Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

31/1/22

Thứ bảy TN.IV: Quân bình (Mc 6,30-34)

30Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Phân chia bản văn theo cấu trúc liên tiến:

A: 30 – báo cáo sứ vụ

B: 31a – lời mời nghỉ ngơi

A’: 31b – sự bận rộn hiện tại

B’: 32 – đi lánh riêng

A’’: 33 – sự bận rộn sắp đến

B’’: 34 – Thư thái trong sứ vụ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Các môn đệ trở về sau chuyến đi truyền giáo.

Ơn xin: Xin cho tôi biết giữ sự thăng bằng và quân bình cho bản thân mình và tạo lập sự quân bình cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn đọc kỹ bản văn để có thể nhớ được hầu hết các chi tiết của câu chuyện. Sau đó suy niệm theo các điểm hướng dẫn sau.

1/ Thì động (cc. 30.31b.33)

A: Các môn đệ vừa kết thúc một đợt sứ vụ, và đang làm đúc kết.

A’: Người ta tuôn đến đông đúc, bận rộn và xáo trộn đến nỗi các môn đệ không có cả giờ để ăn.

A’’: Thầy trò trốn đi, muốn đến một nơi thanh vắng, nhưng người ta vẫn đoán được ý và đến trước cả thầy trò Giêsu. Sự bận rộn luôn đeo bám họ.

Đám đông dân chúng và sự đói khát “nghe Lời” và khao khát được chữa lành vừa là một sự “làm phiền” cho thầy trò Giêsu; đồng thời cũng là động cơ sứ vụ của họ.

Hãy xét xem trong 24h một ngày, bạn dùng bao nhiêu thời gian để hoạt động/làm việc? Những việc đó bao gồm những việc gì (bản thân, người thân, xã hội, kiếm sống, thờ phượng Chúa)? Mỗi loại công việc chiếm bao nhiêu thời gian?

2/ Thì tĩnh (cc. 31a.32.34)

B: Thầy Giêsu mời các môn đệ đi lánh ra nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi. Đó là lời mời tự chăm sóc mình sau những lúc quá bận rộn hoặc làm việc quá tải. Lời mời này cũng thường được áp dụng vào việc tĩnh tâm/linh thao, nghỉ ngơi với Chúa.

B’: Thầy trò Giêsu thực hiện việc tìm kiếm một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Ngay cả khi họ cùng di chuyển với nhau, họ ở bên nhau – đó là sự nghỉ ngơi để bồi dưỡng tình thân thầy trò – một sự nghỉ ngơi tinh thần.

B’’: Dù đám đông đến trước chờ sẵn để bu quanh đức Giêsu, lòng thương của Ngài trỗi dậy, và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Ngài hoạt động mà như thể an tĩnh.

Hãy xét xem trong 24h một ngày, bạn dùng bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi và tự chăm sóc mình về thể chất, tinh thần và thiêng liêng? Bạn quan tâm đến nhu cầu này cho mình và cho người khác như thế nào? Bạn đã làm gì để tạo điều kiện thực hiện nhu cầu an tĩnh?

3/ Quân bình

Sự quân bình có được khi ta biết phối hợp nhịp nhàng thì độngthì tĩnh trên. Động quá thì xáo rỗng, kiệt quệ, đôi khi phô diễn. Tĩnh quá thì thụ động, lười biếng, vị kỷ.

Sigmund Freud gọi đó là động lực sống và động lực chết. Động lực sống đẩy ta đi tới, hoạt động và dấn thân, liều lĩnh và trải nghiệm, tìm kiếm ý nghĩa và trả giá. Động lực chết kéo ta về với sự nghỉ ngơi an tĩnh, chăm sóc để phục hồi, nạp năng lượng để chuẩn bị cho thì động.

Bạn tự đánh giá mức độ quân bình của mình giữa thì độngthì tĩnh thế nào?

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa về nhịp sống của bạn. Nếu có gì cần điều chỉnh, xin Ngài ban ơn giúp sức cho. Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét