Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

7/4/20

[Thứ tư Tuần Thánh] “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,14-25)

14Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
17Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” 18Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’” 19Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” 23Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” 25Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”
Nhập nguyện
·          Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
·         Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
·         Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ đang ở Giêrusalem và cùng ăn lễ Vượt Qua với nhau.
·          Ơn xin: Xin cho tôi biết nhạy bén với những cơ hội Chúa gởi đến để cảnh tỉnh tôi.
·           Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện
1/ Thực hiện ý định đen tối (cc. 14-16)
Không ai biết rõ hết lý do đưa Giuđa đến quyết định bán thầy sau 3 năm theo làm môn đệ. Đó vẫn luôn là một bí mật lương tâm của Giuđa. Chúng thế nào và có biện minh được cho hành động bán thầy của ông không thì xin nhường lại cho Thiên Chúa phân xử.
Chúng ta chỉ thấy những hành động bên ngoài của Giuđa:
1/ Đi gặp các Thượng Tế là nhóm muốn diệt Đức Giêsu từ lâu vì Ngài dám xưng mình là Con Thiên Chúa, và đã gây quá nhiều ảnh hưởng trên dân chúng.
2/ Hợp đồng giá bán thầy với giá 30 đồng bạc (tương đương với tiền công căn bản của 30 ngày lao động). Đây cũng là giá phải đền bù cho 1 người nô lệ bị giết (Xh 21, 32). Ông đã đổi mạng thầy bằng với giá mạng một nô lệ. Ông đã đánh giá giá trị thầy bằng tiền của 30 ngày làm việc. Quá rẻ mạt!
3/ Giuđa cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. Đây là tội cố ý thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn vào Giuđa cũng là lời mời gọi tôi hãy nhìn vào bản thân mình để đánh giá quá trình dẫn đến tội của mình. Tội bắt đầu từ một ý tưởng đen tối do tham lam, thèm muốn, ghen tị…; rồi đến việc lên kế hoạch để đạt được ý tưởng đó; cuối cùng là tìm dịp “thuận tiện” để thực hiện nó. Để tạo dịp thuận tiện thì tôi phải giả dối, che đậy, giăng bẫy…
Dù tội lỗi của ta dù chưa được phơi bày qua muôn thế hệ như tội của Giuđa, nhưng hành trình đưa đến tội là như nhau. Hãy tìm ra điểm mấu chốt trong tiến trình đó để hoán cải, xin Chúa ban ơn tha thứ, và xin ơn chừa cải.

2/ Đức Giêsu sẵn sàng cho mọi sự (cc. 17-19)
Đức Giêsu và các môn đệ tuân giữ tập tục mừng lễ Vượt Qua theo truyền thống Do Thái; mặc dù lễ này đã bị thay đổi cách cử hành rất nhiều cho đến thời Đức Giêsu.[1] Trong bầu khí chuẩn bị chung của đền thờ và của nhiều gia đình, các môn đệ hỏi thầy về việc chuẩn bị lễ. Chúng ta ngạc nhiên vì Đức Giêsu đã chuẩn bị lễ trước họ: Ngài đã sắp đặt những điều cần thiết để thầy trò có thể mừng lễ Vượt Qua theo kiểu “gia đình” ở tại Giêrusalem (Vì Đức Giêsu và các môn đệ không phải là người Giuđêa). Thế ra, Đức Giêsu đã chuẩn bị sẵn sàng nơi chốn để các ông chuẩn bị (bánh không men, sát tế chiên đực không tì vết, nướng thịt chiên, rau diếp đắng, rượu nho…) cho việc cử hành lễ Vượt Qua.
Đức Giêsu biết sự căng thẳng ngầm đang diễn, và Ngài đã sẵn sàng cho mọi sự.
Về phần bạn, khi phân định và biết điều gì đó là ý Chúa, bạn có sẵn sàng như thế không?

3/ Lời cảnh tỉnh (cc. 20-25)

Sau một số (10) nghi thức nhắc lại biến cố Vượt Qua, họ tới phần ăn uống.[2] Trong lúc họ đang ăn uống (một phần của nghi thức lễ Vượt Qua), Đức Giêsu cất tiếng bộc lộ: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu và tự chất vấn mình. Không khí mừng lễ kỷ niệm dân tộc được chính Thiên Chúa giải phóng như bị mất hết.
Đức Giêsu đau sót cho phận người chúng ta, cho những lỗi lầm mà chúng ta vẫn muốn dấn thân vào. Ngài vẫn hằng lên tiếng cảnh tỉnh chúng ta mỗi ngày. Dù cái chết của Ngài là hệ quả của lối sống của Ngài, nhưng chắc chắn Ngài không muốn bất cứ một ai trong chúng ta bị vấp ngã vì Ngài; bởi vì điều đó gây tổn hại cho chúng ta.
“Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Bạn hãy tự vấn mình xem có phạm đến Chúa Giêsu chỉ vì mình không chấp nhận được con đường Ngài đi, cách Ngài sống? Nếu có, điều đó đã làm tổn hại đến bạn như thế nào? Đại dịch Covid-19 có cảnh tỉnh bạn điều gì không?

Kết nguyện
Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì nổi lên trong bạn sau khi suy gẫm những điều trên.
Đọc 1 Kinh Lạy Cha để tạ ơn và xin ơn tha thứ.

(Ảnh: Internet)

Tình mục tử giữa thời Covid-19

Ngày Lễ Lá vốn tưng bừng, hân hoan, năm nay trở nên lặng lẽ vì dịch Covid-19. Theo chỉ thị của nhà nước, ai ở đâu, ở yên đấy. Nhà thờ đóng cửa. Thánh lễ chuyển qua hình thức online. Cả xã hội dường như đứng chững lại. Giữa bối cảnh lo sợ đó, cha Sở xứ tôi[1] vẫn có cách để nâng đỡ đời sống đức tin cho giáo dân. 

Hẳn ngài biết rõ Lễ Lá sẽ kém phần trọn vẹn nếu không có lá. Cho nên, chiều ngày hôm ấy, ngài cho người đem đến cho mỗi gia đình trong giáo xứ một chiếc lá đã làm phép. Món quà tuy nhỏ bé nhưng thấm đẫm tình mục tử. Chiếc lá dừa thẳng tắp, xanh mướt đó ngay lập tức được chị tôi đặt dưới chân tượng Đức Mẹ như một lời tri ân.

Còn nhớ từ đầu tháng 3, khi thông tin về các nhà thờ (không phải Công giáo) bên Hàn Quốc trở thành ổ dịch thì người ta bắt đầu lo ngại về các nhà thờ ở Việt Nam. Tới khoảng giữa tháng 3 thì một giáo dân của giáo xứ Sao Mai dương tính với Covid-19. Nhà thờ Sao Mai trở thành nhà thờ đầu tiên bị cách ly, tạm ngưng thánh lễ. Sài Gòn bắt đầu nóng lên với tình hình dịch bệnh. Nhiều người nhìn vào nhà thờ e sợ. Số lượng giáo dân đến tham dự thánh lễ ở một số nơi sụt giảm. Là mục tử, hẳn cha nắm bắt được tâm lý này.

Kết hợp với những hướng dẫn mục vụ của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, cha cho phun thuốc khử trùng nhà thờ một tuần ba lần, đặt bình rửa tay ở các cửa ra vào, kêu gọi con chiên đeo khẩu trang và ngồi giãn cách khi tham dự thánh lễ… Những thánh lễ đôi khi dài hơn vì cha có nhiều điều cần dặn dò. Giọng cha vẫn ấm, mạch lạc dù nỗi lo mỗi ngày một lớn. Hôm 19.3, mừng lễ thánh Giuse, bổn mạng của cha, cha tặng cho mỗi người đến dự lễ một cặp khẩu trang y tế. Vì khẩu trang y tế (thật) khan hiếm, cha đầu tư luôn cho giáo xứ một lò viba mới tinh để giáo dân hấp lại khẩu trang y tế mà dùng. Ngài còn đặt mua thêm khẩu trang vải, dự định phát cho giáo dân vào chúa nhật cuối tháng 3.

Chẳng biết đã có ai hấp được khẩu trang chưa, nhưng chỉ ngày hôm sau thôi, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn có công văn khẩn, yêu cầu tạm ngưng thánh lễ từ 16h ngày 26.3. Vị cha già đọc công văn mà không giấu được nỗi buồn. Chuyện xảy ra quá nhanh làm ai cũng ngơ ngác. Nhìn cha tóc bạc phơ, nhắn nhủ con chiên dâng thánh lễ cuối thật sốt sắng mà lòng tôi se sắt. Có lẽ đó là điều khó công bố nhất đối với ngài. Nhưng vì lợi ích chung, ngài chấp nhận.

Mấy hôm sau, nhà tôi nhận được hai cái khẩu trang vải trắng tinh, quà của cha gửi cho mọi gia đình trong giáo xứ. Thế mới biết, lòng người mục tử ân cần, lo lắng cho đàn chiên là như thế nào. Virus corona có thể làm cho người ta xa cách nhau, nhưng tình thương thì luôn tìm cách đến gần và đi cùng.

Tôi không biết khi nào thì thánh lễ sẽ được cử hành lại nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ trở lại, chúng ta sẽ hồi sinh, bởi vì tình thương vẫn hiện diện nơi đây, trong trái tim con người.
TT




[1] Cha Giuse Phạm Bá Lãm, Chánh xứ Hòa Hưng, Giáo hạt Phú Thọ, Giáo phận Sài Gòn


31/3/20

Thứ tư MC.V: Trở nên người môn đệ (Ga 8,31-42)

31Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” 33Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” 34Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36Vậy, nếu Người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do. 37Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” 39Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”
Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” 42Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.
Nhập nguyện
  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối chất với một số người Do Thái là những người mới tin vào Đức Giêsu.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu thâm sâu về sự thật nơi Thiên Chúa – một sự thật giải phóng tôi khỏi những ảo ảnh nơi tôi và nơi xã hội – để tôi được chính Ngài giải phóng.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Trở nên môn đệ (cc. 31-32)
-          Ở lại trong Lời của Đức Giêsu; nghĩa là lắng nghe và thực hành. Bạn thấy mình đã quen thuộc với Kinh Thánh tới mức nào? (biết tên sách, biết các câu chuyện Kinh Thánh, biết những câu Kinh Thánh, được đánh động…)
-          Biết sự thật. Sự thật nào? Sự thật về con người, về bản thân, về xã hội…? Có một sự thật viết hoa: “Thầy là Sự Thật” (Ga 14, 6). Sự Thật nơi Đức Giêsu, Sự Thật nơi Thiên Chúa. Có lẽ đây là Sự Thật mà Đức Giêsu muốn nói với người môn đệ. Ngài muốn tỏ lộ cho con người Sự Thật này. Bạn đã khám phá được gì nơi Đức Giêsu và nơi Thiên Chúa? Hay nói khác hơn, bạn có mở ra cho sự mặc khải của Thiên Chúa về chính Ngài cho bạn?
-          Được giải phóng. Chỉ khi tiếp nhận được Sự Thật viết hoa này, bạn mới được giải phóng khỏi những ảo ảnh cuộc đời. Hãy khám phá và xin cho được ơn biết được Sự Thật này mỗi ngày một hơn.

2/ Thanh luyện để trở nên môn đệ (cc. 33-41)

Tin vào Đức Giêsu chưa đủ, Ngài muốn thanh luyện chúng ta để trở thành môn đệ đích thực của Ngài. Dưới đây là vài điều Ngài muốn chúng ta suy tư để xin ơn thanh luyện.
-          Nô lệ và tự do (cc. 33-36): Khái niệm này cũng có nhiều mức độ và ở nhiều phương diện (thể lý, tâm lý, thiêng liêng). Những người Do Thái mới tin nghĩ mình không “nô lệ”; Đức Giêsu nhắc họ về một thứ nô lệ khác: nô lệ cho tội lỗi. Chính Đức Giêsu sẽ giải phóng con người khỏi tội lỗi. Bạn có muốn được giải phóng khỏi tội lỗi để được tự do không? Chỉ con người tự do mới được ở trong Nhà Cha luôn mãi!
-          Làm theo ai? (cc. 37-40). Những người đang đối chất với Đức Giêsu nghĩ rằng mình là con của Áp-ra-ham, và mình đang làm theo ông Áp-ra-ham; trong khi họ lại tìm cách giết Đức Giêsu. Đôi khi hiểu biết và hành vi không đi đôi với nhau. Đôi lúc chúng ta cần đến ánh sáng của Chúa để nhận ra sự trật nhịp này. Thánh I-nhã nói đến phân định thần khí: nghĩa là suy xét xem tôi đang được Thiên Chúa/thiên thần hay ma quỷ hướng dẫn hành động của mình.
-          Thiên Chúa có phải là Cha tôi? (cc. 41-42) Họ nhận mình có Thiên Chúa là Cha, nhưng lại không nhận biết được điều Thiên Chúa muốn họ làm. Đây là mức độ khó phân định nhất: nhận biết ý Chúa và làm theo. Bạn có kinh nghiệm gì về điều này? Hãy cầu xin cho mình nhận ra Thiên Chúa như chính Ngài Là; và nhận ra thánh ý Ngài để làm theo.

Kết nguyện
Thân thưa với Đức Giê su về các rào cản bạn gặp phải trên hành trình trở thành môn đệ của Ngài.
Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

24/3/20

Lễ Truyền tin cho Đức Maria 25/3: Đón lấy (Lc 1, 26-38)

26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
35Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Nhập nguyện
  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Ngôi nhà nhỏ của gia đình Đức Maria tại Nazarét, miền Galilê.
  • Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu thâm sâu chọn lựa của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người và chọn lựa của Đức Maria đón Ngôi Lời vào đời mình; để tôi khao khát và dám chọn lựa đón lấy chính Chúa vào đời mình.
  • Lối cầu nguyện: chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Hạ xuống (cc. 26-27)
Trong Cựu Ước, để tôn kính danh thánh và chính Thiên Chúa, các tác giả thánh dùng danh xưng Thiên thần, Sứ thần để tránh nhắc đến chính Thiên Chúa. Trong Tân Ước, thánh sử Luca nhắc đến “sứ thần Gáp-ri-en” là vị được Thiên Chúa sai đi. Ngài là sứ giả của Chúa, không phải là chính Thiên Chúa.
Mời bạn hãy hướng lòng lên nơi Thiên Chúa ngự. Bạn có thể chiêm ngắm cuộc thảo luận giữa Ba Ngôi Thiên Chúa về kế hoạch cứu độ nhân loại… và Ngôi Hai “hiến kế” tự nguyện xuống nhập thể làm người. Chiêm ngắm các Ngài đã đồng thuận với kế hoạch đó như thế nào. Rồi các Ngài sai sứ thần Gáp-ri-en đi loan báo kế hoạch đó cho con người. Sứ thần Gáp-ri-en được sai xuống để gặp một trinh nữ tên là Maria. Đây là một thiếu nữ miền quê đã đính hôn với một người tên là Giuse. Thiên Chúa ngỏ lời xin xen vào một gia đình!
Hãy chiêm ngắm một cuộc “bay xuống” của sứ thần Gáp-ri-en; đó cũng chính là cuộc hạ xuống của chính Thiên Chúa nơi Ngôi Lời. Bạn hãy dành thời gian để cảm nghiệm sự khiêm nhường hạ mình của Ngôi Hai và của Thiên Chúa.

2/ Gặp gỡ (cc. 28-37)

[Để dễ chiêm ngắm, bạn có thể hóa thân thành một nhân vật nào đó trong ngôi nhà này]
Hãy xem xét căn nhà của gia đình Maria. Căn nhà đó dài rộng cao thấp thế nào? Lúc đó khoảng giờ nào? Maria đang làm gì?
Hãy chiêm ngắm bước chân của sứ thần Gáp-ri-en đang bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà đó. Ngài vào trong nhà.
Maria có thể đã phản ứng thế nào trước sự xuất hiện đường đột như thế?
Hãy lắng nghe từng câu nói, quan sát từng cử chỉ bên ngoài và chuyển động trong tâm hồn của Maria và của sứ thần Gáp-ri-en trong cuộc trao đổi (cc. 28-37), và rút ra ích lợi thiêng liêng cho tâm hồn mình.

3/ Đón lấy (c. 38)
Bạn hãy để cho câu nói của Đức Maria vang lên trong bạn bao nhiêu lần có thể, cho đến khi bạn cảm nếm được thái độ và cung cách đón nhận của Đức Maria trước sứ vụ cao cả và bí nhiệm đó.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Hãy rút ra lợi ích thiêng liêng cho bản thân mình qua việc chiêm ngắm mầu nhiệm truyền tin.

Kết nguyện
Cùng với Đức Maria, bạn khiêm cung thân thưa với Chúa về những gì cảm nếm được qua giờ chiêm ngắm trên.
Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

17/3/20

Thứ tư MC.III: Hoàn thiện lề luật (Mt 5,17-19)

17“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Nhập nguyện
  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Những ngày chuẩn bị cho hành trình lên Giêsuralem, Đức Giêsu dạy dỗ riêng các môn đệ Ngài.
  • Ơn xin: Xin cho tôi hiểu thâm sâu chọn lựa của Chúa để tôi khao khát và dám chọn đi trên cùng một con đường với Ngài.
  • Lối cầu nguyện: suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 1.
Gợi ý cầu nguyện
Mời bạn suy xét về những điểm sau:

1/ Luật căn bản
Luật căn bản là luật luân lý làm người (dạy làm lành lánh dữ). Đây chính là luật Mô-sê và các ngôn sứ, sau này được tóm kết trong Mười điều răn, Năm điều Hội Thánh dạy, và Giáo huấn Giáo Hội; có thể mở rộng ra Thương người có 14 mốiBảy mối tội đầu. Con người cần luật căn bản này để vươn lên khỏi bản năng mà sống theo những giá trị làm người.
  •       Những luật này đã giúp xây dựng con người bạn như thế nào?
  •       Có điều gì trong những luật này làm bạn cảm thấy quá khó giữ? Hoặc bạn cảm thấy chúng giới hạn tự do con người?

Hãy thân thưa với Thiên Chúa là Đấng ban luật về mọi điều nổi lên trong lòng bạn.

2/ Luật hoàn thiện

Khi nói đến hoàn thiện cái gì, điều gì có nghĩa là cái đó, điều đó đã có cách “căn bản”, và giờ sẽ đến bước cải tiến, hoàn thiện nó. Đức Giêsu không đưa ra một bộ luật hoàn toàn mới, Ngài dựa trên nền luật đã được thiết lập và hoàn thiện theo mức độ con người trong gần 2000 năm của dân tộc Do Thái.
Điều Ngài đem vào để hoàn thiện luật đã có đó là tình yêu. Khi có tình yêu, người ta giữ luật vị nhân sinh. Khi có tình yêu, luật sẽ được vượt lên khỏi những tính toán thiệt hơn hoặc thưởng phạt.
  •       Bạn đã sống luật với tinh thần nào? Để được thưởng, sợ bị phạt, hay để thăng tiến chính mình và người khác?
  •      Có bao giờ bạn đã sống luật yêu thương cách triệt để theo mẫu gương Giêsu? Hãy nhớ lại và kể cho Đức Giêsu nghe câu chuyện cụ thể đó.

3/ Sống và dạy người khác
Trước hết hãy xét xem mức độ tôi yêu mến các luật trong Đạo được trao ban cho chúng ta, rồi xét mức độ tôi đã thực hành chúng.
Sau đó bạn hãy nghĩ đến phương cách nào tốt nhất để giúp người khác hiểu, yêu mến và thực hành các luật dạy như bạn đã làm.

Kết nguyện
Thân thưa với Chúa về bất cứ điều gì hiện lên trong lòng bạn sau khi suy xét các điều trên.
Dâng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

10/3/20

Thứ tư MC.II: Đường Chúa đi (Mt 20,17-28)

17Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: 18“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, 19sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”
20Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” 23Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Nhập nguyện
  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Những ngày chuẩn bị cho hành trình lên Giêsuralem, Đức Giêsu dạy dỗ riêng các môn đệ Ngài.
  • Ơn xin: Xin cho tôi hiểu thâm sâu chọn lựa của Chúa để tôi khao khát và dám chọn đi trên cùng một con đường với Ngài.
  • Lối cầu nguyện: suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Đường Chúa đi (cc. 17-19)
Mời bạn suy niệm về những điểm sau:
-          Đức Giêsu muốn tách riêng ra, ở riêng tư với các môn đệ để dạy dỗ họ. Điều này có nghĩa là gì? Tại sao Ngài muốn vậy? Bạn có kinh nghiệm được Ngài dạy dỗ riêng như vậy chưa?
-          Đức Giêsu nói với các môn đệ đến 3 lần về một chuyện: báo trước cuộc khổ nạn (Mt 16:21; 17:22-23; 20:17-28). Ngài nói riêng với các ông và mỗi lần lại rõ ý hơn, chi tiết hơn. Bạn nghĩ gì về lối sư phạm của Đức Giêsu? Tại sao Ngài lại chọn cách đó? Có điều gì trong đời bạn mà Chúa đã phải dạy đi dạy lại?

2/ Đường tôi muốn (cc. 20-23)
Bạn tiếp tục suy niệm các điểm sau:
-          Bà mẹ dẫn hai con trai mình đến để xin một điều với thầy của các con mình (c. 20). Bạn nghĩ đây là ao ước của bà mẹ, hay là thèm muốn của hai người con trai bà? Có khi nào bạn đã phải “dùng chiêu” để nài ép Chúa điều gì?
-          Bà mẹ nói điều muốn xin: chức tước cho hai đứa con mình khi thầy ‘lên ngôi’ (c. 21). Theo thầy mấy năm, họ tìm gì? Theo Chúa nhiều năm, bạn tìm gì? Xét trong tất cả những điều mình cầu xin, bạn thấy mình xin gì nhiều nhất?
-          Đức Giêsu nói: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” – hãy nghĩ về độ chênh lệch trong sự tìm kiếm của hai ông môn đệ và của thầy Giêsu, rồi áp dụng vào bản thân mình.
-          Hai người con trai (học trò) trả lời: “Thưa uống nổi.” Bạn có nghĩ họ ảo tưởng không? Có khi nào bạn cũng có những ảo tưởng trên con đường thiêng liêng như họ không?
-          Sống và phần thưởng (c. 23): Đức Giêsu mời họ cứ sống như thầy đi, đừng chỉ lo tìm phần thưởng. Bạn theo Chúa, làm điều này điều kia trong bổn phận Kitô hữu vì điều gì? Có phải vì phần thưởng thiên đàng không? Nên thánh thì đương nhiên sẽ được ở với Đấng Thánh. Chúa Cha sẽ bảo đảm cho bạn điều đó!

3/ Bài học quyền bính và phục vụ (cc. 24-28)
Thêm vài điểm để suy niệm:
-          Mười ông còn lại đâm ra tức tối vì chuyện “đi cửa sau” của hai anh em. Hóa ra họ có cùng một tìm kiếm quyền bính và chức tước! Họ giữ trong bụng, giờ mới “xì” ra. Bạn có sự tìm kiếm bí mật nào trong hành trình đi theo Chúa không? Điều đó có hợp với điều Chúa muốn?
-          Bài học của Chúa: Họ đang tìm chức tước, Chúa nhắc phải làm đầy tớ. Họ đang tìm quyền bính, Chúa nhắc họ phải phục vụ. Ngài cũng so sánh cách thức thi hành quyền bính trong cộng đoàn Kitô hữu/ trong gia đình Công giáo phải khác với cách thông thường của xã hội dân sự. Hãy xét xem tôi đang sống lời dạy này của Đức Giêsu thế nào?

Kết nguyện
Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn đang tìm kiếm, nhất là về chức tước, bổng lộc, quyền bính. Xin Ngài dạy bạn cách phục vụ của Ngài, và dám bước đi trên con đường Ngài đã chọn.
Kết thúc với một Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

3/3/20

Thứ tư MC.I: Xin dấu lạ (Lc 11,29-32)

29aKhi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. 29bNhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.

Nhập nguyện
    Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
    Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
   Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng trên đường Ngài tiến lên Giêrusalem.
    Ơn xin: Xin cho tôi hiểu rõ được ý nghĩa của những gì đang diễn ra trong tôi, quanh tôi và trên thế giới trong cái nhìn của Chúa.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy niệm].

Gợi ý cầu nguyện
1/ Thế hệ gian ác (c. 29a)
Mời bạn đọc câu 29a. Đức Giêsu đang rao giảng cho ai?
Ngài gọi họ là “một thế hệ gian ác”. Gian ác là gì? Khi nói “một thế hệ gian ác” thì có nghĩa là gì?
Tại sao Đức Giêsu nói họ là “một thế hệ gian ác”? Vì họ xin dấu lạ!
Dấu lạ là một điềm báo về điều phi thường, vượt ngoài những gì nằm trong trật tự tự nhiên của trời đất. Khi dấu lạ được hiện thực thì gọi là phép lạ.
Tại sao xin dấu lạ lại là “gian ác”?

2/ Dấu lạ Gio-na (cc. 29b-30)
Dù từ chối ban cho họ dấu lạ, nhưng Đức Giêsu đã nhắc lại câu chuyện về ngôn sứ Giona như một dấu lạ cho người đương thời.
Giona là dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê, Đức Giêsu là dấu lạ cho những người đương thời. Bạn rút ra được điều gì tương tự nơi Giona và Đức Giêsu để trở nên dấu lạ?

3/ Nhận ra ý nghĩa của dấu lạ (cc. 31-32)
Đức Giêsu tiếp tục nhắc đến “dấu lạ” Salomon và “dấu lạ” Giona; và đặt nó vào kết quả cuối cùng: Ngày cánh chung. Nữ hoàng Phương Nam và dân Ni-ni-vê đã đọc được ý nghĩa của những dấu lạ đó nên họ đã có những hành động tích cực: đến nghe lời khôn ngoan và sám hối thay đổi đời mình.
Dấu lạ mời bạn đọc ý nghĩa ẩn phía sau những gì đang diễn ra trước mắt. Bạn có đọc được ý nghĩa của những gì đang diễn ra trong bạn, quanh bạn và trên thế giới trong những ngày này?

Kết nguyện
Bạn hãy tâm sự với Chúa về những ý nghĩa mà bạn đã “đọc” được nơi các biến cố đời mình, nơi sự kiện xung quanh… Nếu bạn vẫn chưa “đọc” được ý nghĩa của chúng thì hãy tiếp tục xin Chúa cho mình tìm ra ý nghĩa của chúng.
Cuối cùng, hãy dâng 1 Kinh Lạy Cha cho Đấng bảo đảm sẽ mang lại ý nghĩa cho mọi sự.

(Ảnh: Internet)

25/2/20

[Thứ Tư lễ tro]: Kín đáo (Mt 6,1-6.16-18)


1“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng.
Ơn xin: Xin cho tôi hiểu rõ được điều đang suy xét, được nhận biết mình, và được Chúa trợ giúp để sửa mình; hầu làm vinh danh và ca tụng Chúa hơn.
Lối cầu nguyện: Suy xét để quản lý mình [gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 1.

Gợi ý cầu nguyện
1/ Đọc bản văn
Bạn hãy dành thời gian đọc bản văn, dù cảm giác của bạn là bản văn này rất quen thuộc. Lưu ý đến cách giảng dạy giả định của Đức Giêsu, Ngài dùng chữ “khi”. Chú ý đến những hướng dẫn về cách thức thực hành và thái độ cần có theo Đức Giêsu.

2/ Suy xét về thái độ của tôi
a/ Làm việc lành phúc đức (cc. 1-2): Hãy xét xem tôi có quan tâm đến các việc tốt lành? Tôi có thực hiện những việc tốt lành? Tôi có dạy/khích lệ người khác làm những việc tốt lành? Tôi thường làm/dạy/khuyến khích những việc tốt lành vì mục đích gì?
b/ Cách trao tặng (c. 3): Đây là tương quan của tôi với tha nhân và môi trường sống. Tôi thấy mình “có” những điều gì? Tôi thường giữ riêng cho mình hay muốn trao tặng? Tại sao tôi lại muốn trao tặng? Thái độ của tôi thế nào khi trao tặng? Có khi nào tôi đặt điều kiện cho người nhận khi tôi trao tặng, ngay cả yêu cầu một điều tốt?
c/ Cầu nguyện (c.5): Đây là mối tương quan của tôi với Thiên Chúa. Hãy xét xem tôi có quan tâm đến mối tương quan này không. Khi tôi thực hiện những thực hành thiêng liêng, tôi thường làm vì luật dạy hay vì lòng yêu mến? Tôi làm để nối kết đời mình với Thiên Chúa hay để được khen là “đạo đức”? Lời cầu nguyện của tôi thường gói trong các nhu cầu của tôi hay cho nhu cầu của người khác? Tôi có mở rộng lối cầu nguyện của mình bằng cách hình thức cầu nguyện khác nhau, để ca tụng Chúa, thống hối, tạ ơn, hay chỉ biết xin ơn? Lối cầu nguyện của tôi là khẩu nguyện (đọc kinh) hay tâm nguyện (cầu nguyện thinh lặng và một mình bằng Kinh thánh hoặc tâm tình với Chúa)?
d/ Ăn chay (c. 16-18a): Đây là sự rèn luyện bản thân trong quá trình hợp tác với ân sủng Chúa để nên thánh. Tôi có nghĩ rằng tự mình có thể khổ chế và có thể lập công để tự cứu độ mình? Tôi có bù trừ khi ăn chay theo kiểu Ba Béo (Mardi Gras/Fat Tuesday), hoặc chờ đến 12 giờ đêm là có thể ăn nhậu? Tôi có thường tìm khoái lạc qua việc ăn uống? Tôi có sử dụng thực phẩm cách trân trọng và biết ơn? Tôi có tích cực làm ra những thực phẩm sạch? Tôi có ý thức về nguy cơ đói kém của các vùng, các nước khác nhau và chia sẻ lương thực?

3/ Suy xét về sự kín ẩn (cc. 3.6.18b)
Bạn nghĩ gì về sự kín ẩn của Thiên Chúa? Ngài vốn giàu có và đầy quyền năng nhưng đã ẩn mình đi đến nỗi đôi khi con người là loài có trí khôn cũng chẳng nhận ra Ngài!
Ngài ngự nơi kín ẩn, Ngài biết những điều kín ẩn, và Ngài yêu thích thái độ kín ẩn của bạn.
Hãy xét xem tôi có sống, làm, trao tặng, rèn luyện bản thân, tương quan… với thái độ kín ẩn, nghĩa là quy tất cả mọi sự vào việc “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa” như lời Tổng nguyện ta vẫn dâng khi thực hành cầu nguyện theo lối I-nhã?

Kết nguyện
Bạn hãy dừng lại và thân thưa với Chúa về thái độ sống của mình trong mọi sự, nhất là sau khi đã suy xét các lời dạy của Đức Giêsu ở trên đây.
Đoạn dâng một Kinh Lạy Cha để tạ ơn Cha là Đấng ngự nơi kín ẩn, và xin được hưởng niềm vui bên Ngài sau khi bạn đã nỗ lực để sống, làm, nói, nghĩ, trao tặng, rèn luyện để trở nên hoàn thiện như Ngài.

(ảnh: Internet)