Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

9/12/22

[Thắp nến Mùa Vọng] 11/12/2022 – Niềm vui giữa khổ đau

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng. 2 cây nến tím đã được thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để cùng khích lệ nhau tiếp tục chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và nhắc nhớ về việc Thiên Chúa hằng viếng thăm chúng ta qua những tin vui nhỏ bé trong đời thường –  nơi giọt sương mai, trong làn gió nhè nhẹ, trong hơi ấm mặt trời, trong nụ cười thân thiện, với giọt nước mắt đồng cảm, hay một giai điệu thư giãn. Ngài cũng đến với chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn và ít niềm vui.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 35, 1-10

1Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,

vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,

2hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,

và hân hoan múa nhảy reo hò.

Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng,

vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-rôn.

Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của ĐỨC CHÚA,

và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.

3Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,

cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!

Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,

ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.

Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

5Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.

6Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,

miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.

Vì có nước vọt lên trong sa mạc,

khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.

7Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,

đất khô cằn có mạch nước trào ra.

Trong hang chó rừng ở, sậy cói sẽ mọc lên.

8Ở đó sẽ có một đường đi mang tên là thánh lộ.

Kẻ ô uế sẽ chẳng được qua.

Đó sẽ là con đường cho họ đi,

những kẻ điên dại sẽ không được lang thang trên đó.

9Ở đó sẽ không có sư tử, thú dữ ăn thịt cũng chẳng vãng lai,

không thấy bóng dáng một con nào,

nhưng ai được Chúa cứu chuộc sẽ bước đi trên đó.

10Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về,

tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,

mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.

Họ sẽ được hớn hở tươi cười,

đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Màu hồng của lễ phục Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta niềm vui của thời gian chờ mong đã gần đến để nâng đỡ những tâm hồn mệt mỏi. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến là lời vang lên trong những ngày này.

Sa mạc gợi lên cho ta về sự khô cằn, nắng cháy, thiếu sức sống và đầy mệt mỏi. Ngôn sứ Isaia dùng chính hình ảnh đó để làm bật lên niềm vui chờ đón Chúa đến. Chính Ngài sẽ làm cho sa mạc nở hoa, ban cho nó vẻ huy hoàng của núi Li-băng. Ngài sẽ mở mắt người mù, thông tai người điếc, chữa lành những đôi chân què quặt, tháo cởi lưỡi người câm. Ngài sẽ ban cho bạn khả năng cảm thụ vinh quang và quyền năng của Ngài. Bấy giờ bạn sẽ vui sướng ca tụng Ngài bằng toàn thể con người bạn.

Tài liệu làm việc ở cấp Châu lục để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về Hiệp hành nhắc đến việc lắng nghe những người bị bỏ rơi và bị loại trừ; dành ưu tiên cho những người “thấp cổ bé miệng” như thai nhi, người khuyết tật, người trẻ và phụ nữ (x. số 35-37). Đó là cách chúng ta học sống theo Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt hằng yêu thương, lắng nghe và giải cứu những kẻ bé mọn kêu xin Ngài. Ngài mang đến cho họ niềm vui và sự khích lệ.

3Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,

cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!

Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,

ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.

Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

Chính Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự. Ngài sẽ làm cho niềm vui được trào lên từ những thực tế đau thương của phận người. Trong Mùa Vọng, bạn chờ mong niềm vui nào sẽ đến với bạn ngay trong hoàn cảnh hiện tại của mình?

Bạn có tin rằng chính Thiên Chúa sẽ phục hồi bạn và ban cho bạn gương “mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu”? Niềm vui Kitô giáo khác với trạng thái an nhiên do con người nỗ lực tạo ra. Niềm vui Kitô giáo là niềm vui có Chúa đồng hành với mình trong hành trình đầy đau khổ vì nỗ lực sống yêu thương.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN HỒNG)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui. Giữa bóng đen của những đổ vỡ gia đình, của những cạnh tranh không lành mạnh trong xã hội, của thiên tai, của chiến tranh và xung đột, xin cho bản thân mỗi người chúng ta trở nên người chứa đựng niềm vui của Thiên Chúa để lan tỏa niềm vui đó cho tha nhân.

Cộng đoàn hát: Nào vui lên – Mi Trầm

ĐK: Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi loan báo niềm vui cứu đời. Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi, ta hãy mừng vui trong Chúa Trời.

1. Nào ta vui lên vì Chúa đến ở giữa dân người ban xuống niềm vui cho Thế nhân thôi hận thù. Nào ta vui lên vì Chúa đến cứu thoát muôn người ban xuống niềm vui cho ngày mai thêm đẹp tươi.

hoặc bài Tân ca –Tiến Lộc https://soundcloud.com/votienphat/t-n-ca-lm-ti-n-l-c

hoặc nghe Faith is the victory (English)

https://www.youtube.com/watch?v=DSNMQAVe7FE 

HD 1: Lạy Thiên Chúa, Đấng bảo đảm cho chúng con về cuộc viếng thăm của Ngài dành cho chúng con. Ngài đến và mang theo niềm vui cho chúng con giữa thực tại trần gian đầy đau khổ. Ngài không xóa bỏ đau khổ nhưng ban cho chúng con niềm vui khi biết sống yêu thương trong môi trường đầy đau khổ. Xin ban cho chúng con niềm vui của Ngài để chúng con trở nên nhân chứng cho niềm vui giữa một xã hội còn nhiều đau khổ. Chúng con cầu xin trong Danh Thánh Tử Giêsu, là Chúa và là Đấng cứu độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

Dấu thánh giá kết thúc.

Ảnh: blog.freepeople.com 

6/12/22

Thứ ba MV.II: Cảm Nghĩ sao? (Mt 18,12-14)

12a“Anh em nghĩ sao? 12bAi có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong bài giảng về Giáo Hội, đức Giêsu kể dụ ngôn này.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được lời mời gọi của đức Giêsu dành cho mình hôm nay, để tôi biết bao dung với và hy vọng về người khác, nhất là người thân cận.

Lối cầu nguyện: Suy Chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm và Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Cảm nghĩ sao? (cc. 12-13)

Mời bạn mường tượng và nhìn ngắm người mục tử có một trăm con chiên đang ăn cỏ trên đồng. Xem xét cách anh ta kiểm diện đàn chiên. Cảm nhận sự chuyển động trong lòng khi anh phát hiện ra thiếu một con. Anh nghĩ về con chiên “vắng mặt” đó với tên của nó và những đặc điểm riêng biệt. Xem cách anh làm quyết định đi tìm nó. Đi tìm nghĩa là phải “để lại” chín mươi chín con đang ăn cỏ trước mặt anh. Chiêm ngắm và cảm nhận bước chân, ánh mắt, tiếng gọi của anh khắp núi đồi. Anh bước đi trong vô vọng, mà vẫn tiếp tục bước đi… Ngẫm nghĩ về hành trình Thiên Chúa vất vả đi tìm bạn.

“Hope against hope” – Hy vọng khi không còn gì để hy vọng.

Chiêm ngắm giây phút người mục tử tìm được con chiên lạc. Lòng anh vui sướng thế nào? Anh làm gì để ôm lại được con chiên vào lòng? Chiêm ngắm những bước chân trở về của anh.

Đức Giêsu hỏi (các môn đệ và hỏi tôi hôm nay): “Anh/em (cảm) nghĩ sao về câu chuyện này?"

2/ Khao khát của Thiên Chúa (c. 14)

Suy nghĩ về ý muốn của Thiên Chúa: “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” – Bé mọn là nhỏ bé, yếu đuối, tội lỗi, thua kém… về mọi mặt. Thiên Chúa không muốn mất một ai dù họ bé mọn như thế.

Bạn thường nối kết “ý Chúa” với nội dung nào? (trừng phạt, bắt phải khổ, nghiêm khắc…)

Ý muốn của Thiên Chúa: hạnh phúc đích thực cho từng người và cho toàn thể. Ngài không muốn mất/thiếu một ai trong tiệc vui Nước Trời.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về tâm tình của bạn khi sống trong gia đình, cộng đoàn…

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha để xin ơn được hưởng niềm vui trọn vẹn của Chúa Cha. 

Ảnh: Tonya, Pinterest

26/11/22

[Thắp nến Mùa Vọng] 04/12/2022 – Tình yêu an hòa trong thời đại của Chúa

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật tuần II Mùa Vọng)

Quy tụ cộng đoàn trước Vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), hôm nay, chúng ta cùng nhau bước vào tuần thứ Hai Mùa Vọng. Hành trình này tiếp tục đưa chúng ta bước đi cùng với các kitô hữu toàn cầu trong khao khát tiến đến một Giáo hội hiệp hành.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 11,1-10

1Từ gốc tổ Gie-sê,

sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,

từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.

2Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này:

thần khí khôn ngoan và minh mẫn,

thần khí mưu lược và dũng mãnh,

thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.

3Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú,

Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,

cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói,

4nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng,

và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.

Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,

hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.

5Đai thắt ngang lưng là đức công chính,

giải buộc bên sườn là đức tín thành.

6a Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.

Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,

một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

7Bò cái kết thân cùng gấu cái,

con của chúng nằm chung một chỗ,

sư tử cũng ăn rơm như bò.

8Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,

trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

9Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá

trên khắp núi thánh của Ta,

vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này,

cũng như nước lấp đầy lòng biển.

10Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.

Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,

và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

Đó là Lời Chúa. – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm (đọc chậm rãi)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia vang lên trong Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng mở ra một viễn tượng hòa bình cho muôn loài, dưới sự dẫn dắt của một Đấng là “chồi non từ gốc tổ Gie-sê”. Người sẽ chăn dắt dân trong “thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.” Trong triều đại của Ngài, chẳng còn chiến tranh, chẳng còn thú dữ hại người… Chỉ còn lại tình yêu bao trùm xứ sở.

Tình yêu và sự tin tưởng sẽ tạo nên cuộc đối thoại từ các tầng lớp nền tảng là các Kitô hữu giáo dân. Trong bối cảnh đó, họ tự do bộc lộ mọi ý nghĩ từ thâm sâu. Về kinh nghiệm tích cực, họ nói: “Trong các kinh nghiệm về việc chuẩn bị Công đồng lần này, nhiều đúc kết nhấn mạnh cảm thức thuộc về Giáo Hội và nhận thức trên tầm mức thực hành rằng Giáo hội không chỉ là Linh mục và Giám mục” (Tài liệu làm việc cho các Châu lục, số 16). Các tín hữu cũng bày tỏ lo ngại về Giáo hội liệu có đang đi theo con đường “dân chủ”; hoặc cũng lo ngại rằng liệu kết quả của Công Đồng có bị sắp đặt trước! (Tài liệu làm việc cho các Châu lục, số 17-18). Các tham dự viên cấp địa phương cũng bày tỏ nỗi đau về vết thương lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ. Họ kêu gọi Giáo hội tiến tới một nền văn hóa minh bạch, trách nhiệm và đồng trách nhiệm (Tài liệu làm việc cho các Châu lục, số 20).

Ước mong quá trình tham gia vào việc chuẩn bị cho Công Đồng về Hiệp Hành sẽ giúp từng thành phần Dân Chúa thấy được vai trò của mình trong việc tạo nên một Giáo Hội hiệp nhất trong Tình yêu, được thể hiện bởi thái độ lắng nghe nhau và tạo không gian cho những tâm tư sâu kín được bày tỏ. Mời bạn thinh lặng để suy nghĩ về chọn lựa của mình trong tiến trình này.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM thứ hai (ngọn nến I đã được thắp sẵn).

Chúng ta cùng nhau thắp lên ngọn nến thứ hai là Cây nến Bêlem mang đến tình yêu.

Xin cho chúng ta có đôi tai được gắn tim để lắng nghe người khác, hiện diện bên cạnh và nói lời an ủi, nâng đỡ nhau. Đó là cách thức bày tỏ tình yêu cách hữu hiệu nhất trong thế giới ngày nay, khi con người bị quá tải thông tin gián tiếp qua mạng internet và cuộc sống trở nên quá bận rộn với nhịp tiến công nghiệp.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Yêu bằng tình loài người của LM nhạc sĩ Chu Văn Chi

https://www.youtube.com/watch?v=Xw8tOZCYQC4

Hoặc bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=e0h2YgM9KRk

HD 1: Lạy Chồi Non từ Gốc Tổ Gie-sê, xin hãy đến với chúng con trong thời đại bị phân tán bởi các luồng thông tin và những trường phái tư tưởng, cũng như các lối sống. Xin trở nên nguồn tình yêu đích thực để quy hướng chúng con về với Ngài, và với nhau. Ước gì sự hiện diện của Ngài trong thế giới này giúp chúng con chung sống hòa bình với chính bản thân, với đồng loại và với muôn loài thụ tạo khác. Chúng con cầu xin nhờ đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

Làm dấu thánh giá kết thúc.

Ảnh: Pinterest.

  

25/11/22

Thứ ba MV.I: Hạnh phúc thay (Lc 10,21-24)

21Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

22“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

23Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau chuyến thực tập tông đồ của 72 môn đệ, họ hớn hở vì những thành quả đạt được. Điều đó tác động vào tâm hồn đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm được niềm vui của Chúa Giêsu dành cho những nỗ lực nho nhỏ của tôi trong hành trình thiêng liêng và giúp người khác gắn bó hơn với Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hướng lên Cha (c. 21)

Đặt mình là một trong số các môn đệ đang hiện diện ở đó, bạn chiêm ngắm đức Giêsu đang được 72 môn đệ vây quanh, lao nhao kể đủ chuyện về hành trình truyền giáo. Hãy thưởng nếm tình thầy trò, họ thương mến và lắng nghe nhau thế nào.

Để ý xem những điều đó tác động vào con tim của đức Giêsu thế nào. Bất chợt, Ngài đứng lên, phủ tấm khăn lên đầu, mặt ngửa lên trời, mắt hướng về Cha. Hãy chậm rãi đọc (nhiều lần, từng chữ từng câu) và chiêm ngắm đức Giêsu với tâm thần hoan lạc đang thân thưa cùng Cha:

-       “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

Dừng lại cảm nếm bầu khí đơn sơ, nhẹ nhàng ấy. Cũng thưởng nếm tình yêu giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha – chính là Thánh Thần, trong giây phút ấy. Ngọt ngào thay giây phút trời đất giao duyên.

2/ Mặc khải thần linh (c. 22)

Nhìn ngắm đức Giêsu đang “lạc vào” trong cảm thức thuộc về Cha... Ngài nghĩ tới những người thuộc về Ngài.

-       22“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Dành thời gian để trải nếm cảm nhận được thuộc về nhau giữa bạn và Chúa Giêsu của đời bạn. Bạn muốn thân thưa gì với Ngài trong giây phút này?

2/ Hướng về các môn đệ (cc. 22-24)

Chiêm ngắm cái xoay người của đức Giêsu về phía các môn đệ; chiêm ngắm ánh mắt nhìn của Ngài dành cho các môn đệ; lắng nghe điều Ngài nói riêng với các môn đệ:

-       “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Hãy chạm vào hoặc nghĩ đến từng cơ phận trên người bạn, cảm nghiệm điều nó được chúc phúc như thế nào. Xem cách bạn đã nhận ra và sử dụng điều phúc đó như thế nào. Đức Maria được đổi tên thành “Đầy Ân Sủng”. Còn tên của bạn là gì trong Thiên Chúa?

Kết nguyện

Hòa với tâm tình của Chúa Giêsu, bạn hãy thân thưa với Chúa Cha.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest.

  

[Thắp nến Mùa Vọng] 27/11/2022 – Hy vọng Hiệp nhất trên Núi Nhà Đức Chúa

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật tuần I Mùa Vọng)

Quy tụ cộng đoàn trước Vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhớ chúng ta về một Năm phụng vụ nữa lại bắt đầu trong hành trình đời mỗi người. Chúng ta lớn thêm một tuổi thiêng liêng trong hành trình tương quan với Thiên Chúa.

Mùa Vọng là mùa ngưỡng vọng về Chúa, mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này, để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)

Hôm nay, chúng ta cùng nhau bước vào tuần thứ Nhất Mùa Vọng, khai mở hành trình 24 ngày bước đi cùng nhau trong cầu nguyện hướng về đại lễ Giáng Sinh. Cầu nguyện bên Vòng nến Mùa Vọng là cách thức chuẩn bị tâm hồn đón mừng chính Chúa Kitô, để không đơn thuần chỉ làm những chuẩn bị bên ngoài như dọn dẹp nhà cửa, trang trí, mua sắm và tặng quà hay gởi thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Những điều này cần làm để diễn đạt niềm vui đón Chúa đến, nhưng chuẩn bị tâm hồn mình mới là trọng tâm để đón nhận quà tặng lớn lao là chính Chúa Kitô ngự đến.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 2,1-5

1Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc,
đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.

2Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA

đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,

vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,

3nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,

lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,

để Người dạy ta biết lối của Người,

và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.

Vì từ Xi-on,

thánh luật ban xuống,

từ Giê-ru-sa-lem,

lời ĐỨC CHÚA phán truyền.

4Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

5Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi,

ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường!

Đó là Lời Chúa. – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm (đọc chậm rãi)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), tuần thứ nhất Mùa Vọng đưa chúng ta vào viễn tượng rộng lớn của không gian là Núi Nhà Đức Chúa – một không gian trên cao, hướng thượng; và một thời gian ân phúc khi Đức Chúa quy tụ muôn dân nước về Núi Thánh để nghe lời dạy của Ngài.

Trong năm hướng tới Công đồng về Hiệp Hành, chúng ta được mời gọi “Nới rộng không gian lều bạt” (“Enlarge the space of your tent!”). Đó là tinh thần đón nhận và đón tiếp nhau đến tận cùng. Hình ảnh chiếc lều mục tử được lấy từ Cựu Ước, đặt nền trên truyền thống đón tiếp của dân du mục Do Thái. Là dân du mục, người Do Thái biết mình cần đến sự đón tiếp của người khác cho những nhu cầu căn bản của mình thế nào; Đến lượt họ, họ đã biến lòng hiếu khách trở thành một giới răn buộc nhau thi hành để tiếp đón mọi người ít nhất ba ngày.

Chiếc lều chính là không gian của sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng. Chiếc lều không có tường xây cố định nên có thể cơi nới cả bốn phía. Chiếc lều cũng gợi lên sự linh hoạt và di động. Nó dễ dàng tháo gỡ và di chuyển đến nơi khác. Hình ảnh chiếc lều mục tử đối lập với khuynh hướng định cư, đô thị hóa, xây cất những cơ sở cố định đến mức khó chuyển đổi mục đích sử dụng của thế giới ngày nay. Lối sống ngày nay đã góp phần tạo nên những tâm hồn khép kín, yêu chuộng sự an toàn và an nhàn cho mỗi cá nhân.

Mở ra với đón tiếp người khác là mời gọi để “qua bờ bên kia”, để đi đến những “vùng ngoại biên” – nơi bạn ít quen thuộc, nơi bạn cảm thấy ít an toàn. Đó có thể là một vùng đất xa lạ, nhưng nó cũng là tâm hồn và mảnh đời của ai đó đang sống cạnh bên bạn. Truyền giáo trước hết là một thái độ hiện diện với một tâm hồn cởi mở đối với những điều mớixa lạ. Thánh Phanxicô Assisi và thánh Charles de Foucauld đã sống tinh thần đó khi đến sống và hiện diện giữa các anh chị em Hồi Giáo. Liệu rằng những thông tin mỗi ngày của thế giới này có đang âm vang vào trong chiếc lều tâm hồn của bạn?

(Thinh lặng một chút)

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên.

Chúng ta cùng nhau thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng.

Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân nuôi dưỡng niềm hy vọng về một Mái Nhà Chung, nơi mọi dân nước chung sống hòa bình với nhau, dưới sự dẫn dắt của đức tin vào một Thiên Chúa. Xin cho việc mỗi ngày chiêm ngắm ngọn nến Hy vọng, giúp nuôi dưỡng khao khát bước đi cùng nhau trên hành trình tiến về Núi Chúa, để cùng nhau tham dự bữa tiệc Cánh Chung do chính Thiên Chúa thết đãi.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Tìm lại màu xanh của nhạc sĩ Thành Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=iV1i_-UHuqo 

Hoặc bài Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A

HD 1: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Ngài đã đến thế giới này để thắp lên cho chúng con niềm hy vọng không thể hủy diệt vào một bữa tiệc dành cho muôn dân nước, khi người người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi sắc tộc, màu da, văn hóa, vùng miền, khí hậu, ẩm thực khác nhau/ ngồi lại bên nhau để cùng chung hưởng bữa tiệc Lời Chúa. Xin cho chúng con sống từng ngày trong niềm hy vọng rằng/ một khi chúng con biết sống theo những điều Ngài chỉ dạy, tất cả chúng con sẽ bước đi cùng nhau hướng về Nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

Làm dấu thánh giá kết thúc. 

Ảnh: Pinterest

24/11/22

Thứ bảy TN.XXXIV: Đứng vững (Lc 21,34-36)

34“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu rao giảng tại Giêrusalem (đích đến của hành trình). Sau khi đức Giêsu tiên báo về biến cố thành Giêrusalem bị vây hãm, và những điềm báo về “Ngày của Con Người”, Ngài căn dặn những điều này.
  • Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được thời cuộc mà tôi đang sống, để tôi biết làm những chọn lựa có giá trị cho đời mình.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện dẫn nhập]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

+ Đức Giêsu đang ở tại Giêrusalem, vào thời điểm gần cuối hành trình dương thế của đời Ngài.

+ Bạn đang ở Thế kỷ XXI, thời đại công nghệ số, thời đại hậu công nghiệp… Bạn đang ở trong giai đoạn nào của cuộc đời? Bạn đang ở trong bối cảnh cụ thể nào? Đâu là đích mà bạn muốn đến?

2/ Suy ngẫm từng câu (cc. 34-36)

+ “phải đề phòng”: một mệnh lệnh. Đề phòng vì thời cuộc nguy hiểm, để bảo vệ mình.

+ “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”: đề phòng những thứ làm cho bạn hướng hạ, mà quên hướng thượng.

+ “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em… và mọi dân cư khắp mặt đất”: không ai có thể trốn thoát.

+ “Kẻo ngày ấy…”: tình thế đáng tiếc. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng chia sẻ kinh nghiệm của mình khi nghĩ về cái chết: Nếu Ngài đến như là một kẻ trộm, em sẽ vời kẻ trộm ấy đến mau mau!

+ “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”: chuẩn bị cả về thể chất, tinh thần và thiêng liêng.

+ “hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến”: điều khủng khiếp, vượt quá khả năng của con người. Ngoài sức người, ta còn cần sức mạnh thiêng liêng Chúa ban.

+ “đứng vững trước mặt Con Người”: Nào có ai dám tự tin đứng trước mặt Đấng Hoàn Thiện, Chí Thánh, Chí Công… ngoại trừ khi bạn tín thác vào lòng thương xót của Ngài.

Kết nguyện

Ngẫm nghĩ về đích đến của đời mình, thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn cảm nghiệm được qua giờ cầu nguyện. 

Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

18/11/22

Thứ bảy TN.XXXIII: Tất cả đều đang sống (Lc 20,27-40)

27Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30Người thứ hai, 31rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

34Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp38Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

39Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Trên hành trình lên Giêrusalem, đức Giêsu trả lời vấn đề kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
  • Ơn xin: Xin cho tôi nhận thức được ân huệ sự sống đời đời, xác tín vào niềm tin có sự sống đời sau và xác loài người ngày sau sống lại; để tôi biết sống và đầu tư cho hành trình hạnh phúc viên mãn đó.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

1/ Niềm tin vào sự sống đời sau (c.27)

Nhìn chung, người Do Thái nhiều thế hệ tin vào sự thưởng phạt ở đời này. Giàu có và đông con nhiều cháu là sự chúc lành của Đức Chúa. Nghèo, khổ, vô sinh, góa bụa… là sự chúc dữ của Đức Chúa.  Mãi đến thế kỷ II trước Công nguyên, với cuộc bách hại tôn giáo và phong trào Hy Lạp hóa, sách Đaniel kể chuyện về 3 thiếu niên Do Thái là Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô bị vua Nabucôđônôsô ném vào lò lửa mà không hề hấn gì: Vì Người đã kéo ta ra khỏi âm phủ, đã cứu ta khỏi tay tử thần, và đã giải thoát ta khỏi lò lửa nóng bừng, khỏi lửa hồng đốt cháy.” (Đn 3,88) và những thị kiến về thời cánh chung được kể bằng văn chương khải huyền (Đn 2; 7-8; 10-12).

Trong cuộc nổi dậy của gia đình Macabê, với thực hành quyên tiền gởi về Giêrusalem để xin cầu nguyện cho các tử sĩ (x. 2Mcb 12,38-45) thì niềm tin vào sự sống đời sau mới dần dần lộ diện: “43Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại” (2Mcb 12,43). Đó cũng là lý do để họ có thể hy sinh mạng sống đời tạm này vì hy vọng vào sự giải thoát và ân thưởng của Thiên Chúa hằng sống. [ông lão Eliaza (x. Đn 6,18-31), 7 anh em của một gia đình (x. Đn 7,1-42)]

Tuy nhiên, sau 2 thế kỷ, không phải tất cả những người Do Thái đương thời với đức Giêsu đều tin vào sự sống đời sau, điển hình là nhóm Sađốc (quý tộc, thân Vua, và am hiểu lề luật).

Còn bạn, sau hơn 2000 năm, hôm nay hãy trả lời cho bản thân mình về niềm tin này: Có hay không có sự sống đời sau? Tin hay không tin? Sống như thể có thế giới mai hậu hay chỉ có “60 mươi năm cuộc đời” rồi “chết là hết”?

2/ Đặt vấn đề bằng cách kể chuyện (cc. 28-32)

Bạn hãy dành thời gian để đọc cách mà nhóm người Sađốc đặt vấn đề về sự tiếp nối có vẻ phi lí và rắc rối từ đời này sang đời sau (nếu có). Họ kể cả một câu chuyện. Khác với lối cãi lý và những câu kết luận của khoa học và triết học thời hiện đại.

Có bao giờ tôi ngoan cố biện minh cho những niềm tin có sẵn của mình, để khước từ một sự thật đang được vén mở?

3/ Tất cả đều đang sống (cc. 33-40)

-       Đời sau không còn lấy vợ lấy chồng, họ “trường sinh” nên không cần kẻ nối dõi -- Suy nghĩ về cảm thức thuộc về và khao khát lưu giữ chính mình: khi còn nhỏ, lúc trưởng thành, khi về già… Điều đó phản ánh gì về nỗi lo “mất mình” của bạn?

-       “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. ” -- Đức Giêsu nhắc đến việc Đức Chúa tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa của những người đã chết, và ở thì hiện tại. Ngài sống, và họ sống trong Ngài. Hãy xét xem tôi đang sống hay chết trong cái nhìn của Thiên Chúa? Sống và chết thiêng liêng có nghĩa là gì? Hình vẽ sau giúp bạn mô phỏng cái nhìn này trong Thiên Chúa.

 -       39Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.” -- Còn bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những điều bạn nhận ra trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest

12/11/22

Thứ bảy TN.XXXII: Kiên tâm cầu nguyện (Lc 18,1-8)

1Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’”

6Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ kiên tâm cầu nguyện bằng dụ ngôn.
  • Ơn xin: Xin cho tôi học được bài học đức Giêsu dạy để biết quảng đại dành thời gian cầu nguyện, và tin vào kết quả lớn lao của cầu nguyện, dù không dễ đo đếm được chúng.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Mẫu gương cầu nguyện (c.1)

Nhìn ngắm đức Giêsu cầu nguyện trong suốt hành trình dương thế của Ngài.

+ Khi nhỏ Ngài đã học và thực hành cầu nguyện thế nào?

+ Suốt 30 năm ẩn dật, Ngài đã chiêm ngắm thế giới thiên nhiên, câu chuyện đời thường bằng con mắt siêu nhiên thế nào? Ngài đã quy chúng về Chúa Cha thế nào? Ngài đã đọc được ý nghĩa gì trong đó?

+ Trong những năm hoạt động công khai, Ngài đã cầu nguyện thế nào? Kết quả của việc cầu nguyện đó thế nào?

2/ “xét xử cho rồi” (cc.2-6)

Đọc lại câu chuyện và ngẫm nghĩ về viên “quan tòa bất chính” – Sống tệ bạc như ông mà cũng không chịu nổi sự phiền toái của những lời kêu cứu của bà góa.

Trong kinh nghiệm đời thường bạn có kinh nghiệm đạt được điều gì đó nhờ kiên trì nài xin? Điều bạn nhận được đến từ ước muốn của người trao hay là từ sự miễn cưỡng?

3/ “mau chóng minh xét” (c.7)

Ngẫm về Thiên Chúa. Giả như bạn nghĩ Ngài “tệ” như vị quan toàn kia thì Ngài vẫn “minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn”. Hơn nữa, hãy chắc chắn rằng “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

Điều còn lại là: điều bạn cầu xin là gì? Nó tốt cho bạn hoặc cho người liên quan không? Bạn muốn thấy kết quả của lời cầu xin theo kiểu nào?

4/ “liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (c.8)

Hãy ngẫm về lời tiên báo ảm đạm này. Liệu rằng đến khi Ngài trở lại, có còn ai còn giữ được đức tin vào Ngài, có còn ai còn đang cầu khẩn Ngài?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về điều bạn vừa được khơi lên trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha. 

8/11/22

[09/11-Cung hiến đền thờ Laterano] Tẩy uế tâm hồn (Ga 2,13-22)

13Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” 19Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” 21Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Lễ Vượt Qua, tại đền thờ Giêrusalem.
  • Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những gì còn ẩn núp trong lòng tôi để ngăn cách tôi với Thiên Chúa, để tôi biết loại bỏ chúng mà gắn bó thân mật hơn với Chúa.
  • Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Lễ nghi và thờ phượng đích thực (cc. 13-17)

Bạn hãy đọc và mường tượng cảnh tượng ở “chợ” tiền sảnh đền thờ Giêrusalem, ngày nào cũng thế; hôm nay có vẻ nhộn nhịp hơn do gần lễ Vượt Qua. Đức Giêsu bước vào, Ngài nổi giận và hành động để thay đổi.

Đức Khổng dùng Lễ[1] và Nhạc để thiết lập nền giáo dục toàn diện cho con người trong tôn ti trật tự. Các tôn giáo đều có lễ nghi để tương quan với thần linh. Do Thái Giáo cũng có những lễ kỷ niệm các biến cố lớn trong lịch sử để nhắc nhớ con cháu giữ tương quan với Đức Chúa. Lễ Vượt Qua là một lễ lớn trong năm; trong đó, ngoài nghi thức chính là sát tế con chiên và cử hành nghi thức vượt qua; người tín hữu nhân dịp về Giêrusalem cũng cử hành lễ xá tội, thanh tẩy… bằng việc dâng chiên bò, bồ câu làm lễ toàn thiêu. Mục đích để mang họ đến gần hơn với Đức Chúa. Qua thời gian, ý nghĩa chính có phần bị mai một, người ta chỉ còn chú ý đến các hình thức bên ngoài. Mời bạn suy nghĩ về cách thức mình dâng lễ vật và tìm kiếm sự thân mật với Chúa.

Thánh Têrêsa Avila, trong tác phẩm Lâu đài nội tâm, đã nói đến sự phiền nhiễu trong cư sở 1 và 2. Khi đó, tâm hồn ta chứa đựng đầy những “rắn rết” làm ta không thể hướng sự tập trung vào Chúa. Mời bạn tự duyệt xét về những cản trở bên trong và bên ngoài, những lo ra chia trí đã chen vào giữa bạn và Chúa; ngay cả những điều có vẻ như tốt lành.

2/ Đền thờ đích thực và thờ phượng đích thực (cc. 18-22)

Đọc phần câu chuyện còn lại. Đức Giêsu ví đền thờ là chính thân thể Ngài, là chính Ngài. Đó là đền thờ đích thực – toàn bộ con người và cuộc đời Ngài là một sự thờ phượng đích thực dành cho Chúa Cha.

Như người Do Thái, chúng ta cũng thường hiểu nhầm điều đức Giêsu muốn nói. Chúng ta bận tâm đến câu chữ, thái độ… Chúng ta bị mất khả năng hiểu được điều Ngài thật sự muốn nói.

Nơi nào, bằng cách nào bạn có được sự thời phượng Chúa Cha đích thực?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về đền thờ tâm hồn bạn và cách thức bạn muốn tôn thờ Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

[1] Lễ là lễ nghi thể hiện các quy phạm đạo đức. Lễ mà Khổng Tử nói là lễ nhà Chu, tức là những quy tăc, lễ nghi thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa người với người. (https://www.thivien.net) 

2/11/22

[02/11-Các Đẳng Linh Hồn.C] Đến với và Ở cùng (Ga 6,37-40)

37Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nói về sự sống lại trong bối cảnh của diễn từ Bánh Hằng Sống.
  • Ơn xin: Xin cho tôi xác tín vào ý muốn duy nhất của Chúa Cha là muốn tôi được sống lại và sống muôn đời hạnh phúc bên Ngài, để tôi mạnh dạn sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu trong từng ngày; và để cầu nguyện xin ơn giải thoát của các linh hồn.
  • Lối cầu nguyện: Cầu nguyện với nhịp thở [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập], mục 3

Gợi ý cầu nguyện

Lối cầu nguyện theo nhịp thở rất gần với lối niệm mà chúng ta biết. Lối cầu nguyện này nhẹ nhàng hội nhập bạn vào trong chính câu niệm. Bạn niệm bao lâu có thể để cảm nhận và xác tín được ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho bạn và cho từng con người qua bao thế hệ. Lời niệm chính là lời cầu nguyện tự con tim bạn dâng lên Chúa, nên không nhất thiết làm phần kết nguyện.

Đến với…

Mời bạn tự do niệm tuần tự, hoặc chọn câu để niệm:

Những người Chúa Cha ban cho tôi/ đều sẽ đến với tôi

Ai đến với tôi,/ tôi sẽ không loại ra ngoài

Tôi tự trời mà xuống/ để làm theo ý Đấng đã sai tôi

Ở cùng…

Mời bạn tự do niệm tuần tự, hoặc chọn câu để niệm:

Tôi sẽ không để mất/ một ai

Tôi sẽ cho họ sống lại/ trong ngày sau hết

   Tin vào người Con,/ thì được sống muôn đời 

Ảnh: Internet