Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

18/7/21

Ơn linh hứng của cha Pierre-Joseph de Cloriviere, S.J.

Ngày 19/07/1790 là lễ Thánh Vinh Sơn Phaolo (theo lịch phụng vụ cũ). Buổi sáng hôm ấy cha Clorivire làm giờ cầu nguyện như mọi khi. Trong lúc cầu nguyện, cha chợt nghe được tiếng nói bên trong một cách rất rõ ràng “Tại sao không ở Pháp? Tại sao không trên toàn thế giới?” Và rồi trong một cái chớp mắt, cha được cho thấy mọi ý tưởng về một kế hoạch sống rất hữu ích cho Giáo hội và mang lại ơn ích tối thượng cho các linh hồn. Ánh sáng này vừa rất tổng quát, vừa sáng tỏ đến nỗi cha tin rằng ai cũng phải hiểu như thế, hoặc không thể hiểu khác khi nghe cha kể lại. Ánh sáng ấy đã làm cho cha không thể nghi ngờ, mà phải xác tín rằng ý tưởng đó đến từ Thiên Chúa. Cha chỉ ngạc nhiên sao Thiên Chúa lại nhìn đến một khí cụ mọn hèn như cha để thực hiện một công trình quá lớn lao. Tuy nhiên, với sự xác tín tuyệt đối vào quyền năng và sự tốt lành của Chúa, cha đã dâng mình cho Chúa để Ngài dùng mình mà thực hiện bất cứ điều gì Ngài muốn.

Sau khi dâng lễ thánh Vinh Sơn vào buổi chiều, cha đến gặp một cha bạn rất thánh thiện là cha Engerran để chia sẻ với ngài về ánh sáng mình được nhận vào buổi sáng. Cha Engerran tin rằng đó là điều đến từ Thiên Chúa và khuyến khích cha Cloriviere theo đuổi nó. Tối về, cha Cloriviere viết ngay bản Kế Hoạch Sống bằng tiếng Latinh cho một hội dòng nam, trong đó có nhiều điểm được thích nghi với hoàn cảnh Giáo hội địa phương, với ước mong sẽ gởi Bản Kế Hoạch lên Đức Giáo Hoàng.

Một tháng sau, nhằm ngày 18/8/1790, bằng một ơn thúc đẩy mà cha Cloriviere tin là đến từ Thiên Chúa, cha đã viết bản Kế Hoạch Sống dành cho nữ dựa vào ơn soi sáng trên. Từ bản kế hoạch này mà Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria đã được cưu mang và chờ ngày ra đời.

Ảnh: Nhà nguyện La Fosse Hingant, nơi cha Clorivierre nhận được ơn linh hứng sáng 19/7/1790.

 

15/7/21

Phương pháp Áp dụng ngũ quan

Đây là phần “mở rộng” phương pháp Chiêm niệm, khi ta ứng dụng tất cả các chức năng cảm quan thể lý (ngũ quan) để đi vào chiêm ngắm thiêng liêng; rồi rút ra ích lợi thiêng liêng cho bản thân (LT. 121-126).

Áp dụng ngũ quan giúp ta chiêm ngắm “lại” điều đã được chiêm ngắm trong phương pháp Chiêm niệm. Tương tự như Phục niệm, Áp dụng ngũ quan không phải là “lặp lại” y chang điều đã chiêm niệm, nhưng được mời gọi đi sâu vào trong cảm nhận của nhân vật và hoàn cảnh cách chi tiết và sâu xa hơn.

Nội dung: trình thuật (câu chuyện) Kinh thánh hoặc dụ ngôn.

Tiến trình: Theo khung 3 phần của một giờ cầu nguyện; bao gồm Nhập nguyện, Áp dụng ngũ quan, và Kết nguyện.

Thực hiện áp dụng ngũ quan:

+ “thị giác”: Lấy con mắt để tưởng tượng về các nhân vật. Suy gẫm và chiêm niệm từng hoàn cảnh liên quan đến các nhân vật; rồi rút ích lợi cho tâm hồn mình từ việc chiêm ngắm đó.

+ “thính giác”: Lắng nghe điều các nhân vật nói, hoặc có thể nói, suy nghĩ trong lòng và rút ra ích lợi cho bản thân.

+ “khứu giác”: Ngửi mùi hương/hôi tinh thần trong câu chuyện được trình bày. Mùi đó dễ chịu/khó chịu. Bầu khí đó “dễ thở”, đáng sống hay ngược lại… đoạn rút ra ích lợi cho tâm hồn mình.

+ “vị giác”: Trải nghiệm chất vị của hoàn cảnh, của nhân vật, của nhân đức hoặc tội ác. Vị đó thu hút hay đẩy bạn ra xa? Bạn ao ước và thích thú cảm nếm, hay kinh hãi?

+ “xúc giác”: những đụng chạm/va chạm tạo nên nỗi đau hay niềm vui thân thiện, mật thiết. Bạn hãy để cho từng nhân vật đụng chạm vào bạn. Bạn muốn nhân vật nào trong câu chuyện đó chạm vào bạn?

* Lưu ý: Ở đây, ta ứng dụng các chức năng của ngũ quan để cảm nếm thiêng liêng. Nó vượt ra khỏi cảm giác thể lý. Những cảm nhận và ích lợi mang lại đều mang tính thiêng liêng, khác với cảm giác thể lý có được do một tác nhân vật lý mang lại, thông quan sự tiếp nhận của ngũ quan và việc sử lý thông tin của não bộ. Thánh Gioan Thánh Giá trong cuốn Khúc linh ca đã diễn tả về hành trình mà một linh hồn được thanh luyện để đi vào cuộc hoàn hợp thiêng liêng rằng nó đã được thanh luyện khỏi mọi cảm nhận thể lý và sự hiểu biết của lý trí; nó được Đức Lang Quân quyến rũ đi vào vẻ đẹp uyên nguyên của chính Ngài. Khi đó, linh hồn được cảm nếm ở thế bị động, nghĩa là ơn cảm nếm tuyệt diệu này là được ban cho.

Ảnh: Internet.

13/7/21

Thứ tư TN.XV: Mặc khải Nước Trời (Mt 11,25-27)

25Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và dân chúng về Mầu nhiệm Nước Trời. 

Ơn xin: Xin đức Giêsu mặc khải cho tôi những điều thuộc về Nước Trời và xin ơn được sống theo ngay từ bây giờ.

Lối cầu nguyện: Suy Xét [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Dành cho người bé mọn (c.25)

Thánh sử Mat-thêu đã gom những sứ điệp, những câu chuyện liên quan đến việc mặc khải mầu nhiệm Nước Trời xếp lại thành một tuyển tập. Do vậy, một số câu nói, trình thuật như bị tách ra khỏi bối cảnh của nó. Đoạn Mt 11, 25-27 này là một ví dụ. Chúng ta không rõ “vào lúc ấy” là lúc nào! Nếu bạn kết nối với Tin Mừng Luca 10, 17-21 thì chúng ta sẽ hiểu được bối cảnh tốt hơn: Sau khi 72 môn đệ đi truyền giáo trở về và chia sẻ với Thầy về chuyến truyền giáo thành công của họ. Vậy những người bé mọn ở đây chính là các môn đệ.

Anawim là một đối tượng đặc biệt chỉ về những người nghèo, người thấp cổ bé họng, người bị bách hại vì trung thành với Luật Chúa… thì sẽ được chính Chúa che chở, nâng dậy.

Bởi vì CHÚA mến chuộng dân Người, 
ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng. (Tv 149:4)

Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.” (1Cr 1:28)

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, 
vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3)

Mời bạn nhìn lại chính mình để xem mình có đang là “người môn đệ” của Đức Giêsu, là anawim của Thiên Chúa?

Hãy đọc lại câu 25 để tạ ơn Thiên Chúa Cha đã thương mặc khải cho bạn.

2/ Ý Cha (c. 26)

Vâng,/ lạy Cha,/ vì đó là điều đẹp ý Cha.

Vâng/dạ/đúng vậy: một thái độ hoàn toàn đồng thuận của đức Giêsu dành cho Cha mình.

Lạy Cha: cách gọi cha/bố nói chung.

Vì đó là điều đẹp ý Cha: lời xác nhận, cũng là sự đồng thuận.

Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4:34)

Bạn hãy nhớ lại sự vâng phục của đức Giêsu dành cho ý Cha được kể trong các sách Tin Mừng. Nước trời là “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời” – Nước Trời đang hiện diện ở đây và lúc này, nơi đức Giêsu. Lúc này, đức Giêsu trở nên một anawim đích thực của Chúa Cha.

Đoạn xét xem tôi có đang sống giá trị Nước Trời là “vâng phục thánh ý Chúa Cha”?

3/ Tự mặc khải (c. 27)

Nếu tách câu này riêng ra, bạn sẽ nghe âm hưởng “tự mặc khải” nội tâm của đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan. Điều thú vị là câu này đều có trong cả Tin Mừng Mat-thêu và Luca.

Nước Trời không ai có thể tự hiểu ra được, nếu không được Thiên Chúa mặc khải cho từ Chúa Cha đến đức Giêsu và đến người môn đệ. Nước Trời là mối tương quan sâu kín và thầm lặng giữa Chúa Cha – Chúa Con – người môn đệ, qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Bạn hãy xem cách thức mình được tiếp cận với Nước Thiên Chúa: Do nỗ lực bản thân hay do được Thiên Chúa mặc khải cho?

Kết nguyện

Hãy nài xin đức Giêsu mặc khải cho bạn những điều thuộc về Nước Trời và xin ơn được sống theo ngay từ bây giờ.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

6/7/21

Thứ tư TN.XIV: Huấn luyện và Sai đi (Mt 10,1-7)

1Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; 3ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; 4ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. 6Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ về sứ mệnh truyền giáo. Ngài gọi và sai nhóm Mười Hai đi truyền giáo.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài, và được Ngài cho cộng tác vào sứ vụ của Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chuẩn bị nhân sự (c.1)

Bạn hãy nhớ rằng đức Giê su đã khởi sự sứ vụ công khai của Ngài bằng cách tuyển chọn các môn đệ, rồi từ đó chọn ra Nhóm Mười Hai. Ngài cho Nhóm Mười Hai được ăn ở, di chuyển, chứng kiến tất cả những gì Ngài nói, làm, sống. Ngài huấn luyện họ. Hôm nay, ngài ban cho họ quyền trừ quỷ và chữa bệnh. Đây là bước “tu thân”.

Bạn hãy nhớ lại hành trình bạn đã được biết đến và lớn lên trong đức tin, trong sự gắn bó với Chúa của mình. Đoạn thân thưa với Chúa về điều đó.

2/ Sai đi (cc. 5-7)

Câu 5-6, Nhóm Mười Hai chỉ được sai đi truyền giáo cho “chiên lạc nhà Ít-ra-en”, chứ không phải cho “dân ngoại”. Đây là một cuộc “thực nghiệm tông đồ” của các ông – nó giống như việc “tề gia”. Khi họ đã vững vàng thì chắc chắn sẽ đến lúc “trị quốc” – truyền giáo cho dân ngoại. Và rồi sẽ tiến đến mệnh lệnh truyền giáo phổ quát như cuối Tin Mừng Mác-cô “Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 16) – gọi là làm cho muôn dân thái bình nhờ tin vào Tin Mừng đức Giêsu Kitô, “thiên hạ bình”.

Hãy xét xem bạn đang được mời gọi “truyền giáo”, “làm chứng cho Chúa” ở mức độ nào? Hay vẫn đang cần được Ngài giúp cho “tu thân”? Bạn được huấn luyện mọi mặt để trưởng thành vì lợi ích cho linh hồn mình và phần rỗi người khác.

Cũng hãy xét xem tôi có đang rao giảng “Nước Trời đã đến gần”, hay tôi nói về điều gì khác; Hay đời sống của tôi đang nói về điều gì khác.

Trong mỗi mức độ làm chứng, bạn cần sự trợ giúp nào từ Chúa, từ cộng đoàn đức tin, từ môi trường? Hãy nài xin Chúa ban cho bạn những điều cần thiết đó.

3/ Cộng đoàn truyền giáo (cc. 2-4)

Xét về thứ tự, đoạn mô tả về thành viên của Nhóm Mười Hai được đặt ở giữa việc “tu thân” và các sứ vụ “tề gia”, “trị quốc”, “thiên hạ bình”.

Để cho bạn trở thành “nhà truyền giáo”/người làm chứng cho Chúa, bạn không chỉ “tu thân” một mình, bạn thực hiện quá trình huấn luyện này cùng với những người khác – một cộng đoàn cùng được Thiên Chúa tuyển chọn, và cùng một lý tưởng theo Chúa. Điều này áp dụng cho mọi Kitô hữu, chứ không riêng gì huấn luyện tu trì.

Mời bạn đọc lại cách chậm rãi danh danh nhóm Mười Hai. Chú ý về thứ tự sắp xếp và các đặc điểm của họ - “biệt danh”, nguồn gốc, nghề nghiệp, định hướng chính trị - tôn giáo… của từng người trong số họ.

Tại sao đức Giêsu lại lập một nhóm với quá nhiều sự khác biệt như thế? Bạn nghĩ gì về những cộng đoàn bạn đang thuộc về? (gia đình, đoàn thể, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu…) Bạn nhìn và sống những khác biệt đó thế nào?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về quá trình trưởng thành và làm chứng cho Chúa của bạn.

Kết thúc bằng 1 kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.

29/6/21

Thứ tư 30/6/2021: Đối kháng (Mt 8, 28-34)

28Khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 29Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” 30Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. 31Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.” 32Người bảo: “Đi đi!” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. 33Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. 34Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ về mầu nhiệm nước trời. Nơi miền đất dân ngoại Ga-đa-ra, phía đông Biển hồ Galilê, tại một nghĩa trang.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài, và được nên giống Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Để suy niệm bài này, mời bạn tìm ra những cặp đối kháng, lưu ý về bình diện của các cặp đối kháng này. Hãy dành thời gian để suy tư về sự đối kháng trong từng cặp.

Vế 1

Vế 2

Bình diện

Bờ bên này (phía Tây) biển hồ Galilê: dân Do Thái

Bờ bên kia (phía Đông) biển hồ Galilê: Dân ngoại

Địa lý, định vị theo cái nhìn của người Do Thái

Các môn đệ và đức Giêsu từ thuyền bước lên bờ

Hai người bị quỷ ám từ mồ mả đi ra

Số lượng người, khởi điểm của họ

Đức Giêsu

Họ (2 người) ra đón đức Giêsu

Chủ đích nhắm vào ai

Chúng (2 người) rất dữ tợn

Người khác (nhiều) không dám đi qua lối đó

Sức mạnh

Hai người la lên… (c. 29)

Đức Giêsu?

Thể hiện sức mạnh

Có bầy heo rất đông đang ăn ở đàng xa

Ở gần?

Không gian

Bọn quỷ nài xin (không phải 2 người) – c. 31

Đức Giêsu: “đi đi” – cho phép

Nhận ra quyền bính, sức mạnh – Thi hành quyền bính

Chúng (bọn quỷ) ra khỏi 2 người

Chúng nhập vào bầy heo (đông – xa)

Chuyển động trong không gian: gần đến xa

Tất cả bầy heo lao từ sườn núi

Xuống biển, chết đuối

Chuyển động trong không gian: cao đến thấp,

Chuyển đổi từ sống đến chết

Những người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại câu chuyện

Dân thành?

Không gian, xa Đức Giêsu hơn

Cả thành tiến ra gặp đức Giêsu

Đức Giêsu

Chuyển động gần lại

Họ xin đức Giêsu rời khỏi nơi đó

Đức Giêsu

Chuyển động ra xa

Một số câu nói Á Đông giúp diễn tả hiện tượng của lực hút và lực đẩy này:

-    “Đồng thanh tương ứng
– Đồng khí tương cầu”

-     “Ngưu tầm ngưu – Mã tầm mã”

-     “Nồi nào vung nấy”

Bạn hãy dành thời gian để xét xem bạn đang để cho Chúa Giêsu hút mình vào Ngài, hay mình đang nỗ lực để đẩy Ngài ra xa? Điều đó sẽ cho bạn biết bạn có đang “đồng thanh đồng khí” với Ngài, có đang cùng “loại” với Ngài?

Nếu bạn thấy mình “khác loại” với Ngài thì hãy khiêm tốn, sám hối và xin ơn để Ngài biến đổi bạn nên giống Ngài, và được hút về Ngài.

Kết nguyện

Thân thưa với Đức Giêsu về tình trạng của mình.

Kết thúc bằng một Kinh lạy Cha. 

Ảnh: Internet

27/6/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (3)

                                

Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG III: KHI QUANG ĐÃNG LÚC BÃO GIÔNG

Vì bị làm khó dễ bên Bỉ, cha Cloriviere trở về Pháp và thi hành sứ vụ tại nhiều cộng đoàn tín hữu và dòng tu khác nhau. Cũng chính trong thời gian này người đã viết tác phẩm « Những nẻo đường cầu nguyện ». Đây thực là một chuyên khảo về đời sống thiêng liêng, kết tinh từ những kinh nghiệm của riêng người.

Được Giám mục giáo phận Saint Malo gọi về làm cha sở xứ Parame và sau đó làm việc ở chủng viện Dinan, người được giáo dân trong vùng biết đến nhờ lòng nhiệt thành mục vụ và kết quả là hoán cải được nhiều tâm hồn. Trong thời gian này, người làm cha linh hướng cho một thiếu phụ tên là Adelaide de Cicé. Cô này đã từ lâu ấp ủ trong lòng một lối sống đời dâng hiến mà thời đó khó có thể thực hiện được.

Cuộc Cách Mạng Pháp nổ ra vào năm 1789 và chính quyền cấm tất cả các hình thức tu trì và khấn dòng công khai. Trong bài giảng ngày 25 tháng 03 năm 1790, cha Cloriviere đã can đảm phản đối lệnh cấm này và bênh vực sự thánh thiện cũng như lợi ích của đời tu. Ngay lập tức người bị bắt. Sau vài ngày người được thả, nhưng bị cấm không cho thi hành tác vụ linh mục nữa.






22/6/21

Thứ tư TN.XII: Xem quả biết cây (Mt 7,15-20)

15“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. 16Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? 17Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. 18Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. 19Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. 20Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ qua bài giảng trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thực hành những điều Ngài truyền dạy.

Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm và Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Đây là phần gần cuối, có thể xem như là phần kết luận thứ nhất của đức Giêsu cho một bài giảng rất dài, được thánh sử Matthêu tổng hợp từ chương 5 đến chương 7.

1/ Nhận diện ngôn sứ giả (cc. 15-18.20)

Vấn đề ngôn sứ giả đã nổi lên trong Cựu Ước, thời mà Thiên Chúa dùng các ngôn sứ để thay Ngài dạy dỗ dân Do Thái. Đức Giêsu nhắc đến ngôn sứ ở đây là những người đến sau Ngài, dùng lời Ngài để dạy dỗ dân. Cũng có thể áp dụng hạn từ này cho những kitô hữu “hữu danh vô thực”.

Bên ngoài đội lốt chiên, bên trong là sói dữ tham mồi

Xem cách sống và hệ quả họ tạo ra thì sẽ biết họ là ai.

Đức Giêsu dùng nguyên tắc đơn giản trong dân gian “luật nhân quả” ngược, “xem quả biết cây” để giúp nhận biết chính mình, hoặc ai đó đang là ngôn sứ giả: dùng danh Thiên Chúa để trục lợi cho bản thân, dùng danh giáo sĩ/tu sĩ/người Công giáo để trục lợi cho bản thân; lợi dụng lòng tín nhiệm của người tín hữu để trục lợi cho bản thân…

Mời bạn tự vấn chính mình về cách mình đã sống vai trò ngôn sứ thế nào. Nếu bạn nhận ra ai đó đang là ngôn sứ giả, hãy dâng lời cầu nguyện cho họ và tìm cách cùng với Chúa giúp đỡ họ nhận ra.

2/ Hậu quả dành cho ngôn sứ giả (c. 19)

Bị chặt đi và quăng vào lửa. Đức Giêsu cho thấy hậu quả tàn khốc của việc sống như ngôn sứ giả. Liệu rằng những lợi lộc kiếm được có đủ để đổi lấy hậu quả này không? “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16, 26)

Bạn hãy làm một chọn lựa cho chính mình hôm nay. Hoặc quyết định giúp ai đó thoát khỏi hậu quả tàn khốc này.

3/ Lời mời

Mời bạn chiêm ngắm đức Giêsu về cách thức Ngài sống như một ngôn sứ đích thực đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Xin đơn cử vài đoạn Kinh Thánh. Bạn tự do để chiêm ngắm toàn bộ cuộc đời Ngài.

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45)

Người giảng dạy như một đấng có thẩm quyền, chút không như các kinh sư của họ.” (Mt 7, 29)

Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15)

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về những gì được gợi lên trong bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

15/6/21

Thứ tư 16/6/2021: Nên giống Đấng kín ẩn (Mt 6, 1-6. 16-18)

1“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ qua bài giảng trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thực hành những điều Ngài truyền dạy.

Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm và Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chiêm ngắm sự kín ẩn của Thiên Chúa

a/ Chiêm ngắm Thiên Chúa sáng tạo muôn loài: Bạn có thể dùng ngũ quan, trí nhớ, trí hiểu của bạn để khám phá thế giới mà Chúa đã dựng nên. Chiêm ngắm con người với từng cơ phận của nó, tâm lý của nó, khả năng nối kết thiêng liêng của nó. Bạn cũng có thể dùng internet để hỗ trợ bạn khám phá vũ trụ bao la và thế giới siêu bé của công nghệ nano. Ngài làm mọi sự cách âm thầm, và phó mặc cho chúng tự nhận biết và ca tụng Ngài hay không.

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
Không trung loan báo việc tay Người làm.

Ngày qua mách bảo cho ngày tới,

Đêm này kể lại với đêm kia.

Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh

Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu 
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” Tv 19, 2-5

b/ Chiêm ngắm việc nhập thể của Ngôi Lời: Một sứ thần lặng lẽ tìm đến một làng quê tên là Nazareth, gặp một thiếu nữ chẳng ai biết đến tên là Maria, ngỏ một lời mời âm thầm trong căn nhà đơn sơ… Thế là Ngôi Lời trở nên một hợp tử trong tử cung của thiếu nữ ấy. Mầm sống đó phát triển âm thầm, sinh ra âm thầm, lớn lên âm thầm cho đến “trạc 30 tuổi”.

c/ Chiêm ngắm biến cố đức Giêsu phục sinh: Mọi sự xảy ra trong đêm, không một ai chứng kiến. Lính canh, các phụ nữ, các môn đệ chỉ phát hiện “hiện trường” mộ trống.

Mời bạn dành thời gian để tâm sự với Thiên Chúa, Đấng quyền năng, vĩ đại nhưng lại hành động quá âm thầm, đôi khi ẩn mình trong quy luật tự nhiên, trong các thụ tạo của Ngài.

2/ Sống theo Đấng kín ẩn (cc. 1-6. 16-18)

Bạn hãy quay lại bản văn Kinh Thánh để ao ước học theo và tập “hành động” cách kín ẩn như Thiên Chúa. Ngài kín ẩn, bạn chỉ có thể tương quan được với Ngài khi bạn sống kín ẩn, và thực hiện các việc đạo đức như làm việc bác ái, cầu nguyện, ăn chay.

Bạn có thể mở rộng ra mọi lãnh vực khác trong đời sống bạn, và tìm cách hành động cách kín ẩn vì Chúa.

Chúa Cha không mắc nợ chúng ta. Ngài chỉ muốn ân thưởng khi ta sống theo mơ ước tốt lành của Ngài dành cho ta.

Kết nguyện

Dâng lời tạ ơn Chúa Giêsu vì Ngài đã dạy cho bạn biết những điều này.

Dâng lời tạ ơn Chúa Cha vì Ngài luôn hiện diện bên bạn, ghi nhận và ân thưởng cho bạn từ lòng tốt của Ngài.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

- Ảnh: Internet - 

14/6/21

Đặc nét Linh đạo DHM: Ôm trọn thế giới

Tin mừng Mac-cô kết thúc với lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Tiếp nối tầm nhìn ấy, trong ơn linh hứng ngày 19 tháng 7 năm 1790, cha Pierre-Joseph de Cloriviere, S.J. được nhận dưới dạng một câu hỏi “Tại sao không trên toàn thế giới?” Câu này được hiểu là lời mời gọi “Ôm trọn thế giới”. Trong nháy mắt, cha được cho thấy mọi chi tiết của kế hoạch về một lối tu trì thích ứng với nhu cầu của từng thời đại và nơi chốn, để bảo toàn đời sống thánh hiến trong lòng Giáo Hội. Đây là điều rất mới mẻ trong lịch sử đời sống thánh hiến.

Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM) là Hội dòng thuộc quyền Giáo Hoàng, được thành lập năm 1791 tại Paris, Pháp; do sự kết hợp hai ơn linh hứng của cô Adelaide Champion de Cice (1749-1818) và cha Pierre-Joseph Picot de Clorivière S.J. (1735-1820).

Nguồn gốc ơn linh hứng

Ngay từ thời niên thiếu, Adelaide de Cicé đã ao ước dâng mình cho Chúa qua Ba Lời Khấn, trong khi sống ngoài tu viện, tận hiến cho việc phục vụ các chi thể đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, nối kết hoạt động với đời sống chiêm niệm. Vào năm 1785, cô đã diễn đạt trực giác này trong bản Kế hoạch sống.

Vào ngày 19 tháng 7 năm 1790, liền ngay sau lệnh giải thể các dòng tu tại Pháp, cha Pierre-Joseph de Clorivière bất ngờ nhận được ơn soi sáng trong vòng một cái nháy mắt về một lối tu trì mới thích ứng với bối cảnh của Giáo Hội tại Pháp thời bấy giờ.

Ngày 18 tháng 8 năm 1790, khi vừa hoàn thành bản Kế hoạch sống cho Hội dòng nam, cha cảm thấy được thúc đẩy mạnh mẽ để viết một Kế hoạch sống tương tự cho Hội dòng nữ. Bản Kế hoạch sống này hội tụ với bản Kế hoạch sống mà cô Adelaide đã trình bày với cha vào ngày 4 tháng 8 năm 1787 và được cha thêm vào những đường nét mới.

Những Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria tiên khởi đã cử hành nghi thức Thánh Hiến tại Paris và Brittany vào ngày 2 tháng 2 năm 1791. Biên bản Thành Lập Dòng cũng được ký tại Paris cùng ngày hôm đó.

Trong lòng Giáo Hội

Đức Giáo Hoàng Piô VII đã chuẩn nhận bằng lời cho bản Kế hoạch sống đầu tiên của Dòng tại Rôma vào ngày 19 tháng Giêng năm 1801.

Đức Giáo Hoàng Piô IX đã chuẩn nhận vĩnh viễn Hội dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria là dòng thuộc quyền Giáo Hoàng bằng sắc chỉ ấn ký ngày 24 tháng 4 năm 1857.

Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã chuẩn nhận Hiến Pháp của Hội dòng bằng văn bản ký ngày 18 tháng 6 năm 1890.

Linh đạo DHM

Nhằm đạt được mục đích lan rộng và hiện diện trong những điều kiện khác nhau giữa lòng thế giới, Lối sống của Hội dòng…

   þ Được đặt nền trên linh đạo Inhã với những thực hành thiêng liêng mỗi ngày như cầu nguyện với Kinh Thánh, phân định, phút hồi tâm, đọc sách thiêng liêng, tham dự Thánh lễ, viếng Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi, và sống theo mẫu gương Thánh tâm Chúa Giêsu và Trái tim Mẹ Maria. Những thực hành này tạo nên sức mạnh thiêng liêng nhằm giúp mỗi thành viên tận hiến cho Thiên Chúa ngay trong đời thường, được gọi là Linh đạo nội tâm và Linh đạo chiêm niệm trong hoạt động, để “thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Chúa”.

   þ Cho phép một DHM sống giữa lòng thế giới trong khi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa như Mẹ Maria; Mẹ đã cùng hiện diện với cộng đoàn tín hữu tiên khởi để loan báo Tin Mừng Phục sinh. Linh đạo DHM được đặt nền dựa trên bốn câu Tin Mừng là “Người bảo gì cứ làm theo” (Ga 2, 5) – “Đây là Mẹ của con” (Ga 19, 27) – “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi Ác thần” (Ga 17, 15) – “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15). Cha Cloriviere viết: “Dầu chúng ta không tuyên bố rời bỏ thế gian, cách suy nghĩ của chúng ta đã kéo chúng ta ra xa nó trong tinh thần hơn bất cứ sa mạc nào có thể làm được.”

   þ Giúp hội nhất giữa đời sống tu trì với sứ vụ gia đình hoặc bất cứ ngành nghề chuyên môn nào hoặc bất cứ điều kiện sống nào phù hợp với Tin Mừng. Mỗi DHM vừa là công dân đúng nghĩa, vừa là con cái trong nhà, vừa là người lao động có trách nhiệm. Nhìn từ bên ngoài các chị sống rất bình thường qua cách ăn mặc, làm việc, nơi ở… Thực ra, các chị sống đời thường một cách khác thường. Các chị sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, theo mẫu gương Mẹ Maria và các Kitô hữu tiên khởi, nhằm làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường chị hiện diện.

   þ Mở ra một phương thức liên kết các thành viên dựa trên việc tuyên khấn công khai Các Lời Khuyên Tin Mừng là Vâng Phục, Khiết Tịnh và Khó Nghèo và cùng sống một Hiến luật, dù họ sống chung hay riêng rẽ tùy theo sứ vụ. Đời sống của các chị vừa hợp nhất với Chúa Kitô, trung thành với Giáo Hội, vừa thích nghi vào từng môi trường mình phục vụ.

   þ Nhà cộng đoàn là nơi điều hành sứ vụ và bồi dưỡng tinh thần cho thành viên. Dù hữu ích cho sự phát triển của từng DHM và toàn Dòng, nhưng sự tồn tại của Hội dòng không tùy thuộc vào việc có hay không có những nhà cộng đoàn. Điều này giúp họ tự do ra đi loan báo Nước Thiên Chúa.

Giữa lòng thế giới

Noi theo mẫu gương Trái Tim Mẹ Maria đã đập những nhịp đập yêu thương của Trái tim Chúa Giêsu, các Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria cũng sống linh đạo trái tim, âm thầm làm chứng nhân yêu thương giữa đời thường. “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy… Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 10.12). Trung thành với nguồn gốc Linh đạo của mình, Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria tiếp tục phục vụ Giáo Hội và thế giới tùy theo nhu cầu của thời đại và nơi chốn.

Hạt giống bé nhỏ gieo trên đất Pháp nay đã hiện diện tại bốn châu lục và hoạt động ở hơn 30 quốc gia. Hơn 200 năm qua, các Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria vẫn âm thầm hiện diện giữa lòng thế giới để thánh hóa thế giới từ bên trong. Họ như những hạt men bé nhỏ Thiên Chúa vùi vào khối bột lớn lao là thế giới này. Họ như những hạt cải nhỏ bé được Thiên Chúa gieo vào mảnh đất thế giới, hầu mong có ngày những hạt cải nhỏ bé này góp phần tạo nên chỗ trú ẩn cho những sinh vật yếu đuối và khơi lên niềm tin-yêu-hy vọng cho những ai cần đến. Họ được mời gọi để trở nên chứng nhân của Đức Kitô phục sinh và cho sức mạnh giải phóng của Tin Mừng.

Liên hệ

Chúng tôi tiếp nhận các bạn đến tìm hiểu vào mọi thời điểm trong năm.

Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Điện thoại: (+84) 833 095 571 (gặp chị Trang)

Email: lienlacdhm@gmail.com

8/6/21

Thứ tư TN.X: Trở nên vĩ đại (Mt 5,17-19)

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ qua bài giảng trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thực hành những điều Ngài truyền dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn mường tượng về một triền đồi, đức Giêsu giảng dạy trong tư thế ngồi. Ngài như một Môsê mới đang hướng dẫn luật sống cho các môn đệ và cho mọi người thành tâm thiện chí. Họ ngồi vây quanh Ngài. Các môn đệ ngồi sát bên Ngài.

1/ Kiện toàn, thay vì bãi bỏ (cc. 17-18)

Luật Môsê từng giúp cho dân Do Thái trong Cựu Ước đến mức được ca ngợi rằng: “Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!” (Đnl 4, 6). Theo dòng thời gian, người ta thêm thắt và diễn giải luật đó thành một hệ thống luật phức tạp. Thêm vào đó các “chức sắc” sống không giống những điều họ dạy. Dân chúng thời đức Giêsu mơ tưởng về một luật sống mới.

Câu 17, đức Giêsu trân quý tiến trình làm cho dân tộc Do Thái trở nên vĩ đại và khôn ngoan, được sàng lọc và bồi đắp qua bao thế hệ nỗ lực tin và sống Lời Chúa. Ngài muốn giúp họ trở về với những điều căn cốt và kiện toàn, “nâng tầm” nó, chứ không tuyên bố “vô hiệu hóa”/bãi bỏ. Thánh Phaolô nhìn nhận vai trò “người quản giáo” của lề luật. Nó giúp bạn “thuần hóa” chính mình và chuẩn bị đủ điều kiện để tiến đến việc trở nên môn đệ Chúa Kitô và chia sẻ sứ vụ của Ngài. Mời bạn tự suy xét về cách thức giữ luật và nỗ lực nâng tầm trong việc sống luật theo các mức độ: luật cấm, luật buộc, luật hướng dẫn, luật của Thần Khí tự do.

Câu 18, đức Giêsu tuyên bố sự trường tồn của luật. Mời bạn tự duyệt xét về mức độ nhìn nhận và tuân theo luật của mình: luật tự nhiên, luật xã hội/nhân luật, luật Chúa/thiên luật. Hãy nhớ lại lời khuyên của thánh Phaolô cho các tín hữu về việc tôn trọng chính quyền Rôma (Rm 13, 1-7).

2/ Trở nên vĩ đại hoặc tầm thường (cc. 18-19)

Cách thức đức Giêsu đưa ra rất đơn giản: “bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế” thì trở nên kẻ tầm thường (the least); Còn “tuân hành (cả điều nhỏ nhất) và dạy (người khác) làm như thế” thì trở nên người vĩ đại (the great); không chỉ trong thế giới hiện tại, mà là Trong Nước Trời.

Mời bạn làm một chọn lựa cho chính mình hôm nay.

Kết nguyện

Tâm sự với Đức Kitô, Đấng ban Lời là chính Ngài, Đấng tôn trọng tiến trình trưởng thành đức tin của bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.