thức Thiên Chúa, nơi đức Giêsu đang muốn làm quen, kết thân với bạn.

Kết nguyện

Thân thưa với thầy Giêsu về tình bằng hữu.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

 

19/8/22

Thứ bảy TN.XX: Vị thế (Mt 23,1-12)

1Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2“Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6Họ thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’.

8“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời đang đến gần.

Ơn xin: Xin cho tôi thấu hiểu được những điều Chúa dạy và mau mắn khuôn mình theo để sẵn sàng đón nhận Nước Thiên Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

Xin đề nghị một lối phân chia bản văn:

A: Vị thế cũ dựa vào ông Môsê (cc. 1-3)

B: Phản chứng (cc. 4-7)

B’: Làm chứng (cc. 8-10)

A’: Vị thế mới trong đức Kitô (cc. 11-12)

Đây là cấu trúc đồng tâm không có trọng điểm, nên phần đóng khung bên ngoài (A và A’) trở nên quan trọng

1/ Làm chứng và phản chứng (cc. 4-10)

Mời bạn suy ngẫm về điều đức Phaolô VI nói: “Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thày dạy.” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41)

Những gì gây phản chứng thì có vẻ ngập tràn. Mời bạn dùng lương tri ngay thẳng để tự suy xét về lối sống của mình. Nếu thấy điều gì gây phản chứng nơi mình, hãy xin ơn sám hối và canh tân.

-       “nói mà không làm” (câu 3)

-       chất gánh nặng lên vai người khác (câu 4)

-       “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (câu 5)

-       “thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường” (câu 6)

-       “ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’” (câu 7)

Nhằm giúp sám hối và canh tân hầu có thể làm chứng cho Chúa, mời bạn dùng lương tri ngay thẳng để tự suy xét về lối sống của mình và xin ơn khuôn theo điều Chúa dạy.

-       Nhận ra chỉ có một thầy là đức Giêsu Kitô: Đấng mặc khải, Đấng cứu độ

-       Nhận ra mọi người đều bình đẳng, là anh em với nhau (xem thông điệp Fratelli Tutti của đức Phanxicô. 2020)

-       Nhận ra người Cha chung trên trời: Đấng tạo hóa

-       Nhận ra vị lãnh đạo duy nhất là đức Giêsu Kitô: thầy dạy và người chỉ đường đích thực

2/ Vị thế đích thực (cc. 1-3.11-12)

Câu 1-3 nói về vị thế giảng dạy dựa vào uy thế của ông Môsê. Vị thế này được “phong chức” và làm theo bổn phận rao giảng cách trung thành. Họ rao giảng điều đã được ghi chép, không phải những điều phát xuất từ họ (tương tự như những chức sắc trong Giáo Hội giảng dạy giáo lý tông truyền). Nếu đời sống họ khuôn theo điều họ dạy, như trong lời đọc của nghi thức truyền chức “Con hãy tin điều con đọc, hãy dạy điều con tin, và hãy thực hành điều con dạy” thì quả là tốt đẹp. Điều này được áp dụng theo nghĩa rộng cho mọi kitô hữu.

Trong trường hợp lời dạy và đời sống họ không đi đôi với nhau thì hãy phân tách giữa điều người đó dạy và đời sống riêng tư của họ. Tương tự như khi cha mẹ, bác sĩ… dạy điều đúng, tốt; nhưng chính họ chưa sống được. Hãy thực hành điều tốt được chỉ dạy cho bạn. Điều này rất thách thức. Mời bạn tự xét duyệt cách thức bạn đón nhận lời dạy từ những người bạn “khó ưa”.

Vị thế đích thực trong cái nhìn của đức Giêsu:

+ Người làm lớn hơn cả là người phục vụ mọi người.

+ Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống

+ Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Hãy xét duyệt về cung cách sống và chỉ dạy của mình.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những điều bạn nhận ra qua giờ cầu nguyện này.

Kết bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

12/8/22

Thứ bảy TN.XIX: Công dân Nước Trời (Mt 19,13-15)

13aBấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. 13bCác môn đệ la rầy chúng. 14Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” 15Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó. 

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ trên đường sứ vụ.

Ơn xin: Xin cho tôi thấu hiểu được những giá trị đích thực chứa đựng trong những điều bình thường và nhỏ bé, và xin cho tôi được làm công dân Nước Trời.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Phụ nữ và trẻ em (c. 13a)

Chữ “người ta” trong câu 13 chắc chắn không ai khác là những phụ nữ, các mẹ của những đứa trẻ. Họ đi theo đức Giêsu để nghe người giảng. Họ mang theo con họ vì thường việc trông coi con cái là của người mẹ. Họ muốn điều hơn cho con cái mình, nếu chúng chưa hiểu được điều đang nghe, thì chí ít chúng được vị thầy này đặt tay chúc lành.

Những điều đó có vẻ quá bình thường, nhưng đức tin của thế hệ sau lại thường được đặt nền trên đức tin của người mẹ. Mời bạn suy nghĩ về nguồn nuôi dưỡng đức tin của mình.

2/ Chuyện đàn bà con nít (cc. 13b-15)

Các môn đệ (nam nhân) tự nhóm mình vào phái “đàn ông” với thầy Giêsu (nam nhân). Có thể họ nhìn đàn bà con nít là một sự gây rối, phiền toái, không quan trọng… Phải chăng họ từng quên thời con nít của họ từng được chăm sóc bởi mẹ mình. Mời bạn nghiêm túc suy ngẫm về cái nhìn miệt thị của mình dành cho một nhóm đối tượng nào đó.

Suy nghĩ về cái nhìn khác của đức Giêsu: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Ngài thấy gì nơi các em nhỏ? Ngôn ngữ Kinh Thánh còn ám chỉ “người bé nhỏ” với các anawim (người nghèo của Đức Chúa). Ngẫm xem điều gì nơi trẻ em làm cho chúng gần với Nước Trời để học hỏi từ các em/các anawim.

Đức Giêsu thỏa mãn điều các mẹ mong đợi: Người đặt tay trên chúng. Ước nguyện về điều tốt hơn cho con mình đã được đáp ứng. Nếu là người có trách nhiệm trên ai đó, ước nguyện của bạn là gì?

Kết nguyện

Thân thưa với thầy Giêsu về những gì bạn được khai mở qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest

 

Linh đạo DHM: Nối tiếp ngọn lửa dâng hiến trong lòng Hội Thánh

Truyền thống của các tôn giáo luôn chứa đựng yếu tố dâng hiến để thuộc trọn về thần linh. Truyền thống Do Thái Giáo dành riêng chi tộc Lêvi để sống cho Thiên Chúa và cử hành các lễ nghi thờ phượng Ngài. Rải rác suốt dòng lịch sử của họ là những mẫu gương được Thiên Chúa tuyển chọn để lắng nghe Thiên Chúa và truyền đạt thánh ý Ngài cho dân, như các Tổ Phụ, các Ngôn Sứ, các Thủ Lãnh…

Trong Kitô giáo, bắt đầu từ ước muốn của thánh Phaolô, dù ngài không dám khẳng định đó là chỉ thị của Chúa, khao khát sống khiết tịnh vì Chúa. Thật ra, chính đức Giêsu đã mặc khải về lối sống này cho các môn đệ khi các ngài thắc mắc về điều luật chung thủy trong hôn nhân (x. Mt 19,12: “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”) Ngay từ thời đầu của Hội Thánh đã có các trinh nữ tự nguyện chọn sống cho Chúa Giêsu như thế.

Lịch sử tu trì trong lòng Hội Thánh là một chuỗi những phản ứng với từng bối cảnh cụ thể và tạo nên những con đường nên thánh khác nhau, được gọi là các linh đạo. Các lối sống được nhận biết bao gồm ẩn tu, đan tu, tu sĩ khất thực, tu sĩ các dòng hoạt động, tu đoàn tông đồ, tu hội đời, các hiệp hội… Sự nối tiếp các linh đạo cho thấy ngọn lửa dâng hiến vẫn âm ỉ cháy trong lòng Hội Thánh mọi thời. Các Đấng Sáng Lập luôn thao thức tìm ra những cách thức giúp con người thời đại các ngài kết thân với Thiên Chúa và phục vụ Chi-Thể-Chúa-Kitô nơi những người đau khổ thể xác, tinh thần và thiêng liêng.

Chính Chúa Thánh Thần lại không ngừng khơi lên trong lòng Hội Thánh tinh thần mở ra với thế giới, đi sâu vào thế giới để thánh hóa thế giới cách đa diện hơn. Thánh Vinh Sơn Phaolô là vị mở đường cho tinh thần đó, nhưng cuối cùng Ngài vâng phục trong khuôn khổ một tu đoàn tông đồ. Thánh Francis de Sales và Mẹ Jane Frances de Chantal cũng khao khát mở ra một lối tu vì thế giới; nhưng cuối cùng vẫn phải khép lại trong khuôn khổ một tu viện. Cha Joseph de Cloriviere và Mẹ Adelaide de Cicé lại tiếp tục bước theo cùng một giấc mơ “tu giữa lòng thế giới”.

Quả vậy, từ năm 1776, mẹ Cicé đã ước mơ về một nhóm nhỏ các chị em quy tụ lại với nhau, không có tu phục, tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, cùng nhau thực hành cầu nguyện, dự lễ, đọc sách thiêng liêng, thăm viếng bệnh nhân hoặc làm các công việc tốt lành khác. Giữa họ có một bề trên được bầu chọn. Về tinh thần, “họ phải theo tinh thần của thánh Francis de Sales và Hiến Luật khôn ngoan của Dòng Thăm Viếng bao nhiêu có thể, khi chúng phù hợp với những công việc bác ái được giao phó; tuân theo dự phóng đầu tiên của thánh Francis de Sales cho Hội Dòng của Ngài là kết hợp đời sống hoạt động với đời sống nội tâm.”[1]

Ước mơ tu giữa lòng thế giới của mẹ Cicé cần phải chờ thêm ơn linh hứng của cha Cloriviere vào ngày 19/7/1790, để được khoác thêm cách thức thực hiện một lối tu giữa lòng thế giới dựa trên nền tảng linh đạo Inhã. Ngày 2/2/1791, những thành viên đầu tiên đã ký vào bản hiệp ước (The Act of Association) thành lập Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria.

Linh đạo DHM đã được Hội Thánh chuẩn nhận như một sự nối tiếp ngọn lửa dâng hiến trong lòng Hội Thánh. Xin tri ân bao thế hệ nam nữ tu sĩ và các Đấng Sáng Lập đi trước đã khai mở một con đường đưa tu sĩ vào đời. Với linh đạo DHM, ơn gọi tu sĩ là sự thể hiện trọn vẹn ơn gọi kitô hữu.

Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ.” (Lumen Gentium, 31)

Trong chiều hướng này, dường như ít có sự phân biệt bề ngoài giữa ơn gọi tu sĩ và ơn gọi đời thường; bởi tất cả đều có ơn gọi chung ơn gọi nên giống Đức Kitô – ơn gọi nên thánh.

 

Lễ thánh Jane Frances de Chantal, 12/8/2022

 

 



[1] Adelaide de Cicé, Dự phóng về Pious Society, tháng 9/1776. 

9/8/22

[10/8-Lễ Thánh Laurenxô, phó tế tử đạo] Nghịch lý và thuận lý (Ga 12,24-26)

24Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những điều khó hiểu trong đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt và trí hiểu của các thánh để tôi có thể cảm hiểu và sống theo những giáo huấn của Chúa Giêsu.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Trong kitô giáo có những nghịch lý vượt ngoài luật nhân quả và sự suy lý của con người. Đó là triết lý sống đến từ trời cao và được Đấng Sáng Tạo bảo đảm cho kết quả thiện hảo cuối cùng. Điều đó khó tin, nhưng ai dám tin và dám sống thì lại vươn ra đến tầm mức vô biên.

1/ Nghịch lý của phát triển (c. 24)

Đức Giêsu nói về nghịch lý phát triển bằng một hình ảnh có thật trong thiên nhiên: Hạt giống chấp nhận mục nát đi trong quá trình chuyển hóa để mọc mầm. Bản thân hạt giống hóa thành chất dinh dưỡng để nuôi mầm sống vươn ra khỏi chính nó, phát triển lên thành cây, và đơm hoa kết trái, tạo nên gấp trăm hạt khác.

Trong nghịch lý này hàm chứa một sự thật: Nếu hạt giống gieo xuống mà “không mục nát” đi cách tự nhiên cho thấy không có sự sống trong nó đang được chuyển hóa. Và cũng theo quy luật tự nhiên, nó cũng sẽ bị mục nát mà không sinh hoa trái gì.

Con người có tự do, muốn chọn lựa “chấp nhận mục nát” để trổ sinh gấp trăm sự sống mới; hoặc để mình bị bào mòn qua luật tự nhiên rồi tan rã cách tự nhiên!

2/ Nghịch lý của trường tồn (c. 25)

Bạn đọc câu 25 và suy gẫm cùng theo một lý luận trên.

Con người có tự do, muốn chọn lựa ôm giữ sự sống cho riêng mình và để mình bị bào mòn qua luật tự nhiên rồi tan rã cách tự nhiên; hoặc chọn dâng hiến sự sống tự nhiên là cái không thể giữ lại mãi cho sự sống tha nhân, cho tinh thần trường tồn.

3/ Thuận lý của tình yêu (c. 26)

Trong tình yêu có nghịch lý của hy sinh để được. Cũng trong tình yêu có thuận lý của nên một. Và khi được hiệp thông với nhau thì tình yêu đạt cùng đích. Bạn hãy ngẫm về mối tương quan của bạn với người khác và với Thiên Chúa của bạn.

Thánh Laurenxô (225-258) mừng kính hôm nay đã sống tất cả những nghịch lý này; để cuối cùng Ngài đạt đến thuận lý của tình yêu.

Kết nguyện

Cầu xin với thánh Laurenxô để Ngài chuyển cầu cho bạn sống được những nghịch lý và thuận lý ở tầm mức các thánh và chính Chúa Giêsu đã sống.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest

29/7/22

[6/8-Lễ Chúa Hiển Dung] Choáng ngợp (Lc 9,28-36)

28Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau khi ông Phêrô tuyên xưng niềm tin vào đức Giêsu, đức Giêsu lần đầu tiên tỏ lộ cho các ông biết con đường đau khổ Ngài sắp đi qua và điều kiện cần có để bước đi với Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi được hiểu biết thâm sâu về chọn lựa đi qua con đường đau khổ của Chúa, để một khi bước theo Ngài như người môn đệ, tôi cùng Ngài sẵn sàng bước đi trên cùng một con đường.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đọc bản văn

Mời bạn dành thời gian đọc chậm bản văn vài lần. Chú ý đến sự chủ động của đức Giêsu chọn thời điểm, địa điểm, tuyển chọn 3 môn đệ dẫn theo; chú ý đến các tình tiết chuyển động trong cuộc hiển dung. Đồng thời quan sát sự bị động của các môn đệ trong biến cố này.

2/ Khi Thiên Chúa tỏ mình (cc. 28-31)

Đời sống thiêng liêng thường đi từ chủ động đến thụ động, xét về phía con người. Dùng trí nhớ để nhớ lại những chi tiết của câu chuyện xem cách thức đức Giêsu kiên nhẫn chờ cho đến thời điểm các ông hoang mang đến cực điểm trước lời tiên báo của Ngài về con đường đau khổ. Ngài chủ động nhắm chỗ và chọn ba người trong số họ. Nhìn cách Ngài dẫn họ đi và cách họ bước theo đức Giêsu, tất cả cùng leo lên núi. “Tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng” (tục ngữ)

Chiêm ngắm đức Giêsu đang cầu nguyện trên núi, và sự biến đổi diện mạo của Ngài. Nhìn sự xuất của hai nhân vật thiêng liêng, và lắng nghe câu chuyện họ trao đổi với nhau. Để cho mình được bao bọc bởi cảnh tượng huyền bí đó. Hãy ở đó để cảm nghiệm.

3/ Choáng ngợp (cc. 32-36)

Nhìn các ông đang ngủ mê mệt. Trải nghiệm sự mệt nhọc và tăm tối của giấc ngủ đó.

Có lẽ Thiên Chúa đã làm cho các ông “tỉnh hẳn” để còn kịp chiêm ngắm cảnh tượng huyền bí. Đặt mình vào trong mắt họ để chiêm ngắm “vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người”. Dành đủ thời gian để trải nghiệm.

Dường như ông Phêrô nhận ra sự tan biến của khoảnh khắc huy hoàng và huyền bí khi thấy hai vị ấy từ biệt đức Giêsu. Ông vội nói: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Trong vô thức, Phêrô muốn giữ lại hoặc kéo dài khoảnh khắc đó.

Chiêm ngắm sự bàng hoàng, choáng ngợp, hoảng sợ của các ông khi được đưa vào trong đám mây. Cùng các ông, hãy lắng nghe tiếng từ trời phán ra: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Sự xác chuẩn và mệnh lệnh được đưa ra trong lúc các ông nửa tỉnh nửa mê.

Trở lại đời thường trần trụi, bình thường, các ông dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về điều huyền bí đã được chứng kiến, mà không kể gì cho ai nghe.

Kết nguyện

Kết nối lại kinh nghiệm thiêng liêng của đời bạn và thân thưa cùng Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest 

28/7/22

Thứ bảy TN.XVII: Nỗi ám ảnh lương tâm (Mt 14,1-12)

1Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, 2thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”

3Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4Ông Gio-an có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” 5Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” 9Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. 10Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sự kiện đức Giêsu xuất hiện giảng dạy và làm phép lạ đã làm Hêrôđê nhớ về một nhân vật tương tự là Gioan Tẩy Giả.

Ơn xin: Xin cho tôi có một lương tâm thiện lành để tôi biết chọn lựa điều đúng ngay tại thời điểm sự việc xảy ra, để tôi không phải áy náy lương tâm mãi sau này; hoặc nếu tôi đã chọn lựa sai lầm xin cho tôi biết sám hối và canh tân.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Gợi nhớ (cc. 1-2)

Để giúp con người ghi nhớ được, một trong những hoạt động của não bộ con người là so sánh gần, hay liên tưởng tương tự. Tiểu Vương Hêrôđê nghe về trường hợp đức Giêsu thì liên tưởng đến Gioan Tẩy Giả là người ông đã từng biết về khả năng nói năng, làm phép lạ…

Hãy nhớ lại những ngày gần đây bạn nhìn thấy/gặp gỡ những ai hoặc sự kiện nào; và bạn liên tưởng đến điều gì? Điều được liên tưởng tới hướng thiện hay hướng hạ? Bạn muốn nói gì với Chúa về ân ban của khả năng liên tưởng giúp gợi nhớ này nơi con người?

2/ Nỗi ám ảnh lương tâm (cc. 3-12)

Câu chuyện kế tiếp được thánh sử Matthêu kể là một gợi nhớ buồn của Tiểu Vương Hêrôđê. Mời bạn đọc chậm rãi bằng ký ức của Hêrôđê, và cả những ray rứt lương tâm. Giá mà…

Chú ý đến diễn biến câu chuyện, những kết nối, những “điểm rơi”. Trong ký ức ông mọi chi tiết đều rất rõ ràng và đầy đủ… Bạn đoán xem ông để đã dành bao nhiêu thời gian của đời mình để nhớ về biến cố buồn ấy?

Có điều gì đã từng xảy ra và để lại trong bạn một nỗi ám ảnh lương tâm? Nếu có, hãy trình bày với Chúa câu chuyện đó và xin ơn sám hối và ơn chữa lành. Bởi cuộc đời còn lời mời gọi “quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Bị cắn rứt lương tâm, sám hối, xưng tội mới chỉ là một đoạn ngắn trong hành trình nên thánh.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về hiện trạng đời mình và xin ơn được tiến tới trên con đường thánh thiện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest 

22/7/22

Thứ bảy TN.XVI: Chung sống (Mt 13,24-30)

24Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ 28Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ 29Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.’”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dân chúng bằng dụ ngôn.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận biết nguồn gốc sự dữ và kiên nhẫn sống trong một thế giới chưa hoàn hảo, để cải thiện chính mình và môi trường.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

Nghệ thuật dạy bằng truyện kể của người Do Thái: Văn hóa Sêmít góp phần tạo nên lối viết Kinh Thánh và tạo nên căn tính của dân tộc Do Thái. Chính lối truyền lại truyền thống đức tin của dân tộc bằng truyện kể giúp dễ nhớ và giúp khơi gợi óc sáng tạo suy tư nhiều nhất; cùng với truyền thống cử hành lễ nghi làm cho dân tộc Do Thái xây dựng được căn tính của mình trong một lịch sử dài làm nô lệ và bị phân tán khắp hành tinh.

Đức Giêsu được thừa hưởng truyền thống này của dân tộc mình, Ngài đã trở nên bậc thầy dạy bằng biểu tượng và dụ ngôn. Truyện dụ ngôn là lối kể chuyện mà người dạy muốn truyền một sứ điệp tổng quát ngang qua nhân vật là con người, hoặc đôi khi là sự vật, nhằm mục đích dạy về những giá trị đạo đức hoặc những chân lý tôn giáo; khác với truyện ngụ ngôn có các nhân vật là thú vật, nhằm mục đích dạy về lẽ sống.

1/ Thực tế tốt xấu lẫn lộn (cc. 24-26)

Truyện dụ ngôn này gợi cho bạn nhớ một truyện ngôn khác cũng được chính đức Giêsu kể: “Này người gieo giống đi ra gieo giống, có hạt rơi trên vệ đường…” (Mc 4,1-20, Mt 13,1-23, và Lc 8,1-15). Bạn có thể nhận ra bài học về sức mạnh nội tại của hạt giống, và sự quảng đại của người gieo giống.

Còn lần này, đức Giêsu xác nhận hạt giống là “tốt”. Hạt giống xấu được kẻ thù gieo lúc mọi người “đang ngủ”. Lúa và cỏ lùng đều mọc lên cùng với nhau. Bạn khám phá được nguyên nhân của thực tế tốt xấu đan xen là gì? Điều này giúp bạn hiểu được bài học gì?

2/ Cách ứng xử (cc. 27-30)

+ “Đầy tớ” nhận ra vấn đề và truy hỏi nguồn gốc sự dữ. “Ông chủ” không ngần ngại nói thẳng về nguồn gốc sự dữ.

+ Thái độ phản ứng của “đầy tớ” là muốn nhổ ngay hết cỏ lùng. Thái độ của ông chủ muốn bảo vệ lúa bằng cách để yên cỏ lùng. Có bao giờ bạn nghiệm được rằng Thiên Chúa để cho sự xấu, cái chưa hoàn hảo tồn tại là để bảo vệ bạn không?

+ Ông chủ tin vào sự phân xử cuối cùng. Còn bạn? Bạn có đủ hy vọng để đi hết hành trình chung đường giữa tốt xấu cho đến cuối hành trình?

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về điều bạn nhận ra trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

7/7/22

Thứ bảy TN.XV: Thiên Chúa Dịu Dàng (Mt 12,14-21)

14Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.

15Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: 18Đây là Người Tôi Tớ Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau khi đức Giêsu chữa lành cánh tay bị bại của một thanh niên trong hội đường.

Ơn xin: Xin cho tôi biết chọn lựa khôn ngoan như Chúa Giêsu đã làm trong những tình huống căng thẳng, vì điều tốt lành hơn.

Lối cầu nguyện: Suy Chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm; Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giọt nước tràn ly (c. 14)

Bài đọc hôm nay trích dẫn câu cuối của câu chuyện xảy ra trước đó: Đức Giêsu vào hội đường và dân chúng hỏi Ngài về việc “có được làm điều lành trong ngày sa-bát không”. Đức Giêsu nói rằng được. Ngay sau đó Ngài chữa cho anh bại tay được lành. Điều này làm phật ý những người Pharisiêu là nhóm giữ luật sa-bát nghiêm ngặt và dạy người khác làm như thế. Nhưng liệu rằng như thế có đủ lý do để “Ra khỏi đó (tức hội đường), nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.”

Vậy đâu là những lý do thêm vào để họ đi đến ý định đó? Mời bạn lật đọc các sự kiện gây xích mích trước đó giữa họ và đức Giêsu, và có thể có cả một nỗi sợ lớn lao khi họ đối diện với trường hợp đức Giêsu.

Một quyết định xấu/ác là kết quả của một chuỗi sự kiện, cảm xúc, cách hiểu, bối cảnh… trước đó. Bạn có câu chuyện nào đã diễn ra như vậy. Nhìn lại trong Chúa, bạn học được gì?

2/ Thiên Chúa dịu dàng (cc. 15-21)

Bây giờ mời bạn trở về với đức Giêsu trong câu chuyện này.

Nhìn ngắm Ngài âm thầm rút lui, đi khỏi nơi đó.

Nhìn ngắm đoàn lũ dân chúng đi theo Ngài, và được Ngài chữa lành.

Lắng nghe cách Ngài dặn họ “đừng tiết lộ”, đừng kể gì thêm về Ngài để không “đổ thêm dầu vào lửa” cho tình hình đang căng thẳng.

Mời bạn đọc chậm bản trích dẫn từ Is 42,1-4 để nghiệm về sự dịu dàng của Thiên Chúa, được thể hiện qua cách thế của đức Giêsu.

Chắc chắn đức Giêsu có đủ lý để đối chất họ đến cùng. Tại sao Ngài không làm như thế?

Kết nguyện

Tâm sự với đức Giêsu về những gì bạn được cảm hiểu qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest.