39Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến,
hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40Anh em
cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
41Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ
ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42Chúa đáp: “Vậy
thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi
sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43Khi
chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44Thầy
bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45Nhưng
nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi
trai tớ gái và chè chén say sưa, 46chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến
vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải
chung số phận với những tên thất tín.
47“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc
không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48Còn kẻ không biết
ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều
thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức
- Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động
của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: dụ
ngôn – người đầy tớ và ông chủ – canh đêm
Ơn xin: Xin cho
tôi biết tỉnh thức để sống đời mình cách có ý nghĩa, dù đêm hay ngày, dù ở bên
“chủ” hay “chủ” vắng nhà; để tôi đạt được cùng đích đời mình cách tốt nhất.
Lối cầu nguyện: suy
xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]
Gợi ý cầu nguyện
Trước hết mời bạn tìm đọc bài Phương pháp Suy xét để
biết cách thực hiện bài hướng dẫn này cho hiệu quả.
1/ Lời mời “hãy biết” (cc. 39-40)
Hãy xem xét về sự kiện bị mất trộm: mọi sự diễn ra
trong đêm tối. Một bên không biết gì và đang ngủ rất ngon – bên kia đang thức và
canh chừng chủ nhà. Có thể tên trộm đã nghiên cứu rất kỹ thói quen sinh hoạt, tính
cách của chủ nhà, các phòng và các cửa, ổ khóa... Sự thể diễn ra thành công vì
một bên biết và biết rất nhiều, một bên không biết gì cả.
Đức Khổng nói về con đường Đại học là “minh minh đức”
– làm sáng lên cái đức. Vì u minh là điều dẫn đến sự hủy hoại một con người, một
gia đình, và thậm chí cả xã hội loài người. Nói theo tinh thần thông điệp
Laudato Si là hủy hoại luôn cả môi trường, và cả vũ trụ này.
Hãy xét xem bạn biết những gì để được gọi là tỉnh
thức? Kiến thức khoa học thường thức, quy luật tự nhiên, luật đạo đức, luật tôn
giáo... Bạn muốn thân thưa gì với Chúa?
2/ Biết thật (cc. 41-44)
Cái biết này dành cho mọi người, không trừ một ai.
Nhưng có vẻ chỉ có những ai nhận biết mình là “quản gia trung tín và khôn ngoan”
thì mới nhận ra. Họ nhận biết...
-
Mình là
một đầy tớ, được chủ tín nhiệm đặt lên coi sóc những người khác
-
Mình muốn
trung tín với nhiệm vụ được giao
-
Mình sẽ “cấp
phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”
Hãy xét về sự đối đãi của ông chủ với người quản gia
trung tín khi ông trở về bất ngờ và chứng kiến sự trung tín của người đầy tớ: “ông
sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình” – phúc đó lớn lao
thế nào?
Đoạn suy xét về
cách bạn thi hành nhiệm vụ “quản gia” của mình. Rồi thân thưa với Chúa về hiện
trạng và xin ơn cần thiết.
3/ Biết mà ỷ y (cc. 45-46)
Bạn có từng nghĩ ta còn lâu mới chết! ‘Chủ
ta còn lâu mới về’! Đợi đến lúc gần chết sám hối cũng chưa muộn! Rồi bạn chọn
sống hưởng thụ, thậm chí hưởng thụ trên sự tổn hại của người khác. Bạn cho phép
thú tính của mình được tự do hành động.
Hãy đọc kỹ câu 46 để biết thêm hậu quả của chọn lựa
này: “chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ,
vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung
số phận với những tên thất tín.”
Áp dụng vào bản
thân mình và thân thưa với Chúa.
4/ Biết và hành động (c. 47-48)
Biết ý chủ mà không làm theo thì bị đòn nhiều. Không
biết nên làm sai thì bị phạt ít. Lưu ý rằng không phải là không biết thì không “có
tội”. Luân lý Công giáo nói đến những ngăn trở cho sự hiểu biết có thể vượt qua.
Ngày nay, có lẽ không ai có thể nói tôi không thể tiếp cận giáo lý của Chúa, luật
về điều tốt và điều cấm. Thậm chí bạn có thể đọc được bằng cả ngôn ngữ khác nhờ
Google Dịch. Trong thế giới phẳng với công nghệ 4.0, mọi thông tin trở nên dễ dàng
cho mọi người tiếp cận. Hãy xét xem bạn đã dùng thời gian thế nào để tìm hiểu về
những gì thăng hoa đời bạn, và học cho biết những gì cần xa tránh để không hủy
hoại đời mình.
Điều cuối là biết mình được trao phó ở mức độ nào để
biết cống hiến tương xứng. Làm sao để giỏi không kiêu, dở không tự ti. Hãy sống
hết mình với tất cả những ân ban cho mình. Mời bạn xem xét cách bạn sử dụng những
ân huệ Chúa ban: sự sống, thời gian, sức khỏe, điều kiện vật chất, các mối tương
quan, kiến thức, đức tin...
Kết nguyện
Thân thưa với Chúa về những u minh trong bạn, và những
gì bạn được Ngài soi sáng qua giờ cầu nguyện này. Bạn có thể làm một lời hứa sẽ
“minh minh đức” người khác.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét