Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

23/5/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (2)

                       

Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG II: THỬ THÁCH

Được huấn luyện dần dần trong tinh thần Dòng Tên, năm 1758 thầy Pierre-Joseph Clorivière tuyên khấn lần đầu. Cũng trong thời gian này, chiến dịch bôi bác và bách hại các cha Dòng Tên (còn gọi là Giêsu hữu) lan rộng khắp nước Pháp. Tuy nhiên, điều này đã không làm nhụt chí dấn thân vào Dòng của thầy.

Năm 1762, các Giêsu hữu bị trục xuất khỏi nước Pháp. Thầy Pierre-Joseph trẩy đi Liège (Vương quốc Bỉ) để sống chung với các anh em gốc Anh. Thầy học thần học ở đây và sau đó lãnh tác vụ linh mục. Sau khi hoàn tất năm huấn luyện cuối cùng, còn được gọi là năm “Tập Ba” và một thời gian làm tông đồ tại Anh, cha Clorivière được cử làm phụ tá Giáo Tập ở Grand (Bỉ). Năm 1772, cha được chuẩn nhận khấn cuối trong Dòng. Lời khấn này xác chuẩn long trọng và vĩnh viễn cha là một tu sĩ Dòng Tên. Một năm sau, Đức Thánh Cha Clêmentê XIV giải thể Dòng Tên trong Hội Thánh.

Cha Clorivière cảm nghiệm đau đớn cơn thử thách này, nhưng người quyết trung thành với ơn gọi Dòng Tên của mình. Từ đây, cuộc đời của người sẽ là hành trình tìm vinh danh Chúa hơn trong cuộc thương khó của Dòng. Người sẽ làm tất cả trong tinh thần Linh Thao của Thánh I-nhã, tức kinh nghiệm thiêng liêng đã làm hoán cải trái tim người.




18/5/21

Thứ tư 19/5/2021: Gìn giữ các môn đệ (Ga 17, 11b-19)

11b “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nhớ lại khung cảnh Đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thêm gắn bó với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Mời bạn đặt lại mình vào trong khung cảnh trước ngày chia tay giữa thầy trò Giêsu, một cuộc chia tay bất bình thường nhưng thầy Giêsu biết rất chắc chắn rằng nó rất gần kề. Càng đặt khung cảnh tốt, bạn càng chiêm niệm tốt và cảm nếm sâu tấm lòng của Thầy Giêsu dành cho người môn đệ.

Đoạn này được đặt giữa cảnh “bữa tiệc rửa chân” và trước khi đức Giêsu bị bắt. Thánh sử Gioan đã viết thêm bốn chương thật dài nhằm lột tả hết tấm lòng của thầy Giêsu dành cho các môn đệ. Trước viễn cảnh chia lìa, đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho người môn đệ.

Để chiêm niệm bài này, bạn chỉ cần chăm chú nhìn vào cái nhìn của thầy Giêsu đang chăm chú lên Chúa Cha và nói với Ngài về bạn. Bạn có thể chiêm ngắm theo từng câu, hoặc chọn bất cứ câu nào bạn được đánh động.

Câu 11b, chiêm ngắm sự tha thiết nài xin của thầy Giêsu cho bạn, và cho “nhóm” bạn: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.”

Câu 12a, chiêm ngắm lại cách thầy Giêsu đã gìn giữ bạn; bây giờ Ngài nói với Cha về điều đó: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con.”

Câu 12b, chiêm ngắm nỗ lực gìn giữ của thầy Giêsu dành cho từng người, và sự tự do của từng người có muốn nhận sự chăm sóc đó không: “Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.” 

Câu 13, chiêm ngắm sự tế nhị của thầy Giêsu khi không muốn cho người môn đệ phải buồn vì sự chia ly: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.”

Câu 14 và 16, chiêm ngắm niềm vui trong trái tim thầy Giêsu khi thấy người môn đệ được cùng chia sẻ “chén đắng” và phần phúc đời mình: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.”

Câu 15 và 17, chiêm ngắm sự tha thiết nài xin của thầy Giêsu cho bạn: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.”

Câu 18, chiêm ngắm sự tín nhiệm thầy Giêsu dành cho bạn: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.”

Câu 19, chiêm ngắm tình yêu dâng hiến của thầy Giêsu dành cho bạn: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

Kết nguyện

Hãy thân thưa với thầy Giêsu, Đấng đang cầu nguyện với Chúa Cha cho bạn?

Kết thúc, bạn hãy đọc 1 Kinh Lạy Cha cùng với thầy Giêsu của bạn. 

- Ảnh: Internet -

11/5/21

Thứ tư PS.VI: Sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-15)

 12“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nhớ lại khung cảnh Đức Giêsu tâm tình với các môn đệ trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thêm gắn bó với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn đặt lại mình vào trong khung cảnh trước ngày chia tay giữa thầy trò Giêsu, một cuộc chia tay bất bình thường nhưng thầy Giêsu biết rất chắc chắn rằng nó rất gần kề. Càng đặt khung cảnh tốt, bạn càng chiêm niệm tốt và cảm nếm sâu tấm lòng của Thầy Giêsu dành cho người môn đệ.

Đoạn này được đặt giữa cảnh “bữa tiệc rửa chân” và trước khi đức Giêsu bị bắt. Thánh sử Gioan đã viết thêm bốn chương thật dài nhằm lột tả hết tấm lòng của thầy Giêsu dành cho các môn đệ. Trước viễn cảnh chia lìa, đức Giêsu trấn an người môn đệ bằng lời hứa ban Thánh Thần.

Để chiêm niệm bài này, bạn chỉ cần chăm chú nhìn vào trái tim của thầy Giêsu và lắng nghe chậm rãi từng lời thầy thốt ra để cảm hiểu tâm tình của thầy. Bạn có thể chiêm ngắm theo từng câu, hoặc chọn bất cứ câu nào bạn được đánh động.

Câu 12, hãy lắng nghe nỗi bận tâm của thầy: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”

Câu 13a, chiêm nghiệm về Thần Khí Sự Thật và sự thật toàn vẹn: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”

Câu 13b, Chiêm nghiệm về cùng một cách thức, đức Giêsu làm những điều đã thấy đã nghe nơi Chúa Cha; Thần Khí Sự Thật sẽ nói lại những gì được nghe (nơi đức Giêsu): “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.”

Câu 14, chiêm niệm tương tự câu 13b - đức Giêsu tôn vinh Chúa Cha, Thần Khí tôn vinh đức Giêsu.

Câu 15, chiêm niệm dòng chảy mọi phúc lành và sự giàu có từ Chúa Cha à đức Giêsu à Thánh Thần à người môn đệ.

Kết nguyện

Dành thời gian để tâm sự với Chúa Cha, Chúa Giêsu hoặc Chúa Thánh Thần; hoặc cả ba Vị.

Kết thúc bằng kinh Sáng danh.

- Ảnh: Internet -

4/5/21

Thứ tư 5/5/2021: Như cây liền cành (Ga 10, 1-8)

1“Thầy cây nho thật, và Cha Thầy người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy Ở LẠI trong Thầy như Thầy Ở LẠI trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5“Thầy cây nho, anh em cành. Ai Ở LẠI trong Thầy và Thầy Ở LẠI trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em Ở LẠI trong Thầy và lời Thầy Ở LẠI trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa tráitrở thành môn đệ của Thầy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nói về mối tương quan mật thiết của người môn đệ với Ngài như là cành nho gắn liền với thân nho.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thêm gắn bó với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Hẳn bạn biết điển tích: “Như chim liền cánh, như cây liền cành” nói về tình yêu không thể chia cắt giữa vợ và chồng. Sau khi chết, trên mộ họ mọc lên 2 cây và cành chúng vươn ra quấn lại với nhau. Rồi có đôi chim “một cánh” nương vào nhau để cùng bay lên - Một điển tích đẹp về tình yêu keo sơn, một tình yêu mạnh hơn cái chết.

Để cảm nếm được sự gắn bó giữa đức Giêsu và bạn, mời bạn hãy đọc thật chậm bản văn Kinh thánh hôm nay, chú ý đến từng động từ (đã được gạch chân trong bản văn ở trên). Bạn hãy đọc đi đọc lại nhiều lần và xin ơn Được Ở Lại.

2/ Tình yêu qua lại (mutual love)

Chú ý rằng vế mời gọi bạn “ở lại” luôn được đặt trước (xem cc. 4. 5. 7), trong điều kiện Thầy/Lời Thầy đã “ở lại” trong bạn rồi, thể hiện bằng từ “như”, dù được đặt ở vế sau.

Mời bạn dành thời gian để chiêm ngắm mầu nhiệm Tình yêu đi bước trước của đức Giêsu, và lời mời của Ngài dành cho bạn: “hãy ở lại trong Thầy”. Thiên Chúa không muốn “yêu đơn phương” bạn. Ngài mong chờ bạn đáp lại tình yêu Ngài dành cho bạn.

3/ Tình yêu sinh hoa trái

Câu 4-5, “ở lại trong Thầy” trở thành điều kiện tiên quyết cho việc sinh hoa trái. “ở lại” thì sinh nhiều hoa trái. “không ở lại” thì không sinh hoa trái, bị khô héo, bị đốt cháy thành tro bụi. Bạn có cảm thấy khó chịu về lời khẳng định này? Hãy nghiệm xem lời khó chịu đó đang mặc khải cho bạn chân lý nào?

Câu 7, nếu bạn chấp nhận “ở lại” trong Thầy thì bạn được toại nguyện mọi điều mình xin. Bạn muốn điều đó được cụ thể hóa thế nào ngay lúc này?

Câu 8b, bạn nối kết thế nào giữa việc “sinh nhiều hoa trái” và “trở thành môn đệ Thầy”? Nếu chỉ có một vế thì sao?

Câu 8a, bạn có muốn tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách vừa sinh nhiều hoa trái, đồng thời là môn đệ của thầy Giêsu?

Kết nguyện

Hãy cầu nguyện với đức Giêsu là “gốc nho”, là nguồn mạch làm cho bạn sống và sinh hoa trái.

Hãy tạ ơn Chúa Cha đã trồng Gốc Nho Giêsu, và gắn kết bạn vào gốc nho ấy.

Hãy xin với Mẹ Maria, để Mẹ chuyển cầu cho bạn có được kinh nghiệm “ở lại trong Thầy”. 

- Ảnh: Internet -

27/4/21

Thứ tư PS. IV: Phép bắc cầu (Ga 12,44-50)

44Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chỉ ra nguyên nhân những người Do Thái không chịu tin vào Ngài sau khi chứng kiến nhiều dấu lạ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Có một phép toán khá đơn giản: a = b, b = c, kết luận a = c. Mời bạn áp dụng phép toán này vào trong bài suy niệm hôm nay, với a là Chúa Cha, b là đức Giêsu, c là chính bạn. Đây cũng là cách giúp bạn tìm ra nguyên nhân làm cho con người/chính bạn không tin vào Thiên Chúa, để cải thiện.

1/ Cầu nối Giêsu (cc. 44-45)

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 44: “c tin vào b, thì không phải là tin vào b, nhưng là tin vào a”. Suy ra, a = b, nghĩa là Chúa Cha và đức Giêsu là một, bằng nhau.

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 45: “c thấy b là thấy a”. Suy ra, b = c. Kết luận, a = c. Nghĩa là Chúa Cha thấy tôi và tôi thấy Chúa Cha ngang qua đức Giêsu. “Biết” trong Kinh Thánh có nghĩa là hiểu nhau tường tận, như vợ chồng “biết” nhau.

Mời bạn chiêm ngắm “chiếc cầu Giêsu” nối bạn với Thiên Chúa vô hình. Bạn muốn nói gì với Đấng muốn làm “cầu kiều” cho bạn?

2/ Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và tôi (cc. 46-48)

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 46: “b là ánh sáng đến thế gian, để c tin vào b, thì c không ở lại trong bóng tối”. Suy ra, ánh sáng của b lan tỏa sang c. Hãy suy niệm về cách thức Thiên Chúa đã soi sáng cho bạn.

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 47-48: “(nếu) c nghe những lời b nói mà không tuân giữ, thì không phải chính b xét xử c, vì b đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. (Khi) c từ chối b và không đón nhận lời b, thì có quan toà xét xử c: chính lời (của) b đã nói sẽ xét xử c trong ngày sau hết”. Suy ra, lời của b sẽ xét xử c. Điều đó chất vấn bạn về cách bạn đã nghe và sống Lời Chúa. Nói cách khác, không phải chính Chúa sẽ xét xử bạn, nhưng cách bạn chọn lựa trong cuộc sống sẽ xét xử bạn, dựa trên sự soi sáng của Lời Chúa.

3/ Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha (cc. 49-50)

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 49-50: “Thật vậy, không phải b tự mình nói ra, nhưng là chính a, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho b phải nói gì, tuyên bố gì. Và b biết: mệnh lệnh của a là sự sống đời đời. Vậy, những gì b nói, thì b nói đúng như a đã nói với b.” Suy ra, a thông truyền mọi sự cho b.

Mời bạn suy niệm về mối hiệp thông giữa đức Giêsu và Chúa Cha. Một bên trao ban tất cả, bên kia đón nhận tất cả và chuyển giao cách trung thành cho c.

Bạn cũng được mời gọi tiếp tục làm phép bắc cầu từ đức Giêsu sang bạn, và từ bạn sang người khác.

Kết nguyện

Dành thời gian để cảm tạ Thiên Chúa vì dòng chảy thông ban chính Ngài cho bạn, ngang qua đức Giêsu Phục Sinh.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Internet -

25/4/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (1)


Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG I: TIẾNG GỌI

Pierre-Joseph de Cloriviere chào đời ngày 29 tháng 06 năm 1735 tại Saint Malo, xứ Bretagne, Pháp. Xuất thân từ một gia đình thương mại đường thủy giàu có và nhiều ảnh hưởng trong vùng từ hơn hai thế kỷ. Pierre-Joseph từ nhỏ đã không ít lần chứng tỏ thừa hưởng sự thông minh và tinh thần mẫn cán từ gia đình.

Từ nhỏ, cậu đã sớm mồ côi cha mẹ. Gia đình gửi cậu vào trường nội trú dành cho học sinh người Anh của các cha Dòng Bức Đức ở Douai. Khi học xong trung học, nhiều con đường sự nghiệp mở ra trước mắt chàng thanh niên đạo đức này. Sau một lần thử dấn thân vào đời thủy thủ chàng nhận ra đó không phải là con đường của mình.

Chàng lên Paris để học luật và chính trong thời gian này chàng khám phá ra ơn gọi linh mục. Một thời gian sau, trong một cuộc gặp gỡ, chàng hiểu rằng Chúa muốn gọi chàng gia nhập Dòng Tên. Gia đình phản đối nhưng chàng đã nhanh chóng thuyết phục được họ. Chàng vào Tập Viện Dòng Tên ngày 14 tháng 08 năm 1756. 





20/4/21

Thứ tư PS.III: Dang rộng vòng tay (Ga 6,35-40)

35Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 36Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. 37Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tranh luận với dân chúng tại Ca-phac-na-um (phía Đông biển hồ Tiberia) sau phép lạ hóa bánh ra nhiều ở phía Tây biển hồ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.

Lối cầu nguyện: Niệm theo nhịp thở [Gõ và ô tìm kiếm: Ba phương cách cầu nguyện]

Gợi ý cầu nguyện

Bối cảnh của bài Tin mừng này là một cuộc tranh luận gay gắt giữa đức Giêsu và dân chúng liên quan đến vấn đề đức Giêsu sẽ ban chính mình làm Bánh trường sinh nuôi sống họ. Họ không thể hiểu, không thể tin được nên mới đòi Ngài cho “dấu lạ”. Họ dựa vào trường hợp tổ tiên đã ăn Manna là thứ bánh họ tin là “bánh bởi trời” nhưng các tổ tiên họ vẫn chết!

Vậy sự sống mà đức Giêsu sẽ ban là sự sống nào? Làm sao để tin rằng Ngài sẽ ban cho bạn thứ sự sống đó bằng việc ăn chính “thân mình” Ngài? Để tránh đi vào con đường cứng tin của dân chúng thời Ngài, mời bạn hãy khiêm tốn niệm những lời chính đức Giêsu đã nói. Trong khi niệm, chỉ cần tin rằng “Lời Chúa là chân lý” và chính Ngài sẽ thực hiện điều Ngài đã nói. Chính Ngài luôn dang rộng vòng tay để chào đón và chăm sóc bạn bằng mọi cách.

Bạn có thể niệm tuần tự các câu sau, hoặc chọn câu bạn muốn. Hãy niệm càng lâu càng tốt, cho đến khi điều bạn niệm trở nên điều trong bạn. Hãy hít thở đều đặn, nhập nguyện thật sâu. Chọn câu bạn muốn. Khi hít vào bạn niệm nửa vế, khi thở ra bạn niệm vế còn lại. Bạn cũng có thể dựa trên bản văn để tự tạo câu niệm theo ý mình.

  1. Chính tôi là / bánh trường sinh.
  2. Ai đến với tôi,/ không hề phải đói;
  3. Ai tin vào tôi,/ chẳng khát bao giờ! 
  4. Người Chúa Cha ban cho tôi/ đều sẽ đến với tôi,
  5. Ai đến với tôi,/ không bị loại ra ngoài, 
  6. Tôi tự trời mà xuống,/ không phải để làm theo ý tôi,
  7. Tôi tự trời mà xuống,/ để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 
  8. Ý Đấng đã sai tôi là / tôi sẽ không để mất một ai,
  9. Ý Đấng đã sai tôi là / cho họ sống lại trong ngày sau hết. 
  10. Ý Cha tôi là / tin vào người Con,
  11. Tin vào người Con, / được sống muôn đời,
  12. Tôi sẽ cho sống lại / trong ngày sau hết.

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã Phục Sinh và đang sống, đang khao khát nuôi dưỡng bạn từng ngày.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Internet -

13/4/21

Thứ tư PS.II: Nghiệm lại (Ga 3, 16-21)

16“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuyện trò với ông Nicôđêmô vào một buổi tối.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Con người có khả năng đọc lại những ký ức của mình để phân tích, nối kết, đánh giá và tìm ra ý nghĩa. Trong cầu nguyện, thánh I-nhã mời thao viên dùng trí nhớ, trí hiểu và ước muốn để thực hiện giờ cầu nguyện. Mời bạn sử dụng những khả năng này cho bài cầu nguyện hôm nay.

1/ Thiên Chúa yêu thế gian đến cùng (cc. 16-17)

Hãy nhớ lại những tình tiết của cuộc thương khó – tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu mà bạn vừa trải qua trong mầu nhiệm Vượt Qua của đức Giêsu Kitô.

Bạn hãy lục lại trong trí nhớ xa hơn của bạn về đức Giêsu trong những năm Ngài hoạt động rao giảng công khai, rồi lần về tận nguồn gốc của đức Giêsu: ngày Ngài chào đời. Rồi đến tận nguồn cội xa xưa của Ngài: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời…” (Ga 1)

Rồi hãy đọc hai câu 16-17 để nghiệm lại điều được phát biểu xem từng chữ, từng câu đó được ứng với cuộc đời đức Giêsu một cách cụ thể như thế nào. Cũng nghiệm lại điều đó qua chính kinh nghiệm cuộc đời bạn.

Thân thưa với các Ngài đêìu bạn cảm nhận hoặc được soi sáng.

2/ Hệ quả của việc đón nhận hay từ chối (cc. 18-19)

Nhớ lại kinh nghiệm thực hiện những chọn lựa trong đời bạn. Có kinh nghiệm nào mà bạn cảm thấy “không có con đường nào khác”! Nghĩa là bạn bị bắt buộc phải chọn điều đó thì được sự lành, không chọn nó thì nhận hậu quả xấu.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi đức Giêsu Kitô là một chọn lựa như thế. Nếu bạn đón nhận thì “không bị lên án”, nếu bạn từ chối thì đương nhiên tự lãnh hậu quả! Hậu quả này không phải do Chúa phạt, mà là do bạn chọn “làm đều xấu xa”, “chuộng bóng tối hơn ánh sáng”. Đây không phải là ánh sáng vật lý tạo nên ngày và đêm. Đây là thần Bóng Tối và thần Ánh Sáng, tức là Ma Quỷ và Thiên Chúa. Lưu ý rằng đây không phải là thần Ác và thần Lành đối chọi ngang hàng với nhau. Thiên Chúa thì lớn hơn tất cả, nhưng chúng ta thường bị Ma Quỷ quyến rũ và chúng ta thích những chiêu trò của nó hơn là “con đường hẹp” để đến với Thiên Chúa Ánh Sáng.

Nhớ rằng ông Nicôđêmô đang trò chuyện với đức Giêsu ban đêm – bóng tối vật lý; và ông đang tiếp nhận lời của đấng là Ánh Sáng – Ánh sáng siêu nhiên, ánh sáng ân sủng.

Mời bạn dành thời gian để suy xét về thái độ của mình trước ơn cứu độ được đức Giêsu Kitô “dâng tặng” cho bạn.

3/ Nguyên nhân sự đón nhận hay từ chối (cc. 20-21)

Hai câu cuối này đã quá rõ ràng về nội dung. Bạn chỉ cần nhớ lại những tình huống cuộc đời trong đó mình đã trốn vào trong Bóng Tối, và những tình huống mình được an nhiên đến cùng Ánh Sáng, ở trong Ánh Sáng.

Hãy nói với đức Giêsu về những điều bạn vừa nhớ được. Nhớ rằng, bạn đang nói chuyện với Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

Kết nguyện

Tạ ơn Đấng Phục Sinh về những gì bạn được gợi nhớ, hiểu, và ao ước thay đổi qua giờ (60 phút) này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Internet -

6/4/21

[Thứ tư Bát Nhật PS] Ngài có đó… (Lc 24,13-35)

13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18Một trong hai người tên là Clê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” 27Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

33Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Con đường dẫn từ Giêrusalem về làng Emau (Phía tây Giêrusalem), vào buổi chiều ngày thứ Nhất trong tuần.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được cảm nghiệm được sự hiện diện kín ẩn của Chúa Phục Sinh bên tôi để tôi biết lắng nghe Lời Ngài và biết làm chứng cho Ngài.
  • Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đồng hành (cc. 13-16)

Mời bạn đặt mình vào vai người môn đệ giấu tên, và cùng bước đi với Clê-ô-pát. Hãy cảm nhận đôi chân nặng trĩu lê bước, lòng nặng buồn, tâm trí rối bời… Bạn đang bỏ Giêrusalem để về quê cách đó khoảng 11 cây số. Cùng bước đi và trao đổi với nhau về những điều kinh hoàng vừa xảy ra ở Giêrusalem trong vài ngày gần đây.

Có một người khách lạ tiếp cận từ phía sau bạn, tiến bước kịp bạn, bước đi đồng hành với bạn. Cảm nhận của bạn thế nào?

 

2/ Gợi chuyện (cc. 17-24)

Người khách lạ gợi chuyện: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, Clêôpát và bạn dừng lại, buồn rầu. Lắng nghe giọng kể lể của Clêôpát về nỗi lòng cho vị khách lạ. Hãy đọc lại cách chậm rãi toàn bộ các câu 17-24 để nhận diện những chuyển động trong lòng mình, ý nghĩ của mình, khao khát của mình. Tìm xem đâu là sự chênh lệch giữa những gì bạn quan sát được và nghe được trong những ngày qua và sự thật về chúng.

 

3/ Gợi nhớ (cc. 25-35)

Bạn hãy quan sát thật kỹ người khách lạ: dáng vẻ người ấy, tư thế và cả tâm thế người ấy. Lắng nghe từng chữ, từng lời người ấy nói với bạn chiều nay, một buổi chiều buồn và ít hy vọng. Ngài kết nối Kinh Thánh để giúp bạn hiểu về điều bạn đang rối bời. Hãy đọc chậm và nghiệm các câu 25-27.

Nơi bạn muốn đến cũng đã đến, trời đã quá trễ, đêm dần buông. Bạn đã về đến nhà mình, nơi mình đã từng “lên đường” để đi tìm một lẽ sống! Còn người khách lạ? Ông ta quê ở đâu? Bạn muốn mời người ấy nghỉ đêm trong nhà bạn. Lý do gì khiến bạn quyết định ngỏ lời mời?

Người bạn mới quen nhận lời bạn và bước vào nhà bạn vào lúc nhá nhem tối. Các bạn cùng ăn tối với người ấy. Hãy quan sát vị trí ngồi của vị khách, cử chỉ của người ấy trong bữa ăn… Điều gì đã làm bạn bừng tỉnh, nhận ra người khách lạ đó là “người quen”? Hãy đọc chậm và nghiệm các câu 28-35. Cuối cùng, bạn đã trở về Giêrusalem với tâm thế nào? Để làm gì?

 

Kết nguyện

Hãy dừng lại để nhớ đến những lần Chúa Giêsu hiện diện kín ẩn và đồng hành với bạn. Nói với Ngài về điều đó. Có thể hát bài Ngài có đó của nhạc sĩ Ân Đức:

https://nghenhacthanhca.com/music/listenone/9975/Ngai-co-do

Tạ ơn Chúa Cha vì Người Đồng Hành Giêsu cho đời bạn. Kết thúc bằng Kinh Lạy Cha. 

30/3/21

[Thứ tư Tuần Thánh] Bị ám (Mt 26,14-25)

14Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

17Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” 18Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’” 19Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

20Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” 23Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” 25Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối mặt với chất vấn của người Do Thái về nguồn gốc của mình trong khung cảnh của Tuần Lễ Lều – một trong ba lễ lớn buộc người Do Thái hành hương Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm đời mình đang được Thiên Chúa tỏ lộ cho tôi, để tôi được hoán cải và biến đổi.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Ý định đen tối (cc. 14-15)

Có một hiện tượng bệnh tâm lý là ảo giác (Hallucination) gắn liền với chứng loạn thần kinh và tự tạo ra cảm nhận của tất cả ngũ quan; làm cho người đó nghe, thấy, ngửi, nếm và cảm giác chuyển động trên cơ thể mình những điều mà người khác không cảm được. Một loại ảo tưởng (Illusion) khác gây ra bởi một ý nghĩ sai lệch tạo ra sự vui thú, và thường không có hại. Còn loại ảo tưởng hão huyền (Delusion) là một điều người ta tin là đúng và có thật; nhưng thật sự nó không đúng và không có thật.

Xét vào trường hợp ông Giuđa Ít-ca-ri-ốt, bạn nghĩ ông vướng vào trường hợp ảo tưởng/ảo giác nào khi đeo bám ý định nộp bán thầy Giêsu để lấy tiền?

Nghiệm kỹ hơn, có thật sự Giu-đa muốn kiếm tiền bằng cách bán thầy? Điều ông đang toan tính và sắp đặt có đơn thuần là do các vấn đề ảo giác/ảo tưởng; hay còn do một nguyên nhân nào khác?

Mời bạn tự duyệt xét đời mình trước Thiên Chúa và cùng đích tốt lành mà Thiên Chúa muốn cho đời bạn, để mang ra ánh sáng những ảo tưởng/ảo giác của đời mình. Đoạn xin ơn để được biến đổi.

2/ Tìm dịp thuận tiện (cc. 16-20)

Nếu là bệnh lý thần kinh thì y khoa sẽ giúp giải quyết. Nếu là một bệnh tâm lý thì tìm đến chuyên gia tham vấn. Nếu là một tham vọng cá nhân thì chính bạn cần đối diện và tìm cách giải quyết với sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Giuđa tiếp tục tìm dịp thuận tiện để nộp bán thầy. Một nỗ lực có ý thức và tính toán sắp đặt. Giuđa đối diện với mầu nhiệm của tự do của con người. Là người, Giu-đa có tất cả khả năng cảm nhận, thu thập thông tin, phân tích, dự phóng, sắp xếp, hành động… Tất cả được hướng dẫn bởi một động cơ/một ý định bên trong. Nếu là một động cơ tốt thì mọi tính toán khôn ngoan sẽ theo chiều hướng tốt. Nếu là một ý định ác thì mọi tính toán khôn ngoan sẽ theo chiều hướng xấu xa và độc ác.

Mời bạn lại tự duyệt xét đời mình trước Thiên Chúa và cùng đích tốt lành mà Thiên Chúa muốn cho đời bạn để tìm ra những “ngoan cố” của mình trong con đường xấu xa. Đoạn xin ơn để được biến đổi.

3/ Bị ám (cc. 21-25)

Mời bạn đọc kỹ đoạn trích từ câu 21-25. Hãy tự hỏi liệu Giuđa có cảm thấy “buồn rầu quá đỗi” khi thầy Giêsu bộc lộ sự thật “một người trong anh em sẽ nộp Thầy”? Lưu ý đến cách hành xử bên ngoài mà Giuđa đang bị cuốn vào. Khi các ông kia buồn rầu hỏi ngược lại Thầy Giêsu về khả thể liệu có phải là tôi – Giuđa cũng làm tương tự.

Hãy hỏi “lòng” Giuđã đang bị cuốn vào tâm tình buồn rầu, hối lỗi hay đang bị ám bởi một điều gì khác? Bạn gọi tên điều đó là gì? Có phải là “thần bóng tối”/Xa-tan?

Hãy tự xét xem những hành động bất nhất, hai mặt của tôi đang được điều khiển bởi điều gì? Do ước muốn xấu của tôi hay do ‘thần bóng tối” mà tôi đã ưng thuận đi theo?

Kết nguyện

Hãy cầu xin với vị Thiên Chúa mà bạn đang muốn loại trừ ra khỏi đời mình. Xin Ngài tha thứ và giúp bạn hoán cải khỏi những động cơ xấu xa/khỏi “thần bóng tối”.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Valeriya -