25Có rất đông người cùng
đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:
26“Ai đến với tôi mà không dứt
bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì
không thể làm môn đệ tôi được. 27Ai không vác thập giá mình mà
đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
28“Quả thế, ai trong anh em muốn
xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem
mình có đủ để hoàn thành không? 29Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không
có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30‘Anh
ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31Hoặc
có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống
bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai
vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32Nếu không đủ sức, thì khi đối
phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33Cũng vậy,
ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi
được.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức
- Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động
của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đám
đông đi theo đức Giêsu trên đường lên Giêrusalem.
Ơn xin: Xin cho
tôi được biết mở lòng lắng nghe lời mời gọi của đức Giêsu, để tôi biết chọn lựa
cách thức đi theo Ngài như người môn đệ đích thực.
Lối cầu nguyện: Suy
xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]
Gợi ý cầu nguyện
Phân
chia bản văn: cấu trúc đồng tâm đối ngẫu
A: Mời gọi dứt bỏ (cc.
24-25)
B: Mời gọi giữ lại (c. 26)
A’: Mời gọi tính toán để dứt bỏ (cc. 27-33)
A/ Mời gọi dứt bỏ (cc.
22-24)
Để
suy ngẫm tốt tôi nhớ gợi lại lòng khao khát bước theo đức Kitô của tôi trên
hành trình sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Không chỉ có tôi khao khát và bước
đi, bên cạnh tôi còn có nhiều người khác.
Đức
Giêsu quay lại, đối diện với tôi và những người đang bước đi theo Ngài. Ngài ngỏ
lời mời gọi tôi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con,
anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Hãy suy gẫm về vài điểm sau:
- Dứt
bỏ các mối tương quan ruột thịt, thân thiết. Gia đình là Hội Thánh tại gia. Một
kết cấu tốt lành do Thiên Chúa thiết định. Chẳng phải là Giêsu đã chọn vào đời
bằng việc được sinh ra trong một gia đình, và đã từng gắn bó khoảng 30 năm, tức
90% thời gian cuộc đời Ngài! Vậy khi nào cần từ bỏ? Khi Ngài nhận ra lời mời gọi
lên đường thi hành sứ mạng Cha trao. Tương tự, khi tôi nhận ra sứ mạng đời mình
ở ngoài gia đình, thì đừng để những mối dây ràng buộc máu mủ giữ chân mình. Hoặc
khi phải chọn giữa Chúa hoặc giá trị của Chúa, mà đi ngược lại với ý muốn của
gia đình thì tôi được phép dứt bỏ.
- Dứt
bỏ sự sống mình. Lạ chăng? Chẳng phải “vinh quang Thiên Chúa là con người được
sống” sao? (thánh Irênê). Thực tế, không ai giữ lại được mãi sự sống thể lý
(sinh học). Mọi người đều sẽ chết. Chắc chắn cũng không phải là dứt bỏ sự sống
đời đời – điều mà Thiên Chúa hằng mơ ước cho từng người khi tạo sinh mỗi người
từ hư vô. Nghịch lý ở đây là: chớ có yêu sự sống thể lý đến độ từ chối bước đi
theo thầy Giêsu và những đòi hỏi của Ngài vì sợ khổ, sợ hy sinh, sợ mất mình,
sợ sẽ bị bệnh và chết.
Thánh Inhã nhắc chúng ta một
nguyên tắc: 2“Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính
và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình; 3và
mọi loài khác dưới đất cùng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cứu
cánh Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. 4Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thụ
tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải loại bỏ khi chúng làm cản
trở mình đến cứu cánh đó.” (LT 23)
Mời
tôi suy xét và chọn lựa cho bản thân về thái độ của mình với các mối tương quan
và cả mạng sống mình. Nhìn kỹ xem trong trường hợp phải chọn lựa giữa Chúa và giá trị của Ngài, và những điều này, tôi chọn gì?
A’/ Mời gọi tính toán để dứt bỏ (cc. 27-33)
Để đi đến được kết luận “ai
trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”,
đức Giêsu mời gọi người môn đệ làm một cuộc phân định. Hãy dành thời gian để
suy gẫm qua hai câu chuyện Ngài kể:
- Chuyện tính toán xây nhà. Lập
bản vẽ theo nhu cầu và ước muốn của mình. Tính toán sự tiện ích, thẩm mỹ, và
tài chánh. Có khi còn tính luôn nhà thầu và cách thức giám sát công trình... Tôi
có đủ sức thực hiện bản vẽ mơ ước đó không? Hay phải từ bỏ bản vẽ mơ ước, hoặc
thích nghi bản vẽ vào trong khả năng thực tế của mình; để không rơi vào tình trạng
“đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Đây là chọn lựa dứt bỏ
trong “thời bình” khi tôi cảm thấy an ổn. Hãy duyệt xét xem lúc an ổn tôi có từng
hoặc cần chọn lựa dứt bỏ điều gì để theo Chúa sát hơn?
- Chuyện tính toán giao chiến.
Như một người cầm quân đi giao chiến, tôi phải tính toán về số lượng binh sĩ, nội lực và kỹ
năng tác chiến của quân ta và quân địch, lợi thế về địa hình, vũ khí... Đây là chọn
lựa dứt bỏ trong thời “thời chiến” khi tôi bị khủng hoảng hoặc phải làm những chọn lựa khó khăn. Hãy duyệt xét xem
lúc gặp khủng hoảng hoặc căng thẳng tôi có từng hoặc cần chọn lựa dứt bỏ điều gì để theo Chúa
sát hơn? Tôi có “cầu viện” từ nguồn nào khác để đủ sức mạnh mà dứt bỏ, hoặc làm
quyết định chiến đấu; hoặc đi “cầu hòa”?
Đây là cách thức giúp tôi chủ
động đọc các dấu hiệu trong đời mình để nhận ra mình đang ở đâu trong tương
quan với Chúa, và sẵn sàng dứt bỏ bất cứ điều gì ngăn cản tôi bước theo Ngài
sát hơn: một sự dứt bỏ được chọn lựa có chủ tâm.
B/ Mời gọi giữ lại (c. 26)
Điểm B trong cấu trúc đồng tâm đối ngẫu là trọng
tâm, là đích đến của những lớp bao quanh. Đây là lời mời gọi giữ lại: “vác thập
giá mình mà đi theo tôi”
Kitô giáo mời gọi con người tu luyện để đạt đến đỉnh
cao của nhân vị mình trong đức Kitô, chứ không phải là mất mình, hay hòa tan
vào trong Thiên Chúa. Càng gần Chúa, tôi càng là chính tôi.
Cái tôi được mời gọi giữ lại là chính mình, và thập
giá của mình. Thập giá ấy là tất cả những gì nằm trong giới hạn của phận người:
sinh-lão-bệnh-tử, bị giới hạn trong không gian và thời gian... Nghịch lý là khi
tôi "vác" trọn vẹn phận người như đức Kitô đã vác, thì tôi lại được viên mãn
và hạnh phúc đời đời với Ngài.
Đó có phải là đích nhắm của đời tôi, để tôi dám dứt bỏ
tất cả một cách có tính toán?
Kết
nguyện
Thân
thưa với thầy Giêsu về những gì bạn nghiệm được qua giờ cầu nguyện.
Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. Ảnh: Internet