Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

10/6/22

Thứ bảy TN.X: Trong suốt (Mt 5,33-37)

33“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. 35Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. 36Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. 37Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và dân chúng trên núi, như một Môsê mới.

Ơn xin: Xin cho tôi có một lương tri ngay chính để phân định mọi sự trong đời, mà biết hành xử như con cái sự sáng.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Tư cách giảng dạy của đức Giêsu (cc. 33-34)

“nghe Luật dạy rằng”: điều được ghi trong sách, trong bộ luật. Người dạy chỉ học lại, trích lại để dạy người khác. Người dạy không có thẩm quyền gì trên điều mình dạy. Người dạy không chịu trách nhiệm về điều mình dạy.

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em”: Đức Giêsu đặt mình vào vị trí “người dạy” và tự soạn nội dung dạy. Ngài có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trên điều mình dạy.

Bạn hãy suy ngẫm về thẩm quyền giảng dạy của đức Giêsu: “Giáo lý thì mới mẻ, Người giảng lại đầy uy quyền” (Mc 1,27). Bạn có tin vào thẩm quyền giảng dạy của Ngài? Có điều Ngài dạy nào làm bạn lấn cấn?

Bạn muốn thân thưa thế nào với Đấng dạy dỗ bạn?

2/ Mức độ triệt để và trong suốt (cc. 34-37)

+ Luật xưa nói “chớ thề” tức là không nên, đức Giêsu nói “đừng thề” tức là cấm thề.

+ Ngài dùng lối nói nhấn mạnh của văn hóa thời Ngài: nhắc lại ba lần các điều được nói trong Cựu Ước. Điều này cho thấy mức độ tuyệt đối của việc “cấm thề thốt”. Thậm chí Ngài còn nói thêm lần thứ tư “Đừng chỉ lên đầu mà thề”.

+ Điều Ngài muốn là: ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thiên Chúa là Sự Thật. Ngài muốn con cái Ngài sống sự thật.

+ Điều Ngài muốn ta tránh: “Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” – Đừng đi theo quỷ dữ là tên gian dối.

Thật ra trong Giáo Hội và xã hội vẫn có việc thực hành “lời thề” như lời khấn dòng, lời tuyên thệ nhậm chức đạo-đời (Ở các nước Công giáo là quốc giáo, tổng thống, luật sư… đặt tay trên Kinh Thánh để tuyên thệ).

Thánh Inhã Loyola, trong phần nói về việc thực hiện xét mình chung, đã phân biệt về việc thực hành lời thề như sau: Về lời nói, là tội khi thề về một sự thật mà không cần thiết hay không có sự tôn kính. Tội sẽ nặng hơn nếu nại đến Thiên Chúa. Khi dựa vào thụ tạo mà thề thì vẫn xúc phạm đến Thiên Chúa; tuy vậy người hoàn thiện được phép thề dựa vào thụ tạo hơn người bất toàn, bởi dựa vào thụ tạo mà thề thì dễ bị rơi vào ngẫu tượng hơn. Ý hướng làm cho lời nói giá trị hay trở thành phù phiếm (LT. 40).

Hãy thật am hiểu để chọn cho mình một lối sống trong sáng như Chúa, và biết vận dụng phương tiện con người để làm chứng về sự thật khi cần.

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa về những gian dối bạn gặp phải trong đời và chọn lựa sống trong suốt của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

2/6/22

Thứ bảy PS.VII: Lời chứng xác thực (Ga 21,20-25)

20Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” 22Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” 23Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?”

24Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

25Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Cuộc gặp gỡ sau cùng của Đức Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria. Sau bữa ăn sáng là cuộc đi dạo của đức Giêsu và Phêrô.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra ý nghĩa của từng điều đã xảy ra trong đời tôi, để tôi trở nên lời chứng chân thật cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Những câu chuyện vụn vặt (cc. 20-23)

Dành giờ nhìn vào những câu chuyện vụn vặt được nhắc lại trong đoạn văn này:

-       “người môn đệ đức Giêsu thương mến” lẽo đẽo đi theo sau hai thầy trò

-       Anh này là người đã tựa vào ngực đức Giêsu trong bữa tiệc và câu chuyện của hôm đó

-       Câu thắc mắc của ông Phêrô về “anh này” và câu trả lời của đức Giêsu về vận mạng anh ấy; thật ra nó chẳng can hệ gì đến ông Phêrô.

Bạn nghĩ gì khi những câu chuyện vụn vặt như thế được ghi chép trong Kinh Thánh, và ngàn đời sau vẫn đọc lại, thậm chí được công bố long trọng trong nghi thức Phụng vụ Thánh Lễ?

2/ Đọc ý nghĩa những câu chuyện đời thường

Không có một người của các lãnh vực khác nhau: làm ăn kiếm sống, tương quan xã hội, sinh hoạt tôn giáo, sống trong gia đình... Chỉ có một con người duy nhất đảm nhiệm mọi chức năng đời sống. Nên cũng không có sự phân biệt giữa đời thường với việc sống đạo.

Mời bạn dành thời gian để đọc ý nghĩa những câu chuyện đời thường của mình, của gia đình, của xã hội... để tìm ra được dấu chân của Thiên Chúa đang đồng hành với nhân loại và vũ trụ này.

Bạn chỉ có một câu chuyện cuộc đời, và đó cũng chính là lịch sử cứu độ của đời bạn.

3/ Lời chứng xác thực (cc. 24-25)

Sau khi bạn đã đọc được ý nghĩa của những câu chuyện đời thường, những câu chuyện có vẻ bình thường ấy, thì bạn mới có thể biết được ý nghĩa đích thực của nó. Khi đó bạn trở nên chứng tá cho Chúa. Bạn tự tin vào mức độ chân thực của lời chứng đó. Đây là kinh nghiệm làm nên Kinh Thánh.

Nếu được mời để nói về những câu chuyện đời thường mà bạn đã trải qua, bạn muốn kể nó như thế nào?

Kết nguyện

Dâng lên Chúa những câu chuyện đời thường, vụn vặt của bạn, của gia đình, của thế giới...

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

31/5/22

Thứ tư PS.VII: Gìn giữ (Ga 17,11b-19)

11b“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ trong những ngày cuối cùng, trước cuộc Thương Khó.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra sự chăm sóc giữ gìn của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho tôi, cho nhân loại và cho muôn vật muôn loài, để tôi xác tín vào tình yêu các Ngài dành cho tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện, mục 2)

Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn đặt mình vào trong mối tương quan riêng biệt với Chúa Giêsu, trong bầu khí của những ngày thầy trò sắp phải rời xa nhau. Sau đó, hãy chậm rãi ngẫm nghiệm từng lời của Chúa Giêsu. Ngài đang nói với bạn hôm nay.

Bạn hoàn toàn tự do để chọn câu/chữ/đoạn Kinh Thánh và dừng lại ở bất cứ chỗ nào để thưa chuyện với Chúa. Những gợi ý sau chỉ mang tính bổ trợ.

Bản văn Kinh Thánh

Gợi ý

11bLạy Cha chí thánh

Danh xưng “cha” được dùng để gọi Thiên Chúa

Chí thánh = 3 lần thánh, rất thánh

xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con

Môn đệ là quà tặng của Chúa.

ĐGS xin Cha gìn giữ các môn đệ

để họ nên một như chúng ta.

Ba Ngôi Thiên Chúa riêng biệt nhưng Là Một

Nên một = hiệp nhất, giống Ba Ngôi Thiên Chúa

12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất,

Nhớ lại những cách biện hộ, bảo vệ, huấn luyện của ĐGS dành cho môn đệ/dành cho bạn

Chiêm ngắm khao khát của ĐGS: Không một ai trong họ phải hư mất

trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.

Cảm nhận nỗi sót xa trong lòng ĐGS

13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 

ĐGS làm/nói/hiện diện... đều để cho người môn đệ được hưởng niềm vui của Ngài. Đó là niềm vui nào?

14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 

16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.

Suy ngẫm về sự thuộc về

15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 

Lời mời “vào đời” như ĐGS, chứ không trốn đời

17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 

Thiên Chúa là Sự Thật. Lời Chúa là Sự Thật

18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 

Sự hiệp thông trong sứ vụ. Cùng một sứ vụ.

19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Cùng một tình yêu, một mức độ dâng hiến và được thánh hiến

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì được gợi lên trong lòng.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

27/5/22

Thứ bảy PS.VI: Giao thời (Ga 16,23-28)

23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

25“Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ trong những ngày cuối cùng, trước cuộc Thương Khó.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra thời gian chuyển tiếp trong đời mình, để tôi biết làm những chọn lựa quan trọng lúc này.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Ôn lại đời mình

Bạn hãy nhớ lại những “giao thời” trong hành trình đời mình:

+ Lúc thụ thai: từ hư vô → hiện hữu

+ Lúc chào đời: ra khỏi lòng mẹ

+ Đi học: mẫu giáo, vào cấp I, vào cấp II, vào cấp III, Đại học/cao đẳng...

+ Các lớp giáo lý và lãnh nhận các bí tích, các nghi thức ghi dấu hành trình...

+ Tốt nghiệp/ Lễ trưởng thành...

+ Đi làm lần đầu, những lần đổi việc

+ Chỗ ở: những nơi bạn từng chuyển đến để ở, những biến cố trước và sau sự kiện đó.

+ Biến cố: nhiều điều xảy ra đã ghi dấu ấn trên đời bạn, trong gia đình, dòng tộc, giáo xứ...

Bạn có nhận ra những giao thời của đời mình? Bạn thấy mình đã ứng xử, thích nghi, đọc ý nghĩa của chúng thế nào?

2/ Hồi đó – Bây giờ – Mai sau (cc. 23-28)

Bạn hãy sắp xếp các câu, đoạn văn Kinh Thánh trên theo tiến trình thời gian này để nhận ra “bây giờ” là lúc “giao thời”. Khi nhận ra rồi, hãy ngẫm xem Thiên Chúa mời gọi bạn làm chọn lựa quan trọng nào vào lúc này.

Hồi đó

Bây giờ

Mai sau

24aCho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.

24bCứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

 

23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 

25a“Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em.

25bSẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 

?

27Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 

?

26Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.

28aThầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian.

 

28bNay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

?

Kết nguyện

Chia sẻ với thầy Giêsu về nhưng tâm tình bạn có qua giờ cầu nguyện.

Kết thục bằng 1 Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

20/5/22

Thứ Bảy PS.V: Liên lụy (Ga 15,18-21)

18“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ trong những ngày cuối cùng, trước cuộc Thương Khó.

Ơn xin: Xin cho tôi được gắn kết với Đấng đã tự nguyện chịu liên lụy với tôi, để tôi được cảm nghiệm tình yêu cá vị Ngài dành cho tôi, hầu tôi có thể cùng chịu lụy vì liên đới với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện khác, mục 2)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Mời bạn làm thật chậm rãi phần nhập nguyện, sao cho bạn thấy mình và thầy Giêsu thật gần nhau, trong một không gian nhỏ, giữa một nhóm nhỏ.

Lưu ý thời gian: lúc này, đức Giêsu biết mình sắp phải bỏ thế gian mà về cùng Cha. Ngài yêu thương và lưu luyến các môn đệ của Ngài, những người còn ở lại.

2/ Liên lụy (cc. 18-21)

Bạn dành thời gian chiêm ngắm, lắng nghe, suy gẫm, cảm nếm từng chữ, từng câu, từng ý mà thầy Giêsu đang nói với chính bạn. Dành thời gian đủ để bạn cảm nếm cho đến khi cảm thấy thỏa mãn rồi mới chuyển qua câu khác. Lưu ý rằng bạn không nhất thiết phải đi hết các câu, các ý. Điều giúp bạn nối kết với thầy Giêsu trong tình yêu thì quan trọng hơn là việc chạy cho hết ý bài cầu nguyện.

Bạn hoàn toàn tự do để chiêm ngắm, cảm nghiệm và tâm sự với Chúa, ở đây chỉ xin gợi vài điều nhỏ để hỗ trợ khi bạn cần đến. Mục đích của việc suy ngẫm này là để giúp bạn hiểu về mức độ mình chấp nhận bị liên lụy khi làm môn đệ đức Giêsu.

Bản văn

Gợi mở giúp chiêm ngắm

18“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 

Một giả xử, một cách giúp nối kết để hiểu vấn đề nếu nó xảy ra.

19aGiả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó.

Lại là một giả xử, cho bạn sự tự do chọn lựa thuộc về bên nào.

Một nguyên lý tự nhiên “ăn cây nào rào cây nấy” – một lối tạo nên các nhóm đóng vì tư lợi.

19bNhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 

Đức Giêsu xác nhận người môn đệ thì: không thuộc về thế gian, được Thiên Chúa tuyển chọn và tách riêng.

Hệ quả: bị thế gian ghé. Đức Giêsu đối lập nhóm môn đệ với những ai không thuộc về Ngài.[1]

20aHãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà.

Khoảng cách tầm quan trọng, vị thế giữa chủ - tớ, Thiên Chúa – con người/vạn vật.

Trí nhớ là một yếu tố giúp hiểu và tin

20bNếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. 20cNếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 

Một giả thiết, một lối nhìn sự tình. Không nhất thiết xảy ra như vậy.

21aNhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, 21bbởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

Sự đối chọi có tính toán, có lý do rõ ràng: anh em thuộc về đức Kitô và họ lầm tưởng về nguồn gốc thần linh của Ngài.

3/ Đức Kitô dám liên lụy với tôi

Bạn hiểu được cái giá phải trả khi liên kết với đức Kitô, nhưng bạn sẽ chỉ dám trả cái giá đó khi bạn ngẫm nghiệm và cảm hiểu được sự liên lụy mà đức Kitô dám chịu khi liên kết với bạn, ngay cả khi bạn còn thù nghịch với Ngài. Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (1Ga 4,19).

Kết nguyện

Thân thưa với Thầy Giêsu những cảm nhận của bạn về mức độ hai bên chấp nhận liên lụy đến nhau.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

[1] https://vndhm.blogspot.com/2022/05/10-cach-hieu-ve-tu-gian-trong-tin-mung.html 

10 cách hiểu về từ “thế gian” trong Tin Mừng Gioan

 John Samson

Từ “thế giới” (tiếng Hy Lạp: Kosmos) xuất hiện 185 lần trong Tân Ước: 78 lần trong Tin Mừng Gioan, 8 lần trong Tin Mừng Matthêu, 3 lần trong Tin Mừng Maccô, và 3 lần cũng trong Tin Mừng Luca. Do đó, phần lớn sự xuất hiện của nó là trong các thư của Gioan, 24 lần trong ba thư và chỉ ba lần trong của Phêrô.

Gioan sử dụng từ “thế giới” theo mười cách khác nhau trong Tin Mừng của mình.

1. Toàn bộ vũ trụ

Ga 1:10 Ngài ở trong thế giới (hành tinh trái đất), và thế giới (hành tinh trái đất và ngụ ý rằng mọi tạo vật) đã được tạo ra nhờ ngài, nhưng thế giới (con người trên thế giới) lại không biết đến ngài.

Ga 17:5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.

2. Trái đất vật chất/địa cầu

Ga13:1 Bây giờ trước Lễ Vượt Qua, khi Chúa Giê-su biết giờ Ngài đã đến để ra khỏi thế gian này để đến với Cha, vì yêu những người thuộc về mình trong thế gian, nên Ngài đã yêu họ cho đến cùng.

Ga 21:25 Bây giờ Chúa Giê-su đã làm nhiều điều khác nữa. Có phải mỗi cuốn sách đều được viết ra, tôi cho rằng bản thân thế giới không thể chứa đựng những cuốn sách sẽ được viết.

3. Hệ thống Thế giới

Ga 12:31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài.

Ga 14:30 “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.

Ga 16:11 về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

4. Toàn nhân loại trừ tín hữu

Ga 7:7 Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa.

Ga 15:18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.

5. Một cộng đồng lớn nhưng ít hơn tất cả mọi người ở khắp mọi nơi

Ga 12:19 Bấy giờ người Pha-ri-sêu bảo nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!”

6. Chỉ người được chọn

Ga 3:17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ

7. Chỉ những người không được chọn

Ga 17:9 “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.

8. Vương quốc của loài người

Ga 1:10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.

9. Người Do Thái và dân ngoại (không chỉ Israel mà còn nhiều dân ngoại)

Ga 4:42 Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

10. Dân chúng - không phải những người trong các nhóm tư nhân nhỏ

Ga 7:3-4 Anh em Đức Giê-su nói với Người: “Ông bỏ đây mà sang miền Giu-đê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm, 4vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết.” 

Danh sách này có thể rất hữu ích - đặc biệt là khi theo truyền thống, một số người rằng cho rằng chữ “thế giới” luôn có một nghĩa như nhau trong tất cả các bản văn. Đôi khi nó đúng, nhưng hầu hết lúc khác là không đúng. Cái hiểu truyền thống đó rất mạnh mẽ nhưng là một truyền thống không thể tồn tại khi xem xét Kinh thánh.

Source: https://effectualgrace.com/2011/01/21/world-johns-ten-uses-of-the-word/


13/5/22

Thứ bảy PS.IV: Lời từ đáy tim (Ga 15,9-17)

9“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bài giảng về sự hiệp nhất nên một giữa Thiên Chúa và con người.

Ơn xin: Xin cho tôi biết mở lòng ra cho Đấng là tình yêu đi vào đời tôi, để tôi được cảm nghiệm tình yêu cá vị Ngài dành cho tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện khác, mục 2)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Mời bạn làm thật chậm rãi phần nhập nguyện, sao cho bạn thấy mình và thầy Giêsu thật gần nhau, trong một không gian nhỏ, giữa một nhóm nhỏ.

Lưu ý thời gian: lúc này, đức Giêsu biết mình sắp phải bỏ thế gian mà về cùng Cha. Ngài yêu thương và lưu luyến các môn đệ của Ngài, những người còn ở lại.

2/ Lời từ đáy tim (cc. 51.60-61)

Bạn dành thời gian chiêm ngắm, lắng nghe, suy gẫm, cảm nếm từng chữ, từng câu, từng ý mà thầy Giêsu đang nói với chính bạn. Dành thời gian đủ để bạn cảm nếm cho đến khi cảm thấy thỏa mãn, rồi mới chuyển qua câu khác. Lưu ý rằng bạn không nhất thiết phải đi hết các câu, các ý. Điều giúp bạn nối kết với thầy Giêsu trong tình yêu thì quan trọng hơn là việc chạy cho hết ý bài cầu nguyện.

Bạn hoàn toàn tự do để chiêm ngắm và cảm nghiệm, ở đây chỉ xin gợi vài điều nhỏ để hỗ trợ khi bạn cần đến.

Bản văn

Gợi mở giúp chiêm ngắm

9“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 

Mức độ tình yêu: tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa.

Cách thức có được tình yêu: ở lại trong tình thương của Thầy

10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.

Cách thức có được tình yêu: giữ điều răn (Lời) của Thầy

Mức độ giữ Lời: như cách đức Giêsu giữ Lời của Cha: Nói và làm như Cha đã nói và làm

11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Nói trước = cho biết trước. Tín nhiệm nhau.

Thầy vui + trò vui = niềm vui được nên trọn

12“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 

Điều răn của thầy không phải điều cấm, mà là lời mời gọi sống.

Mức độ yêu: như thầy

13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 

Eros: tình yêu cảm tính và nhục dục

Fillia: tình bạn, tình đồng loại

Agape: tình yêu hy sinh

14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 

Tình bạn – tình bạn giữa Thiên Chúa và con người.

15aThầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.

Chủ - tớ: khác cấp bậc, không được biết về nhau, chỉ biết nhau trên công việc.

15bNhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Bạn hữu: ngang hàng, thông giao tâm hồn, cho nhau biết những bí mật. Yêu nhau thì muốn chia sẻ những gì mình có.

16a“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em,

Đức Giêsu/Thiên Chúa đi bước trước để mở ra mối tương quan này.

16bvà cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại,

Đức Giêsu/Thiên Chúa tín nhiệm sai bạn đi và chúc lành cho điều bạn làm.

16chầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 

Lời hứa trong tình yêu: được hưởng điều mình tìm kiếm. Đó là niềm vui trao ban của Thiên Chúa, không phải do công đức của bạn.

17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Câu chốt: Hãy yêu thương nhau.

“Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” (Th. Augustinô)

Kết nguyện

Thân thưa với Thầy Giêsu những lời từ đáy tim bạn, sau khi bạn đã nghiệm những lời từ đáy tim Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

6/5/22

Thứ bảy PS.III: Phản ứng và chọn lựa (Ga 6,51.60-69)

51Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

60Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” 61Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

64“Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

67Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” 68Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bài giảng về Bánh Hằng Sống.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn đức tin để tôi có thể tin những điều mắt không hề thấy: Bí tích Thánh Thể và tin vào chính đức Giêsu, Đấng mặc khải cho tôi biết điều đó.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chướng tai gai mắt (cc. 51.60-61)

Trong nền văn hóa-tôn giáo cấm đụng đến máu, ăn máu, uống máu như người Sêmít và Do Thái Giáo mà đức Giêsu lại mời họ: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Bạn khám phá được những điều gì trái ngược với văn hóa và bản tính tự nhiên của bạn khi sống theo Tin Mừng, theo giáo huấn giáo hội Công Giáo? Bạn có lấy đó làm chướng tai gai mắt đến mức không thể tin và làm theo?

Bạn nghĩ gì về cách người Do Thái phản ứng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” ? Bạn có đồng cảm với họ?

2/ Phản ứng và chọn lựa (cc. 62-69)

Suy nghĩ về việc đức Giêsu biết họ đang xầm xì phản ứng, nhưng Ngài không dừng lại, mà nói tới luôn: “62Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” Người Do Thái đang đứng đối diện với đức Giêsu mà họ nghĩ rằng cũng là người như họ, vậy có gì hơn nữa để có thể tin rằng vị đó khác mình, thậm chí là thần linh? Hãy đặt mình vào vị thế của họ để tự suy xét về đức tin của chính mình. Đừng tin hão mà không bao giờ tự hỏi tại sao tôi tin.

Đức Giêsu biết có người không tin, Ngài thách thức luôn: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Đến lúc này có nhiều người bỏ đi.

Quay sang nhóm Mười Hai (những môn đệ nòng cốt), Ngài cũng hỏi: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ngài muốn họ chọn lựa tin hoặc không tin, theo hoặc không theo cách rõ ràng. Phêrô đại diện anh em chọn ở lại với lời xác tín: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Bạn thấy mình thuộc nhóm nào trong ba nhóm người trên: chỉ phản ứng, chọn bỏ đi, chọn ở lại? Lý do của bạn là gì?

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa về những điều bạn gặp phải trong lãnh vực đức tin.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.