Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

7/9/21

Thứ tư 8/9/2021: Sinh ra cho sứ mạng độc nhất (Mt 1, 18-23)

18aSau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: 18bbà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. 18cNhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Làng Nazareth, ngôi nhà của Giuse.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm được hành trình ơn cứu độ được thực hiện trong thời gian, nơi những con người cụ thể.

Lối cầu nguyện: chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mừng sinh nhật đức Maria, nhưng Kinh Thánh đã không có câu chuyện sinh nhật của Mẹ để kể! Câu chuyện ở đây, một lần nữa được kể cách gián tiếp thông qua nhân vật chính là Giuse. Con người ẩn dật ấy chỉ tỏ lộ ở cuối hành trình sứ mạng – ngang qua việc cộng đoàn tín hữu sơ khai suy gẫm, truy tìm nguồn gốc của đức Giêsu, con Mẹ – và được các thánh sử ghi chép lại.

1/ Cô thôn nữ Nazareth (c.18ab)

Mời bạn bước vào làng Nazareth để nhìn ngắm thiếu nữ Maria. Theo truyền thống kể lại, Maria là con gái độc nhất của cặp vợ chồng già Gioakim và Anna. Bạn hãy mường tượng lại sự mong mỏi của cha mẹ về cuộc hạ sinh một đứa con. Cuối cùng Maria đã đến trong đời họ như một sự chúc phúc.

Hãy mường tượng về cách Maria được nuôi dạy và lớn lên trong gia đình đó. Rồi cuộc hôn nhân “sớm” theo truyền thống thời đó. Nhìn ngắm cách thiếu nữ Maria đón nhận mọi sự diễn ra trong đời mình như thế nào.

2/ Sinh ra cho sứ mạng (cc. 18c)

Trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Bạn hãy nhìn ngắm những gì diễn ra bên ngoài: Maria đến tuổi và thành hôn theo thói tục, nhưng câu chuyện trong tâm hồn thì đầy bí ẩn. Thiên Chúa đã chọn Maria, với sự ưng thuận của cô, Chúa Thánh Thần đã thực hiện một cuộc tạo dựng đặc biệt: đặt mầm sống Ngôi Lời/Ngôi Hai Thiên Chúa và trong cung lòng Maria.

Mời bạn dừng lại chiêm ngắm sứ mạng đặc biệt này của Maria – lý do của việc Maria được chào đời nay được vén mở. Hãy nhìn ngắm cô gái trẻ Maria đang cưu mang trong mình một sứ mạng đặc biệt, không thể giải thích hoặc thuyết phục người khác, ngay cả với chồng mình là Giuse. Nàng âm thầm cưu mang nó dù thế nào đi nữa.

3/ Ẩn mình (cc. 19-23)

Thánh sử Matthêu nhấn mạnh vai trò của Giuse trong gia phả đức Giêsu, nên mọi chuyển biến của câu chuyện được đặt nơi Giuse. Điều này cũng đúng với văn hóa thời đó: sự chủ động của nam giới.

Câu chuyện tô điểm vẻ đẹp ẩn giấu của Maria: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” – be it done to me according to your word. Maria ở thế bị động, mở ra đón nhận và để Thiên Chúa hoàn toàn chủ động linh hoạt đời mình, một phần ngang qua cách hành xử của Giuse.

Kết nguyện

Thân thưa với Mẹ Maria về sứ mạng và tình yêu bạn dành cho Mẹ.

Kết thúc bằng một Kinh Kính Mừng. 

Ảnh: Internet.

6/9/21

BẤT HỢP TÁC VỚI SỰ DỮ

Bạn mến, chúng ta đang cùng nhau đi qua một hành trình không tưởng của đại dịch Covid-19, và những loạn lạc chiến tranh ở nhiều nơi, đặc biệt tại Afganistan; những thiên tai ngày càng trở nên thường xuyên và mức độ kinh khủng hơn. Phải chăng Thiên Chúa đang bỏ mặc con người? Hay là Ngài không hiện hữu? Chúng tôi đăng lại một bài suy tư được viết từ Mùa Vọng 2019, mong khơi lên được niềm hy vọng lớn lao đã được trao cho chúng ta, đặc biệt là những Kitô hữu, như ĐTGM Nguyễn Năng nhắc chúng ta.

[1] Sự Dữ

Tin dữ và giật gân lan tràn đầy trên các phương tiện truyền thông làm lòng người chán sống, hoặc "việc gì phải sống tốt cho mệt thân".

Một số bạn trẻ bỏ Chúa, rời xa Hội Thánh vì những gương xấu.

Sự Dữ là một mầu nhiệm, có sức mạnh hơn con người! Nhưng thật ra nó chẳng làm gì được bạn, nếu bạn không hợp tác, và để Chúa bảo vệ bạn.

Loạt chia sẻ sắp tới tôi muốn cùng bạn nhận diện Sự Dữ trong đời thường để chọn "bất hợp tác" với chúng.

Cùng hành trình với nhau bạn nhé! Let's journey together!

[2] Nguồn gốc Sự Dữ

Thiên Chúa là Tình Yêu. Mọi sự phát xuất từ Ngài không thể là gì khác, mà chỉ có thể là tình yêu.

Vậy Sự Dữ do đâu mà có?

Sự Dữ phát xuất do sự tín nhiệm và tình yêu tuyệt đối của Đấng Tạo Hóa đối với mọi thụ tạo Ngài đã dựng nên: Ngài trao cho chúng sự tự do và khả năng để cộng tác với những quy luật phát triển (x. GLCG 306-308). Sự Dữ sinh ra do sự yếu kém, bất toàn, quy kỷ của các thụ tạo. Như thế, Thiên Chúa không bao giờ là Nguyên nhân đệ nhất/nguyên nhân trực tiếp của Sự Dữ.

[3] Sự Dữ lan tràn

Tại sao nó có mặt khắp mọi nơi mọi thời?

Vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên Ngài không thể “thu hồi” món quà “tự do” mà Ngài đã trao tặng cho thụ tạo của Ngài; bởi tự do là điều căn cốt nhất của tình yêu. Vì thế Ngài không thể tiêu diệt những gì liên quan đến sự dữ. Ngài không thể vì yêu tôi mà giết hết những kẻ làm tổn thương tôi; vì Ngài cũng thương họ như thương tôi.

Thiên Chúa đang đau khổ với tôi trong những sự dữ nơi tôi, nơi người khác, nơi hệ thống xã hội xuống cấp về luân thường đạo lý. Đức Giêsu không đến để tiêu diệt Sự Dữ, nhưng để cùng đi với bạn ngang qua sự dữ với niềm xác tín tình yêu sẽ chiến thắng.

[4] Tạo dựng một thế giới hoàn hảo và Robot thì tốt hơn?

Thiên Chúa không muốn dùng ngón tay nhấn nút 1, 2, 3, rồi click “Enter” là mọi sự đẹp như “trời mới đất mới”. Ngài muốn từng thụ tạo của Ngài tự do trả lời câu hỏi: Tôi có muốn vào trong “trời mới đất mới” không? Và tôi cần làm gì để vào được chốn ấy? (x. GLCH 310)

Nếu Thiên Chúa không có khả năng “rút ra” điều tốt lành từ chính sự dữ thì chắc Ngài không nỡ để con cái ngài phải đau khổ cách vô nghĩa khi kinh nghiệm sự dữ trong đời mình. Chính ông Giuse con tổ phụ Giacóp đã kinh nghiệm điều này (St 45, 3-8).

[5] Nguồn Bình An

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu nên mọi sự phát xuất từ Ngài không thể là gì khác, mà chỉ có thể là tình yêu; thì Ngài cũng là Nguồn Bình An, Hoàng Tử Bình An (Is 9,5).

Nhìn vào Đức Giêsu trong cuộc Thương khó cho ta kinh nghiệm lớn nhất về sự bình an của Ngài khi Sự dữ bủa vây và muốn lấy cả mạng sống. Sự Bình An ấy chính là sức mạnh giúp Ngài chiến thắng Sự dữ và Sự chết.

Khi bạn mất bình an, hay cảm thấy bất an do các “tin dữ” lan tràn ập vào đời bạn, hãy chiêm ngắm Nguồn Bình An đang ở trên Thánh giá.

[6] Vầng Trăng Bình An

Nếu bạn nghĩ rằng dầu sao Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa làm người nên Ngài có thể bình an giữa muôn trùng sự dữ bủa vây, thì hãy nhìn vào Đức Maria, một con người như bạn, sống cuộc đời bình thường như/hơn bạn!

Đức Maria đã bình an thưa vâng với một đề nghị khó khăn, thậm chí kỳ quặc của Thiên Chúa trên đời mình khi chị còn quá trẻ! Đức Maria đã bình an đi qua tất cả những sóng gió cuộc đời và trở nên nguồn bình an hiện diện giữa các tông đồ đang run sợ!

Vầng Trăng Maria đã hút lấy sự Bình an từ Đức Giêsu, con Mẹ. Mẹ phản chiếu cách mãnh liệt sự Bình an có Chúa. Mong bạn cũng trở nên một thụ tạo biết đón nhận sự Bình an của Thiên Chúa và phản chiếu ra trên cuộc đời mình.

[7] Các Vệ Tinh Bình An

Các Thánh là những Vệ Tinh Bình An. Họ đã sống trọn kiếp người giữa những thử thách lớn lao do thời cuộc, do những giằng xé nội tâm, và cả do Sự dữ. Cuối cùng họ đã đến đích bình an.

Họ bình an để có thể tha thứ cho những người làm tổn thương họ, thậm chí lấy đi mạng sống họ.

Họ bình an để chấp nhận những giới hạn nơi bản thân mình và nơi vũ trụ bất toàn này.

Họ bình an để mở ra cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm hữu mình, để hoàn toàn buông mình trong tay Chúa.

Danh sách của họ thì dài vô tận. Chỉ xin nêu một vị để chiêm ngắm thôi: thánh Phanxico Assisi, người đã có trái tim hòa bình với muôn vật muôn loài.

[8] Con người hợp tác với Sự Dữ

Trước hết xin bạn dành giờ để đọc các mục từ [1] đến [7] để hiểu được “đầu đuôi câu chuyện” của chuyên mục Sự Dữ.

Trong dòng lịch sử nhân loại, con người đã thích thú tham dự vào Sự Dữ đến nỗi Tuân Tử cho rằng: "Nhân chi sơ tính bản ác"! Dù trước đó Khổng Tử và Mạnh Tử đã thấy được cái bản chất thật của con người: “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Tại sao con người lại thích Sự Dữ như vậy? Vị kỷ là câu trả lời. Con người với thân xác và lòng ích kỷ thường tìm cho mình mọi thứ tạo nên sự êm ái, ngọt ngào, khoái lạc, sung sướng, an toàn, an nhàn, vinh quang, quyền lực… Khi ta muốn đạt được những điều đó trên sự tổn hại của môi trường, của người khác là lúc ta tạo nên sự dữ, hoặc cộng tác với Sự Dữ và làm cho nó tràn lan khắp mọi nơi mọi thời. Khuynh hướng ngày càng tinh vi hơn, man rợ hơn.

[9] Giải pháp an toàn

Chúng ta đang chuẩn bị nhìn vào Sự Dữ để nhận diện chúng, hầu có thể chọn “bất hợp tác” với chúng. Tuy nhiên, khi nhìn vào Bóng Tối, bạn có thể bị nó nuốt mất, vì bạn đang chiến đấu với “những bậc thống trị thế giới tối tăm này” (x. Ep 6, 10-17). Do vậy cần phải có những giải pháp an toàn.

Thứ nhất, Bạn đừng bao giờ quên rằng Sự Thiện đã chiến thắng nơi Đức Giêsu Phục Sinh. Đây là sự bảo đảm của Thiên Chúa cho ơn cứu độ của Bạn.

Thứ hai, luôn nhớ rằng Bạn được dựng nên cho hạnh phúc đời. Tất cả sự yếu đuối, tội lỗi của Bạn và của cả nhân loại và của cả vũ trụ không thể lớn hơn sự thật này.

Thứ ba, Bạn có tự do để mở ra với Thiên Chúa hoặc hợp tác với Sự Dữ, nên đừng “đổ lỗi cho hoàn cảnh”.

[10] Sự Dữ nơi lòng tôi

Mời bạn nhìn vào danh sách Bảy mối tội đầu: Kiêu ngạo, Hà tiện, Mê dâm dục, Giận ghét, Mê ăn uống, Ganh tị, Làm biếng thiêng liêng – Hãy suy xét từng điều một với đôi mắt “thật với chính mình”.

Chúng ẩn nấp ngay trong lòng tôi. Chúng chờ trực từng cơ hội để bộc lộ ra. Nhạy bén và nhanh như chớp, thậm chí bạn chưa kịp nhận ra thì chúng đã chớp được thời cơ rồi! Một câu nói nghe có vẻ bình thường nhưng ẩn ý tôn mình lên và hạ kẻ khác xuống, một tính toán có vẻ logic nhưng để có lợi cho tôi, một cái nhìn thèm cháy da, một giận hờn không dễ bỏ qua, một tìm kiếm của ngon vật lạ, một chút chưa hài lòng, một sự thoái thác bận rộn ngay vào giờ đi lễ…

Hãy nhận diện, rồi tập cho mình có độ nhạy bén hơn cả những nết xấu ấy. Nói KHÔNG với những lý lẽ ngụy biện của chúng ngay giây phút chúng xuất hiện. Tìm được “nết xấu chủ đạo” trong danh sách trên cũng rất giúp ích. Chúc bạn thành công!

Sự Dữ nơi lòng tôi được nuôi dưỡng bằng sự quy kỷ, tính ích kỷ của tôi. Tôi là “cái rốn” của vũ trụ! Tôi cảm, tôi nghĩ, tôi tính toán, tôi hành động… tất cả đều vì TÔI.

Liều thuốc để diệt tội nơi lòng tôi bao gồm:

+ Ra khỏi chính tôi để thấy vẻ đẹp và sự thiện hảo của Thiên Chúa nơi thiên nhiên

+ Chăm lo cho người khác và môi trường hơn là chỉ biết lo “ăn gì mặc gì”

+ Luyện tập nhân đức và hy sinh

+ Nhìn lên Đức Giêsu chịu đóng đinh và nài xin ơn giải thoát.

Chúc bạn thành công!

[11] Cái tôi tổn thương[1]

Tất cả Sự Dữ nơi lòng tôi bắt nguồn từ những khiếm khuyết thiêng thiêng và đạo đức nơi lòng tôi. Nó bắt nguồn từ một ‘cái tôi bị tổn thương’ được hình thành trong quá trình sinh trưởng. Tùy vào MỨC ĐỘ và KIỂU của ‘cái tôi’ bên trong mà có các biểu hiện bên ngoài như độc tài, lệ thuộc, tự tôn hay tự ti, cứng nhắc hay buông thả…

Bên trong, có những cái tôi…

+ “trần tục” thích hướng thụ

+ “quý phái” muốn tiền của, địa vị, quyền lực

+ “trí thức” muốn học giỏi và danh tiếng

+ “đạo đức” muốn được coi là người không tì ố

+ “tâm linh” tự phụ, tự coi mình là “người thuần thiêng”

Để chữa ‘cái tôi tổn thương’ này, bạn hãy dùng liều thuốc trên đây.

[12] Sự Dữ nơi hệ thống xã hội (Social evils)

Sự dữ cấu kết với nhau tạo thành một hệ thống xuyên biên giới. Nó ở ngoài bạn và đang cố gắng chống lại trật tự thiện hảo nơi lòng bạn, nơi hệ thống xã hội và thiên nhiên. Như “bạch tuộc”, nó bủa vây những con người đơn sơ và tốt lành; nó chào mời những “cái tôi tổn thương”.

Tuy vậy, chiến thắng lớn nhất của sự dữ nơi hệ thống là làm cho bạn đánh mất niềm hy vọng sống lương thiện và sự chiến thắng của lương tri, sự thật, sự thiện và cái đẹp!

Bạn có muốn trở nên tin vui, loan tin vui hay cứ mỗi ngày chết chìm trong những tin buồn trên báo điện tử và những điều kinh tởm đang bao quanh bạn?

Giữ niềm hy vọng và trở nên tin vui là bài thuốc giải Sự dữ nơi hệ thống xã hội.

[13 và cuối] Còn lại gì trong dòng xoáy Sự Dữ?

Dân gian nói: “ba đánh một không chột cũng què”. Thật thế, Sự Dữ viết hoa hay Satan, Sự Dữ nơi tôi do cái tôi tổn thương, và Sự Dữ nơi hệ thống xã hội hợp lực với nhau mà bủa vây tôi! Liệu tôi có thoát nổi chăng? Phải chăng con người được sinh ra để làm mồi cho Sự Dữ?

Chúng ta thường bị mắc kẹt trong câu hỏi rằng nếu Thiên Chúa là tình yêu, tại sao Ngài để Sự Dữ hoành hành! Sự Dữ là một mầu nhiệm. Nó sẽ tiếp tục hoành hành khi còn đất sống nơi lòng tôi, nơi môi trường sống, trong các gia đình và các hội nhóm. Đồng thời, nó cũng là yếu tố giúp thanh luyện.

Trong dòng xoáy Sự Dữ, Thiên Chúa vẫn còn đó để tiếp tục nói lời yêu thương đến cùng với các thụ tạo Ngài đã dựng nên, vì chúng “quá đỗi tốt đẹp” (St 1, 31). Thiên Chúa không muốn tiêu diệt Sự Dữ vì Ngài “sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” (Mt 13, 29); nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người để đi vào giữa dòng xoáy Sự Dữ, để chiến thắng nó và để cứu Bạn.

Mùa Vọng là khởi điểm đi vào niềm hy vọng đích thực và lớn lao này. Nguyện chúc Bạn, nhất là những ai đang bị Sự Dữ bủa vây, tìm được ánh sáng niềm tin nơi Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, mà mở lòng ra cho Ngài.

Mùa Vọng 2019 – Thùy Trang, DHM.

Đại dịch Covid-19 cũng hé lộ nhiều gương mặt của Sự Dữ. Nhưng chắc hẳn bạn cũng được chứng kiến gương mặt quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa qua phép lạ tình yêu con người ôm lấy nhau trong mùa gian khó kéo dài này. (viết thêm 6/9/2021)

Ảnh: Internet.

 



[1] Đặt tựa theo Linh thao Manresa, hành trình 5, bài 8.


31/8/21

Thứ tư TN.XXII: Rao giảng Nước Thiên Chúa cho muôn người (Lc 4,38-44)

38Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. 39Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.

40Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.

42Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. 43Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” 44Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nhắc nhở nặng lời những người Phari siêu và các Kinh Sư (7 lời)

Ơn xin: Xin cho tôi mở rộng cõi lòng trước mầu nhiệm Nước Trời đang được mở ra cho tôi qua lời giảng dạy của Chúa để tôi biết thay đổi đời tôi mà sống theo những giá trị của Nước Trời.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa bằng lời nói, làm phép lạ trong đó có việc chữa lành, và bằng chính sự hiện hữu bằng xương bằng thịt của Ngài nơi trần thế này. Chúng ta trở về với trình thuật của thánh sử Luca, một cái nhìn đầy nhân văn về đức Giêsu khi ngài viết Tin Mừng cho người “dân ngoại”.

1/ Chữa lành một người thân (cc. 38-39)

Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên vào hội đường Ca-phac-na-um, vừa để thực thi bổn phận tôn giáo của mình, vừa là nơi đức Giêsu thường giảng dạy, vì có nhiều người tập trung ở đó. Còn gì thích hợp hơn khi rao giảng về Thiên Chúa và giáo huấn của Người trong không gian thờ tự như thế.

Sau đó thầy trò về nhà Phêrô, mẹ vợ của Phêrô đang bị sốt nặng. Người ta ngỏ lời xin thầy Giêsu giúp đỡ… Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và nó biến đi ngay. Một người thân cận của người học trò được khỏi bệnh. Bạn có là người thân cận của Chúa? Bạn có từng cầu nguyện xin ơn chữa lành cho một người thân? Họ yếu nhược về thể xác, tinh thần hay thiêng liêng?

Lập tức mẹ vợ ông Phêrô trỗi dậy và “lo cơm nước” cho đức Giêsu và các học trò của Ngài. Bà đã dùng sức khỏe được ban để làm điều tốt lành là “phục vụ”. Hãy nói với Chúa về cách bạn đã và đang sử dụng sức khỏe thể xác, tinh thần hay thiêng liêng của mình như thế nào.

2/ Chữa lành nhiều người (cc. 40-41)

Tiếng lành đồn xa”, có thể chỉ từ trưa đến chiều mà cả làng đều biết ông Phêrô có một người thầy có khả năng chữa bệnh!

Lúc mặt trời lặn” theo lịch Do Thái là bắt đầu một ngày mới. “Tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người”. Nhân loại đau bệnh đủ thứ, từ thể lý, tinh thần đến thiêng liêng, do bản thân không tự chăm sóc hoặc tự hủy hoại, hoặc do môi trường không lành mạnh.

Đức Giêsu không “phán một lời” mà Ngài chạm đến từng bệnh nhân. Ngài muốn chạm đến từng người một - một cái đụng chạm cá vị, đầy nhân vị. Bạn có từng được Ngài chạm đến?

Ngài xua trừ quỷ và cấm chúng làm sai lệch cái hiểu về danh hiệu “Đấng Kitô”. Quỷ gây nhiễu tinh thần con người bằng những tiết lộ điều sẽ xảy đến (đi xem bói), hoặc điều khiển cả thân xác một người. Tình trạng đó cho biết bạn đã sa đọa trong tội lỗi đến mức cho phép quỷ nhập vào mình (không lẫn lộn với tình trạng loạn thần kinh). Bạn hãy xét xem nơi mình có khi nào mình đã để cho quỷ dẫn dắt và phá hủy mình chưa? Nếu có, hãy nài xin Chúa Giêsu giải thoát bạn.

3/ Loan báo Tin Mừng cho muôn người (cc. 42-44)

Sáng ngày đức Giêsu đi đến một nơi hoang vắng, dù Luca không nói, ta vẫn có thể đoán chừng Ngài đi cầu nguyện để cùng Chúa Cha nhìn lại những gì Ngài đã giảng dạy và làm việc; và cũng để định hướng với Chúa Cha xem nên làm gì kế tiếp.

Dân chúng đi truy tìm Ngài, cuối cùng tìm gặp được Ngài. Họ muốn giữ vị bác sĩ tay nghề cao lại dễ thương ở lại với họ. Họ sợ Ngài đi mất. Hãy xét xem có khi nào tôi cũng tìm Chúa vì “quà của Ngài” – những lợi ích tôi có được, chứ không phải vì tin yêu Ngài?

Chọn lựa của đức Giê su là “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Ngài ý thức sứ mạng của Ngài. Ngài bỏ miền Bắc (Ca-phac-na-um, Galilê) để đi rao giảng trong các thành miền Nam (Giuđêa).

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những gì bạn được soi sáng để hiểu về đức Giêsu Kitô hôm nay.

Đọc một Kinh Lạy Cha. 

25/8/21

Thứ tư 25/8/2021: Lời khiển trách nặng nề (Mt 23, 27-32)

27“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu GIẢ HÌNH! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!

29“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu GIẢ HÌNH! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ 31Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nhắc nhở nặng lời những người Phari siêu và các Kinh Sư bằng 7 lời.

Ơn xin: Xin cho tôi mở rộng cõi lòng trước mầu nhiệm Nước Trời đang được mở ra cho tôi qua lời giảng dạy của Chúa để tôi biết thay đổi đời tôi mà sống theo những giá trị của Nước Trời.

Lối cầu nguyện: suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Khi gặp bản văn cứng giọng này, chúng ta thường tránh né. Thứ nhất vì bạn không muốn làm tổn hại hình ảnh đức Giêsu là vị mục tử nhân lành, hy sinh tính mạng vì đoàn chiên! Thứ hai bạn nghĩ mình không đến nỗi “giả hình” như thế, nên cũng không cần tự chất vấn.

Hôm nay, mời bạn thử hiện diện trần trụi trước Chúa để lắng nghe sứ điệp của Ngài bằng con tim và lòng chân thành. Ngài đang khiển trách tôi, chứ không “chửi” những người ngày xưa. Xin đừng góp thêm giọng điệu kết án người xưa hoặc ai đó quanh bạn. Chúa yêu bạn, Ngài muốn bạn thay đổi để nên giống Ngài – Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống. Đấng ấy muốn nói Bảy Lời (số trọn hảo) để giúp con người thay đổi toàn diện. Đây là hai lời cuối cùng.

1/ Giả hình: trong ngoài khác biệt (cc. 1-7)

Dân gian nói “Ngôn hành bất nhất”, ở đây đức Giêsu gọi đó là “giả hình”, làm bộ ra vẻ. Giả bộ điều gì? Bên ngoài tỏ vẻ tốt lành, hiền lành, bác ái… nhưng bên trong đầy tính toán danh lợi và gian ác.

Hãy bình tâm để duyệt xét mình xem có độ chênh nào đó giữ những gì tôi ẩn giấu trong lòng, và những gì tôi thể hiện ra bên ngoài?

Đức Giêsu ví sự giả hình này với mồ mả tô vôi, một hình ảnh gắn liền với sự chết chóc: bên trong là sự chết, nhưng bên ngoài vẫn muốn người ta nhìn nhận bằng “vẻ đẹp lăng tẩm”. Hãy xét xem có điều gì đó trong tôi là chết chóc, là độc hại?

Nếu nhận ra điều gì, bạn hãy nài xin Chúa Giêsu chữa lành bạn, làm cho bạn trở nên giống hơn với “Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống”.

2/ Giả hình: tự ngụy biện (cc. 1-7)

Ngụy biện bằng hành động: làm một hành động tốt để chứng tỏ mình tốt hơn “người xấu”. Bạn thấy nhan nhản những hành động “anh hùng”, “vung tay quá trán” trong các cuộc chạy đua vào các vị trí quyền lực của các cá nhân và đảng phái. Tuy nhiên, ở nơi bạn, điều đó được thực hiện cách tinh vi đến nỗi đôi khi chính bạn cũng không nhận ra sự xấu xa ấy trong động cơ của mình. Động cơ ấy được nuôi dưỡng bằng sự ghen tương thầm kín và ham danh lợi của bản thân.

Ngụy biện bằng lời nói: đôi khi người ta không hiểu hành động của bạn là để cho họ thấy bạn tốt, bạn phải dùng thêm lời nói để gây sự chú ý. Lời nói và thái độ phụ họa thêm để chứng tỏ bạn đức độ, khiêm tốn, tốt lành… Thật ra có thể đó là một sự “kiêu ngạo ngầm” hoặc “khiêm nhường giả tạo”. “Tôi không như người khác…” – sự so sánh này làm ta thành “giả hình” – vì sự yếu đuối, khuynh hướng gian tham luôn có sẵn trong mỗi con người. Hôm nay bạn được mời gọi để “thật lòng” với Chúa. Chỉ sự chân nhận thân phận yếu đuối của mình và khao khát vươn lên với Chúa sẽ kéo chính Ngài xuống với bạn.

3/ Khi “Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống” nói lời cứng cỏi

Lời cứng cỏi ấy không phát xuất từ tâm địa độc ác của Ngài, mà từ con tim yêu thương kêu mời sự hoán cải. “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?” (Ed 33, 11)

Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4, 12-13)

Mời bạn đặt mình trước Lời Chúa để xin ơn thay đổi.

Kết nguyện

Dâng lên Chúa những tâm tình của bạn. Đoạn kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet - Gioan Tẩy Giả khiển trách vua Hêrôđê.

17/8/21

Thứ tư TN.XX: Lãnh ân huệ (Mt 20,1-16a)

1“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ 7Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 8Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ 16Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: đức Giêsu đang giảng dạy cho các môn đệ và dân chúng về mầu nhiệm Nước Trời.

Ơn xin: Xin cho tôi mở rộng cõi lòng trước mầu nhiệm Nước Trời đang được mở ra cho tôi qua lời giảng dạy của Chúa để tôi biết sống theo những giá trị của Nước Trời.

Lối cầu nguyện: chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ông chủ mướn người kỳ lạ (cc. 1-7)

Mời bạn nhìn ngắm ông chủ đi từ vườn nho ra “chợ lao động” rồi về lại, rồi lại đi ra và về lại nhiều lần. Vừa tảng sáng ông đã đi ra: rất sớm. Hãy nhìn ngắm cách ông tiếp cận với những người tìm việc, và cách ông thỏa thuận tiền công với họ. “một đồng” trên ngày: giá phổ thông.

Giờ Ba, Sáu, Mười Một. Bạn cộng thêm 6 tiếng nữa thì ra giờ của chúng ta: 9h sáng, 12h trưa, 5h chiều. Có bản dịch sẽ chuyển luôn giờ cho người đọc dễ mường tượng. Mời bạn dành thời gian để nhìn ngắm cái “đi ra đi vào” của ông chủ, sự tiếp cận của ông với người lao động, câu chuyện cụ thể của mỗi nhóm thợ là gì? Bạn thấy mình thuộc nhóm thợ Giờ thứ mấy?

2/ Ông chủ trả công cách kỳ lạ (cc. 8-15)

Trước hết, nhìn cách ông dặn dò người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ Mức tiền lương không được ông dặn, vì đó là thông lệ.

Thứ tự ngược ấy có phải vì ông chủ muốn người đến làm từ sáng sớm biết được mức tiền những người vào sau nhận được? Đó có phải là lương họ đã hợp đồng hay là “ân huệ” cho cơ hội được làm việc của họ?

Bạn hãy nghiệm sự tức giận của những người vào làm từ sáng sớm. Họ càm ràm về sự công bằng! Rồi lắng nghe điều ông chủ trả lời họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’

Ông chủ giữ công bằng như hợp đồng với họ. Ngoài ra, ông “bác ái” với những người vào làm sau. Sự bác ái của ông không làm tổn hại đến sự công bằng dành cho nhóm đến đầu tiên.

Mời bạn tự kiểm nghiệm cách chúng ta nhìn Thiên Chúa, khi thấy những người khác được ơn này ơn nọ.

3/ Trật tự nào? (c. 16a)

Trật tự con người dựa trên…

+ Mạnh được yếu thua

+ Lẽ công bằng theo hợp đồng, theo quyền và nghĩa vụ

Trật tự trong Nước Thiên Chúa:

+ Công bằng + tình yêu/bác ái

+ Người đầu/trên trở thành cuối/thấp

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về cơ hội “làm vườn nho” của bạn, hoặc bất cứ tâm tình nào được gợi lên qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

14/8/21

Đặc nét linh đạo DHM: Yêu mến Mẹ và làm cho Mẹ được mến yêu

Ngày 19/07/1790, cha Cloriviere, S.J nhận được ơn soi sáng về một lối tu trì mới và ngài đã viết ra bản kế hoạch sống dành cho Hội Dòng nam.

Một tháng sau đó, ngày 18/08/1790, cha Cloriviere lại được ơn thúc đẩy để làm điều tương tự cho nhánh nữ. Tên hội dòng đã xuất hiện vào lúc này – Dòng Trái Tim Mẹ Maria (Société du Coeur de Marie/Society of the Heart of Mary). Ít lâu sau cha thêm vào chữ “Filles”/Daughters/Nữ Tử và trở thành tên gọi của Hội Dòng cho đến ngày nay. Cha viết: “Chẳng phải là vô nghĩa khi các con được gọi là Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria. Mong rằng các con trân quý tên gọi này như nó đáng được vậy. Nó cho thấy các con quý giá đối với Mẹ Thiên Chúa như thế nào, và Mẹ gần với trái tim các con ra sao.” (Thư Chung, tr. 212)

Trong kinh nghiệm cá nhân, mỗi khi gặp khó khăn cha Cloriviere đi hành hương kính Đức Mẹ. Một trong những ơn lớn nhất là cha được chữa cho khỏi bạo bệnh, và hầu như hết tật cà lăm sau đó. Chính cha đã chuyển giao lòng sùng kính Thánh tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria cho con cái khi viết: “Thiên Chúa chọn gọi các con để thuộc về Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria cách đặc biệt (…) Các con hãy tuyên xưng vinh quang các Ngài, hãy học đòi các nhân đức nơi trái tim các Ngài, và để cho tình yêu nơi Hai Trái Tim làm cho bừng cháy.” (Thư chung thứ 5, tr. 71) hoặc “Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria, mà các con đã tận hiến, sẽ trao ban chính mình cho các con. Hai Trái Tim là thánh ấn đóng trên trái tim và cánh tay các con; trên trái tim để tình yêu của các con được tinh tuyền, trên cánh tay để mọi việc các con làm được thánh thiện.” (Ibid., tr. 73)

Khi viết Hiến Pháp, cha Cloriviere đã được gợi hứng trước hết bằng hai câu Kinh Thánh gắn liền với Mẹ Maria: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5) và “Này là Mẹ con” (Ga 19:27) để gắn chị em với tình yêu của Mẹ Maria và mời chị em sống nương theo ý Chúa như Mẹ. Ngoài ra, truyền thống của Hội Dòng cũng xác định hai tuần đặc biệt dành cho việc tuyên khấn hằng năm: từ ngày 02-08/02 và từ ngày 15-22/08; và cử hành trọng thể tước hiệu Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria như là lễ bổn mạng Dòng vào ngày 02/02 hằng năm.

Mẫu gương Mẹ Maria hiện diện giữa các Kitô hữu tiên khởi để cầu nguyện xin Thánh Thần đến đã trở nên mẫu gương cầu nguyện trong đời sống Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria. Cả cuộc đời âm thầm của Mẹ ở Nazareth cũng trở nên mẫu gương sống đời thường cho các chị em. Các chị em được mời gọi học đòi các nhân đức nơi trái tim Mẹ để thấy Chúa trong đời thường khi làm những công việc bình thường. Lần chuỗi mỗi ngày và cử hành mọi lễ kính Mẹ trong năm cũng là cách thế các chị em tỏ lòng kính yêu Mẹ.

Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria yêu mến Mẹ và làm cho Mẹ được yêu mến không gì khác bằng cách sống theo các nhân đức trong Trái Tim Mẹ. 

Ảnh: Internet.

10/8/21

Thứ tư 11/8/2021: Sửa lỗi huynh đệ (Mt 18, 15-20)

15“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18“Thầy bảo thật anh em: Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

19“Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ về cung cách và các mối tương quan trong Giáo Hội mà Ngài đang thiết lập.

Ơn xin: Xin đức Giêsu mặc khải cho tôi trật tự mới trong Giáo Hội do Ngài thiết lập và xin ơn được sống theo ngay từ bây giờ.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Sửa lỗi huynh đệ (cc. 15-17)

Sửa lỗi huynh đệ luôn là điều được khuyến khích trong Kitô giáo. Sửa lỗi cho người khác vì lòng yêu thương họ, chứ không phải vì ghét bỏ hay muốn ‘hạ bệ’ họ.

Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc để thực hành:

+ Nhìn người sai lỗi là “anh em của tôi”

+ Hãy yêu thương mà “đi sửa lỗi” cho người đó

+ Bắt đầu từ cá nhân với cá nhân

+ Nếu không thành công thì mới mang thêm người để đủ sức thuyết phục (nguyên tắc 3 nhân chứng: x. Đnl 19:15)

+ Nếu vẫn thất bại thì mới mang ra chốn công cộng, nhưng vẫn với ý muốn giúp người đó nhận ra để sửa lỗi, chứ không phải để kết án.

+ Cuối cùng, nếu người đó cố chấp thì đành chấp nhận phớt lờ. Cách nói “một người ngoại hay một người thu thuế” chỉ ý muốn nói rằng người ấy đang trong tình trạng cố chấp trong sai lỗi của mình. Nói cách khác, đó là cách những người yêu thương giúp đỡ bị rơi vào tình trạng “bó tay”. Hãy xem bạn có đủ tình yêu để chờ một cơ hội khác, hay bạn tìm ra được cách khác? Ví dụ: tìm người có tầm ảnh hưởng đến người đó để xin họ nói dùm cho.

2/ Mối liên hệ giữa “chuyện dưới đất” và “chuyện trên trời” (cc. 18-20)

Có một mức độ phân tách nào đó giữa “chuyện dưới đất” và “chuyện trên trời”, giữa chuyện phàm tục và chuyện thánh thiêng, giữa đời thường và cầu nguyện… trong suy nghĩ chung của con người.

“Trời mới đất mới” không phải là cái gì hoàn toàn đoạn tuyệt với thế giới mà chúng ta đang sống. Nếu những gì trong thế giới hiện tại không có giá trị gì trong “Nước Thiên Chúa” thì có lẽ Thiên Chúa đã không cần tạo ra nó và tốn công bảo tồn nó; thậm chí trả giá máu của Con Một yêu dấu để “sửa chữa” nó.

Ngài nói đến ở đây có hai điều có mối tương quang giữa đất và trời:

+ Tháo cởi và trói buộc: tha thứ hay giữ mối thù, xóa bỏ hay thiết lập…

+ Hợp ý cầu nguyện với nhau dưới đất – Cha trên trời lắng nghe và ân ban; Hợp ý cầu nguyện với nhau dưới đất bây giờ – Đấng Phục Sinh sẽ hiện diện giữa chúng ta bây giờ..     

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những gì bạn được gợi lên hôm nay, và xin ơn để sống theo.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

3/8/21

Thứ tư TN.XVIII: Khi Thiên Chúa thử lòng (Mt 15,21-28)

21Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23aNhưng Người không đáp lại một lời.

23bCác môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” 24Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và dân chúng về Mầu nhiệm Nước Trời. 

Ơn xin: Xin đức Giêsu mặc khải cho tôi những điều thuộc về Nước Trời và xin ơn được sống theo ngay từ bây giờ.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Lời van xin của người mẹ (cc. 21-23a)

Đức Giêsu có thể đang mệt mỏi sau cuộc tranh luận với những người Pharisiêu đến từ Giêrusalem, rồi giải thích lại cho các môn đệ về sạch-dơ liên quan đến thức ăn. Ngài lui về miền ven biển Địa Trung Hải, Tia và Sidon – vùng dân ngoại.

Người mẹ tiếp cận đức Giêsu để nài xin Ngài giúp đỡ một điều rất chính đáng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” – Hãy cảm nghiệm sự đau khổ của người mẹ ấy. Bà cầu xin cho nhu cầu của mình, và cho con gái mình.

Bạn nhìn xem cách đức Giêsu phản hồi trước lời van xin: không đáp một lời!

Người mẹ ấy làm gì? Lẽo đẽo đi theo và không ngớt lời van xin tiếp tục. Tiếng van xin ấy chạm đến các môn đệ. Tiếng van xin ấy có chạm đến đức Giêsu?

2/ Lời van xin của các tông đồ (cc. 23b-24)

Bạn hãy thử đi vào lòng các môn đệ xem họ lên tiếng với đức Giêsu về trường hợp bà mẹ đang nài nỉ van xin ấy là do “chạnh lòng thương” hay do cảm thấy bị làm phiền.

Chiêm ngắm cách họ tiếp cận đức Giêsu và lên tiếng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”

Lắng nghe câu trả lời của đức Giêsu: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Trong vai trò một môn đệ đến nói với đức Giêsu lời nói trên, bạn cảm thấy thế nào về câu trả lời? Nếu đặt mình vào vị trí người mẹ, bạn cảm thấy thế nào?

3/ Lời xin lần thứ ba (cc. 25-28)

Bạn hãy chiêm ngắm bước chân tiến đến trước mặt đức Giêsu, bái lạy. Hãy dừng lại để chiêm ngắm tư thế của bà, lời cầu xin của bà: trực diện, trực tiếp cho nhu cầu của mình – cái khổ kép vì bà là mẹ, và bé gái là con gái bà.

Lắng nghe cuộc trao đổi giữa bà mẹ và đức Giêsu:

-          “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 

-          “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”

-          “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

-          “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Người mẹ đã đạt được điều mình tìm kiếm bao năm!

Bạn có từng nài xin Thiên Chúa điều gì cách tha thiết và kiên trì như vậy chưa? Cả việc nài xin với lòng khiêm tốn nữa? Bạn cảm nhận được điều gì về Thiên Chúa qua câu chuyện này?

Kết nguyện

Thân thưa với đức Giêsu và người mẹ về những điều nổi lên trong lòng bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.