Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

25/2/22

Thứ bảy TN.VII: Phiền nhiễu (Mc 10,13-16)

    13Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14aThấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “14bCứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, 14cvì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ qua những tình huống đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi có được những trải nghiệm thiêng liêng riêng với Chúa của mình, để tôi có thể đọc ý nghĩa của các biến cố đời thường bằng một con mắt khác.

Lối cầu nguyện: Suy Chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm và Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Phiền nhiễu (cc. 13-14ab)

Mời bạn mường tượng về khung cảnh ngày hôm ấy. Các môn đệ rong ruổi cùng thầy Giêsu và giảng dạy đó đây. Chuyện bị đàn bà con nít quấy rầy, đu bám là chuyện thường xuyên xảy ra.

Đặt mình vào tâm trạng của các môn đệ để cảm nhận sự bực mình vì thường xuyên bị phiền nhiễu (có thể là sau cả một bài giảng dài). Nhìn ngắm gương mặt khó chịu, nghe giọng nói “xẵng” của họ, thông điệp của họ ngang qua cử chỉ điệu bộ họ hướng vào các em nhỏ.

Bạn cũng hãy nhìn ngắm thái độ bực mình của đức Giêsu hướng vào các môn đệ. Nghe giọng nói của Ngài: “14bCứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”. Đức Giêsu nhìn các môn đệ như là một sự phiền nhiễu cho sứ vụ Ngài lúc này.

2/ Nước Thiên Chúa và trẻ em (cc. 14c-15)

Nước Thiên Chúa thuộc về trẻ em (c. 14c); và trẻ em đón nhận Nước Thiên Chúa (c. 15). Mời bạn dành thời gian với Chúa để khám phá ý nghĩa ẩn chứa trong điều đó.

Đoạn xét xem tôi có thuộc về Nước Thiên Chúa? Tôi có đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn trẻ thơ? [Trẻ em nói về độ tuổi, trẻ thơ nói về tính chất tâm hồn. Ở một mức độ bình thường, hai điều này đi đôi với nhau. Bạn không thể quay về làm trẻ em, nhưng có thể trở về với tâm hồn trẻ thơ trước Thiên Chúa của mình].

3/ Đức Giêsu và Trẻ em

Trong một trình thuật rất ngắn, ít nhất có 5 lần nhắc đến trẻ em/trẻ nhỏ/trẻ thơ. Mời bạn nhìn ngắm đức Giêsu đang thú vị với chúng, vời chúng đến, ôm chúng vào lòng, đặt tay chúc lành cho chúng.

Bạn có thèm được có cảm nhận này với Chúa của mình không? Hãy trở về với tâm hồn trẻ thơ để quăng mình vào trong vòng tay Ngài, để thỏa thích cảm nếm tình yêu và niềm vui.

Kết nguyện

Dâng lên Chúa những gì bạn cảm nghiệm được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

22/2/22

Thứ tư TN.VII: Thiện ích chung (Mc 9,38-40)

38Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thầy Giêsu dạy riêng các môn đệ trong đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi biết học với Chúa ngang qua những câu chuyện đời thường.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ “Méc” thầy (c. 38)

Một trong những câu chuyện các môn đệ lao nhao kể với thầy sau chuyến đi truyền giáo (theo văn mạch của Maccô) là chuyện méc thầy về vụ người ta “lạm dụng” danh Thầy để trừ quỷ, mà họ lại không thuộc về nhóm chúng ta! Thành tích họ khoe là “chúng con đã cố ngăn cản họ”.

Một thái độ cục bộ lộ ra ở đây. Trong khi Gioan và các môn đệ khác thấy là điều đúng, tích cực, cần làm...

Hãy nghiêm túc xem xét cách chúng ta hành xử. Đôi khi chúng ta nghĩ mình có nhiệm vụ bảo vệ Chúa, bảo vệ giáo lý đạo Chúa, hoặc muốn sở hữu Chúa... đến mức bạo động. Mời bạn chiêm ngắm cách đức Giêsu hành xử trong cuộc thương khó để hiểu giá trị của Ngài; để chúng ta thôi “méc” Chúa, thôi đấu tranh cách bạo động chỉ vì phe này phe nọ, điều này điều kia.

2/ Tư duy tích cực (cc. 39-40)

Không ngăn cấm, ngăn cản, đức Giêsu ngầm cho phép người ta tiếp tục sử dụng danh Ngài mà trừ quỷ. Đó là một hành động tích cực.

Hành động tích cực đó dựa trên một tư duy tích cực: Ngài tin vào sự trung tín của lòng người.

Đức Giêsu còn đưa ra một nhân sinh quan tích cực: Ai không chống lại chúng ta có nghĩa là ủng hộ chúng ta.

Mọi tư duy tích cực đều dựa trên và vì lợi ích chung.

Mời bạn tự xét duyệt xem mức độ tích cực trong cách nhìn, nghĩ và hành động của mình. Bạn có kinh nghiệm gì về sự nối kết, hòa giải, khích lệ có được nhờ những tư duy tích cực?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về kinh nghiệm bạn được trải nghiệm qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

  

18/2/22

Thứ bảy TN.VI: Ở đây thật là hay (Mc 9,2-13)

2Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. 11Các ông hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?” 12Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? 13Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuẩn bị cho ba môn đệ thân tín đón nhận mầu nhiệm đau khổ của Ngài bằng cuộc biến hình trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có được những trải nghiệm thiêng liêng riêng với Chúa của mình, để tôi có thể đọc ý nghĩa của các biến cố đời thường bằng một con mắt khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Choáng ngợp (cc. 2-6)

Khi tạo dựng Thiên Chúa đặt trong con người khả năng choáng ngợp trước vẻ đẹp và rung động mãnh liệt trước tình yêu. Nhờ thế mà sự sống tiếp tục sinh sôi nảy nở. Trong tình yêu đôi lứa, người ta có kinh nghiệm rung động đầu đời (first crush); đôi người có kinh nghiệm tình yêu sét đánh. Trong đời sống thiêng liêng người ta có những cảm nhận về Chúa, hoặc mãnh liệt như trong kinh nghiệm thị kiến và xuất thần.

Đâu là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, hoặc rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người của bạn? Sự choáng ngợp đó làm bạn phản ứng thế nào? Bạn có muốn được ở lại mãi trong kinh nghiệm đó? Hãy nghiệm lại kinh nghiệm thiêng liêng này nơi ba môn đệ được nhìn thấy Chúa hiển dung trên núi.

2/ Sứ điệp (7-8)

Đám mây bao phủ vừa cho thấy họ đang ở trong Thiên Chúa, được Thiên Chúa bao bọc; đồng thời cũng cho thấy sự không rõ ràng trong kinh nghiệm họ đang được trải qua.

Điều họ nghe được là một sứ điệp, một mặc khải đi kèm một yêu cầu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Mặc khải này nói về Ai? Yêu cầu bạn thực hiện điều gì? Điều đó giúp gì cho bạn trong mối tương quan với Thiên Chúa?

Kinh nghiệm thiêng liêng thật ngắn ngủi, các ông chợt nhìn quanh và thấy mọi sự trong tình trạng đời thường như trước đó. Họ được mời gọi sống đời thường ngang qua kinh nghiệm thiêng liêng ngắn ngủi họ vừa được trải qua. Thánh Inhã xem kinh nghiệm thiêng liêng là một biến cố, chứ không phải là một tình trạng. Điều này giữ chúng ta sống kinh nghiệm thần bí (hoặc có cái nhìn thiêng liêng) trong đời sống bình thường.

3/ Ứng dụng vào đời thường (9-13)

Đức Giêsu muốn họ tránh khỏi hoang tưởng thiêng liêng, nên căn dặn họ không được nói về những gì họ vừa được chứng kiến. Họ cần có đủ thời gian để hiểu được ý nghĩa của điều họ vừa được trải qua: ơn an ủi không có nguyên do, để chuẩn bị họ bước vào những đau khổ sắp tới, và hiểu được sứ mạng đích thực của Thầy mình.

Ba ông cũng thắc mắc về cách thức hiểu và ứng dụng vào đời thường khi hỏi về việc ông Êlia trở lại. Đức Giêsu trả lời cách ám chỉ để mời gọi họ tiếp tục tự tìm hiểu ý nghĩa của các biến cố và dấu chỉ trong đời thường. Tóm lại, để hiểu được một kinh nghiệm thiêng liêng và ứng dụng vào trong đời thường đòi hỏi nhiều khả năng và thời gian suy tư, chiêm ngắm... chứ không phải là một sự khoe mẽ nào đó.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những kinh nghiệm thiêng liêng của bạn, hoặc xin cho bạn được cảm nghiệm chính Chúa, để bạn có cái nhìn thiêng liêng trong đời thường.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha. 

5/2/22

Thứ bảy TN.V: Lấy đâu ra bánh? (Mc 8, 1-10)

 1Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: 2“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! 3Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” 4Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?” 5Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” 6Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. 7Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. 8Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! 9Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Các môn đệ bận rộn và lo lắng khi đám đông thiếu lương thực.

Ơn xin: Xin cho tôi biết cùng Chúa chăm lo cho người khác về lương thực thể xác và tinh thần.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Mối bận tâm của Chúa (cc. 1-3)

Đức Giêsu bận lòng đến: đám đông, đã ở với Ngài 3 ngày (lương thực của họ đã cạn), nhiều người trong số họ đến từ nơi xa xôi.

Đức Giêsu lo lắng: họ sẽ bị xỉu trên đường trở về nhà. “Có thực với vực được đạo”. Họ thèm khát Lời Chúa, nhưng để mang được Lời Chúa về và sống Lời Chúa, họ cần lương thực để nuôi thân xác.

Mối bận tâm đó xuất phát từ “chạnh lòng thương”. Ngài không nỡ giải tán họ. Tình yêu không cho phép Ngài hành động như thế.

Mời bạn suy nghĩ về tình yêu Thiên Chúa đã chăm sóc bạn từ thể xác đến tinh thần và thiêng liêng.

2/ Sự lo lắng của các môn đệ (cc. 4-5)

Đứng trước đám đông, nơi hoang vắng, các môn đệ cảm thấy bất lực. Bản thân họ không thể đáp ứng vì họ biết họ chỉ có 7 chiếc bánh, thậm chí không đủ cho nhóm thầy trò của họ.

Sự lo lắng của họ bị cột chặt vào sự tính toán trên khả năng con người. Bạn có từng bị bó chặt vào những giới hạn con người như thế?

3/ Cách Chúa giải quyết vấn đề (cc. 5-10)

Đôi khi chúng ta nói, chỉ có Chúa mới làm được như vậy, hoặc mới sống được như vậy. Vì Ngài là Chúa mà. Bạn hãy xem cách đức Giêsu giải quyết vấn đề này.

Ngài không phán “hãy có” để một núi bánh “liền có”. Ngài mời sự cộng tác của con người. Ngài hỏi xem họ có mấy cái bánh. Khi họ trao hết cho Ngài số bánh ít ỏi ấy thì đến lượt Ngài sẽ làm phép lạ trên sự ít ỏi ấy. Bạn có dám trao dâng “sự ít ỏi” của chính mình để Ngài làm phép lạ trên đời bạn?

Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha số bánh ít ỏi, và cả một ít cá nhỏ họ vừa trao cho Ngài. Đức Giêsu mời các môn đệ phân chia cho đám đông đang ngồi trên nền cỏ. Lưu ý tiến trình: trao dâng sự ít ỏi – Thiên Chúa làm phép lạ – bạn mang phân phát điều bạn đã trao dâng với số lượng vô biên – đám đông dân chúng nhiều vô kể. Hãy khám phá cách Thiên Chúa mời bạn cộng tác vào sứ mạng của Ngài.

7 cái bánh và một ít cá nhỏ – 4.000 người = 7 giỏ bánh! Đó là bài toán của Chúa và lòng tin trao dâng của bạn.

Đức Giêsu phục vụ họ vô vị lợi nên muốn người môn đệ cũng sống tinh thần ấy. Xong việc rồi, rời đi sang miền dân ngoại thôi, nơi chẳng ai nhận biết để mà tung hô, thậm chí cám ơn.

Kết nguyện

Thưa với Chúa những tâm tình mà bạn nhận được qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

31/1/22

Thứ bảy TN.IV: Quân bình (Mc 6,30-34)

30Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Phân chia bản văn theo cấu trúc liên tiến:

A: 30 – báo cáo sứ vụ

B: 31a – lời mời nghỉ ngơi

A’: 31b – sự bận rộn hiện tại

B’: 32 – đi lánh riêng

A’’: 33 – sự bận rộn sắp đến

B’’: 34 – Thư thái trong sứ vụ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Các môn đệ trở về sau chuyến đi truyền giáo.

Ơn xin: Xin cho tôi biết giữ sự thăng bằng và quân bình cho bản thân mình và tạo lập sự quân bình cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn đọc kỹ bản văn để có thể nhớ được hầu hết các chi tiết của câu chuyện. Sau đó suy niệm theo các điểm hướng dẫn sau.

1/ Thì động (cc. 30.31b.33)

A: Các môn đệ vừa kết thúc một đợt sứ vụ, và đang làm đúc kết.

A’: Người ta tuôn đến đông đúc, bận rộn và xáo trộn đến nỗi các môn đệ không có cả giờ để ăn.

A’’: Thầy trò trốn đi, muốn đến một nơi thanh vắng, nhưng người ta vẫn đoán được ý và đến trước cả thầy trò Giêsu. Sự bận rộn luôn đeo bám họ.

Đám đông dân chúng và sự đói khát “nghe Lời” và khao khát được chữa lành vừa là một sự “làm phiền” cho thầy trò Giêsu; đồng thời cũng là động cơ sứ vụ của họ.

Hãy xét xem trong 24h một ngày, bạn dùng bao nhiêu thời gian để hoạt động/làm việc? Những việc đó bao gồm những việc gì (bản thân, người thân, xã hội, kiếm sống, thờ phượng Chúa)? Mỗi loại công việc chiếm bao nhiêu thời gian?

2/ Thì tĩnh (cc. 31a.32.34)

B: Thầy Giêsu mời các môn đệ đi lánh ra nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi. Đó là lời mời tự chăm sóc mình sau những lúc quá bận rộn hoặc làm việc quá tải. Lời mời này cũng thường được áp dụng vào việc tĩnh tâm/linh thao, nghỉ ngơi với Chúa.

B’: Thầy trò Giêsu thực hiện việc tìm kiếm một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Ngay cả khi họ cùng di chuyển với nhau, họ ở bên nhau – đó là sự nghỉ ngơi để bồi dưỡng tình thân thầy trò – một sự nghỉ ngơi tinh thần.

B’’: Dù đám đông đến trước chờ sẵn để bu quanh đức Giêsu, lòng thương của Ngài trỗi dậy, và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Ngài hoạt động mà như thể an tĩnh.

Hãy xét xem trong 24h một ngày, bạn dùng bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi và tự chăm sóc mình về thể chất, tinh thần và thiêng liêng? Bạn quan tâm đến nhu cầu này cho mình và cho người khác như thế nào? Bạn đã làm gì để tạo điều kiện thực hiện nhu cầu an tĩnh?

3/ Quân bình

Sự quân bình có được khi ta biết phối hợp nhịp nhàng thì độngthì tĩnh trên. Động quá thì xáo rỗng, kiệt quệ, đôi khi phô diễn. Tĩnh quá thì thụ động, lười biếng, vị kỷ.

Sigmund Freud gọi đó là động lực sống và động lực chết. Động lực sống đẩy ta đi tới, hoạt động và dấn thân, liều lĩnh và trải nghiệm, tìm kiếm ý nghĩa và trả giá. Động lực chết kéo ta về với sự nghỉ ngơi an tĩnh, chăm sóc để phục hồi, nạp năng lượng để chuẩn bị cho thì động.

Bạn tự đánh giá mức độ quân bình của mình giữa thì độngthì tĩnh thế nào?

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa về nhịp sống của bạn. Nếu có gì cần điều chỉnh, xin Ngài ban ơn giúp sức cho. Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

[Mùng 2-Tết Nguyên Đán] Đạo hiếu trong ý muốn Thiên Chúa (Mt 15,1-6)

1Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: 2“Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” 3Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? 4Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Cuộc chất vấn giữa đức Giêsu và các thầy dạy đến từ Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi yêu mến nguồn gốc của mình, biết ơn và sống lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Nhân luật và Thiên luật (cc. 1-3)

Mời bạn dành chút thời gian để suy ngẫm về lòng hiếu thảo khi bạn có cơ hội đoàn tụ gia đình trong dịp Tết, và khi đi thăm viếng phần mộ của tổ tiên.

Câu chuyện hôm nay xảy ra giữa Chúa Giêsu và những nhà thông thái là Pharisiêu và thầy thông luật đến từ Giêrusalem (thượng hạng về sự hiểu biết và thực hành luật).

Họ chất vấn đức Giêsu về sự “vi phạm truyền thống của tiền nhân” của các môn đệ. Đức Giêsu chất vấn họ về “tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”

Nhân luật và Thiên luật tranh chấp nhau. Khi luật tự nhiên và nhân luật phù hợp với Thiên luật thì trở nên luật tốt lành, mời gọi con người tuân theo. Khi nhân luật trái ngược với Thiên luật thì phải ưu tiên làm theo Thiên luật. Bạn có những ví dụ nào về trường hợp này? Khi gặp phải trường hợp đó, bạn đã chọn lựa thế nào?

2/ Đạo hiếu trong ý muốn của Thiên Chúa (cc. 4-6)

Đức Giêsu nói: Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.” – Ngài nhắc đến ý muốn của Thiên Chúa trong việc thờ cha kính mẹ.

Đức Giêsu lên án những ai làm trái Thiên luật này.

Mời bạn dành đủ thời gian để ngẫm nghiệm về ý muốn này của Thiên Chúa và cách thức bạn đã thi hành giới luật này.

3/ Mẫu gương Giêsu

Nhìn vào đời sống của đức Giêsu để hiểu hơn về những lời dạy của Ngài về giới luật thảo kính cha mẹ như là một ý muốn và mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Nhớ lại các câu chuyện Ngài ứng xử với các bà góa, người cao niên, lời cầu nguyện của Ngài hướng về Cha. Rồi nhớ lại các câu chuyện đời mình để xin ơn gia tăng lòng hiếu thảo, không chỉ với các bậc sinh thành, những người có công nuôi dạy, mà còn với Đấng Sáng Tạo-Cứu độ-Thánh hóa bạn.

Kết nguyện

Dâng lên Chúa tâm tình biết ơn vì bạn được sinh thành dưỡng dục về thể chất, tinh thần và đức tin.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

[2/2-Lễ Dâng CGS vào đền thờ] Những cuộc gặp gỡ (Lc 2,22-40)

22Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non25Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây

theo lời Ngài đã hứa,

xin để tôi tớ này

được an bình ra đi.

30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

36Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: đền thờ Giêrusalem, miền Giuđê.

Ơn xin: Xin cho tôi biết trân quý những mối tương quan giúp tôi mở ra đến sự thành toàn.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giuse-Maria-Giêsu gặp gỡ Thiên Chúa (cc. 22-24)

Tưởng tượng khung cảnh đền thờ Giêrusalem tấp nập người đến cầu nguyện và dâng lễ vật. Xuất hiện một cặp vợ chồng trẻ ôm con đi giữa những người này. Họ mang theo một lễ vật nhỏ và tiến vào đền thờ. Đơn giản, ít người chú ý.

Bạn hãy chiêm ngắm gia đình trẻ ấy mang con đến trình diện Thiên Chúa và dâng con theo lễ nghi truyền thống; và để người mẹ được thanh tẩy theo tục lệ.

Chiêm ngắm cách thức họ ở trước nhan Chúa. Chiêm ngắm cách họ tương quan gặp gỡ Thiên Chúa của họ. Bạn cũng chú ý đến hài nhi Giêsu: Con Thiên Chúa làm người đang được giới thiệu với Thiên Chúa của Ngài – cuộc gặp gỡ đầu tiên của Thiên-Chúa-nhập-thể với Chúa Cha.

2/ Ông Simêon gặp hài nhi Giêsu (cc. 25-33)

Đọc và nhìn ngắm ông Simêon: cao niên, tốt lành, tràn đầy Thánh Thần, mong ngóng niềm an ủi cho dân tộc mình...

Chiêm ngắm một cụ già bồng ẵm một trẻ sơ sinh trong tay. Lắng nghe từng lời ông thốt ra khi đang bồng ẵm đứa trẻ để cảm nếm sự mãn nguyện của ông.

3/ Ông Simêon gặp đức Maria (cc. 34-35)

Ông Simêon nhìn người mẹ trẻ Maria. Ông thấy gì và nghĩ gì?

Như đức Maria, bạn hãy ngẫm nghiệm về lời tiên báo được nói về trẻ Giêsu và người mẹ. Tiếp nhận những lời đó, đức Maria cảm thấy thế nào? Liệu rằng ngài có hiểu hết ý nghĩa không?

4/ Bà Anna gặp gỡ hài nhi Giêsu (cc. 36-38)

Nhìn ngắm bà Anna: 84 tuổi, ở góa gần hết hành trình đời mình sau 7 năm chung sống cùng chồng, ngày đêm ăn chay cầu nguyện tại đền thờ. Cảm nghiệm điều bà mong chờ khi quyết định sống một cuộc đời như thế.

Nhìn ngắm cuộc tiếp cận giữa bà và gia đình trẻ ấy. Bà thấy gì và cảm nghiệm gì? Bà chúc tụng Thiên Chúa thế nào?

Lắng nghe những lời bà nói về hài nhi cho những ai lên đền thờ lúc ấy. Hãy lặng đủ để bạn nghe được sự xác tín của bà về hài nhi Giêsu. Bạn nghe được bà nói gì về Ngài?

5/ Chứng nhân của các cuộc gặp gỡ (c. 33.39-40)

Cả Maria và Giuse đều ngạc nhiên về những gì đang diễn ra liên quan đến hài nhi Giêsu qua những cuộc gặp gỡ lạ thường. Mời bạn chiêm ngắm sự kinh ngạc của họ.

Chiêm ngắm cách Giuse âm thầm rút về phía sau như người bảo vệ hai mẹ con. Thinh lặng không nói một lời, và cũng không có điều gì có vẻ liên quan đến Giuse! Giuse âm thầm hiện diện ở đó như một chứng nhân của các cuộc gặp gỡ. Giuse nhìn, nghe, nghiệm và tin vào một huyền nhiệm được giao phó cho Ngài bảo vệ và chăm sóc.

Đọc câu 39-40 để cảm nghiệm cách thức các Ngài sống đời thường của mình tại Nazareth. Từng ngày trôi qua, họ tiếp tục làm chứng nhân cho những gì diễn ra liên quan đến cuộc đời tại thế của Con-Thiên-Chúa-làm-người.

Kết nguyện

Thân thưa với các Ngài về những điều bạn cảm nghiệm qua giờ cầu nguyện. Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

26/1/22

Thứ bảy TN.III: Sang bờ bên kia (Mc 4, 35-41)

35Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” 39Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” 41Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Chiều tối giữa biển cả cuộc đời.

Ơn xin: Xin cho đức tin của tôi được củng cố khi xác tín luôn có Chúa ở trên thuyền đời mình.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Sang bờ bên kia (cc. 35-36)

Lưu ý thời gian: chiều đến, sắp tối.

Lưu ý không gian: vượt qua hồ Galilê (khoảng 13 cây số ngang) để qua bờ bên kia.

Lưu ý về những người đi cùng: các môn đệ và đức Giêsu đi chung thuyền, có các thuyền khác cùng đi.

Đức Giêsu đã ở sẵn trên thuyền: ý muốn của Ngài được thể hiện cách rõ ràng. Hãy ngẫm nghĩ về những điều thuận lợi và bất lợi của lời mời lên đường này. Khi bạn nghe được lời mời gọi của Chúa để khởi sự một điều gì đó, bạn có trăn trở quá nhiều về những thuận lợi và bất lợi? Bạn có ý thức có Chúa cùng đi?

2/ Sự cố bất ngờ (cc. 37-39)

Cuồng phong nổi lên – tạo nên sóng cả đập vào thuyền – thuyền bị ngập nước đến gần chìm. Bạn phản ứng thế nào khi chiếc thuyền đời bạn có nguy cơ bị chìm? Bạn xét đoán thế nào về những gì xảy ra trước đó đã đưa bạn vào tình thế nguy hiểm này?

Giữa cảnh bấn loạn, la hét, nỗ lực tát nước, chèo chống của các môn đệ, “Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (c. 38). Bạn nghĩ gì về một Giêsu như thế: mời bạn đi qua bờ bên kia rồi phó mặc cho bạn phải chèo chống và đưa Ngài sang bên bờ bên kia! Bạn cảm nghiệm gì về việc Thiên Chúa “im lặng” giữa các biến cố xảy ra làm đảo lộn xã hội, cộng đoàn, gia đình...

Cách giải quyết của các môn đệ là đánh thức đức Giêsu dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (c. 38) Câu nói đó là một lời thông báo? Một lời van xin? Một lời khiển trách?

Cách hành xử của Thiên Chúa: Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. (c. 39)

Bạn rút ra được bài học nào trong tình huống này? Bạn muốn nói gì với Chúa về những biến cố đời mình?

3/ Bài học (cc. 40-41)

Mời bạn ngẫm nghĩ về lời khiển trách của đức Giêsu: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” 

Còn đây là khoảng cách vô tận giữa các môn đệ và đức Giêsu: Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (c.41). Liệu các ông có hiểu gì về thầy mình để tin chưa?

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa về hành trình đời mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

25/1/22

26/01-Lễ Tông đồ Timôthê và Titô: Sai đi (Lc 10,1-9)

 1Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2Người bảo các ông:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.3Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ 6Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi chuẩn bị tâm hồn con người đón tiếp Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra cách thức Chúa đã chuẩn bị cho tôi đón nhận Ngài vào đời mình, để đến lượt mình, tôi biết giúp người khác chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa vào đời họ.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Tâm thế trước khi lên đường (cc. 1-3)

Mời bạn dành thời gian để suy niệm về những điều sau, rồi kết nối với việc khám phá ơn gọi sứ mạng đời mình.

Các môn đệ là những người thiện ý đi theo đức Giêsu đã lâu. Họ được nghe điều thầy giảng dạy, quan sát cách thầy sống... Hôm nay họ được thầy gọi bằng tên cùng với một môn đệ khác. Họ được thầy sai đi chung với nhau đến các làng mà chính Ngài sẽ đến. Họ biết mình được chọn và được sai đi, để dọn tâm hồn người khác đón tiếp Chúa.

Họ được Chúa chọn và sai đi, nhưng họ lại cần biết đó là sứ vụ của họ nên phải cầu xin: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Hãy ngẫm nghiệm về việc mình được Chúa mời gọi cộng tác vào sứ mạng của Ngài.

Điều cần biết trước là “chiên vào giữa bầy sói”, để không mơ mộng hão huyền khi cộng tác vào công trình của Chúa.

2/ Tâm thế khi lên đường (c. 4)

“Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”: bỏ lại, hoặc ít nhất xem nhẹ những điều hộ thân. Xét xem bạn có tâm thế này chưa khi làm sứ vụ của Chúa?

“Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”: Sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa gấp rút đến mức bạn cần bỏ qua mọi điều gây cản trở, ngay cả những chuyện xã giao và chuyện phiếm. Cũng hãy xét xem bạn có tập trung thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng như thế chưa?

3/ Tâm thế bình an khi thi hành sứ vụ (cc. 5-9)

Trao ban bình an, lan tỏa bình an khi vào một gia đình (c.5). Điều đó có nghĩa là bạn phải có sự bình an nơi mình trước.

Môi trường tiếp nhận bình an: nếu có người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì quá tốt. Nếu môi trường khước từ sự bình an đó, thì bạn hãy bình an “sự bình an đó sẽ trở lại với anh em” (c.6). Bạn có thường mất bình an khi thiện ý của bạn không được đón nhận?

Bình an đón nhận sự tiếp đãi, đừng kén chọn (cc. 7-8) và khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ. Đó là thái độ đơn sơ khi phục vụ.

Tự do để loan báo Tin Mừng khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện và thi hành sứ vụ chữa lành (c.9).

Kết nguyện

Hãy thân thưa với thầy Giêsu là Đấng tuyển chọn và mời bạn cộng tác vào sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Ngài.

Cũng có thể tâm sự với thánh Phaolô và hai đồ đệ của Ngài là Timôthê và Titô để học kinh nghiệm chuyển giao đức tin của các Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

18/1/22

Thứ bảy TN.II: Vượt khung (Mc 3,20-21)

20Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thân nhân đi tìm bắt đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi có được ngũ quan mới để có thể nhận ra được ý nghĩa của những điều khác thường.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Động cơ làm việc (c. 20)

Chuyện làm tăng ca, hoặc làm thêm ngoài giờ và các ngày lễ nghỉ để được hưởng lương cao hơn là điều thường thấy trong xã hội công nghiệp. Thậm chí để tận dụng khả năng của máy móc và sức người, các chủ sản xuất tạo ra chế độ 3 ca làm việc và xóa đi khái niệm “làm việc ngoài giờ”.

Có người cảm thấy mình vô giá trị khi không làm việc. Họ làm việc như con thiêu thân, bất kể ngày đêm hay lễ nghỉ. Đó là chứng “nghiện việc”. Họ dùng việc làm để chạy trốn khỏi tâm hồn trống trải và tổn thương của mình; chạy trốn khỏi những mối tương quan căng thẳng; và để tạo ra sản phẩm và tiền để che lấp cảm giác vô giá trị nơi bản thân. Họ mua sắm và tiêu xài hoang phí để chứng tỏ đẳng cấp.

Có người hăng say làm việc vì tìm thấy cơ hội phát triển bản thân, diễn đạt chính mình và giúp ích cho xã hội và người khác.

Bạn nghĩ đức Giêsu làm việc vì động cơ nào? Bạn làm việc vì động cơ nào?

2/ Suy nghĩ vượt khung (c. 21)

Trong nhịp sống đơn giản, thân nhân đức Giêsu thấy Ngài làm việc vượt khung bình thường. Họ cho đó là điều bất thường, thậm chí là hành động của người mất trí, loạn thần, tâm thần.

Hãy suy nghĩ về cuộc truy tìm và vây bắt đức Giêsu để mang Ngài về quê. Bạn nghĩ họ sẽ đối xử với Ngài thế nào sau đó? Một lối suy nghĩ đóng khung thường dẫn đến điều gì?

Hãy suy ngẫm về lối suy nghĩ và hành động vượt khung của đức Giêsu. Ngài quả là con người đã được tiên báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng.” (Lc 2,34)

Mời bạn duyệt xét về lối suy nghĩ và hành động của bản thân xem nó thường “ở trong khung” hay “vượt khung”?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về điều bạn hiểu được qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.